Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Giỗ Tổ Hùng Vương

Hình ảnh Lễ dâng hương Đền Hùng vào năm 1904. Ảnh: Internet. 
Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục . Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-dương-vương , quốc-hiệu là Xích-quỷ
Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam), phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục (Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải.
Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch?) và lấy con gái Động-đình-quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-long-quân.
Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai]. Lạc-long-quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-quân, nhà ngươi là dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».
Lạc-long-quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang , xưng là Hùng-vương
Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu  (bây giờ ở vào địa-hạt huyện Bạch-hạc, tĩnh Vĩnh-yên).
Đây là triều đại đầu tiên của Việt Nam., khởi nguồn của dân tộc Việt.

Trong dân gian ta có câu lục bát được lưu truyền từ xa xưa:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ truyền thống trọng đại của dân tộc. Đền Hùng dựng trên núi Hùng, tại sao 18 đời Hùng Vương lại chỉ có một ngày lễ? tại sao lại là mùng 10 tháng 3 mà không phải là ngày khác? Đây chắc không phải là ngày chọn lựa một cách tình cờ mà có dụng ý, chứa đựng thông điệp nhất định của tổ tiên.
Hùng Vương sinh ra từ Mẹ tiên và Cha rồng, tức là đức trời đất đã hàm ngụ ngay từ trong thân mẫu, đến ngày sinh thì được an định vào ngày mùng 10 tháng 3 cùng một ý đất trời lưỡng hợp vì mùng 10 là thập thiên can chỉ đức trời, còn tháng 3 là cung Dần chỉ đức đất. Tại sao lại lấy cung Dần? bởi vì Dần là con vật mạnh nhất trong thập nhị địa chi. Hùng ( là Gấu) cùng loài Dần đều hàm ngụ sức mạnh vô biên vì bao quát cả đức trời lẫn đất. Có thể nói Hùng Vương là một mẫu mực người viên mãn cũng như cân đối một cách siêu việt. Sự viên mãn còn được thể hiện ở sự hòa hợp đất trời như tích trầu cau nơi ba yếu tố là lá, đá, cây chỉ trời, đất, người (Tam Tài) hòa hợp nên một chất mới là màu đỏ tươi thắm. Rõ hơn nữa là truyện bánh Dầy, bánh Chưng. Bánh Dầy tròn chỉ trời, bánh Chưng vuông chỉ đất hai đàn chồng lên nhau chỉ một giao hòa mang đậm tính dân gian sự kết hợp tuyệt vời giữa đất và trời.
Sự kết hợp này thể hiện tên gọi đất nước thời sơ khai Văn Lang. Chữ Lang vừa có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là người. Vậy Văn là gì? theo nguyên nghĩa Văn chỉ sự giao thoa của trời và đất như được biểu thị bằng cách vẽ lên mình hình rồng chỉ đất mang mẫu áo lông chim chỉ trời. Đối với truyền thông Việt, yếu tố Văn được đề cao vượt bậc bên trên yếu tố võ, nên nảy sinh một thứ tôn ti đó là sĩ nông công thương. Sĩ đại diện cho Văn, cho trời. Đất đặt trước nông đại diện cho đất cả hai xoắn xít với nhau trong mối tình tương thân tương trợ, quý trọng những giá trị tinh thần sống theo nhân nghĩa, sống theo tình người đây là tâm linh sử khoa của dân tộc, đó còn là đại cương ý nghĩa ngày Giỗ Tổ.
Ngày Giỗ Tổ phải là một ngày lễ trọng đại nhất của người Việt, bất cứ sống nơi nào cũng cần tổ chức để tỏ lòng sâu xa đối với tiên tổ đã xây dựng cho mình một mẫu người, một mẫu nước quý báu, như vậy không chỉ để tỏ lòng tri ân tổ tiên suông, không chỉ tưởng niệm một lúc, mà cần nhất phải cố gắng làm khơi dậy tinh thần Văn Lang, bằng cách học hỏi và hiện thực để mình mãi mãi xứng đáng là con Hồng, cháu Lạc. Hơn thế nữa để có thể đóng góp cho công cuộc xây dựng hình ảnh đất nước, đó cũng là tâm nguyện của tất cả người con dân tộc Việt.

Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước. Nhân dân ta tổ chức lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ chức Ngày Quốc Giỗ góp phần giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Lễ Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Ðây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ:

 "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập". 

Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập "ngọc phả" về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Ðại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Ðây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng (sau được sao lại vào năm Khải Ðịnh thứ 4 năm 1919). Ðến năm 1470 (niên hiệu Hồng Ðức nguyên niên - triều Vua Lê Thánh Tông), Hùng Vương ngọc phả thập bát thế truyền được Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyên Cố phụng chỉ biên soạn. Kế tiếp là Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền do Hàn lâm Học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572 - triều Vua Lê Anh Tông). Còn trong bản dịch tấm bia được lập ngày mồng 10 tháng 3 năm Canh Thìn (1940 - niên hiệu Bảo Ðại thứ 15) do Tham tri, lĩnh chức Tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn nội dung cho biết, ngày "quốc tế" (ngày tế do Nhà nước đứng ra tổ chức) của nước ta vốn diễn ra định kỳ vào mùa thu. Ðến năm Khải Ðịnh thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ lúc bấy giờ là Lê Trung Ngọc có tờ tư xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hằng năm làm ngày "quốc tế". Tương truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày "quốc tế" được chọn là trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm lễ. 

Huỳnh Hữu Đức sưu tầm và tổng hợp từ Internet
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét