Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần 17


Loạn Kiêu Binh
Nước Nam vào thời kỳ Nam Bắc phân tranh (1528-1788). Từ Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê đến nhà Lê trung hưng, nước Nam lại chia làm hai miền: Bắc thuộc họ Trịnh, Nam thuộc họ Nguyễn. Dưới quyền khống chế của họ Trịnh, vua Lê chỉ còn hư vị.
Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê trung hưng lên ngôi chúa về sau, đất kinh kỳ chỉ dùng lính ở ba phủ: Thiệu Thiên, Tỉnh Gia và Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An gọi là lính Tam Phủ hay cũng gọi là Ưu Binh để làm quân túc vệ.
Lính này rất cậy công làm nhiều điều trái phép. Đối với họ Trịnh, nhứt là chúa Trịnh Tông, lính này tỏ ra "dày công hãn mã" hơn nữa, nên chúng càng hoành hành. Vì Trịnh Sâm say đắm nàng Đặng Thị Huệ (tục gọi bà Chúa Chè), bỏ con trưởng là Trịnh Tông mà lập con của Thị Huệ là Trịnh Cán làm chúa. Bọn lính Ưu Binh này phò Tông, làm một cuộc đảo chính, giết Quận Huy (Hoàng Đình Bảo), lật đổ Cán, đưa Tông lên ngôi. Thôi thì từ đó, lính Ưu Binh có tiếng gọi là Kiêu Binh, mặc sức hống hách. Ngay đến chúa cũng sợ họ như cọp.Hàng ngày họ họp nhau lại một chỗ để cùng làm việc triều đinh. Rồi họ viết giấy đệ vào triều nói thẳng việc này nên để, việc kia nên thay. Nhiều khi những việc vô lý, họ cũng bắt buộc triều đình phải làm. Họ lại còn xin gia ơn này ơn khác, không biết thế nào là đủ. Trong triều có ai bàn chuyện phải chăng thì họ dọa sẽ phá nhà, đánh chết. Những lúc xử kiện, có khi họ nhận bên nguyên cáo là người của họ; có khi họ nhận bên bị là người quen rồi ép các người đương sự thay đen đổi trắng. Những người có quan hệ đến họ, nếu có kiện ai, thì họ bắt luôn người ấy và tự đưa ra xử đoán, không cần gì đến quan chức!Các quan đều phải nhịn hơi nuốt tiếng, không dám động chạm đến họ. Triều đình bàn nên xét công ban thưởng trọng hậu, tỏ ý đền ơn cho họ để họ đều được mãn nguyện, rồi sau sẽ dùng phép vua trị họ dần dần.Bọn Kiêu Binh được trọng thưởng bấy giờ mới bảo nhau:
- Chúng ta đã phò ông ấy làm chúa thì cũng đừng làm quấy nhiễu quá, để cho ông biết làm chúa là vui. Chớ xem sau này dần dần thuận cảnh, ông ấy cư xử ra sao. Nếu mà gàn rỡ thái quá, bấy giờ mình sẽ liệu cách mà trị. Quyền mình nguyên vẫn là lính kia mà.

