Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

Phải Vươn Lên

 

          Phải Vươn Lên

Bâng khuâng bối rối đến ngu ngơ
Bực bội lòng đây mới thẩn thờ
Bút sẵn giấy đang sao khó động
Vần chưa tứ vắng thật không ngờ
Nào như Thôi đã lưu lầu Hạc (*)
Nên khiến Lý đành dẹp ý thơ
Mà bởi do mình chưa đủ chữ
Cho nên thi phú mới lờ quờ.
                                Quên Đi

(*) Khi Lý Bạch đến Lầu Hoàng Hạc, định làm một bài thơ, nhưng thấy Thôi Hiệu đã làm bài Hoàng Hạc Lâu, Ông cất tiếng than:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thơ tại thượng đầu


(Thấy cảnh trước mắt mà không thể tả, cũng vì Thôi Hiệu đã làm thơ trên đầu rồi)


 

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Chiều Bến Phà

 

Bài Xướng: 

Chiều Bến Phà

Những chiều tan học, một mình ta
Lặng đứng bơ vơ dưới bến phà.
Chiếc bắc lừ đừ vương khói xám
Dòng sông lấp lánh nhuộm dương tà.
Nhấp nhô sóng nước vài thuyền lá
Ẩn hiện bờ tre mấy nóc nhà.
Não nuột bên đường bài vọng cổ
Hững hờ hành khách lớp người qua!

Mailoc
8-16-22
***
Các Bài Họa:

Những Chuyến Phà Ngày Xưa

Một thời kỷ niệm tuổi thơ ta
Theo mẹ cùng lên những chuyến phà
Có lúc sang sông từ sáng sớm
Nhiều khi xuống bến lúc chiều tà
Xôn xao cảnh tượng người buôn bán
Đông đúc bóng hình kẻ lướt qua
Tất cả chỉ còn trong ký ức
Nhớ sao khi trở lại quê nhà

Phương Hà
(17/08/2022)
***
Nhớ Phà Cần Thơ


Thơ thẩn bên bờ chỉ một ta,
Nhìn sông nhìn nước nhớ sao phà...
Xôn xao trên bến người chờ xuống,
Tấp nập dưới cầu khách vội qua...
Buôn gánh bán bưng từ sáng sớm,
Kẻ xuôi người ngược đến chiều tà...
Xa rồi cảnh cũ còn đâu nữa !?
Thấp thoáng bên sông mấy mái nhà!...

Đỗ Chiêu Đức
08-17-2022
***
Chiều Bến Phà

Vàm Cống chiều nay đã chuyển ta
Lênh đênh sông hậu với con phà
Cánh bèo lờ lững theo dòng chảy
Màu nước đỏ au dội ánh tà
Khiến cảnh trời thu lơ lửng lá
Cho lòng lữ khách luyến lưu nhà
Ngày xưa Cái Sắn sân trường cũ
Chừ rõ đổi thay năm tháng qua…

Thái Huy 
8/178/22
***
Vì Mai Sau


Đừng nghĩ nơi này lắm bạn ta
Rồi đâm ỷ lại cứ phì phà
Chung tay bồi đắp đời thêm đẹp
Góp lực xua tan những ý tà
Chớ để thời gian trôi lãng phí
Khiến cho mộng ước lặng thầm qua
Tháng năm xuôi ngược dày sương gió
Học hỏi được bao giúp trẻ nhà.

Quên Đi
***
Nhỡ Chuyến Phà Chiều


Chậm chạp xuống xe nhỡ chuyến phà
Chiều vàng quạnh quẽ đứng ênh ta
Xuồng ghe nhộn nhịp chèo đưa vội
Cảnh vật lao xao nắng đã tà
Bến cũ còn đây người bước tới
Sông xưa vẫn đấy kẻ đi qua
Bâng khuâng chút mảnh tình riêng đó
Hiu hắt tâm tư …thấy nhớ nhà

songquang
20220817
***
Bến Bắc Mù Tăm

Một thuở còn đâu bạn với ta
Chuyến xe xuôi ngược ngóng qua phà
Cây cầu Mỹ Thuận mờ in bóng
Chiếc bắc Cần Thơ ẩn nguyệt tà
Lờ lững lục bình theo sóng nước
Cư dân lặng lẽ tháng ngày qua
Bao năm xa vắng quay nhìn lại
Bến cũ mù tăm xót cảnh nhà.

Kim Oanh
***
Phà Về Long Xuyên

Thế là bạn cũ lại cùng ta
Trở lại Long Xuyên dọc chuyến phà
Cây vẫn xanh tươi đầu bến lở
Nước còn trong vắt cuối sông tà
Lòng buồn chi lạ rời Sadec
Hồn nhớ bâng khuâng gởi quận nhà
Bát ngát chiều vương Vàm Cống bắc
Mai này ai nhớ tháng ngày qua...

Hawthorne 17 - 8 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Lỡ Chuyến Phà

Sóng biếc rì rào nhắc nhớ ta
Cô liêu cảnh cũ đợi sang phà
Lục bình lờ lững dòng sông mộng
Mờ mịt thuyền câu bóng ác tà
Lưu lạc bao năm hồn tứ xứ
Một thân trôi nổi kiếp muôn nhà
Đôi bờ gửi gắm thời mong ước
Lỡ chuyến phà duyên lỡ chuyến qua

Kim Phượng
***
Một Thời Vang Bóng

Cái thời nhỏ dại bản thân ta
Đi học gieo neo ở bến phà
Dậy trễ le te khi sáng sớm
Ngủ trưa lật đật lúc chiểu tà
Sóng xao, nước xoáy ghe vài chiếc
Lác đác mưa rơi cảnh mấy nhà
Giọng nữ́ nỉ non câu vọng cổ
Nam ai thấm thía khách tình qua...

Mai Xuân Thanh

Aug. 19, 2022
***
Bài Cảm Tác:

Khúc Hát Con Phà

Nhớ thuở xưa cần mỗi dịp xa
Từ Cao Lãnh phải mượn đôi phà (*)
Xuyên dòng đổi hướng bờ đi lại
Cậy bắc đưa người kẻ dẫn qua
Cuộc sống kêu đòi khung viễn ảnh
Thời gian đậm khắc cảnh quê nhà
Sông dài vẫn chảy soi cầu mới
Đã khuấy tâm hoài niệm của ta.

Mai Thắng 
220818
(*) Từ Cao Lãnh đi Sài Gòn phải qua 2 lần phà: lần 1 qua phà Cao Lãnh đi Sa Đéc hướng Vĩnh Long; lần 2 qua phà Mỹ Thuận nhưng là đi ngược lại về hướng Cái Bè rồi mới thẳng hướng Sài Gòn.


 

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

MC Nguyễn Ngọc Ngạn và Thơ Đường

Tuy rất thích nhạc, nhưng thời gian sau này tôi không còn nghe các chương trình của Paris By Night nữa. Gần đây, nghe được những bàn tán về chương trình Xuân Với Đời Sống Mới Paris By Night 132, tôi liền mở lên theo dõi. Đây là chương trình ca nhạc có thời lượng là 5 giờ 43 phút, ở thời điểm 4 giờ 22 phút, hai MC có màn Vấn Đáp (những dòng chữ viết nghiêng là nguyên văn câu nói của hai MC) :

         MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên hỏi MC Nguyễn Ngọc Ngạn:
- Trong bài hát Mùa Xuân Trong Thư Em của nhạc sĩ Viễn Chinh có câuTôi viết vội câu thơ thất niêm” . Vậy thất niêm có nghĩa là gì?”.
          MC Nguyễn Ngọc Ngạn trả lời:
- “Lúc chúng ta học Trung học thì trong môn Việt văn chúng ta học về thơ Đường. Thơ Đường tức là thơ của thời nhà Đường, là thời cực thịnh về thơ, đó là thời của Đường Huyền Tôn, tức Đường Minh Hoàng. Về sau thơ Đường nó trở thành tiêu chuẩn để chúng ta làm thơ, nhưng dĩ nhiên là thơ đó gò bó cho nên nó gọi là niêm với luật. Niêm luật tức là chữ nào phải Bằng, chữ nào Trắc, và đối nhau."
Thí dụ như:
           Lom khom dưới núi tiều vài chú
           Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Hai câu đó của Bà Huyện Thanh Quan nó rất là đối từng chữ, từng câu, từng vần. Thì cái đó chúng ta gọi là niêm luật của thơ Đường …"

           Sau đó Kỳ Duyên hỏi:
-"Những câu đối như ngày xưa, bây giờ mình còn làm nhiều không anh? Tết em đọc không thấy nữa. Hay là cái đó đã thất truyện rồi?"

            Nguyễn Ngọc Ngạn trả lời:  
-"Nó không thất truyền, nhưng mà nó chỉ còn trong sách giáo khoa, nó chỉ còn trong lớp học mà thôi..."
(nghe câu này, không biết các nhà thơ, các diễn đàn Thơ Đường Luật  ngày nay nghĩ thế nào!?)

Qua đoạn vấn đáp bên trên của Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn Cao Kỳ Duyên, chúng ta thấy những câu trả lời của Nguyễn Ngọc Ngạn có 3 ý chính:

1- Thơ Đường là thơ thời Đường Huyền Tôn.
2- Thơ gò bó nên gọi là Niêm Luật. Niêm tức là chữ nào phải Bằng, chữ nào Trắc và Luật là đối nhau.
3- Thơ Đường ngày nay chỉ còn trong sách giáo khoa, chỉ còn trong lớp học mà thôi.

Những câu trả lời trên của Nguyễn Ngạc Ngạn đúng, sai thế nào mà nảy sinh những ý kiến không đồng tình.

Thơ ca Trung Hoa xuất hiện rất lâu. Có lẽ từ thời nhà Thương. Sau đó được Khổng Tử sưu tầm, chọn lọc, chỉnh sửa và sắp xếp lại để viết quyển Kinh Thi. Kinh Thi cũng giống như văn chương truyền khẩu của Việt Nam. Bao gồm các câu ca dao, bài hát trong dân gian và được bổ sung thêm các bài nhạc tao nhã của cung đình. Hình thức thơ trong Kinh Thi đa dạng, biến đổi từ câu 4 chữ cho đến 5, 6,7 hay nhiều chữ hơn. Nói chung mỗi bài có số câu, cũng như số chữ trong câu không nhất định.

Ðến đời Tấn (265-420), thơ bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng bài thơ thì dài ngắn tùy hứng, tùy thích. Sang thời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một dạng nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu.

Từ thời nhà Tùy, thể Văn Biền Ngẫu (hai câu song song đối nhau) được giới làm thơ ưa chuộng, nên đã đưa vào các dạng thơ 5 chữ và 7 chữ.

Đây cũng là tiền đề để phát triển và hoàn chỉnh Cận Thể Thi giai đoạn từ cuối đời Nhà Tùy đến đầu Nhà Đường. Luật thơ bắt đầu manh nha từ đó. Thẩm Ước xướng thuyết Tứ Thanh (4 quy luật Thanh, Âm là Bằng, Trắc, Trầm và Bổng), Bát Thể (8 bệnh về trầm bổng bằng trắc của Tứ Thanh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ đấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh, về đối ngẫu, nhưng quy tắc vẫn chưa chặt chẽ, vẫn tung hoành phóng túng tự do. Người đời sau gọi các dạng thơ trên đây là Cổ Thể Thi để phân biệt với Cận Thể Thi xuất hiện vào thời Đường. Với người Hoa, chỉ có Thơ Cổ Thể và Thơ Cận Thể (Thơ Luật).

Thi sĩ đời Ðường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết Thanh Bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và các luật được tinh tường, gạn lọc. Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi Vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Ðường .
Triều đại nhà Đường (618-907) kéo dài 290 năm, bắt đầu từ Đường Thái Tổ Lý Uyên, đến vị vua cuối cùng là Đường Ai Đế Lý Chúc. Đây là triều đại được đời sau công nhận là thời kỳ huy hoàng nhất của thi ca Trung Hoa. Các nhà nghiên cứu đã dựa vào tình hình thực tiễn của xã hội bấy giờ, tạm chia thi ca thời Đường ra làm 4 thời kỳ: Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường.

1/ Sơ Đường 618 - 713
- Giai đoạn 1 từ 618 đến 673: Đây là giai đoạn chuyển hóa từ thể thơ Cổ Thể Thi ( Cổ Phong) sang Cận Thể Thi (Đường Luật Thi).
- Giai đoạn 2 từ 673 đến 713: Khoảng thời gian này, Luật thơ đã hoàn chỉnh.
Các nhà thơ được biết nhiều trong thời kỳ này là Vương Bột, Trần Tử Ngang, Tống Chi Vấn, Thẩm Thuyên Kỳ...

2/ Thịnh Đường 713 - 766
Đây là giai đoạn cực thịnh của Đường Thi và Đường Luật Thi. Có rất nhiều nhà Thơ nổi tiếng như Vương Hoán Chi, Vương Duy, Cao Thích, Vương xương Linh...nhất là Lý Bạch và Đỗ Phủ.

3/ Trung Đường 766 - 835
Giai đoạn này Thơ mang sắc thái cảm thương, u uất...Đại diện có Bạch Cư Dị, Liễu Tông Nguyên...

4/ Vãn Đường 835 - 907
Lời đẹp ý hay nhưng kém phần hùng hồn, đôi khi ủy mỵ. Nổi bật có Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục...

Trở lại 3 nội dung giải thích liên quan đến Thơ Đường của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, chúng ta thấy tất cả đều không đúng:

1/ Thơ Đường là tất cả các thể thơ được các nhà thơ thời Đường sáng tác kể cả Cổ Thể Thi và Cận Thể Thi. Trong khi đó Thơ Đường Luật là tất cả thơ được làm theo luật của Đường Luật Thi, bất kể làm vào thời đại nào, quốc gia nào. Nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn lại nhập chung Thơ Đường và Thơ Đường Luật làm một.
Thơ Đường Luật bắt đầu hình thành vào cuối triều Tùy và hoàn chỉnh vào giai đoạn 2 của thời Sơ Đường, không phải như Nguyễn Ngọc Ngạn cho rằng thơ Đường là thơ thời Đường Huyền Tôn (Đường Minh Hoàng).
2/ Không thể vì gò bó mà gọi là Niêm Luật như MC Nguyễn Ngọc Ngạn nói, đó là quy luật riêng của mỗi loại thơ, như thơ Lục Bát... cũng có luật riêng.
Niêm không phải là Bằng Trắc, Luật không phải là đối nhau như ông Ngạn giảng giải. Trong thơ Đường Luật, Niêm là giữ vững, là kết dính giữa các câu có chữ thứ hai  mang Thanh (Bằng Trắc)  giống nhau. Luật là những quy định mà người làm thơ phải tôn trọng. Thơ Đường Luật có 5 luật phải tuyệt đối tuân theo: Thanh, Đối, Niêm, Vận và Bố Cục.
3/ Ngày nay, Thơ Đường Luật phát triển khắp nơi từ trong nước đến hải ngoại, rất được nhiều người ưa chuộng, không hề thất truyền như MC Nguyễn Ngọc Ngạn phát biểu.

Nếu điều gì chưa rõ ràng, biết còn nông cạn thì nên tìm hiểu học hỏi thêm, không thể như nhà văn Nguyễn ngọc Ngạn thật thiếu trách nhiệm, khi phát biểu, phổ biến những điều sai trái lệch lạc khắp nơi, qua chương trình Paris By Night như thế. Thật coi thường mọi người và bôi lọ nền văn học nước nhà.
 
Rất tai hại, khi sẽ có không biết bao nhiêu người học lấy cái sai của MC Nguyễn Ngọc Ngạn.
 
Nhớ câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe" của Ông Bà lưu lại, cũng rất đáng cho chúng ta và con cháu suy gẫm.

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2022

Sông Chiều

 

 

Bài Xướng:

Sông Chiều

Trường giang man mác lục bình trôi
Bóng ác trên sông nửa lặn rồi.
Thấp thoáng chân mây xuồng mấy chiếc
Là là lau lách vạc từng đôi.
Trăng lên lừng lững rây cành lá
Sương xuống mơ hồ ướt mắt môi.
Thơ thẩn một mình hồn lắng đọng
Đất trời lặng lẽ thấm đơn côi!

Mailoc
8-5-22
***
Các Bài Họa:

Sông Vắng Chiều Hôm

Chiều ra bến vắng ngắm sông trôi
Vạt nắng hoàng hôn đã tắt rồi
Ngọn gió miên man làm rối tóc
Sương mù ẩm ướt thấm mềm môi
Vài làn mây xám phô hình lạ
Một cánh chim hồng xoãi bóng côi
Chân dạo lang thang trên lối cỏ
Nhớ ngày hai đứa bước song đôi


Phương Hà
( 06/08/2022 )
***
Trời Chiều…

Trời chiều bảng lảng áng mây trôi
Vạt nắng nhoà phai sắc nhợt rồi
Mời bạn lấy cờ ra đối mặt
Buồn lòng mượn rượu uống mềm môi
Thương mình hiu hắt đời cô lữ
Xót bậu ngậm ngùi cảnh bóng côi
Quê mẹ giờ đây xa vạn dậm
Nếu về chẳng kẻ bước chung đôi


songquang
20220807
***
Ngày Tháng Buồn Tênh

Thế rồi ngày tháng lạnh lùng trôi
Mình lại gặp ta, thơ thẩn rồi
Chỉ một bóng mờ thôi đã lẻ
Thêm hai hình đậm khiến thành đôi
Lá răm vẽ xếch trên viền mắt
Tim đỏ tô ngang giữa cặp môi
Xuân hạ thu đông đều nhớ bạn
Riêng người đơn độc giống mồ côi ...

Hawthorne 7 - 8 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Thương Kẻ Giữ Vườn


Năm tháng âm thầm vẫn cứ trôi
"Thẩn Thơ" im vắng tự lâu rồi
Bao người bỏ bến vui riêng lẻ
Một bóng em chờ đợi sóng đôi
Giữ nhịp bền gan không nản chí
Nên giờ sắc thắm rạng trên môi
Vườn hoa đến lúc ngàn hương tỏa
Người giữ vườn nay hết cảnh côi


Quên Đi
***
Biển Chiều


Kiếp sống hải hồ mãi nổi trôi
Dạt bờ cát trắng bãi xa rồi
Long đong số phận đành đơn lẻ
Tạo hóa cơ cầu chẳng đẹp đôi
Bến cũ lòng tàu trơ dáng ngọc
Dòng xưa con nước lạnh bờ môi
Một lần cách biệt là muôn thuở
Đợt sóng dập vùi chiếc bóng côi


Kim Phượng
***
Bến Chiều 

Bão táp hoa đời lẵng lặng trôi
Lênh đênh xa xứ lạc dòng rồi
Nơi đây song vắng sầu riêng lẻ
Phương ấy chung lòng đẹp lứa đôi?
Định mệnh trớ trêu cay ngấn lệ
Duyên phần nghiệt ngã mặn bờ môi
Dòng xưa con nước ngày hai buổi
Quạnh quẽ bến chiều một bóng côi


Kim Oanh
***
Khúc Hát Sông Chiều

Nước đổ theo triều duỗi ngọn trôi 
Chiều buông tiễn ráng chậm qua rồi 
Mây hờ hững giục xuồng neo bến 
Gió dửng dưng lùa vạc giỡn đôi 
Hé mảnh trăng ngà xuyên điệu vũ 
Soi làn sóng bạc điểm bờ môi 
Sông dài mở lối dàn xuôi ngược
Quyện giữa xa ngàn tháo cảnh côi 

Mai Thắng
 220811

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Trung Thu Nguyệt - Lý Kiệu

    中秋月            Trung Thu Nguyệt


圓魄上寒空          Viên phách thướng hàn không    
皆言四海同          Giai ngôn tứ hải đồng   
安知千里外          An tri thiên lý ngoại  
不有雨兼風          Bất hữu vũ kiêm phong.    
          李嶠                                 Lý Kiệu

Dịch nghĩa

Rằm tháng Tám

Vầng sáng tròn đang dần lên trên bầu trời lạnh lẽo
Tất cả đều nói ánh sáng đó soi khắp bốn biển 
Biết ngoài nghìn dặm có yên ổn không
Hay đang chịu cảnh mưa gió bão bùng.

Dịch thơ: Trung Thu

1/
Vầng sáng trong đêm lạnh   
Ánh trăng chiếu khắp nơi  
Dặm ngàn xa có ổn 
Hay gió táp mưa rơi.

2/
    Giữa không gian lạnh một vầng  
 Rằng trăng soi sáng xa gần mọi nơi   
       Biết đâu ngàn dặm mù khơi  
Hiện đang mưa bão tơi bời giữa thu.  
                                     Quên Đi

Lý Kiệu 李嶠 (645-714) tự Cự Sơn 巨山, quê Triệu Châu, Hà Bắc, đỗ tiến sĩ năm 663 niên hệu Long Sóc đời Đường Cao Tông. Thời Tắc Thiên Võ Hậu, làm Giám sát ngự sử rồi Đông phụng các loan đài Bình chương sự (tể tướng), tiếp tục làm tể tướng đời Đường Trung Tông. Khi Huyền Tông lên ngôi bị biếm làm Biệt giá Lư Châu (Hợp Phì, tỉnh An Huy). Thơ hiện còn 5 quyển.


***
          Trung Thu
1/
Trời lạnh trăng dần tỏ
Khắp nơi trải ánh ngà
Biết đâu ngàn dặm ruổi
Gió táp lẫn mưa sa
2/
        Trời lành lạnh ánh trăng con
   Dần soi bốn bể núi non khắp vùng
        Dặm ngàn có gặp khốn cùng
Hay đang ròng rã trùng trùng gió mưa
                                   Kim Phượng
***
           Trăng Trung Thu

1)
Trăng lên vằng vặc đêm mơ ước
Toả sáng vừng non khắp biển khơi
Vạn dặm bình yên không biết được
Nào hay bão táp cảm thương đời

2)
   Vằng vặc trăng soi gió lạnh đêm
Trung thu khắp nẻo gió vương thềm
       Mù khơi vạn dặm ai mà biết
 Bão táp mưa sa chạnh nhớ thêm…!
                          Mai Xuân Thanh

***
      *Thơ 6 chữ

Trăng tròn giữa tầng không lạnh,
Bốn biển tưởng cũng như nhau.
Biết đâu ngoài xa ngàn dặm,
Mưa cuồng gió loạn xôn xao !
 

     * Thơ Lục bát 

       Trăng tròn lạnh giữa tầng không,
Tưởng đâu bốn biển cũng đồng như nhau.
            Ai hay ngàn dặm xôn xao,
      Đầy trời mưa gió thét gào đêm thu !
                             Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

 

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

Dáng Thơ



Bài Xướng:


Dáng Thơ


Thanh thanh tú tú khó làm ngơ
Tú tú thanh thanh thật chẳng ngờ
Nở rộ vườn hoa xây chốn mộng
Sum vầy bạn hữu nối vần thơ
Kìa sông hội tụ quy về biển
Xướng họa người đâu bến sẵn chờ
Mây xám đã tan vầng nhựt rạng
Thi đàn khởi sắc đẹp lòng mơ.

Quên Đi
***

c Bài Họa:

Họp Mặt Vườn Thơ Thẩn


Một ngày ta bỗng hóa ngu ngơ
Đón nhận tin vui thật bất ngờ
Hiên gió xôn xao bài tấu nhạc
Thư phòng rộn rã tiếng ngâm thơ
Bạn bè náo nức lòng mong đợi
Tâm trạng nôn nao dạ ngóng chờ
Kìa, kẻ phương xa vừa xuất hiện
Thắm tình thi hữu,thỏa niềm mơ

Phương Hà
(13/08/2022)
***
Khó Nói

Đôi lúc cảm sao quá ngẩn ngơ
Nhiều điều xuất hiện thật không ngờ
Định làm cái nọ liền thơ thần
Đang nghĩ việc kia chợt thẩn thơ
Bỏ dở để rồi muôn khách đợi
Quên luôn đến nỗi mọi người chờ
Chừng nay đã hiểu hơi cao tuổi
Khó nói cho xuôi thực hoặc mơ.

Thái Huy 
8/13/22
***
Kiếp Tầm

Lắm lúc xem chừng dạ ngẩn ngơ
Ra vô thờ thẩn có đâu ngờ !
Vô thờ cứ kiếm vài câu chữ
Ra thẩn cố tìm chút ý thơ
Mực cạn khôn vay đành ráng đợi
Bút cùn chẳng mượn phải trông chờ
Kiếp tầm dẫu thác còn vương kén
Mãi đến tàn hơi mới hết mơ !

songquang
20220814
***
Bóng Mơ!

Nhớ nhớ quên quên cứ ngẩn ngơ
Quên quên nhớ nhớ chẳng ai ngờ
Thầm yêu xao xuyến hòa cung nhạc
Trộm nghĩ rộn ràng thả ý thơ
Gửi gắm đôi câu quay quắt nhớ
Xôn xao tấc dạ mỏi mòn chờ
Vườn khuya ánh nguyệt lung linh bóng
Mà ngỡ người mình đã mộng mơ

Kim Oanh
***
Thanh Mai - Trúc Mã


Em đẹp làm sao thấy ngẩn ngơ...!
Trắng da dài tóc mấy ai ngờ...
Si tình thiếu nữ hay ca nhạc
Trọng nghĩa thanh niên mới đọc thơ
Xướng họa Đường thi không gấp... đợi
Đối niêm thực luận chớ chần chờ...
Thanh mai phước báu cùng đôi lứa
Trúc mã tùy duyên thỏa ước mơ...!

Mai Xuân Thanh
Aug. 15, 2022
***
Bên Khóm Tường Vi

Ngắm đóa tường vi đến ngẩn ngơ
Niềm riêng len lén chợt không ngờ
Hương hoa ngan ngát say nghiên bút
Thuần khiết sắc màu đượm ý thơ
Kỷ niệm hiện về hoài ngóng đợi
Hồn xưa sống lại thỏa mong chờ
Thoảng nghe trong gió hoa tình tự
Thả bút thơ đề trải ước mơ

Kim Phượng