Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Thương Thay Lục Bát

 


         Học giả Phạm Quỳnh có một câu nói bất hủ :
                      " Truyện Kiều còn, tiếng Ta còn. Tiếng Ta còn,  nước Ta còn "       

         Truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du được viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ Lục Bát, một thể thơ thuần tuý của Việt Nam. Đây là một thi phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu rộng rãi trên thế giới.
         Chỉ một tác phẩm văn học thôi, sao lại có ảnh hưởng đến sự tồn tại của cả một dân tộc, một quốc gia. Một thi phẩm dù là tuyệt tác, cũng chỉ là một thi phẩm, không thể dính liền với cả một dân tộc nếu không còn thêm một lý do khác.
         Lý do khác đó chính là "Thơ Lục Bát", một thể thơ quốc hồn quốc tuý của Việt Nam. đước các học giả Tiền Bối gọi một cách trịnh trọng là "Quốc Phong".

        Cầu thị, cầu tiến là bản chất của con người. Thơ cũng không ngoài quy luật đó. Những bài thơ mang dáng dấp mới lạ, những sáng tạo tân kỳ làm tăng thêm sức hấp dẫn của một bài thơ, lôi cuốn, thu hút người đọc hơn, rất đáng được trân trọng, rất đáng được khích lệ và khuyến khích nếu đó là những bài thơ Tự do, Thơ Mới, Thơ Cổ Phong...

          Tống Biệt

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
   Nửa năm tiên cảnh,
   Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
   Đá mòn, rêu nhạt,
   Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
   Cửa động,
   Đầu non,
   Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...
                                          Tản Đà

Qua bài thơ Tống Biệt, chúng Ta thấy cách sắp xếp các câu thơ thật hấp dẫn, hình thức thật lôi cuốn. Đâu cần phải xé đôi, xé ba câu Lục Bát. Chặt khúc câu thơ Lục Bát, có thể ví như ta đang chối bỏ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc. Hủy bỏ những gì thuần túy Việt Nam mà Ông Cha đã lưu lại từ ngàn năm. Chính vì thế, là con cháu, hậu bối, chúng ta cần giữ nguyên trạng như từ trước, giữ nguyên hình thức câu 6 và câu 8, để "Quốc Phong" mãi trường tồn.
 
Quên Đi đâu thể nói càn 
Chẳng qua thổ lộ tâm can cùng người 
Ngàn năm văn vật ai ơi 
Tiền nhân truyền lại bao đời cháu con 
Hậu sinh phải giữ cho tròn 
Để vầng sáu tám mãi còn về sau 
Mỗi loại thơ mỗi sắc màu 
Không như đường luật của Tàu vẫn hay
Lục bát chẳng giống thơ Tây 
Nếu đem bẻ vụn sau này mất luôn. 
                                  Quên Đi

Thương Thay Lục Bát

Cũng vì tạo dáng bài thơ
Nên hình bóng cũ đến giờ thảm thay
Câu thơ người nỡ bẻ hai
Khiến Tình Lục Bát đêm ngày trở trăn!
                                              
Quên Đi
Nỡ nào chặt khúc câu thơ
Ôi thôi lục bát bây giờ ra sao?
Nguyễn Du trông thấy lệ trào
Thấy thơ tàn phế mà ngao ngán lòng !
huuuuuuuuu

                                                                 Cao Linh Tử

Huỳnh Hữu Đức

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Trừ Dạ Hữu Hoài - Thôi Hộ



   除夜有懷    TRỪ DẠ HỮU HOÀI

迢遞三巴路, Điều đệ tam Ba lộ,
羈危萬里身。 Ký nguy vạn lý thân
亂山殘雪夜, Loạn sơn tàn nguyệt dạ,
孤燭異鄉人。 Cô chúc dị hương nhân.
漸與骨肉遠, Tiệm dữ cốt nhục viễn,
轉於僮僕親。 Chuyển ư đồng bộc thân.
那堪正飄泊, Na kham chánh phiêu bạc,
來日歲華新。 Lai nhật tuế hoa tân.
            崔涂                             Thôi Đồ

* CHÚ THÍCH :
1. Điều Đệ 迢遞 : Xa xôi diệu dợi.
2. Tam Ba 三巴 : Chỉ xứ Ba Quận, Ba Đông, Ba Tây, nay thuộc đông bộ của tỉnh Tứ Xuyên.
3. Ký Nguy 羈危 : Chỉ Trong nguy nan mà thân lại ở xứ người.
4. Câu số 4 : Có bản chép là : " Cô độc dị hương xuân " 孤獨異鄉春 . Có nghĩa : Mùa xuân đến mà chỉ có một thân một mình nơi đất khách tha hương.
5.CHÚC 燭 : Là Đuốc, là đèn, là nến. Hoa Chúc 花燭 : là Đuốc Hoa. Cô Chúc 孤燭 : là Cây đuốc cô độc lẻ loi.
6. Đồng Bộc Thân 僮僕親 : Đồng là Tiểu đồng, Thư đồng. Bộc là Nô bộc. Thân là Thân thiết . Đồng Bộc Thân có nghĩa : Cả thư đồng nô bộc cũng thấy thân thiết như người thân.
* DỊCH NGHĨA :
Hoài Cảm Đêm Giao Thừa
Diệu vợi trên đường đi gập ghềnh khúc khủy của xứ Tam Ba, Tấm thân ngoài ngàn dặm nầy đang tạm dung ở xứ người an nguy khó định. Đêm lạc lỏng trong cảnh tuyết tan giữa núi non chập chùng , người tha hương cô độc với ngọn đuốc lẻ loi, và ... càng đi thì lại càng xa những người thâm tình cốt nhục, nên tình cảm chuyển sang cho thư đồng nô bộc xem họ như những người thân. Không sao kham nỗi với nỗi phiêu bạc giang hồ, trong khi ngày mai nầy đã lại bước sang năm mới rồi !

* DIỄN NÔM :
TRỪ DẠ HỮU HOÀI


Diệu dợi Tam Ba đường núi,
Quê người muôn dặm xa xăm .
Đêm xuống loạn sơn tàn tuyết,
Đèn côi chiếc bóng một thân .
Cốt nhục ngày càng xa cách,
Thư đồng tựa kẻ thiết thân.
Không kham cuộc đời phiêu bạc,
Mai ngày lại phải đón xuân !

Lục bát :
           Ba sơn diệu vợi đường dài,
         Lẻ loi cô độc ai hoài một thân.
         Tuyết tan non núi chập chùng,
Đuốc đơn người lẻ ngại ngùng bước chân.
           Thân nhân cốt nhục xa dần,
   Tình thân chuyển cả thư đồng bộc nô.
         Tấm thân phiêu bạc giang hồ,
   Mai ngày năm mới thân cô một mình!
                                    Đỗ Chiêu Đức
***
   Đêm Trừ Tịch Nhớ

1/
Diệu vợi đường Tam Ba
Chốn nguy chẳng nệ hà
Núi ngàn đêm tuyết chảy
Xuân khách chỉ riêng ta
Ruột thịt giờ ngăn cách
Người hầu kề chẳng xa
Đành thôi thân lãng tử
Thêm một mùa xuân qua.

2/
Đường sang đất Thục mịt mờ
Dặm ngàn hiểm trở đang chờ đợi ta
Ngổn ngang tuyết đọng non xa
Chong đèn leo lét không nhà một thân
Ruột rà bè bạn chẳng gần
Chỉ còn trẻ bộc ân cần một bên
Sông hồ phiêu bạt lênh đênh
Ngày mai năm mới mình ên xứ người.
                                           Quên Đi
***
        GIAO THỪA CẢM HOÀI

      Đường Ba Tam xa xôi diệu vợi
    Bao hiểm nguy chờ đợi một thân.
         Tuyết đêm đồi núi tan dần
Quê người dưới ánh đèn dầu mình ta
     Thân bằng hữu rồi ra mất biệt
  Chỉ tiểu đồng thân thiết nghĩa cao
          Nổi trôi há chịu mãi sao?
Ngày mai năm mới xót xa Xuân về!
                                      MaiLoc
                                     12-28-22

***
Nỗi Niềm Đêm Giao Thừa

Trên đường xa diệu vợi
Lang bạt tấm thân côi
Cóng lạnh đêm sương tuyết
Hắt hiu đèn lẻ loi
Xa rời bao quyến thuộc
Kết bạn một thư đồng
Đời nổi trôi vô vọng
Càng buồn khi đến xuân.
                     Phương Hà
                   ( 29/12/2022 )
***
NHỚ ĐÊM GIAO THỪA TRÊN ĐƯỜNG BA SƠN

1-
Tít tắp Tam Ba lộ
Hiểm nguy vạn dặm thân
Tuyết tàn đêm núi loạn
Xứ lạ độc phong trần
Ruột thịt dần xa mãi
Gia đồng hóa thiết thân
Khó kham đời vất vưởng
Mai sớm đón tân xuân!

2-
           Tam Ba đường lộ mịt mờ
 Hiểm nguy vạn dặm vật vờ lầm than
       Đêm buông núi loạn tuyết tàn
Một mình trôi nổi ngoại nhân xứ người
           Dần xa ruột thịt chân trời
   Chuyển qua tôi tớ lần hồi thiết thân
     Khó kham vất vưởng đường trần
  Ngày mai mồng một tân xuân lại về!
                                  Lộc Bắc Jan22
***
Đêm Trừ Tịch Trên Đường Ba Sơn Hoài Cảm

          Tam Ba xa lắc đường dài
     Nguy nan cô lữ ai hoài một thân
         Non cao tuyết phủ tan dần
    Tạm dung xứ lạ bước chân u sầu
           Ruột rà cốt nhục nay đâu
Chuyển tình tôi tớ như hầu người thân
       Khó cam chịu cảnh gian truân
  Ngày mai năm mới đón xuân trở về
                                       Kim Oanh
***

Hoài Cảm Đêm Giao Thừa

1/
Tam Ba đường diệu vợi
Khốn khó tạm dung thân
Đêm tuyết tan trên núi
Lấy ai hầu đỡ đần
Đã xa rời cốt nhục
Nô bộc hóa người thân
Cuộc sống rày phiêu bạc
Mai xuân thêm một lần

2/
            Tam Ba trắc trở đường xa
Quê người khốn khó vượt qua dặm ngàn
           Non cao đêm tuyết dần tan
    Bơ vơ bóng chiếc đèn vàng đơn côi
           Tình thâm cốt nhục xa rồi
     Thư đồng nô bộc lần hồi hóa thân
           Sức kia gắng chịu bao lần
    Mai ngày sẽ đến xoay dần lại xuân
                              Kim Phượng

***

    Đêm Trừ Tịch Nhớ Nhà 

Hiểm nguy đường núi ở Tam Ba
Đất khách dung thân dạ xót xa
Tuyết xuống vạn sơn rừng giá lạnh 
Đèn chong một bóng giấc mơ qua 
Tình thâm cốt nhục đâu bên tớ 
Thân cận thư đồng đó cạnh ta
Phiêu bạc bất kham đời lãng tử
Mai xuân mới, chạnh nhớ quê nhà…!
                         Mai Xuân Thanh

***

      GIAO THỪA CẢM TÁC
( mượn ý chính trong nguyên tác)

Đường về quê Mẹ quá xa xăm
Tờ lịch cuối cùng báo hết năm
Đất khách giao thừa, thân lặng lẽ
Xứ người trừ tịch, bóng âm thầm
Cuộc đời phiêu bạc như chùm gởi
Lẽ sống phong sương tựa kiếp tằm
Tết đến chỉ làm thêm tủi phận
Mai ngày lại đón một mùa Xuân
                  songquang 20221228

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Mừng Xuân Quý Mão



Bài Xướng:

Mừng Xuân Quý Mão

Quý Mão ngàn hoa vạn sự mừng 
Nhâm Dần mãn nhiệm bước gian truân
Mèo mun mắt cú mơ duyên mới
Hùm xám đuôi dê mộng ánh hừng
Lại đón xuân Mèo ta tống cựu
Xuân về năm mới đón nghinh tân
Nhân mùa ấm áp em chào bạn
Cúc trúc mai vàng khách quý mừng...!
                    Mai Xuân Thanh
                      October 03/2023
***
Các Bài Thơ Họa:
             Mừng Xuân Quý Mão

Đón xuân Quý Mão thảy vui mừng,
Khắp chốn người người hỉ lạc truân.*
Cô-vít đã qua lòng nẫn nẫn,
Em mèo sắp đến dạ nần nần.
Ngày qua nhớ mãi câu đưa đón,
Năm mới nói hoài chuyện cựu tân.
Vần chết TRUÂN NẦN sao hại bạn ?
Họa xong "ná thở" thảy vui mừng !!!
                             Đỗ Chiêu Đức
                               11-03-2022
* HỈ LẠC TRUÂN TRUÂN 喜樂諄諄 : Vui mừng tràn ngập.

***
                Quý Mão

Năm Hai Ba đến có chi mừng
Năm mới nhưng mà vạn sự Truân (*)
Hy vọng Cô Mèo nhiều hạnh phúc
Đừng như Cháu Cọp lắm u nần (**)
Thiên tai tiếp mãi chưa ngưng đoạn
Chiến sự liên hồi khó cách tân
Quý Mão hẳn chưa là tốt đẹp
Năm Hai Ba đến có chi mừng.
                                          Quên Đi
(*) Truân là quẻ thứ 3 trong 64 quẻ của Kinh Dịch. Theo Tự quái truyện thì sở dĩ sau hai quẻ Càn, Khôn tới quẻ Truân là vì có trời, đất rồi vạn vật tất sinh sôi nảy nở đầy khắp, mà lúc sinh sôi đó là lúc khó khăn. Chữ Truân [屯] có cả hai nghĩa đó: sinh sôi nảy nở và khó khăn
(**) Theo cổ tích Việt Nam, con cọp là cháu con mèo.


Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Cánh Hoa Xuân

Tình xuân ngan ngát tỏa hương xa
Trang blog hân hoan chúc mọi nhà
Thân hữu nơi nơi nhiều hạnh phúc
Thi Nhân chốn chốn mãi an hòa
Rong chơi vào mộng tìm thi ý
Chấm phá cho đời rộn khúc ca
Quý Mão Vườn Thơ năm mới vẫn
Man man sắc thắm của ngàn hoa
                                      Quên Đi
***
       Hoa Xuân Quý Mão

Ngan ngát hoa xuân hương thoảng xa,
Hương xuân ngan ngát khắp muôn nhà.
Lòng xuân phơi phới hồn chan chứa,
Xuân ý thiết tha cảnh thái hòa.
Xuân thắm ngất ngây màu mắt biếc,
Xuân hồng rạo rực tiếng chim ca.
Xuân về Qúy Mão trăm hoa nở,
Thơ Thẩn Vườn Thơ vạn đóa hoa !
                        Đỗ Chiêu Đức
                           01-05-2022
***
      Nguyên Đán Hoa Xuân

Nguyên Đán hoa xuân toả ngát xa
Vườn thơ bạn hữu khắp muôn nhà
Thầy cô kính mến luôn trường thọ
Thi sĩ thân thương vẫn thuận hòa
Xướng họa “diễn đàn” chơi chữ nghĩa
Tìm tòi ý tứ viết bài ca
Nhâm Dần, tống cựu, đây nghìn đoá
Quý Mão, nghinh tân, đó vạn hoa…!
                        MAI XUÂN THANH
***
             HOA XUÂN

“ Thơ thẩn “ vườn thơ bay vút xa
Hương thơm ngào ngạt tỏa muôn nhà
Nhâm Dần Xuân trước nhiều sôi động
Quý Mão năm nay chắc thuận hoà
Cũng ước quê cha tràn nhựa sống
Và mong đất mẹ ngập âu ca
Tình Xuân chan chứa niềm hoan lạc
Thoang thoảng hương nồng vạn đóa hoa
                                            songquang
***
           Vườn Thơ Hoa

Thoang thoảng hoàng lan hương tỏa xa
Ngạt ngào dạ lý trước hiên nhà
Nồng nàn nguyệt quới duyên say đắm
Quý phái quỳnh hoa nét dịu hòa
Rực rỡ mai vàng khơi ý nhạc
Dịu dàng sim tím gợi lời ca
Mảnh Vườn Thơ Thẩn ươm thi phú
Mỗi áng thơ là một sắc hoa.
                          Phương Hà
***
         Vườn Xuân

Hữu xạ Long Hồ thoảng thoảng xa
Hương đưa gợi nhớ đến muôn nhà
Tao nhân khẽ gót Vườn Thơ Thẩn
Mặc khách thưởng âm cảnh thái hòa
Vạn dặm âm thầm trao tiếng hát
Bốn phương háo hức vọng lời ca
Cành Nam ríu rít đàn chim Việt
Quý Mão vườn nhà thắm sắc hoa
                           Kim Phượng
***
            Xuân Mộng

Năm Mới Long Hồ đón khách xa
Mừng xuân Quý Mão đẹp Trang nhà
Bài Thơ chúc tụng Vườn Thơ Thẩn
Câu Đối trao nhau ý hiệp hòa
Xướng họa rộn ràng chào đón bạn
Nhịp nhàng tấu nhạc hát vang ca
Thi nhân Văn Sĩ cùng tô điểm
Hương Tết vườn tâm rộ nở hoa.
                           Kim Oanh
                   Xuân Quý Mão 2023

***
   Trước Cửa Thềm Xuân

Nắng ửng soi tràn duỗi dặm xa
Vầng đông tỏa rạng khắp muôn nhà
Con đường mở rộng xây tầm ngắm
Những điểm ưa nhìn rộn tiếng ca
Đã nhận tình chân đầy cảm xúc
Dần trông cảnh thực rốt chan hòa
Thanh bình nét vẻ nguồn nhiên hậu
Tặng thưởng thi đàn kết lẵng hoa.
                    Mai Thắng - 230108

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Tân Niên Tác - Lưu Trường Khanh

   
LƯU TRƯỜNG KHANH 劉長卿 (726-786) tự là Văn Phòng, người huyện Tuyên Thành (thuộc tỉnh An Huy ngày nay) giỏi về thơ ngũ ngôn và ngũ ngôn luật. Ông làm quan đến chức Giám Sát Ngự Sử, có giao tình rất hậu với Thi tiên Lý Bạch.
Mùa xuân năm Chí Đức thứ 3 (758), vì chính kiến bất đồng, từ chức Trưởng Châu Úy của Tô Châu, ông bị biếm đến Phan Châu tỉnh Quảng Đông lãnh chức Nam Ba Úy. Tết năm đó ông làm bài thơ dưới đây để bày tỏ nỗi lòng của mình.

     新年作         TÂN NIÊN TÁC 

鄉心新歲切, Hương tâm tân tuế thiết,
天畔獨潸然。 Thiên bạn độc san nhiên.
老至居人下, Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先。 Xuân quy tại khách tiên.
嶺猿同旦暮, Lãnh viên đồng đán mộ,
江柳共風煙。 Giang liễu cộng phong yên.
已似長沙傅, Dĩ tự Trường Sa Phó,
從今又幾年 ? Tòng kim hựu kỷ niên ?
        劉長卿                    Lưu Trường Khanh

* CHÚ THÍCH :
- Hương tâm 鄉心 : là Lòng Quê, là Nỗi lòng tưởng nhớ đến quê hương.
- Tân Tuế 新歲 : là Tuổi mới, là Năm mới, là Tết đến.
- Thiên Bạn 天畔 : là Bên trời, ở đây chỉ bị biếm đến nơi xa xôi.
- San Nhiên 潸然 : chỉ lệ rơi lả chả.
- Lãnh Viên 嶺猿 : chỉ Vượn trên đĩnh núi.
- Đán Mộ 旦暮 : ĐÁN là Ngày, là Buổi Sáng. MỘ là Buổi Chiều.
- Trường Sa Phó 長沙傅 : chỉ GIẢ NGHỊ 賈誼, một nhà tư tưởng, nhà văn học và là một quan Đại Phu nổi tiếng đời Tây Hán, rất được Hán Văn Đế trọng vọng, nhưng bị dèm xiểm đố kỵ, nên có lúc bị đày đến làm Thái Phó của đất Trường Sa, vì thế mới gọi là Trường Sa Phó. Ở đây Lưu Trường Khanh tự ví mình như là Giả Nghị vì dèm xiểm nên bị đày.

* NGHĨA BÀI THƠ :
                 Sáng Tác Trong Năm Mới
Nỗi lòng tưởng nhớ đến quê hương càng tha thiết hơn trong những ngày Tết đến. Một mình một bóng nơi chân trời xa xôi nầy mà âm thầm nhỏ lệ. Cái già đã sồng sộc đến nơi rồi mà thân phận vẫn cứ lè tè nhỏ nhoi ở dưới người khác; Cũng như nàng xuân luôn luôn đến trước với những người khách tha hương. Ở đây, sớm chiều chỉ cùng bầu bạn với các chú vượn trên các đĩnh núi xa xa, và ngắm cảnh mờ sương gió với các dãy liễu rũ ven sông. Ta tự thấy mình đã giống như là Đại phu Giả Nghị lúc bị đày ở Trường Sa; không biết là từ nay còn phải chịu đến mấy năm nữa đây ?!

 Quả là nỗi lòng của kẻ tha hương thật bi thiết trong những ngày năm hết Tết đến, khi nhìn lại thân phận của mình vẫn còn nhỏ nhoi không thực hiện được hoài bão và mùa xuân vẫn không chờ đợi ai mà vẫn cứ ập đến qua hai câu thơ thật phũ phàng thực tế :

老至居人下, Lão chí cư nhân hạ,
春歸在客先。 Xuân quy tại khách tiên.

... làm cho ta cũng nhớ đến thân phận của những kẻ lưu vong nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay. Chưa làm được gì cho quê hương thì cái già đã sồng sộc ập xuống trên đầu rồi. Câu "Xuân quy tại khách tiên" ngoài nghĩa " Người khách tha hương cảm nhận mùa xuân về trước hơn những người khác" ra, còn có nghĩa là :"Mùa xuân về đến quê hương trước hơn khi người ở nơi đất khách được về lại quê hương !" Quê hương còn chưa về được, nhưng mùa xuân thì vẫn cứ đến hằng năm không ai có thể cản được như lời thơ của thi sĩ Chế Lan Viên :

Tôi có chờ đâu có đợi đâu,
Mang chi xuân đến gợi thêm sầu !

* DIỄN NÔM :
        TÂN NIÊN TÁC


Lòng quê Tết càng bi thiết,
Bên trời lả chả lệ rơi.
Già đến quan còn bên dưới,
Xuân về khách cảm trước người.
Sớm chiều cùng nghe tiếng vượn,
Sương khói bờ liễu buông lơi.
Đã như Trường Sa Giả Nghị,
Sức còn biết mấy lăm hơi ?!

Lục bát
        Lòng quê Tết đến ngậm ngùi,
       Bên trời lả chả bồi hồi riêng ta.
           Dưới người khi tuổi đã già,
    Xuân về trước lúc hồi gia khách sầu.
         Sớm chiều tiếng vượn rầu rầu,
    Bên bờ liễu rũ nhạt mầu khói sương.
        Thân như Giả Nghị sầu vương,
Từ nay, rồi nữa, miên trường bao năm ?!
                                Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

***
     Năm Mới Viết

1/
Năm mới nhớ nhà thay   
Buồn rơi lệ chốn này  
Sắp già thêm chức nhỏ
Xuân sớm ở nơi đây  
Sáng tối bên đàn vượn   
Vui cùng liễu với mây   
Giờ đâu khác Giả Nghị
Phải chịu mấy năm đày?

2/
             Tết về thêm nhớ quê xa   
     Một thân đất khách lệ sa đôi dòng   
           Quan hèn tuổi xế hết mong  
Nhìn xuân đến sớm buồn lòng tha hương  
         Vui cùng đàn khỉ bên đường  
 Gió mây bờ liễu cũng dường quen nhau  
            Ta và Giả Nghị khác nào  
      Trở về chốn cũ còn bao năm dài
                                              Quên Đi
 ***

                Tiếng Lòng Năm Mới


              Nỗi lòng cảm nhớ quê xa

     Những ngày Tết đến thiết tha tưởng về

            Tha hương một bóng ủ ê

Dưới người chồng chất nhiêu khê tuổi đời

          Xuân đến lòng khách sầu khơi

     Sớm chiều bầu bạn vượn nơi núi mù

             Ta như Già Nghị Đại phu

   Sức mòn mỏi đợi bao thu hỡi người.

                                           Kim Oanh

 ***
     Tân Niên Tác

1/

Năm Mới ôi là nhớ
Xứ người dòng lệ sa
Phận hèn thêm luống tuổi
Xuân cảm khách đây mà
Sớm tối vượn bầu bạn
Vui mây liễu lướt qua
Khác chi thân Giả Nghị
Còn chịu mấy năm xa.

2/
          Quê nhà Năm Mới nhớ sao
    Phương trời viễn xứ tuôn trào lệ sa
         Chức quan hèn mọn thân già
Xuân dường sớm đến kẻ tha hương nầy
             Khi thì làm bạn khỉ bầy
      Lúc vui liễu rũ gió mây lững lờ
        Sánh cùng Giả Nghị nào ngờ
     Ngày về chốn cũ đợi chờ bao lâu
                                Kim Phượng

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Chuyện Thơ Cũ và Thơ Mới

Khoảng thế kỷ 19 trở về trước, ở nước ta có hai dòng thơ, thứ nhất là của Ta đó là dạng thơ truyền khẩu Ca Dao, thứ hai là của Tàu gồm dạng thơ Cổ Phong, thơ Đường Luật ...

Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, nhà thơ Phan Khôi nổ phát súng mở đầu cho dòng Thơ Mới với bài Tình Già. Thế là một làn sóng mới với nhiều nhà thơ, như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Vỹ...
Từ đó trở đi, hai trường phái Cũ và Mới đã đối chọi nhau kịch liệt trên các diễn đàn thi ca, cũng như trên mặt báo chí.

Vũ Đình Liên qua bài Ông Đồ, ngụ ý Thơ Cũ đã hết thời. Tản Đà với bài Tống Biệt cho rằng Thơ Mới cũng chỉ là Thơ Cũ mang tên khác mà thôi.
Sau khi chiếm ưu thế, các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới đã mạnh dạn tuyên bố Thơ Mới đã làm nên một cuộc cách mạng văn chương và Thơ Cũ đã cáo chung.

Ai đúng ai sai? Hãy cùng tìm hiểu thực tế qua những bài thơ của 2 trường phái.

Để dễ dàng nhận xét, chúng ta thử tìm hiểu về hình thức của Thơ Cũ và Thơ Mới, có tương quan gì với nhau chăng.

1/ Số Câu và Số Chữ Trong Bài Thơ

Ở Thơ Mới, số chữ cũng như số câu không giới hạn. Còn Thơ Cũ, ngoại trừ thơ Đường Luật ra, các thể loại Thơ Cũ khác, có số chữ số câu không bắt buộc theo quy định khắc khe nào, kể cả Thơ Lục Bát.

Thí dụ:

Sơn Bình Kẻ Gốm không xa
Cách một cái quán với ba quãng đồng
Bên dưới có sông
Bên trên có chợ
Ta lấy mình làm vợ nên chăng
Tre già để gốc cho măng.
                            (Ca Dao)

2/ Cách gieo Vần

a- Gieo Vần Cách Câu

- Thơ Mới:

Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Khối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.
                 (Hớt Tóc -Phan Khôi)

- Thơ Cũ:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du
Ðộc sảng nhiên nhi thế .
            (Đăng U Châu Đài Ca - Trần Tử Ngang)

b- Gieo Vần 3 Câu

- Thơ Mới:
Mơ rồi! Mơ rồi! Ta mơ rồi!
Xạc xào chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thoáng đôi hồi lửa đóm soi
                    (Trích Mơ Trăng Chế Lan Viên)

- Thơ Cũ:

Bố mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Chép miệng năm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.
                         (Con Cóc - Lê Thánh Tôn)

c- Gieo Vần Kề

-Thơ Mới:
...
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô. 

               (Tiếng Thu - Lưu Trọng Lư)

- Thơ Cũ:

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè đánh bạc
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên
Đêm khuya không tiền
...
                           (Ca Dao)

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
Chủ nhân há mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Tuý bất thành hoan thảm tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt.
...
                           (Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị)

d- Gieo Vần Giữa Câu:

- Thơ Mới:

Ta tìm ai đã bao năm đăng đẳng
Mà bao năm vẫn vắng bóng say sưa
...
               (Tìm Lý Tưởng - Huy Thông)

-Thơ Cũ:
                          Rượu Phù Li chuốc để hai hàng
           Phụ mẫu anh uống trước phụ mẫu nàng uống sau.

                                                                 Ca Dao

Thơ Mới phóng khoáng, được gọi là Mới, nhưng có rất nhiều bài sử dụng thơ 5 hoặc 7 chữ, giống như những bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật ghép lại nhau:

    Thí dụ:
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần.
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng trời trong đêm thuỷ tinh
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
                (trích Nguyệt Cầm của Xuân Diệu)

Qua một vài thí dụ trên, chúng ta nhận thấy Thơ Mới chưa hẳn là mới, dường như chỉ là ngoài mới trong cũ.

Theo Học giả Nhà giáo Lê Văn Hòe, thơ của thi sĩ Tây phương thường sử dụng hàng tá câu chữ, chỉ để nói lên một đôi ý mà thôi. Trái ngược hoàn toàn với thi sĩ Tàu và Ta, dùng lời ít vẫn nói lên nhiều ý.

Thí dụ bài thơ L'isolement của thi hào Lamartine, phải sử dụng tất cả 52 câu thơ gồm mấy trăm chữ, chỉ để nói Vũ trụ vắng ngắt vì tâm trạng vắng người yêu. Trong khi Thi hào Nguyễn Du chỉ dùng 6 chữ đủ nói lên cả không gian, thời gian và quang cảnh:
                     Lặng khuya ngất tạnh mù khơi
hay chỉ với 14 chữ đã tả được toàn bộ cảnh quan như một bức tranh sơn thủy:
                        Long lanh đáy nước in trời
            Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng


Đôi lúc, khi đọc một bài Thơ Mới, chúng ta phải đọc liền một mạch. Nếu đọc riêng từng câu, câu thơ sẽ không có nghĩa (ngoại trừ những bài thơ làm theo lối Thơ Cũ). Trong khi Thơ Cũ mỗi câu đã tròn nghĩa ý. Đây là sự khiếm khuyết và khác biệt của Thơ Mới với Thơ Cũ.

- Thí dụ Thơ Mới:

...
Ta muốn nâng
Tấm khăn hồng lau mắt lệ cho ai.
Vì ta sợ má đào kia phai,
Cũng như ta đã ca
Khuyên ngày vui trở lại
Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
Cho người vui cảnh quên già.
           (trích Tiếng Trúc Tuyệt vời của Thế Lữ)
...
Em đã vô tình đâm phải mũi
Kim vào tay trái rật mình đau
...
       (trích trong tập thơ Tình Em của Nguyễn Nhuệ Thủy)...

- Thí dụ Thơ Cũ
...
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
            (trích Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan)
...
Khăng khít thớt em nương thớt chị
Vững vàng hòn cháu đỡ hòn ông....
           (trích Chơi Hòn Chồng của Quách Tấn)

Qua vài thí dụ trên, chúng ta nhận thấy Thơ Mới lời nhiều ý ít . Thơ Cũ thì ngược lại. lời ít ý nhiều. Có lẽ chính vì điều này mà giới hâm mộ Thơ Mới cho rằng Thơ Cũ quá khó hiểu. Còn giới Thơ Cũ thì nói Thơ mới thiếu sâu sắc.

Tóm lại, khi các Nhà Thơ Mới tuyên bố Thơ Cũ đã đi vào dĩ vãng, thế hệ xưa không còn, giờ chỉ có Thơ Mới và thế hệ mới mà thôi, với sự khẳng định của Vũ Đình Liên:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Chuyện các Nhà Thơ Mới chê bai Thơ Cũ, đồng thời tuyên bố chiến thắng trên các diễn đàn lúc bấy giờ, có quá cường điệu chăng? Trong khi chúng ta vẫn thấy đâu đó bóng dáng của Thơ Cũ ẩn bên trong Thơ Mới.
Thời gian đã giải đáp cho chúng ta. Không thơ nào chiến thắng hay chiến bại cả.
Ngày nay người làm thơ không còn quan trọng hóa chuyện Thơ Mới hay Thơ Cũ. Các Nhà Thơ sáng tác tùy theo hứng thú, tùy theo sở thích mà thôi.

Huỳnh Hữu Đức

Theo:
- Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến của Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng
- Việt Nam Văn Học của Dương Quảng Hàm
- Thi Thoại của Văn Hạc

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Hy Vọng


Năm Dần dịch đã tạm bình yên  
Quý Mão mong sao bớt lụy phiền   
Chiến sự còn đang gây đổ máu
Nỗi lo vật giá tốn thêm tiền  
Miếng ăn phải chạy xuôi rồi ngược
Quần áo đâu khoe dáng với duyên
Chẳng phải bi quan mà chán nản
Thiệt ra cũng muốn ổn tròn niên.
                                   Quên Đi