Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Táo Già Tự Sự


Hăm ba tiễn Táo tới đây
Vậy mà tui phải lây quây bếp lò
Vừa làm trong bụng vừa lo
Chuyến này Mụ Táo có cho theo chầu
Càng suy nghĩ lại phát rầu
Bởi là lão Táo có đâu được chìu
Tủi thân sao thật hẩm hiu
Nhìn ông Táo trẻ được yêu dài dài
Còn mình bữa một bữa hai
Quần thì chẳng có* đứng hoài một bên
Thiên đình nếu tớ được lên
Đầu đuôi tố hết giữa đền Linh Tiêu.
                                     Quên Đi

* Theo Cổ Tích, Táo chỉ mặc áo không mặc quần.
 

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Đôi Nét về CLB Thơ Văn Xương Các Vĩnh Long

                     Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, có một nhóm người tuổi cao, tự giác tìm đến với nhau chỉ vì một sở thích duy nhứt: Viết văn, làm thơ,...Tính ra đã không dưới 25 năm..., một phần tư thế kỷ, gần nửa đời người...! Phần lớn những người trụ cột buổi ấy nay đã ra người thiên cổ. Chúng tôi đến với nhau bằng tấm lòng và đôi tay trắng.

             Câu lạc bộ (CLB) thơ Văn Xương Các Vĩnh Long hình thành là như vậy. Từ đó đến nay, CLB Văn Xương Các âm thầm mà đều đặn duy trì sinh hoạt vào ngày 05 hàng tháng không hề gián đoạn dù chỉ đôi lần...(trích Mấy Lời Phi Lộ trong Tuyển Tập Hoa Thơ 11 của CLB Thơ Văn Xương Các 2018).
 

 
             Ngoài sinh hoạt hàng tháng tại Văn Xương Các trong Văn Thánh Miếu, thành phố Vĩnh Long, CLB Thơ Văn Xương Các Vĩnh Long, còn phát hành ấn phẩm HOA THƠ vào mỗi đầu năm mới, đến nay đã có 13 ấn phẩm được phát hành. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid 19, năm nay 2021 không biết "HOA THƠ 14" có phát hành hay không.
             Không chỉ CLB phát hành các ấn phẩm Thơ, các hội viên cũng có ra những tập thơ cho riêng mình, hay liên kết với nhà thơ bạn.








Hình ảnh và bài viết Huỳnh Hữu Đức

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Bao giờ


 
Chỉ gặp một lần đã luyến thương
Phải mình kiếp trước vốn chung đường 
Cho nên đây đó nhiều tha thiết
Bởi thế chữ tình nặng vấn vương
Ngày nhớ đong đầy câu ước nguyện   
Đêm chờ mòn mỏi giấc uyên ương
Hai ta nào phải như Ngưu Chức
Cam chịu mỗi người ở mỗi nơi. 
                             Quên Đi 



Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Cảm Vận Trần Tình 9


        Trần Tình 9

Bảy tám mươi bằng một bát tay,
Người sinh ở thế mấy nhàn thay.
Lan đình tiệc họp mây ảo,
Kim cốc vườn hoang dế cày.
Nhật nguyệt soi đòi chốn hiện,
Đông hè trải đã xưa hay.
Ta còn lãng đãng làm chi nữa,
Tượng có trời bày đặt vay.
                      Nguyễn Trãi
***
     Cảm Vận Trần Tình 9

Kiếp người ngắn ngủi khéo chung tay
Kẻ sĩ quên đời tiếc lắm thay
Lã Vọng chờ thời điếu Vị
Doãn Công ẩn xứ Sằn cày
Trăm năm tới nào ai biết
Thế sự này mấy kẻ hay
Đại trượng phu thân mang trọng trách
Đạo người nặng nợ đang vay.
                                  Quên Đi
***

Họa Vận : Nợ Trần Trả, Vay...

Thế thời biến đổi phải buông tay
Thất thế tùy quyền khó sống thay !
Tráng sĩ mài gươm bóng nguyệt
Anh hùng lỡ vận dân cày
Con người số phận không biết
Đất nước cơ trời chẳng hay
Có chí làm trai nào tắc trách
Nợ trần chưa trả còn vay
                   Mai Xuân Thanh
                   Ngày 06/01/2021

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Khái Quát Về Vô Vi

 
Chữ "Vô" ở nghĩa thông thường là "Không", nhưng đối với Triết lý Đông phương, "Vô" mang ý nghĩa thật cao xa đều được 3 tôn giáo đề cập đến nhiều. "Vô" dường như là vấn đề cối lỏi, từ Lão Giáo, Khổng Giáo đến Phật Giáo. Phải chăng Triết lý Đông Phương đặt Vô Vi làm nền tảng, khi diễn giải, mỗi học thuyết đưa ra một số giải thích khác biệt. Trước khi đi sâu vào Vô Vi của Lão Tử, chúng ta cùng tìm hiếu sơ về "Vô" của Phật và Khổng.

1- "Vô" Trong Phật Giáo

Trong Tâm Kinh Bát Nhã, nhắc đến rất nhiều "Vô" như: Vô sắc, Vô Lượng, Vô Thường, Vô Tranh, Vô Biên, Vô pháp, Vô Hữu, Vô Lượng, Vô Tướng, Vô Sở Nhập, Vô Sở hành, Vô Sở Đắc... Tại sao  có quá nhiều "Vô"? Chính vì cái "Nghiệp" mà ta phải biến ta thành "Vô", bản thân ta thành tâm vô sở đắc. Vì thế nên đường Tu của Phật ở chữ "Diệt" như: Diệt Khổ, Diệt Dục...tự diệt cho đến khi "Vô Ngã Phi Ngã" (Ta không phải là Ta nữa) ...
 
Như thế "Vô" đối với học thuyết của Phật Giáo không kém phần quan trọng.

2- Nguồn Gốc Kinh Dịch và Và Vô trong Khổng Giáo

Kinh Dịch từ đâu mà có? Có từ bao giờ? Ai là người sáng tạo ra Kinh Dịch?
Hoàn toàn không lời giải, chỉ biết truyền thuyết nói rằng Kinh Dịch bắt đầu ra đời từ vua Phục Hy, lúc ấy Hoàng Hà có con long mã hiện hình lưng nó có khoáy (xoáy) thành đám, từ một đến chín, vua Phục Hy coi những khoáy đó, mà hiểu được lẽ biến hóa của vũ trụ, mới đem lẽ đó vạch ra thành nét. Người mới tạo nên Thái Cực Bát Quái Đồ được gọi là "Tiên Thiên Bát Quái Đồ". Sau đó, Chu Văn Vương rồi đến con là Chu Công (Chu Cơ Đán) mới cải biến thêm gọi là "Hậu Thiên Bát Quái Đồ".


Thành phần hợp thành của quẻ  Vạch liền là Dương, tượng của mặt trời. Vạch đứt là Âm, tượng của mặt trăng. Mỗi một vạch (liền hoặc đứt) là một hào. Các thành phần này được biểu diễn trong một biểu tượng hình tròn chung (☯), được biết đến như Thái Cực đồ (☯) (太極圖 taijitu), nhưng nói chung người ta gọi tắt là đồ Âm-Dương (陰陽 yin-yang), miêu tả quan hệ giữa hai trạng thái của mọi thay đổi, chuyển dịch: khi Dương đạt tới cực đỉnh thì Âm bắt đầu phát sinh và ngược lại. Thái Cực đồ cũng là nguyên lý phát sinh Âm-Dương.
 
      Vô Cực sinh Thái Cực
      Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
      Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng    
      Tứ Tượng sinh Bát Quái
      Bát Quái sinh vô lượng 

Kinh Dịch là bộ sách kinh điển của Trung Hoa. Nó là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng (Âm, Dương) và thay đổi (chuyển dịch). Ban đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các nhà triết học Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông và được coi là một tinh hoa của cổ học Trung Hoa. Nó được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, bói toán nhân mệnh…
  Kinh (經 jīng) có nghĩa là một tác phẩm,quyển sách. Trong tiếng Hoa có gốc gác từ “quy tắc” hay “bền vững”, hàm ý rằng tác phẩm này miêu tả những quy luật tạo hóa không thay đổi theo thời gian.  Dịch (易 yì) có nghĩa là “thay đổi” của những thành phần bên trong một vật thể nào đó mà trở nên khác đi.  Khái niệm ẩn chứa sau tiêu đề này là rất sâu sắc. Nó có ba ý nghĩa cơ bản có quan hệ tương hỗ như sau:     
        * Bất dịch – bản chất của thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là luôn thay đổi, tuy nhiên trong những thay đổi đó luôn luôn tồn tại nguyên lý bền vững – quy luật trung tâm – là không đổi theo không gian và thời gian.    
        * Biến dịch – hành vi của mọi thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là liên tục thay đổi. Nhận thức được điều này con người có thể hiểu được tầm quan trọng của sự mềm dẻo trong cuộc sống và có thể trau dồi những giá trị đích thực để có thể xử sự trong những tình huống khác nhau.
        * Giản dịch – thực chất của mọi thực thể. Quy luật nền tảng của mọi thực thể trong vũ trụ là hoàn toàn rõ ràng và đơn giản, không cần biết là biểu hiện của nó là khó hiểu hay phức tạp.  Tóm lại:     
               Vì biến dịch, cho nên có sự sống.    
              Vì bất dịch, cho nên có trật tự của sự sống.    
             Vì giản dịch, nên con người có thể qui tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội. Quan điểm Vô Vi của Khổng giáo hoàn toàn lệ thuộc vào Kinh Dịch.

Thái Cực huyền bí vô cùng, ta không thể biết rõ được, nhưng khi xem xét sự biến hóa của vạn vật thì ta có thể đoán biết được cái động và tịnh của Thái Cực. Động là Dương, tịnh là Âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra Âm; Âm lên đến cực độ lại biến ra Dương. Hai cái Âm Dương ấy cứ xoay chuyển tương đối, điều hòa nhau mà biến hóa sanh ra Vũ trụ và vạn vật. Đó là điểm cốt yếu của Kinh Dịch, bởi vì Dịch là biến đổi. Trong Trời Đất, không có cái gì là không biến đổi, không có cái gì là nhứt định. Tất cả đều biến đổi, xoay chuyển, lưu hành khắp nơi, nhưng đều phát sinh từ một Lý duy nhứt là Thái Cực. Chỉ có Thái Cực là tuyệt đối, còn tất cả đều là tương đối. Do đó, Đức Khổng Tử lấy chủ nghĩa “ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể “ làm căn bản cho học thuyết của Nho giáo.
Tin tưởng đấng tối cao là Trời, là thiên mệnh. Tất cả vạn vật đều do Trời tạo nên. 
Nhất là Trường Phái Tân Nho giáo, được Hàn Dũ và Lý Ngao khai sáng từ thời nhà Đường. Đến đời Tống, được Trình Hạo, Trình Di, Chu Đôn Di, Chu Hi phát triển và trở thành trường phái Nho học chủ đạo thời nhà Tống và nhà Minh. nên được gọi là Tống Nho. Phái Tống Nho đã mang học thuyết của Lão và Phật Giáo nhất là Thuyết Vô Vi hòa nhập một phần vào Nho Giáo, vì thế có người nói Tam Giáo Quy Đồng.

3- Vô trong Lão Giáo

Theo Kinh Địch, Thái Cực Đồ nguyên lý phát sinh Âm-Dương.
          Vô Cực sinh Thái Cực
          Thái Cực sinh Lưỡng Nghi
Trong đó:
          - Vô Cực tương đương trong Lão giáo là Vô Vi – có thể coi là hư vô.
          - Thái Cực có thể coi như trạng thái cân bằng khi vũ trụ hình thành.    
          -  Lưỡng Nghi là 2 thành phần Âm và Dương.

* Đạo Đức Kinh

Lão Tử khi viết Đạo Đức Kinh, không hệ thống tư tưởng theo thứ tự, mà lời lẽ trong Đạo Đức Kinh lại rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ "Đạo Đức", nói về cơ tạo hóa, định vị trời đất, hóa sinh vạn vật, gồm Thượng Kinh nói về "Đạo", Hạ Kinh nói về "Đức"

Thượng Kinh (Đạo Kinh)

Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh. Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: "Đạo khả Đạo phi thường Đạo".  
 
                                      道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名.
               Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh.
(Đạo có thể gọi được, thì Đạo không hợp lẽ thường. Tên mà có thể gọi được, thì tên không hợp lẽ thường).

                無 名 天 地 之 始; 有 名 萬 物 之 母.
    Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.
(Không tên là khởi nguồn của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật)
 
Bàn về Đạo cần chi phải nhiều lời, vì: 
«Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ, 一 言 可 以 大 悟  (một lời cũng đủ biết tất cả)
Bán cú khả dĩ thông huyền.»  半 句 可 以 通 玄  (nửa câu cũng đủ thấu lẽ cao thâm).

                   道 常 無 為 而 無 不 為. 
              Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.
(đạo thường không làm gì; nhưng không gì không làm).

                       道 沖 而 用 之 或 不 盈. 淵 兮 似 萬 物 之 宗.
          Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề tự vạn vật chi tông.
(Đạo rỗng không mà dùng không hết. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông vạn vật).

Trước Lão Tử , các nhà tư tưởng trong “Bách gia Chư tử” quan niệm: Đạo chỉ là nhân đạo, đạo lý làm người. Đến Lão Tử, Đạo được hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm Triết học, thông qua Đạo có thể hiểu được quá trình hình thành và phát triển của thế giới.

Mặc cho Khổng Tử thừa nhận Trời là đấng tối cao, sinh ra muôn vật, Mạnh Tử cũng khẳng định điều đó, Mặc tử coi là tất nhiên, không phải bàn luận. Ngược lại, Lão Tử phủ định vai trò tối cao của Trời, không thừa nhận trời sinh ra muôn loài. Ông nói: Có một vật trộn lộn mà thành, sinh ra trước trời đất, ta không biết tên nó là gì, nên mới cho tên riêng là Đạo.
Như vậy, có thể hiểu là: Đạo là cái đầu tiên, cái có trước, trước cả trời - đất và muôn loài. Đạo là khởi nguồn của vũ trụ, không có đồng loại, không có gì sánh được. Đạo tồn tại độc lập tuyệt đối, không có gì chi phối được.
Đạo có trước Trời, Đất; trong Đạo có vật chất. Đạo chính là vật chất, là nguyên tố sinh ra vạn vật.
Đạo là sự vận động và chuyển hoá lẫn nhau của vật chất
Đạo là qui luật hình thành vạn vật.

Ở thời thượng cổ, khi chưa có thuyết tiến hoá và phép biện chứng duy vật, Lão Tử đã nêu ra lý thuyết: Đạo sinh ra Một, Một sinh ra Hai, Hai sinh ra Ba, Ba sinh ra vạn vật. Vạn vật đều cõng âm và ôm dương trong quá trình phát triển. Ông còn nhấn mạnh: Đạo vừa là không (Vô), vừa là có (Hữu). Không và Có là hai trạng thái trong hai giai đoạn của Đạo. Khi Đạo ở trạng thái vô thanh vô sắc, vô hình, vô tướng thì là không, khi Đạo sinh thành Trời đất vạn vật thì là có. Trong khái niệm Đạo của Lão Tử bao gồm khái niệm vật chất cùng các thuộc tính của nó là vận động, không gian, thời gian, sự thống nhất của các mặt đối lập ...

Lão Tử cho rằng Đạo là bản thể của vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra trời đất, vạn vật, là đường lối muôn vật noi theo. Đạo tồn tại độc lập, bất biến, đạo là vật chất chứ không phải là tinh thần, là tổng thể những qui luật chi phối sự sinh thành, biến hoá của vũ trụ.

Đặc tính của Đạo là: Vô cùng, vô tận, không bao giờ hết, tồn tại khách quan, thuận với tự nhiên, không can thiệp, chế ngự tự nhiên, luôn luôn vận động, vĩnh cửu, lâu dài, phổ biến trong mọi vật, có khả năng chuyển hoá, quay trở lại trạng thái ban đầu và hết sức huyền diệu.

Theo Lão Tử: Đạo mà có thể diễn tả được bằng lời thì không phải là cái Đạo Vĩnh Cửu, bất biến. Tên mà có thể gọi ra được thì không phải là tên Vĩnh Cửu, thường hằng. Cái Đạo trường tồn bất biến ấy thật quả nó ở ngoài vòng ngôn ngữ, nhạt không có mùi, nhìn không thể thấy, nghe không thể rõ dùng không thể hết. Đạo là một cái gì lúc ẩn lúc hiện, dù mập mờ thấp thoáng mà ở trong vẫn có hình tượng, vẫn có vật chất, dù sâu thăm thẳm, tối như bưng mà ở trong vẫn có tinh tuý.
Lão tử khuyên chúng ta nên sống giản dị, tự nhiên, tuần tự nhi tiến, đừng lo lắng làm những chuyện bất thường.  Những chuyện bất thường không thể tồn tại, y thức như những cơn giông cơn gió, những trận mưa lũ, mưa rào, chỉ chốc lát rồi lại qua đi.

Hạ Kinh (Đức Kinh)

Gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: "Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức". Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.

               上 德 不  德, 是 以 有 德.
      Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức.
(Đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức).

                   上 德 無 為 而 無 以 為. 下 德 為 之而 有 以 為.
           Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi. Hạ đức vi chi nhi hữu dĩ vi.
(Bậc đức cao không làm, lại không hệ lụy vì công việc. Người đức thấp có làm, lại hệ lụy vì công việc).

      Đức 德 là sự phát huy của Đạo 道 ra bên ngoài.

                   道 生 之, 德 畜 之, 物 形 之, 勢 成 之. 是 以 萬 物 莫 不 尊 道 而 貴 德.
    Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức. 
(Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho hình, hoàn cảnh tác thành (muôn vật). Cho nên muôn vật đều tôn Đạo, quí Đức). 
Như vậy, Đạo sinh ra vũ trụ, vạn vật. Đức nuôi dưỡng và giúp vũ trụ, vạn vật phát triển đến chỗ hoàn mỹ. 

                  道 之 尊, 德 之 貴, 夫 莫 之 命, 而 常 自 然.
          Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên.
( Đạo thì kính, Đức thì quý , mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã như vậy)

故 道 生 之, 德 畜 之, 長 之, 育 之, 成 之, 熟 之, 養 之, 覆 之, 生 而 不有, 為 而 不 恃, 長 而 不 宰, 是 謂 玄 德.
Cố Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng chi, dục chi, thành chi, thục chi, dưỡng chi, phú chi, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức.
(cho nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh vạn vật mà không nhận là của mình; làm mà không cậy công; làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, thế gọi là Đức nhiệm mầu).

             道 是 德 的 體 . 德 是 道 的 用
     Đạo thị Đức đích thể, Đức thị Đạo đích dụng
(Đạo là bản thể của Đức, Đức là ứng dụng của Đạo).

Như vậy Đạo là một nguyên lý siêu việt, là nguyên lý cấu tạo ra vạn vật. Còn Đức bao gồm tất cả các ảnh hưởng, các hiệu năng của Đạo để giúp cho muôn vật được đi tới toàn vẹn.

Vô vi

Nếu tìm hiểu học thuyết vô vi của Lão Tử một cách toàn diện chúng ta càng thấy ông là một người xuất chúng. Mặc cho Khổng Tử thừa nhận Trời là đấng tối cao, sinh ra muôn vật, Mạnh Tử cũng khẳng định điều đó, Mặc tử coi là tất nhiên, không phải bàn luận.
Khái niệm vô vi trong Đạo Đức kinh thường được hiểu lầm là không nên làm gì cả, nhưng thật ra Lão Tử khuyên rằng "Làm mà như không làm, như thế có đặng không".

               為 學 日 益, 為 道 日 損. 損 之 又 損, 至 於 無 為.
          Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí vô vi.
(theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức Vô vi).

                 無 為 而 無 不 為, 取 天 下 常 以 無 事. 及 其 有 事, 不 足 以 取 天 下. 
         Vô vi nhi vô bất vi, thủ thiên hạ thường dĩ vô sự. Cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ. 
(Không làm mà không gì không làm; muốn được thiên hạ phải dùng vô vi; dùng hữu vi không đủ để được thiên hạ).

Ông cũng viết rằng: nước tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có thể chảy đến bất cứ nơi nào, và với một khối lượng lớn thì có thể làm lở cả đất đá. Như vậy vô vi có thể ví von với cách hành xử của nước. Vô vi nhi vô bất vi(chương 48), vô vi là hành động theo tự nhiên, là làm mà không có tâm riêng, cũng như đói thì phải ăn, khát thì phải uống".

       天 下 之 至 柔, 馳 騁 天 下 之 至 堅. 無 有 入 無 間. 吾 是 以 知 無 為 之 有 益. 

Thiên hạ chi chí nhu, trì sính thiên hạ chi trí kiên. Vô hữu nhập vô gián.  Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích.
(Cái mềm nhất trong trời đất chi phối được cái cứng nhất trong trời đất. Cái «không có» lọt được vào chỗ «không có kẽ hở». Vì thế nên ta biết lợi ích của vạn vật).

              不 言 之 教, 無 為 之 益, 天 下 希 及 之
      Bất ngôn chi giáo vô vi chi ích thiên hạ hi cập chi. 
(Cách Dạy mà không dùng đến lời, cũng như ích lợi của «Vô vi», ít người có thể hiểu thấu).

Lão Tử là một đại trí thức, một người ưu thời mẫn thế, lập nên học thuyết vô vi mong cứu vãn thời thế. Học thuyết vô vi của Lão Tử nhấn mạnh “Vô dục”, “Vô vi”, “bất tranh”. Ông cho rằng bản tính tham lam, hiếu thắng là nguồn gốc của mọi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Muốn cho xã hội thái bình, con người phải sống thanh cao, không tham lam, không màng danh lợi.

              不 尚 賢, 使 民 不 爭. 不 貴 難 得 之 貨, 使 民 不 為 盜. 不 見 可 欲, 使 民 心 不 亂.
Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.
(Không sùng thượng hiền tài, khiến cho dân không tranh. Không quí của khó được, khiến cho dân không trộm cướp. Không phô trương những gì kích thích lòng ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn).

         是以 聖 人 之 治, 虛 其 心, 實 其 腹, 弱 其 志, 強 其 骨. 常 使 民 無 知 無 欲. 使 夫 知 不 敢 為 也.
Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. Sở phù trí giả bất cảm vi dã. 
(Vì vậy phép trị nước của thánh nhân là làm cho dân: Trống lòng; No dạ; Yếu chí; Mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết, không ham. Khiến cho kẻ trí không dám làm gì cả).

                     為 無 為, 則 無 不 治
                     Vi vô vi, tắc vô bất trị.  
(Làm theo phép Vô vi, thời không gì là không trị).

         為 無 為, 事 無 事, 味 無 味. 大 小 多 少; 報 怨 以 德.
    Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. Đại tiểu, đa thiểu; báo oán dĩ đức.
(Làm hay không làm, có việc hay không việc, có mùi hương hay không mùi hương. Lớn nhỏ, nhiều ít, nên lấy đức báo oán).

Triết lý “vô” - “hữu”, “có” - “không” biểu hiện trong hành động của con người là “Vô vi nhi vô bất vi”. Đó là điều cuối cùng Lão Tử muốn vạch ra trong toàn bộ tác phẩm của mình. Ở đây, Lão Tử không có ý bảo “vô vi” chỉ là “vô vi”, ông nói rõ “vô vi” mà vẫn “hữu vi” và là làm theo tự nhiên, vì chỉ có theo quy luật tự nhiên thì hoạt động mới có hiệu quả. Trong Đạo đức kinh, “Vô vi nhi vô bất vi” là tư tưởng khó hiểu nhất nhưng cũng sâu sắc nhất xuyên suốt nội dung tác phẩm.  

4- Kết Luận

         Với Đông Phương, Vô Vi là một Triết lý rất thâm sâu. Tựa mơ hồ, tựa hiện thực, có đó mà như không có, nhưng bao trùm cả vạn vật.
Như Phật Giáo phải diệt những dục vọng để trở về vô ngã. Nho Giáo cho vô vi là bất dịch và biến dịch nên hình thành trật tự của sự sống. Còn Lão Giáo thì không làm, nhưng lại làm tất cả.
Với sự hiểu biết thâm sâu của các học giả trên thế giới, từ Đông sang Tây, khi tìm hiểu về các tư tưởng Tam giáo, nhất là Lão Giáo, mỗi người mỗi ý. Tuy rằng "Văn dĩ Tải Đạo", nhưng không thể diễn tả được hết ý Đạo.
     Đối với các Học Giả còn vậy, thế còn mình? 
Chỉ thích tìm hiểu và thích viết, nên cũng đua đòi chen vào nơi bí hiểm này! Thôi thì cứ coi như  :"Có cũng như không. Viết như không có viết vậy"

Huỳnh Hữu Đức

***
(theo: daoduckinh.com; nhantu.net; Tam Giáo Đại Cương của Trần Văn Hiến Minh và Vũ Đình Trác)


Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

HƯƠNG XƯA- Tưởng Nhớ Ca Sĩ Lệ Thu

 
       Giọng Ca Vàng Lệ Thu   
 
"Chiếc Lá cuối Cùng" lưu luyến ai
"Thu Sầu " than thở suốt đêm dài
"Mùa Thu Chết" đọng theo ngày tháng
"Thu Hát Cho Người" cánh hạc bay
Ru mãi đôi bờ "Thuyền Viễn Xứ"
Ngậm Ngùi" chiếc bóng hận chương đài 
"Hương Xưa" gợi nhớ người năm cũ
"Nước Mắt Mùa Thu" khóc tiễn ai.
                                    Quên Đi
  

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Đoạn Kết

 
Ta chẳng thể còn đến với nhau
Hương xưa mộng cũ đã phai màu
Vu Sơn bao giấc đà đong đủ
Những cánh tình thơ cũng nát nhàu
Luyến tiếc mà chi thêm nặng gánh
Vấn vương càng khiến dạ oằn đau
Thôi thì chấp nhận đời hai ngã
Duyên phận lỡ rồi hẹn kiếp sau.
                                  Quên Đi

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Hoàng Hạc Lâu - Nguyễn Trung Ngạn

Góc Việt Cổ Thi Nguyễn Trung Ngạn

     黃鶴樓                  Hoàng Hạc Lâu

旅懷何處可消憂,    Lữ hoài hà xứ khả tiêu ưu ?
黃鶴磯南一倚樓。    Hoàng hạc cơ nam nhất ỷ lâu.
夏口遠帆來別浦,    Hạ Khẩu viễn phàm lai biệt phố,
漢陽晴樹隔滄洲。    Hán Dương tình thọ cách thương Châu.
樓前歌管迴翁醉,    Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
檻外煙波太白愁。    Hạm ngoại yên ba Thái Bạch sầu.
猛拍欗杆還自傲,    Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
江山奇絕我茲遊。    Giang sơn kỳ tuyệt ngã tư du !
              阮忠彥                        Nguyễn Trung Ngạn

* Chú Thích :
  - Lữ Hoài 旅懷 : LỮ là Ở xa nhà, HOÀI là Nỗi lòng, nên LỮ HOÀI là Nỗi lòng của người xa xứ.
  - Tiêu Ưu 消憂 : là Tiêu trừ ưu tư, là Làm cho hết buồn lo.
  - Hoàng Hạc Cơ 黃鶴磯 : là núi đá nhô lên trên Xà Sơn của thành phố Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Tương truyền có tiên nhân Tử An cởi hạc ghé ngang qua đây, nên mới có tên là HOÀNG HẠC CƠ. Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên Hoàng Hạc Cơ nầy.
  - Hạ Khẩu 夏口 : Nằm trong quận Giang Hạ, là Hán Khẩu của thành phố Vũ Hán hiện nay, nằm ở phía đông của Hán Thủy và bờ bắc của sông Trường Giang.
  - Hán Dương 漢陽 : Địa danh nằm ở phía tây Hoàng Hạc Lâu và ở bờ bắc của sông Hán Thủy.
  - Thương Châu 滄洲 : Phiếm chỉ Đại từ dùng để chỉ những bến nước hay cồn đảo, nơi mà ngày xưa các ẩn sĩ hay tìm đến để ở. Còn THƯƠNG CHÂU 滄洲 (địa danh) là thành phố lớn phía đông nam của tỉnh Hà bắc, phía đông giáp biển Bột Hải, phía bắc giáp thành phố Thiên Tân, cách Hoàng Hạc lâu rất xa.
  - Hồi Ông Túy 迴翁醉 : Chỉ Ông đạo sĩ trở lại uống rượu say sưa lần chót trên lầu, rồi thổi tiêu cho hạc bay xuống và cởi hạc đi mất.
  - Thái Bạch Sầu 太白愁 : Thi tiên Lý Bạch buồn vì không làm thơ được trước bài thơ qúa hay của Thôi Hiệu.(Mời đọc bài Hoàng Hạc Lâu theo link dưới đây sẽ rõ :
  - Mãnh Phách 猛拍 : là Vỗ mạnh, vỗ đánh đét vào ...cái gì đó.
  - Tư 茲 : là Nay, là Nầy. TƯ DU 茲遊 là Nay ta được dạo chơi ở đây. 
                      
* Nghĩa Bài Thơ :
                                    LẦU HOÀNG HẠC 
        Nỗi lòng của người xa xứ biết nơi nào mới có thể tiêu sầu được đây ? Chỉ có đứng vựa vào lầu để ngắm lầu Hoàng Hạc trên Hoàng Hạc Cơ mà thôi ! Từ cửa Hạ Khẩu ta thấy những cánh buồm xa xa đến từ những bến bờ khác, Cách các cồn đảo trên sông nước ta thấy hàng cây xanh bày ra bên bờ Hán Dương xa xa. Trước lầu tiếng tiêu thiều ca múa như lúc ông đạo sĩ uống say trở lại, và bên ngoài lầu khói sóng trên sông làm cho Lý Thái Bạch phải buồn bã vì không làm thơ được. Ta vỗ mạnh vào lan can mà tự mãn nguyên rằng, ngày hôm nay, tại nơi đây ta cũng đã ngắm được cảnh núi sông kỳ tuyệt nầy.

         Vẫn giữ vần điệu và âm vận bất hủ của bài "Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu" với các vần như LÂU, CHÂU, SẦU ... làm người đọc có cảm giác như đây là  một tục bản của Hoàng Hạc lâu thuở nào . Sau nầy cụ Nguyễn Du và Phan Thanh Giản khi đi sứ phương bắc cũng có thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu, mặc dù không theo các âm vận trên, nhưng cũng có nét độc đáo riêng của Lầu Hoàng Hạc nên thơ và gợi cảm theo cách nhìn và cảm xúc của từng người theo từng thời đại ...

* Diễn Nôm :
                       HOÀNG HẠC LÂU

                 Nỗi lòng viễn xứ tỏ nơi đâu ?
                 Đứng tựa nam cơ Hoàng Hạc Lâu.
                 Hạ Khẩu buồm xa từ bến lạ,
                 Hán Dương cây tạnh cách thương châu.
                 Trước lầu tiêu sáo ông say đến,
                 Ngoài bãi khói sông Lý Bạch sầu.
                 Vổ mạnh lan can lòng tự mãn,
                 Núi sông tuyệt đẹp khỏi tìm đâu!
    Lục bát :
                        Lòng sầu lữ khách khôn khuây,
                 Lên lầu Hoàng Hạc ngắm mây cuối trời.
                      Cánh buồm Hạ Khẩu ngoài khơi,
                  Hán Dương trời tạnh cây phơi bãi cồn.
                           Trước lầu tiêu sáo dập dồn,
                   Ngoài hiên Lý Bạch chợt buồn vì thơ.
                          Lan can vổ mạnh chẳng ngờ,
                  Núi sông thắng cảnh hiện giờ riêng ta!
                                                   Đỗ Chiêu Đức

Quên Đi xin dịch góp vui với anh Chiêu Đức

            Dạo Lầu Hoàng Hạc
1/
Nỗi buồn xa xứ gởi về đâu
Ngắm dãy Hoàng xa đứng tựa lầu
Hạ Khẩu buồm giương thuyền khuất bóng
Hán dương cây lặng bến sông sâu
Trước thềm say rượu tiên ông hát
Ngoài quán sương giăng Lý Bạch sầu
Nhịp gõ lan can lòng sảng khoái
Núi sông cảnh đẹp gót dừng lâu.

2/
           Thân nơi đất khách sầu lan 
   Dựa lầu cao ngắm dãy Hoàng Hạc xa
       Buồm giương Hạ Khẩu lướt qua 
   Hán Dương bãi vắng cây già lặng im
            Nhạc say chốn cũ lão tìm
Nỗi buồn Lý Bạch đắm chìm trong sương
          Theo nhịp vỗ hết chán chường
   Núi sông thật đẹp vấn vương khó rời
                                                Quên Đi

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

You say you love

Các Bài Dịch: 

Dịch nghĩa:

Em nói em yêu mưa
Nhưng em lại mở ô khi trời mưa
Em nới em yêu mặt trời 
Nhưng em lại đi tìm bóng râm khi mặt trời tỏa nắng.
Em nói em yêu gió
Nhưng em đóng cửa sổ khi gió lùa
Đó là lý do tôi sợ
Em nói em cũng yêu tôi.
  
Dịch Thơ:

Lời Em Nói

Em thường nói em yêu mưa lắm!
Lại giương dù khi lấm tấm mưa.
Nói yêu giọt nắng ban trưa
Lại tìm bóng núp khi vừa nắng lên.

Em hay nói em thèm tiếng gió
Nhưng buông rèm khi gió hôn môi.
Lòng tôi nơm nớp em ơi!
Khi em cũng nói yêu tôi thật nhiều 

                Mailoc phỏng dịch 
                Oct -24-2020
***
             Không Đề

Thấy mưa em nói rằng yêu
Mà sao lại chạy vào liều tránh mưa?
Bảo rằng yêu nắng buổi trưa!
Mà tìm bóng mát khi vừa chói chang 
Nói rằng yêu gió nồng nàn!
Thì em lại đóng cánh màn, rèm buông
Cho nên nghe tiếng yêu thương...
của em....tôi sợ,vấn vương rất nhiều

                               songquang 
***
          Nghi Ngại

Nghe rằng em nói thích mưa
Sao dù lại mở ngăn ngừa giọt rơi
Em rằng cũng thích mặt trời
Cớ sao tìm chỗ tránh nơi nắng hồng
Em còn nói thích gió lồng
Sao rèm lay mạnh khép song vội vàng
Giờ em cất tiếng yêu chàng
Chợt anh cảm thấy bất an dạ này.

                             Quên Đi
***
            Nghi Ngờ


Em rằng em rất yêu mưa
Sao khi mưa đổ che ô vội vàng
Em rằng em thích nắng tràn
Lại tìm bóng mát chói chang nắng về
Em rằng thích gió đê mê
Nhưng nhanh đóng cửa những khi gió luồn
Giờ nghe em nói yêu thương
Lòng tôi lo sợ nỗi buồn tình xa

                              Trầm Vân