Một hôm trong đám Kiêu Binh có 4 tên lính cưỡng bách một người lái buôn ở Đông Hà để mượn chiếc thuyền bị người đội trưởng phát giác. Cả bốn tên đều bị xử chém. Bọn Kiêu Binh thán oán cho là hình phạt quá nặng, nhưng vì việc đó tự họ trót bới ra nên đành phải im.
Triều đình tự đắc cho là họ đã nép oai, trừng trị họ được.Nhân thái tử Lê Duy Vĩ bị bịnh, Trịnh Sâm bức thắt cổ chết, con là Duy Kỳ bị bắt giam trong ngục Đề Lĩnh, khi Kiêu Binh lập Tông làm chúa thì đem kiệu đến tận nhà giam đón Kỳ về. Tông bị ép nên cùng triều đình lập Kỳ lên ngôi Đông cung, tức Hoàng tự tôn. Kiêu Binh nhân đó kể công, làm giấy tâu lên vua Lê để cầu ân huệ.Nhà vua tuyên chỉ ủy lạo cả bọn. Lại truyền đãi tiệc và bàn cách thưởng công. Giữa lúc bọn Kiêu Binh họp ở trên điện ăn uống, có người chạy đi báo tin với chúa Trịnh Tông. Tông bàn với Quốc sư Nguyễn Khản và Quốc cựu Dương Khuông (em của Dương Thái phi, cậu của Tông). Cả hai chủ trương đem quân vây bắt và giết đi. Tông liền sai Chiêm Vũ hầu đi bắt.Chiêm Vũ vốn có can đảm và sức khỏe, xách gươm ra thẳng cửa phủ. Vừa đi vừa tuốt gươm ra, Vũ sờ vào lưỡi gươm, tự hào nói:- Sắc. Gươm ta sắc. Gươm ta chém được đầu Kiêu Binh.Đoạn dẫn quân đến bao vây. Bọn Kiêu Binh còn đương ăn uống chè chén, nghe tin có lính bắt, ai nấy hỏa tốc chạy trốn. Chiêm Vũ bắt được 7 tên đem về phủ. Tông nghe lời Khản và Khuông đem ra xử tử. Lúc ấy trong triều, ngoài quê đều lấy làm khoái!Bọn Kiêu Binh cả thảy lấy làm oán tức. Họ lại họp nhau bàn bạc. Có người nói:
- Ngày nay được có triều đình, khiến cho vua tôi ngồi yên mà hưởng phú quí đều là sức của chúng mình. Thế mà ... chẳng ơn thì chớ lại còn xem là kẻ thù, động một tí là cho đè nén. Nếu cứ nấn ná nén nhịn, khiến cho cái mưu "bẻ đũa" của họ được thành, thì rồi bọn mình không mặt nào sống sót.
Lại có người chêm vào:
- Chúng ta không biết "bẻ", chỉ biết "đả". Vậy hãy mau mỗi người đấm cho bọn họ một cái để họ đi theo Quận Huy, thử xem họ có bẻ nổi hay không?
Rồi họ hẹn hôm sau, khi tan triều sẽ khởi sự.Các quan trong triều bắt được tin, bán tín bán nghi. Sáng lại, Dương Khuông và Chiêm Vũ hầu đi lén vào phủ chúa. Nguyễn Khảm đóng cửa nằm nhà, không dám vào triều. Tan triều, bọn Kiêu Binh chia nhau đi vây các dinh. Vào nhà Dương Khuông và Chiêm Vũ hầu không thấy hai người, bọn họ tức thì hò nhau phá nhà. Chỉ trong chốc lát cả hai tư dinh đó hóa thành đất bằng.Nguyễn Khảm bắt được hung tin, hoảng hốt thay đổi y phục, theo ngõ tắt chạy trốn thoát được. Còn nhà cửa đều bị Kiêu Binh phá tan tành.Không bắt được ba người, lòng càng căm tức. Họ dò được tin quốc cựu Dương Trung và Chiêm Vũ hầu trốn trong phủ chúa, bèn cùng chia ra chắn kín cửa phủ. Đoạn cho một bọn kéo vào phủ đường đòi Tông đưa hai người ra cho họ. Tông bảo là không có. Họ nói:
- Hai thằng ấy trốn vào phủ, đã có người thấy rõ ràng. Người ta còn nhớ cả giờ chúng đi vào nữa, thế mà chúa còn chối à? Xưa nay chúa nói dối bao giờ?
Dương Thái phi vừa khóc vừa nói:- Cái thân góa bụa nhờ có ba quân phò chúa mới được thế này. Xin chư quân hãy tha mạng hắn cho già được vẹn tình cốt nhục.Bọn Kiêu Binh quát to:
- Tha mạng cậu cấy à? Thế còn hôm nọ bảy mạng chết, ai tha? Nếu còn cố giấu, cung khuyết sẽ hóa thành tro lập tức.

Tông và Thái phi hoảng sợ quá cùng ngồi xuống đất, chấp tay vái lạy.
Bọn Kiêu Binh lại nói:
- Không nói chuyện với đàn bà, chỉ nói chuyện với nhà chúa mà thôi.

Tông nói:

- Bức nhau thế này, thà rằng đừng lập làm chúa cho rảnh.
Họ lại nói:
- Tưởng rằng chúa muốn nên mới cố lập. Không muốn thì có ai ép.
Một người trong bọn chêm vào:
- Nói làm gì nữa? Hãy hạ xuống bệ ...

Tông sợ quá không dám hó hé.
Bấy giờ trời sẩm tối, bọn Kiêu Binh bảo nhau giải tán. Trước khi ra về, họ còn nói dọa:- Bắt chúng ví như bắt cá. Nước sâu thì cá còn lặn. Ngày mai tháo cho cạn nước, thử xem nó có mà bay lên trời.
Đêm ấy, họ canh phòng cửa phủ rất cẩn mật.
Tông bàn với Thái phi là phải mất nhiều của tiền đút cho chúng, may ra mới xong. Thái phi đồng ý. Biết có tên thư lại tên Nhưng Thọ vốn đứa xảo quyệt, bọn Kiêu Binh bàn việc gì cũng phải hỏi nó, nên Tông đưa cho một ngàn lượng bạc, nhờ nó làm sứ giả phân chia cho chúng. Tông còn hứa "công việc xong sẽ còn trọng thưởng."
Hôm sau, Kiêu Binh lại kéo sát vào phủ. Tông và Thái phi lại ra yêu cầu. Họ nói:

- Việc gì phải lắm lời. Cứ vào cửa cấm lùng khắp tòa phủ rồi túm búi tóc lôi ra, hỏi xem cái nắm đũa ấy bẻ được mấy chiếc.
Nhưng Thọ ra hòa giải. Quân lính vốn sẵn tham lợi nên dịu giọng nói:
- Đã thế thì tha cho em ruột Thái phi. Nhưng còn Chiêm Vũ là người giữa trời, chúng tôi phải xin mỗi người một miếng thịt để nhắm rượu, rồi sẽ giải tán ngay.
Tông nói:
- Tha thì tha cả. Sao lại còn phân biệt người nọ người kia.
Bọn họ giận nói:
- Nhà của chúa nếu còn quanh co che chở Chiêm Vũ, hễ chúng tôi điên tiết thì cả Quốc cựu cũng không thể thoát.
Tông sợ quá cho người đến an ủi Chiêm Vũ và khuyên phải ra. Chiêm Vũ trốn trên Lân Các bất đắc dĩ phải trèo xuống thang ra mắt Tông và nói:
- Chết thì chết, nhưng thần xin đôi tay đôi thanh kiếm, đánh với chúng nó một trận, giết chơi vài ba trăm đứa cho hả cái giận của nhà chúa.

Tông khuyên giải:
- Không nên. Như thế chỉ làm cho Thái phi kinh sợ, quả nhân cũng chẳng được yên.Tông khóc, đoạn hứa với Chiêm Vũ là sau khi Vũ chết, sẽ cấp một ngàn mẫu ruộng làm của nối đời, và phong làm phúc thần, bắt dân 10 làng thờ cúng. Tông lại tự viết 6 chữ "Trung nghĩa tráng liệt đại vương" đưa cho Chiêm Vũ. Vũ quỳ xuống nhận lấy, vo tròn mà nuốt rồi lạy tạ Tông bước ra. Khi qua điếm Tiểu Bút, Chiêm Vũ bị bọn Kiêu Binh lôi kéo hỏi:- Gươm sắc của mày ra sao?
Chiêm Vũ đáp:
- Ta không thể dùng thanh gươm đó chém đầu chúng bay là theo lịnh chúa và vì xã tắc đó thôi. Nhưng mà chẳng lâu gì đâu!Chúng toan đánh. Vũ bảo:
- Đây là cấm địa, không thể làm việc vũ phu. Hãy để tao ra cửa phủ ngồi yên, tha hồ chúng bay muốn làm gì thì làm.

Rồi Chiêm Vũ khoan thai bước đến cạnh cầu đá, ung dung ngồi xuống mặt đường, bảo bọn Kiêu Binh:

- Đứa nào muốn làm gì tao, cứ việc mà làm.
Bọn Kiêu Binh lấy gạch đá đập mãi vào đầu. Máu chảy đầy mặt. Chiêm Vũ ngồi yên không động, khẽ lấy tay lau mặt, vừa cười vừa nói:
- Bây giờ tao không thi võ nhưng vẫn còn thi can đảm.
Một tên Kiêu Binh đứng sau dùng dao đâm thẳng vào lưng, bấy giờ Chiêm Vũ mới ngã chết.Vậy mà chưa hả giận, bọn Kiêu Binh lại buộc chúa Trịnh Tông phải xử án trước. Tông bất đắc dĩ phải thi hành. Nguyễn Khản, Dương Khuông đều bị bãi chức làm dân. Bảy tên Kiêu Binh bị chém ngày trước đều được đền mạng.Từ đó bọn Kiêu Binh càng ngông nghênh. Tại các đường phố, họ cứ dắt tay nhau đi. Các vị vương hầu vừa thấy bóng dáng của họ từ xa là phải quay xe lại đi đường khác.
Oai tợn như thế đó, nhưng rất buồn cười là khi chúa Tây Sơn Nguyễn Huệ đem binh từ miền Nam đánh ra, chúng nghe hơi đã run, chưa thấy bóng dáng là đã cuốn vó co giò phóng chạy. Dân chúng đã sẵn căm thù, nên chúng lẻ tẻ chạy đến đâu là bị dân bắt giết.
Hợp cũng không oai danh mà rã cũng không oai danh!

Tào Tháo Thèm Mỹ Nữ
Đời Tam Quốc, Tào Tháo là chúa nước Ngụy, lúc làm Thừa tướng cho Hán triều, oai quyền hống hách, nhứt hô bá ứng. Lúc nào cũng ra vẻ nghiêm trang đạo mạo. Tuy vậy cũng có khi, họ Tào thấy khao khát dục tình, trổ mòi lắm chuyện... để lộ chân tướng.
Nguyên Tào Tháo đem binh đánh Trương Tú đương đóng ở Uyển Thành.
Tú là cháu của Trương Tế. Tế dẫn quân đánh Nam Dương bị tên chết. Tú thấy lực lượng của Tháo quá mạnh nên xin hàng. Tháo bằng lòng, đãi Tú rất hậu, rồi dẫn quân vào Uyển Thành đóng đồn. Quân còn lại thì đóng ngoài thành. Dinh trại liên tiếp nhau dài hơn 10 dặm. Để vừa lòng họ Tào, Trương Tú ngày nào cũng bày tiệc khoản đãi.Một buổi tối, sau khi rượu thịt no say, Tháo lui về phòng ngủ. Phòng vắng lạnh, men rượu ngà ngà, Tháo cảm thấy con người bức rức, sự thèm khát trỗi dậy, mới hỏi nhỏ kẻ tả hữu:- Trong thành này có ... kỹ nữ không?Con người anh của Tháo là Tào An Dân biết ý chú, bí mật thưa rằng:- Chiều hôm qua, cháu thấy ở cạnh quán xá có người đàn bà nhan sắc mười phần diễm lệ. Hỏi ra mới biết là thím của Trương Tú tức là vợ của Trương Tế. Vậy nếu có thể ... thì ...- Hẳn mi thấy rõ là đẹp đấy chớ?- Người rất đẹp, chú thấy chắc vừa lòng ngay.Tháo thấy lòng dục bừng bừng nổi dậy, lấy làm mừng rỡ, vội bảo An Dân đem ngay 50 giáp sĩ đi bắt. Lát sau, đem về trung quân, Tháo ngắm nhìn nàng quả nhiên tuyệt đẹp. Tháo đắc ý hỏi họ. Thiếu phụ đáp:- Thiếp là vợ của Trương Tế, người họ Chu.Tháo hỏi:- Phu nhân có biết tôi chăng?Chu thị thưa:- Nghe danh Thừa tướng đã lâu, đêm nay mới được chiêm bái, hân hạnh cho thiếp biết chừng nào.Tháo ra vẻ nghiêm nghị, lên giọng tán:- Chính vì tôi nể phu nhân mới chấp nhận cho Trương Tú hàng đấy. Nếu không thì đã giết cả ba họ rồi.Chu thị chấp tay vái tạ rằng:- Cảm ơn tái sinh này biết mấy.Tháo lại dỗ:- Hôm nay được gặp phu nhân quả là trời dun dủi. Vậy bây giờ xin hãy cùng nhau vui vầy cá nước, rồi mai đây cùng ta về Hứa Đô an hưởng phú quý. Phu nhân lòng nghĩ thế nào?Chu thị tỏ vẻ bẽn lẽn, một lúc mỉm cười tạ ơn. Thế rồi đêm ấy, cả hai mặc sức giao hoan thủ lạc. Đêm trường ân ái, Chu thị thấy cảm ngay họ Tào nên thỏ thẻ:- Nếu ở lâu trong thành này ắt Trương Tú sinh nghi, và cũng sợ người bàn tán nữa.Tháo an ủi:- Được rồi, ngày mai ta đưa phu nhân cùng ra ở trại lớn là yên.Hôm sau cùng nhau dời ra ngoài thành ở. Tháo truyền cho tướng mạnh là Điển Vi vào trung quân, bảo ngủ ngay bên ngoài trướng phòng vệ. Ngoài ra bất cứ ai, nếu không có lịnh gọi đến bị cấm hẳn, không được vào. Tháo ngày đêm vui thú với Chu thị, say sưa hoan lạc, mê mẩn đến quên hẳn ngày về.Chuyện dâm loạn khó dấu được. Tú có người mật báo, lấy làm tức giận cho là một sỉ nhục ghê gớm nên bí mật hội chư tướng của mình lại, giữa đêm tấn công vào trướng của Tháo và Chu thi đương ở.Tướng Điển Vi dù mạnh nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, cuối cùng bị tên chết tại trận. Tào An Dân bị băm nát như bùn. Người con cả của Tháo là Tào Ngang trong cuộc ủng hộ Tháo chạy trốn bị loạn tên chết. Tháo chạy bán sống bán chết, may nhờ các tướng kéo quân đến tiếp cứu, không thì cũng táng mạng.Trận này, họ Tào hú hồn hú vía.Thế là tướng yêu, cháu ruột, con cưng cùng một số lính chết oan mạng vì Thừa tướng trong một lúc thèm kỹ nữ.

Chim Việt Ngựa Hồ
Cổ thi có câu:
Hồ mã tê Bắc phong,
Việt điểu sào Nam chi.
Nghĩa là:
Ngựa Hồ hí gió Bắc,
Chim Việt ở cành Nam.

Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Vì khi thu sang, phương Bắc có nhiều chỗ có giống lúa mới vừa chín, lại thêm có nhiều hoa quả. Trái lại ở phương nam vì mới giao mùa, lúa vừa đọng sữa, cây trái hiếm. Do đó, chim Việt phải đổ sang đấy kiếm ăn.
Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương cố quốc.Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh, mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.
Có sách lại chép: nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương bắc hí vang lên những tiếng bi thảm."Chim Việt ngựa Hồ" trở nên thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.
Trong tác phẩm "Trinh thử" của Hồ Huyền Qui có câu: "Chỉ con chim Việt đỗ rày cành Nam".

Lễ Hôn
Ở Việt Nam, những nghi lễ về cưới gả vốn của Trung Hoa truyền sang từ thời Bắc thuộc (111 trước D.L.) do hai quan thái thú Tích Quang và Nhâm Diên.Hẳn vào thời kỳ xa xưa, người Việt Nam xây dựng hôn nhân có lẽ giản dị lắm. Thế nên quan lại Trung Hoa sang cai trị đất Giao Chỉ phải dạy dân cưới gả theo nghi lễ phiền phức của họ.Theo cổ tục, hôn lễ có 6 lễ:
1/ Nạp thái: lễ coi mắt, chọn lựa.
2/ Vấn danh: lễ hỏi tên họ, tuổi.
3/ Nạp kiết: lễ bói xem hai tuổi có hợp nhau không.
4/ Nạp trưng: nạp sính lễ như tiền bạc, quần áo, nữ trang...
5/ Thỉnh kỳ: định ngày cưới.
6/ Thân nghinh: lễ rước dâu.
Tuy kết hôn theo kiểu Tàu nhưng người Việt Nam đã bỏ bớt một số nghi lễ phiền phức mà chỉ còn giữ ba lễ chính:
1/ Lễ vấn danh (lễ dạm) là lễ do nhà trai nhờ mối (mai) đến hỏi tên tuổi người con gái để so hai tuổi trai gái xem có hợp nhau không (sung khắc hoặc tương hợp theo số tử vi).
2/ Lễ nạp trưng (lễ hỏi) là lễ đem đồ sính lễ đến nhà gái.
3/ Lễ thân nghinh là lễ họ nhà trai đến nhà gái rước dâu về.
Việc hôn nhân do cha mẹ định đoạt (phụ mẫu chi mạng) hay do lời nói của người mối lái (môi chước chi ngôn). Con cái không có quyền định đoạt mối lương duyên của mình.Khi cha mẹ ưng ý một người con gái nào hoặc vì nết na, đảm đang, hoặc vì địa vị gia đình (môn đăng hộ đối) thì nhờ người mối (băng nhân) đến điều đình. Nếu nhà gái thuận thì người mối đem lễ đến nhà gái xin "lộc mạng" hay "bát tự", tức là giấy ghi chép giờ, ngày, tháng, năm sinh của người con gái. Nếu thấy số so tuổi hai người trai gái được tương hợp thì nhà trai cùng người mối đem lễ vật đến nhà gái để sính ước. Lễ này gọi là lễ nạp trưng, lễ nạp lệ hay cũng gọi là lễ hỏi.Từ đấy, cứ đến ngày nhà gái có giỗ, người con trai phải đến cúng. Và theo những ngày lễ tết trong một năm, phải đem đồ lễ tết đến nhà vợ chưa cưới. Lễ tết dài trong bao nhiêu năm không chừng. Vì người Nam có tục hỏi vợ cho con ngay từ lúc con còn nhỏ, đợi đến gần tuổi trưởng thành mới cưới hẳn, hoặc bị tang chế phải đợi.Cũng có tục bắt con trai đến nhà gái làm giúp đỡ công việc trước khi cưới, tục gọi làm rể hay giữ rể. Nhưng thường con trai nhà nghèo mới chịu cách này.Sau lễ hỏi, nhà gái đem trầu cau biếu người trong họ, bằng hữu để báo tin mừng. Nếu đôi trai gái đã trưởng thành mà lỡ gặp người trong họ chết thì có thể hỏi cưới ngay để tránh sự ngăn trở bởi tang chế. Như vậy tục gọi là cưới chạy tang.Trước ngày cưới (lễ nghinh thân) nhà trai cho mối đến điều đình về món tiền và lễ vật cưới. Đến ngày đón dâu, chú rể cùng họ hàng khăn áo tốt đẹp chỉnh tề, họp thành một đoàn, chọn giờ hoàng đạo, kéo đến nhà gái do một người chủ hôn đi đầu hướng dẫn. Người chủ hôn (thường chọn người cao tuổi, vợ chồng song toàn có con cháu đông đúc) mặc lễ phục, bưng quả hộp đựng trầu cưới và tư trang của cô dâu, mở lối, rồi đến các người dẫn lễ, sau đến chú rể cùng hai người phù rể, sau là cha mẹ và họ hàng đàng trai.Tất cả lễ vật cũng như số người đều không được lẻ mà phải đủ đôi đủ cặp.Trong khi đến nhà gái, dọc đường, họ nhà trai thường gặp những đám giăng dây. Phải nộp tiền, họ mới mở lối cho đi. Nếu lấy vợ ở làng khác, lệ giăng dây còn sinh ra nhiều phiền nhiễu. Vì mỗi ngõ phải qua, họ nhà trai thường gặp nhiều đám giăng dây. Có đám bày cả hương án với đỉnh trầm, đèn nến, giá hương, độc bình, trên giăng một sợi dây điều kèm một cây kéo cắm trong bình hương do tuần tráng bầy ra. Khi họ đàng trai nạp tiền rồi mới cắt dây cho đi. Đó là một thứ tiền phụ, còn có số tiền nộp cheo phải trả cho làng để làng công nhận việc hôn thú.Nhiều khi, trong họ nhà gái, có người ra đón tại cổng để lấy tiền nhà trai rồi mới mở cổng cho vào. Hoặc chính người em hay người cháu đích trưởng nhà gái đóng cả cửa từ đường lại để đòi tiền rồi mới mở ra. Những tục lệ này không được phổ thông bằng tục lệ giăng dây.Bấy giờ vị chủ nhân họ nhà trai (hay mai nhân) đem đồ nữ trang và đôi đèn cầy đi thẳng lại bàn thờ để khai hộp giữa bàn. Hai ông sui trai gái, mỗi người lãnh lấy một cây đèn cắm vô chưn đèn rồi đốt lên. Mai nhân họ nhà trai trình cho mai nhân họ nhà gái những lễ cưới. Đoạn chú rể cô dâu làm lễ từ đường, rồi lạy cha mẹ, mai dong, thân tộc. Bà con họ hàng muốn cho tiền thì cho ngay lúc cô dâu chú rể đương lạy mình.Lễ xong, nhà họ gái đãi trà mứt rồi tiệc rượu. Trong lúc này cũng như trong họ nhà trai đến, họ thường đốt pháo để cảnh thêm tưng bừng vui vẻ.Ăn uống xong đoạn rước dâu về.Khi đưa dâu, họ nhà gái chọn người cao tuổi cầm bó hương đi trước. Rồi họ hàng dẫn cô dâu theo sau. Có hai cô phù dâu đi cạnh hai bên cô dâu.Về đến nhà trai, cô dâu chú rể đến bàn thờ làm lễ gia tiên, rồi lạy cha mẹ, mai dong, thân tộc như bên nhà gái, đoạn làm lễ nhập phòng. Trước khi vào phòng, cô dâu phải bước qua cái hỏa lò than hồng để xua đuổi tà khí.Trong phòng cưới có đặt sẵn một mâm trầu rượu gọi là "mâm tơ hồng". Người chồng lấy trầu lễ tơ hồng trao một nửa cho vợ lại rót một chén rượu, uống một nửa trao cho vợ uống. Đó là lễ Hợp Cẩn hay lễ Giao Bôi.Ba hôm sau, hai vợ chồng cùng trở về nhà vợ làm lễ từ hỉ hay "lại mặt" hay cũng gọi là lễ "giở mâm trầu". Rồi vợ chồng cùng đi chào họ hàng nhà vợ. Sau lễ cuối cùng này, hai vợ chồng lại trở về nhà chồng. Từ đấy, người vợ không còn quan hệ mật thiết đến gia tộc mình nữa (nữ nhân ngoại tộc).

Hoả Ngưu Trận
Tướng nước Yên là Nhạc Nghị đem quân đánh nước Tề. Trong vòng 6 tháng mà hạ được 70 thành của Tề. Chỉ còn hai thành thôi là Cử Châu và Tức Mặc đương hấp hối trước lực lượng của Yên. Riêng thành Tức Mặc bị bao vây rất ngặt.
Tướng giữ thành Tức Mặc chết. Điền Đan được cử lên thay. Hàng ngày, Điền Đan tay cầm ván, thuổng cùng sĩ tốt làm việc. Họ hàng thê thiếp đều ghép vào hàng ngũ cả. Người trong thành đều sợ mà được yên.
Nhạc Nghị vây suốt ba năm mà không hạ được thành, bèn rút quân lui ra 9 dặm, đắp lũy để giữ. Lại hạ lịnh rằng: Dân trong thành Tức Mặc nếu có ai ra kiếm củi thì cứ cho ra tự do, ai đói thì cho cơm ăn, ai rét thì cho áo mặc. Ý muốn cho dân trong thành cảm phục mến đức mà qui hàng.
Quan đại phu nước Yên là Kỵ Kiếp gièm pha với vua Yên là Nhạc Nghị không muốn hạ thành Tức Mặc sớm, cố kéo dài để xem ân uy kết chặt lòng dân Tề, mục đích sẽ tự lập làm vua Tề vậy. Dò được tin đó, Điền Đàn liền bí mật cho người sang Yên đồn đãi lên rằng: người Tề chỉ sợ nhất là Nhạc Nghị đến, thì thành Tức Mặc sẽ bị phá, Nghị hoãn thành là để chờ cơ hội lên làm vua.
Yên Huệ vương đã sẵn nghi Nhạc Nghị nay nghe lời đồn đãi hợp với lời nói của Kỵ Kiếp nên sai Kỵ Kiếp thay Nhạc Nghị và rút Nghị về nước. Nghị sợ bị giết, nghĩ mình vốn người nước Triệu nên bỏ trốn về Triệu.Kỵ Kiếp được thay quyền làm tướng, vừa đến lũy được ba ngày liền đem quân đánh Tức Mặc, bao vây thành mấy vòng, tưởng con kiến con ong cũng khó chui ra.
Trong thành phòng giữ rất vững. Tuy vậy quân sĩ cũng lấy làm lo.Một buổi sáng, Điền Đan sớm dậy nói với người trong thành:- Đêm hôm ta nằm mộng thấy Thượng đế bảo ta rằng Tề sẽ thắng, Yên phải thua. Ngày nào đây sẽ có thần nhân làm quân sư cho ta, đánh trận nào thắng trận nấy.Giữa lúc ấy có một tên lính đứng thập thò bên cột trông vẻ ngớ ngẩn, Điền Đan liền bước đến chụp lấy tay nó, nói với mọi người:- Đây rồi. Vị thần nhân mà ta thấy đêm hôm chính là người này.Đoạn, Đan kính cẩn mời nó vào trướng. Tên lính ngẩn ngơ, không biết ất giáp gì, sợ tái mặt lập cập thưa:
- Tôi thực không có tài gì, xin tướng quân tha cho.

Điền Đan nghiêm nghị bảo:
- Mày bôi mặt đỏ, mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, mang hia đỏ, ngồi trên cái ghế cao kia để tao lạy mày nghe chưa?- Không dám.Điền Đan trợn mắt, quát:- Không dám thì tao đập đầu mày vỡ như cám. Mày phải vâng lời, nghe chưa?
Tên quân hoảng sợ:
- Dạ, xin nghe.Đan lại bảo:- Mày tự xưng là "Tướng nhà Trời" do Ngọc Hoàng Thượng đế sai xuống để cứu nước Tề đây, nghe chưa?- Dạ!
- Rồi mày ngồi yên lặng trên ghế cao đó, để cho tao lạy mày và các tướng sĩ lạy mày. Mày nghe chưa?
- Dạ!
- Rồi mày nói to lên: "Các tướng sĩ hãy lui ra hết, một mình tướng quân ở lại đây nghe ta truyền mật lịnh để cứu nước Tề". Mày nghe chưa?
- Dạ!- Xong rồi, mày làm thinh, đừng nói gì nữa hết, nghe chưa?
- Dạ!
- Nếu mày không làm đúng như lời tao dặn, tao sẽ chém đầu mày cho mày chết không kịp ngáp. Nghe chưa?- Dạ!
Tên lính ngờ nghệch ấy răm rắp tuân lịnh, bôi mặt đỏ, mặc quần áo đỏ, đội mũ đỏ rồi trèo lên chiếc ghế cao ngồi chóc ngóc trên đó.Tướng Điền Đan liền truyền lịnh cho tất cả tướng sĩ tụ họp vào trong dinh để nghe lịnh của "Tướng nhà Trời". Hàng ngàn tướng sĩ đến nơi thấy một cảnh tượng vô cùng kỳ dị: chủ tướng Điền Đan mình đang mặc cẩm bào đương sụp lạy một hình người mặt đỏ, áo đỏ, mũi đỏ, hia đỏ, ngồi chót vót trên ghế cao. Bỗng hình người phán:- Ta là tướng nhà Trời do Ngọc Hoàng Thượng đế sai xuống để cứu nước Tề đây, nghe chưa?Điền Đan cúi đầu cung kính đáp:- Dạ!
Đoạn sụp xuống lạy "Tướng nhà Trời".
Toàn thể tướng sĩ lúc bấy giờ không ai bảo ai, cũng răm rắp một loạt lên tiếng:
- Dạ!

Rồi sụp xuống lạy.
"Tướng nhà Trời" lại bảo:- Các tướng sĩ hãy lui ra hết, một mình tướng quân ở lại đây nghe ta truyền mật lịnh để cứu nước Tề. Nghe chưa?- Dạ!
Nghe "Tướng nhà Trời" truyền dạy như thế nên tất cả mọi người lạy 3 lạy rồi lui ra, chỉ để Điền Đan ở lại lãnh mật lịnh. Bấy giờ ai cũng sợ sệt nhưng rất mừng vì tin tưởng có Tướng nhà Trời làm quân sư thì nước Tề sẽ thắng trận và được hưng vượng. Tin "Tướng nhà Trời" được loan truyền ra tận ngoài thành đến dinh Yên. Nhưng quân Yên chưa tin.Điền Đan truyền lịnh của Tướng nhà Trời cho dân chúng trong thành: ngày 2 buổi, trước bữa ăn phải đem hoa quả thực phẩm bày ra sân để tế tổ tiên. Như thế sẽ được tổ tiên phò hộ cho. Dân chúng đều triệt để tuân theo. Những chim chóc bay ngang thấy có đồ tế liền sà cách xuống đớp mỗi ngày hai buổi. Chúng lượn đi lượn lại rợp trời rợp đất. Được mồi ngon, chúng lại kêu hót líu lo, cực kỳ vui thích.Quân Yên bao vây bên thành trông thấy lấy làm lạ lùng quái dị, chuyến này tin chắc là có hẳn tướng nhà Trời. Chúng hoang mang vô cùng. Đã có Trời giúp thì làm sao địch nổi. Nếu địch lại thì trái mạng Trời. Nếu trái mạng trời thì phải toi mạng.
Quân Yên bấy giờ cực kỳ hoang mang, tinh thần bắt đầu giao động.Điền Đan lại cho thám tử lẻn qua trại Yên đồn đãi rằng: "Nhạc Nghị trước kia hiền quá, bắt được người Tề không giết, nên người trong thành không sợ. Nếu thẻo mũi đi thì người Tề trong thành Tức Mặc kinh khủng mà đầu hàng". Kỵ Kiếp nghe thế liền truyền đem những quân lính Tề bị bắt trước kia, cả đến những quân lính hàng đều thẻo mũi cả.
Người trong thành nghe thế vừa sợ vừa tức, bảo nhau nhứt quyết giữ thành. Nếu lôi thôi, chẳng may thành hạ thì họ bị bắt, dù có đầu hàng cũng bị địch bắt thẻo mũi.
Điền Đan lại cho người đồn đãi qua trại Yên. Dân chúng ở trong thành nhưng mồ mả tổ tiên của họ đều xây đắp ở ngoài thành. Nếu quân sĩ nước Yên đào những mồ mả ấy thì người nước Tề vì sợ cái nạn quật mồ tổ tiên mà đầu hàng hết. Kỵ Kiếp liền sai quân lính đào hết mồ mả ở ngoài thành, đốt thây người chết, quăng bỏ hài cốt.Dân chúng trong thành nhìn thấy đều khóc nức nở, căm thù quân Yên cực độ, quyết một phen rửa hận và nguyện uống máu ăn gan của quân bạo tàn man rợ. Họ cùng kéo nhau đến quân môn, yên cầu Điền Đan cho họ ra đánh một trận để báo thù cho tổ tông. Thấy lòng căm phẫn của dân đã đến cực độ, Điền Đan mừng thầm cho là quân lính đã đến lúc dùng được. Nhưng Đan chưa cho đánh vội.Đan sai sứ đưa lễ sang quân Yên bảo rằng lương thực trong thành đã hết, và định ngày đầu hàng. Kỵ Kiếp tự đắc hỏi các tướng sĩ:- Ta sánh với Nhạc Nghị thế nào?Các tướng đều nói:- Thật tài hơn Nghị vạn bội.
Rồi chúng lại nhảy nhót, vui mừng, tung hô vạn tuế.Điền Đan thu trong dân chúng được hơn ngàn vàng, sai những nhà giàu đem biếu riêng các tướng Yên, yêu cầu trong ngày hạ thành, họ bảo toàn gia quyến cho. Các tướng Yên cả mừng, nhận vàng rồi giao cho mỗi nhà một lá cờ nhỏ, cắm ở trước cửa để làm dấu hiệu. Chúng rất tin chắc, không phòng bị, chờ ngày Điền Đan khai thành đầu hàng.Điền Đan liền chuẩn bị tổng phản công.Đan sung công tất cả trâu của dân chúng. Trâu đực, trâu cái, trâu mẹ, trâu con, trâu già, trâu nghé ... có hơn ngàn con đều được tập trung ở một khu đất trống trong thành. Đan lại tuyên bố đây là mưu kế của Tướng nhà Trời bày ra cho ông để tiêu diệt quân Yên mà đem thắng lợi cho nước Tề.Tất cả một ngàn con trâu đều mang một lớp áo đỏ vào thân, vẽ thêm màu sắc lòe loẹt. Gươm, giáo, mác cột chặt vào sừng trâu đưa mũi nhọn sắc ra trước. Mỗi đuôi trâu lại buộc một nùi cỏ khô tẩm dầu chai.Người ta không hiểu để làm gì.Hoàng hôn xuống. Điền Đan liền cho giết một con trâu làm tiệc. Đoạn cho năm trăm quân cường tráng ăn uống no say, vẽ 5 màu sắc vào mặt, mặc y phục đỏ, cầm k hí giới và chạy theo sau trâu.Trời đã khuya. Giờ khởi binh đã điểm. Tức thì cửa thành mở hoác, lùa trâu ra. Đồng thời đốt bó cỏ buộc ở đuôi trâu. Lửa cháy, trâu bị nóng quá, rống lên đâm đầu chạy xông qua dinh Yên. Năm trăm tráng quân cắm cổ chạy theo.
Quân Yên cứ tin chắc là hôm sau, quân Tề đầu hàng, sẽ kéo vào thành nên đang đêm chỏng cẳng ngủ thẳng. Thốt nhiên có tiếng ầm ầm như đất lở trời đổ, chúng giựt mình tỉnh dậy, trông ra thấy có hàng ngàn ngọn đuốc sáng rực như ban ngày. Những con vật kỳ quái xồng xộc băng băng chạy đến, lại rống lên những tiếng rùng rợn. Theo sau đó, một đoàn người dị thường hung hăng xông theo. Quân Yên hồn bay phách tán tưởng như một đoàn mãnh thú quái dị và lũ quỷ sứ mặt ngũ sắc của tướng Trời chỉ huy.
Hàng ngũ quân Yên rối loạn. Chạy đâu cũng không thoát. Những cặp sừng húc vào đâu thì người bị thương toi mạng, ruột gan lòng thòng, máu chảy dẫy đầy. Năm trăm tráng quân chẳng nói chẳng rằng, tay cầm dao lớn búa to cứ gặp người là chém, là bửa. Năm trăm người mà khí thế bằng mấy vạn quân.Khủng khiếp quá, quân Yên mặt mày không còn một hột máu, tiểu đại xổ ra một lần. Nhưng nào thoát mạng được.Điền Đan lại thân xuất người trong thành reo hò chạy đổ đến. Những kẻ già yếu và phụ nữ đều cầm dùi đánh vào những đồ đồng, đồ thiếc, tiếng vang dội khắp trời đất. Quân Yên càng khiếp đảm, chạy tán loạn, đạp nhau chết vô số. Thây nằm ngổn ngang như rạ, máu đổ lan mặt đất như nước sông.Tướng Kỵ Kiếp ôm đầu lủi chạy, bị Điền Đan đâm một giáo chết không kịp la.Quân Yên đại bại.
Thừa thắng, Điền Đan cử một cuộc tấn công, đánh thẳng đến sông Hoàng Hà, phía bắc nước Tề, khôi phục hơn 70 thành. Các thành ấy nghe quân Tề đắc thắng đều phản Yên mà trở lại với Tề.Thật là một trận giặc trâu kinh khủng trong lịch sử thế giới.Trong bài "Con trâu" của Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc) có câu:

Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu.

Cụ Huỳnh Mẫn Đạt, trong bài "Con trâu già" cũng có câu:
 

Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa,
Tai điếc buồn nghe Ninh Thích ca.


 "Đốt đít" và "Điền Đan hỏa" là do điển tích trên.

Hết Phần 17

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét