Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Điển Hay Tích Lạ 13


Bức Hoạ Dương Quí Phi Tắm Suối
Đọc sử Tàu, ai cũng biết qua vua Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi nhà vua tuy già nhưng vẫn đa tình và rất mực phong lưu. Còn Dương Quí Phi tức Dương Ngọc Hoàn là một giai nhân có một sắc đẹp nứt vàng tan đá.
Tập "Tây bắc thảm kỳ" của Đào Ngọc Sơn đời nhà Minh (1368-1628) có chép truyện "Quái Nham Quí phi toàn dục bích họa", nghĩa là bức họa trên vách tả cảnh Dương Quí Phi tắm suối ở Quái Nham.Ai cũng cho là một sự quái lạ.Vì Quái Nham là một hòn núi kỳ quái, hiểm hóc ở về phía nam tỉnh Thiểm Tây. Nơi này ít có dấu chân người đặt đến. Thân núi cao vót, vách đá cheo leo. Người nào hiếu kỳ muốn lên được trên núi phải bám mỏm đá, bíu dây song chuyền thân cây, phải giữ từng ly từng tí, chật vật khó khăn, mệt đứt hơi, sợ bể tim mới lên đến được. Sơ sẩy một chút rơi xuống thì bỏ mạng đời.Đứng dưới chân núi nhìn lên, nếu người có tính nhút nhát, tưởng không ai dám đến gần. Vì ở giữa thân núi, bốn bề đều có những phiến đá. Có phiến to bằng cả mái nhà. Có phiến nhỏ cũng bằng tấm ghế. Tất cả đều từ trên dốc xuống, xem có vẻ như không bám chặt vào đâu, sắp cùng một loạt lao mình xuống đất. Chỉ có về mặt nam thì núi hơi thu gọn lại. Cố lách mình leo những khe đá, dù chật vật cũng còn có lối lên. Đến lưng chừng, có một cái hang, cửa vào khá rộng và không tối lắm.Cửa hang càng vào trong càng rộng. Tới mãi trong cùng thì có một bãi đất lộ thiên độ vài chục mẫu, cỏ mọc xanh rờn như một nệm gấm trải phẳng phiu. Ở đây có nhiều thứ cây lạ. Mỗi cây có một thứ hoa đủ các hình sắc. Chung quanh bãi ấy, thân núi dựng đứng như bức tường dài. Vách núi nhiều chỗ lại phẳng trơn như mài, mỗi chỗ mỗi sắc, bóng nhoáng rất đẹp. Dưới những vách đá là một suối nước dài lượn theo. Dòng suối ấy cứ cách một quãng có những giọt nước từ trên khe đá tí tách rỏ xuống; hay những tia nước từ trong các mạch đất cuồn cuộn tuôn ra, hợp với dòng suối chảy tạo nên những tiếng êm tai như âm nhạc. Dòng suối có chỗ sâu hàng trượng, nước trong vắt, trông suốt cả những hòn đá nhỏ trắng phau dưới đây.Thật là một cảnh thần tiên.Trông về vách phía đông, thấy có một hàng chữ to có vẻ cổ kính "Dương Quí Phi toàn dục diễm tích" nghĩa là "Dấu vết xinh đẹp khi Dương Quí Phi tắm suối". Đây là một khoảng vách đá dài độ mươi trượng, rộng độ hai trượng có nhiều bức vẽ đều từng lúc Dương Quí Phi tắm suối thế nào. Các nét vẽ đều chạm khắc sâu vào thân vách nên dù màu có hơi nhạt nhưng nét vẫn còn rõ ràng như mới.Tất cả chừng 10 bức vẽ.Đây là lúc Dương Quí Phi cởi áo.Đây là lúc nàng còn ngồi trên phiến đá thò chân khoắng nước.Đây là lúc nàng đùa nghịch lấy tay đập nước, giọt nước bắn tung lên.Và, đây là lúc nàng lội suối theo những chỗ nông sâu; ngấn nước trong veo dần dần mờ in trên cái thân mình tha thướt uyển chuyển, da trắng như tuyết...Và, mỗi bức vẽ đều vẽ quí phi từ dưới suối nhìn lên cái ông chồng già Đường Minh Hoàng đương ngồi tựa mình trên vách đá, đôi mắt đắm say nhìn giai nhân mà tủm tỉm cười tình.Thật là những bức hoạt tượng. Dù đã cách có hàng năm sáu trăm năm mà xem đôi bạn tình vương giả ấy như đã học được thuật trường sinh, đem nhau đến chốn này, riêng hưởng cái diễm phúc mà người đời khó ai tìm được.Dưới những bức họa ấy có đề ngày tháng năm đã vẽ ghi cái diễm tích ấy. Tức là ngày 25 tháng 5 năm Thiên Bảo thứ mười (theo Dương lịch là năm 752).Quái Nham là một hòn núi hiểm hóc. Ít có dấu chân người đặt đến. Vậy mà nhà vua cùng quí phi dẫn nhau đến đấy. Người thì tắm, kẻ thì ngồi xem. Cả hai đều có sở thích.Người thì được cái thú tắm suối khoái hoạt. Một thân hình kiều diễm "làu làu sẵn đúc một tòa thiên nhiên" kia được ngâm trong làn nước tinh sạch thiên nhiên. Người thì lại có lẽ tự hào là được cùng một giai nhân tuyệt thế đến thưởng ngoạn một thắng cảnh thiên nhiên, xưa nay ít ai biết đến, rồi ghi lại dấu vết diễm tuyệt trên vách núi để góp một phần tình tứ, một phần mỹ lệ vào cảnh kỳ quan của hóa công?Quí phi thích đi tắm suối. Mỗi lần đi phải phí tổn cả hàng vạn bạc. Nghe nói trên Quái Nham có cảnh đẹp, có suối trong khác thường, ai tắm sẽ được trường thọ. Vừa tham sống, vừa có tính tò mò nên quí phi đòi Minh Hoàng cho đi kỳ được.Muốn cho mỹ nhân vui lòng, Minh Hoàng không quản khó nhọc, hạ chỉ cho quan lại địa phương phải moi óc nghĩ cách làm cho được con đường lên núi. Hạn trong nửa tháng, làm xong sẽ hậu thưởng; bằng không sẽ cho tuột chức nghỉ vô thời hạn.Tiếp chỉ, quan địa phương xiết bao lo sợ. Sau có người bày cách kết mây làm cầu, chôn hai cây to dưới đất, rồi từ đó các đợt cầu mây cứ kế tiếp nối nhau đến tận cửa hang. Vì phải làm gấp và leo trèo khó khăn nên tốn kém có hơn 10 vạn bạc và số nhân công sơ sẩy bị té chết có hàng trăm.Cầu làm chắc chắn và đi rất êm. Minh Hoàng và quí phi lên được đến nơi cho là một cuộc viễn du khó có. Muốn làm kỷ niệm, Minh Hoàng mới tìm một thợ vẽ khéo, vẽ lại diễm tích trên núi.Một cuộc tắm mát đã làm cho người yêu như ý, Minh Hoàng vui mừng khôn xiết, hậu thưởng quan quân và dân chúng miền đó. Nhưng thấy làm hao hụt hàng vạn của kho và làm chết hàng trăm mạng người, Minh Hoàng cấm sử quan ghi chép và không ai được nói chuyện ấy.Tưởng cái diễm tích ấy bị vùi dập trong cái hang bí mật đã trên ngàn năm nay, và câu chuyện vì cái thú phong lưu "tai ác" giết hại mạng người ấy chìm trong dĩ vãng đen tối, không ngờ bị quyển "Tây bắc thảm kỳ" chép lại cuộc du hí của hàng vương giả, vô tình tố cáo với thế nhân.

Cỏ Ngu Mỹ Nhân

Hán, Sở giao binh tại Cai Hạ. Đây là trận cuối cùng quyết định thắng bại của đôi bên.Tướng soái của Hán vương Lưu Bang là Hàn Tín đem trăm vạn quân siết chặt vòng vây, quyết tiêu diệt Sở Bá Vương Hạng Võ. Bị vây suốt mấy hôm, quân Sở, người thiếu lương, ngựa thiếu cỏ, trong một đêm chúng bỏ trốn gần hết. Chỉ còn hai tướng là Hoàn Sở và Chu Lan.Sở Hạng Võ được tin báo, ra trướng nhìn quanh. Quân Sở bấy giờ chỉ còn độ hơn ngàn người. Sở vương kinh hãi, buông tiếng thở dài não ruột, quay trở vào. Sở hậu là Ngu Cơ đón tiếp, hỏi:- Việc quân hôm nay ra sao mà thiếp thấy sắc diện đại vương có chiều ê ủ?Sở vương nói:- Lưu Bang thất phu, ngờ đâu có chí lớn. Quân ta sinh biến đã bỏ đi hết. Nay binh Hán đánh phá rất gấp, một mình ta khó mong địch lại. Nếu thoát khỏi vòng vây trở lại đất Giang Đông mới mong mưu đồ khôi phục, nhưng nghĩ đến nàng, lòng ta vô cùng chua xót.Ngu Cơ nghe nói nghẹn ngào, tức tưởi khóc:- Thiếp mong ơn đại vương luyến ái, tình sâu ghi khắc vào lòng. Nay bước cùng, đại vương muốn bỏ thiếp đi xa làm lòng thiếp như dao cắt ruột.Đoạn nàng nắm chặt lấy áo Sở vương, nước mắt lai láng. Cả hai bịn rịn không muốn lìa nhau. Sở vương khiến kẻ tả hữu bày rượu ra, uống với Ngu Cơ vài chén, đoạn cất tiếng ca, lời rất bi tráng:Lực bạc sơn hề khí cái thế,Thời bất lợi hề chuy bất thệ.Chuy bất thệ hề khả nại hà?Ngu hề, Ngu hề khả nại hà!Tạm dịch:Sức khổ núi chừ khí hơn đời.Thời bất lợi chừ ngựa chẳng đi.Ngựa chẳng đi chừ biết làm sao?Ngu ơi! Ngu ơi! biết làm sao?Ngu Cơ càng cảm động, cất giọng hòa lại:Hán binh dĩ lược địa,Tứ diện Sở ca thinh.Đại vương ý khí tận,Tiện thiếp hà biểu sinh.Tạm dịch:Binh Hán cướp lấy đất,Bốn bề tiếng Sở kêu.Đại vương ý khí hếtMạng sống thiếp phải liều.Chu Lan và Hoàn Sở vào trướng, thúc giục, yêu cầu nhà vua sớm ra đi. Trời sắp sáng. Sở vương nhìn Ngu Cơ nghẹn ngào:- Thôi, từ nay vĩnh biệt, xin nàng bảo trọng!Ngu Cơ hỏi:- Đại vương ra khỏi vòng vây, vậy còn thiếp?Sở vương say đắm nhìn Ngu Cơ, nói:- Cứ như nhan sắc của nàng, Lưu Bang trông thấy tất phải lưu dụng, liệu không đến nỗi chết, nàng có lo gì.Ngu Cơ đầm đìa nước mắt, nói:- Thiếp xin đi lẫn với ba quân, theo ra khỏi vòng vây. Nếu không ra được, xin chết trước mặt bệ hạ để âm hồn được theo bệ hạ về đất cũ.Sở vương ngậm ngùi bảo:- Dũng sĩ áo giáp dày, khí giới sắc còn khó mong đi thoát, huống chi thân kiều mị như nàng đương nửa chừng xuân, để hoa rụng thật muôn vàn đáng tiếc. Ta không nỡ.Ngu Cơ nói:- Thiếp xin mượn thanh gươm của đại vương, sẽ thay áo đi theo đại vương.Sở vương rút gươm đưa cho. Ngu Cơ cầm lấy, khóc nói rằng:- Thiếp chịu ơn đại vương rất hậu, không lấy chi báo đáp, thôi xin liều một chết báo đền.Vừa dứt lời, nàng mạnh tay đưa gươm vào cổ, kết liễu một đời tài sắc. Sở vương bưng mặt khóc.Thương cảm người liệt nữ, người ta chôn xác Ngu Cơ tử tế. Trên mả nàng mọc một thứ cỏ bốn mùa vẫn xanh tươi, tục gọi "cỏ Ngu mỹ nhân" (Ngu mỹ nhân thảo).Tăng Tử Cố, một văn sĩ đời nhà Tống làm bài "Ngu mỹ nhân thảo" có câu:
Hương hồn dạ trục kiếm quang phi,
Thanh huyết hóa vi nguyên thượng thảo.
Hoàng Khôi dịch:
Hương hồn theo ánh gươm vàng,
Huyết rơi nay hóa mấy hàng cỏ xanh.

Tri Kỷ
Đời Xuân Thu, Quản Di Ngô tự là Trọng, vốn người có tài kinh bang tế thế. ngày còn hàn vi, chưa gặp thời thường cùng bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung. Lúc chia lời, Quản Trọng thường lấy phần hơn. Người ngoài thấy thế bất bình, nhưng Bảo Thúc Nha vui vẻ nói:- Quản Trọng không phải tham mà lấy tiền ấy, chỉ vì gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ nên ta cũng bằng lòng nhường cho hắn.Quản Trọng ở chỗ thị tứ thường bị lắm kẻ nạt dọa, hà hiếp mà không một lời phản kháng. Mọi người cười cho là hèn mạt, nhu nhược, nhưng Bảo Thúc Nha cho bạn là người khoan dung.Quản Trọng thường đàm luận cùng Bảo Thúc Nha nói nhiều điều sai lầm. Bảo nói:- Đó là con người chưa gặp vận. Chớ lúc gặp thời thì trăm việc không hỏng việc nào.Lúc theo việc quân, mỗi khi ra trận thì Quản Trọng đi sau; khi thu qua6n về thì Quản Trọng đi trước. Mọi người đều chế giễu cho là nhát. Bảo Thúc Nha nói:- Quản Di Ngô nào phải nhát gan, chỉ vì người còn mẹ già nên phải giữ thân thể để phụng dưỡng mẹ.Quản Trọng ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, người người đều khinh. Nhưng Thúc Nha nói:- Di Ngô không phải là kẻ bất tiếu, vì chưa gặp thời, chưa gặp được vua hiền mà thôi.Về sau, Quản Trọng phò công tử Củ; Bảo Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch vốn anh em khác mẹ tranh ngôi nhau. Công tử Củ thất bại ở nhà nước Lỗ, bị vua nước Lỗ giết chết. Vua Lỗ lại bắt Quản Trọng và Thiệu Hốt là người phò công tử Củ nộp cho Tiểu Bạch tức Tề Hoàn công đương làm chúa nước Tề.Thiệu Hốt tự tử. Còn Quản Trọng thì chịu làm tên tù, và chịu tội với Tiểu Bạch vì trước kia đã bắn nhằm đai bụng của Tiểu Bạch. Mến tài của Quản Trọng và do Thúc Nha tiến cử, Tiểu Bạch dùng Quản Trọng làm tướng quốc.Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như Thiệu Hốt. Nhưng Thúc Nha lại bảo:- Di Ngô nhẫn nhục thờ Hoàn công không phải vô sỉ mà là người không câu chấp những tiểu tiết thường tình. Đó chính là kẻ có chí làm lợi cho cả thiên hạ.Quản Trọng nghe được lời phê phán của Bảo Thúc Nha, thường thở dài nói:- Sinh ra ta là cha mẹ nhưng hiểu biết ta ở đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi."Tri kỷ" nghĩa là biết mình. Người thật biết được mình là tri kỷ.Cổ văn có câu: "Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận", nghĩa là: "Ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì nữa".Ông Tchya (Đái Đức Tuấn), một nhà thơ hiện đại cũng có câu:Tri kỷ tìm nhau mắt đã mờ.Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc Từ Hải gặp Thúy Kiều ở thanh lâu, Kiều đề cao Từ Hải, Từ lấy làm thống khoái, có câu:
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng: "Tri kỷ trước sau mấy người".

Hấp Tinh Đạo Khí
Nàng Hạ Cơ, người nước Trịnh đời Chiến Quốc bên Tàu. Nàng, mắt phượng mày ngài, môi son má phấn nhưng tính rất lẳng lơ, dâm bạo. Ai trông thấy cũng bắt tâm thần mê mẩn. Nàng lại có một điều kỳ dị hơn cả là năm lên 15 tuổi nằm mộng thấy một chàng đẹp trai, mũ ngọc áo lông, tự xưng là thượng giới thiên tiên đến cùng nàng giao hoan, rồi dạy nàng những phép "Hấp tinh đạo khí".
Khi Hạ Cơ chưa đi lấy chồng thì cùng người thứ huynh là công tử Man tư thông nhau. Chưa được ba năm thì công tử Man ốm quặt quẹo mà thành chết yểu. Sau nàng lại lấy Hạ Ngự Thúc, sinh được một trai. Năm con lên 12 tuổi thì Thúc đau chết.Hạ Cơ rất dâm nên thường ngoại tình.Bấy giờ có tên Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ làm quan đại phu đời Trần Linh công, trước là bạn đồng liêu với Hạ Ngự Thúc, trông thấy Hạ Cơ đẹp vẫn có ý nom dòm. Hạ Cơ có một con thị nữ tên Hà Hoa vốn đứa tinh quái, biết tính ý chủ. Khổng Ninh tìm cách mật kết cùng Hà Hoa, đưa cho cành trâm nhờ dẫn mối. Do đó, hắn được cùng Hạ Cơ tư thông.Khổng Ninh mê quá đến nỗi đánh cắp cái cẩm đương (quần lót bằng gấm) của Hạ Cơ giữ làm "kỷ niệm", cho là của quý nhứt đời. Nhưng trong lúc thống khoái kiêu kỳ, hắn lại đem khoe với bạn là Nghi Hàng Phủ. Phủ cầm vật ngắm đi ngắm lại tự nhiên thấy lòng say mê cực độ nên cũng đem tiền của mật nói với Hà Hoa, nhờ tiến dẫn hộ.Phủ vốn người cao lớn, mặt mũi đầy đặn, Hạ Cơ xưa nay trông thấy đã lấy làm thích mới bảo Hà Hoa mời đến. Trong lúc giao hoan, Phủ khéo dùng cách làm cho Hạ Cơ hả dạ bằng lòng. Bởi vậy, Hạ Cơ yêu Phủ hơn Khổng Ninh. Phủ bảo Hạ Cơ:- Ngày trước quí nương có tặng cho Khổng Ninh một cái cẩm đương, nay đã có lòng yêu đến tôi cũng nên cho tôi vật gì để làm kỷ niệm.Hạ Cơ cười bảo:- Cái cẩm đương ấy là hắn lấy trộm, chớ không phải thiếp tặng cho.Đoạn, nàng ghé tai bảo nhỏ:- Dẫu nằm cùng giường với nhau nhưng cũng có kẻ hậu người bạc.Rồi để làm kỷ niệm cho Phủ, Hạ Cơ cởi cái bích la nhu (áo lót bằng lụa) tặng cho Phủ.Phủ thích quá, nhưng trong lúc cao hứng, hắn lại đem khoe với Khổng Ninh. Ninh phát ghen, muốn báo thù thằng bạn ác ôn một cách tế nhị, hắn giới thiệu Hạ Cơ với Trần Linh công để nhà vua dùng uy quyền chiếm lại cho hắn cùng vua giữ trọn của quí. Hắn tán dương sắc đẹp của Hạ Cơ. Trần Linh công nghe cũng lấy làm thèm nhưng còn hoài nghi, nói:- Ta cũng nghe đồn từ lâu, nhưng năm nay nàng đã gần 40, ta e rằng hoa đào tháng ba, còn gì là xuân nữa!Ninh thưa:- Hạ Cơ khéo giữ nhan sắc lắm, năm nay vẫn còn như gái 18.Bấy giờ lửa dục của Trần Linh công nổi lên đùng đùng, bảo Ninh tìm cách cho mình được gần Hạ Cơ xem nàng ra sao? Ninh bằng lòng làm hướng đạo.Hạ Cơ được Ninh cho biết tin liền dọn tiệc rượu đãi đằng nhà vua, đoạn sửa soạn các đồ gối thêu mền gấm, lại tắm gội sạch sẽ chờ vua ngự.Sau bữa tiệc xong, đêm đến, con thị nữ Hà Hoa cầm lồng đèn đưa vua vào phòng. Hạ Cơ đương ngồi dưới ánh đèn ngẩn ngơ chờ đợi. Trần Linh công bước vào phòng, Hà Hoa cầm đèn quày ra. Nhà vua không nói năng gì, cởi áo nằm xuống giường bên cạnh giai nhân, đưa tay sờ vào da thấy mát mẻ cả người. Trong lúc giao hoan, vua cảm thấy lạc thú chẳng khác gì khuê nữ. Trần Linh công sung sướng quá, lấy làm lạ hỏi. Hạ Cơ thưa:- Thiếp có một phép lạ, dầu sau khi sinh sản, chỉ trong 3 ngày thì đã hoàn nguyên như cũ.Trần Linh công nức nở khen:- Ta được gặp quí nương chẳng khác gì được gặp một vị thần tiên. Mà cái phép lạ ấy là phép gì, thật là tuyệt không chỗ nói. Gần quí nương, ta bây giờ cảm thấy bọn phi tần mỹ nữ trong cung như gỗ đá đất bùn. À, phép lạ ấy là gì, cho ta biết được không?Hạ Cơ mỉm cười, tỏ vẻ e thẹn đáp:- Đó là phép "hấp tinh đạo khí".Sức khỏe của Trần Linh công đã không bằng Khổng Ninh và Nghi Hàng Phủ, lại có bịnh hôi nách, nhưng vì là một ông vua của một nước nên Hạ Cơ cũng ham thế lợi mà không quản ngại. Nàng lại cởi áo lót mình mà tặng cho nhà vua. Nhà vua rất mừng cho là được của quí, lại đem ra khoe với hai quan đại phu là Ninh và Phủ.Ninh và Phủ bấy giờ cũng cao hứng, đem hai vật của Hạ Cơ ra khoe. Cả ba chúa tôi cầm ba vật của giai nhân ngắm tới ngắm lui lấy làm thích thú, cảm thấy say sưa như khi nằm bên người ngọc. Nhà vua bật cười nói:- Ba ta người nào cũng đều có một vật báu đem tùy thân để làm tang chứng. Vậy từ đây, khi đến đó, chúng ta có thể cùng quần với nhau trong phòng trên một giường được.

Cỏ Đỏ Trên Mộ Chiêu Quân
Tỉnh Tuy Viễn ở Trung Hoa, bắc giáp Mông Cổ. Thị trấn tỉnh hội là Quy Tuy. Cách 10 cây số về phía nam có mộ của Vương Chiêu Quân, người cung phi tuyệt đẹp của Hán Nguyên đế, được tiếng là "trầm ngư"(*), một trong "tứ đại mỹ nhân" ở cổ Trung Hoa.Nơi đây có 3 tòa cổ miếu xây bằng đá và 4 tấm bia xoay mặt về hướng nam. Đó là mộ của nàng Chiêu Quân ở giữa; hai bên là mộ của 2 nữ tỳ đã cùng thác với nàng. Trên bia đá có khắc tên tuổi của ba người.Mộ của Chiêu Quân đặt ở dưới ngôi miếu giữa. Trên mộ bia có khắc mấy dòng chữ đã mờ vì thời gian "Vương Chiêu Quân chi mộ". Trên một tấm bia chót to hơn, có ghi qua sự tích của nàng kỳ nữ Chiêu Quân.Đây là cuộc đời của Chiêu Quân, vì lịnh vua, vì để làm một công việc hòa bình cho đất nước trong lúc vận nước suy đồi nên đem tấm thân liễu yếu đào tơ, vượt qua hai cửa ải Nhạn Môn và Đắc Thắng để sang cống Hồ.Chiêu Quân tên là Vương Tường quê ở Tùy Quy là một cung phi của vua Nguyên đế đời nhà Hán (48-53 trước D.L.). Lúc bấy giờ vua Hán có đến ba ngàn mỹ nữ cung phi nên không thế nào biết mặt cả thảy được. Vua truyền tên thị vệ Mao Diên Thọ bảo họa sĩ vẽ hình tất cả những cung phi để vua ngắm và chọn làm hậu cung khi cần thiết.Mao Diên Thọ được dịp "nước đục thả câu", ăn hối lộ của cung nhân. Hễ ai đút tiền thì truyền thần mặt xinh tươi, đẹp đẽ để dâng lên nhà vua. Cung nhân cũng nhờ đó mà hưởng được chút ơn mưa móc của quân vương, cho cuộc đời tài sắc của mình đỡ tẻ lạnh. Chiêu Quân đẹp hơn các cung phi khác nên không chịu đút lót tiền, lại còn xỉ vả nặng lời Diên Thọ. Do đó, khi cầm lấy bức ảnh Chiêu Quân, hắn lấy viết chấm dưới mắt ảnh nàng một chấm làm thành nốt ruồi. Rồi khi dâng tranh lên nhà vua, hắn lại xàm tấu cho rằng Chiêu Quân tuy đẹp nhưng vì có nốt ruồi mà sách tướng gọi là "thương phu trích lệ", đó là ruồi sát phu. Nhà vua nghe lời nên không đoái hoài đến nàng.Rợ Hung Nô bấy giờ đánh thắng nhà Hán. Chúa Hung Nô buộc Hán Nguyên dến phải cống phẩm vật và một cung phi tuyệt sắc mới chịu bãi binh. Trong tình thế nguy của nước nhà, Nguyên đế phải đồng ý.Vừa sợ việc làm bị bại lộ, vừa ghét Chiêu Quân nên Mao Diên Thọ mưu với bọn gian thần đem Chiêu Quân đi cống. Nguyên đế trước đã xem hình của Chiêu Quân nên bằng lòng đem nàng đi cống Hồ. Nhưng đến lúc Chiêu Quân vào triều bái để lên đường sang Phiên thì nhà vua mới trông thấy rõ mặt thật là một tuyệt thế giai nhân. Vua tức giận lắm, điều tra mới rõ mưu mô gian xảo của Diên Thọ, định đem trị tội. Thọ hay được trốn sang đầu hàng Hung Nô. Bây giờ sự thực đã rồi, không thể thay người khác được. Vì sứ giả đã nhận được mặt của Chiêu Quân.Thế là Chiêu Quân từ biệt xứ sở cố hương, tới ải biên thùy Nhạn Môn. Nỗi thương nhớ nước nhà, nỗi giận kẻ gian thần, xót xa phận bồ liễu, nàng xuống kiệu song loan hướng về quê hương cố quốc, gảy một bản đàn biệt ly. Giọng đàn bi ai thảm thiết, những kẻ theo đưa tiễn đều não lòng rỏ lệ. Cây cỏ bên đường cũng héo xào gục xuống mặt đất như để xớt thảm chia sầu...Chiêu quân chẳng những có sắc mà còn có tài đàn hay thơ giỏi. Nhìn một con chim lẻ cánh bạt gió về chiều, nàng xót xa cảm cho thân thế, cất tiếng ngâm:Cánh én cô đơn đượm tủi sầu,Ngang trời gió cuốn bạt về đâu?Quan san ngàn dặm vương thương nhớ,Hồ Hán từ đây cách biệt nhau.Và:Mây trắng trời trong gió ngạt ngào,Hồn hoa mờ mịt dưới trăng sao,Đêm đêm thổn thức, đêm đêm mộng,Có phải trời xanh cợt má đào.Và, khi mùa thu đến, nhìn mây thu, trời thu, sắc thu nhuộm úa lá vàng, dưới bầu trời ảm đạm lá vàng rơi lả tả, bài "Thu phong oán" của nàng còn truyền tụng do một tình cảm sâu đậm của một kỳ nữ vì nước ly hương:Thu mộc lê thê,Kỳ diệp nuy hoàng.Hữu điểu xử sơn,Tập ư bào tang.Dưỡng dục mao vũ.Hình dung sinh quang.Ký đắc thanh vân,Thượng du khúc phường.Ly cung tuyệt khoáng.Thân thế tồi tàn.Chí niệm ức chẩm,Bất đắc hiệt ngoan.Tuy đắc ẩm thực,Tâm hữu hồi hoàng.Y hà ngã độc,Vãng lai biến thường!Phiên phiên chi yến,Viễn tập Tây Khương,Cao sơn nga nga.Hà thủy ương ươngPhụ hề mẫu hề.Đạo lý du trường.Ô hô ai taiƯu tâm trắc thương!Thái Bạch dịch:Cành thu hiu hắt lá thu vàng,Trên đỉnh non cao, đó rõ ràng.Có một chim kìa hay đáo để,Ở ăn tự lúc mớ ra dàng.Ra dàng đã đủ cánh lông bay,Thấy rõ hình dung quý giá thay.Trên nóc lầu cao đá đổ xuống.Chín từng mây thẳm đã tung bay.Tung bay, nhưng khốn biết sao rầy;Sự thế than ôi, nỗi nước này!Nỗi nọ dường kia khôn tả xiết;Gan sầu ruột héo, ngỏ ai hay!Ai hay cho khúc đoạn trường này,Cho nỗi quan hoài ở chốn đây!Uống uống ăn ăn khôn đắp lại,Những hờn những oán, những sầu cay!Sầu cay riêng nghĩ xiết bàng hoàng,Biết đến bao giờ hận mới tan.Én nọ tung bay xập xòe cánh,Đường xa mấy mấy dặm quan san.Quan san thăm thẳm nỗi lòng đau,Biển rộng non cao chất tủi sầu.Vòi vọi đường xa muôn dặm cách,Mưa nắng sân Lai, xót dãi dầu!Dãi dầu ai hỡi thấu cho chăng?Lấp đặng cho ai những bất bằng.Những nhớ những thương tầy núi biển,Tình thu chan chứa hận sầu vương!Khi đến Lạc Nhạn đài bên sông Hắc Thủy, Chiêu Quân bắt được chim nhạn, liền viết thư buộc vào chân nhạn, rồi thả cho bay đi, mong nó mang tin về quê hương. Nhìn chiếc nhạn bay, nhìn dòng sông Hắc Thủy, nàng xót xa đau đớn, ngao ngán thở dài:Thủy hà sóng lạnh gió đìu hiu,Cánh nhạn lê thê giải nắng chiều.Thấp thoáng mây về nơi lữ thứ,Mơ màng một giấc mộng cô liêu.Ngâm thơ xong, nàng lao mình xuống sông Hắc Thủy. Cái chết trinh liệt của nàng khiến cho mọi người, kể cả chúa Hung Nô cũng ngậm ngùi thương tiếc, cảm phục người kỳ nữ nhà Hán. Nhứt là chúa Hung Nô tưởng là hoa nọ về tay, người mang tiếng là chúa của một nước rợ oai hùng sẽ được cùng người ngọc Trung Nguyên âu yếm, tận hưởng tất cả những khoái cảm của cuộc đời người, không ngờ mối hy vọng nay đã hoàn toàn tan vỡ.Văn thơ đời Hán và đời sau có nhiều bài nói về cuộc đời và ca tụng đức tính hy sinh cao khiết của Chiêu Quân. Đến đời nhà Tấn (265-419), Tấn chúa Tư Mã Chiêu đổi tên Chiêu Quân là Minh Phi. Thạch Sùng sáng tác khúc ca gọi là Vương Minh Quân. Có khúc cổ nhạc phủ được phổ biến ở Trung Hoa xưa gọi là khúc "Chiêu Quân oán", "Chiêu Quân cống Hồ".Tương truyền cỏ ở chung quanh đất nầy đều màu trắng, chỉ riêng cỏ mọc trên mộ Chiêu Quân màu đỏ, là giống màu cỏ ở Trung Nguyên mà thôi. Phải chăng đó là hồn thiêng của đất nước của người kỳ nữ đã hun đúc tạo thành một vật lạ lùng để tiếng muôn đời.Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả khúc Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe buổi sơ ngộ có câu:
Quá quan này khúc Chiêu Quân,Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia.
Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng có câu:
Chiêu Quân xưa cũng cống Hồ,Bởi người Diên Thọ họa đồ gây nên.
*: theo tư liệu khác, tứ đại mỹ nhân được mô tả theo 4 vẻ đẹp:Tây Thi "trầm ngư", Điêu Thuyền "nguyệt thẹn", Chiêu Quân "lạc nhạn" (vì chim nhạn thấy nàng đi cống Hồ, mải nhìn mà đâm vào đá(!?)), Dương quý phi(Dương Ngọc Hoàn) "hoa nhường". Mỗi vẻ đẹp đều có tích riêng. Tôi ghi thêm vào đây chứ phần này không có trong tác phẩm.

Bạo Chúa Xem Quỳnh Hoa
Đời nhà Tùy (587-617), ở Dương Châu thuộc huyện Giang Ninh, một phồn hoa đô hội nước Tàu, có ngôi chùa tên Dương Ly. Một đêm giữa lúc canh ba, ngoài chùa bỗng có ánh sáng lòe như lửa dậy. Trên không lại có tiếng nổ vang, rồi có một vật gì sa xuống như sao rơi, mùi thơm xông nên nực mũi.
Người trong nhà mở cửa đổ ra xem.Gần bên giếng của chùa bỗng mọc lên một cây hoa lạ. Cây cao một trượng, trên ngọn có một đóa hoa ngũ sắc cực kỳ tươi đẹp. Trên hoa chia làm 18 cánh lớn, dưới có 24 cánh nhỏ. Người ta gọi là Quỳnh Hoa.Lúc bấy giờ có người tên Vương Thế Sung ở thành Lạc Dương, nguyên trước can án giết người nên chạy trốn đến chùa trú ngụ. Vương vốn biết vẽ, thấy thế mới lấy bút mực ra vẽ đóa hoa ấy.Vua nhà Tùy là Dương đế, nhân một đêm nằm mộng thấy hoa, nay được tin có hoa lạ trổ tại Dương Châu mới yết bảng nếu ai vẽ được đóa hoa ấy, đem dâng cho nhà vua thì sẽ được trọng thưởng. Vương Thế Sung mang bức tranh ấy đến dâng, được nhà vua tha tội giết người lại được phong chức Quỳnh Hoa thái thú.Chùa Dương Ly đổi thành chùa Quỳnh Hoa.Vì hoa trong tranh còn đẹp lộng lẫy, cố nhiên hoa thực còn đẹp gấp ngàn lần. Gợi lòng tò mò ham thích nên nhà vua định ngự giá ra Dương Châu xem hoa.Vốn đường đất từ Lạc Dương (kinh đô nhà Tùy) đến Dương Châu ở Giang Nam rất xa xôi, khó đi. Nhà vua cho đi xe giá nhọc nhằn nên truyền cho người đốc uất dân chúng lao dịch khai kinh bắc cầu từ Long Trì thẳng qua ải Trường Bình, thông với sông Huỳnh Hà cho đến Dương Châu để ngự thuyền rồng cho tiện. Đồng thời lại truyền cho người xây cất cung điện nơi ấy để nghỉ ngơi.Việc lực dịch quá gian lao, bọn quan lại tham tàn thừa nước đục thả câu càng bóc lột nhũng nhiễu dân chúng. Nhân dân cực khổ chết chóc, tiếng thán oán kêu khóc ngập trời. Vì dục vọng xem hoa mà làm khổ trăm họ. Nhưng nhà vua không nghĩ đến, lại ra lịnh cấp tốc hoàn thành công việc đào kinh trong vòng một tháng. Chậm trễ hoa sẽ tàn mất. Đàn ông cung cấp không đủ thì đàn bà cũng bị bắt đi làm. Sử chép: đào con kinh ấy lao dịch có đến một triệu dân phu. Cung phi, mỹ nữ, ngự binh, cước điện (người kéo thuyền) có đến 80 ngàn người. Dân chúng trong vòng 500 dặm dọc theo kinh phải mang thức ăn cung phụng cho đoàn du hành quý phái ấy.Nhưng khi thuyền rồng ngự đến Dương Châu và chuẩn bị ngày mai Tùy đế xe giá đến xem thì khuya hôm ấy, mưa gió đầy trời, hoa thần rụng mất.Vì đây là thần hoa, hiện ra không phải để cho bạo chúa xem mà là để cho nhân dân và chơn chúa xem; đồng thời để chỉ rõ sự diệt vong của nhà Tùy. Mười tám cánh trên của hoa biểu hiệu 18 vị phản vương, 24 cánh nhỏ dưới biểu hiệu 24 trấn khởi loạn chống lại Tùy đế. Và, cơ nghiệp nhà Tùy sẽ chuyển sang nhà Đường do con của vị đại thần Lý Uyên là Lý Thế Dân khai sáng, đánh bại 18 phản vương và dẹp yên 24 trấn, thống nhứt lãnh thổ. Đó là một chơn chúa.Vì vậy, trong khi lãnh sứ mạng bảo giá Tùy đế ra Dương Châu, Lý Thế Dân đến chùa trông nom lính dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày mai Tùy đế đến xem, Thế Dân thừa dịp đến xem hoa trước. Quỳnh hoa nhún lên xuống ba lần như đón chào. Rồi ngay đêm hôm ấy, sau một cơn mưa to, hoa tàn rụng. Mộng xem hoa của tên bạo chúa tan vỡ. Dục vọng ngông cuồng của nhà vua đã làm cho hàng vạn sinh linh điêu đứng, chết chóc, lầm than!

Đàn Ông Làm Hoàng Hậu Trai Đẹp Làm Cung Nga
Vua Lý Thái Tông (627-649) là Lý Thế Dân đời nhà Đường, năm Đinh Dậu chỉ truyền kén chọn gái xinh. Có quan thứ sử đất Kinh Châu kén được một nàng tên Võ Mị Nương nên trang quốc sắc, đáng giá khuynh thành. Nghĩ rằng: "Nếu để tên Mị Nương, sau vào cung thì khó xưng làm nương nương", bèn cải tên nàng lại là Võ Minh Không đem dâng lên cho nhà vua.Thái Tông trông thấy cả đẹp, phong làm Tài Nhơn, nên gọi là Võ Tài Nhơn.Võ Tài Nhơn vốn là một tuyệt thế giai nhân, lại hay chữ nhưng rất đa dâm. Vua Thái Tông bấy giờ đã già, không đủ sức bù đắp lại được lòng xuân phơi phới đương chuyển động mạnh trong các sớ thịt đường gân của con người nàng. Nhân Thái Tông phải bịnh, nằm tại cung của Võ Tài Nhơn, đông cung thái tử là Lý Trị vào thăm. Thấy Võ Tài Nhơn thật một trang quốc sắt thì bắt động lòng nên thỉnh thoảng liếc mắt đưa tình.Lạ gì gái đẹp thường tình, thái tử người đương trẻ tuổi, thật xứng đôi vừa lứa, đồng sức, đồng tài nên Tài Nhơn cũng đưa mắt tống tình đáp lại. Thái tử Lý Trị hớn hở, lòng nở đầy hoa nhưng không có dịp tỏ nỗi lòng, liền giả đi tiểu tiện.Võ Tài Nhơn liền lấy bồn vàng đựng nước, quỳ xuống dâng lên cho thái tử rửa tay. Nhân dịp Lý Trị liền rảy nước trên mặt Tài Nhơn, cất tiếng ngâm nhỏ hai câu:Mơ tưởng Vu Sơn biết mấy lần,Dương đài cách trở khó toan gần.Tài Nhơn hiểu ý thái tử nên mỉm cười ngâm tiếp:Tuy chưa vầy cuộc phong vân hội,Song đã được nhờ võ lộ ân.Lý Trị mừng rỡ nghĩ:- Nàng này quả thật tài sắc gồm đủ, rất đẹp lòng ta.Đoạn, bạo dạn đưa tay đỡ Tài Nhơn dậy rồi cùng dắt nhau đến chỗ vắng vẻ tư tình. Nàng bỗng rơi lệ, nói:- Từ ngày thiếp chầu hoàng thượng vẫn được yêu vì, nay may mắn được điện hạ tỏ lòng thương hương mến ngọc, nhưng biết về sau, khi điện hạ lên ngôi rồi có còn đoái tưởng đến tấm thân bồ liễu này chăng?Lý Trị nói:- Ngày sau ta lên ngôi sẽ phong nàng làm chánh hậu.Võ Tài Nhơn mừng rỡ nói:- Xin điện hạ hãy cho thiếp một vật để làm tin.Lý Trị liền cởi chiếc nhẫn co chạm chín con rồng trao cho Tài Nhơn.Lúc bấy giờ có quan Tư thiên giám xem thiên văn, tiên đoán nhà Đường sau bị nữ chúa họ Võ chuyên quyền nên yêu cầu nhà vua phải trừ trước để dứt hậu hoạn. Vua không tin, nhưng chiều ý quan Tư thiên giám nên cho Võ Tài Nhơn ra ở chùa Hưng Long mà tu hành, suốt đời không được cải giá.Lý Trị thương nhớ Tài Nhơn, lén cho người đến chùa dặn nàng đừng xuống tóc, chờ ngày triệu vào cung.Tài Nhơn vốn hiếu dâm, ăn quen nhịn không quen. Cảnh chùa lại thanh vắng. Ngày ngày chẳng làm gì khiến lòng xuân càng bồng bột. Nàng mưu cùng mụ vãi già làm mối để được tư thông cùng lão thày sãi ở chùa Bạch Mã cho cuộc đời đỡ lạnh, đỡ khát, đỡ thèm.Chẳng bao lâu vua Thái Tông phát bịnh thăng hà, Lý Trị lên ngôi xưng hiệu Cao Tông, truyền đem xe giá lên chùa rước Võ Tài Nhơn về, phong làm Chiêu Nghi, cải tên là Võ Tắc Thiên. Rồi nàng được phong làm hoàng hậu.Cao Tông ở ngôi được 34 năm, vì té bị trọng thương mà chết. Võ Tắc Thiên dùng mưu lập kế phế con. Cuối cùng lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Tắc Thiên hoàng đế, đổi quốc hiệu là Đại Chu.Làm vua tất phải có hoàng hậu, Võ Tắc Thiên liền lập hai người đàn ông là Trương Xương, tôn làm chánh hậu, Trương Diệc Chi làm thứ hậu. Đây là hai người chồng trẻ đẹp lực lưỡng của nhà vua. Lại truyền chỉ kén chọn con trai xinh đẹp làm cung nga, còn cung phi mỹ nữ trước kia nay trở thành vô dụng nên đều được cho về xứ sở.

Giang Thần Trảo Trảo
Năm Nhâm thân (1572), nhà Mạc sai tướng là quận công Lập Bạo đem quân đánh Thuận Quảng là đất chúa Nguyễn ở miền Nam. Lập Bạo huy động cả thảy lục quân tiến vào. Thủy quân gồm có 60 chiến thuyền do cửa Việt đổ vào sông; lục quân độ 1000 người khởi hành từ Khang Lộc (giữa Quảng Bình) theo con đường Hồ Xá (con đường đại lộ số 1 bây giờ) tiến đến chùa Thanh Tướng thuôc. làng La Nguyễn hạ trại. Chỉ còn cách xã Ái Tử, nơi Nguyễn Hoàng đóng binh chừng vài chục dặm.Quân của Lập Bạo đi đến đâu là tàn phá nhà cửa ruộng vườn xơ xác đến đấy. Tài sản bị cướp đoạt, già trẻ trai gái bị giết chóc rất bi thảm. Thế lực của chúa Nguyễn bấy giờ còn yếu. Trước lực lượng quá hung bạo của địch, Nguyễn Hoàng rất lấy làm lo, chưa tìm được cách gì để phá địch.Tương truyền, một đêm, Nguyễn Hoàng đương ngủ, chợt nghe như có tiếng kêu "trảo trảo" ở trên sông. Giựt mình thức dậy, chúa khấn rằng:- Nếu giang thần có quyền lực vô biên xin hãy giúp tôi kháng giặc.Ngay đêm đó, trong giấc mơ, chúa Nguyễn thấy một thiếu nữ mặc áo xanh hiện đến, bảo rằng:- Nếu tướng công muốn giết giặc phải dùng kế mỹ nhân để dụ nó đến đồi Cát, kẻ tiện tỳ này xin giúp sức.Đoạn nàng từ giã biến mất.Nguyễn Hoàng tỉnh dậy, nhớ lời dặn, chọn người đẹp thân tín để thực hành kế hoạch. Lúc bấy giờ ở làng Thế Lại, huyện Hương Trà có nàng thanh nữ diễm lệ tên Ngọc Lâm được Nguyễn Hoàng chọn giao cho công tác ấy. Vì muốn chống giặc, Ngọc Lâm đành phải hy sinh. Chúa Nguyễn liền đưa Ngọc Lâm cùng vàng bạc gấm lụa sang dinh Mạc xin cầu hòa, hẹn uống máu ăn thề, kết nghĩa đồng minh với nhau.Lập Bạo vốn người hiếu sắc, nghe giọng oanh thỏ thẻ của Ngọc Lâm rót vào tai nên rất tin lời Nguyễn Hoàng là thật. Hơn nữa, Bạo biết giữa Nguyễn và Trịnh vốn có mối thù bất cộng đái thiên, cho rằng Nguyễn muốn kết đồng minh với Mạc để đánh Trịnh nên Bạo mừng rỡ nhận lời chúa Nguyễn và đến ngay chỗ hẹn.Nhờ Ngọc Lâm báo trước nên chúa Nguyễn cho người thiết lập một cái gò ngay bên bờ sông, chờ nghe thấy tiếng nước để làm nơi tế lễ và ăn thề.Lập Bạo cùng đi với nàng Ngọc Lâm trên một chiếc thuyền nhỏ, bên cạnh có vài chiếc khác hộ vệ. Tuy vậy, Bạo vẫn còn ngờ, liếc mắt xem chừng đối phương có động tịnh gì không. Nhưng chỉ thấy Nguyễn Hoàng cùng vài người tùy tùng không võ khí, đứng trên bờ đưa tay vẫy. Bạo yên lòng, dưới thuyền bước lên tiến thẳng đến chỗ của đàn lễ. Nhưng vừa đến nơi thì thốt nhiên, quân Nguyễn đã núp sẵn dưới hố, đồng loạt nhảy lên xông vào bắt. Lập Bạo và bọn tùy tùng khiếp đảm vội chạy xuống thuyền.Nhưng thuyền đã xa bờ quá rồi, Bạo vội vàng nhảy xuống sông. Chưa kịp lặn trốn thì đã bị quân Nguyễn đổ đến, rồi cả hàng chục cây giáo đâm bổ xuống. Máu tuôn đỏ trên mặt sông. Xác Bạo chìm luôn dưới đáy nước. Không để mất cơ hội, Nguyễn huy động quân lính tiến đến chùa Thanh Tướng tiêu diệt cả toán quân Mạc đóng ở đấy.Những quân còn sống sót vội đổ xuống thuyền, tìm đường tẩu thoát. Bấy giờ vào tháng 10, gió bấc thổi mạnh. Thuyền bè không thể nào ra khơi cửa Việt khi có gió bấc nên chiến thuyền của Mạc vỡ lung tung. Những kẻ thoát chết đuối đều về hàng Nguyễn cả.Quân Nguyễn đại thắng. Chúa Nguyễn trọng thưởng Ngọc Lâm và chọn hàng quan lại, gả Ngọc Lâm cho một kẻ xứng đôi vừa lứa với nàng. Lại truyền lập đền thờ vị giang thần đã báo mộng giúp mình bên khúc sông đó gọi là miếu "Giang thần Trảo Trảo".

Nợ Như Chúa Chổm
Nước Việt, năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua. Vua Lê Chiêu Tông bị họ Mạc bắt nhốt định giết chết.Trong ngục lạnh tại Đông Hà, nhà vua nhờ người đàn bà bán cơm hàng ngày được phép mang cơm đến cho ăn. Dù mỗi ngày một gầy gò héo hắt vì bị giam cầm nhưng nhà vua cũng cảm thấy lòng mình đỡ u buồn tẻ lạnh bên cạnh một người đàn bà có một ít sắc đẹp nẩy nở về chiều, ngoan ngoãn chăm nom, săn sóc. Rồi cả hai lại nồng nhiệt yêu nhau.Một hôm, nàng cho nhà vua biết là nàng đã có thai, đồng thời lại báo tin là họ Mạc định bức tử nhà vua. Vua vẫn bình thản trao cho nàng một ngọc ấn mà từ lâu đã giấu kín trong đai áo, đoạn buồn bã dặn:- Nếu đứa con của chúng ta sau này là trai thì đây là một chứng vật, không ai chối cãi được nó là dòng dõi đế vương. Còn nếu nó là gái thì nàng hãy liệng ngọc ấn giữa dòng, đừng để cho một kẻ nào lợi dụng!Chiêu Tông bị giết chết. Người đàn bà bán cơm may mắn sinh được một trai đặt tên là Duy Ninh. Sợ tung tích bại lộ, nàng bỏ nghề cũ, đem Duy Ninh trốn về thôn quê, kiếm củi đổi gạo nuôi thân.Ninh lớn lên, vẻ người tuấn tú khác thường. Ai cũng tấm tắc khen. Nhưng Ninh mắc phải cái tật ăn chơi ngông nghênh, nợ nần nhiều, mẹ con thiếu thốn vất vả. Có lắm khi phải nhịn đói, uống nước lã cầm hơi. Tương truyền người nào được Ninh mua mở hàng cho thì bán rất đắt. Người bán hàng gặp Ninh thì đổ nhau mời bảo mua cho kỳ được. Ninh bảo không tiền và hẹn chừng nào Ninh làm ăn khá giả sẽ trả. Họ rất đồng ý. Do đó, Ninh thiếu nợ càng nhiều.Khi Mạc cướp ngôi nhà Lê, các bề tôi nhà Lê kẻ chạy theo tân triều, kẻ tuẩn tiết, kẻ nổi lên chống Mạc. Trong số những bực trung thần có ông Nguyễn Kim trốn sang Sầm Châu, nơi biên giới Việt Lào, nhờ quốc vương Lào giúp đỡ để gây thanh thế chống Mạc.Muốn nắm được chính nghĩa, Nguyễn Kim quyết định phải tìm cho được một người dòng dõi nhà Lê. Nhưng đã lâu ngày, vì sự đàn áp thẳng tay của họ Mạc, dòng Lê đâu mất cả, Kim không tìm thấy một ai.Năm Quí tị (1532), thế lực của Nguyễn Kim khá mạnh, mà dòng Lê vẫn chưa tìm được, ông rất nóng lòng khôi phục cơ đồ, mới nhờ một bốc sư suy đoán việc tiền trình. Bốc sư trịnh trọng tuyên bố:- Dòng Lê nào đã hết đâu! Hiện nay Chiêu Tông vẫn còn một hoàng tử cuối cùng và vẫn sống lang thang khắp xứ. Nếu có ý muốn tìm, thật chẳng khó. Cứ thấy một thanh niên có tiếng tốt, đầu đội mũ sắt, mình ngồi kiệu cối xay thì hẳn là đúng đó. Người ấy sẽ đem nhà Lê và non sông trở về với phong thái cũ.Nguyễn Kim mừng lắm, hạ lịnh cho nha lại đi tìm.Bấy giờ Nguyễn Kim đóng binh ở biên giới Việt Lào để chống với Mạc Đăng Dung, cũng là lúc Duy Ninh đương lang bạt ở đấy. Một hôm, Ninh vừa trong một quán rượu đi ra bỗng gặp một trận mưa rào đổ xuống. Ninh không dù không nón, nhân tìm thấy một cái chảo bỏ không, liền chụp ngay đội lên đầu che mưa. Tiếng náo động của trận mưa làm con chó đương ngủ bên đường thức dậy. Nó lại thấy Ninh lạ kỳ quá nên sủa vang lên và đuổi theo cắn. Ninh đâm hoảng, chạy bổ vào nhà người, nhảy ngay lên một cái cối xay lúa ở hàng ba mà tránh.Quân sĩ của Nguyễn Kim vừa từ trên đường đi tập trận về, xa xa trông thấy dáng Ninh thì la lớn:- Vị hoàng tử mà tướng công ta tìm kiếm, chắc là người đội chảo sắt và ngồi kiệu cối xay kia!Duy Ninh nghe được, tưởng là quân Mạc đuổi bắt mình nên hoảng hốt, ù té chạy. Từ đấy, mẹ con Ninh thấp thỏm lo âu, đem nhau sang đất Lào, tạm sống bằng nghề thợ nhuộm Tuy cuộc sống không sung túc gì, nhưng ở đây xa lạ, không ai biết được tông tích nên mẹ con Ninh tự thấy đỡ khổ đôi phần.Một hôm, nhân bại trận, Nguyễn Kim rút binh sang Lào. Ông rất ngạc nhiên khi đi ngang qua một căn nhà nhỏ, vách đất cột tre, trước cửa có dán một câu đối bằng chữ Hán:Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,Triều đình chu tử tận ngô môn (*)Đọc sơ qua, ý nghĩ tuy biểu lộ được chủ nhân làm nghề thợ nhuộm, nhưng suy ngẫm kỹ thì bên trong còn hàm súc một khí phách phi thường làm cho Nguyễn Kim chú ý. Ông liền ghé vào nhà ân cần gạn hỏi và nói thật nguyện vọng của mình.Quả thật Nguyễn Kim không lầm. Người mà ông mơ ước từ lâu bỗng nhiên xuất hiện. Mẹ con Duy Ninh kể lại đoạn đời đau khổ vừa qua và trao ngọc ấn làm tin.Nguyễn Kim rước Duy Ninh về Thanh Hóa, cử đại binh đánh Mạc. Duy Ninh được suy tôn đế vị, tức là Lê Trang Tông.Tương truyền lúc Duy Ninh được Nguyễn Kim xe giá rước về Thanh Hóa, khi ngang qua làng cũ, chỗ mẹ con Duy Ninh lánh nạn, một số người bán chịu cho Ninh ngày xưa đổ lại đòi tiền. Họ không biết Duy Ninh làm ông gì nhưng thấy được đi xe giá, quân lính hộ vệ thì chắc là Ninh đã thành đạt, nên họ nhắc lại lời hứa của Ninh. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng thừa nước đục thả câu, cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Người người tấp nập đầy đường.Nhà vua không biết ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ."Nợ như chúa Chổm" trở thành một thành ngữ chỉ những người thiếu nợ quá nhiều.*:
Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ
Đỏ tía triều đình tự cửa ta

Tục Uống Máu Ăn Thề
Núi Đồng Cổ ở xã Đan Mô, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Núi này còn gọi là núi Khả Phong. Sách "Việt điện U Linh" có chép:
Đời nhà Lý (1010-1225), vua Lý Thái Tông tên Phật Mã lúc còn làm thái tử (1020), Lý Thái Tổ là Lý Công Uẩn sai đem quân đánh Chiêm Thành. Quân đi đến Trường Châu, trời đổ tối, thái tử dừng quân nghỉ tại đó. Đêm khuya thái tử nằm mộng thấy một người lạ mặt vận nhung phục, cầm binh khí bước đến gần cúi đầu tâu rằng:- Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin điện hạ đi bình Chiên nên xin ám trợ.Khi thái tử đánh được Chiêm Thành, trở về đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ, rồi khấn xin rước về Thăng Long để giúp nước yên dân. Về đến kinh đô, xem khắp trong thành không có chỗ nào vừa ý nên đặt lễ khấn thần. Vị thần Đồng Cổ liền báo mộng xin cho lập đền ở sau chùa Thánh Thọ tại phía hữu kinh thành, tức thôn Đông, xã Yên Thái bây giờ (bây giờ là làng Đông Xã). Vua y lời thần mộng, lập đền thờ ở đấy.Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, thái tử sắp lên kế vị thì đêm ấy, thần Đồng Cổ báo mộng cho nhà vua biết có ba vị hoàng tử: Vũ Đức vương, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương sắp khởi loạn nên kíp đề phòng.Sáng hôm sau, quả nhiên ba vị hoàng tử đem quân vây hãm kinh thành để tranh ngôi vua. May có danh tướng Lê Phụng Hiểu giúp vua dẹp ngay được cuộc khởi loạn. Nhớ ơn thần nhân mách bảo, vua Lý Thái Tông phong cho thần làm Thiên Hạ Minh Chủ, lại gia phong chức Đại Vương.Trong số ba hoàng tử, một người là Vũ Đức vương bị Lê Phụng Hiểu chém chết tại trận, còn hai người trốn chạy; sau về xin chịu tội. Nhà vua nghĩ tình cốt nhục tha tội và cho hồi phục chức tước cũ.Sau đó, vào ngày 23 tháng 3 năm 1028, nhà vua ban chiếu lập đàn treo cờ tại đền Đồng Cổ, bắt các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời thề rằng: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh làm tội". Đoạn mỗi người từ cửa đông đi vào, qua thần vị, uống tiết sống ăn thề.Từ đó hàng năm thành lệ. Ai trốn không thề sẽ bị phạt 50 trượng.Sách "Hà Nội địa dư" còn chép thêm rằng: đời nhà Trần cũng bắt chước lối thề của nhà Lý. Ngày hôm đó, nhà vua ngự tại điện Đại Minh, các quan phải đem cả giai nhân tới đền mà thề rằng: "Làm tôi phải hết lòng trung, làm quan phải thanh bạch; ai trái lời thề, thần minh giết chết". Đến triều Hậu Lê cũng vẫn theo lệ này, nhưng chọn ngày "mậu" tháng giêng mỗi năm làm lễ tuyên thệ ở bến sông. Còn tại đền Đồng Cổ thì vua sai quan đến tế lễ.Nước ta có tục uống máu ăn thề là vậy.

Thiến Gà Thiến Heo
Hoa Đà tự Nguyên Hóa, người ở Tiêu Quận, đất Bái đời Tam Quốc (220-264) có tài chữa bịnh linh diệu trên đời. Ai mắc bịnh cần đến thì, hoặc cho thuốc, hoặc mổ chích, hoặc châm cứu, động tay vào là khỏi ngay.Ai đau lục phủ ngũ tạng khó chữa, ông cho uống một thang ma phế làm người bịnh mê man như chết, rồi dùng dao nhọn bén mổ bụng ra, lấy thuốc tẩy rửa tạng phủ, người bịnh chẳng đau đớn gì cả. Tẩy rửa xong, lấy kim chỉ khâu lại và rịt thuốc vào, sau một tháng hoặc vài mươi ngày là người bịnh bình phục. Chữa bịnh gì cũng tài tình như thế. Thật xứng danh là một thần y, được xem ngang hàng với Biển Thước đời Chiến Quốc.Tào Tháo, chúa nước Ngụy, đau đầu óc như búa bổ, không sao chịu nổi, vội truyền chỉ thị khắp nơi tìm thầy thuốc giỏi về chữa. Nhưng chữa mãi không thuyên giảm chút nào, Tháo đau đớn dữ dội. Bấy giờ có người giới thiệu Hoa Đà. Tháo cho mời đến. Chẩn mạch xong, Hoa Đà nói:- Đại vương đau đầu là vì nhiễm phải gió độc. Gốc bịnh ở trong màng óc nên rải gió không thoát ra được, dùng thuốc cũng uổng mà thôi. Tôi có phép này chữa được, trước hết đại vương uống thang ma phế cho mê đi, rồi tôi dùng búa sắt bổ tách xương sọ, rạch vào màng óc lấy cái rải gió ra, thế mới trừ tuyệt nọc được.Tháo nghe qua, giựt mình trố mắt rồi bỗng đùng đùng nổi giận quát:- Ngươi muốn giết ta phải không?Hoa Đà dù biện bạch tài nghệ công hiệu thế mấy nhưng Tháo vẫn đa nghi, cho Đà là tay sai của địch muốn mưu hại mình nên thét tả hữu bắt Hoa Đà giam vào ngục, quyết tra hỏi cho ra.Hoa Đà bị giam, có người lính ngục họ Ngô trông coi, người quen gọi là Ngô áp ngục. Người này ngày ngày đem cơm rượu vào cung phụng Hoa Đà. Đà cảm ơn mới bảo rằng:- Tôi sắp chết. Chỉ tiếc bộ sách Thanh Nang chưa truyền ra đời. Nay cảm thấy lòng tốt quý của ông, chẳng biết lấy gì báo đáp, vậy tôi viết bức thư này, ông cứ cho người đem đến nhà tôi lấy quyển "Thanh Nang" về đây. Tôi xin tặng để ông nối lấy nghề thuốc.Ngô áp ngục mừng rỡ nói:- Nếu được bộ sách ấy, tôi sẽ bỏ nghề này, đi khắp thiên hạ chữa bịnh giúp người để truyền cái đức của tiên sinh.Đà liền viết thư trao cho Ngô áp ngục nhờ người đến thẳng quê nhà, hỏi vợ Hoa Đà lấy bộ Thanh Nang đem về ngục. Hoa Đà cầm lấy, dò lại từng chương đầy đủ liền đưa tặng ngay ân nhân. Ngô áp ngục đem về cất kỹ.Qua mười ngày sau, Hoa Đà chết trong ngục.Ngô áp ngục mua quan tài khâm liệm chu đáo. Chôn cất Hoa Đà xong, liền bỏ nghề lính ngục, lòng khoan khoái trở về nhà, mong đem bộ Thanh Nang ra học để làm nghề thuốc.Nhưng ...Hỡi ôi! Về đến cổng, Ngô thấy mụ vợ đương đem sách ra đốt. Ngô hoảng hốt, vội chạy sấn vào giằng lấy, nhưng sách đã cháy gần hết, chỉ còn được vài tờ. Ngô tức giận mắng vợ thì mụ vợ nói:- Nếu mình có học được giỏi như Hoa Đà rồi cũng chẳng qua đến chết trong lao tù mà thôi! Quý báu gì cuốn sách này?Ngô chép miệng thở dài, tiếc ngẩn người ra một hồi rồi cũng đành chịu.Vì thế bộ sách "Thanh Nang" không được truyền đến đời sau. Chỉ còn ít thuật nhỏ như thiến gà, thiến heo, chính là do ở vài chương còn lại.

Hoạn Quan Không Bị Hoạn

Lã Bất Vi, người đất Dương Lịch ở nước Triệu đời Chiến Quốc. May nhờ mưu mẹo "buôn bán vua" mà được làm thừa tướng nước Tần.Vì người có sức khỏe nên được mẹ của Tần Thủy Hoàng là Trang Tương hậu yêu lắm. Tương hậu tên là Triệu Cơ trước vốn hầu thiếp của Vi nay gặp ở Tần như cá trở về nước nên Vi thường ra vào cung cấm, không kiêng nể gì. Đến khi Tần Thủy Hoàng khôn lớn thông minh hơn người, Bất Vi có ý sợ. Nhưng Tương hậu ngày càng đa dâm, thường đòi Vi vào cung Cam Toàn để vầy cuộc mây mưa. Bất Vi sợ lâu ngày, việc phát giác thì họa đến mình, muốn tìm một người để thay cho được vừa lòng thái hậu nhưng chưa tìm ra.Lúc bấy giờ có tên Lao Ái, dương vật to có tiếng. Những dâm phụ trong xóm cho là vật quý, tranh nhau để được gần Ái. Nhưng một hôm hắn phạm tội dâm, quan sắp bắt trị tội. Bất Vi nghe được can thiệp xin tha, để làm xá nhân trong phủ.Nước Tần có tục khi làm mùa ruộng xong, trong nước mở cuộc vui chơi ba ngày để bõ công khó nhọc. Ai muốn bày trò chơi gì tự do. Kẻ nào có tài hay cái khéo gì cứ phô bày. Lã Bất Vi lấy thứ gỗ vông bảo người làm bánh xe, sai Lao Ái xỏ dương vật vào giữa bánh xe biểu diễn. Bánh xe quay tít mà dương vật vẫn không hề hấn gì. Người trong chợ cười ầm lên, đoạn lắc đầu le lưỡi cho là khó có kẻ kỳ phùng địch thủ.Tương hậu nghe chuyện hỏi Bất Vi, dường có ý thích. Bất Vi nói:- Thái hậu muốn thấy người ấy không? Tôi xin chờ dịp tiến vào.Tương hậu cười mà không đáp, một lúc nói:- Nhà ngươi nói đùa đấy ư! Người ngoài làm thế nào được vào nội cung?Bất Vi kề tai Tương hậu nói nhỏ. Tương hậu mừng quá, cho là diệu kế. Đoạn lấy năm trăm nén vàng giao cho Bất Vi, ân cần dặn bảo cố gắng làm cho thành việc. Bất Vi lãnh lịnh, mật gọi Lao Ái cho biết. Ái sẵn tính dâm, nghe tin hớn hở, nhảy cỡn lên cho là một sự đại phúc kỳ ngộ.Bất Vi liền sai người phát giác cái dâm tội trước kia của Lao Ái, bắt phải đem thiến, đoán đem vàng đút lót cho viên quan hành hình, lấy dương vật của con lừa và bôi vào một thứ máu giả là thiến thật. Tên hành hình lại cố ý đem dương vật con lừa, giơ lên cho người chung quanh xem. Ai ai cũng tưởng thực.Lao Ái bấy giờ được xung làm hoạn quan. Bất Vi đem dâng cho thái hậu để hầu trong cung. Đêm đến, Lao Ái hầu ngủ. Thái hậu lấy làm thích quá, đời thấy lên hương trở lại, ngày đêm không muốn lúc nào rời ra.Chẳng được bao lâu, thái hậu có mang. Sợ khi sinh nở, không thể giấu được nên dối có bịnh; lại sai Lao Ái đem tiền đút lót cho thầy bói, bảo dối là trong cung có ma nên tránh ra ngoài 200 dặm ở phương tây. Vua Tần trước nghi Lã Bất Vi thông dâm với thái hậu, nay thấy thái hậu đòi đi xa tất tuyệt đường đi lại nên đồng ý.Thái hậu liền đi ra Ung Thành, ở vào một tòa cung điện cũ gọi là Đại Trịnh cung. Bấy giờ thì thái hậu cùng Lao Ái mặc sức tự do tung hoành. Trong hai năm, sinh luôn hai trai, làm một cái nhà kín để nuôi. Thái hậu lại hẹn với Lao Ái là sau khi vua mất, sẽ đem một đứa làm con nối.Thái hậu lại tâu với vua Tần là Lao Ái có công thay vua hầu hạ, vậy xin phong đất cho. Tần Thủy Hoàng vâng mạng, phong cho Lao Ái là Trường Tín hầu, cấp đất Sơn Dương làm lộc.Ái bỗng được quý hiển, lại càng hung hăng lên mặt. Sau chuyện phát giác, Thủy Hoàng sai quan bắt hắn. Lao Ái vốn mua chuộc được một số tay sai, chống cự lại. Nhưng thất bại, Ái bị bắt. Vua Tần tự đến cung Đại Trịnh lục tìm, bắt được hai đứa con của Lao Ái ở nhà kín, liền sai kẻ tả hữu bỏ vào cái túi vải đem quật chết. Thái hậu đau xót ngấm ngầm, không dám ra cứu, chỉ đóng cửa khóc lóc mà thôi.Còn Lao Ái, vua Tần truyền dùng xe xé xác ở ngoài cửa Đông, và tru di cả ba họ.

Hết Phần 13

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét