Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần 16

 Sa Nang Ủng Thuỷ
Theo "Tây Hán chí ", "Sa nang ủng thủy" là một kế hoạch của tướng Hán là Hàn Tín đánh bại quân Sở tại ngọn sông Duy thuộc tỉnh Sơn Đông. Đây là kế hoạch lấy bao cát (sa nang) để chận nước nguồn lại (ủng thủy) rồi chờ giặc đổ đến thì cạy bao cát lên, xổ nước xuống làm ngập quân địch.
Long Thơ là tướng của Sở đem binh đánh Hán. Hàn Tín lui binh 5 dặm, nói với các tướng:- Long Thơ là danh tướng, ỷ mình mạnh mà đến đây, ta phải dùng trí thắng chớ nên dùng sức.
Hôm sau, Hàn Tín ra ngựa đối địch với Long Thơ. Thơ đánh mỗi lúc càng hăng, càng mạnh. Hàn Tín bỏ chạy. Thơ xua quân, đuổi theo. Đến sông Duy, nước cạn khô. Binh của Hàn Tín giục ngựa qua sông một cách dễ dàng. Tướng Sở là Chu Lan theo sau lấy làm nghi hoặc, tiến đến ngăn Long Thơ:- Sông Duy sâu dài, nước cuồn cuộn chảy, nay lại không có nước chắc là chúng đã chận ở trên nên nước không đổ xuống được. Chúng đợi binh ta qua sông rồi xổ nước thì bấy giờ ta làm sao ngăn kịp.Long Thơ không tin, nói:- Hàn Tín đã thua chạy, còn rảnh đâu mà bày mưu kế. Vả lại nước sông tùy mùa hạn lụt. Lúc này là tháng chạp nhằm tiết đông, ấy là lúc nước kém nên sông cạn, có lấy chi làm lạ.Bấy giờ trời đổ tối. Vừa lúc ấy có quân báo là Hàn Tín còn ở gần trước đây. Long Thơ lập tức huy động ba quân qua sông đuổi theo, quyết bắt Hàn Tín cho kỳ được. Vừa đến giữa sông, thấy có chiếc lồng đèn treo trên cao, Long Thơ tò mò đến xem. Bên cạnh đèn ấy có dựng một mộc bài đề 6 chữ lớn: "Điếu đăng cầu trảm Long Thơ" (treo lồng đèn chém Long Thơ). Long Thơ nói:- Hàn Tín thấy binh ta rượt gấp, muốn cho binh ta lui nên dựng mộc bài dọa ta.
Chu Lan suy nghĩ một lúc nói:- Đêm hôm tăm tối lẽ nào hắn làm gấp được. Hay hắn đã làm sẵn để dẫn dụ binh ta đuổi theo đến chỗ này đặng binh Hán coi chừng lồng đèn mà tiến đến. Vậy ta chặt ngã đèn tất binh Hán phải loạn.Long Thơ đưa dao chặt ngã đèn.
Ánh đèn vừa tắt thì đột nhiên binh Hán đã mai phục từ đâu nhứt loạt đổ đến như vũ bão. Tiếng la hét vang dậy cả một vùng trời. Rồi nước từ trên ngọn sông Duy ầm ầm đổ xuống nhanh như tên bắn.Binh Sở khủng khiếp. Đương ở giữa sông, chúng không sao đứng vững được. Nước tràn đến cuồn cuộn, cuốn phăng chúng đi như cuốn phăng những chiếc lá vàng. Long Thơ hốt hoảng, giục ngựa chạy khan. Ngựa của Long Thơ là Thiên lý cu nên nhảy vài bước là đến bờ. Hắn vừa muốn tìm đường chạy thì một tiếng súng nổ vang, tướng Hán là Tào Kham, Hạ Hầu Anh cùng một số tướng tá xông ra bao vây. Long Thơ tả xông hữu đột, không thoát khỏi được. Đêm tối dày đặc lại ở vào một thế bị động, địa hình địa vật không biết nên không phương xoay trở, giữa lúc vòng vây mỗi lúc càng siết chặc, Long Thơ dầu có sức mạnh cử đảnh bạt sơn cũng khó lòng mong thoát khỏi.Ngọn đao của Tào Kham phạt ngang chiếu một ánh sáng loang loáng. Long Thơ trở tay chẳng kịp bị một đao ngã gục tại phía bắc sông Duy. Còn tướng Chu Lan thừa lúc binh loạn và trời tối, trốn thoát được, hú hồn hú vía.
Đó là trận đánh lịch sử "Sa nang ủng thủy" của nhà quân sự đại tài Hàn Tín đời Tây Hán trong cuộc Hán Sở tranh hùng.Nước Việt Nam ta cũng có trận đánh như thế.
Thực dân Pháp chiếm lấy Việt Nam. Cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài đến 10 năm. Tuy chí phấn đấu kiên trung có thừa nhưng sức người có hạn nên lực lượng nghĩa quân ngày càng hao mòn. Quân Pháp đánh rát quá, năm 1895, cụ Phan phải rút quân về đóng ở thung lũng của núi Vụ Quang, cách đồn Pháp không bao xa. Cụ dự đoán sớm muộn nay mai giặc Pháp cũng đến vây đánh. Nhìn dòng sông Vụ Quang thấy quanh co một giải trắng phau, nước cuồn cuộn chảy, cụ Phan vui vẻ nói:- Nếu quân Pháp kéo đến đánh ta thì con sông kia có thể cự địch được lắm. Ta sẽ dùng kế "Sa nang ủng thủy" của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa mới được.
Quả thực, lúc quá nửa đêm, giặc Pháp kéo đến đánh trái núi có đồn nghĩa quân đóng. Nhưng trước khi chúng chưa đến thì cụ Phan đã kéo quân dời qua đóng trên một thung lũng núi khác.
Giặc Pháp bao vây, chĩa súng bắn như mưa nhưng không thấy nghĩa quân bắn trả lại một tiếng. súng nào. Đồn tại bằng cây lá bị đạn phát cháy. Bấy giờ giặc mới đoán chắc là nghĩa quân đã sợ bỏ chạy từ lúc nào. Chúng xông lên núi xem rõ hư thực. Đến nơi chẳng thấy bóng một người. Còn lại và nhà chưa bị cháy, thấy có ít nhiều khí giới là dao cùn, gươm mẻ bỏ nằm ngổn ngang. Giặc Pháp bấy giờ càng tin chắc là nghĩa quân hoảng sợ bỏ chạy thực.
Giữa lúc bọn giặc Pháp đương lục lạo ngẩn ngơ trong những đồn trại bỏ trống như thế thì bỗng nghe có tiếng trống, tiếng hò hét vang dậy từ dưới chân núi đưa lên. Nhìn xuống, thấy lô nhô một toán quân độ trên trăm người phất cờ, gióng trống toan xông lên núi để đánh. Đồng thời tiếng súng bắt đầu nổ đoành đoàn tứ phía.
Giặc Pháp biết là nghĩa quân, tức tốc đổ xuống núi chận đánh và đuổi bắt. Từ xa, hai bên ứng chiến bằng súng đạn. Một lúc, đạo quân này xem chừng núng thế, vội vàng rút lui, nương theo những lùm cây và mô đất để tránh đạn. Giặc Pháp thừa thế đuổi theo và bắn dữ dội. Nhưng đạo quân bại tẩu chỉ chạy được một quãng đường thì nằm phục xuống bắn trả lại. Rồi một lúc lại bỏ chạy. Cứ chạy lại bắn. Cứ bắn lại chạy. Giặc Pháp càng tức, càng giận, phát ghét càng cố rượt theo quyết giết ráo cho kỳ được mới nghe.
Ra tới sông Vụ Quang, đạo quân bại tẩu cư" chạy dựa bên mé sông. Đến một chỗ nước hơi cạn, họ bỏ hết cả cờ trống và quân giới tại mé sông, rồi tranh nhau lội qua sông mong thoát thân cho mau. Giặc Pháp đuổi nà tới, đến chừng thấy đạo quân bại tẩu đã sang sông thì chúng ùa xuống sông để đuổi cho kịp. Nước chỉ đến đầu gối.Nhưng khi chúng lội đến giữa sông thì bỗng trên núi cao có tiếng súng lịnh làm hiệu. Chúng chưa hiểu ất giáp ra sao thì bỗng dưng nước cuồn cuộn đổ đến. Tiếng nước chảy ầm ầm như đất lở trời nghiêng...Nguyên cụ Phan truyền cho nghĩa quân lấy những khúc gỗ lim to ghép liền vào nhau thành từng bè lớn. Đoạn đóng suốt thân cây này qua cây kia thật chặt, và lấy mây rừng buộc cứng lại, rồi đặt ngay đầu nguồn sông Vụ Quang là sông phát nguyên từ núi Vụ Quang đổ xuống. Nghĩa binh cốt chận đầu nguồn cho nước dưới sông cạn nhiều, rồi dùng kế dụ địch, đợi giặc Pháp qua đến giữa sông thì chặt dây cho nước đưa cây trôi xuống. và hai bên sông lại phục binh chờ sẵn.Lạ gì nước trên nguồn bị cây chặn lại, tức đường bí lối đã lâu, nay cây tháo ra, nước được tự do hoạt động mà chảy. Gỗ lim to tướng theo nước từ trên cao trôi phăng xuống mạnh mẽ hung hăng như đàn sấu đói. Trời có sương mù, giặc Pháp vô ý lại không thấy được xa, vả lại bị phục binh bắn xuống dữ dội, chúng hốt hoảng lúng túng vừa bị nước cuốn vừa bị cây đẩy, lại thêm đạn bắn tứ tung, thật là một trận cực kỳ kinh khủng.Trận này, giặc Pháp không kể lính tập, chết mất ba viên võ quan. Nghĩa quân đoạt lấy gần 50 khẩu súng cùng đồng hồ, dây nịt bằng da vô số.Đây là trận "Sa nang ủng thủy" ở Việt Nam. Có khác với Hàn Tín là không dùng bao cát mà dùng cây chận nước.Về sau, một người chí sĩ là Phạm Văn Ngôn đi qua chỗ trận đánh này, có làm hai bài thơ "Hoài Vụ Quang sơn cố sự". Dưới đây là một trong hai bài ấy:
Phi vi hiểu vụ tỏa hàn khê,
Châu lạp ô thương phục ngạn tê
.Nhất hưởng đồng la ham sát tặc.
Đại gia tề quyết thượng lưu đê.
Nhà văn Đào Trinh Nhất dịch đại khái:
Gió lạnh sương mù buổi rạng đông,
Ba quân phục sẵn ở bên sông,
Chiêng khua một tiếng quân reo dậy,
Đê phá trên nguồn nước chảy hung.
***

Đạo Binh 80 Mỹ Nhân Phá Nước LỖ
Vua Định Công nước Lỗ cử Khổng Tử làm Tướng quốc. Nước Lỗ ngày càng cường thịnh.
Tề là nước tiếp giáp của Lỗ. Trước sự cường thịnh của Lỗ, Tề hầu là Tề Cảnh Công lo sợ bị Lỗ thôn tính. Quan đại phu nước Tề là Lê Di hiến kế:- Bản tính con người hễ được cường thịnh thì hay sinh lòng kiêu dật. Xin chúa công lập bộ nữ nhạc dâng cho vua Lỗ. Được bộ nữ nhạc, vua Lỗ tất sinh lười biếng mà chán bỏ Khổng Khâu. Bấy giờ Khổng Khâu tất bỏ Lỗ mà đi, chúa công mới có thể ngồi yên được.Tề Cảnh Công bằng lòng, sai Lê Di kiểm điểm trong đám nữ lư chọn những nàng xinh đẹp độ 18, 20 tuổi, cả thảy 80 nàng, chia làm 10 đội đều cho trang phục gấm vóc lộng lẫy và dạy múa hát. Khúc hát ấy gọi là Khang nhạc, điệu bộ mới lạ, ẻo lả, có nhiều cử chỉ hấp dẫn, gọi tình. Khi luyện tập đã thành, lại dùng 120 cỗ ngựa cương vàng, yên nạm, mỗi con một sắc đẹp đẽ như gấm hoa, đem dâng cho Lỗ Định Công.Tám mươi mỹ nữ trải qua các con đường trong kinh thành nước Lỗ, tha thướt như những nàng tiên trong những truyện truyền kỳ diễm ảo. Vua nước Lỗ ngự chu trên bờ hồ nhìn thân hình uyển chuyển của các nàng từ trên bờ nhảy xuống thuyền nhẹ nhàng, phất phới như một đàn bướm trắng lượn hoa.Thuyền vừa đổ bến, các mỹ nữ ấy nhẹ nhàng nhảy lên, reo cười trong trẻo vui tươi như đàn chim non. Rồi người đàn, kể múa, họ nô đùa viên hoàng môn quan và tiến đến ngân loan điện. Vua mỉm cười khoan khoái kêu hỏi, cả bọn đồng thanh đáp:- Chúng tôi đều là thế nữ của nương nương đây.Vừa nói họ vừa trỏ vào một người đẹp nhất trong bọn, uy nghi, đường bệ như một bà chúa, một nữ hoàng. Nàng mặc một chiếc áo trắng thưa như màn sương khói mỏng để lộ ra những đường cong của bắp thịt, của một vóc hình thon chắc, yểu điệu tuyệt mỹ. Thật là một tác phẩm linh động, vĩ đại do một kỳ công kỹ xảo của Hóa công. Nhà vua đến gần hoa khôi, ngập ngừng ngọt dịu hỏi tên. Nàng mỉm nở một nụ cười như hoa hàm tiếu e lệ dưới ánh trăng thanh, đoạn cất giọng oanh thỏ thẻ:- Tâu bệ hạ, thần thiếp chính là Văn Khương, nay được diễm phúc vào hầu bệ hạ.Lỗ Định Công ngây ngất, truyền ngay bãi chầu.Tiết xuân hòa ấm, cành quế đều mọc chồi non. Hai bên đường, hoa thủy tiên đâm chồi nẩy lộc. Nhà vua cảm thấy như mình ở chốn Đào nguyên, được gần giai nhân là người mà nhà vua đã từng khao khát mơ ước từ lâu. Trên đường về cung, nhà vua nhẹ mình cúi xuống hái mấy cành thủy tiên, âu yếm trao cho mỹ nhân.Người đẹp không từ chối. Nàng đưa bàn tay trắng nuột, xinh xắn cầm lấy cánh hoa. Hoa và bàn tay là một. Nàng ngoan ngoãn đưa hoa lên mũi, nhoẻn một nụ cười tươi thắm mê hồn.Trông vào mỹ nhân, hai má ửng hồng, đôi mắt lóng lánh hữu tình như nước hồ thu, một nụ cười tươi thắm nở mãi trên đôi môi son hé ra bày đôi hàm răng trắng nhỏ đều như ngọc làm nhà vua ngây ngất, bàng hoàng. Tâm trí rối loạn, thần hồn mê mẩn, tấm thân bảy thước, địa vị ngai vàng của vua Lỗ đã bị nhận chìm trong sóng sắc biển tình. Cầm lấy cườm tay ngà ngọc của giai nhân, nhà vua nhìn giai nhân bằng đôi mắt say đắm mờ mệt và chỉ lẩm bẩm được có một câu:- Ta yêu mỹ nhân lắm lắm!Rồi cả hai, đôi thân mình ép sát vào nhau lần bước vào chốn thâm cung.Trời sâm sẩm tối.Bốn phía, đèn đuốc nổi lên sáng rực như một hội hoa đăng.Một đoàn mỹ nữ, trang phục bằng một thứ tơ trắng mỏng như sương lả lướt theo một vũ khúc mê ly trên con đường chung quanh hồ Thưởng Nguyệt. Thân hình uyển chuyển, tha thướt theo điệu nhạc, nhìn họ có lúc ẩn lúc hiện, lúc mờ như hình bóng của khói, của sương... đương bao phủ hoàng cung.Bấy giờ, hàng võ quan bỏ cả binh thư.Bấy giờ, hàng văn thần quên hết kinh sách.Trên hồ, thuyền bè đua nhau tấp nập, rượu trà yến ẩm, đàn dịu hát hay, tiếng nói giọng cười lả lơi, diêm dúa bay bổng đến mấy từng sao.Thỉnh thoảng, một vị hoàng thân, một viên đại tướng ghé thuyền vào bờ, ôm lấy một mỹ nữ đem về tư thất; rồi mày xanh tóc bạc bên cốc rượu nồng tha hồ ân ái phỉ tình.Rồi từ ấy ...Tiếng đàn, điệu vũ từ giữa hồ trong thâm cung truyền đến ngoài thành, sự hoan lạc từ kẻ quyền quý trong vòng khuê các lan tràn đến hàng trưởng giả phong lưu. Chỉ có bọn dân đen ngày ngày tắm mưa gội gió, dãi nắng dầm sương, chui rúc trong những túp lều tranh xiêu vẹo thiếu cơm, thiếu thuốc ở chốn bùn lầy nước đọng.Thói xấu, tật dâm là những ngòi thuốc rất nhạy, những chất men dễ cho con người tập nhiễm, say đắm. Thế rồi, ai ai cũng nong nả cởi bỏ đạo nghĩa, cho là một cái ách nặng nề quàng cổ bấy lâu. Những cửa phòng khuê bỗng mở to. Trong bóng tối, thấp thoáng những bóng nữ nhi đi tìm hoan lạc. Nhiều vị Lễ quan đương cúng tế ở Thái miếu cũng vội vàng ném hương, đốt giấy cho mau để bươn bả đi tìm đến chốn yêu hoa. Nơi Tam pháp tư, một viên Đô sát già lụ khụ dừng chân trước cửa viện, thỏ một hơi dài cất giọng phều phào thiểu não:- Hỡi ơi! Thời niên thiếu của ta đâu rồi!Không còn đủ sức ngăn cản được, Khổng Tử phải bỏ nước Lỗ mà đi. Lỗ suy nhược dần, cuối cùng bị Tề thôn tính. Đạo binh mỹ nhân 80 người phá tan nước Lỗ, quê hương của một đấng thánh nhân.
***

Bối Thuỷ Trận
Hán đánh triệu. Tướng Hán là Hàn Tín bảo các tướng sĩ của mình:
- Hôm nay phá Triệu ắt thành công. Vậy ba quân chỉ ăn cơm sơ qua đỡ lòng. Trong chốc lát phá Triệu rồi sẽ ăn no.Tướng sĩ chưa dám tin nhưng phải gắng gượng vâng theo. Hàn Tín lại đem một muôn binh đóng nơi mé nước, sau lưng là một con sông to. Tướng sĩ của Triệu thấy Hàn Tín dàn mặt trận như thế thì cho là cầm quân vụng về. Họ tin tưởng sự thắng lợi sẽ nắm chắc trong tay; và bao nhiêu quân Hán đóng ởnước sông không chỗ rút lui sẽ bị tiêu diệt hay làm mồi cho thủy chúa.Hàn Tín nổi trống kéo quân ra khỏi vàm Tỉnh Hình. Binh Triệu khai đồn ra đánh. Hai bên giáp chiến được một lúc, Hàn Tín cùng tướng sĩ quăng cờ ném trống bỏ chạy xuống bờ sông. Binh Triệu thấy thắng thế, bỏ đồn trống, xông ra giành lấy cờ trống của Hán, đồng thời rượt theo Hàn Tín. Bấy giờ, quân đội đóng ở bờ sông đổ xô ra chận đánh binh Triệu. Chỉ có một con đường tiến tới, quân Hán nỗ lực đánh nhầu, một chống với mười, khí thế rất hăng. Binh Triệu phải rút lui trở về, thì thấy đồn đã bị quân Hán chiếm lấy. Trên đồn cờ Hán bay phất phới như ngạo nghễ.Nguyên hai ngàn binh Hán theo lịnh của Hàn Tín núp tại Kỳ Sơn, chờ binh Triệu bỏ đồn hăng hái ra giành cờ trống và đuổi theo Hàn Tín thì xung phong vào đồn Triệu, chiếm lấy một cách dễ dàng. Binh Triệu bấy giờ như chim mất ổ, rối loạn hàng ngũ, vỡ chạy tứ tán. Tướng Triệu là Trần Dư ra sức cản ngăn, giết hết mấy tên quân nhưng cũng không thể ổn định được tình thế.Trần Dư lại bị binh Hán bao vây, cuối cùng chết tại trận. Binh Hán thừa thắng đánh thẳng vào thành bắt vua Triệu.Các tướng hỏi Hàn Tín rằng:- Phép đóng binh, bên hữu phải có gò núi, bên tả phải có bưng chầm, sao tướng quân khiến bọn tôi lập bối thủy trận mà thắng được giặc.Hàn Tín nói:- Ấy cũng ở trong binh pháp cả, tại các ông không nghĩ đến. Trong binh pháp có nói: để vào chỗ tử địa thì sống, để vào chỗ vong địa thì còn. Nếu đem người đến chỗ sinh địa mà đánh, gặp địch mạnh thì bỏ chạy hết, như vậy còn gì binh!Các tướng đều chịu cho là hay.

***
Tiêu Lang
Thôi Giao học giỏi, thơ phú rất hay. Nhà nghèo xơ xác nhưng Thôi cũng phong lưu hào phóng rất mực.
Trong vùng có nàng họ Lương tên Bích Nga, sắc đẹp lộng lẫy, duyên dáng cực kỳ. Cha mẹ mất sớm, nàng họ Lương phải ở nhờ cô ruột. Trai tài gái sắc, Thôi Giao và Bích Nga gặp nhau rồi tha thiết yêu nhau. Nhưng mộng xây dựng gia đình của hai họ Thôi Lương chưa thành, thì chẳng may nhà cô ngày càng sa sút. Cuối cùng, người cô phải đem bán Bích Nga làm nàng hầu cho một viên Liên soái là Vu Địch.Cầm được giai nhân trong tay, họ Vu rất mực yêu thương. Lại xuất ra 40 vạn đồng tiền, xây một lâu đài cho người cô ở.
Mất người yêu đẹp, chàng Thôi đau xót, từ đó như kẻ mất hồn. Suốt ngày, chàng đứng tựa bên cội cây ngoài dinh quan Liên soái ngóng trông bóng hình người đẹp, mong được nhìn người yêu cho đỡ nỗi nhớ thương. Trên lầu, nàng Lương nhìn qua cửa sổ thấy chàng Thôi thẫn thờ buồn bã mà lòng đau như cắt.
Gặp tiết Hàn Thực, nàng Lương có việc ra ngoài dinh. Thấy chàng Thôi đứng bên cội liễu, hình vóc võ gầy, nàng Lương cảm động, ngồi trên kiệu mà khóc nức nở. Gặp nhau, nhìn nhau nhưng cả hai không dám mở lời. Bốn mắt lã chã bốn dòng châu. Thôi đau đớn làm bốn câu thơ:
Theo chân bao kẻ ngớp mùi hương,
Tầm tã khăn the lệ mấy hàng.
Một tới cửa hầu sâu tựa bể,
Chàng Tiêu từ đó khách qua đường.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Có kẻ ghét Thôi, bắt được bài thơ ấy, muốn hại Thôi nên lòn bàn thơ để trên bàn của quan Liên soái. Họ Vu xem thơ, thấy lời đã hay ý lại nhã, đẵm vẻ ai oán não nùng nên có chiều cảm động, cho lính đòi chàng Thôi vào. Thôi hoảng sợ quá. Có người xúi chàng trốn đi kẻo bị tai vạ nhưng không biết trốn đi đâu, đành phải liều vào hầu.Vừa gặp Thôi, Vu Địch liền cầm lấy tay chàng nói:- Câu: "Một tới cửa hầu sâu tựa bể, Chàng Tiêu từ đó khách qua đường" hẳn tiên sinh đau khổ lắm! Bốn mươi vạn đồng, một lâu đài có là bao mà tiên sinh nỡ tiếc lời thơ không sớm cho tôi biết. Kẻ này có hẹp gì mà chẳng cho châu về Hợp Phố!Đoạn, Vu Địch bảo mã phu xe đưa nàng Bích Nga về với chàng Thôi để cùng xum họp. Vu Địch còn đem tặng nàng Lương tất cả những nữ trang đắt tiền, trước kia đã sắm cho nàng.
Nguyên văn:
Hầu môn nhứt nhập thâm như hải,
Tùng thử Tiêu lang thị lộ nhân.

Thôi Giao đã dùng điển Tiêu lang (chàng Tiêu) trong bài thơ của mình.
Nguyên đời nhà Đường, chàng Tiêu có người vợ rất đẹp tên Lục Châu. Người nghèo, không quyền thế nên Lục Châu chẳng may bị người bắt đem dâng Quách Tử Nghi là một quan lớn đương thời. Lục Châu trở thành một nàng hầu sủng ái của Quách Tử Nghi; và từ đó, chàng Tiêu trông thấy vợ cứ dửng dưng như khách qua đường.Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Thúy Kiều và Kim Trọng tái hợp, chàng Kim lý luận về chữ trinh của Kiều để bác bỏ cái ý tự ty mặc cảm của người yêu cũ khi chàng xin chấp nối lại mối tơ tình, có câu:

Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Có điều chi nữa mà ngờ,
Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu.
Ý của Kim Trọng muốn nói nếu Kiều không ưng kết duyên với chàng là nàng cố ý bắt buộc chàng phải hờ hững không nhận nàng nữa. Hay nói một cách khác là tại sao Kiều lại cố ý làm cho chàng phải coi nàng như chàng Tiêu coi vợ cũ?
TchyA (Đái Đức Tuấn)(*), nhà thơ hiện đại có câu:
Đỡ ly ân ái qua môi thắm.
Uống chẳng vơi cho mới bẽ bàng.
Khổ nhục mảnh thân vì bát gạo,
Đường tình kia lại số Tiêu lang.
(*)chú thích thêm (ngoài tác phẩm): TchyA
***

Người Chặt Cây Quế Trong Cung Trăng
Truyện thần thoại, sách "Dậu dương tạp trở" có nói: Trong mặt trăng có cây quế cao 500 trượng. Dưới gốc có một người cầm búa chặt mãi, nhưng chặt xong thì dấu chặt dính liền lại như cũ. Người ấy tên Ngô Cương quê ở Tây Hà, tu tiên có lỗi bị phạt chặt cây.Kịch thần thoại "Lên cung trăng" của Ngô Tổ Quang cũng có chép:Ngô Cương và Phùng Mông là học trò của Hậu Nghệ. Nghệ sinh ở bờ biển Đông tức nước Hữu Cùng, võ nghệ phi thường, sức có thể nhổ núi lấp sông lại giỏi về kỵ xạ. Hai người học trò cũng đều tài ba xuất chúng.
Hậu Nghệ có công bắn 9 mặt trời cứu bá tính khỏi chết trong biển lửa nên được nhân dân kính mến, suy tôn làm hoàng đế. Lên làm vua, Nghệ lại cướp giựt của cải của nhân dân. Ngô Cương lại tòng theo thầy làm nhiều điều tàn ác, giết chóc sinh linh vô số. Phùng Mông là người hiền, can thầy can bạn không được, bỏ đi theo dân nghèo chống lại thầy.
Hậu Nghệ bắt Hằng Nga làm hoàng hậu. Sợ nàng trốn, Nghệ giam một nơi và bắt Ngô Cương canh giữ. Một hôm, Nghệ đi săn, Hằng Nga lấy cỏ Linh chi (cỏ trường sinh) của Nghệ uống vào, mình nhẹ bổng nên nàng cùng con Ngọc Thố bay lên cung trăng. Nghệ đi săn về thấy mất Hằng Nga nên tức giận, bóp cổ Ngô Cương cho đến chết. Vong hồn Ngô Cương bay lên cung trăng gặp Hằng Nga, định giết nàng báo thù. Hằng Nga hoảng hốt thì vừa lúc ấy Nguyệt Lão đến, quát to:- Ngày trước nhà ngươi giết hàng triệu sinh linh, ngày nay phải chịu quả báo, thế chưa biết ăn năn hối cải sao?Ngô Cương đáp:- Tôi chết rồi... vì Hằng Nga trốn nên đại vương giết tôi. Tôi chết oan uổng nên hồn không tiêu tan, tôi muốn trả thù.Cụ già mỉm cười:- Nhà ngươi chết như thế phải lắm, còn muốn sống làm sao nữa?- Tôi hết lòng trung vì chúa, đánh đông dẹp bắc, ngày đêm lo việc trị dân.Cụ già gật gù hỏi:- Nhà người có trị được không? Hay càng trị càng rối.- Tại đại vương quá giận giết tôị Nếu không, tôi có cách trị an thiên hạ.- Cách gì?Ngô Cương tỏ vẻ cương quyết:- Giết.Cụ già cười ha hả:- Nhà ngươi giết mấy chục năm rồi mà càng giết càng đông, càng loạn. Đồ khùng! Thân xác đã chết rồi mà hồn chưa tỉnh ngộ. Ngô Cương, có thấy cây quế kia không?Cụ già vừa nói vừa đưa tay trỏ cây quế. Ngô Cương đáp:- Thấy, mà có quan hệ gì tới tôi.- Nhà ngươi chặt cây kia ngã được thì mới có thể giết người để bình thiên hạ được.Cụ già vừa nói xong, đưa tay móc túi lấy ra một cây búa trao cho Ngô Cương. Hắn tiếp lấy búa, đưa thẳng tay lên chặt vào cây quế. Lửa trong cây quế văng ra. Cương buông búa, xuýt xoa kêu:- Cây cứng quá!Cụ già cười xòa:- Phải. Nó còn cứng hơn nhà ngươi.Ngô Cương thẹn thùa, đưa tay nhặt lấy búa đưa thẳng tay chặt lia lịa. Lửa lại bắn ra tứ tung. Mỗi lần giở búa ra thì dấu chặt lại dính liền như cũ.Cụ già bảo:- Thôi, chặt không được đâu.Ngô Cương càu nhàu:- Thây kệ tôi.- Đồ ngu đến chết vẫn không tỉnh. Nhà ngươi không thấy cây quế ấy, mày càng chặt thì cây càng lớn, càng cao, càng đẹp sao? Được. Mặc kệ cho mày chặt. Ta đi đây.
Cụ già nói xong biến mất.
Ngô Cương vẫn cầm búa chặt mãi... chặt mãi mà cây quế kia không bao giờ đứt, vẫn tươi sống kiếp kiếp đời đời.
***

Mỹ Nhân Cười Người Què Bị Chém Đầu
Bình Nguyên Quân tên Thắng, người nước Triệu đời Chiến Quốc. Được vua Huệ vương cử làm Tướng quốc phong cho đất Bình Nguyên nên gọi là Bình Nguyên Quân.
Bình Nguyên Quân cũng có lòng hiếu sĩ như Mạnh Thường Quân ở nước Tề. Khi đã quý hiển càng chiêu nạp tân khách. Trong nhà, số khách ăn thường ngày có đến vài ngàn người. Phủ đệ của Bình Nguyên Quân có một cái họa lâu để một mỹ nhân ở đấy.Lầu ấy trông sang nhà của một thường dân. Chủ nhân nhà này què chân sáng dậy khập khiễng ra xách nước. Mỹ nhân trên lầu trông thấy cười ồ lên. Một lúc sau, người què ấy đến phủ đệ của Bình Nguyên Quân xin vào yết kiến. Bình Nguyên Quân vái chào, mời ngồi. Người què nói:- Nghe ngài có lòng yêu kẻ sĩ. Kẻ sĩ không ngại xa xôi mà đua nhau đến. Ngài quý kẻ sĩ mà khinh gái đẹp, tôi không may bị què chân, đi lại không vững, người hậu cung của ngài cứ trông tôi mà cười. Tôi không thể chịu để cho một người đàn bà làm nhục. Vậy tôi xin ngài cho tôi cái đầu của kẻ cười tôi.Bình Nguyên Quân cười đáp xin vâng.
Người què đi về. Bình Nguyên Quân cười nói:- Thằng ấy ngu quá. Vì một cái cười mà muốn giết mỹ nhân của ta ư!
Nhà của Bình Nguyên Quân có lệ thường: người giữ việc đãi khách mỗi tháng phải dâng trình sổ khách để xem số khách ít nhiều mà lượng tính xuất phát chi tiêu tiền thóc gạo vào ra. Trước kia số khách chỉ tăng thêm, nay mỗi ngày mỗi ít đi. Hơn một năm mấy kém mất một nửa. Bình Nguyên Quân lấy làm lạ, đánh chung hợp cả khách lại hỏi:- Thắng này đãi các người chưa dám có điều gì thất lễ, thế mà lại đua nhau bỏ đi là tại làm sao?Trong bọn khách có một người đứng lên nói:- Ngài không giết bỏ mỹ nhân cười người què kia, nên ai nấy đều không bằng lòng, cho rằng ngài yêu sắc đẹp mà khinh kẻ sĩ. Do đó mà họ bỏ đi. Chúng tôi bất nhật cũng sẽ xin đi.Bình Nguyên Quân cả sợ nhận tội:- Thực là lỗi ở Thắng này!
Nói xong, cởi ngay thanh gươm đeo, sai kẻ tả hữu chém đầu vị mỹ nhân ở trên lầu, rồi tự tay đi đến cửa nhà người què, quỳ xin chịu tội. Người què lấy làm mừng. Từ đó những tân khách trong nhà đều ngợi khen đức hiền của Bình Nguyên Quân. Bấy giờ, những khách đã bỏ đi lại trở về như cũ.
Chiêu Tương vương nước Tần nghe chuyện, thuật với bề tôi là Hướng Thọ và khen Bình Nguyên Quân là người hiền.Hướng Thọ nói:- Còn chưa hiền. Bình Nguyên Quân để cho mỹ nhân cười người què mà không giết, mãi đến lúc tân khách bỏ đi mới chém đầu để tạ, chẳng là muộn lắm ru!
Hết Phần 16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét