Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Ký Ức Một Thời

Cùng Học Trò đi Vườn.
Từ Trái sang phải:
Hàng ngồi: Bằng, không nhớ tên.
Hàng đứng giữa: Không nhớ, Việt, Lan, Diệp, Thúy Lam, Mai, Tòng, Út Đoàn.
Hàng đúng sau cùng: Không nhớ, Tân, Tôi Huỳnh Hữu Đức, Hạ.

  
Nhớ lại thuở chung trường chung lớp   
Bọn chúng mình đang tuổi thanh xuân  
Những ước mơ tươi đẹp nhường nào 
Sao có thể để thời gian bôi xóa.

       Tuổi trẻ ai cũng có nhiều mơ ước. Sau khi thi lấy bằng tú tài phần I, một vài bạn bè nộp hồ sơ đi Pilot,  khiến tôi cũng nôn nao, vì đây cũng là mơ ước tung mây, cỡi sóng, tuy nhiên, tôi tự nhũ "phải hoàn tất Trung học rồi mới tính". Thế là qua năm sau, việc học đã như ý, Tôi quyết định thực hiện mơ ước của mình. Nhưng gia đình không muốn. Không thể tung mây, đành lướt sóng vậy, tôi bèn nộp đơn vào Kỹ Thuật Phú Thọ Sài Gòn thi ngành Kỹ Sư Hàng Hải. Có lẽ định mệnh xui khiến, môn thi toán buổi sáng không làm khó, tôi nộp bài sớm, và ra lấy xe, nhưng chiếc Honda màu huyết vụ 1969 mới tinh của anh Hai tôi không cánh đã bay. Đâu còn tâm trí, tôi phải bỏ thi để khai báo với Cảnh sát. 
       Có lẽ số phận an bày, thất vọng, đành phải nghe theo gia đình thi vào trường Sư Phạm Vĩnh Long, khóa 8 niên khóa 69-71. Rất may, nhờ đậu cao, tôi được học bổng suốt 2 năm học, mỗi năm 9 tháng. Ba tháng đầu của năm thứ nhất chỉ lãnh 600$/ tháng, 6 tháng sau, mỗi tháng 900$ (còn năm thứ 2, tôi không nhớ rõ là 900 hay 1200$/tháng vì không có sự việc nào ấn tượng). Lúc bấy giờ đồng tiền còn giá trị khá cao, lãnh học bỗng 6 tháng sau của năm thứ nhất, tổng cộng 5.400$, ngay dịp nghỉ hè, tôi và 3 người bạn kéo nhau đi Vũng Tàu chơi suốt cả tuần. 
        Sau 2 năm học tập,  điểm thi viết và thực hành có thể nói là cao, nhưng điểm Hạnh Kiểm rất thấp (điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, có lẽ mình không được lòng Giáo Sư Hướng Dẫn chăng? vì theo tôi được biết, Điểm hạnh kiểm đối với một giáo sinh Sư Phạm rất quan trọng khi sắp hạng tốt nghiệp). Thứ hạng ra trường của tôi khá khiêm tốn. Đã không thể chọn nhiệm sở gần nhà, tôi quyết định chọn nơi xa nhất: "Cà Mau". 
        Đến Cà Mau, tôi chọn về quận Thới Bình. Đây là quận nằm trong rừng U minh. Lúc bấy giờ, Thới Bình được xem là quận lớn thứ hai của tỉnh Cà Mau, sau quận Quản Long (Tắc Vân).

Ta đã đến tận vùng xa đất nước
Trên con đò nho nhỏ đến U Minh
Con sông Trẹm một sáng sớm cựa mình
Giòng nước đỏ (*) hân hoan chào bạn mới
Trong lạ lẫm vùng sâu đầy chất phát
Rời con đò ngơ ngác mắt nhìn quanh
Dưới hàng cây cho bóng mát an lành
Từng bước chậm hỏi đường tìm nhiệm sở...
Kinh Chắc Băng (**) trước trường hiền êm ả
Mỗi chiều về ta lặng thả hồn mơ
Những bóng mây in đáy nước lững lờ
Lòng vui với đời bảng đen phấn trắng…
                          (trích Dòng Kỷ Niệm)
(*) nước sông Trẹm có màu đỏ như nước trà do từ trong rừng Tràm chảy ra.

        Có lẽ số hên, khi tôi và hai bạn cùng khóa đến đây, Quận vừa được xác định thuộc vùng sâu vùng xa, nên các nam giáo viên dạy ở Quận này đều được Hoãn Dịch từng năm. 
Quận Thới Bình bấy giờ, có 2 trường Trung Học. Một là trường trung học Thới Bình, hai là trung học Bán Công Thới Bình. Do tình trạng thiếu Giáo Sư (trước 75, các Thầy Cô dạy Trung Học đều được gọi là Giáo Sư), vì có nhiều thời gian rảnh, tôi xin dạy giờ ở hai ngôi trường này. Sang năm sau, tôi chuyển ngạch. Từ một Giáo Học Bổ Túc, một giáo sư dạy giờ, tôi đã chính thức trở thành Giáo Sư Đệ Nhất Cấp. 
        Thời gian ở đây, môn dạy chính là Toán, ngoài ra tôi còn nhận dạy thêm một số một môn như Sử Địa, Công Dân, nhất là mộn tôi rất yêu thích"Văn", vì mỗi năm trường mở thêm lớp mới, dẫn đến tình trạng thiếu Giáo Sư không thể tránh khỏi.
        Cũng là may mắn, sang năm 1973, Thầy Hiệu Trưởng chuyển nhiệm sở, Tôi một thầy giáo còn rất trẻ, trẻ tuổi đời lẫn tuổi nghề, lại được đề cử chức vụ Hiệu Trưởng. Tôi thật sự rất ngạc nhiên, đồng thời biết ơn thầy Hiệu Trưởng cũ và Sở Học Chánh Cà Mau đã tin tưởng giao cho tôi trọng trách này. Tôi thầm nhũ sẽ dựa vào khả năng bản thân cố gắng làm tròn trọng trách, quyết không phụ lòng những người đã đặt niềm tin vào mình.
 
        Sau ngày 30 tháng 4 - 1975, tất cả đều thay đổi, ngành giáo của chúng tôi cũng không tránh khỏi, Một số thầy cô xin về quê, một số bị cho nghỉ việc, khiến trường thiếu Giáo viên, nên tất cả học sinh từ lớp 10 trở lên được chuyển ra Cà Mau học tiếp.
        Lúc bấy giờ, tôi cũng nghĩ mình sẽ nằm trong diện bị thôi việc vì quan hệ gia đình xấu, lại ngạc nhiên, tôi lọt sổ. Đến khi được mời lên phòng Giáo Dục Huyện, mới vỡ lẽ, tôi được lưu dụng và giữ chức vụ Trưởng Ban Điều Hành trường Trung Học Thới Bình chứ không phải là Hiệu Trưởng. Một chức vụ mới mẻ, Ngạc nhiên tôi hỏi anh Tám Thức Trưởng Phòng, Anh cho biết : Huyện chờ Giáo viên ngoài Bắc vào chi viện, những Thấy đó sẽ được phân công làm Hiệu Trưởng và Phó Hiệu Trưởng. Anh Tám Thức, trưởng phòng Giáo Dục lớn hơn tôi một vài tuổi, là một người hiền lành chân chất, rất hòa đồng. Tôi vẫn nhớ như in, sau nghỉ dạy một thời gian, ở bến xe Bạc Liêu (lúc bấy giờ, Cà Mau và Bạc Liêu sát nhập thành tỉnh Minh Hải), tôi chờ mua vé xe về Cà Mau, đợi mãi đến chiềuvẫn không mua vé được, vì ưu tiên cho cán bộ. tình cờ gặp Tám Thức, anh chào và hỏi tôi:
- Ủa anh Đức, đi dâu mà đứng đây?
- Tôi về Cà Mau, đứng xếp hàng từ sáng đến giờ mà chưa mua được vé. Còn anh đi đâu vậy?
- Tôi đi công tác ở đây, thôi để tôi mua vé cho anh.
        Thế là anh chen vào mua 1 vé giúp tôi. 
     
Tôi một giáo viên của chế độ cũ, quan hệ gia đình xấu, vì sao phòng giáo dục đã giữ tôi lại? Không biết!
       Những tháng hè, Con tôi mới 5-6 tháng tuổi, vợ tôi ở ngoài Cà Mau vì Trường không hoạt động, riêng tôi tạm thời công tác ở phòng Giáo Dục chưa có lương, ăn uống tập thể. 
Cũng trong những tháng hè, Giáo viên chúng tôi phải về Cà Mau để học chính trị và nghiệp vụ. Giảng viên là một nhà giáo của Hà Nội. Suốt thời gian học tập, chuyên môn thì ít, chính tri và khoe mẻ thì nhiều. Qua Giảng Viên,  tôi cũng biết được sự ưu việt của Nhà nước ta là thế nào.
        Sau mấy tháng chịu đựng, cuối cùng giáo viên chúng tôi cũng được cấp lương. thêm ngạc nhiên khi lương của tôi là 64$/tháng do tính theo mức lương cũ (lương cũ của tôi là 32.000 $/tháng) . Anh Trưởng Phòng Giáo Dục nói với tôi: Huyện này lương anh là cao nhất. Các Thường Vụ Huyện Ủy chỉ có 42$/ tháng, anh thấy Nhà Nước đãi ngộ tốt các giáo viên lưu dụng của anh chưa". Sau này khi gặp các bạn những tỉnh khác, tôi mới biết lương họ thấp, vì cách tính lương các Tỉnh không giống nhau, mỗi nơi mỗi khác. 
      Ngoài các cán bộ phòng giáo dục, tôi cũng thường xuyện tiếp xúc với chú Sáu Thắng Trưởng Ban Tuyên Giáo Huyện. Chú gần 50, bản chất đúng là một nông dân Miền Tây hiền hòa, và có cảm tình tốt với tôi. 
        Thấy tôi thường có vẻ buồn, chú hỏi:
- Nhớ vợ con à?  
        Tôi mỉm cười. Chú tiếp:
- Từ từ sẽ quen thôi.
      Thời gian sau đó, Chú chuyển về Cà Mau làm thủ trưởng Thương Nghiệp Tỉnh. Có lần tôi về Cà Mau thăm gia đình, và đến thăm Chú. Chú rất vui, do có chế độ nhu yếu phẩn cao, khi gặp tôi, chú bảo cấp dưới lấy thùng sữa (24 hộp) của chú mang cho, tôi từ chối, Chú nói
- Con còn nhỏ, Cháu lấy thùng sữa này về cho con đi.  
      Thời gian sau 30-4, sữa  được coi như mặt hàng xa xỉ. Mang thùng sữa về, tôi bảo đứa em vợ mang đi bán để vợ con có tiền trang trải cuộc sống. 
       Mang thùng sữa về nhà, tôi rất xúc động trước tình cảm chú dành cho. Sống bât kỳ chế độ nào, chủ nghĩa nào, hay ý thức hệ khác nhau, cũng có những trái tim thuần thiện, đầy tình người. 
     Phải chăng vì có những người như chú Sáu Thắng và anh Tám Thức, khiến tôi quên đi phần nào cuộc sống thiếu thốn và buồn tủi.

          Giữa năm học 1975 -76 Phòng Giáo Dục Huyện được chi viện hai giáo viên đảng viên từ Miền Bắc vào. Một Hiệu Trưởng và một Phó Hiệu Trưởng. lúc này, tôi vẫn còn toàn quyền trong sắp xếp trong phạm vi chuyên môn, ngoại trừ các quan hệ với phòng Giáo Dục hay ký các văn thư. 
          Chuyện gì tới rồi cũng tới. khi hai vị Hiệu Trưởng và Phó đã có thể điều hành trường tương đối êm xuôi, cuối năm học 76-77 tôi chính thức bị cho thôi dạy với lý do mơ hồ "không thích hợp là Người Giáo Viên Nhân Dân". Cũng có đôi chút buồn sau mấy năm gắn bó và nổ lực phát triển nền giáo dục địa phương, nhưng không hề tiếc vì có nhiều điều tôi không đồng thuận từ nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy.
         Được hoạt động trong ngành giáo dục của 2 chế độ, không phải chuyên gia, nhưng cá nhân tôi cũng có những suy nghĩ và nhận xét ưu khuyết điểm về ngành trước và sau 1975. 
       Cụ thể, tôi không thích nội dung một số bài trong bộ môn khoa học xã hội mới này. Thật không hợp lý trong đào tạo con người khi có các bài dạy mang tính kỳ thị, gieo mầm móng hận thù, gieo mầm giết chóc vào đầu óc trẻ, có thể biến con người thành những kẻ sát nhân trong tương lai, Nội dung giáo dục gây chia rẽ, làm mất đi ý nghĩa hai chữ "Đồng Bào". Trong những năm đầu của thế kỷ 21 đến nay, số người phạm tội hình sự, những phạm nhân tàn ác  không ngừng tăng, có thể một phần do các bài dạy nặng mùi chết chóc trong sách giáo khoa, đã tiềm ẩn và biến chất các học sinh ngây thơ thuở nào chăng? 
       Khi thi chuyển cấp hay thi các học kỳ, Giáo Viên sẽ dạy cho học sinh các Đề Cương. Các đề thi (hay đề tương tự) đều nằm trong các đề cương này. Theo tôi điều này không thể chấp nhận. Như thế khác nào là học tủ, thi tủ. Rất tai hại. Có lẽ vì thế mà số học sinh giỏi gần như hết lớp, chỉ một số rất ít thuộc các nhóm dưới, tạo ra số lượng ảo học sinh giỏi. Do đó số lượng học sinh từ Tiểu Học đến Đại Học có phát đồ gần như Hình Trụ, trong khi thời tôi đi học là Hình Chóp. Ngoài ra góp phần vào kết quả này chính là chính sách giao chỉ tiêu cho các giáo viên, dựa vào chỉ tiêu này để xét duyệt năng lực và khả năng giáo viên.
       Riêng về phương pháp, Giáo án, thời gian dạy... cũng không khác gì mấy, nhưng giáo viên không thể du di. Ở nền giáo dục cũ, Thầy cô có thể dùng một số thời gian từ các bài phụ, để tăng thời lượng cho các bài được xem là trọng tâm của chương trình. Còn nay, bài giảng bắt buộc phải theo số tiết (giờ) qui định, không được sai lệch với sắp xếp trong chương trình. chính vì thế, những học sinh thông minh có thể theo kịp và hiểu bài, những học sinh kém thông minh sẽ khó theo kịp, dần dần mất đi căn bản. Đây chính là lý do khiến phụ huynh phải cho con cháu đi học thêm, vì vậy nạn dạy thêm không thể nào xóa bỏ được. Thực tế đã chứng minh điều này, bây giờ ngành giáo dục buộc phải công nhận và cho phép dạy thêm.   
        Về học phí, thú thật tôi cảm thấy buồn cho các gia đình nghèo, vì trong năm học đóng rất nhiều phí, các bậc phụ huynh thường lo lắng mỗi mùa tựu trường. Thời của tôi, suốt năm học, chỉ đóng tiền cho cả năm gọi là Niên Liễm, số tiền này thấp, không ảnh hưởng đến các gia cảnh khó khăn.

         Sau khi nghỉ dạy, vợ chồng tôi khăn gói về quê. Phải chờ suốt cả ngày mới mua được vé. Ngồi trên xe, chợt nhớ đến câu: 
                 Võng anh đi trước, kiệu nàng theo sau
 và lẩm bâm lời bài hát "Trăng Sáng Vườn Chè" 
                    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
                 Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
 rồi nghĩ lại mình, tôi phá cười to lên khiến vợ ngạc nhiên.

         Về quê ngoại ở huyện Vũng Liêm. cùng các em làm ruộng. Khi con lên 5, tôi nghĩ đến chuyện quay về thị xã Vĩnh Long để lo chuyện học cho cháu. 
Không nghề ngỗng, không tiền bạc, vợ chồng tôi phải làm đủ thứ để kiếm sống. Về sau có bạn hỏi:
- Trong giai đoạn khó khăn Bạn làm gì để sống?  
Tôi cười dí dỏm:
- Cái gì cũng làm cả, chỉ có ăn trộm trâu là chưa làm thôi. 
          Cật lực đến thế mà phải mãi dến năm con tôi 7 tuổi mới được đi học, như thế đã trễ mất 1 năm của cháu. 
        Sự chịu khó và kiên trì của vợ chồng tôi cuối cùng đã được bù đấp. Con tốt nghiệp Đại Học, lập gia đình. Còn tôi cũng đua đòi tập sử dụng computer qua sự chỉ dạy của con trai. Niềm đam mê đọc sách và viết lách dần sống lại. 
       Đến năm 2010, các bạn bè, đàn em ở Hải ngoại liên lạc được với tôi, Chính những người bạn ấy đã kéo tôi thực hiện đam mê của mình: " Làm Thơ". Vâng Làm Thơ, một thú vui từ thời mới bước chân vào ghế trường Trung Học. 
       Thời gian cứ trôi, xã hội cũng dần biến đổi, Tôi vẫn sống với đam mê và niềm vui của mình bên gia đình và vây quanh là con cháu. Tôi không còn mong muốn gì hơn. Thật vô cùng hạnh phúc.  
       Niềm vui không chỉ thế, tôi còn kết giao được rất nhiều Bạn từ bốn phương qua thi ca.
       Một ký ức ngọt ngào có, cay đắng có, sung sướng có, khổ đau có, hạnh phúc có, tủi hờn có...tất cả đã mang đến cho tôi một khoảng thời gian thú vị của đời mình. Những thú vị này chỉ những ai từng sống trong cả hai chủ nghĩa mới có thể có được.
        Cảm ơn đời đã cho tôi lắm thú vị. Xin Cám ơn, Cám ơn tất cả.

Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét