Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Cảm Nghĩ Về Luật Thơ


Trò chơi nào cũng có những luật lệ riêng của chúng. Thơ cũng không ngoại lệ, cũng có Luật thơ.
Thế Luật Thơ là gì? Luật thơ chính là những nguyên tắc, những qui định, những điều mà người làm thơ phải tuân theo. Tùy vào thể loại, mỗi loại thơ có những qui tắc khác nhau.
Từ việc giao thoa văn hóa giữa các nước với nhau, nên Việt Nam chúng ta ngày nay sử dụng khá nhiều dạng thơ, Tây có, Tàu có, cùng với thơ bản địa. 

A - Thơ Tây Phương

Căn bản, thơ của Tây Phương thường gieo vần Độc vận hoặc Liên vận ở cuối câu. Ảnh hưởng của thơ Tây Phương đã mang đến cho chúng ta một dạng vào đầu thế kỷ 20, dạng này được gọi là Thơ Mới.
       Thí dụ:
1/ Trích Đoạn
 Après La Bataille  Tác Giả Victor Hugo

Mon père, ce héros au sourire si doux,
Suivi d’un seul housard qu’il aimait entre tous
Pour sa grande bravoure et pour sa haute taille,
Parcourait à cheval, le soir d’une bataille,
Le champ couvert de morts sur qui tombait la nuit.
Il lui sembla dans l’ombre entendre un faible bruit.
...
Đây là bài thơ Liên Vận, gieo vần từng cặp câu.

2/ Trích Đoạn
Il Pleure Dans Mon Coeur
                           Paul Verlaine
Il pleure dans mon coeur
Comme il pleut sur la ville;
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon coeur

Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits!
Pour un coeur qui s'ennuie
Ô le chant de la pluie
....
Bài thơ này Liên Vận, cứ 4 câu sử dụng Độc Vận, vần được gieo ở các câu 1,3 và 4.
3/
 Trích đoạn: Stances- Tác giả: Puskin

Avez-vous vu la tendre rose,              
L’aimable fille d’un beau jour,          
Quand au printemps à peine éclose,   
Elle est l’image de l’amour ?             
Telle à nos yeux, plus belle encore,
Parut Eudoxie aujourd’hui :
Plus d’un printemps la vit éclore,
Charmante et jeune comme lui.
....
Bài thơ này theo dạng Liên Vận và gieo vần cách câu.

B - Thơ Trung Hoa

1/ Thơ Cổ Phong: lề, thói xưa (Cổ Thể : thể cách xưa)
Đây là thể thơ có trước nhà Đường bên Tàu, không có luật lệ nhất định. Vần gieo có thể Bằng hoặc Trắc.

    關雎              Quan Thư  1

關 關 雎 鳩,  Quan quan thư cưu     
在 河 之 洲。  Tại hà chi châu.    
窈 窕  淑 女, Yểu điệu thục nữ,
君 子  好 逑。 Quân tử hảo cầu

Bài thơ này thuộc dạng Đoản Thiên, Độc Vận và gieo vần ở các câu 1,2 và 3.

長 干 行  其二    Trường Can Hành Kỳ 2
         
家 臨 九 江 水      Gia lâm Cửu Giang thuỷ   
來 去 九 江 側      Lai khứ Cửu Giang trắc.    
同 是 長 干 人      Đồng thị Trường Can nhân   
生 小 不 相 識。  Sinh tiểu bất tương thức. 
                崔顥                       Thôi Hiệu

 Bài thơ này gieo vần Trắc, cách câu. 
   
            Trích Đoạn:
 龍城琴者歌              Long Thành Cầm Giả Ca
             阮攸                                             Nguyễn Du
龍城佳人                       Long thành giai nhân  
不記名字                       Bất ký danh tự      
獨善絃琴                       Ðộc thiện huyền cầm      
舉城之人以琴名           Cử thành chi nhân dĩ cầm danh
學得先朝宮中供奉曲    Học đắc tiên triều cung trung “Cung phụng” khúc
自是天上人間第一聲。Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh   
 ... 
Bài thơ theo dạng Trường Thiên, số chữ trong câu tùy tác giả, gieo vần Cách Câu, Liên Vận

Qua phần trình bày bên trên, chúng ta thấy, thơ Tây phương và thơ Cổ Phong của Trung Hoa, có một số nét tương đồng như cách gieo vần, số chữ trong câu cũng như số câu trong bài thơ.

2/ Thơ Đường Luật (Cận Thể hay Tân Thể: dạng mới, dạng gần nhất)

Đây là dạng thơ xuất hiện đời Nhà Đường bên Tàu, có những qui định khắc khe nhất: Luật Thanh ( tạo sự trầm bổng), Vần (tạo sự liên tục êm ái xuôi tai), Đối (tạo sự phản biện hay đồng thuận, bổ nghĩa cho nhau, làm rõ hơn ý tưởng của bài thơ), Niêm (Sự liên kết chặt chẽ về âm luật giữa các câu thơ với nhau), và sau cùng là Bố Cục (tạo sự liên tục trong ý thơ, tránh trường hợp đầu Ngô Mình Sở, mỗi câu mỗi ý). Người làm thơ phải tuân theo các luật này.

   曲江 其二           Khúc Giang Kỳ Nhị    
                 杜甫                               Đỗ Phủ 
 
朝回日日典春衣      Triều hồi nhật nhật điển xuân y
 每日江頭盡醉歸     Mỗi nhật giang đầu tận tuý qui
 酒債尋常行處有     Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
 人生七十古來稀     Nhân sinh thất thập cổ lai hi
 穿花蛺蝶深深見     Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm kiến
 點水蜻蜓款款飛     Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi
 傳語風光共流轉     Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
 暫時相賞莫相違     Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.

C- Thơ Việt Nam
 
Do ảnh hưởng văn hóa từ các quốc gia khác, nên chúng ta có nhiều dạng thơ, thơ du nhập từ nước ngoài và thơ bản địa.

1- Thơ Tự Do và Thơ Mới

Thơ Tự Do xuất hiện và phát triển từ những năm đầu của hậu bán thế kỷ 20. Đây là dạng thơ phá bỏ các luật lệ trước Nó. Thơ viết thiếu vần kém điệu, nhiều lúc nghe hơi chói tai, phóng bút rất tùy hứng, đôi khi rất khó hiểu. Hai nhân vật nổi bậc của loại thơ này là Thanh Tâm Tuyền và Quách Thoại.

Thơ Mới phát nguyên từ lối thơ của người Pháp. Các nhà thơ thấy thơ Pháp không hạn định số câu, số chữ, không niêm, không đối, có nhiều cách gieo vần, nên mới đem thể ấy áp dụng vào thơ của chúng ta.

Trích Đoạn: Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ

        ... Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
            Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
            Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
            Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
            Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
            Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
            Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
            Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
            Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
            Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?...

Trích Đoạn Tiếng Trúc Tuyệt Vời của Thế Lữ

            Tiếng địch thổi đâu đây,
            Cớ sao mà réo rắt?
            Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
            Mây bay... gió quyến mây bay...
            Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
            Như hắt hiu cùng hơi gió heo may...

2- Thơ Đường Luật
Đây là Dạng thơ mà các triều đại trước của Ta, thường sử dụng trong các kỳ thi chọn nhân tài. Tất cả qui luật đều tuân thủ theo luật của Thơ Đường Luật, có nghĩa là tôn trọng 5 qui tắc bắt buộc.

         Đêm Thu Nghe Tiếng Quạ Kêu
                                        của Quách Tấn

            Từ Ô Y hạng rủ rê sang,
            Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
            Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
            Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
            Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
            Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
            Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
            Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

3- Thơ Truyền Khẩu

Thơ truyền khẩu của nước ta có nhiều dạng như Tục Ngữ, Ca Dao...Nhưng lãng mạn và tình cảm chính là Ca dao. Khác với thơ nước ngoài, Ca dao Việt Nam vừa gieo vần cuối câu, lại còn gieo vần ở giữa câu. Có một điều rất đặc biệt trong Ca Dao của chúng ta, đó là sự phóng khoáng, không cứng nhắc, chủ yếu sao cho có vần có điệu, nghe xuôi tai và dễ nhớ là được.

             Lạy trời mưa xuống
             Lấy nước tôi uống
             Lấy ruộng tôi cày
             Lấy đầy bát cơm.

Trong Ca Dao, có một thể quan trọng, thường có dạng câu 6, câu 8 chữ, được gọi là thơ Lục Bát:

                Trong đầm gì đẹp bằng sen 
       Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng  
              Nhụy vàng bông trắng lá xanh
        Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Tuy nhiên, thơ Lục bát không bắt buộc chỉ có câu 6 và 8, mà có thể thêm bớt số chữ trong câu:

                     Biết thì thưa thốt
         Không biết thì dựa cột mà nghe

             Sơn Bình Kẻ Gốm không xa  
     Cách một cái quán với ba quãng đồng
        Bên dưới có sông bên trên có chợ
           Ta lấy mình làm vợ nên chăng
              Tre già để gốc cho măng.
Hay là:
                     ...Thành Hà-nội năm cửa chàng ơi  
           Sông Lục-đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng   
                    Nước sông Thương bên đục bên trong  
         Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh...

Thơ Lục Bát ngoài gieo vần Bằng còn có thể gieo vần Trắc:

                    Tò vò mà nuôi con nhện
             Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
                       Tò vò ngồi khóc tỉ ti
            Nhện ơi nhện hỡi mầy đi đàng nào.
Hay là:
                 Tình thương gươm trường không sợ   
            Sét đánh bên mình duyên nợ không buông.

Qua những thí dụ về thơ Lục Bát, chúng ta nhận thấy có một điều rất đặc biệt, đó là sự uyển chuyển, phóng khoáng, dễ dãi, không cứng nhắc trong khi làm thơ. Chính vì thế, khi các nhà nghiên cứu; các học giả tổng hợp về ca dao để tìm qui tắc chung cho Thơ Lục Bát, các vị đưa ra luật thơ Lục Bát chỉ mang tính tương đối mà thôi, bởi vì bản chất thơ Lục Bát giống như những người bình dân lam lũ, không thích những ràng buộc những qui định nghiêm khắc.

D- Kết Luận

Trong môn bóng đá có nhiều hình thức chơi: Bóng đá 11 người, Bóng đá trong nhà, Bóng đá bãi biển. Mặc dù cũng là bóng đá, nhưng mỗi loại đều có một vài luật lệ riêng.
Thơ cũng giống thế, có nhiều loại thơ, mỗi loại có những nguyên tắc và qui luật riêng như trình bày bên trên, chỉ cần nhìn vào các điểm riêng này, chúng ta có thể biết đó là loại thơ gì.
Ngày nay, có một vài nhóm thơ, một số người cho rằng làm thơ chỉ vui chơi giải trí, không cần thiết hay bắt buộc phải theo đúng luật. Đây là quan điểm rất sai lầm, trò chơi nào cũng có những luật riêng, khi chấp nhận chơi, chúng ta phải tôn trọng những qui tắc dù khắc khe, nếu không thể làm thơ theo những điều đã được qui định, chúng ta có thể chọn thể loại khác để chơi, cớ sao lại phải thay đổi hay giảm bớt luật lệ đã có từ trước?
Nói chung, chính những luật đã tạo nên nét độc đáo riêng, sắc thái riêng cho thơ, khiến cuộc chơi càng thêm thú vị và hấp dẫn hơn đối với người chơi.

Huỳnh Hữu Đức

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2021

Cõi Mông Lung


Bài thơ Xướng
 
      Cõi Mông Lung

Em đã đi mùa hè trở lại
Nắng sân trường nắng vẫn lung linh 
Hàng điệp vàng ấp e tươi sắc
Cánh phượng hồng mơn mởn dáng xinh 
Nhớ thuở trước công viên đủ bóng
Mà giờ đây ghế đá riêng mình
Bao năm sương gió nhiều dâu bể  
Âm ỉ trong anh mãi cuộc tình.
                                  Quên Đi
Các Bài Thơ Họa:

          Thương Ai Viễn Xứ

Nhớ em viễn xứ ve sầu lại...
Phượng thắm sân trường cạnh miếu linh
Đà Lạt thông reo, hồ nước lạnh
Sân Cù gió hú nữ sinh xinh
Bích Câu Kỳ Ngộ, chàng đôi bóng
Than Thở Cố Nhân, thiếp một mình
Mưa nắng bất thường, đây nghỉ mát
Hàn huyên tâm sự, đó chung tình
                              Mai Xuân Thanh 
                                (June 21, 2021)
***
       HẠ VỀ

Xuân vừa đi hạ thời quay lại
Vắng lặng hiên trưa chỉ một mình.
Trong lá gục gù chim gọi bạn
Trên hoa chấp chới bướm vương tình.
Lang thang mây trắng trời xanh ngắt
Phơi phới nụ hồng cánh đẹp xinh.
Xác phượng im lìm rây thảm tím
Lòng buồn réo rắt tiếng phong linh .
                                        Mailoc
                                       06-21-21
                                (Cali Hạ Chí 2021)
***
    Thân Phận Chúng Ta

Ký ức kinh hoàng luôn trở lại
Một thời đất nước quá điêu linh
Quê hương đổ nát trong chinh chiến
Dân tộc đau thương với uẩn tình
Lúc trẻ không tròn đêm mộng đẹp
Về già chẳng vẹn giấc mơ xinh
Ngậm ngùi xa bạn, lìa quê quán
Đất khách cô đơn tủi phận mình
                              Phương Hà
***
        THĂM CÕI VẮNG.

Bốn mươi năm trước, giờ quay lại
Cõi vắng mơ hồ gió hiển linh
Hoa trắng hạ buồn vương tóc bạc
Nắng hồng mùa mới điểm môi xinh
Chốn xưa sương phủ hoang tàn mộng
Cảnh cũ hương bay ấm áp mình
Như có nỗi gì sầu muộn lắm
Phải vì chưa dứt mối u tình  ...
     Hawthorne  22 - 6 - 2021
               Cao Mỵ Nhân
***
SQ nhớ lại có một bài hát của thuở..trước 
    “ Em hỏi anh bao giờ trở lại
      Xin trả lời mai mốt anh về…..
     …… 
Bài nhạc hay ray rứt lòng người lính chiến
Nay SQ xin mượn câu đầu để viết cho bài họa của mình 
Mong các bạn thơ thông cảm

   TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI 

“ Em hỏi tôi : “ bao giờ trở lại 
Để về chung sống chuỗi ngày xinh “ ?
Trả lời sao nhỉ ….cho thông hiểu ?
Phúc đáp nào đây…đạt thấu tình !
Trước đã mê say đời gió bụi
Nay thời chìm đắm kiếp phiêu linh
Tha phương ôm mối sầu xa xứ
Chẳng biết khi nao….gặp bạn mình
                               songquang 
                                20210622

***

            Vẫn Phượng

Loài hoa sắc máu mang hình bóng
Hoa học trò kỳ bí hiển linh
Vẫn phượng huy hoàng màu rực rỡ
Thướt tha cùng gió dáng xinh xinh
Xương hoa khô ép hồn tri kỷ
Lưu bút xanh ghi “chuyện chúng mình”
Từng cánh lay lay thời dĩ vãng
Phượng rơi vẫn phượng biết bao tình
                              Kim Phượng

 

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Bốc Toán Tử - Lý Chi Nghi


Lý Chi Nghi tên chữ là Đoan Thúc, tự Hiệu Cô Khê cư sĩ, người Vô Lệ ở Thương Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Ông đỗ tiến sĩ năm thứ 3 đời Tống Thần Tông 宋神宗. Ông có tập Cô Khê từ 姑溪詞.

       卜算子                      Bốc toán tử
              李之儀                      Lý Chi Nghi

我 住 長 江 頭                Ngã trú Trường Giang đầu
君 住 長 江 尾                Quân trú Trường Giang vĩ.
日 日 思 君 不 見 君      Nhật nhật tư quân bất kiến quân
共 飲 長 江 水                Cộng ẩm Trường Giang thuỷ
此 水 幾 時 休                Thử thuỷ kỷ thời hưu
此 恨 何 時 已                Thử hận hà thời dĩ
只 願 君 心 似 我 心      Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm
定 不 負 相 思 意。       Định bất phụ tương tư ý.

Dịch nghĩa: Điệu Bốc Toán Tử

Nhà Thiếp ở đầu sông Trường Giang  
Nhà chàng ở cuối sông Trường Giang  
Ngày ngày tưởng nhớ đến chàng nhưng chẳng thấy chàng  
Hai ta cùng uống chung nước sông Trường Giang  
Nước sông này khi nào thôi chảy 
Hận tình này biết đến bao giờ mới thôi  
Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp
Nhất định không phụ nỗi niềm nhớ nhau.

Dịch thơ: Tương Tư

1/
Nhà thiếp đầu Trường Giang 
Cuối Trường Giang chàng ở         
Bóng người chẳng thấy chỉ mòn trông   
Nước chung dòng thêm nhớ
Sông nọ bao giờ dừng    
Hận này dài mấy thuở   
Hy vọng chàng cùng thiếp một lòng   
Không phụ niềm nhung nhớ.    

2/  
               Nhà em vốn ở đầu sông  
       Còn chàng ở tận cuối dòng xa xôi 
       Ngày ngày nhung nhớ chẳng thôi   
Nước chung dòng uống bồi hồi xuyến xao 
            Hỏi sông dừng chảy khi nào
      Hận tình này biết thuở nao mới tàn  
     Chung lòng thiếp thiếp chàng chàng  
    Để không phụ bỏ tình đang nặng tình
                                                 Quên Đi 

***

                     Mộng Tình...

           Thiếp nhà cư ngụ đầu sông
Trường Giang chàng ở cuối dòng nhớ ơi
     Thầm thương, trộm nhớ mình thôi
     Đôi ta cùng uống chung rồi đó sao ?
             Sông kia hết chảy lúc nào ?...
         Hận này ai biết khi nao lụi tàn
      Một lòng chung thủy thiếp chàng
      Tỏ tình ai thấu ta đang mộng tình...!
                            Mai Xuân Thanh
                               July 30, 2021
***
Góp ý:   Bài này với cái tựa Bốc toán tử (chàng thầy bói), dĩ nhiên bài thơ là của chàng gởi thư thăm dò một bóng hồng nào đó đã lọt vào mắt chàng. Chữ Quân trong Hán tự không nhất thiết phải chỉ đấng mày râu, do vậy ở đây là thơ của chàng ghẹo nàng chứ không phải của nàng thả tim tìm ý trung nhân.

       Chàng Thầy Bói

Trường Giang, ta đầu sông,
Trường Giang, nàng cuối dòng
Chẳng thấy nàng, ta ngày ngày nhớ.
Trường Giang, nước uống chung.
Trường Giang, bao giờ cạn ?
Hận này, bao giờ xong ?
Chỉ mong lòng ta - nàng tương tự
Mảnh tương tư không phụ lòng.
                             Danh Hữu
            Paris, sáng thứ bảy 31.07.2021

Thưa Thầy Danh Hữu,
Riêng về chữ "Bốc Toán Tử" đúng như Thầy giải nghĩa, nhưng ta cũng có thể hiểu là "bà thầy bói" vì có chữ nữ tử. Bàn chút cho vui, chứ thật ra "Bốc Toán Tử" ở đây có nghĩa là một bài Từ, một khúc hát theo giọng điệu của Thầy bói.
Và có thể coi như Lý Chi Nghi phổ nhạc bài thơ "Trường Tương Tư" của Lương Ý Nương thời Ngũ Đại bên Tàu.
Có chút ý kiến cùng Thầy.
                 Kính
              Quên Đi
***
    Tình Vương Vấn

Nàng ở đầu sông, ta cuối sông
Trông vời chẳng thấy, mỏi mòn trông
Hai nơi cách biệt bao nhung nhớ
Một giải trôi hoài mấy đợi mong
Biết đến khi nào sông hết nước ?
Bao giò tới lúc muộn ngưng dòng ?
Xin ai thấu hiểu niềm mơ ước
Thề hẹn cùng nhau thỏa mộng lòng
                  Phương Hà phỏng dịch
                           ( 31/07/2021 )
***
                      Nhớ Nhau

             Nhà em ở đầu con sông
      Nhà anh ở miết cuối dòng mù xa
          Ngày nhung ngày nhớ đôi ta
 Chung dòng nước uống thiết tha bồi hồi
          Bao giờ ngừng chảy sông ơi
    Hỏi rằng mấy thuở mới lơi hận tình
       Thiếp chàng chung thủy vẹn gìn
Luyến Lưu không phụ đôi mình đeo mang
                                          Kim Oanh


***

Phụ Chú:

Kính thưa Quý Thầy Cô, Tiền Bối và Các bạn trong Vườn Thơ Thẩn,
Theo tôi hiểu (qua Tự Điển) thì chữ TỬ 子 ngoài nghĩa chỉ: Người, chỉ Ông, chỉ Thầy...ra, còn dùng để chỉ Đồ Vật và Sự Việc. Như : Khoái Tử 筷子 là Đôi Đũa (dùng để gắp); Qua Tử 瓜子 là Hạt Dưa; Khúc Tử 曲子 là Một Điệu Hát, Một Khúa Ca Ngắn...
Ở đây, chữ TỬ 子 chính là KHÚC TỬ 曲子 : là Một Điệu Hát, Một Khúc Ca Ngắn...Chớ không phải là Ông, hay Bà Thầy Bói gì cả ! Cứ dán 3 chữ 卜算子 (bốc toán tử) lên google, ta sẽ có vô số tài liệu về "Bốc Toán Tử". Sau đây chỉ dịch một phần tiêu biểu mà thôi.

Theo "Điền Từ Danh Giải 填词名解 của Mao Tiên Thư đời nhà Thanh thì : Lạc Tân Vương, một trong Tứ Kiệt buổi sơ Đường làm thơ hay dùng những chữ số, người đời gọi là BỐC TOÁN TỬ. Lại theo "Từ Luật" từ Thanh Vạn Thụ : Căn cứ vào lời từ như đang cầu cơ, bói toán của Hoàng Đình Kiên đời Bắc Tống mà người đời gọi là BỐC TOÁN còn TỬ là nói gọn lại của Khúc Tử 曲子 hay Tiểu Khúc 小曲; nên "BỐC TOÁN TỬ 卜算子 là một khúc hát ngắn ca ngâm về việc bói toán" Vì TỪ là CA TỪ 歌詞 là những lời ca có nhạc điệu hát được. Nên lại có rất nhiều ĐIỆU Từ dùng để hát mà BỐC TOÁN TỬ chỉ là TÊN của MỘT ĐIỆU TỪ trong rất nhiều ĐIỆU Từ như : Ngu Mỹ Nhân 虞美人, Tây Giang Nguyệt 西江月, Lãng Đào Sa 浪淘沙, Lâm Giang Tiên 临江仙, Điệp Luyến Hoa 蝶恋花, Bốc Toán Tử卜算子... Cũng giống như trong cổ nhạc của ta có các điệu Lý, như Lý Con Sáo, Lý Cây Chanh, Lý Qua Cầu... và các Điệu cổ nhạc Cải Lương Nam Bộ, như Nặng Tình Xưa, Đão Ngũ Cung, Khóc Hoàng Thiên, Lý Giao Duyên, Sơn Đông Hướng Mã, Ú Sang Ú Líu...

Nói chung, tên của một Điệu Từ, Điệu Ca thì không thể lấy tên của cái điệu đó mà giải thích cho lời ca bên dưới được. Ví dụ : Điệu "Lý Con Sáo" thì không phải lời hát nào của điệu nầy đều phải nói đến con sáo cả; cũng như điệu "Khóc Hoàng Thiên" thì không phải lời hát nào cũng "khóc cho ông trời" cả đâu !
Trở lại với Từ Điệu 詞調 BỐC TOÁN TỬ 卜算子. Từ điệu nầy còn có tên là "BỐC TOÁN TỬ LỆNH 卜算子令", là Bách Xích Lâu 百尺樓, Mi Phong Bích 眉峰碧, Sở Thiên Diêu 楚天遥... Lấy bài " Bốc Toán Tử- Hoàng Châu Định Tuệ Viện Ngụ Cư Tác卜算子·黄州定慧院寓居作" của Tô Đông Pha 蘇東坡 làm chính thể gồm 44 chữ. Lại có biến thể Song điệu cũng 44 chữ, 2 khổ trước sau đều có 4 câu, gieo 3 vần trắc; và một Song điệu biến thể nữa gồm có 45 chữ, 4 câu của khổ đầu gieo 2 vận trắc, 4 câu của khổ sau cũng gieo 2 vận trắc như bài BỐC TOÁN TỬ của Lý Chi Nghi 李之儀
mà ta đang nói tới đây.

Đỗ Chiêu Đức
___

Anh Chiêu Đức thân mến,

Rất thích thú với bài phân tích của anh. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, lúc ban đầu, người đặt ra khúc ca "Bốc Toán Tử" cũng phải có liên quan đến bói toán, cũng như khúc"Tương Tiến Tửu". Sau đó từ từ lời bài hát sẽ ít hoặc không còn liên quan đến cái tựa, mà chỉ giữ lại cái điệu ca và tên của khúc hát mà thôi.  

Xin gởi một vài tư liệu mà tôi được biết ngay ở bên dưới
Thân mến
Quên Đi

 ----

Truy về nguồn gốc của "Từ (khúc hát)" chúng ta có thể thấy chúng có liên quan đến "Nhạc Phủ" :

Nhạc phủ là một loại thơ làm theo nhiều thể khác nhau và có công dụng trong ca nhạc. Ðời Ðường, nhạc phủ gồm có những bài thơ cổ phong, luật thi và nhất là tuyệt cú. Vương Thế Trinh đời Thanh nói rằng: “Thơ tuyệt cú của ba trăm năm đời Ðường chính là nhạc phủ của ba trăm năm đời Ðường”.
Những bài thơ dùng trong ca nhạc đã có từ lâu, từ thời của Kinh thi và có thể trước nữa. Nhưng chỉ từ đời Hán Vũ Đế, danh từ “nhạc phủ” mới được dùng để chỉ thể thơ. Ðời Hán Huệ-đế, nhà vua thiết lập một cơ quan gọi là Nhạc phủ lệnh. Ðến đời Hán Vũ Đế (140- 86 trước Công nguyên), Nhạc phủ có qui mô mở rộng hơn, với Lý Diên Niên làm chức Hiệp luật đô úy. Từ đó trở đi, Nhạc phủ được dùng để chỉ loại thơ có thể hợp nhạc, và trở nên một thể thơ. Cuối đời Ðông Hán, vào thời Kiến An (196-220), ba cha con họ Tào (Tào Tháo, Tào Phi Tào Thực) làm ra nhiều bài nhạc phủ cổ áo, bi tráng, nổi tiếng một thời. Ðến thời Nam Bắc triều, các điệu nhạc mới của ngoại quốc du nhập nhiều. Nhạc phủ xưa không còn hợp với âm luật mới nữa ; nhưng vẫn còn nhiều nhà thơ dựa theo những bài nhạc phủ cũ để làm ra những bài mới, tuy gọi là nhạc phủ, song thực ra không còn được dùng trong ca nhạc.

Xét về nhạc phủ đời Ðường, ta thấy có thể chia ra làm bốn loại sau:

1) Những bài ca giao miếu, giống như Tụng trong Kinh Thi, không có giá trị về mặt văn chương. Thí dụ : bài Phong Thái sơn nhạc của Trương Thuyết.

2) Những bài thơ làm theo đề mục cũ của nhạc phủ, tuy có hay về mặt văn chương, nhưng không còn được dùng trong ca nhạc. Thí dụ: các bài Tương tiến tửu, Quan San nguyệt của Lý Bạch.

3) Những bài tân nhạc phủ có ý phúng dụ giống phong cách đời xưa, cũng không thể hợp nhạc. Thí dụ: 50 bài Tân nhạc phủ của Bạch Cư Dị.

4) Những bài thơ nổi tiếng được các linh quan của Lê viên phổ nhạc. Loại này có giá trị nhất, vì đích thực là nhạc phủ, lại vừa là kiệt tác xét về mặt văn chương. Ðó là những bài thơ tuyệt cú của Vương Chi Hoán, Vương Xương Linh, Vương Hàn, Cao Thích, Vương Duy …
 - (Theo Thơ Đường - Trần Trọng San)
 
***
Từ vốn bắt nguồn từ dân gian. Sự phát hiện Từ ở Đôn Hoàng (Cam Túc) đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, từ phát triển theo sự phồn vinh của kinh tế thành thị ở đời Đường, cùng sự phát đạt của âm nhạc (nhạc nước Yên) thời bấy giờ.

Ở thời kỳ đầu, từ là một loại thơ (nhưng khác với thơ ở chỗ nó có quan hệ với âm nhạc), phải đến thời Vãn Đường, từ mới thành một thể độc lập mang đầy đủ những đặc điểm của chúng, và phát triển mạnh ở đời Tống.

Từ có số chữ trong bài cố định, câu dài ngắn, và phối hợp chặt chẽ với âm nhạc. Song, nó khác Nhạc phủ hỗ "cách luật nghiêm nhặt", khác Đường luật ở chỗ "câu dài ngắn", khác thơ Cổ Phong ở chỗ "cách luật nghiêm nhặt và số chữ cố định".

Đời Tống có khoảng 870 điệu từ với những biến thể của chúng. Tên điệu từ thoạt đầu chính là đề tài của tác phẩm, như Dương liễu chi để vịnh liễu, Lăng đạo sa để vịnh cát, Đạp ca từ để tả điệu múa...song về sau chỉ còn là tên gọi đơn thuần.

Mỗi điệu từ có một từ phổ. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ (14 chữ), dài nhất là Oanh đề tự (240 chữ). Những điệu tương đối dài, thường chia làm hai đoạn, công thức có thể giống nhau hoặc hoàn toàn khác nhau. Số chữ trong câu có thể dài trên mười chữ, cũng có thể chỉ là một chữ.

Luật bằng trắc của từ rất chặt chẽ, nhìn chung không có lệ "bất luận" như ở thơ Đường Luật.

Một bài có thể dùng nhiều vần. Vần có trắc hoặc bằng, hoặc cả hai (xen kẽ); song chủ yếu gieo vần bằng ở trong điệu Cán khê sa, Lãng đào sa, Nhất tiễn mai...và chủ yếu gieo vần trắc ở Ức tần nga, Như mộng lệnh, Nguyễn lang quy...

Trình tự gieo vần ở từ cũng rất đa dạng, có thể là vần liền, vần gián cách, vần ôm...

- (Theo Wikipedia, bách khoa toàn thư mở)

 Huỳnh Hữu Đức

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Thương Thay Ngưu Chức



Bài Xướng:
  Thương Thay Ngưu Chức

Mùng Bảy tháng Bảy sắp tới đây
Ngưu Lang Chức Nữ khó sum vầy
Một dòng Vân Hán từ bao thuở
Đôi ngã thiếp chàng đến tận nay
Cũng bởi Cô-Vi hung dữ quá
Cho nên nhịp Thước khó mà xây
Chỉ mong dịch cúm mau nhường bước
Để vợ chồng Ngâu chẳng lỡ ngày.
                                  Quên Đi
***

Các Bài Họa:

        Hẹn Năm Tới

Hẹn kia sao gặp mặt nhau đây
Năm tới may ra chắc được vầy…
Chức Nữ gắng chờ-dù nhớ đó
Ngưu Lang đừng hối-dẫu buồn nay
Bệnh nhân điều trị-thầy đang xét
Covid dẹp yên-cầu sẽ xây
Nước mắt vỡ òa khi nối nhịp
Bù cho ngăn cách đã bao ngày.
                           Thái Huy
                            11/8/21
***
Ngưu - Chức Hẹn Lại Tháng Bảy Năm Sau...

Ngưu Lang Chức Nữ nhớ nhau đây
Tháng Bảy uyên ương lỡ hẹn vầy
Hai kẻ đang yêu bao kiế́p trước
Đôi đàng vẫn quý một đời nay
Cô Vy biến thể người đi trốn
Ô Thước bắc càu kẻ lại xây ?
Dưới đất, chăn trâu lo sợ bệnh...
Trên trời, dệt vải đếm từng ngày...
                   Mai Xuân Thanh
                     August 11, 2021

***
CẦU Ô THƯỚC THỜI COVID

Chiếc cầu Ô Thước tính sao đây ?
Khó bắc ngang qua để hợp vầy !
Vì thế Ngưu Lang đành lỡ trước
Cho nên Chức Nữ phải buồn nay
Thôi chờ Covid mau tan rã
Nán đợi thuốc ngừa chóng đắp xây
Hy vọng sang năm cầu nối nhịp
Dòng Ngân tháng bảy kịp sang ngày
                            songquang
                             20210814

 

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Bạn Tốt

 


 Bài Thơ Xướng

            Bạn Tốt    

Tôi anh vốn thật rất ư nghèo  
Chí cả chung thầy hai đứa theo  
Thề thốt thủy chung gầy sự nghiệp   
Cam đoan tương trợ ký giao kèo 
Đến khi việc lớn đà xong cả  
Là lúc thề kia cũng mất vèo
Sông biển ruộng vườn anh chiếm đoạt 
Bạn tôi chính họ Hứa tên Lèo.
                                          Quên Đi

Các Bài Thơ Họa:

Họ Tên Anh Là " Hứa Lèo "

Mở lối đi buôn vốn rất nghèo
Lời chia bạn hết mất công theo...
Tin nhau thực dạ không ghi giấy
Tín nhiệm trung thành chẳng lật kèo
Phúc lợi nhường cho đành chịu thiệt
Nhu cầu đáp ứng cũng bay vèo
Giàu lên tài sản anh sang đoạt
Trở mặt, thay tên họ " Hứa Lèo "
                      Mai Xuân Thanh
                           July 17, 2021
***
         Đâu Kẻ Khoe Hay? 

 

Nhân mùa Đại Dịch, thảy co tay,

Hè đến, ngồi không suốt cả ngày.

Đường xá trống trơn, dường vắng ngắt

Xóm làng lặng lẽ, những buồn thay !

Người người thê thảm, nom tiu nghỉu

Kẻ kẻ đìu hiu, ngó lắt lay.

Còn, mất, Trời kêu ai, nấy dạ :

Trốn đâu ? "phường vỗ ngực, khoe hay".

                                   Danh Hữu



Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Nhậu Online

 

Bài Thơ Xướng

        Nhậu Online 

Cô Vít tung hoàng nản quá tay
Anh em vắng gặp đã bao ngày   
Phường này huyện nọ giờ ngăn cách
Chén bạn ly mình nhớ lắm thay  
Họp mặt lên "Phây" cùng đối ẩm
Mượn bia gầy cuộc nhậu "on lay"
Thời gian giản cách đành như thế
Rượu tứ kiểu này kể cũng hay.
                             Quên Đi 
 
Các Bài Thơ Họa  
  
Online Với Điện Thư

Corovirus rượu " online "
Biến thể Delta khó bắt tay
Phong tỏa, khẩu trang lâu mấy tháng
Cách ly mặt nạ sớm nhiêu ngày
Nâng ly Facebook ta mời chén
Cụng cốc email bạn tận tay
Giản cách trao mồi ăn đối ẩm
Mạng xa gởi món nhậu càng hay
                     Mai Xuân Thanh
                         July 23, 2021 
 ***
      Đâu Kẻ Khoe Hay?

Nhân mùa Đại Dịch, thảy co tay,

Hè đến, ngồi không suốt cả ngày.

Đường xá trống trơn, dường vắng ngắt

Xóm làng lặng lẽ, những buồn thay !

Người người thê thảm, nom tiu nghỉu

Kẻ kẻ đìu hiu, ngó lắt lay.

Còn, mất, Trời kêu ai, nấy dạ :

Trốn đâu ? "phường vỗ ngực, khoe hay".

                                   Danh Hữu

***
          Nghĩ Chẳng Hay…

Rượu uống kiểu nầy nghĩ chẳng hay !
Cà kê dê ngỗng suốt đêm ngày 
Con kêu bú sữa cần đôi giọt
Vợ réo giặt đồ giúp một tay 
Mặc kệ, check Mail lia chú chuột
Không lo, tán chuyện cứ thày lay
Thời gian giản cách nên suy xét
Giúp đỡ gia đình….thật quý thay !
                             songquang