Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Thơ Tự Do



 

Sau khi thơ mới thoát khỏi thất ngôn , ngũ ngôn , lục bát , đem một sinh khí mới cho thơ ! Sau 1954 người ta nói tới một thứ thơ mới hơn (!) người ta gọi là thơ “ Tự Do “ . Thực ra thì thơ mới vẫn theo vần điệu . Đa số vẫn là Thất Ngôn ! Số lượng nhiều hơn , có cái mới là nhiều khổ ( mỗi khổ 4 câu ) . Trước đó cũng có khi nhiều khổ ( Trường thiên , hoặc thất ngôn hoặc song thất lục bát … như Tỳ bà hành … ) Hai bài tuyệt tác , rất mới là Màu Thời Gian , Tống Biệt Hành đã làm một cuộc bứt phá đẻ đi tìm Tự Do !!!
Thơ Tự Do đã làm loạn Thi Đàn , rất nhiều người khen chê từ khoảng 1954 .
Miền Bắc có Hữu Loan , Trần Dần , Phùng Quán , Hoàng Cầm . Miền Nam có Quách Thoại , Thanh Tâm Tuyền
Kịch thơ Kiều Loan của Hoàng Cầm , tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc của Thanh Tâm Tuyền là những trái Bom Tấn !!!
Tinh thần mê tự do của Hoàng Cầm , Quách Thoại đà khiến những bài thơ của các ông có một không khí tự do tuyệt vời !
Những bài thơ trúc trắc , gắt gỏng , gào thét tôi bỏ vào rọ Thơ Tự Do vì tôi rất thích cái nổi loạn , gào thét của nó như :

Máy điện giục gầm gừ
Chuông đạo réo vô tư
Kẻng tù khua gắt gỏng
( Nghĩa Đời Trong Ba Tiếng )

hoặc :
….. Và hồi lâu trước ngưỡng cửa song tù
Tôi còn nghe tiếng nói của Châu Ro
Đau cái bụng ! Ui Chu Choa ! Tức lắm !
…..
hoặc :

Đã đứng lên những con người uất ức
Những thế hệ nuốt oan hờn giữa ngực
Đã đứng lên những chiến sĩ những anh hùng
Những gươm thiêng giáo nhọn những gan đồng
Những dạ sắt đã đứng lên tất cả
…..
Lũ chúng bay loài bạc ác vô nhân
Xây sung sướng trên nhục nhằn kẻ khác
Lấy gian khổ của người làm cực lạc
Rượu mồ hôi nước mắt
Bánh xương tủy tim gan
Thịt nhân quần chúng mày vẫn uống ăn
…..
Còn rừng thiêng nước độc
Còn núi hiểm đèo cao
Còn cát khô đảo vắng biển sâu nào
Bay chẳng đọa những anh hùng chiến sĩ

Tôi không thích loại thơ “Tân Hình Thức “ gần đây vì nó ảnh hưởng quá nhiều của cái Tân Hình Thức Âu Mỹ ( nếu bạn nói là tối tăm , khó hiểu thì cũng được )
Tôi thích thơ nói lên khát vọng Tự Do của con người ! Hình như bài Liberte’ của ông J. Pre vert thì phải !
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người coi Thanh Tâm Tuyền là cha đẻ của thơ Tự Do . Chính vì Quách Thoại , Thanh Tâm Tuyền nghênh ngang , lớn giọng đòi tự do sáng tạo . Những bài thơ của các ông như những Tuyên Ngôn của thơ tự do !

Tư tưởng , giòng câu chứa đựng vạn niềm tin
Bao tâm huyết đổ dồn lên y nghĩ
Thơm tho thay những y tình tề nhị
Nói cho cùng những cảm động ẩn trong lời
Tôi biết các anh những kẻ đã khóc cười
Là những kẻ còn tin yêu vững sống
Còn sang tạo các anh hãy còn sáng tạo
Mặt trời mọc !
Mặt trời mọc !
Rưng rưng mùa hoa gạo
Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
Để nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
Và câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo
Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo
Quách Thoại

Bài thơ Trăng Thiếu Phụ của Quách Thoại biểu tả một tâm hồn yêu tự do , nhưng không ngủ và muốn :
Gửi cả lên trăng tiếng thở dài

Bài thơ Gửi Quách Thoại đúng là một “ Thông Điệp “ gửi đi , xác định rằng Tự Do sẽ thắng

Mây đục đậu lên bờ cửa sổ
Người nằm ôm chăn mỏng nhớ đời
Bệnh viện thành công viên khuất nẻo
Người ngủ một mình đợi chúng tôi
Trời cao , trời cao xin xanh biếc
Hơi thở rất tròn như vành môi
Không trách chúng tôi nhiều quên lãng
Cửa ngoài chưa thỏa vút tiếng cười
Còn thương những kẻ đau rỏ máu
Những chuyện hôm qua chuyện núi đồi
Mai kia than thể hoang từng mảnh
Nằm đây rồi cũng rõi mây trôi
Thoại ơi ! Thoại ơi ! Không biết khóc
Những giòng nước mắt ướt mặn môi
Không chết trần truồng không thể được
Chúng tôi đập vỡ những hình hài
Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời
T.T.T.

( Quách Thoại nhất quyết chết trần truồng . Bạn bè mặc quần áo cho ông , khi bạn đi khỏi , ông lại cởi hết !!! )

Tuyên Ngôn của nhóm Sáng Tạo là yêu Tự Do . Dĩ nhiên họ cũng ghét những kẻ ghét tư do :

Tên tôi là Phạm văn Thông
Tôi không ! Tôi không ! Tôi không !
Kệ xác nó
Cứ nhận đầu chôn sống
T.T.T.

Nếu Sáng Tạo ra tuyên ngôn , thì nhiều người khác xây dựng Hiến Chương chống lừa dối , hèn hạ , tham nhũng , lãng phí …
Ai mà không thán phục Phùng Quán với lời hứa như đing đóng cột của ông : quyết trở thành nhà văn

Chân Chính

Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
…..
Tôi muốn làm nhà thơ chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá
Ai là không căm ghét những kẻ tham ô lãng phí :
….. Tôi đã đi qua
Những xóm làng chiến tranh vừa chấm dứt
Tôi đã gặp
Những bà mẹ già quấn giẻ rách
Da đen như củi cháy giữa rừng
….. Tôi đã gặp
Những cô gái…
Hai mươi ? Ba mươi ?
Tôi không nhìn ra nữa
….. Tôi đã gặp
Những đứa em còm cõi
Lên năm lên sáu tuổi đầu
Cơm thòm thèm độn cám với rau
……..
Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả …
Phùng Quán

Ai là không căm ghét những kẻ nịnh hót , thì khi đọc “ Cũng Những Thằng Nịnh Hót “ của Hữu Loan sẽ thấy … đã liền :

….. Dạ Dạ Anh Anh
Dạ Dạ Em Em
Hít thượng cấp
Cứ thơm như múi mít
……
Nếu trong thơ Hữu Loan có hình ảnh dung tục ( tục ngữ Bắc Kỳ có câu : L…thơm như mít , đít thơm như cam ) thì Nguyễn Duy không ngại dùng cả tiếng Đan Mạch ( Đ .M. = tiếng Đan Mạch ) Đến Bùi Chí Vinh thì nghệ thuật dùng chữ đã lên đến đỉnh tuyệt vời !
Rất nhiều bài thơ của ông vẫn có vần, nhưng hồn con chữ của ông đã nhẩy ra ngoài vần ! Hết đọc truyện Liêu Trai nửa đêm , đến lên Đà Lạt : Vén sương mù cổ tích coi chơi … đến … Chạm Ngõ :

Hai người lớn gặp mặt nhau
Vậy là con trẻ qua cầu gió bay
Áo tình anh giữ trong tay
Bỏ công em cởi từ ngày còn thơ

Chữ nghĩa của Bút Tre cũng nhẩy lung tung nhưng không bằng Bùi Chí Vinh .
Bút tre móc túi ra được 14 chữ , bèn xếp trên sáu dưới tám cho thành câu thơ lục bát tự do

Anh đi công tác Pơ Lê
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra


Con chữ của Bùi Chí Vinh nhẩy nhót điệu nghệ hơn ( có trời mà biết nó nhẩy điệu gì ) chỉ biết rằng Lạ Lắm … Lạ Lắm ! Cả ngàn bài thơ của Bùi Chí Vinh Lạ Lắm … Lạ Lắm !
Cái lạ của Bút Tre và Bùi Chí Vinh không sánh được với Bùi Giáng ! Hẳn nhiên rồi ! vì Bùi Giáng là Thi Tiên , Thi Thánh , Thi Phật :

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

Có mà điên mới giở giọng phê bình thơ Bùi Giáng !
Dù sao thì sao , cái lạ lùng , quá đẹp , quá hấp dẫn , trên cả tuyệt vời của Bùi Chí Vinh làm tôi choáng váng , quỳ xuống , hôn lên từng chữ từng câu

SINH NGHI HÀNH

Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng em út nghi anh
Cha nghi con cái bè nghi bạn
Thủ Trưởng thì nghi hết ban nghành
……..
Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
……….
Thúy Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hóa lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Kẻ sĩ làm sao dám học hành
Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Ồ !
Hậu sinh khả úy !


Những chàng trai trẻ , rất trẻ lập nhóm Mở Miệng ! Làm thơ Rác ! thơ Nghĩa Địa ! … in những bài thơ ở nhà xuất bản Giấy Vụn !!!
Các chàng đã ra chiêu đầy sức sống ! Đầy suy tư ! Thật là những Chiêu Thức Bậc Thầy :

LUỘC

Món 1 : Luộc
Theo kiểu rau muống luộc của Bắc Kỳ
Sống ở VN ăn rau muống luộc là tốt nhất
Chưa tìm thấy thứ gì mà người Việt không thể luộc
Vậy nên
Sống ở VN ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc xe Honda, nhà đất , bằng cấp , chức tước
Từ luộc vệ sinh , an toàn thực phẩm , bảo hiểm
Từ luộc trí tuệ , thẩm mỹ , văn hóa , nhân tính
Chưa tìm thấy điều gì mà VN không thể luộc
Vậy nên
Sống ở VN ăn món luộc là tốt nhất
Từ luộc cho đến luộc
Nhà nhà tham gia luộc
Ngành ngành thi đua luộc
Duy chỉ có lí do tại sao mình bị luộc là không bị luộc
Vậy nên
Sống ở VN luộc là tốt nhất
Luộc là tốt nhất
……………….
Lí Đợi


RỒI TÔI
Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người
Tổ Quốc !
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên từ bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con sắp lọt lòng củ tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo
Tiếng chào đời con gọi meo meo

Bùi Chát

ĐÈN ĐỎ

Tôi đứng trước một ngã tư
Đèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi , nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua đèn đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mặt

Bùi Chát

Chân Diện Mục
-------------------
(*) Góp ý Thêm



Nói đến thơ Tự Do, trước hết ta cần biết sơ về Thơ Mới.
Tại sao được gọi là Thơ Mới?
Vào Đời Đường, khi dạng Thơ Luật xuất hiện và phát triển rộng, mọi người đặt tên dạng này là thơ Tân Thể, và tất cả những dạng thơ trước đó gọi là Cổ Thể. Tương tự, ở Việt Nam ta, khi dạng thơ được Phan Khôi phát động và xuất hiện từ 1932 được gọi là thơ mới và các dạng thơ từ 1932 trở về trước là Thơ Cũ.
Theo quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh:
"Thơ mới cũng có nhiều lối... thơ Tự Do chỉ là một phần trong đó..."
Thơ Mới đã phá bỏ nhiều khuôn phép của Thơ Cũ, có câu nhiều hơn 10 chữ, các câu trong bài thơ không đều, hoặc là trong câu thơ có nhiều câu thừa như dạng văn xuôi: Ta là một khách chinh phu (Lời Chinh Phu của Thế Lữ). Ý cả câu này xét kỹ chỉ là 2 từ chinh phu, còn 4 chữ kia lại thừa. Trong khi thơ cũ : Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Không một chữ nào thừa.
Nhưng Thơ Mới vẫn gieo vần với nhau. Tuy nhiên, Thơ Mới cũng lưu giữ rất nhiều khuôn phép cũ, như các bài thơ 5 chữ, thơ 7 chữ...; phương pháp gieo vần yêu vận cũng như cước vận....
Một nhánh mới của Thơ Mới xuất hiện, phá bỏ cả những khuôn phép cũ về gieo vần. Nói rõ hơn là không cần hoặc gieo vần rất ít. Nhánh mới này được mọi người gọi là Thơ Tự Do...
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Xuất Tái (Lương Châu Từ) - Vương Chi Oán


出塞  (凉州词)                      Xuất Tái (Lương Châu Từ)

黃河遠上白雲間            Hoàng hà viễn thướng bạch vân gian     
一片孤城萬仞山            Nhất phiến cô thành vạn nhận san     
羌笛何須怨折柳            Khương địch hà tu oán Chiết Liễu        
春風不度玉門關。        Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan          
               王之渙                                       Vương Chi Oán                            


Dịch Nghĩa: Lại Đến Lương Châu

Nhìn từ xa sông Hoàng Hà như vươn lên đến tận mây trắng trên không
Trên núi cao muôn trượng có một mảnh thành cô độc
Tiếng sáo người Khương thổi chi khúc nhạc buồn Chiết Dương Liễu (*)
Gió xuân chẳng hề thổi tới ải Ngọc Môn.

(*) Chú thích: Khúc Chiết Dương Liễu thời xưa, phổ cho sáo, gợi nỗi buồn người đi chinh chiến hoặc kẻ xa nhà
Dịch Thơ

1/
Xa tít Hoàng Hà nối tiếp mây
Núi cao còn lại mảng thành nầy
Thổi chi khúc sáo buồn Dương Liễu
Ải Ngọc bao giờ xuân đến đây.

2/
          Hoàng Hà như chạm trời xanh
Núi cao muôn trượng mảng thành đơn côi
        Chiết Dương khúc sáo chia phôi
     Ngọc Môn quan ải lâu rồi vắng xuân.
                                      Quên Đi

***

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

Hương Cau


              Hương Cau
 

Trồng lại bên đường mấy tán cau
Vầng trăng lơ lửng sáng làu làu
Những đêm hoa trắng mùi bay thoảng
Bóng mẹ sân vàng chổi bó mau
Lam lủ nhà nông thường bắt nhịp
Xôn xao mặt nước mãi pha màu
Tâm hồn giản dị cùng cây cỏ
Một góc thanh bình với bóng cau.
 

Một góc thanh bình với bóng cau
Như bài ám độc thuộc cho làu
Trạch Lân Mạnh Mẫu ba thường kể
Lá chổi tàu mo má vẫn trau
Đến một ngày kia trời đổi mặt
Lá vàng trước ngõ cũng thay màu
Trăng treo lay lắc xưa còn nhớ
Trồng lại bên đường mấy tán cau.

                          Cao Linh Tử
                             21/9/2018

 Bài Thơ Họa

            Chuyện Đời

Buồn tình phe phẩy quạt mo cau
Vinh nhục nào ai đã hiểu làu
Thấy đó xênh xang cười chẳng ngớt
Rồi đây xuôi xị khóc càng mau
Tai to bụng phệ đừng khoe dáng
Xuống chó tiêu danh mặt đổi màu
Được mất ở đời sao tránh khỏi
Coi chừng có lúc phải mày cau


Coi chừng có lúc phải mày cau
Văn hóa ngàn năm chẳng muốn làu
Cậy chức ỷ quyền suy xét lại

Đối nhân xử thế phải dồi trau
Điều hay hy vọng luôn tồn tại

Cái xấu mong rằng sẽ lụn mau
Đạo lý ông cha là mãi mãi

Rồi đây mày sẽ chẳng còn cau.

                              Quên Đi
***

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Đất PN Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P7


Từ Dinh Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định: 

Dinh Phiên Trấn (Phiên An) đất rộng và phì nhiêu mầu mỡ so với các vùng đất khác của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Phía Bắc giáp với Biên Trấn, phía trên từ sông Thủ Đức, đến sông Bến Nghé, chạy xuống sông Nhà Bè. Phía Nam giáp với Định Tường Trấn, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Cao Miên. Lúc mới thành lập trấn nầy gọi là Dinh Phiên Trấn, có 1 huyện và 4 tổng, lỵ sở đóng tại thông Tân Lân, tổng Bình trị, huyện Bình Dương. Ngày 12 tháng giêng năm Mậu Thìn, 1808, vua Gia Long năm thứ 7, đổi thành Trấn Phiên An, lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện. Đến năm Gia Long thứ 15 (1816), thì lỵ sở được dời qua Hòa Mỹ, phía Bắc Thành Gia Định, bấy giờ trấn Phiên An có 1 phủ, 4 huyện và 8 tổng. Thời đó huyện Tân Bình được đổi làm phủ Tân Bình, các tổng Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc đều được nâng lên làm huyện. Đời vua Thế Tổ nhà Nguyễn là vua Gia Long và mãi đến đời các vua kế tiếp như Minh Mạng và Thiệu Trị vẫn cho áp dụng chánh sách thật dễ dãi đối với lưu dân đi khai khẩn đất hoang ở miền Nam. Năm 1830, vua Minh Mạng cho ban hành một chỉ dụ quy định rõ những vùng đất hoang vu như rừng núi, gò đống, bờ sông, bờ suối, vân vân đều có thể được cấp một cách dễ dàng cho lưu dân khai khẩn như sau: “Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải giúp sức cho toàn dân và binh lính bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn cày trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn bỏ hoang. Dù trước đó là công hay tư, ai xin lãnh trưng trước thì được. Sau 3 năm tính từ ngày nộp đơn, các quan sở tại kiểm tra thực tình làm tờ trình lên tỉnh. Ba năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, bắp, đậu, mè, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn nhận làm của riêng, cho theo hạng ruộng đất tư bắt đầu thu thuế để tỏ lòng khuyến khích.” Bài học về chánh sách ruộng đất của các tiên hoàng đế triều Nguyễn vẫn còn đó. Chính nhờ việc khuyến khích chiếm dụng, sở hữu của các chúa Nguyễn nên việc khai khẩn và canh tác đất đai dưới thời các chúa Nguyễn tiến triển dễ dàng. Vào thời đệ nhị Cộng Hòa, miền Nam cũng cho áp dụng chánh sách “Người Cày Có Ruộng” với một loạt truất hữu đất ruộng của những đại điền chủ để cấp cho nông dân nghèo, không có ruộng cày cấy. Đây là phương cách khả dĩ mang lại ruộng cày cho đông đảo nông dân, nhất là những nông dân nghèo mà phương tiện sinh sống duy nhất của họ chỉ là nông nghiệp.

Năm 1802, sau khi lên ngôi, ban đầu vua Gia Long vẫn giữ nguyên sự phân bố hành chánh có sẵn từ trước với 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh, và Gia Định cũng thuộc một phần của phủ Tân Bình cũ, Vĩnh Định, và Hà Tiên trấn.
Sau đó nhà vua cho đổi thành 5 trấn trong vùng Gia Định Thành(46). Dinh Phiên Trấn đất rộng và phì nhiêu mầu mỡ so với các vùng đất khác của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Phía Bắc giáp với Biên Trấn, phía trên từ sông Thủ Đức, đến sông Bến Nghé, chạy xuống sông Nhà Bè. Phía Nam giáp với Định Tường Trấn, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Cao Miên. Lúc mới thành lập trấn nầy gọi là Dinh Phiên Trấn, có 1 huyện và 4 tổng, lỵ sở đóng tại thông Tân Lân, tổng Bình trị, huyện Bình Dương. 
Khi Gia Long dời ‘kinh’ về thành Phú Xuân, thì vùng Gia Định đã trở nên thịnh vượng và trù phú lắm rồi. Lúc nầy thành Gia Định về phía Đông giáp với sông Thị Nghè, về phía Nam giáp với sông Bến Nghé (Sài Gòn), phố phường đông đúc, sầm uất, chợ búa buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền. Mặc dầu về phía Tây thành Gia Định dân cư thưa thớt, nhưng đi xa hơn một chút nữa về phía Tây (khoảng 6 cây số) là thành phố Đê Ngạn (Chợ Lớn) của người Hoa, tập trung rất đông dân cư, phần lớn là người Minh Hương, đây là một trung tâm thương mãi và thủ công nghệ rất phồn thịnh. Chợ Lớn và Sài Gòn nối liền nhau bằng cả đường bộ lẫn đường sông. Thành Gia Định dưới thời Tổng trấn Lê văn Duyệt đã được nhiều người Tây phương trầm trồ khen ngợi là có phong cách của một kinh thành châu Âu. Năm 1819, một viên đại úy hải quân Mỹ đã ghé lại Sài Gòn, và năm 1824 đã xuất bản một quyển sách ở Luân Đôn có tựa đề ‘Một Chuyến Du Hành Sang Nam Kỳ’ (A Voyage to Cochinchina), đã mô tả Sài Gòn, mà sau nầy nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret cho là chính xác: “Từ một cây cầu xinh đẹp làm bằng đá bắc ngang qua một hào rộng và sâu, chúng tôi đến cửa Đông Nam của thành, hay có lẽ nói đúng hơn là thành phố quân sự, bởi vì những bức tường và gạch của nó được làm bằng đất và gạch cao 6 mét và rất dày, bao bọc một mặt bằng và vuông góc, mỗi cạnh dài bằng 3 đến 4 dặm. Ở đó là nơi cư ngụ của các quan tổng trấn cùng các võ quan, và có những doanh trại rộng rãi, tiện nghi, đủ chỗ cho 50 ngàn binh lính. Tòa vọng cung nằm ngay trung tâm khu nhà ở, trên một bãi cỏ đẹp cùng với các khu vườn. Nó chiếm khoảng 3,25 mẫu, bao quanh một hàng rào cao... Ở mỗi bên, phía trước tòa vọng cung, cách chừng 40 mét là một tháp canh vuông vức, cao khoảng 12 mét, có một quả chuông to. Sau tòa vọng cung, cách khoảng 60 mét, là một tòa nhà khác to gần bằng, gồm các căn hộ dành cho phụ nữ và các công chức phục dịch đủ loại, mái lợp ngói tráng men trong, trang trí hình rồng và những con vật đáng sợ khác giống như ở Trung Hoa. Tòa nhà nầy dùng để cho nhà vua và hoàng tộc sử dụng, nhưng từ cuộc nội chiến chấm dứt đến nay, họ chưa từng trở lại Sài Gòn... Khi đi ngang qua những tòa nhà nầy, các quan hướng dẫn hạ thấp lọng xuống cho chúng tôi làm theo để chào kính nơi ở trống vắng của bậc thiên tử. Trong dinh của Phó Vương(47), trên một bức tường thấp có đặt nhiều đồ vật bằng sứ xinh xắn. Bên ngoài trồng nhiều loại cây ngoại nhập và bản xứ trông thật đẹp, bên kia bức tường là một khu vườn được tổ chức theo một sở thích đáng khen ngợi, trong đó có rất nhiều loại cây trái, phần lớn đang ra quả... Lúc trở lại cổng lớn phía Nam, cũng là lúc chúng tôi đi vào, chúng tôi men theo một cái trại lớn, bên trong chứa tới 250 khẩu đại bác đủ cỡ, nhiều khẩu bằng đồng và hầu hết theo kiểu Tây phương... Khi tới chòi canh chính gần cổng, chúng tôi thấy nhiều người lính đang bị phạt đeo gông, nhân dịp nầy chúng tôi mới được biết gông dành cho lính làm bằng tre, còn gông dành cho người khác thì làm bằng gỗ nặng và đen, Về phía Bắc cổng thành có một công sự với cột cờ lớn, quốc kỳ An Nam được kéo lên vào ngày đầu tháng âm lịch và nhiều dịp khác.” Năm 1822, một người Anh tên Crawfurd(48) đã nhận xét trong nhật ký của mình như sau: “Thành Gia Định gồm hai thành phố khác nhau, cách nhau 3 dặm. Bến Nghé là trụ sở của chính quyền và thành trì trên bờ phía Tây của con sông lớn và Sài Gòn nằm trên một con sông, thông thương trực tiếp với Bến Nghé. Sài Gòn là trung tâm thương mãi chính và là nơi cư trú của người Trung Hoa.” Một người Anh khác tên Finlayson, cũng thuộc phái bộ của ông Crawfurd, đã mô tả thành Gia Định như sau: “Bến Nghé ở kề cận một thành lũy, được xây dựng từ ít năm qua, theo những nguyên tắc của phòng tuyến Âu châu. Nó có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng nửa dặm, nhưng thành chưa hoàn tất, người ta chưa làm lỗ châu mai, cũng không đưa súng đại bác lên tường thành.” Ông Finlayson cũng phải trầm trồ khen ngợi về 2 thành phố của vùng đất nầy như sau: “Mỗi cái trong hai thị trấn(49) đều to bằng kinh đô Bangkok của nước Xiêm. Nhà cửa rộng lớn, thích hợp với phong thổ, mái lợp ngói, cột làm bằng gỗ đỏ, vách thì trét đất sét lên sườn tre rồi tô hồ lên. Nhiều nhà cao cẳng, sàn bằng ván, xếp hàng dọc theo bờ kinh, bờ sông hay dọc theo đường cái quan rộng rãi quang đãng. Phố xá ngay hàng thẳng lối hơn là ở nhiều kinh thành châu Âu.”
Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê văn Duyệt từ trần, vua Minh Mạng bãi bỏ chức tổng trấn, và chia miền Nam ra làm 6 tỉnh trực thuộc triều đình(50): Gia Định (Phiên An), Biên Hòa (Biên Trấn), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên. Mỗi tỉnh nhà vua đặt chức Tuần Phủ, Bố Chánh, Án Sát, và Lãnh Binh cai quản. Kể từ đó Gia Định chỉ còn là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ Lục Tỉnh mà thôi. Vua Minh Mạng lại cắt đặt Nguyễn văn Quế làm Tổng Đốc An Biên cai trị 2 tỉnh Phiên An và Biên Hòa. Riêng mỗi tỉnh có quan Bố Chánh và Án Sát. Bạch Xuân Nguyên và Nguyễn Chương Đạt là 2 vị quan Bố Chánh và Án Sát đầu tiên của tỉnh Gia Định. Đến năm 1833, Lê văn Khôi(51) nổi dậy chiếm thành Phiên An và chống lại triều đình suốt 3 năm liền. Năm 1835, sau khi dẹp xong vụ Lê văn Khôi, để quên đi nỗi nhục nhã cứ mãi ám ảnh, vua Minh Mạng cho đổi tỉnh Phiên An ra làm tỉnh Gia Định. Sau vụ Lê văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho san bằng thành Gia Định, chỉ vì ông không muốn thấy một nỗi nhục đã để bị thành mất vào tay Lê văn Khôi trong suốt bốn năm ròng rã. Cùng năm 1835, tỉnh Phiên An được đổi làm tỉnh Gia Định. Như vậy, tên Gia Định được thay đi đổi lại trải qua nhiều thời kỳ (năm 1698, nó mang tên phủ Gia Định, từ năm 1790 đến năm 1802 nó mang tên Kinh Gia Định, năm 1832 là tỉnh Phiên An, và đến năm 1835 lại đổi thành tỉnh Gia Định). Năm 1836, vua Minh Mạng cử quan đại thần Trương Đăng Quế vào Nam kinh lý để tuyển lính và đo đạt đất đai nhằm thiết lập sổ đinh bạ và địa bạ cho các thôn xã tại vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh. Tỉnh thành Gia Định được đặt tại vùng Sài Gòn, gọi là tỉnh Phiên An. Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại thành Gia Định trong thôn Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Dân số Gia Định vào thời Gia Long có chừng khoảng 28.200 người, đến cuối đời Minh Mạng lên đến 32.800 người, thống kê trước năm 1975 Gia Định có khoảng 900.000 dân. Bây giờ thì không biết dân số hiện tại là bao nhiêu. Dưới thời Minh Mạng, các vùng bây giờ là Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, và một phần của Tân An đều thuộc về đất Gia Định. Ngày đó tất cả các chợ Bến Thành(52), chợ Bến Sỏi(53), chợ Tân Cảnh(54), chợ Điều Khiển(55), chợ Nguyễn Thức(56), chợ Thị Nghè, chợ Sài Gòn(57), vân vân, đều nằm trong phạm vi tỉnh Gia Định. Đất Gia Định xưa là nơi sản sanh chẳng những thi nhân mặc khách, mà còn sanh ra những võ tướng đã từng theo phò tá Gia Long như Võ Tánh, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Tống Viết Phước, Trương Phúc Luật...
Năm 1836, vua Minh Mạng lại cho đổi tỉnh Phiên An ra làm tỉnh Gia Định, lỵ sở được đặt tại Sài Gòn. Thời đó, tỉnh Gia Định có 3 phủ gồm 7 huyện:

1) Phủ Tân Bình có 3 huyện là Bình Dương, Tân Long và Bình Long.

2) Phủ Tân An có 2 huyện là Thuận An và Phước Lộc.

3) Phủ Tây Ninh có 2 huyện là Tân Ninh và Quang Hóa. Huyện Tân Ninh đặt huyện lỵ tại vùng Tây Ninh bây giờ, và huyện Quang Hóa đặt huyện lỵ tại làm Cẩm Giang. Dinh Phiên Trấn vốn là thủ phủ của miền Nam vào thuở cha ông chúng ta mới mở cõi về phương Nam. Trải qua các triều đại, địa danh dinh Phiên Trấn đã từng thay đổi từ Phiên Trấn dinh, Phiên An trấn, Gia Định Thành và tỉnh Gia Định. Lịch sử mở cõi đất Gia Định gắn liền với lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, nên khi chúng ta nói về Gia Định là chúng ta đang nói về một địa danh mà tầm quan trọng của nó cũng không kém gì các địa danh Thăng Long (bây giờ là Hà Nội) và Thuận Hóa (bây giờ là Huế). Nếu Thăng Long là linh hồn của vùng đất thiêng Bắc Hà, và nếu Thuận Hóa là cố đô, là đất dựng cờ của dòng họ Nguyễn đi về phương Nam, thì Gia Định phải là địa linh của miền Nam. Địa danh nầy không còn đơn thuần chỉ nói đến tỉnh Gia Định ngày nay hay dinh Phiên Trấn ngày xưa, mà nó là biểu tượng, là linh hồn của vùng đất phương Nam. Nên chi khi chúng ta nói về Gia Định, chúng ta không đơn thuần nói về đất Đồng Nai, mà chúng ta còn có ý khơi dậy sức sống mãnh liệt của cha anh chúng ta thời mở cõi Đồng Nai-Cửu Long. Thời nầy tỉnh Gia Định trải dài theo bờ sông Sài Gòn trên chiều dài hơn 100 cây số từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến tận cửa biển Cần Giờ(58), phía Bắc giáp Sài Gòn và Biên Hòa, tại vùng mà bây giờ là Thủ Dầu Một, nam giáp Gò Công và Biển Đông, phía tây giáp Chợ Lớn, Long An, và Tây Ninh(59), và phía đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa. Diện tích của tỉnh Gia Định (theo La Cochinchine năm 1921) là 180.000 mẫu Tây. Đất đai tỉnh Gia Định chia làm hai vùng rõ rệt: vùng thấp phù sa mầu mỡ dọc theo bờ sông Sài Gòn chạy ra đến biển, vùng này sản xuất lúa gạo cũng như thủy sản và hải sản, tuy nhiên hãy còn rất nhiều đầm lầy hoang vu gần biển chưa được khai khẩn; vùng cao là vùng đất pha cát nằm về phía bắc chạy dài đến Biên Hòa và Tây Ninh, vùng này chuyên sản xuất rau quả, thuốc lá, cau, dừa, tiêu, bắp, các loại đậu và mía làm đường để cung cấp cho nhu cầu của vùng Sài Gòn. Về phía đông bắc của Gia Định thời Pháp thuộc, hãy còn nhiều mảng rừng nhỏ trồng cao su. Gia Định là một trong những tỉnh kỳ cựu nhất của Nam Kỳ. Trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh thì Gia Định là thủ phủ của thành Phiên An.

Dưới thời Tự Đức, nhà vua đặc biệt để ý đến Gia Định sau những biến cố dồn dập cho miền đất nầy, từ lúc Lê văn Khôi đứng lên chiêu tập binh mã chống lại sự bạo ngược của triều đình Minh Mạng. Ngay từ khi quan Tả Quân Lê văn Duyệt không đồng ý với Gia Long trong việc phế chánh lập thứ(60), Minh Mạng đã đem dạ oán thù quan Tả Quân, nên ngay sau khi quan Tả Quân từ trần vào năm 1832, Minh Mạng đã cho xiềng mã của ngài với 8 chữ đề : “Quyền Yểm Lê văn Duyệt phục pháp xứ”, có nghĩa là nơi đây là chỗ quan hoạn lộng quyền Lê văn Duyệt chịu hình phạt theo phép nước. Bởi lẽ đó mà con nuôi của Lê văn Duyệt là Lê văn Khôi mới nổi lên bắt quan Bố Chánh Bạch Xuân Nguyên và chiếm cứ thành Gia Định. Năm 1851, vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương vào Nam làm quan Kinh Lược Đại Sứ Nam Kỳ, có Phan Thanh Giản và Phạm Thế Hiển phụ tá. Ba vị nầy đã áp dụng chính sách khai khẩn đồn điền một cách khôn khéo đã khiến cho miền đất Gia Định khởi sắc hẳn lên, nhưng chưa được bao lâu thì giặc Pháp đã kéo đến xâm chiếm miền Nam. Ngày 2 tháng 2 năm 1859, Hải quân Trung tướng Pháp Rigault de Genouilly đã đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ bắn phá các pháo đài hai bên bờ sông Đồng Nai, rồi đổ bộ lên đánh phá thành Gia Định. Với tất cả các bản đồ xây cất thành Gia Định trong tay, Rigault de Genouilly tiến chiếm thành Gia Định không mấy khó khăn, mặc dầu quân Nam đông hơn quân Pháp rất nhiều. 

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

****

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Sự Tích Cá Chép Vượt Vũ Môn



Tương truyền rằng ngày xưa nước từ mưa gió, sông, biển, và những sinh vật sống trong nước được ông Trời tạo ra đầu tiên và cũng chính là khởi nguồn của mọi thứ. Sau này, vì bận bịu tạo ra người và vạn vật nên Trời không làm mưa gió nữa mà giao cho rồng – một sinh vật sống ở cõi trời nhiệm vụ bay lượn ở trên không và phun nước xuống trần gian làm mưa. Nhưng ngặt nỗi, số rồng trên trời quá ít nên không thể làm mưa đều khắp mọi nơi, cho nên ông Trời mới tổ chức một kỳ thi  gọi là “thi rồng” để kén chọn những con vật ở trần gian có đủ tiêu chuẩn để trở thành một chú rồng.
Khi chiếu chỉ ban xuống dưới Thủy cung, vua Thủy tề đã loan báo cho tất cả các giống loài sống ở đó và chúng hăm hở dự thi. Cuộc “thi rồng” gồm ba kỳ, mỗi kỳ phải vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức, đủ tài, có thể vượt qua cả ba vòng thì mới đủ tiêu chuẩn để được hóa rồng.
Trong một tháng trời đằng đẵng, hầu như các loài thủy tộc đến thi đều bị loại vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng.
Con cá rô chỉ nhảy qua được một đợt sóng, và phải dừng lại ở đợt sóng thứ hai.
Con tôm thì nhảy qua được hai đợt, ruột gan, vây, vẩy, râu và đuôi đã gần hóa rồng. Nhưng khốn thay, đến đợt ba, lại đuối sức bị ngã nên lưng cong lại.
Đến lượt có một con cá chép vào dự thi, con cá này bản chất khá đặc biệt vì trong miệng nó có ngậm một viên ngọc trai quý.
Thần gió thấy sự lạ bay đến để xem nên gió, mây ào ạt kéo đến, sấm sét ầm trời, và những đợt sóng cao cũng trỗi dậy. Cá chép nhờ đợt sóng cao đưa lên, vượt một lần qua cả ba đợt sóng một cách dễ dàng rồi từ tốn nhả viên ngọc vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng.

***
Theo gomsu.divashop.vn

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Chu Quá Bắc Giang Tiên Du Tác - Nguyễn Ức



舟過北江仙遊作        Chu Quá Bắc Giang Tiên Du Tác

客帆歷歷過仙遊,     Khách phàm lịch lịch quá Tiên Du,
羞見青山對白頭。     Tu kiến thanh sơn đối bạch đầu
半塔夕陽孤剎迥,     Bán tháp tịch dương cô sát quýnh,
一江明月四橋秋。     Nhất giang minh nguyệt tứ kiều thu.
霜餘紅稻連雲熟,     Sương dư hồng đạo liên vân thục,
雨後丹楓隔岸迂。     Vũ hậu đan phong cách ngạn vu,
歸思不堪逢逆水,     Quy tứ bất kham phùng nghịch thủy,
咫程何日到神州 ?      Chỉ trình hà nhật đáo thần châu ?
               阮億                                               Nguyễn Ức

Dịch nghĩa:

Viết Khi Đi Thuyền Qua Tiên Du Bắc Giang

Những cánh buồm của khách  lần lượt đi qua Tiên Du
Thật ngại ngùng khi thấy non vẫn mãi xanh còn mình thì đầu đã bạc trắng
Ngôi chùa lẻ loi nơi xa, bóng chiều còn chiếu trên nửa ngọn tháp mà thôi
Một dòng sông sáng như ánh trăng với  bốn nhịp cầu thu
Lúa chín vàng như liền với chân mây sau khi sương sa
Xa xa bên kia bờ sông, sau khi mưa tạnh, lá phong ửng đỏ
Muốn quay trở về nhưng gặp nước ngược thật bực mình.
Không biết đến bao giờ mới trở lại Thần Châu mặc dầu đường đi gần trong gang tấc . 
               Dịch Thơ

Tiên Du thuyền lũ lượt qua
Non thời xanh mãi khách đà tóc phai
Chùa xa bóng tháp đổ dài
Cầu thu khoe dáng sông đầy ánh trăng
Mây liền đồng lúa sương giăng
Sau mưa phong đỏ như ngăn hai bờ
Muốn về ngược nước thuyền chờ
Thần Châu kề cận bao giờ ghé chơi.
                                     Quên Đi

***

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Tưng Tửng Khều Chơi



Bài Thơ Xướng

TƯNG TỬNG KHỀU CHƠI 

Ngồi buồn tưng tửng mà chơi
Câu thơ câu phú lắm người hót hay
Ông Bùi Chí Vịnh giả ngây
Ông Võ văn Trực thơ say điên khùng
Ngây mà thương tiếc núi sông
Tửng mà buồn tủi tấc lòng ngổn ngang
Nguyễn Duy ấy thực ngang tàng
Ví von đã lắm thơ càng quạu đeo
Bút tre thơ ngả thơ xiêu
Điếu Ga Ga Rỉn khen ngài Phạm Tuân
Vui , hay , tí tửng ta mần
Khen phi công khéo núp tầng mây khô
Điếu cày ta kéo thở phò
Đợi phi công địch ta vồ chết tươi
Tưng tửng số dách kịp thời
Ta vồ Bùi Giáng ta chơi thơ lèo
Thi sĩ Việt biết bi nhiêu
Khều ông Bùi Giáng ta bêu ta cười
                               C.D.M

Bài Thơ Họa
: Hăm Hở Trình Làng

Học đòi họa lục bát chơi
Bởi vì chữ nghĩa lắm người thật hay
Mở trang mạng thấy phát ngây
Lắm bài vông tưởng như say như khùng
Và đây biển tụ nhiều sông
Thi đàn Thơ Thẩn thỏa lòng dọc ngang
Thầy Danh thầy Trí ẩn tàng
Thầy Chân xót nước buồn càng nặng đeo
Đọc thơ thầy Lộc lòng xiêu
Kim Oanh lục bát ít ngài đồng tuân
Đạo tâm Linh Tử hay mần
Vườn nhà giờ cũng mấy tầng lá khô
Chỉnh chu Đắc Thắng luôn phò
Xuân Thanh thích họa hay vồ thơ tươi
Hán thi Chiêu Đức đúng thời

Thủy, Quang, Hà, Phượng chẳng chơi loại lèo
Hết vần chỉ kể bấy nhiêu
Góp vui chẳng ngại phải bêu tiếng cười.
                                   Quên Đi
*** 

Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P6


Gia Định Dưới Thời Vua Gia Long: 

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, dưới thời Gia Long, vùng đất Gia Định đã trở thành thủ phủ của Gia Định Thành, bao gồm tất cả những đất đai chạy dài từ Bình Thuận đến mũi Cà Mau. Năm 1802, sau khi lên ngôi, ban đầu vua Gia Long vẫn giữ nguyên sự phân bố hành chánh có sẵn từ trước với 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh(32), Vĩnh Định, và Hà Tiên trấn. Ít lâu sau đó, ông cho đổi phủ Gia Định ra làm Trấn Gia Định và các dinh đổi ra làm trấn. Nghĩa là lúc đó miền Nam được đổi thành 5 trấn: Phiên An trấn, Biên Hòa trấn, Định Tường trấn, Vĩnh Thanh trấn, và Hà Tiên trấn.
Năm 1808, vua Gia Long (năm thứ 7), nhà vua định lại bờ cõi, phân lại địa giới từ Bắc chí Nam. Nhà vua chia đất nước ra làm 4 dinh, gồm 25 trấn. Từ Thuận Hóa trở ra Bắc là Bắc Thành, từ Bình Thuận trở vào Nam trực thuộc Gia Định Thành. Lúc đó Gia Định Thành gồm có 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh(33), và Hà Tiên. Về mặt hành chánh, Gia Định thành được đặt dưới quyền cai quản của một vị tổng trấn và hiệp tổng trấn(34). Các trấn thì đặt quan trấn thủ, cai bộ và ký lục cai trị. Vị tổng trấn đầu tiên của Gia Định thành là quan Kinh Môn Quận Công Nguyễn văn Nhân. Cùng năm 1808, trấn Gia Định được đổi làm thành Gia Định, gồm 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh, và Hà Tiên. Riêng trong trấn Phiên An, lấy huyện làm phủ, lấy tổng làm huyện. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trấn Phiên An đất rộng, đường thủy bộ thông thương. Phía bắc giáp với trấn Biên Hòa, phía trên từ sông Đức Giang, tục gọi là sông Thủ Đức, đến Bình Giang thuộc huyện Bình Dương, tục gọi là sông Bến Nghé, chuyển rẽ xuống ngã ba Phù Gia, tục gọi là ngã ba sông Nhà Bè, rồi đổ thẳng ra cửa biển Cần Giờ, bờ nam của sông là địa giới của trấn Phiên An; phía nam giáp trấn Định Tường, phía trên từ Quang Hóa, Quang Phong, về phía tây đến Vàm Dừa, Rạch Cỏ, đến sông Bát Chiên, chuyển xuống phía đông đến sông Vũng Gù, qua Tra Giang rồi ra cửa biển Soài Rạp, dùng bờ bắc của sông nầy làm địa giới của trấn Phiên An. Về phía đông trấn Phiên An là biển, về phía tây là đất Cao Miên. Đông tây cách nhau 352 dặm, nam bắc cách nhau 107 dặm. Lúc mới thành lập là dinh Phiên Trấn, lãnh 1 huyện, 4 tổng, lỵ sở đặt tại thôn Tân Lân, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương (tỉnh Bình Dương ngày nay). Năm 1811, lỵ sở trấn Phiên An được dời về chợ Điều Khiển thuộc xã Tân Mỹ. Đến năm 1812 (Gia Long thứ 11), Tả Quân Quận Công Lê Văn Duyệt được bổ nhậm chức Tổng trấn thành Gia Định. Đến năm 1816, lỵ sở lại được dời qua thôn Hòa Mỹ, phía bắc Thành Gia Định. Hồi nầy trấn Phiên An có 1 phủ Tân Bình, gồm 4 huyện: Bình Dương(35), huyện Tân Long(36), huyện Phước Lộc, và huyện Thuận An(37).

Huyện Bình Dương, trước kia là tổng, được nâng lên làm huyện, lãnh 2 tổng, 150 thôn xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp với biển Cần Giờ; phía tây tiếp giáp với vùng rừng núi Cao Miên; phía nam giáp với ngã ba Thị Phổ, thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, ngược dòng rạch Ong Nhỏ đến Cống Môn, chợ Tân Kiểng, tục gọi là Chợ Quán, cho đến ao Gò Vấp (Lão Đống Trì); phía đông giáp với tổng Lộc Thành, thuộc huyện Phước Lộc (Cần Giuộc); phía tây nam giáp với tổng Bình Cách, huyện Thuận An. Tổng Bình Trị gồm 76 thôn xã(38). Phía đông giáp với Bình Giang, đoạn từ sông trước thành Gia Định đến Cầu Kho; phía tây giáp đầu suối Bến Lầy đến Hóc Môn, giáp với phía đông của tổng Dương Hòa; phía nam giáp Cầu Kho qua Miếu Hội Đồng đến cầu Tham Lương; phía bắc giáp trấn Biên Hòa, từ sông Thủ Đức dưới bờ nam sông Sài Gòn (Bình Giang). Tổng Dương Hòa gồm 74 thôn xã(39). Phía đông giáp Biển Đông; phía tây giáp miền núi Cao Miên; phía nam giáp tổng Tân Phong, huyện Tân Long, từ ngã ba Thị Phổ, dọc theo sông rạch Ong Nhỏ, qua Cống Môn, chợ Tân Kiểng đến ao Gò Vấp (Lão Đống Trì); phía bắc giáp với sông lớn Bình Phước, từ cảng Cần Giờ ngược dòng đi qua ngã ba Nhà Bè đến sông trước thành; phía đông giáp tổng Lộc Thành, huyện Phước Lộc; tây nam giáp bờ đông hồ Gò Vấp, tổng Tân Phong, huyện Tân Long, rồi chạy vòng theo núi Bà Đen trên miền núi. Huyện Tân Long, xưa kia là tổng được nâng lên làm huyện, lãnh 2 tổng, 150 thôn. Phía đông giáp tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương; phía tây giáp ao Gò Vấp; phía nam giáp sông cái Thuận An (Vàm Cỏ Đông); phía bắc giáp ngã ba Thị Phổ, huyện Bình Dương, đến sông rạch Ong Nhỏ, đi qua cửa Cống Môn, chợ Tân Kiểng cho đến Hóc Môn. Tổng Tân Phong, gồm 76 thôn xã(40). Phía đông giáp ngã ba Khúc Lăng, rồi dọc theo ngã ba sông Bến Lức đến hạ lưu sông Rạch Cát (Sa Hà); phía đông giáp ao Gò Vấp; phía nam giáp ngòi Khiêu ở cửa trên sông Rạch Cát, tổng Long Hưng, cho đến thượng nguồn sông Rạch Cát; phía bắc giáp Cống Môn, chợ Tân Kiểng cho đến sông Rạch Ong Nhỏ, xuống tận ngã ba Thị Phổ. Tổng Long Hưng(41), gồm 74 thôn xã. Phía đông giáp phía dưới cửa sông Rạch Cát, dọc theo ngã ba sông Cần Giuộc, chuyển qua chợ Thị Đắc ra đến Rạch Chanh; phía tây giáp ao Gò Vấp, dọc theo ngòi Miễn Mộ, thuộc tổng Bình cách, huyện Thuận An; phía nam giáp sông lớn Thuận An (Vàm Cỏ Đông); phía bắc giáp với ngòi Khiêu ở tổng Tân Phong, cho đến cửa sông Rạch Cát. Huyện Phước Lộc, nguyên trước đây là tổng, nay được nâng lên làm huyện, lãnh 2 tổng, 95 thôn, xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp cửa biển Soài Rạp; phía tây giáp Rạch Chanh, thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long; phía nam giáp cửa sông Chanh, xã Xá Hương (Vàm Cỏ Đông); phía bắc giáp cửa Loát Giang, thuộc tổng Dương Hòa, huyện Bình Dương, vòng qua Ô Giang, chạy đến sông Bến Lức. Tổng Phước Điền(42), gồm 48 thôn, xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp bến ngã ba sông Xá Hương, tiếp đến là cửa biển Soài Rạp; phía tây giáp chợ Thị Đắc và Rạch Chanh; phía nam giáp tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An; phía bắc giáp tổng Lộc Thành. Tổng Lộc Thành(43) gồm 47 thôn, xã, phường, lân, ấp. Phía đông giáp cửa biển Soài Rạp; tây giáp Gò Đen thuộc tổng Long Hưng, huyện Tân Long; phía nam giáp sông Xá Hương thuộc tổng Thuận Đạo, huyện Thuận An và dọc theo cửa Rạch Chanh; phía bắc giáp cửa sông Cần Giuộc, ngược dòng sông Lam (Nha Ram) qua sông Mồng Gà (Kê Quan) cho đến bờ nam cầu ngang ở chợ Thị Đắc. Huyện Thuận An, trước đây là tổng Bình Thuận, sau năm 1808 được nâng lên thành huyện. Phía đông giáp sông Xá Hương (Vàm Cỏ Đông); tây giáp Trảng Bàng, thuộc phủ Tầm Đuông của Cao Miên; phía nam giáp sông cái Hưng Hòa thuộc trấn Định Tường, ngược theo dòng Bát Chiên là đến thủ sở đạo Tuyên Oai; phía bắc giáp cửa sông Xá Hương, đi lên là sông Thuận An, ngòi Miễn Mộ rồi giáp núi Bà Đen. Tổng Bình Cách(44) gồm 33 thôn xã. Phía đông giáp ngã ba Nước Mặn, cửa sông Rạch Chanh của tổng Thuận Đạo; phía tây giáp Quang Hóa (Trảng Bàng) và núi Bà Đen, thuộc phủ Tầm Đuông của Cao Miên; phía nam giáp Thuộc Lãng, sông Tra của Trấn Định Tường; phía bắc giáp sông Đôi Ma, dọc theo sông Thuận An đến ngòi Miễn Mộ. Tổng Thuận Đạo(45) gồm 32 thôn, phường, xã...Phía đông giáp sông Xá Hương và biển; phía tây giáp phủ Tầm Đuông của Cao Miên; phía nam giáp Thuộc Lãng sông Tra Giang của trấn Định Tường, đi lên qua Hưng Hòa đến sông Bát Chiên của đạo Tuyên Oai, giáp với Cao Miên; phía bắc giáp tổng Bình Cách, qua ngã ba Nước Mặn sông Rạch Chanh, đến biên giới Cao Miên.

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

______________

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Giành Ăn Cùng Con Cháu

  
Giành Ăn Cùng Con Cháu

Đâu đã bần cùng giở chước thâm
Đất đai tiên tổ muốn đem cầm
Bề trên vai lớn hay càn quấy
Sắp nhỏ miệng mười cũng chịu câm
Gặp phải xóm riềng mưu chiếm đất
Làm sao cháu chắt được an tâm
Ông bà cô bác suy tường tận
Chớ để đàn con cảnh khóc thầm
                            Quên Đi  


Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Sự Tích Cá He

Ngày xưa có một nhà sư trẻ tuổi rất ngoan đạo. Sau hơn ba mươi năm khổ công tu luyện, sư thuộc lòng tất cả các kinh kệ nhà Phật, lại giỏi thuyết pháp. Vậy mà lâu rồi vẫn chưa được thành chính quả. Sư, bụng bảo dạ: - "Phải đến đất phật một phen mới có hy vọng thành Phật". Nghĩ vậy, sư ta quyết chí tìm đường sang Tây-trúc.

Đương đi từ nước nhà sang Tây-trúc thuở đó thật muôn phần vất vả. Việc giao thông hầu hết là đường bộ, mà đi bộ trên con đường mịt mùng thăm thẳm thì mỗi bước là một hiểm nguy. Nhưng nhà sư trẻ tuổi vẫn quả quyết nhắm hướng Tây khởi hành.

Cuộc hành trình đã được năm mươi ngày. Nhà sư đã nhiều lần lạc đường và mấy lần mê man vì sốt, nhưng nhờ được giúp đỡ nên đều qua khỏi. Hễ dứt bệnh là chàng lại tiếp tục cuộc hành trình.

Một hôm, đến một khu rừng thì trời đã chiều. Sư cố bước dồn hòng tìm một nơi nghỉ vì trong người đã thấy ớn rét. May sao giữa rừng sâu, sư bỗng gặp một ngôi nhà. Nghe tiếng gọi cửa, một bà cụ già bước xuống sàn. Sư tỏ ngay ý định của mình là xin ngủ nhờ một đêm. Nhưng bà cụ vừa thấy khách đã xua tay rối rít:

- Đi mau lên! Mau lên! Con ta mà về thì không còn tính mạng đâu.

Sư đáp:

- Tôi bây giờ thật là kiệt sức, không thể nào bước được nữa. Nếu không cho nghỉ thì cũng đành nằm liều trước cửa đây thôi.

Bà cụ bảo:

- Chao ôi! Con ta vốn là Ác Lai hay ăn thịt người. Cố đi nhanh lên, bây giờ nó sắp về rồi đó.

Nhưng sư đã vứt tay nải, nằm vật xuống đất. Hai đầu gối va vào nhau chan chát. Bà cụ không biết nói thế nào nữa, đành nắm tay y lôi đến một cái hầm đá lớn. Sau khi đẩy vào, bà cụ bảo y phải giữ cho thật im lặng để tránh một cái chết thê thảm. Đoạn, bà cụ chất củi phủ lá rất kín đáo.

Trời tối hắn thì Ác Lai về đến nhà, tay xách một con mang. Hắn dừng lại ở chân thang và khịt mũi mãi. Hắn nói:

- Có mùi thịt mẹ ạ!

Mẹ hắn đáp:

- Thì chả thịt mày mang về đấy là gì?

- Không phải. Thịt người. Con biết lắm. Có thịt người.

Bà cụ chưa kịp can thì hắn đã quẳng con mang lên sàn rồi chạy đi tìm. Chả mấy chốc, hắn đã lôi được nhà sư bất tỉnh nhân sự từ dưới hầm về phòng mình.

Khi sư tỉnh dậy thì đã thấy Ác lai đang cầm một mũi mác lăm lăm ở tay. Hắn quát:

- Mày đi đâu?

Sư nhìn kỹ thấy hắn cũng không khác gì người thường bèn tỉnh táo đáp:

- Tôi đi tìm Phật.

- Tìm để làm gì?

Sư bấy giờ mới nói rõ mục đích của mình. Rồi luôn miệng, sư giảng giải đạo từ bi cho hắn. Sư nói mãi, nói mãi, kể lại bao nhiêu nỗi gian truân dọc đường, và niềm mong muốn cuối cùng là làm sao được nhìn mặt đức Phật để Phật độ cho thành chính quả. Sư nói khéo quá, đến nỗi mẹ con Ác Lai đều cảm động đến rơi nước mắt. Thấy họ thành thật hối lỗi, sư cho họ biết là họ cũng sẽ trở nên "vô sinh vô diệt", sẽ sống một đời sống bội phần sung sướng trên Nát-bàn, nếu họ nhất quyết bỏ ác làm thiện. Tự nhiên mũi mác ở tay Ác Lai rơi xuống sàn. Những đường nhăn hung ác mới đó giờ đã dịu lại.

Sáng hôm sau, khi sư sắp sửa lên đường thì mẹ con Ác Lai vui vẻ sắp sẵn lương thực cho chàng. Họ lại tiễn đưa sư sang tận bên kia một ngọn núi đá. Khi sắp từ biệt, Ác Lai hỏi:

- Tôi biết lấy gì mà dâng Phật đây?

Sư đáp:

- "Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm". Chỉ dâng tấm lòng mình là đủ.

Sư không ngờ Ác Lai đã rút mũi mác, nhanh như cắt tự rạch bụng mình lôi ra cả một mớ ruột gan đưa cho sư và nói:

- Nhờ hòa thượng đưa hộ dâng lên đức Phật.

Sư lấy làm bối rối quá. Chỉ vì Ác Lai hiểu nhầm lời nói của mình. Bây giờ còn biết làm thế nào đây. Cuối cùng sư ta đành nhìn vào cặp mắt của Ác Lai, gật đầu nhận lời rồi gói bộ lòng của con người đáng thương đó lại và quảy lên vai, cất bước ra đi.

Sư vừa đi được mấy ngày thì khu rừng rậm chấm dứt, biển lộ ra trước mặt mênh mông bát ngát. Nước trời một vẻ trông rất vui mắt, nhưng trong bụng sư lại chẳng vui một tí nào. Món lễ vật của đức Phật đè nặng trên vai. Nếu chỉ có thế thì không có gì đáng ngại cho lắm. Khổ một nỗi là mùi thối từ bộ lòng kia xông ra khó tả. Sư lẩm bẩm: - "Như thế này thì các nhà quán dọc đường còn ai dám chứa mình". Qua ngày hôm sau, không thể chịu nổi nữa, sư bèn vứt bộ lòng Ác Lai xuống biển.

Nhà sư đi mãi rồi cũng đến Tây-trúc. Nhưng khi phủ phục trước Phật đài nói lên nỗi thắc mắc của mình vì sao chưa được đắc đạo thì bỗng nhiên trên điện cao có tiếng vọng xuống bảo chàng: - "Còn thiếu một vật nữa mới thành chính quả". Sư rất đỗi kinh ngạc, cố ngước mắt nhìn lên một tí. Trên cao vời vợi, sư thấy hai người tựa hồ như hai mẹ con Ác Lai. Sư bỗng hiểu hết: Đức Phật đã rõ sự thiếu thành thực, thiếu tận tâm của mình rồi; còn mẹ con Ác Lai nay đã thành chính quả chỉ là nhờ trong một lúc, ngộ đạo mau lẹ và chân thành. Sư nằm phục vị hồi lâu, lòng thẹn thò vô kể.

Nhà sư ta sau đó lại trở về chốn cũ để tìm lại bộ lòng. Tuy biển mênh mông sâu thắm, nhưng sư cũng cố lặn hụp để mong thấy lại món quà dâng Phật mà Ác Lai gửi cho mình. Sư nghĩ chỉ có làm thế mới dám nhìn lại mẹ con Ác Lai và hy vọng tới gần tòa sen đức Phật. Sư bơi lên lặn xuống mãi. Sau đó sư hóa làm loài cá mà người ta vẫn gọi là cá he[1], cũng gọi là cá nược hay có nơi gọi là cá ông sư. Vì cho đến ngày nay dòng dõi loài cá đó con nào con ấy có cái đầu trọc như đầu ông sư và vẫn làm cái việc của nhà sư, nghĩa là chúng đi hàng đàn, cứ lặn xuống nổi lên luôn không chịu nghỉ.

Những người đánh cá còn nói loài cá he rất ghét những ai trêu chọc mình. Ai trêu chọc nghĩa là gợi lại chuyện cũ của tổ tiên chúng nó, chúng nó sẽ làm cho đắm thuyền rách lưới. Trái lại, ai khen ngợi reo hò thì chúng nó sẽ lặn xuống nổi lên nhiều lần cho mà xem

Theo sachhayonline.com

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

Thu Dạ Dữ Cố Nhân Chu Hà Thoại Cựu - Nguyễn Ức


秋夜與故人朱何話舊   Thu Dạ Dữ Cố Nhân Chu Hà Thoại Cựu
    秋來偶徬菊花叢            Thu lai ngẫu bạng cúc hoa tùng,
    一室芝蘭嗅味同            Nhất thất chi lan khứu vị đồng.
    世事泛談燈影外            Thế sự phiếm đàm đăng ngoại ảnh
    交情深寄酒杯中            Giao tình thâm ký tửu bôi trung
    幾莖白髮時相晚            Kỷ hành bạch phát thời tương vãn,
    萬里青雲訊未通            Vạn lý thanh vân tín vị thông.
    獨對不來今夕夢            Độc đối bất lai kim tịch mộng,

    西風吹雨落梧桐            Tây phong xuy vũ lạc ngô đồng.
                    阮億                                           Nguyễn Ức


Dịch Nghĩa: 

Đêm Thu Nhắc Chuyện Cũ Với Bạn Chu Hà

Thu về ngẫu nhiên đến bên khóm hoa cúc
Cả phòng đều toát lên mùi thơm của cỏ lan
Bên ánh đèn cùng bàn chuyện đời
Tình bạn thâm sâu gởi vào chung rượu
Xuất hiện mấy sợi tóc bạc báo đến tuổi xế chiều
Cách xa ngàn dặm mây xanh tin khó biết
Đêm nay chỉ một mình vì biết bạn không đến dù trong giấc mộng 
Gió tây thổi mưa đến làm lá ngô đồng rơi rụng. 

Dịch Thơ
 

1/
 

Thu trước cùng ngồi bên cúc hoa
Cỏ lan thơm ngát tỏa quanh nhà

Chong đèn chuyện vãng thời và thế
Mượn rượu tỏ lòng bạn với ta
Sắp đến xế chiều phai tóc điểm

Dặm ngàn khó nhận được tin xa
Nhớ anh sao gặp dù trong mộng

Rụng lá ngô đồng mưa gió qua.

2/
           Thu về bên cúc mơ màng
 Cỏ thơm dìu dịu tỏa lan khắp phòng
       Bên đèn bàn chuyện núi sông
Mượn chung rượu nhạt tỏ lòng hai ta
        Điểm sương tóc báo tuổi già
Tin sao đến được cách xa phương trời 

        Đêm nay nhớ bạn không vơi
  Gió tây mưa đến rụng rơi ngô đồng 

                                     Quên Đi
 ------------

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Tuổi Thu



 

           Tuổi Thu
 

Cái già xồng xộc chẳng ai hay
Bảy bốn thu qua lẹ thế này
Nhìn lá ngô đồng rơi lả tả
Trông trời bụi trúc rụng khô đầy
Bạn bè lác đác “đi” luôn đó
Bằng hữu lai rai “vắng” mãi đây
Sống được ngày nào nên hỉ xả
An nhiên tự tại ấy là may !

                   Mai Xuân Thanh
 

Bài Thơ Họa

         Vui Tuổi Già
 

Đã bảy mươi rồi lại chẳng hay
Tưởng như xuân mãi ngự nơi này
Cổ lai nào đã hoàng hôn xuống
Tuế nguyệt vẫn luôn ý tứ đầy
Ngũ vận Đường thi chờ chi nữa
Tứ bảo văn phòng cũng có đây
Tuổi già đang đến nhàn mau hưởng
Toan tính làm gì chuyện rủi may.

                                  Quên Đi

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P5


Chánh Sách Khai Khẩn Ruộng Đất Của Các Chúa Nguyễn:

Chính sách khuyến khích dân chúng khai hoang lập ấp và dễ dãi trong tư hữu vẫn còn được các vua triều Nguyễn áp dụng về sau nầy, như vào năm 1830, vua Minh Mạng ra chỉ dụ qui định tất cả những đất hoang, chưa được khai khẩn, từ rừng núi, gò đống, bờ sông, bờ suối, vân vân, đều có thể được cấp cho làm tư hữu. Đến năm 1831, vua Minh Mạng lại ban tiếp một chỉ dụ dễ dãi hơn trong việc tư hữu ruộng đất: “Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải ra sức khiến toàn dân và binh lính, bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn cày trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn hoang vu. Dù trước đó những chỗ đất nầy là công hay là tư, ai xin lãnh trước thì được. Sau 3 năm tính từ ngày nộp đơn, các quan sở tại kiểm tra thực tình rồi làm tờ trình lên tỉnh. Ba năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, bắp, đậu, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn làm của riêng, cho theo hạng ruộng đất từ bắt đầu thu thuế để tỏ lòng khuyến khích.” Tuy nhiên, cũng do nơi chính sách dễ dãi trong tư hữu ruộng đất này mà đến năm 1840, theo lời trình tấu của tỉnh Gia Định, vùng nầy đã có quá nhiều người giàu có chiếm hữu đa số ruộng đất trong tỉnh, điều nầy đã tạo ra hai giai tầng cách biệt: một là giai tầng giàu có, chiếm hữu tất cả ruộng đất; hai là giai tầng nghèo khổ, trong tay không có một mảnh đất cắm dùi: “Trong hạt không có ruộng công, các nhà giàu bao chiếm ruộng tư đến ngàn trăm mẫu, dân nghèo không được nhờ cậy.”

Kinh Gia Định Dưới Thời Nguyễn Ánh Từ Năm 1788 Đến Năm 1802: 
Kinh Gia Định là nơi lên ngôi chúa của Đông Cung Nguyễn Phúc Dương, cũng là nơi Nguyễn Phúc Thuần lên làm Thái Thượng Vương, và cũng là nơi Nguyễn Ánh được quần thần suy tôn làm Đại Nguyên Soái. Số là vào năm 1775, sau khi bị nghĩa quân Tây Sơn đánh bại tại thành Phú Xuân, Duệ Tông Nguyễn Phúc Thần và quần thần bỏ chạy vào Quảng Nam. Lúc ấy Tả quân Nguyễn hữu Dật khuyên Duệ Tông nên lập hoàng thân Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung để cùng Duệ Tông mưu đồ khôi phục lại vương triều nhà Nguyễn. Duệ Tông bèn lập Hoàng tôn Dương làm Đông Cung(26), cho trấn thủ Quảng Nam, kiêm tổng lý các việc trong ngoài. Đến năm 1776, Đông cung Phúc Dương cũng trốn vào Gia Định, nhân lúc quân Hòa Nghĩa của Lý Tài làm phản chống lại quân Đông Sơn của Đỗ thành Nhơn, Đông cung Dương bèn xin với Duệ Tông được đi chiêu dụ Lý Tài(27). Sau khi gặp Đông cung Dương, nhóm Lý Tài bèn kéo quân về Sài Gòn ép buộc Duệ Tông phải nhường ngôi cho Đông cung. Quần thần không còn sự lựa chọn nào khác, bèn lập Đông cung Dương làm Tân Chánh Vương và Duệ Tông làm Thái Thượng Vương. Lý Tài được phong làm ‘Bảo Giá Đại Tướng Quân’(28). Sự việc nầy chẳng những đã gây mâu thuẫn cho triều đình xứ Đàng Trong, mà còn làm cho quân đội của xứ Đàng trong chia rẽ một cách trầm trọng nữa. Năm 1777, nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào đánh quân Hòa Nghĩa của Tân chánh vương tại vùng Hóc Môn, Nguyễn Phúc Thận từ Cần Giuộc đem quân cứu viện, nhưng quân Hòa Nghĩa lại tưởng là quân Đông Sơn kéo tới, nên tự tan vỡ, sau đó lại bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, Tân Chánh vương được Phúc Thận hộ giá chạy về Rạch Chanh. Trong khi đó, Thái Thượng vương Phúc Thuần cùng Nguyễn Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn tới đóng tại Giồng Tài. Phúc Thuần bảo với Phúc Dương, “ta cáng đáng Giồng Tài, mặt Rạch Chanh thì vương tự đảm đang.” Kết quả của sự mâu thuẫn nầy đưa đến việc cả hai đều bị nghĩa quân Tây Sơn bắt giết. Trong thời gian Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chánh Vương Nguyễn Phúc Dương bị nghĩa quân Tây Sơn bắt giết, quần thần suy tôn Nguyễn Ánh lên làm ‘Đại Nguyên Soái’. Tuy đây là giai đoạn phong ba bão táp nhất trong cuộc đời bôn tẩu trốn Tây Sơn của Nguyễn Ánh, nhưng đây cũng chính là cơ may rất lớn đối với dòng họ Nguyễn Phúc, vì nếu người bị Tây Sơn bắt là Nguyễn Ánh, thì cục diện miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đã hoàn toàn khác hẳn. 
Trong khi triều đình xứ Đàng Trong tan rã, kinh tế Gia Định bị tàn phá, quân đội xứ Đàng Trong lúc nầy là một đội quân tạp nhạp, được kết nạp từ nhiều nhóm khác nhau, như nhóm Đông Sơn(29), nhóm Hòa Nghĩa(30), vân vân. Lúc ấy, Nguyễn Ánh lại còn quá nhỏ, không đủ khả năng tổ chức một bộ máy hành chánh vốn dĩ đã thối nát, cũng không đủ khả năng đoàn kết các nhóm tạp nhạp trong quân đội, và lại càng không có khả năng vực dậy nên kinh tế đã suy thoái một cách trầm trọng tại vùng Gia Định vì những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Trong khi đó, dĩ nhiên Tây Sơn cũng có một số chính sách quản lý kinh tế Gia Định, nhưng tất cả đều nhằm mục đích phục vụ cho mục tiêu quân sự của nghĩa quân Tây Sơn, nên dân Gia Định vốn dĩ đã không thích Tây Sơn, lại càng căm ghét Tây Sơn nhiều hơn. Một thí dụ điển hình là thời Đô Đốc Tây Sơn là Nguyễn Trấn đang trấn giữ thành Gia Định, khoảng những năm 1784 đến 1785, vì sợ bị các thế lực chống đối tập kích nên ông đã dời trung tâm Sài Gòn đến vùng Cầu Sơn(31), nhưng vùng nầy chỉ thuận tiện về mặt quân sự chứ không thuận tiện cho việc buôn bán thương mãi, nên dân chúng chỉ vì sợ mà miễn cưỡng phải dời đến đó, chứ trong thâm tâm họ không phục, nên càng ngày họ càng tỏ ra bất mãn và chống đối nhiều hơn. Đây chỉ là một trong những thí dụ điển hình về sự can thiệp không hợp lý vào việc phát triển kinh tế của Tây Sơn đã dẫn tới sự bất mãn của nhiều tầng lớp xã hội tại miền Nam. Do đó, lợi dụng lúc Nguyễn Huệ đang bận rộn đối phó với quân Thanh ở phương Bắc, vào năm 1788, Nguyễn Ánh đã kéo quân về đánh chiếm thành Gia Định không mấy khó khăn. Sau khi chiếm xong Gia Định, Nguyễn Ánh nhứt định cho chỉnh đốn Thành Gia Định thành một hậu cứ vững chắc cho công cuộc chiến tranh với Tây Sơn về sau nầy. Từ năm 1788 đến năm 1802, Gia Định trở thành kinh đô của Nguyễn Ánh, và ông đã cho đổi tên ra làm ‘Kinh Gia Định’. Nguyễn Ánh đã thay đổi từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở của Kinh Gia Định. Ông đã cho xây lại hệ thống thành lũy, dinh thự công sở, kho lẫm và trại súng của chính quyền. 
Tháng 3 năm 1790, Nguyễn Ánh đã nhờ 2 người Pháp tên Olivier và Le Brun đứng ra xây thành bảo vệ Kinh Gia Định để thay thế cho thành cũ ở Tân Khai. Thành mới được đắp theo hình ‘Bát Quái’, có tám cửa, ở giữa là cung điện, bên trái dựng nhà Thái miếu, phía sau là kho tàng, bên phải đặt xưởng chế tạo, xung quanh là doanh trại của quân túc vệ. Thành nầy Nguyễn Ánh gọi là ‘Kinh Thành Gia Định’. Chu vi ngoại thành là 794 trượng. Về kiến trúc, thành Gia Định là sự mô phỏng của công sự ‘Vauban’ xuất hiện từ thế kỷ thứ XVII. Bên ngoài là đường phố và chợ búa, hai bên đường đều có trồng cây. Nhưng đến tháng 10 năm 1790, Nguyễn Ánh lại đổi trở lại làm ‘Thành Gia Định’, vì lúc đó 30 ngàn dân phu và binh lính bị sung công vào việc xây ‘Kinh Gia Định’ đã công phẫn nổi dậy tìm giết 2 người Pháp đã bày vẽ cho Nguyễn Ánh xây Kinh thành nầy, nên Nguyễn Ánh đã phải đình chỉ việc xây ‘Kinh Gia Định’. Năm 1791, Nguyễn Ánh cho khởi công xây dựng tiếp trường Hải quan để thu thuế các thuyền buôn ngoại quốc. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cho xây dựng xưởng ‘Chu Sư’ chế tạo vũ khí, cũng đóng và sửa chữa chiến thuyền. Sau đó, Nguyễn Ánh cũng cho thiết lập các trại súng và kho thuốc súng, trại và kho được lợp ngói và đóng vách bằng ván. Phải thành thật mà nói, với lòng căm thù Tây Sơn đến tận xương tủy, đã khiến Nguyễn Ánh dùng đủ mọi thủ đoạn, mọi phương tiện hầu đạt được mục đích giành lại chiếc ngai vàng cho dòng họ Nguyễn. Trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, phải nói nhân dân Nam Kỳ đã hy sinh quá nhiều xương máu cho từng kế hoạch của Nguyễn Ánh, mỗi kế hoạch mà Nguyễn Ánh đưa ra đều được thực hiện bằng những ‘núi xương sông máu’ của nhân dân Việt Nam nói chung, nhưng cái ‘họa người’ giáng từ tay Nguyễn Ánh lên đầu lên cổ nhân dân Nam Kỳ là không bút mực nào có thể tả xiết được.





***



Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Bạc Chu Ứng Phong Đình Ngẫu Đề - Nguyễn Ức



泊舟應豐亭偶題           Bạc Chu Ứng Phong Đình Ngẫu Đề

繫纜江亭覓勝遊           Hệ lãm giang đình mịch thắng du
前朝行殿已荒丘           Tiền triều hành điện dĩ hoang khâu.
鶯花不識興亡事           Oanh hoa bất thức hưng vong sự
撩亂春光未肯休。       Liêu loạn xuân quang vị khẳng hưu.
                   阮億                                     Nguyễn Ức


Dịch nghĩa: Ngẫu hứng làm thơ khi neo thuyền ở Đình


Buộc thuyền cạnh đình bên sông tìm chơi cảnh đẹp 
Chỉ thấy hành cung triều trước giờ đã thành gò hoang 
Chim Oanh cùng hoa lá chẳng biết gì đến việc thịnh suy của nước nhà
Nên làm rối loạn cả cảnh sắc của mùa xuân.

Dịch Thơ

Neo thuyền ngoạn cảnh ghé đình làng  

Triều trước hành cung hóa bãi hoang
Suy thịnh hoa oanh nào biết đến
Dù xuân rối sắc cũng không màng.

                                   Quên Đi


***

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Gốc tích tiếng kêu của vạc, cộ, dủ dỉ, đa đa và chuột


Xưa Cò, Vạc, Cộc, Dủ dỉ và Đa đa ăn ở với nhau như anh em một nhà. Chúng nó sống một cuộc đời sung sướng và hòa thuận. Con nào con ấy đều có nhà cửa, ruộng đồng riêng, nhưng mỗi khi kiếm được món gì ngon như mớ cá, rổ tép, v.v... trong đồng của mình thì chúng thường chia nhau ăn rất vui vẻ, tử tế.
Không ngờ một ngày kia chúng nó rủ nhau đánh bạc. Trước còn đánh một đồng, hai đồng nhưng sau ăn thua lớn. Trong cuộc bạc hôm ấy, Cò vơ tất cả. Cuối cùng cả mấy con kia phải vay nợ của Cò để gỡ gạc, nhưng chúng chỉ "gỡ vào", mà thôi. Hơn nữa. Cò âm mưu với Chuột viết vào văn tự nhiều hơn số tiền bọn họ đã vay. Vì không biết chữ, không ngờ bị Chuột làm gian nên hầu hết tài sản của Vạc, Cộc, Dủ dỉ và Đa đa đều thuộc về tay Cò cả.
Thua cay hơn hết là Đa đa. Cờ bạc đến lúc "khát nước nó bèn đánh những tiếng rất táo bạo. Vì thế, đến lúc phủi áo đứng dậy, Đa đa đã gán hết từ ruộng đồng cho đến nhà ở của mình cho Cò. Ngay buổi sáng hôm sau, Đa đa trần như nhộng, phải bán xới đi kiếm ăn ở miền núi cao.
Dủ dỉ không thua quá nhiều như Đa đa. Nhưng Chuột đã chơi cho nó một vố khá đau. Trong văn tự, Chuột đã viết là Dủ dỉ sẽ gán tất cả phần đồng điền của nó nếu quá hạn không trả được nợ. Vì thế đến hạn, Dủ dỉ mất hết cả ruộng đồng, chỉ còn lại cái nhà ở. Từ đó nó phải ngày ngày đi làm thuê làm mướn kiếm ăn rất cực khổ.
Còn Vạc chỉ thua có ba mươi quan. Nhưng khi nhờ Chuột làm giấy hộ: Chuột đã viết còn số ba thành con số chín. Cho nên cuối cùng Vạc cũng mất gần hết phần ruộng đồng của mình cho Cò. Nhưng Vạc vốn không sợ Cò. Không dám kiếm ăn công khai thì Vạc ta lại kiếm ăn lẩn lút trên đồng đất của Cò. Đêm đến, chờ khi Cò về nhà nghỉ ngơi, Vạc mới mò ra đồng ăn trộm con tôm cái tép. Nhờ thế cũng đủ sống qua ngày.
Riêng Cộc cũng thua cháy túi như Đa đa. Cuối cùng vốn liếng còn lại chỉ có mười quan định để dành đong gạo, nhưng máu mê cờ bạc xui nó đánh luôn một tiếng vào cửa lẻ. Khi mở bát ra thì bốn đồng tiền trắng xóa làm cho Cộc sững sờ), rồi ngất đi. Cho đến khi những con khác gào vào tai: - "Thua rồi, ớ Cộc! thì nó mới tỉnh dậy, và vì xấu hổ quá nên đâm đầu chạy miết, không ngoái cổ lại.
Còn Cò nhờ cuộc bạc hôm ấy lại nhờ khóe gian của Chuột nên làm chủ đồng ruộng mênh mông. Hàng ngày nó bay hết đồng này sang trồng khác ăn uống thỏa thích.
Từ đó, dòng dõi của Cò thong dong đi lại kiếm ăn ban ngày. Người ta bảo "ruộng cò bay thẳng cánh" là thế. Trên đầu nó có mấy cái lông "seo" người ta vẫn gọi là cò văn tự", để chỉ những khế tự giấy tờ của nó mang theo luôn luôn bên người. Dòng dõi Vạc thì chờ lúc tắt mặt trời mới rúc ra khỏi bụi tre và kêu luôn mồm: - "Thua một vác! Thua một vác!"[1]. Trời chưa sáng, chúng nó đã lò mò về tồ, chỉ sợ dòng dõi nhà Cò bắt gặp. Dòng dõi của Dủ dỉ thường kêu những tiếng ai oán: - "Đông Tây tứ chi bán hết! Mần như ri cực cực? Mần như ri cực cực!"[2]. Dòng dõi Đa đa thì không dám trở về quê hương đồng ruộng nữa. Tuy thế, chúng nó vẫn kêu lên những lời tỏ ý tiếc nhớ đời sống sung sướng ở đồng ruộng của cha ông chúng ngày trước: - "Tiếc rổ tép đa đa? Tiếc rổ tép đa đa!"[3]. Dòng dõi Cộc thì thỉnh thoảng lại gào lên mấy tiếng: - "Thua rồi, ớ Cộc!" rồi đâm đầu xuống nước, lặn một mạch thật xa mới trồi đầu lên tìm chỗ vắng mà đậu. Còn chuột, người ta bảo trong việc làm gian lận nói trên, nó chả được lợi lộc gì cả. Dòng dõi của nó ngày nay sống trốn tránh lẩn lút chỉ sợ con cháu Vạc và Dủ dỉ báo thù. Miệng vẫn kêu mấy tiếng: - "Chín chục! Chín chục"[4].
Tục ngữ có câu:
Con vạc bán ruộng cho cò,
Cho nên vạc phải ăn mò cả đêm.
hay là:
Vạc sao vạc chẳng biết lo,
Bán ruộng cho cò, vạc phải ăn đêm.

***
Theo sachhayonline.com