Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Lịch Sử Nhân Chủng Sài Gòn Và Các Vùng Phụ Cận



Lịch Sử Nhân Chủng Sài Gòn Và Các Vùng Phụ Cận:

Lịch sử nhân chủng của vùng đất Sài Gòn không dừng lại trong khoảng thời gian 1620-2009, nghĩa là từ ngày công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Oudong đến nay, khoảng gần 400 năm. Các nhà khảo cổ học Tây phương và Việt Nam đã bắt đầu khảo sát và khai quật các di chỉ của vùng đất nầy ngay từ giữa thế kỷ thứ XX. Trước năm 1945, các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy nhiều địa điểm khảo cổ, nhưng không khai quật hết được. Người ta đã khai quật được nhiều di chỉ cho thấy nơi đây ngày trước đã từng là vùng cư trú của những bộ tộc cổ từ khoảng 3.000 đến 4.000 năm trước. Sau đó, nơi nầy là vùng tiếp giáp giữa nhiều vương quốc cổ từ khoảng đầu Tây lịch đến thế kỷ thứ VII. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVI, nghĩa là trước khi có sự hiện diện của những lưu dân Việt Nam đầu tiên ở đây, vùng Sài Gòn-Gia Định đã từng là nơi gặp gỡ của nhiều cộng đồng cư dân, nơi chứa đựng nhiều nền văn minh cổ trong khu Đông Nam Châu Á. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ thứ XVII, nghĩa là trước khi có sự hiện diện của những cư dân Việt Nam, thì vùng Sài Gòn Gia Định đã bị bỏ hoang và đã biến thành những khu rừng ma thiêng nước độc, không có cư dân. Từ trước năm 1975, nhiều nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đã phát hiện nhiều di chỉ chứng tỏ sự hiện diện của những cộng đồng cư dân cổ trong vùng. Đặc biệt, sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tuần tự khai quật những di chỉ quan trọng. Theo kết quả của những khai quật khảo cổ về cư dân cổ tại vùng Sài Gòn-Gia Định thì lịch sử nhân chủng của vùng đất nầy có thể lui về nhiều thế kỷ trước Tây lịch. Qua những kết quả khảo cổ, người ta đã tìm thấy chứng tích của sự xuất hiện của con người trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định từ thời kỳ đồ đá cho đến thời kim khí. Những cư dân cổ nầy đã có kỹ thuật và trình độ canh tác nông nghiệp khá cao. Họ không chỉ sống trên những vùng cao của miền Nam Tây Nguyên, mà ngược lại họ đã chinh phục cả một vùng trũng rộng lớn của Nam Phần. Người ta cũng tìm thấy sự tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh, sự phát triển rực rỡ của thời đại kim khí trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ngày nay. Như vậy, qua các công trình khảo cổ, người ta đã tìm thấy sự hiện diện của những di chỉ hết sức phong phú trải dài trong khoảng hơn 30 thế kỷ trước văn hóa Óc Eo. Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng bức tranh nhân chủng về những cư dân cổ trên vùng đất nầy vẫn còn nhiều khoảng trống chưa khỏa lấp được. Không như cư dân cổ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cư dân cổ trong vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định có lịch sử gắn liền với các cư dân cổ trong vùng Tây nguyên xuống vùng châu thổ sông Đồng Nai, tuy nhiên, đến nay khảo cổ chưa tìm ra được nhiều bằng chứng xác thực về mối quan hệ nầy, mặc dầu trên thực tế với sự khảo sát qua các cư dân cổ còn sót lại trong vùng như dân tộc Mạ, Stiêng, Cơho... người ta thấy rõ ràng họ có mối quan hệ rất mật thiết với những nhóm dân tộc thiểu số trên Tây nguyên. Hiện tại tình trạng khảo cổ tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định rất phức tạp và khó khăn vì vị trí thuận lợi của nó nên khi tới đây cư dân cổ và mới đều muốn định cư lại đây, thế là hết lớp cư dân nầy đến lớp cư dân khác cứ nối tiếp nhau xây dựng những kiến trúc cư trú, rất có thể kiến trúc nầy đã được xây chồng lên kiến trúc cổ trước đó. Riêng tại phía đông nam vành đai Sài Gòn có bán đảo Cần Giờ. Đây là vùng ngập mặn nằm ngay các cửa sông lớn như các sông Soài Rạp, sông Vàm Sát, sông Đồng Tranh, sông Lòng Tàu, sông Ngã Bảy, sông Dừa, sông Gò Gia, và sông Thị Vải, vân vân, nên vùng bán đảo Cần Giờ là một trong những vùng biển miền Nam có hệ thống sông rạch chằng chịt như mạng nhện, chen lẫn những giồng cát ven biển, có bề mặc lồi hướng ra biển. Theo các nhà địa chất học thì vùng bán đảo Cần Giờ có lẽ đã được thành lập cách nay khoảng từ 5 đến 6 ngàn năm trước. So với các vùng khác của thành phố Sài Gòn(11), thì vùng Cần Giờ thấp và trũng hơn nhiều vì khi các vùng sâu trong nội địa Sài Gòn đã được phù sa các sông Sài Gòn và Đồng Nai bồi đắp và đã định hình một cách rõ rệt thì bán đảo Cần Giờ vẫn chưa có định hình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nơi đây cũng đã có dấu vết cư dân cổ từ rất sớm. nghĩa là cư dân cổ đã tìm đến cư ngụ trên các giồng cát cao trên bán đảo Cần Giờ ngay từ lúc các cửa sông vẫn còn chìm trong biển. Toàn vùng Cần Giờ được bao phủ bởi một thảm thực vật có hệ sinh thái của vùng ngập mặn. Qua những di chỉ khai quật được từ các giồng như Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ và Giồng Cá Trăng, người ta đã khám phá những di tích thể hiện sự hội tụ nhiều yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai trên nền tảng của loại hình di chỉ cư trú, đồ gốm và phương thức mai táng. Trong khi đó tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua kết quả khai quật các di chỉ khảo cổ, người tìm thấy đa phần những di chỉ nầy có niên đại tiền Óc Eo(12), Óc Eo(13), hậu Óc Eo(14), hoặc tiền Angkor(15), Angkor(16) hay hậu Angkor(17). Điều nầy cho thấy vùng Sài Gòn-Gia Định đã có những cư dân cổ trước vùng đồng bằng sông Cửu Long rất lâu, có thể lâu đến hàng chục thế kỷ trước Tây lịch

Sau khi chiến tranh Nam Bắc chấm dứt vào năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã bắt đầu đổ xô về khai quật các di chỉ ở Cần Giờ. Từ những năm từ 1976 đến 1978, người ta đã thực hiện ba cuộc khai quật. Từ năm 1992 đến năm 1994, qua những khám phá, người ta đã có thể phác họa lại lịch sử của vùng bán đảo Cần Giờ từ hơn hai ngàn năm trước. Những khu di chỉ trên bán đảo Cần Giờ bao gồm những khu sản xuất đồ gốm sứ ngay trên nền đất sét ven biển, những khu mộ táng, mà đa số là chum táng, tức là chôn trong các chum hủ. Những di vật, đồ tùy táng, và đồ gốm sứ của các khu mộ táng trên bán đảo Cần Giờ rất phong phú và độc đáo. Đặc biệt các loại gốm sứ trên Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt cho chúng ta một khái niệm khá rõ rệt về sự liên hệ giữa bán đảo Cần Giờ và các vùng khác. Chỉ riêng tại hai giồng Cá Vồ và Giồng Phệt, người ta đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm sứ mang cung cách và phong thái văn hóa Đồng Nai, Óc Eo, hay xa hơn về phía bắc là văn hóa Sa Huỳnh. Điểm đặc biệt nhất của những khám phá trên các Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt là người ta không tìm thấy các công cụ sản xuất nông nghiệp. Điều nầy chứng tỏ cư dân cổ trên bán đảo Cần Giờ không khác với cư dân của vương quốc Phù Nam, họ cũng có nền văn hóa chỉ phát triển về thương mại và khai thác rừng biển mà thôi. Cách nay hai ngàn năm trước, vương quốc Phù Nam có hải cảng Óc Eo, một trong những hải cảng lớn nhất trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, nhưng Óc Eo cách vùng Cần Giờ cũng khá xa nên việc vận chuyển hàng hóa lên miền Đông bằng đường bộ rất khó khăn. Theo những di chỉ đã khai quật cho thấy một số di chỉ đã được du nhập từ các nơi khác. Như vậy, rất có thể ngày trước về phía đông bắc của vương quốc Phù Nam tại vùng bán đảo Cần Giờ, người ta đã từng thiết lập một hải cảng, tuy không sầm uất như hải cảng Óc Eo ở vùng Long Xuyên, nhưng rất thuận tiện trong việc tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa cho các vùng miền Đông, như các vùng Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Long và Phước Long, vân vân. Theo các di chỉ khai quật được, các nhà khảo cổ học cho rằng việc trao đổi hàng hóa giữa vùng cảng Cần Giờ và các vùng đất miền Đông không chỉ đơn thuần là Cần Giờ luôn đem hải sản lên trao đổi với lâm sản và những đồ gốm sứ tại các vùng nầy, mà Cần Giờ còn có khả năng xây dựng những cơ sở sản xuất đồ gốm sứ cho địa phương như người ta đã tìm thấy những dấu tích về các cơ sở sản xuất gốm sứ tại Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, vân vân. Hơn thế nữa, qua những di vật tìm thấy tại các vùng Dốc Chùa, Suối Chồn, Phú Hòa, và Long Bửu ở lưu vực sông Đồng Nai, cũng như Gò Cao Su và Gò Ô Chùa ở lưu vực sông Vàm Cỏ, các nhà khảo cổ học cho rằng có thể cảng Cần Giờ đã từng đem những sản phẩm gốm sứ địa phương của mình lên cạnh tranh với gốm sứ miền Đông. Dựa trên những khám phá mới nầy, các nhà khảo cổ học có thể khẳng định rằng nhờ lợi thế về vị trí địa lý: cầu nối giữa sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và các vùng thuộc lưu vực sông Đồng Nai, nên mối quan hệ thương mại giữa Cần Giờ và các vùng miền Đông Nam Phần trong thời kỳ vài thế kỷ trước và vài thế kỷ sau Tây lịch đã góp phần không nhỏ trong quá trình thành hình nền văn minh Óc Eo. Từ đầu tây lịch cho đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch là thời kỳ tồn tại của nhiều tiểu quốc ở miền Nam Đông Dương, mà bây giờ là Nam Kỳ. Vùng đất Prei Nokor thời đó là miền đất có quan hệ với nhiều tiểu quốc đó(18). Những phát hiện vừa kể trên chứng tỏ sự tồn tại của văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, và hậu Óc Eo với những nét riêng trên vùng đất Sài Gòn(19). Đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh thời kim khí, thời kỳ có niên đại khoảng 3.000 năm trước nền văn hóa Óc Eo.

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới: https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

--------------------

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Lịch Sử Vùng Kas Krobei-Prei Nokor:


Lịch Sử Vùng Kas Krobei-Prei Nokor:

Về mặt lịch sử Nam Tiến mà nói, dầu tính đến nay vùng đất Kas Krobei-Prei Nokor (Sài Gòn-Chợ Lớn) đã có hơn 300 năm lịch sử nếu chúng ta lấy mốc từ năm 1698 khi quan Thống Suất Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam xác lập hệ thống hành chánh cho vùng đất nầy. Ngay từ năm 1698, xứ Đàng Trong đã xác lập rõ ràng Sài Gòn sẽ nắm giữ vị trí trung tâm cho cả vùng đất phương Nam. Mà thật vậy, kể từ ngày đó đến nay vùng Sài Gòn-Gia Định luôn chứng tỏ được vai trò trung tâm của nó trong công cuộc Nam Tiến, khẩn hoang và khai sanh ra miền Nam nước Việt thân yêu của chúng ta. Tuy nhiên, lịch sử của vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn đã có từ lâu, trước cả lúc người Phù Nam đến đây để thành lập nên vương quốc của họ. Về mặt cư dân, không phải đợi đến khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam mới có người Nam đi theo. Các di chỉ khảo cổ cho thấy vùng Sài Gòn cũng như các vùng phụ cận tại miền Đông Nam Phần, từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. Họ chia thành

những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso (Mỹ Tho) và Long Ghor (Long Hồ), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Những cư dân cổ nầy đã cư ngụ từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch nhưng họ không thành lập vương quốc hẳn hòi, mà chỉ sống quần cư như những cộng đồng cư dân. Rồi ngay sau thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, con người lại quần tụ về vùng nầy để cùng nhau sinh sống, nhưng lần nầy họ lập nên một vương quốc hẳn hòi, dưới ánh sáng pháp trị của văn minh Ấn Độ: vương quốc Phù Nam. Vương quốc Phù Nam sáng rực trong suốt hơn sáu thế kỷ, mà ngày nay với những thư tịch cổ của Trung Hoa, chúng ta có thể lần về để tìm thấy ánh sáng của nền văn minh Óc Eo. Nhưng một điều kỳ lạ, gần như đột biến, từ sau thế kỷ thứ VII, vương quốc ấy đột nhiên biến mất. Ngay từ thế kỷ thứ VII, những thư tịch cổ Trung Hoa không còn nói gì về vương quốc Phù Nam, mà cũng không nói đến vương quốc nào thay thế.
Theo các di tích khảo cổ khai quật được, vào khoảng thế kỷ thứ V, phần lãnh thổ tiếp giáp giữa Phù Nam và Champa có hai vương quốc nhỏ nằm sát cạnh nhau, đó là vương quốc Thù Nại và Bà Lị. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thứ V thì cả hai vương quốc nầy đều bị Phù Nam thôn tính và sáp nhập vào lãnh thổ Phù Nam. Để rồi sau đó không lâu ngay cả vương quốc Phù Nam cũng biến mất trên bản đồ thế giới, mà lý do của sự biến mất nầy vẫn còn là vấn đề tranh cãi của các nhà sử học thời cận đại. Vào thế kỷ thứ VI, vương quốc Kambuja bắt đầu hùng mạnh, nhưng chưa có chứng cứ nào chính xác về việc Kambuja tiêu diệt Phù Nam. Sau khi vương quốc Phù Nam bị triệt tiêu, thì cả vùng đất mà bây giờ là Nam Kỳ đã bị quên lãng trong hoang vu. Mãi đến thế kỷ thứ tám(4), khi bộ máy cai trị của vương quốc Kambuja đã khá vững vàng và có qui củ, thì vua Chân Lạp mới đặt tên cho vùng đất này là Thủy Chân Lạp và bổ nhiệm một tiểu vương đến đây để cai trị, nhưng vùng đất này vẫn chưa có cư dân người Khmer và tiếp tục là vùng đất hoang vu cho đến khi xuất hiện những làn sóng di dân Việt Hoa từ phương Bắc mà thôi. Lúc đó các vị vua Chân Lạp chỉ đặt tên cho vùng đất mới mà không hề có kế hoạch đưa dân chúng đến định cư, nghĩa là họ chỉ vội vàng nhận bừa là lãnh thổ của họ chứ không có dân chúng, cũng không thiết lập được chánh quyền tại các địa phương. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng sau thế kỷ thứ VIII, lớp người Khmer bắt đầu tràn xuống định cư tại vùng đất nầy, tạo nên vương quốc Thủy Chân Lạp cho đến khi người Việt bắt đầu đi về phương Nam vào thế kỷ thứ XVII, nhưng theo thiển ý thì mãi về sau này, khi đa phần đất đai vùng Nam Kỳ đã được lưu dân Việt Hoa khai phá và định hình thì các nhóm dân Khmer mới lục tục kéo đến định cư trên các giồng đất cao ráo. Mãi đến thế kỷ thứ XIII, người ta mới thấy thư tịch cổ của Trung Hoa nói về Chân Lạp như trong tác phẩm “Chân Lạp Phong Thổ Ký” của Châu Đạt Quan dưới thời nhà Nguyên. Tuy nhiên, khi Châu Đạt Quan viết cuốn “Chân Lạp Phong Thổ Ký” là lúc ông đang tháp tùng cùng sứ bộ nhà Nguyên đi sứ sang xứ Lục Chân Lạp, và những điều ông mô tả từ Chân Bồ đến cửa biển thứ tư tính từ Chân Bồ, có lẽ là cửa Tiểu hay cửa Đại của vùng Bến Tre, là lúc mà ông đi ngang qua vùng Thủy Chân Lạp, chứ về mặt cảnh quang mà nói, cho tới khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, vùng đất nầy hầu hết hãy còn hoang vu, cây rừng rậm rạp, đầm lầy ẩm thấp, lại thêm rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí, đầy hùm, beo, sấu... Chính vào thời điểm đó, những lưu dân người Việt đã đến vùng đất nầy, chính những lưu dân Việt Nam dũng cảm nầy, dưới sự hướng dẫn tài tình của các chúa nhà Nguyễn, đã xông thẳng vào hoang địa, khai hoang lập ấp bằng chính mồ hôi nước mắt của mình qua hàng mấy đời liên tiếp, đã khiến cho vùng hoang địa nầy trở thành vựa lúa lớn nhất của đất nước.
Sử liệu của Việt Nam có đề cập đến vấn đề khẩn hoang vùng Prei Nokor và Đông Phố, như trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn cũng có nói về lưu dân Việt Nam đi khẩn hoang vùng Đông Phố, mà khi nói đến khẩn hoang là nói đến việc đi khai khẩn những vùng đất hoang vu, không có dân cư mà chỉ có rừng hoang thôi. Như vậy lịch sử đã chứng minh rõ ràng vùng đất Nam Kỳ gần như vô chủ trong suốt 10 thế kỷ(5). Phải nói dân tộc Việt Nam là dân tộc thứ nhì xác lập chủ quyền quốc gia hẳn hòi trên mảnh đất này sau Phù Nam, vì bắt đầu từ thế kỷ thứ XVII, trên lãnh thổ này Việt Nam có dân cư và chánh quyền địa phương cũng được xác lập rất minh bạch. Nói rằng thiết lập một cách minh bạch vì lịch sử sự thiết lập nền hành chánh trên vùng đất này không phải bằng chiến tranh vũ lực, mà đa phần đất đai ở đây được các Miên vương dâng hiến, hoặc vì không giữ được, hoặc để đền ơn trả nghĩa cho các chúa tiền triều nhà Nguyễn đã giúp đỡ họ chống lại ngoại xâm từ phía Xiêm La. Tuy nhiên, sau khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, vì quyền lợi thực dân nên họ đã khởi động tuyên truyền trong giới quí tộc Cao Miên rằng Nam Kỳ đã từng là lãnh địa của Chân Lạp bị Việt Nam cưỡng chiếm vào thế kỷ thứ XVII bằng võ lực. Đây là một trong những đòn thâm độc nhất của thực dân Pháp vì tác dụng của nó gây di hại cho mối giao hảo giữa hai dân tộc Việt Miên cho đến ngày hôm nay. Phải nói qua lịch sử dựng nước của vương quốc Xiêm La, đa số đất đai của Chân Lạp đã bị vương quốc này thôn tính hoặc bằng võ lực, hoặc được dâng hiến như các tỉnh Chantaburi, Prachiburi, Xurin, Xixakhet, vân vân, nhưng tại sao người Chân Lạp không tỏ ra thù hận người Xiêm La như họ đã thù hận người Việt Nam? Lý do rất đơn giản, người Pháp đã tỏ ra rất rộng rãi với người Chân Lạp khi họ mới chiếm nước này. Sau khi chiếm xong Đông Dương, chính họ đã tự quyền cắt những phần đất do người Việt hay người Hoa khai phá và làm chủ như vùng phía Bắc Tây Ninh(6), vùng Kampot, vùng Kompong Som và Linh Quỳnh(7) để trả về cho Cao Miên. Nhờ những cử chỉ ấy mà khi người Pháp nói gì người Miên cũng tin là thật. Từ đó những tuyên truyền vô căn cứ của người Pháp về việc Việt Nam đã từng thôn tính vùng Thủy Chân Lạp của người Miên đã in sâu vào tâm khảm của dân tộc Khmer, và cũng chính vì thế mà mối thù hận của người Khmer đối với người Việt Nam ngày càng dâng cao.

Về phía triều đình Đại Việt, kể cả xứ Đàng Ngoài và xứ Đàng Trong, ngay từ thời cha anh chúng ta mới đặt chân đến vùng đất Sài Gòn, chắc có lẽ các đã choáng ngộp với vẻ hoang dã cũng như những ưu đãi của thiên nhiên trong vùng nầy. Thế mà chỉ 300 năm sau, con người đã biến một vùng đất hoang vu thành “Sài Gòn”, một thị tứ sầm uất, một trung tâm văn hóa, xã hội, chánh trị và kinh tế, chẳng những cho miền Nam mà còn cho cả nước nữa. Tuy nhiên, trên vùng đất hoang vu, đầy những muỗi mòng, rắn rít, hùm beo, cá sấu, và vắt đỉa... không phải dân tộc nào cũng làm nên lịch sử như dân tộc Việt Nam. Bằng chứng cho thấy hết dân tộc Phù Nam rồi đến dân tộc Chân Lạp đều phải chào thua trước những thử thách của thiên nhiên. Trong khi đó, dầu người Việt đến vùng đất nầy sau hết, sau người Phù Nam đến hơn 15 thế kỷ, và sau người Chân Lạp đến hơn mười thế kỷ, thế mà người Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chịu đựng của mình trước những thử thách của thiên nhiên, tưởng như không ai tài nào vượt qua được. Người Việt Nam đã khắc phục những tình huống khắc nghiệt bằng chính khả năng sáng tạo của mình để sau đó sống đồng điệu với thiên nhiên. Nhưng trước khi đi đến được những vùng đất nầy, những người Việt Nam đã đến đây bằng cách nào, và đến tự bao giờ? Có lẽ những lưu dân Việt Nam đã đến đây từ rất sớm, có thể từ lâu lắm trước thế kỷ thứ XVII, và họ đã đến vùng đất nầy bằng nhiều cách, có nhóm đến đây theo đường bộ, nghĩa là họ phải vượt qua biên giới Chiêm Thành; có nhóm đến đây bằng thuyền buồm hoặc ghe bầu, đi dọc theo bờ biển, vào các cửa Cần Giờ, Soài Rạp, hoặc cửa Tiểu, Đại... Họ đến đây để buôn bán với những người Khmer cũng phiêu lưu mạo hiểm như họ từ các vùng Oudong hay La Bích đi xuống. Năm 1620, nhằm củng cố mối bang giao với Chân Lạp để được rảnh tay đối phó với quân Trịnh ở phương Bắc, chúa Nguyễn Phúc Nguyên bèn gả con gái là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên là Chei Chetta II(8). Sau đó từng đoàn người Việt di cư xuống đất phương Nam khẩn hoang lập ấp. Vào năm 1623, chúa Nguyễn lại phái một sứ bộ vào Prei Nokor và Kas-Krobey để thiết lập các trạm thu thuế(9). Ngay sau khi vua Chân lạp là Chei Chetta II chấp thuận cho phái bộ xây dựng hai trạm thu thuế nầy cũng như sau lời khuyến khích của hoàng hậu Samdat(10), lưu dân cùng dân xiêu tán Việt Nam lại đổ dồn về vùng Prei Nokor lập nghiệp. Ngay từ lúc nầy chúng ta đã thấy người Việt phải có mặt ở đây rất đông, đến độ quốc vương Chân Lạp đành phải chấp nhận cho sứ bộ nhà Nguyễn thiết lập trạm thuế thương chính ngay trong địa phận của vương quốc mình. Rồi sau đó nữa, mới tới đợt những di thần nhà Minh dong buồm đi tới những vùng xa hơn nữa, như vùng Mang Khảm (Hà Tiên). Không biết các dân tộc Phù Nam và Chân Lạp đã sống với lũ như thế nào, chứ người Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng khai phá và sống với lũ lụt của vùng đất miền Tây Nam Phần qua hơn 300 năm, và ngày càng đưa vùng đất nầy đến chỗ ngày càng thịnh vượng hơn. Như vậy, nếu không kể những trường hợp di dân cá biệt, đa số lưu dân người Việt đi vào vùng Mô Xoài-Bà Rịa và Prei Nokor từ những thập niên đầu thế kỷ thứ XVII.

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

-------------

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Sáng Hồng



Computer rạng rỡ
Đón nhận ánh ban mai
Lẹ làng ngồi vào chỗ
Hưởng niềm vui đầu ngày.
Ly cà phê nóng hổi
Mở Phây tìm kiếm em
Nhè nhẹ gió lay rèm

Lòng anh dường mở hội...
Nhìn tập tin em gởi
Mây trời cũng xôn xao
Hồn anh như bay bổng
Muốn tìm đến bên nhau.
Có một điều định nói
Cánh bướm e mình vội
Nhưng hương hoa ngạt ngào
Anh giờ chẳng biết sao...
                        Quên Đi
***

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Sự Tích Chim Đa Đa


Ðã lâu rồi, ở dựa mé rừng thưa có đôi vợ chồng người tiều phu ăn ở với nhau hai mươi năm rồi mà không có đứa con để vui cửa vui nhà. Một hôm vợ chồng bàn với nhau nên đến ngôi chùa ở gần triền núi ăn chay niệm Phật để cầu con.

Quả nhiên đi cầu tự trở về được ít lâu, vợ người tiều phu có thai, sinh được một con trai, đặt tên con là Ða Ða. Lúc thằng Ða Ða lên bảy tuổi thì mẹ nó qua đời. Còn lại một cha một con không ai sớm hôm săn sóc cho đứa trẻ, người tiều phu phải ngày ngày vào rừng đốn củi mãi tối mịt mới về, sự mệt mỏi làm cho gã không đủ sức để săn sóc nuôi dưỡng con thơ. Sau nhiều lần cân nhắc gã tiều phu không còn biết làm cách nào hơn là cưới thêm một người vợ kế.

Người đàn bà này không được hiền lương như mẹ ruột của Ða Ða. Ngoài roi vọt, tiếng nặng tiếng nhẹ, chị ta còn bắt Ða Ða phải lặn lội trong cánh đồng lầy chăn đuổi bầy vịt của chị ta nuôi. Ðã vậy đến bữa, chị ta chỉ cho thằng Ða Ða ăn cơm thừa canh cặn đói no mặc kệ. Vì vậy tối đến thấy cha về thằng Ða Ða thường thút thít khóc kể với cha về nỗi dì ghẻ hành hạ chăn vịt, đòn bộng lại còn cho ăn đói.

Nghe vậy, người dì ghẻ càng ghét cay ghét đắng thằng Ða Ða nặng lời nhiếc mắng, đánh đập tàn nhẫn rồi để chồng tin, đợi lúc gần tối chị xúc một chén cát, lấy cơm trắng trải lên trên cho thằng Ða Ða bảo ăn. Thằng Ða Ða không dám cãi lời dì ghẻ, lại nghĩ tủi thân, hồi nào còn mẹ được ăn uống đầy đủ, nâng niu, săn sóc nay thì cực khổ, cơm lại trộn cát bảo ăn, làm sao ăn được. Nó cứ cầm chén cơm mà khóc cho tới lúc cha nó lơn tơn xách rựa về nhà.

Phần mệt nhọc, lại nghe tiếng dì ghẻ chanh chua mắng vốn: “Ðó, ông xem thằng Ða Ða hành hạ tôi đến bực nào, cơm đã dưng tận tay nó không chịu ăn ngồi khóc rấm ra rấm rứt khi ma trù mà ẻo thì còn làm ăn gì được”.

Gã tiêu phu nóng tính, nghe vậy bực mình rồi, lại thấy chén cơm trong tay Ða Ða là cơm trắng ngon lành tại sao không ăn mà ngồi khóc.

Nổi khí xung thiên, gã vớ lấy khúc củi đánh thằng Ða Ða, chẳng dè trúng nhầm đầu đứa bé ngã ra chết. Chén cơm trắng đổ tứ tung bày ra những vữa cát.

Bây giờ gã tiều phu mới hiểu được lòng dạ bạc ác của người vợ kế thì đã muộn rồi. Bác chỉ còn cách chôn con và đuổi chị ta ra khỏi nhà.

Ba ngày sau ra thăm mả thằng Ða Ða, gã tiều phu thấy từ dưới mả một con chim kỳ lạ sắc xám bay lên đậu trên cành nhìn bác rồi cất tiếng kêu:

Bát cơm cát trả cho cha, đánh bể óc ác la, ác la đa.

Gã tiều phu biết ngay rằng hồn thằng Ða Ða hoá thành chim, buông ra những tiếng kêu thê thảm.

Nguồn: Truyện Cổ Tích Tổng hợp.
***

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2018

Thanh Lương Giang - Chu Văn An


        清涼江                        Thanh Lương Giang

山腰一抹夕陽橫          Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành

兩兩漁舟畔岸行          Lưỡng lưỡng ngư chu bạn ngạn hành
獨立清涼江上望          Độc lập Thanh Lương Giang thượng vọng
寒風颯颯嫩潮生          Hàn phong táp táp nộn triều sinh.
              朱文安                                       Chu Văn An

Dịch Nghĩa

              Sông Thanh Lương
Một vệt nắng chiều vắt ngang sườn núi
Gần hai bên bờ di chuyển từng đối thuyền cá
Một mình đứng trên sông ngắm cảnh
Gió lạnh thổi vù vù trong khi nước triều dâng lên.
 

Dịch Thơ:

Trên Sông Thanh Lương
 

        Nắng chiều vắt vẻo sườn đồi
Cận bờ thong thả từng đôi thuyền chài
        Mình ên đứng ngắm sông dài
 Triều dâng đón gió heo may lạnh về.

                                    Quên Đi


***

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Cứ Ngỡ


Cứ Ngỡ
 

Sánh vai lặng ngắm dòng trôi
Bên bờ xanh biếc chung đôi soi mình
Ngỡ đời êm nhẹ khúc tình
Nào ngờ nửa cánh lặng thinh bước thầm
Vội chi hỡi bạn trăm năm
Trùng khơi vạn nẻo biết tầm bậu đâu
Biển xanh đau đáu dáng sầu
Nghe trong vô tận nỗi đau dâng tràn
Nhẹ nhàng từng bước nhẹ nhàng
Để tâm lắng đọng khẽ khàng nhớ nhung.
                                       Kim Oanh
 

Bài Họa
 

Ngọt Ngào
 

Thời gian lặng lẽ êm trôi
Đất trời dường chỉ có đôi đứa mình
Lá reo se khúc nhạc tình
Từ trong ánh mắt im thinh lời thầm
Mong sao bền với tháng năm
Lỡ mai loạn lạc sẽ tầm em đâu
Nghĩ chi lòng lại âu sầu
Vui lên đừng để niềm đau ngập tràn
Hương đưa gió thoảng nhẹ nhàng
Bên hoa bướm lượn khẽ khàng cánh nhung.
                                            Quên Đi
***

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Nguồn Gốc Của Địa Danh Sài Gòn


Nguồn Gốc Của Địa Danh Sài Gòn:
Hơn ba thế kỷ trước đây, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn chỉ là những bãi cát bùn sình lầy và rừng rậm hoang vu. Tuy nhiên, với hệ thống sông rạch rất thuận tiện cho việc di chuyển nên những lưu dân Việt nam đã chọn vùng đất nầy làm điểm đến trong tiến trình Nam Tiến của dân tộc. Về cái tên ‘Sài Gòn’ thì mãi cho đến ngày nay các học giả vẫn chưa đồng ý với nhau về xuất xứ của nó, mặc dầu ai trong chúng ta cũng đều biết rằng địa điểm mà bây giờ mang tên Sài Gòn-Chợ Lớn đã từng có tên là “Kas Krobei-Prei Nokor” dưới thời Chân Lạp. Kỳ thật, hai từ ngữ “Prei Nokor” của Cao Miên và “Sài Gòn” của Việt Nam không dính líu gì với nhau cả. Sài Gòn là tên gọi của một khu vực địa lý quan trọng của xứ Đàng Trong khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam. Nói về âm, thì âm “Prei Nokor” không thể nào được đọc trại ra thành âm “Sài Gòn” được. Còn nói về nghĩa, thì hai từ nầy cũng hoàn toàn khác nghĩa với nhau. Từ “Prei Nokor” của Cao Miên có nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”, trong khi từ “Sài Gòn” của Việt Nam có nghĩa là “củi của cây bông gòn”. Như vậy, chúng ta thấy nghĩa giữa hai ngôn ngữ về Sài Gòn hoàn toàn khác biệt và không dính líu gì với nhau cả; một đàng là ‘thị trấn ở trong rừng’, còn đàng kia là ‘củi của cây bông gòn’. Có thể địa danh ‘Sài Gòn’ có nguồn gốc từ cư dân bản địa, nhưng đã được Việt hóa. 
Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Theo ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài Gòn tên của một xứ thuộc đất Gia Định. “Sài” có nghĩa là củi, “Gòn” là một loại cây có thân xốp nhẹ và bên trong trái là một chất bông trắng và nhẹ dùng làm chất độn gối hay nệm. Khi mới khai khẩn vùng đất nầy, trên giấy tờ thì tên nó là “Sài Côn”, nhưng trên thực tế người ta vẫn gọi nó là Sài Gòn(1). Trong Souvenirs historique sur Saigon et ses environs, ông Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng đã giải thích về Sài Gòn tương tự như ông Huỳnh Tịnh Của. Theo ông Trương Vĩnh Ký thì “Sài” là chữ Hán có nghĩa là “củi”, còn “Gòn” là chữ Nôm, có nghĩa là “bông gòn”. Theo ông sở dĩ vùng nầy có tên Sài Gòn vì vùng nầy xưa kia là đồn lính của Chân Lạp được trồng rất nhiều cây bông gòn xung quanh, nên người Chân Lạp đã đặt cho vùng nầy tên Sài Gòn, rồi sau nầy khi người Việt đến xây dựng khu phố cũng gọi tên thành phố là Sài Gòn theo người Chân Lạp.
Sự thật khi vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé), thì vùng Kas Krobei nằm khoảng trung tâm Sài Gòn ngày nay, còn vùng Prei Nokor nằm khoảng giữa Bình Chánh và Kas Krobei. Như vậy, vùng trung tâm Sài Gòn ngày nay phải là vùng Bến Nghé khi xưa, và vùng Chợ Lớn ngày nay là vùng mà chúng ta gọi là Prei Nokor thời đó. Một thời gian sau khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, tức là vào khoảng những năm từ 1698 đến 1700, thì cả hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor bắt đầu phát triển mạnh. Tuy nhiên, lúc đó vùng Kas Krobei là trung tâm thị tứ, trong khi khu Prei Nokor chỉ nằm ở ngoại ô phía tây nam mà thôi. Theo các nhà khảo cổ học thì đất Kas Krobei-Prei Nokor vào thế kỷ thứ I vốn là vùng thị tứ sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng không biết vì lý do gì mà sau đó họ lại bỏ đi về miền Tây, đến các vùng Đồng Tháp và Óc Eo, cũng không biết chính xác ngày đó người Phù Nam gọi vùng Sài Gòn bằng tên gì. Theo Aubaret và Francis Garnier, sau khi Cù Lao Phố bị đại quân Tây Sơn thiêu hủy, hầu như toàn bộ người Hoa tại đây đều xuôi về phía Tây Nam theo hướng Dĩ An, Thủ Đức, và qua khỏi Tân Bình... để lập nên một khu phố khác mà họ đặt tên là “Đê Ngạn”, đọc theo âm tiếng Hoa phổ thông là “Tỉ Án”, và người Việt đọc trại ra là “Tài Ngòn”, nhưng lâu dần âm nầy biến thành “Sài Gòn”. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu cù lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Họ gọi vùng Chợ Lớn nầy là “Thầy Ngòn”, và viết thành ‘Đê Ngạn’. Có lẽ người Việt mình phát âm trại ra là Sài Gòn, chứ thật ra “Thầy Ngòn” là tên mà người Hoa chỉ đặt cho vùng Chợ Lớn mà thôi. Trong khi đó, cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn” lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”, phát âm theo tiếng quan thoại là “Xi Kung”. Nhưng theo lịch sử của xứ Đàng Trong thì địa danh Sài Gòn đã có từ trước khi người Hoa từ Cù Lao Phố tràn về. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì vào tháng 2 năm 1674, Nặc Ông Đài kéo quân Xiêm La về đánh Nặc Ông Nộn, nên thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Ông Đài. Tháng 4 năm đó, quan quân phá vỡ luôn 3 lũy: lũy “Sài Gòn”, lũy Gò Bích và lũy Nam Vang. Thời đó, lũy ‘Sài Côn’ là một lũy quân sự của Cao Miên với mục đích bảo vệ một miền đất chạy dài từ cửa biển Cần Giờ và cửa Ba Rai lên đến vùng biên giới Việt-Miên ngày nay. Như vậy tên gọi Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1674 hoặc trước đó nữa. Cả hai học giả Vương Hồng Sển và Thái văn Kiểm đều đồng ý với giả thuyết nầy(2).

Cấu Trúc Địa Chất Và Thiên Nhiên Của Vùng Đất Mang Tên Sài Gòn-Chợ Lớn Ngày Nay:

Theo các nhà địa chất học, đất Sài Gòn-Gia Định và cả vùng đồng bằng miền Nam được thành hình cách đây khoảng 6.000 năm, vào cuối thời kỳ Holocene. Vào thời kỳ nầy, đợt biển thoái cuối cùng diễn ra đã làm lộ diện cả miền đồng bằng Nam Kỳ, sau đó phù sa sông Cửu Long đã phủ lên mặt đất ở đây một lớp đất mềm đầy mầu mỡ. Vùng Sài Gòn-Gia Định nằm trên vùng chuyển tiếp giữa hai vùng địa chất có địa hình địa mạo khác nhau, đó là miền Đông và miền Tây Nam Phần. Về cấu trúc địa chất, thì vùng Prei Nokor nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn chạy ra Bà Rịa và Long Điền; vùng nầy có cấu trúc địa chất giống như miền Đông Nam Phần. Đây là vùng có thế đất cao, với độ cao trung bình từ vài mét đến 30 mét trên mực nước biển trung bình. Chính vì vậy mà chúng ta thấy vùng phía bắc Sài Gòn gồm nhiều dãy gò đồi thấp kéo dài từ phía chân cao nguyên Nam Trường Sơn. Đất đai vùng nầy lại có hai loại: đất xám và đất đỏ. Vùng đất đỏ là những vùng rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, thuốc lá, mía, và đậu phộng, vân vân. Vùng phù sa mới là vùng đất thấp, nằm về phía Nam Sài Gòn, chạy từ Nhà Bè ra biển, với cao độ trung bình khoảng vài mét trên mực nước biển. Đây là vùng đồng bằng thấp mà phù sa các sông Cửu Long, Vàm Cỏ và Đồng Nai vẫn còn đang trong tiến trình bồi đắp. Vùng nầy quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều và gió mùa, nên đất đai sình lầy với nhiều sông rạch; vùng phía nam Sài Gòn có cấu trúc địa chất giống như miền Tây Nam Phần. Mãi đến cuối thế kỷ thứ XIII khi Châu Đạt Quan theo chân phái đoàn Nguyên Triều đến thủ đô Angkor của Chân Lạp vào năm 1295, thì cả vùng đất nầy hãy còn chìm trong hoang vu. Theo Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp Phong Thổ Ký” thì đoàn của ông đã dong buồm men theo bờ biển từ Ôn Châu qua Phước Kiến, đến An Nam, Chiêm Thành, cuối cùng đến thị trấn Chân Bồ, có lẽ là vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Từ Chân Bồ, đoàn lại đi dọc theo bờ biển đến các cửa sông. Cửa sông thì có đến hàng chục cửa, nhưng chỉ có thể vào được cửa thứ tư, tính từ Chân Bồ. Như vậy đoàn của ông Châu Đạt Quan đã dùng thuyền đi từ biển vào, có lẽ đây là cửa Tiểu của dòng Tiền Giang đi vào Mỹ Tho ngày nay, rồi ngược dòng Cửu Long qua Mỹ Tho, ngang qua Đồng Tháp Mười. Khi nhìn lên bờ thì ông chỉ thấy toàn là những đám cây mây quấn vào các cây cổ thụ cao vút, bên dưới thì cát vàng và lau sậy trắng, mà nhìn thoáng qua không dễ gì biết được lối vào. Loại dây mây nầy vẫn còn để lại dấu tích đến ngày nay qua các địa danh như Chắc Cà Đao(3), Xéo Mây, Đường Mây, vân vân. Từ cửa thứ tư thuận dòng nước đi về hướng Bắc chừng 15 ngày thì đến vùng Tra Nam, có lẽ là Kompong Chnang ngày nay. Trong chương 18, phần Sơn Xuyên (núi và sông), ông Châu Đạt Quan kể lại rằng từ Chân Bồ đến Tra Nam, hầu hết tất cả các vùng đều là bụi rậm của những khu rừng thấp, những cửa rộng của các con sông dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê cho chim chóc và muông thú. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Những loại cây to mà Châu Đạt Quan nói có thể là những cây sao, cây dầu hay cây lâm vồ, cây gừa, cây sộp với mớ rễ lòng thòng xuống đất hay xuống mặt nước... mà ngày nay hãy còn rất nhiều trên khắp miền Nam nước Việt. Khi đoàn của ông vào đến nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bị bỏ hoang, không một gốc cây. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Đây có thể là những loại lúa ma, lau trắng, sậy đế...mọc nhiều trên những vùng đất bồi. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng nầy. Tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm lý. Tại mắt loại tre nầy có gai mọc, và măng thì có vị rất đắng. Khi gần tới Tra Nam thì bốn phía có núi cao. Chắc hẳn đây là loại tre gai, thích hợp với cả những vùng nước ngọt, nước lợ, hay nước mặn, đất cao lẫn đất thấp, nước ngập vẫn không chết. Lúc nầy có thể đoàn của ông Châu Đạt Quan đang đi ngang qua vùng Bến Tre, và ngày nay hãy còn rất nhiều địa danh liên quan đến tre như Xéo Tre và Vịnh Tre, vân vân. Mặc dầu trong Chương 33, phần “Thuộc Quận”, ông Châu Đạt Quan có kể rằng Chân Lạp thời đó có hơn 90 tỉnh, trong đó có Chân Bồ, nhưng ông cũng cho thấy trong suốt cuộc hành trình xuyên qua vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần, ông chỉ nhìn thấy rừng rậm, thú dữ và đồng hoang mà thôi. Như vậy cũng đủ cho thấy rằng sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, trên danh nghĩa thì toàn bộ vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần bị sáp nhập vào Chân Lạp, nhưng trên thực tế, hơn bảy thế kỷ sau đó cả vùng nầy vẫn còn là một khu rừng rậm hoang vu khi Châu Đạt Quan đến đây, và hơn mười thế kỷ sau ngày vương quốc Phù Nam sụp đổ, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì vùng đất nầy vẫn còn là một vùng rừng nhiệt đới thiên nhiên hoang dại.
Các vua chúa Cao Miên cũng dưới cái nhìn giống như Châu Đạt Quan, nghĩa là toàn bộ vùng đất Nam Phần ngày nay đối với các ngài chỉ là một vùng đất hoang vu, chỉ là một gánh nặng về mặt trị an cho các ngài mà thôi. Tuy nhiên, cảnh hoang sơ với toàn là sơn lam chướng khí đó không làm người Việt mình thối chí, và một dãy đất phì nhiêu mầu mỡ của miền Nam ngày nay đã chứng minh điều đó. Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, những lưu dân Việt Nam đến vùng đất nầy đã đem theo với họ cả một quê hương “Thuận Quảng”, với cả một nền văn minh lúa nước. Họ quyết chí ra đi lập nghiệp và định cư luôn tại đây, chứ không trở về vì họ là những thành phần không thể trở về, hoặc không thể sống được nơi quê cha đất tổ miền ngoài của họ. Theo Gia Định Thành Thông Chí, thì những người Việt Nam đến đây như được bơm vào sinh khí khi nhìn thấy “cuộc đất” ở đây dầu hãy còn hoang vu nhưng quá tốt, tốt hơn cuộc đất nơi quê cha đất tổ của họ nhiều. Mà thật vậy, đây là một mảnh đất đầy phù sa với kinh rạch chằng chịt, con người chỉ cần khai hoang và nạo vét một số kinh rạch có sẵn nhằm điều chỉnh sao cho nước ngọt có cơ chảy sâu vào những vùng sâu trong nội địa vào mùa khô, và nước có thể thoát ra chứ không bị ngập úng vào mùa mưa lũ, thế là mình sẽ có được một cuộc đất phì nhiêu mầu mỡ.

-----------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Người Thợ Săn Và Mụ Chằn


Ngày xưa có một người thợ săn trẻ tuổi. Như lệ thường, một hôm anh vào rừng sâu săn thú. Mải đuổi theo một con hươu, không ngờ anh lạc vào một nơi chân mình chưa bước tới bao giờ.

Đói và mệt, anh cố tìm đường trở ra. Nhưng anh càng đi lại càng lạc.

Cho đến lúc vạch cây rẽ lá lần xuống khe để tìm nước uống, anh mới trông thấy một ngôi nhà bên bờ suối. Mừng quá, anh tiến đến gọi cửa xin nghỉ chân. Một cô gái từ trong nhà bước ra. Cô có vẻ mừng khi nhìn thấy chàng trẻ tuổi. Cô mời anh vào nhà và không giấu giếm ý nghĩ của mình là từ lâu vẫn muốn kiếm một người bạn trai, nay được gặp anh, cô rất vui lòng. Thấy anh đói, cô dọn thức ăn cho anh ăn. Tuy nghi hoặc, nhưng người thợ săn vẫn ăn uống thỏa sức, ăn xong, cô gái nói:

– Bây giờ anh hãy theo tôi để đưa đi giấu ở một nơi kẻo nguy hiểm đến tính mạng?

Người thợ săn ngạc nhiên, hỏi:

– Tại sao lại nguy?

Đáp:

– Ôi! Anh không biết ư? Mẹ tôi là mụ Chằng, ăn thịt người không tanh. Hôm nay mẹ tôi còn bận đi kiếm mồi. Mẹ tôi mà gặp thì mạng anh khó chu toàn. Nhưng có tôi thì anh chẳng còn phải lo, miễn chúng ta sẽ kết thành đôi lứa. Trong buổi đầu anh hãy tạm ẩn một nơi, đợi tôi khuyên dỗ mẹ, rồi hãy hay.

Đoạn, cô gái đưa anh đến một cái hầm, rồi vần đá lấp kín cửa lại.

Trời tối hẳn mụ chằng mới về. Đến cửa, mụ khịt khịt mũi nói:

– Có mùi thịt người! Có mùi thịt người.

Mặc dù con gái có giấu quanh, mụ chỉ tìm một lát là lôi được người thợ săn ra khỏi hầm. Cô gái chạy lại:

– Xin mẹ tha nó cho con. Con cần có một người chồng. Mẹ đừng giết nó đi!

Mụ Chằng hỏi anh đi săn:

– Mày có bằng lòng lấy nó làm vợ không?

Trước tình thế bắt buộc, anh đành phải trả lời:

– Xin vâng! Xin vâng!

Thế là từ đấy anh thợ săn ở lại đây đóng vai con rể mụ Chằng.

Hai người ăn ở với nhau được ít lâu. Người thợ săn buồn nhớ làng quê, bụng muốn trốn lắm, nhưng nghe vợ nói mụ Chằng nhiều phép thuật nên còn ngần ngại. Một hôm, mụ Chằng đi kiếm mồi, anh cố dỗ vợ để được xem bảo bối của mụ. Vợ anh dẫn anh đến một gian buồng kín, mở ra và nói:

– Cái buồng này luôn luôn khóa kín, mẹ tôi không hề cho ai vào. Hôm nay nhân trộm được chìa khóa mở ra cho anh xem.

Trỏ vào một cái gậy, vợ anh bảo:

– Đây là cái gậy thần, gõ đầu này thì làm chết người, nhưng gõ đầu kia lại làm cho người chết sống lại.

Lại trỏ vào hai cái túi:

– Đây là hai thứ bảo bối: một cái có thể làm cho sông biển nổi thành rừng, một cái có thể làm cho núi đồi sụp xuống thành biển, rất mầu nhiệm!

Người thợ săn làm bộ nghi ngờ, vợ cố cãi, nói:

– Không tin, lúc nào mẹ tôi làm thì anh sẽ biết.

– Nếu thế, để tôi thử dùng gậy gõ vào người nàng xem có hiệu nghiệm không, rồi tôi sẽ làm sống lại sau.

Cuối cùng vợ anh cũng bằng lòng để cho chồng thử. Chồng vừa gõ vào một gậy, vợ lăn ra chết ngay. Nhưng người thợ săn đã có chủ ý sẵn, anh không làm cho con gái mụ Chằng sống lại nữa, mà cướp lấy chiếc gậy và hai túi đựng bảo bối rồi trốn đi.

Anh đi suốt cả một buổi từ sáng đến trưa, không dám dừng lại nghỉ. Khi bóng mặt trời đã ngả về chiều, bỗng nghe có tiếng ào ào đằng sau lưng biết rằng mụ Chằng về trông thấy cơ sự đã đuổi theo kịp mình vì nghe nói mụ có phép rút đất, anh bèn ném mạnh túi bảo bối thứ nhất ra phía sau. Lập tức cả một dãy núi lởm chởm mọc lên, cây cối, tre pheo bạt ngàn sơn dã. Anh lẩm bẩm:

– Cho dù có tài phép gì thì vượt được dãy núi này còn bở hơi tai!

Nói đoạn lại cắm đầu chạy miết. Nhưng khi mặt trời gác núi, anh đã nghe tiếng mụ Chằng hét ở đằng sau:

– Thằng kia, muốn tốt hãy dừng lại!

Người thợ săn hoảng quá, nhưng anh cố trấn tĩnh rút ngay túi bảo bối thứ hai ném mạnh về đằng sau. Sau lưng anh vốn đang là một giải đất liền, bỗng hóa ngay thành một biển nước mênh mông, bờ xa tít tắp. Anh lại vừa chạy vừa lẩm bẩm:

– Muốn đuổi được ta họa có là bay!

Nhưng anh không ngờ rằng mình chạy nhanh là thế, chỉ được một quãng đã thấy mụ đuổi theo gần kịp. Lúc này anh đã mệt quá. Trong cơn nguy cấp, anh đứng lại thủ thế sau một gốc cổ thụ. Khi mụ vượt qua, anh xông ra bất thình lình gõ cho một gậy mụ ngã lăn ra chết quay lơ. Trừ được nạn mụ Chằng, anh ngồi nghỉ cho lại sức. Cuối cùng anh cũng tìm được đường về đến nhà. Bà con xóm giềng thấy anh còn sống ai nấy đều mừng cho anh. Anh không quên dùng gậy phép để cứu giúp mọi người.

Buổi ấy, mẹ vua đột nhiên bị một chứng bệnh nguy kịch. Nhà vua là người rất có hiếu, sai rao khắp nước xem ai chữa được sẽ thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin anh thợ săn liền vác cây gậy phép đi vào kinh đô. Nhưng khi vào đến nơi thì mẹ vua chết đã được mấy ngày, sắp làm lễ chôn cất. Anh đến cửa Ngọ môn xin vào chữa. Lính thị vệ cản lại không cho vào. Anh nói:

– Tôi nghe nói hoàng đế đang cầu người chữa bệnh cho hoàng thái hậu kia mà.

Họ trả lời :

– Hoàng thái hậu đã chết cách đây năm ngày rồi, ông vào làm gì nữa.

– Chết rồi, tôi cũng chữa được!

Nghe nói thế lập tức họ dẫn anh vào cung. Vua sai mở nắp áo quan cho anh làm phép. Chỉ một gậy gõ vào xác, mẹ vua đã ngồi nhổm dậy. Vua và hoàng gia hết sức mừng rỡ, ban thưởng cho anh rất hậu, lại cho làm quan.

Nguồn: Truyện cổ tích Tổng hợp.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Mộ Xuân Hoài Cảm - Đới Thúc Luân


   暮春懷感                 Mộ Xuân Hoài Cảm 
              戴叔倫                        Đới Thúc Luân

 

杜宇聲聲喚客愁,     Đỗ Vũ thinh thinh hoán khách sầu,
故園何處此登樓。     Cố viên hà xứ thử đăng lâu.
落花飛絮成春夢,     Lạc hoa phi nhứ thành xuân mộng,
剩水殘山異昔遊。     Thừa thủy tàn sơn dị tích du.
歌扇多情明月在,     Ca phiến đa tình minh nguyệt tại,
舞衣無意綵雲收。     Vũ y vô ý thái vân thâu.
東皇去後韶華盡,     Đông hoàng khứ hậu thiều hoa tận,
老圃寒香別有秋。     Lão phố hàn hương biệt hữu thu.


  * Đỗ Vũ : là vua của nước Thục (1057 trước Công Nguyên), xưng là Vọng Đế, sau Thục bị Tần thôn tính, tương truyền khi chết hóa thành chim Đỗ Quyên mà ta quen gọi là chim cuốc, miền Nam gọi là con Quấc.
Cho nên Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ, Đỗ Quyên đều dùng để ám chỉ con chim Quấc.  
   * Đông Hoàng : là Ông hoàng ở hướng đông. Đông phương Giáp Ất Mộc thuộc mùa Xuân, nên Đông hoàng là Chúa mùa Xuân.
   * Thiều Hoa : là khoảng thời gian hoa mộng, thường dùng để chỉ 3 tháng của mùa xuân.
   * Lão Phố : là Vườn xưa, là quê xưa.
 Dịch Nghĩa :
                         Lòng hoài cảm ở cuối mùa xuân
         Từng tiếng từng tiếng chim quấc gợi sầu thêm cho khách xa quê. Ta lên lầu trông ngóng cũng không thấy được quê hương ở nơi đâu. Hoa rụng liễu bay trước gió như giấc mộng xuân, nước thừa núi lụn chẳng còn giống như ngày xưa đã từng đi dạo. Chiếc quạt ca múa ngày xưa đa tình như vầng minh nguyệt hãy còn đây, nhưng mãnh vũ y thì vô tình đã phai màu nằm trong một xó. Chúa xuân đã đi rồi thì những ngày xuân tươi đẹp cũng đi qua, Trong vườn cũ giờ đây lại đượm một mùi hương hiu hắt của mùa thu !

 Diễn Nôm :
                          Hoài Cảm Cuối Xuân  
       
                    Từng tiếng cuốc kêu gợi khách sầu,
                    Lên lầu chẳng thấy bóng quê đâu.
                    Liễu bay hoa rụng ngờ như mộng,
                    Nước thải non mòn chẳng giống xưa
                    Chiếc quạt đa tình như nguyệt rạng
                    Vũ y vô ý nhạt hương thừa.
                    Chúa xuân gom hết mùa xuân thắm,
                    Vườn cũ thu buồn hương lạnh đưa !
      Lục bát :
                    Cuốc kêu tiếng tiếng gợi sầu,
                    Vườn xưa đâu tá, lên lầu ngóng trông.
                    Liễu bay hoa rụng mênh mông,
                    Nước thừa non thải chạnh lòng cảnh xưa
                    Quạt đa tình ánh trăng thưa,
                    Vũ y phai nhạt hương thừa nằm trơ.
                    Chúa xuân gom hết ý thơ,
                    Vườn xưa thu lạnh ngẩn ngơ hương thừa.
                                                            Đỗ Chiêu Đức

***
      Cuối Xuân Và Nỗi Nhớ

Nghe tiếng cuốc kêu động khách sầu,
Lầu cao dõi mắt bóng quê đâu.
Tơ hoa bay rụng trời thơ mộng,
Sông núi hoang tàn cảnh bể dâu.
Ca quạt lung linh vầng nguyệt tỏ,
Áo xiêm lất phất áng mây thâu.
Xuân đi bỏ lại đời cô lữ,
Hương lạnh vườn xưa nỗi bạc đầu. 
                        Tri Khac Pham
***
Hoài Cảm Cuối Xuân 


Nghe tiếng quấc gợi sầu lữ khách
Lên lầu cao ngóng bóng quê nhà
Mộng Xuân liễu biếc thềm hoa
Non mòn ,nước đọng như là ngày xưa
Quạt đa tình hương thừa còn đó
Mảnh vũ y trong xó nằm đây
Chúa Xuân mang hết mộng say
Vườn xưa hiu hắt lá lay Thu sầu
                           songquang
                               8/2/18
***
     Cảm Xúc Cuối Xuân

Tiếng quấc kêu làm dạ khách đau
Muốn nhìn quê cũ đến lầu cao
Hoa rơi tơ thả dường như mộng
Núi lở nước tràn khác thuở nao
Điệu quạt lắm tình trăng ghé lại
Áo xiêm chẳng ý kéo mây vào
Nàng xuân đâu nữa mà tươi thắm
Chốn cũ hương thu lặng lẽ chào.
                           Quên Đi

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Nắng Lụa Vàng

Nắng Lụa Vàng

Hoàng hôn xuống nắng dần sắp tắt
Ánh lụa vàng tưới hắt lên hoa
Tuổi xuân vừa chớm hồn già
Thời gian lần lựa xót xa tháng ngày
Còn ai nữa nhẹ lay làn tóc
Ai dỗ dành tiếng khóc đêm thâu
Bao giờ trút nặng gánh sầu
Phút giây chờ đợi bền lâu tình dài
Ngày xưa ấy nhạt phai năm tháng
Bóng người còn lai vãng trong tim
Ngàn năm ảo mộng đi tìm
Hồn xưa sống lại gợi niềm trái ngang
Dây tình ái buộc ràng mọi ngõ
Ngỡ chiêm bao vọng rõ bước chân
Giật mình sực tỉnh tần ngần
Bên đời hiu quạnh bâng khuâng tơ trời
                                 Kim Phượng 

Bài Họa

    Tan Giấc Mơ Hoa 

Mới vừa chớm nở đành lụn tắt
Bướm u hoài héo hắt mơ hoa
Heo may ủ lá thêm già
Mong chờ càng thấm tình xa từng ngày
Gió thu đến động lay mái tóc
Lá xạc xào như khóc canh thâu
Đêm như khơi động mối sầu
Tơ tình vương lấy càng lâu càng dài
Làm sao xóa buồn phai theo tháng
Nặng nề thay dĩ vãng nơi tim
Còn đâu hy vọng mà tìm
Cho hồn mơ mộng nỗi niềm dọc ngang
Pháo vu qui rộn ràng trước ngõ
Không thể nào tỏ rõ tình chân
Để rồi ánh mắt ngại ngần
Lại thêm bức rức chữ khuâng do trời.
                                     Quên Đi
***

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

Đất PN Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định -Phần Chú Thích








(1) Có lẽ là Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay.
(2) Tra Nam có lẽ là tên của vùng Kompong Chnang thuộc Cao Miên ngày nay.
(3) Tức xứ Chân Lạp hay Cao Miên ngày nay.
(4) Thời đó người Việt gọi các bộ tộc bản địa như Mạ, Stiêng, Cơho, vân vân là người “Mọi”. Có khi người ta còn gọi là mọi Mạ, mọi Stiêng, mọi Mnông, Cơ ho, hay mọi Chu Ru.
(5) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Mô Xoài-Bà Rịa, đất Gia Định được thành lập từ đó. Nguyễn Hữu Cảnh lập ra hai huyện Phước Long (xứ Đồng Nai) và Tân Bình (Sài Gòn), hồi đó có diện tích khoảng 30.000 cây số vuông. Chúa Nguyễn cho đặt hai dinh Trấn Biên, thuộc vùng Phước Long và dinh Phiên Trấn thuộc vùng Tân Bình.
(6) Phủ Biên Tạp Lục được Lê Quí Đôn viết khoảng năm 1770.
(7) Tức là vùng Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay.
(8) Thời mới mở cõi về phương Nam thì những vùng biên địa được gọi là Trấn Biên, chứ không nhất thiết phải là vùng Biên Hòa ngày nay. Thời điểm 1658 chúa Nguyễn gọi Trấn Biên là ý nói đến các vùng Phú Yên và Song Cầu ngày nay.
(9) Nay là chợ Điều Khiển.
(10) Nay là các vùng Tân An và Gò Công.
(11) Nay là vùng Cà Mau.
(12) Nay là vùng Cần Thơ.
(13) Nay là các vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu.
(14) Nay là vùng Ba Giồng.
(15) Có sách nói Kinh Gia Định chỉ tồn tại từ năm 1790 đến năm 1802 mà thôi, nhưng theo thiển ý, Kinh Gia Định bắt đầu được thiết lập từ khi Nguyễn Ánh xưng vương vào năm 1780. Tuy nhiên, đến năm 1790 thì Nguyễn Ánh mới chính thức cho xây thành Gia Định theo kiểu Vauban, gọi là thành Bát Quái, dựng dinh thự, điện, gác, cuộc chế tạo, kho tiền, kho lúa, trại súng, kho hỏa dược, xưởng voi, sứ quán, xưởng đóng tàu, vân vân.
(16) Các vùng Mỹ Tho và Long Hồ.
(17) Vùng Đồng Nai ngày nay.
(18) Vùng Sài Gòn ngày nay.
(19) Mãi đến đầu thế kỷ thứ XX, người Việt còn gọi người Stiêng là Mọi Đồng Nai hay Mọi Cà Răng căng Tai.
(20) Dưới thời các chúa Nguyễn, vùng Cần Giờ trực thuộc trấn Phiên An, bây giờ Cần Giờ trực thuộc thành phố HCM.
(21) Nam Hải Đại Tướng Quân là danh xưng được các vua chúa phong tặng cho loài cá ông.
(22) Các lệ trong cưới hỏi trong tầng lớp quí tộc Việt Nam bao gồm nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, và định thân.
(23) Lễ chịu tang bao gồm xé tang và để tang.
(24) Ngày nay cũng đã trực thuộc tỉnh Tây Ninh.
(25) Võ Trường Toản là thầy của cụ Phan Thanh Giản.
(26) Hoàng tôn Dương là con trưởng của Thế tử Nguyễn Phúc Hạo.
(27) Sở dĩ Đông cung Dương xin với Duệ Tông được đi chiêu dụ Lý Tài là vì một phần Đông cung Dương cũng muốn kéo Lý Tài về phe cánh của mình.
(28) Tước nầy do Tân Chánh Vương ban cho.
(29) Quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn.
(30) Nhóm Hòa Nghĩa của Lý Tài.
(31) Vì vùng Cầu Sơn trên có gò cao, chính giữa tương đối cao và bằng phẳng, bên dưới là ruộng cạn.
(32) Phiên Trấn dinh hồi nầy bao gồm Tây Ninh, phủ Tây Ninh cũ, Chợ Lớn thuộc một phần của phủ Tân Bình cũ. Trong khi Gia Định cũng thuộc một phần của phủ Tân Bình cũ.
(33) Vĩnh Thanh trấn thời nầy bao gồm Vĩnh Long và An Giang.
(34) Phó tổng trấn.
(35) Huyện Bình Dương gồm có tổng Bình Trị và tổng Dương Hòa.
(36) Huyện Tân Long gồm các tổng Tân Phong và tổng Long Hưng.
(37) Huyện Thuận An gồm các tổng Bình Cách và tổng Thuận Đạo.
(38) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 122, tổng Bình Trị gồm các thôn xã sau đây: Long Hưng, Tân Phước, Trọng Hòa, Tân Lộc, Tây Hòa, Tân Thuận, Tân Hội, Tân Mỹ, Tân Khánh, Tân Thạnh, Vĩnh Quới, Tân Hưng, Tân An, Thanh Bình, Tân Định, Long Điền, Thanh Hoa, An Hòa, Tây Tự, Thanh Phú, Tân Thuận Nhì, Tân Hội Nhì, Tân Mỹ Đông, Tân Hòa, Tân Phú, Tân Thới, Lưỡng Thạnh, Tân Lộc, Thái Thành, Nhơn Hòa, Tân Khai, Hòa Mỹ, Thạnh Đa, Hạnh Thông, An Hội, Thới Hòa, Hạnh Phú, An Thạnh, Hạnh Thạnh, An Lộc Đông, Cựu Bình Nhan, Bình Lý Đông, Tân Mỹ Đông, Mỹ Thạnh, Tân Đông Trung, An Phước, Bình Hòa, Hưng Thạnh, Tân Thạnh Đông, Đức Thạnh, Định Hòa, An Nhơn Tây, Thái Hòa, Tân Đức, Mỹ Thạnh, Phú Mỹ, Mỹ Hội Tân An, Hạnh Thông Tây, Bình Quới Tây, Phú Nhuận, Tân An Tây, Cựu Bình Nhan, An Lộc, An Thạnh, Trung Bình Lý, Tứ Chiếng Mỹ Đức, Thái An, Tân Đông Đông, Tân Đông Tây, An Hòa, Tân Thạnh Trung, Tân Thạnh An, Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông, Nhuận Đức, An Bình, Vĩnh Khánh, và Hoa Đăng.
(39) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 123 và 124, tổng Dương Hòa gồm các thôn xã sau đây: Bình Định, An Phú, Tân Thuận, An Định, An Sơn Đông, Phú Thuận, An Thành, An Hòa Trung, Thanh Hòa Trung, Thanh An, Văn Đức, Tân Thới Đông, Tân Thới Trung, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tứ, Tân Thới Nhứt, Xuân Thới, Tân Phú Tây, Tân Thông Tây, Vĩnh An, Trung Chánh, Phước Tường, Tân Lập Trung, Phước Mỹ, Tân Thông An, Long Thạnh, Hòa Thuận Đông, Mỹ Hòa, Bình Sơn, An Sơn, An Thành Tây, Thanh Tuyền, Thuận Kiều, Trung Hòa, Tân Thới Bình, Tân Thới Tây, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Tam, Mỹ Toàn, Tân Thới Nhì Tây, Xuân Thới Tây, Tân Thông, Phước An, An Thuận Tây, Trung Chánh Tây, Vĩnh An Tây, Tân Thông Trung, Vĩnh Hòa, Phú Nghĩa, An Thạnh Cần Giờ, Phú Mỹ Tây, Tân Vinh, Khánh Hội, Bình Ý, Hòa Trung, Tứ Xuân, Tân An, Bình An, Tân Châu Đông, Tân Chánh, Phú Hội, Phước Thạnh, Tân Thông Đông, Tân Thuận Đông, Tân Hòa Đồng Tranh, Vĩnh Khánh, Tân Thạnh, Bình Thuyên, Bình Hòa, Tân Kiểng, Đồng Văn, Hòa Dương, An Nhơn, và Mỹ Xuân.
(40) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 125, tổng Tân Phong gồm các thôn xã sau đây: Khánh Hòa, Tân Hóa, Long Vĩnh, Cựu An Phú, Bình Nghi, Phú Hưng, Bình Long, Tân Phú Hội, Hiệp Ân, Tân Nhuận, Bình Tây, Bình Đăng, Quang Phục, Tân Thuận, Long Cảnh, Hòa Định, Phú An, Tân Lạc Đông, Vạn Xuân, Phước Thạnh, Nhơn Mỹ, Tân Phú, Toàn Lộc, Phú Vinh, Tân An Tây, Tân Long, Nhơn Nghĩa, Tân An Trung, An Thới, Tân Hưng, Tân Phú Điền, Tân Hội, Tân Lộc, Tân Thạnh, Phú Hữu, Tân Định, Minh Phụng, Thuận An, Tiến Lộc, Bình Tiên, Bình Đông, Ngũ Phước, Bình Lộc, Hội Đức, Tân Đồn, Tân Liêm, Tứ Xuân, An Phú, Tiến Đức, Bình Đức, Phước Lộc Đông, Tân Quảng, Thái Lộc, Tân An Đông, Tân Hương, Tân Phú Thạnh Đông, Tân Khánh, Tân An Đông, Tân Khơ Me, Tân Đức, Tân Thành, Tân Phú Lâm, Bình Quới, Cựu Phú Lâm, Tân Định, Tân Hòa Tây, Tân An (Sái Phu), Tân Hòa Trung, Tân Tạo, Tân Lộc, Tân Hòa, Tân Phú Đông, Tân Hòa Đông, Bình Hòa, Bình Trị Đông, An Hòa, và Tân Lạc Tây.
(41) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 127, tổng Long Hưng gồm các thôn xã sau đây: Mỹ Thuận, An Lạc, Phú Mỹ, Tân Hội Đông, Long Đức, Tân Tảo, Tân Phú Tây, Lương Hòa Đông, Sơn Hòa, Bình Hưng Đông, Tân Hòa, Lương Phú, Tân Nguyên, Mỹ Thuận tây, Trung Hưng, Thới Bình, Tân Kiên, Tân Nhật, Tân Bửu, Lương Hòa Tây, Tân Sơn Nhì, Bình Hưng, Bình Thạnh, Tân Phước Thiện, Tân Tảo Tây, Tân Hồ, An Trường, Bình Chánh, Bình Thượng, Thạnh Hòa Đông, Tân Hưng Tây, An Phước Tây, Đức Hòa, Tân Phú An, Mỹ An, Mỹ Hòa, Thanh Tuyền, Bình Phước, Tân Kim, Tân Mỹ, Bình Giao, Tân Kiều, Tân Thủy, Tân Quới Tây, Long Thái Đông, Mỹ Hạnh, Tân Câu Tây, Tân Liễu, Tân Phong, Mỹ Hội Đông, Bình Trường, Long Thạnh, Tân Tú, Bình Định Đông, Bình An, An Phú Tây, An Thạnh, An Mỹ, Tân Phú An Tây, Mỹ Thạnh, Bình Nghĩa, Tân Sơn Nhứt, Phước Lộc, Hưng Long, Châu Thới, Tân Nhiễu, Tân Quới, Phước Tú, Tân Thạnh Sông Tra, Phú Thạnh, Minh Đức, Tân Kính, Bình An Tây, và Quới Hòa.
(42) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 129, tổng Phước Điền gồm các thôn, xã, phường, lân, ấp... sau đây: Phước Cơ, An Xuân, Tân An, Long Định, Vĩnh Phước, Phước Lý, Phước Quảng, Phước Toàn Trung, Long Phú, Phước Tịnh, Long Hợp, Bình An, Nhơn Lợi, Long Hựu, Phước An, Nhơn Hòa, Phước Thạnh, Phước Tường, Mỹ Lệ, Tân Trạch, Thạnh Hòa trung, Long Hòa Đông, Phước Hưng Đông, Tân Điền, Long Thạnh Tây, Hòa Nghĩa, Long Phú Đông, Phước Bình, Tân Mỹ, Long Hưng, Phước Toàn Thượng, Phước Nghĩa, Tiến Long, Phú Thạnh Đông, Bảo Hòa, Bình Thiện, Phú Lợi, Phước An Đông, Tân An, Tân Lân, Phước Mỹ, Long Mỹ, Vạn Phước, Long Sơn, Long Hòa, Phước Hưng, Tân Hòa Tây, Phú Mỹ.
(43) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 130, tổng Lộc Thành gồm các thôn, xã, phường, lân, ấp... sau đây: An Thuận, Long Định, Phước Vân, Long Khê, Phước Hảo, Long Thanh, Long Diên, Mỹ An, Long Điền, Phước Long, Long An Tây, Long An Đông, Long Kế, Thanh Tuyền, Phước Thành, Thái Bình, Mỹ Đức, Long Đức Đông, Phước Lại, Vĩnh Khánh, Phước Vĩnh Đông, Long Phụng, Tân Châu Phước, Hòa Xuân, Long Cang, Long Kim, Phước Lộc, Phước Bửu, Long Toàn, Long Khánh, Phước Toàn, Phước Hoa, Long Đức, Thuận An, Long An Cựu, Long Vân, Long Kế Tây, Hòa Thuận, Phước Thọ, Long Phước, Long Hậu Tây, Long Phú An, Tân Thanh, Phước Vĩnh Tây, Phước Khoa, Long Thạnh, và Thuận An.
(44) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 131, tổng Bình Cách gồm các thôn, xã, phường, trại sau đây: Bình Thuận, Bình Thanh, Bình Cảnh, Bình Trường Tây, Phú Mỹ Đông, Bình Nhật, Tân Đức, An Lý, Bình Sơn Cựu, Cẩm Giang Tây, Thạnh Đức, Bình Tịnh, Mỹ An, Bình Thuận Đông, Tân Phước Tây, Đới Nhật, Bình Phú, Bình Đức, Bình Thạnh, Bình Nghị, Bình Trường Đông, Nhơn Hòa, Bình Tự, Tân An Đông, Bình Dã, Hậu Đức, Long Tuyền, Thái Bình Thượng, Thanh Phước, Tân Phú Thượng, Tân Lợi Thượng, Bình An, và Tân Bắc.
(45) Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trang 132, tổng Thuận Đạo gồm các thôn, phường, xã sau đây: Hậu Đức, Bình Tịnh, Bình Lãng, Mỹ Thuận, Hưng Thạnh, Bình Trung, Long Cang, Bình Phú, Bình Định, An Hòa Trung, Vĩnh Thạnh, Hưng Thạnh Đông, Hội Nghĩa, Thuận Hòa Đông, Thạnh Hòa Đông, Bình Lương Trung, Tân Trụ, Quảng Phú, Bình Dương, Tân Phong, Bình Khuê, Phú Thạnh, Bình Cang, Long Thạnh, Bình Lương Tây, Long Thạnh Đông, Cựu Bình Hòa, Toàn Hòa, Long Xuân, Thuận Nghĩa Thượng, và Bình Cang Trung.
(46) Phiên An trấn, Biên Hòa trấn, Định Tường trấn, Vĩnh Thanh trấn, và Hà Tiên trấn.
(47) Chỉ Tổng trấn Lê văn Duyệt.
(48) Ông Crawfurd dẫn đầu một phái bộ do Toàn quyền Anh ở Ấn Độ là Huân Tước Hasting phái đến Việt Nam để thương thảo về vấn đề thương mại. Ngày 2 tháng 9 năm 1822, tổng trấn Lê văn Duyệt đã tiếp kiến ông Crawfurd cùng với các thành viên khác trong phái bộ.
(49) Cả Sài Gòn lẫn Chợ Lớn.
(50) Năm 1832, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, chia 5 trấn thành 6 tỉnh: Biên Hòa (trấn Biên Hòa cũ), Phiên An (trấn Phiên An cũ, kiêm quản 2 phủ Tân Bình và Tân An, với 5 huyện, 24 tổng 503 thôn xã: Bình Dương, Tân Long, Long Bình, Bình An và Long Thành. Đến tháng 8 năm 1833, tỉnh Phiên An được đổi ra làm tỉnh Gia Định), Định Tường (trấn Định Tường cũ), Vĩnh Long (trấn Vĩnh Thanh cũ), An Giang (gồm 3 đạo của trấn Hà Tiên là Đông Khẩu, Tân Châu và Châu Đốc), và Hà Tiên (gồm 2 đạo còn lại của trấn Hà Tiên là Kiên Giang và Long Xuyên, tức các vùng Rạch Giá và Cà Mau ngày nay).
(51) Lê văn Khôi là con nuôi của đức Tả Quân Lê văn Duyệt. Theo Huỳnh Minh trong ‘Gia Định Xưa’, tr. 160, Lê văn Khôi tên thật là Nguyễn hữu Khôi, một thổ hào cừ khôi ở đất Cao Bằng, văn hay giỏi võ. Khi Lê văn Duyệt ra kinh lược vùng Thanh Hóa và Nghệ An, ông xin theo làm con nuôi đức Tả Quân. Sau năm 1820, ông theo Lê văn Duyệt vào Gia Định. Khi Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng sai Bạch Xuân Nguyên vào hài tội và xiềng mã Lê văn Duyệt, đồng thời bắt giam Lê văn Khôi và toàn gia quyến của Lê văn Duyệt. Ngày 18 tháng 5 năm 1833, Khôi thoát ngục rồi hợp cùng với quân dân Gia Định nổi lên giết chết Tổng đốc Nguyễn văn Quế và bắt giam Bạch Xuân Nguyên đem về tế sống đức Tả Quân. Cuối năm 1833 thì Khôi bị bệnh mà mất, nhưng nhóm trung thành với Khôi vẫn chiến đấu đến tháng 7 năm 1835 mới bị triều đình dập tắt. Sau đó vua Minh Mạng đã hạ lệnh chém hết toàn bộ 1.831 người trong thành, kể cả nam phụ lão ấu, rồi chôn chung vào một nơi gọi là ‘Mã Ngụy’.
(52) Trong địa phận Sài Gòn bây giờ.
(53) Trong địa phận Bình Dương.
(54) Chợ Quán ngày nay.
(55) Trong địa phận Bình Dương.
(56) Trong địa phận Bình Dương.
(57) Chợ Lớn ngày nay.
(58) Vịnh Gành Rái.
(59) Phần giáp với Long An và Tây Ninh.
(60) Trong di chúc, vua Gia Long đã phế bỏ con dòng chánh của hoàng tử Cảnh để lập hoàng tử Đảm lên ngôi vua.
(61) Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
(62) Không phải là thành phố Sài Gòn.
(63) Gồm phần đất thuộc huyện Tân Long và phủ Tân An.
(64) Tỉnh Tân Bình thời đó bao gồm các vùng phía Bắc Sài Gòn như Phú Nhuận, Phú Thọ, Hạnh Thông, Tân Sơn Nhì, vân vân; vùng Thủ Thiêm và một phần của vùng Nhà Bè.
(65) Cầu Phan Thanh Giản được xây dựng vào năm 1960 khi làm xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa.
(66) Liên Trường Võ Khoa Trừ Bị Thủ Đức.
(67) Hồi nầy bến đò Thủ Thiêm rất thuận tiện vì dân chúng không phải đi vòng qua ngã xa lộ. Bây giờ chánh quyền mới đang xây dựng đường ngầm ngang qua Thủ Thiêm.
(68) Khoảng giữa Thủ Đức và Dĩ An.
(69) Sau năm 1975, thành phố Sài Gòn đã được chánh quyền mới cho đổi ra làm thành phố Hồ Chí Minh.
(70) Ý nói vua quan thời các chúa và các vua triều Nguyễn.
(71) Đường Hồng Thập Tự cũ.
(72) Quận lỵ được đặt tại xã Hạnh Thông Tây.
(73) Quận lỵ được đặt tại xã Phú Nhuận.
(74) Quận lỵ được đặt tại xã Thới Tam Thôn.
(75) Quận lỵ được đặt tại xã Linh Đông.
(76) Quận lỵ được đặt tại xã Phú Xuân Hội.
(77) Quận lỵ được đặt tại xã Bình Chánh.

(78) Lăng Ông tức lăng của đức Tả Quân Lê văn Duyệt. Lê văn Duyệt quê ở xã Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng ông cố của ông đã di cư vào Mỹ Tho và ông được sanh ra và lớn lên tại xã Long Hưng, tổng Thuận Bình, nay thuộc quận Long Định, tỉnh Định Tường. Năm 1780, sau khi Nguyễn Ánh xưng Vương, ông được tuyển vào Kinh Gia Định làm thái giám. Về sau ông được Nguyễn Ánh sung vào đội Tả Quân của Tống Viết Phúc. Sau lần bị Nguyễn Huệ bắt sống, nhưng trốn thoát trở về và lập được nhiều công trận, ông được Nguyễn Ánh cất nhắc lên chứ Đại tướng lãnh cánh Tả Quân. Sau khi Gia Long lên ngôi, ông được bổ làm Tổng trấn thành Gia Định. Ngoài ra, ông còn có công dẹp loạn Mọi Vách Đá ở Quảng Nam, giặc Thầy Chùa ở Mỹ Tho, cũng như khiến cho Miên và Lào phải khiếp sợ. Ông được vua Gia Long phong chức Vọng Các Công Thần Chưởng Tả Quân dinh Bình Tây Tướng Quân Duyệt Quận Công và về sau được thờ ở Trung Hưng Công Thần Miếu. Tuy nhiên, ngay lúc ông mất, ông bị vu cáo phản loạn, nên Minh Mạng đã cho khắc trên bia mộ dòng chữ ‘Quyền yêm Lê văn Duyệt’, hài tội của ông và ghi đó là nơi ông phục pháp. Mãi đến đời vua Tự Đức, ông mới được minh oan và cho phục hồi phẩm trật cũng như tước vị.

(79) Theo Huỳnh Minh trong ‘Gia Định Xưa’, TPHCM: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2006, tr. 64, chúng ta đã nghe nói và biết nhiều về Lăng Ông Bá Chiểu, tức lăng của đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, nhưng ít ai biết đến người em trai của ngài là quan Tả Dinh Lê Văn Phong, người theo phò Nguyễn Ánh cùng thời với Lê văn Duyệt. Sau nầy vua Gia Long đã gả công chúa Ngọc Nghiên cho Lê văn yến, con trai của Lê văn Phong.

(80) Từ năm 1776, khi Nguyễn Ánh theo Nguyễn Phúc Thuần chạy vào Gia Định, chính tướng Đỗ Thành Nhân đã đem quân Đông Sơn về theo giúp cho Nguyễn Ánh gầy dựng thanh thế. Đến năm 1781, tướng Đỗ Thành Nhân bị Nguyễn Ánh giết chết vì nghe theo lời dèm pha của quan Chưởng cơ Huỳnh Thiêm Lộc.

***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


***

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Sự Thật Về Thơ Đường Luật Gieo Vần Trắc


- " Trong thời gian gần đây, thỉnh thoảng xuất hiện những bài thơ Thất ngôn bát cú làm theo luật của thơ Đường Luật, nhưng lại gieo vần Trắc, nhiều người cho rằng đây là thơ Đường Luật. Sự thật thế nào? "

Đây là câu hỏi của một người bạn gởi đến cho tôi, khi thấy trên một vài Diễn Đàn Thơ, xuất hiện dạng thơ Đường Luật gieo vần Trắc (?).
Không biết giới yêu và thích làm thơ Đường Luật chúng ta nghĩ thế nào? Riêng cá nhân tôi, có đôi dòng trả lời thắc mắc của bạn mình.

***

- Bạn Mến! Cũng như Bạn, nhờ internet, chúng ta có thể trao đổi, kết tình thi ca. Được biết đến nhiều bài thơ hay, những dạng thơ lạ và mới mẻ. Đấy quả là điều thật thích thú, mang đến cho chúng ta vô vàn niềm vui. Tuy nhiên, đối với thơ Đường Luật gieo vần Trắc, mình cảm thấy ngỡ ngàng. 
Thời còn đi học, mình chỉ biết có thơ Lục Bát gieo Vần Trắc, chớ không hề học hay biết đến thơ Đường Luật lại gieo Vần Trắc. Cho đến tận hôm nay, mình cũng chưa thấy bài thơ Đường Luật của Tiền Nhân gieo vần trắc. Có lẽ đây cũng là một trong những thiếu sót về thơ Đường Luật của mình chăng?
Dưới đây, xin giới thiệu 2 trong số những bài thơ Thất ngôn Bát cú gieo vần Trắc mà mình được biết:

                Cảnh Tết
 

Năm ngoái, năm kia đói muốn chết,
Năm nay phong lưu đã ra phết!
Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều
Tiền nợ, tiền công chưa trả hết.
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng,
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt.
Ta ước gì được mãi như thế,

Hể hết Tết rồi, thời lại Tết!
                     Nguyễn Khuyến
 

            Không đề 37  

Của chung vốn của trong trời đất,
Cơ mầu mới biết lòng hư thật.
Bạc vàng là của trữ tiêu dùng,
Thành thị vốn đua tranh giành giật.
Năm đế hiền nhường đức, nghĩ cao,
Ba vương con nối mưu đường nhặt.
Đành hay muôn sự của dầu chung,
Cờ đến tay ai, ai mới phất.

                  Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hai bài thơ Thất Ngôn Bát Cú gieo vần Trắc này đáp ứng hầu hết luật của Đường Luật Thi, chỉ có luật Bằng Trắc hơi khác mà thôi.

 Chúng ta thử tìm hiểu quan điểm của Tiền bối, Thi nhân, Học giả về vấn đề này như thế nào:

"...Thơ bỏ vần trắc nghe không du dương, uyển chuyển, nên làng thơ ít ham thích, nhiều thơ vần trắc lưu truyền từ xưa đến nay không được bao lăm. Do đó các nhà thi học bảo rằng luật chỉ dùng vần Bằng, những bài dùng vần Trắc dù cho đúng niêm luật vẫn thuộc về cổ thể..."  
(Trích Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn)

"... Thơ Luật chỉ dùng Độc Vận và chỉ dùng Vần Bằng chớ không dùng Vần Trắc. Những bài thơ mà người ta gọi lầm là Thơ Luật Vần Trắc, là lối thơ Cổ Phong làm theo lối Thơ Luật đổi ra Vần Trắc, chớ trong Đường Thi không bao giờ có thơ Luật Vần Trắc..."
 
(Trích Việt Thi của Trần Trọng Kim)

Bạn Mến, 
Như thế chúng ta đã rõ và có thể kết luận một cách chắc chắn rằng : 
    " Đường Luật Thi không hề gieo Vần Trắc ".

Huỳnh Hữu Đức

***

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Tống Nhân Bắc Hành - Nguyễn Ức


      送人北行                         Tống Nhân Bắc Hành 

都門回首樹蒼蒼                Đô môn hồi thủ thọ thương thương  
立馬頻斟勸客觴                Lập mã tần châm khuyến khách trường
一段離情禁不得                Nhất đoạn ly tình cấm bất đắc
津頭折柳又斜陽.               Tân đầu chiết liễu hựu tà dương. 

                    阮億                                           Nguyễn Ức 

Dịch nghĩa: Tiễn Người Về Phương Bắc

Ngoảnh đầu nhìn lại cửa thành của kinh đô chỉ thấy một màu xanh 

Phải thường xuyên dừng ngựa để rót rượu ra chung mời bạn
Với tấm tình thế nầy thật không muốn phải xa nhau
Bẻ cành liễu nơi bến sông khi bóng chiều dần buông xuống.

Dịch Thơ:

1/
Cổng thành đã khuất giữa ngàn cây
Dừng ngựa bao phen cạn chén đầy
Nào muốn cách chia tình bạn cũ
Bên sông bẻ liễu ánh chiều vây.


2/
        Màu xanh che khuất cổng thành
Ngựa dừng mấy lượt tiễn anh chung đầy
          Buồn khi ngăn cách tình nầy

      Bến sông bẻ liễu trời tây nắng tà.
                                      Quên Đi
***