Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P3


Cư Dân Trên Vùng Đất Gia Định:
Phải nói hai tiếng ‘Gia Định’ đối với người Việt Nam có một ý nghĩa bao quát cho cả một vùng đất miền Nam. Khi nói đến Gia Định, người ta liên tưởng ngay đến Sài Gòn. Thậm chí, khi nói đến Gia Định, có người liên tưởng ngay đến cả vùng đất Nam Kỳ. Mà cũng phải, vì ngay từ khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thì cả vùng đất nầy chỉ có hai phủ Gia Định và Phước Long mà thôi. Chính vì vậy mà khi nói đến cư dân trên vùng đất Gia Định, người ta cũng liên tưởng ngay đến cư dân của cả vùng Đồng Nai-Cửu Long, nghĩa là cả miền Nam, từ Đồng Nai, Biên Hòa, đến Sài Gòn, Gia Định, rồi xuống tận Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Hà Tiên, vân vân. Có phải trước khi những lưu dân Việt Nam đến khai phá vùng đất Nam Kỳ thì nó hãy còn hoang vu theo như lời kể của Châu Đạt Quan trong Chân Lạp Phong Thổ Ký hay không? Đúng như vậy, khi xứ Đàng Trong mở cõi về phương Nam thì vùng đất nầy hãy còn là một vùng đất rộng với toàn rừng là rừng, nhưng rải rác đó đây cũng có những cư dân bản địa sinh sống bằng phương cách bán du mục. Theo các nhà khảo cổ học thì đất Gia Định vào thế kỷ thứ I vốn là vùng thị tứ sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng không biết vì lý do gì mà sau đó họ lại bỏ đi về miền Tây, đến các vùng Đồng Tháp và Óc Eo. Ngày nay chúng ta không có nhiều sử liệu về vương quốc Phù Nam nên khó mà biết được họ đã rời bỏ vùng Gia Định vì lý do gì, rất có thể họ không thể sống hòa đồng với những người bản địa lâu đời tại đây như những người Mạ, Châu Ro, Chu Ru, Stiêng, vân vân, nên họ bỏ đi giống như bản chất của những người Khmer nối gót họ về sau nầy, mỗi lần có điều gì xích mích với người Việt thì họ chửi rủa rồi bỏ đi. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, từ các cửa biển như cửa Cần Giờ và Soài Rạp, vân vân, đi vào toàn là rừng rậm hoang vu, đây là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi họ là người “Man”(4). Vào thời đó địa bàn cư trú của các nhóm người nầy, đặc biệt là người Mạ chạy dài từ vùng Đồng Nai xuống tận Meso (Mỹ Tho). Người Mạ hay người Mọi Bà Rịa, nói tiếng Môn-Khmer, đã có cuộc sống đồng cư lâu đời tại đây, họ thường làm các nghề dệt vải thổ cẩm rất đẹp, ở nhà sàn, thường là những dãy nhà liền nhau. Họ có tục cà răng căng tai, thoạt trông tưởng họ dữ dằn lắm, nhưng bản tánh họ rất hiền lành, thường bị người Miên và người Stiêng bắt đem đi bán làm nô lệ. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân Việt Nam đến đây thì tệ nạn nầy cũng chấm dứt. Hiện tại người Mạ chỉ còn khoảng trên 20 ngàn người sinh sống trong các vùng phía Nam cao nguyên Lâm Đồng và Đắc Lắc. Người Stiêng, còn gọi là Mọi Đồng Nai hay Mọi Cà Răng, sống tại các vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Hậu Nghĩa... nói tiếng Môn-Khmer, rất gần với ngôn ngữ của các bộ tộc Mnông, Cơ Ho, và Mạ. Họ thường để tóc dài rồi bới ra phía sau, đeo bông tai bằng ngà. Người Stiêng có tục xâm mặt và xâm mình, đàn bà thì mặc vái còn đàn ông thì đóng khố. Hiện nay người Stiêng còn khoảng trên dưới 40 ngàn người, sinh sống trên các vùng cao tại miền biên giới Tây Ninh và Kampuchia. Ngay từ trước thế kỷ thứ XVII, nghĩa là trước khi đất Gia Định trực thuộc xứ Đàng Trong, vùng đất nầy cũng có rất ít người Khmer cư trú. Đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì cộng đồng người Khmer tại đây bỏ đi về phía biên giới Kampuchia và Tây Ninh. Hiện tại vùng Sài Gòn Gia Định có rất ít người Khmer sinh sống.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, qua những khai quật khảo cổ, người ta đã tìm thấy những di chỉ từ thời đại đồ đá cũ và rất nhiều di chỉ thời đồ đá mới sang đến thời đại kim khí, vân vân. Như vậy vùng Sài Gòn Gia Định đã có cư dân từ thời nguyên thủy đến văn minh Óc Eo, hậu óc Eo, được nối tiếp với văn minh Việt Nam mang đến từ những lưu dân đi khai khẩn vùng đất nầy từ thế kỷ thứ XVII. Về phương diện địa chất học, vùng Phiên Trấn nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Khu vực phù sa cũ chạy dài từ Tây Ninh xuống Sài Gòn, có cấu trúc địa chất giống như miền Đông Nam Phần. Trong khi vùng phía Nam Sài Gòn, từ Sài Gòn chạy dài xuống Nhà Bè là một vùng đất thấp với cấu trúc phù sa mới. Đây là vùng sình lầy, trũng nước, ngập mặn quanh năm, chịu ảnh hưởng thủy triều và gió mùa giống như miền tây Nam Phần. Như vậy vùng Phiên Trấn vừa có cấu trúc địa chất cổ đại mà cũng vừa cận đại. Và cư dân cũng tuần tự lan tràn trong vùng theo sau sự hình thành và cấu trúc địa chất, nghĩa là ở đâu đất đai được thành hình là ở đó có cư dân. Ngay từ thời nguyên thủy của vùng đất nầy đã có cư dân trú ngụ, đến những thế kỷ sau Tây lịch, vùng đất nầy đã có một nền văn minh rực rỡ, đó là văn minh Óc Eo, rồi hậu Óc Eo sau khi chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo đột nhiên biến mất khỏi vùng đất nầy. Sau đó người Khmer đã tràn xuống cư ngụ trên vùng đất nầy cho mãi đến thế kỷ thứ XVII. Nhưng trên thực tế, theo Chân Lạp Phong Thổ Ký của Châu Đạt Quan, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ thế kỷ thứ XIV cho mãi đến đầu thế kỷ thứ XVII, hầu hết vùng đất nầy hãy còn hoang vu, với cây rừng rậm rạp, đầm lầy ẩm thấp, lại thêm sơn lam chướng khí và thú dữ hoành hành. Ngay tại vùng mà bây giờ thuộc huyện Hóc Môn, vào cuối thế kỷ thứ XVII hãy còn rất nhiều cọp và cá sấu dữ, thường xuyên bắt hay ăn thịt người, nên có câu “dữ như cọp vườn trầu” hay “ác như sấu Vũng Gấm” vân vân. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, vào Năm 1698, quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Nghĩa là quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh đã thành lập một vùng cương vực rộng lớn từ Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Tân Bình, Vũng Tàu, Sài Gòn và xuống tận Long An bây giờ. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị. Nói như vậy không có nghĩa là trước đây vùng đất nầy chưa từng có cư dân nào trú ngụ. Kỳ thật, theo các di chỉ khảo cổ thì vùng dinh Phiên Trấn cũng như các vùng phụ cận từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. Họ chia thành những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso và Long Ghor(16), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Tuy họ phải triều cống các vua Chân Lạp, nhưng sinh hoạt trong các bộ lạc nầy vẫn được độc lập tự do. Văn hóa của họ có liên hệ tới văn hóa đá cũ tìm thấy tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh, Định Quán; văn hóa Hòa Bình Bắc Sơn tìm thấy tại vùng Suối Chồn; văn hóa đá mới tìm thấy tại vùng Cầu Sắt; văn hóa đồng tìm thấy tại núi Gốm, Bến Đò; văn hóa đồng sắt tìm thấy tại các vùng Suối Chồn, Rạch Núi; văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Phú Chánh; cũng như nhiều di chỉ tìm thấy trong vùng có liên quan đến văn hóa Óc Eo và hậu óc Eo. Mặc dầu các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp đã từng có cư dân trên vùng đất nầy, nhưng về phương diện chánh quyền và xã hội, cả hai vương quốc nầy chưa từng tổ chức thành làng mạc, thôn ấp, cũng chưa từng xác lập lãnh thổ hay cương vực rõ ràng. Chính vì thế mà những cư dân bán du mục của hai vương quốc nầy chỉ đến đây canh tác một thời gian rồi bỏ đi khi đất đai không còn mầu mỡ nữa.
Mãi đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những cư dân người Việt đầu tiên đi vào khai khẩn vùng nầy, nhưng theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, có thể họ là những lưu dân từ các vùng Thuận Quảng đến đây ngay từ thời Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ Thuận Hóa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn thì xứ Mô Xoài Bà Rịa là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng người lưu dân Việt Nam đầu tiên đặt chân vào để khai phá mở mang từ các tiên hoàng đế triều Nguyễn. Có lẽ họ vào Nam bằng những thuyền buồm hay những ghe bầu, dọc theo đường biển, vào các cửa Cần Giờ, Soài Rạp, Tiểu, Đại, vân vân, nhưng chỉ một số tiến lên được đến vùng Mô Xoài Bà Rịa mà thôi vì vào thời đó các cửa Soài Rạp, Tiểu và Đại hãy còn là những bãi đất cạn chứ không thông thương như bây giờ. Phủ Gia Định được quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lập ra theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698, có diện tích khoảng 30.000 cây số vuông và gồm hai huyện Phước Long(17) và Tân Bình(18). Lúc đó dân số không vượt quá con số 200.000 người, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi. Về việc nầy chính Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Lúc đầu thiết lập ba dinh, một dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc gì cả, cốt yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Gia Định vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ XVIII, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng.

-----------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2018

Trăn Trở


Bởi thời đưa đến kiếp long đong
Nên khiến thi nhân phải nản lòng
Ngày tháng hững hờ tâm đã kiệt
Thời gian chồng chất tóc như bông
Đói cơm xoay trở lo ngày một
Thi họa cam đành chịu cảnh không
Bạn hữu hiểu cho đừng trách móc
Giờ xin bày tỏ với đôi dòng
                                  Quên Đi
 ***

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Sự Tích Cây Chổi



Ngày trước ở trên cung đình của nhà trời có người đàn bà rất khéo tay, bà nấu ăn rất ngon. Những thứ bánh trái mà bà chế ra đều là tuyệt phẩm cả, chỉ cần nếm qua những món ăn ấy là lại không cách nào quên được hương vị của nó. Vì thế bà được Ngọc Hoàng thượng đế giao cho trách nhiệm trông nom toàn bộ chuyện nấu nướng ở thiên trù.

Tuy nhiên thì bà lại có tật ăn vụng, cũng rất tham lam nữa. Lệ của nhà trời đã quy định rất rõ ràng, người hầu kẻ hạ có thức ăn riêng, không bao giờ được phép đụng chạm tí gì tới ngự thiện, kể cả đó là đồ mà Ngọc Hoàng bỏ thừa. Nhưng mà những luật lệ ấy cũng không thể nào mà ngăn cản được những người thèm khát và đã nổi lòng tham. Vì thế người đàn bà kia vẫn luôn tìm mọi cách làm kho thức ăn nhà trời dần hao hụt.

Bà ta tuy tuổi cũng đã quá xuân rồi nhưng lại rất yêu lão chăn ngựa của thiên đình. Mà đời sống thường ngày của đám người chăn ngựa ở cõi trời chẳng khác chi dưới cõi đất cả, đều rất cực khổ và khó khăn. Mà người đàn ông ấy lại rất thích rượu, kể từ khi ông ta gặp được người đàn bà kia thì lại thêm thói thèm đồ ăn ngon.

Người đàn bà say mê lão chăn ngựa tưởng chừng như chẳng còn gì hơn cả. Mỗi khi mà thấy ông ta thèm đồ ăn hay đồ uống nhà trời thì bà ta chẳng ngần ngại điều gì. Đã không biết bao nhiêu lần bà đánh cắp thịt rượu ở thiên trù để giấu mang cho ông ta ăn. Cũng có không ít lần bà đem ông ta tới kho rượu nhà trời để mặc cho ông uống say bí tỉ.

Vào một ngày kia, hôm ấy Ngọc Hoàng mở tiệc lớn để chiêu đãi quần thần trên thiên đình. Bà cùng với các bạn cùng nấu bếp với mình phải làm việc tất bật. Bởi vì chỉ chập tối là tất cả món ăn đều phải được chuẩn bị đầy đủ rồi. Để cho khi ánh nguyệt đêm rằm chiếu sáng thì mọi người có thể bắt đầu nhập tiệc.

Tuy nhiên, vào giữa lúc mà cỗ đang được dọn lên mâm, ở đằng xa kia bà lại nghe được tiếng của lão chăn ngựa đang hát. Biết là ông đến tìm mình nên bà lại lật đật chạy ra đón, sau đó bà đưa ông giấu vào trong một góc chạn. Bà ta đem đến mấy chén rượu cho ông ta, đó là thứ rượu ngon nhất thiên tào, sau đó lại phải đi ra để làm cho xong mẻ bánh hạnh nhân đang làm dở.

Bởi vì lão chăn ngựa vừa cho đàn ngựa đến bến sông tắm về. Khi bưng bát cơm hẩm của mình thì ông ta lại sực nhớ tới những thứ rượu thịt giờ đang ê chề trong thiên trù, vì thế nên mới vội vã lần mò đến. Ở trong góc chạn tối tăm, ông uống ừng ực liền mấy chén rượu và lấy làm khoan khoái lắm. Những chén rượu này quả là tuyệt hảo, hơi men thấm vào khiến ông ta choáng váng. Đột nhiên ông ta lại thèm thứ gì để mà đưa cay. Mà trên giá mâm để ngay gần đó, những thứ mỹ vị cứ đưa hương thơm phức tới chỗ ông. Đang cơn đói, lại trong bóng tối, ông ta liền lật lồng bàn lên rồi bốc lấy bốc để, chẳng kiêng dè gì nữa.

Đến khi lính hầu đem những mâm ngự thiện ấy trình lên bàn tiệc thì món nào đều như có người đã nếm qua từ trước vậy. Ngọc Hoàng trông thấy thì nổi cơn thịnh nộ, và tiếng quát mắng của Người khiến cho tất cả đều hết sức sợ hãi. Sự giận dữ của Ngọc Hoàng đã khiến cho bữa tiệc đang vui vẻ cũng phải ảm đạm. Không còn cách nào khác, người đàn bà nấu bếp đành phải cúi đầu mà nhận tội.

Vì đây là tội nặng nhất trên thiên đình nên cả hai người bị Ngọc Hoàng thượng đế đày xuống nơi trần gian làm những chiếc chổi quét nhà, cả năm phải làm việc không nghỉ tay, còn phải tìm thức ăn ở trong đống rác rưởi vô cùng dơ bẩn ở nơi trần gian kia.

Một thời gian rất lâu sau đó, vì thấy phạm nhân kêu than rằng suốt năm suốt tháng đều phải làm khổ sai không ngơi không nghỉ. Ngọc Hoàng thượng đế vì thương tình nên cho phép bọn họ được nghỉ ngơi ba ngày trong một năm. Mà ba ngày ấy chính là ba ngày diễn ra Tết Nguyên đán, bởi vậy nên con người mới có tục lệ là kiêng quét nhà quét cửa trong ngày Tết.

Hơn nữa trong dân gian còn có câu đố như sau: “Trong nhà có bà hay la liếm”, chính là mô tả về thần tình và động tác khi dùng chổi quét nhà, tuy nhiên thì trong đó cũng có ngụ ý nhắc lại sự tích về cái chổi.

Theo doctruyencotich.com

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Tĩnh Tọa - Nguyễn Văn Siêu


          靜坐                          Tĩnh Tọa

書永午雞辰一叫, Thư vĩnh ngọ kê thần nhất khiếu
簾垂到地人過少。 Liêm thùy đáo địa nhân qua thiểu.
無風半樹微微搖, Vô phong bán thụ vi vi diêu,

葉裡打蟲穿出鳥。 Diệp lý đả trùng xuyên xuất điểu.
              阮文超                      Nguyễn Văn Siêu

* Chú Thích :
- Tĩnh Tọa : còn được đọc là Tịnh Tọa, là Ngồi yên một chỗ.
- Thư : là Động từ, có nghĩa là Đọc sách.
- Ngọ Thần : là Giờ Ngọ; Ngọ Kê Thần : là Con gà gáy vào giờ Ngọ.
- Đả Trùng : Không phải Đánh Sâu, mà là Bắt Sâu.
- Xuyên Xuất : là Chui ra.


* Nghĩa Bài Thơ :  Lặng Ngồi
Đọc sách cho đến lúc gà gáy trưa gáy lên, Ta lặng ngồi trong phòng có rèm phủ đến mặt đất và rất ít người qua lại mà ngắm cảnh bên ngoài. Trời không có gió lớn nên nửa thân cây chỉ hơi giao động, ta thấy một con chim bắt sâu chui ra khỏi đám lá xanh !


* Diễn Nôm :
 

Lặng Ngồi
 

Đọc sách đến trưa gà gáy nắng,
Buông rèm tới đất người qua vắng.
Gió yên cây lặng lá lay lay,
Trong lá bắt sâu chim một móng !

 

Lục bát : 
              Đọc sách đến gà gáy trưa,
Rèm buông sát đất đường thưa vắng người,
             Gió yên cây lặng êm trời,
     Chui ra trong lá chim loài bắt sâu
!
                            Đỗ Chiêu Đức
***
          Ngồi Yên Lặng


Gà gáy ban trưa còn đọc sách
Màn buông phủ đất ít người qua
Gió im cây vẫn hơi lay động
Trong lá sâu bò chim lướt qua.

                               Quên Đi
***


Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Vườn Trăng


Vườn Trăng

Cảnh thực hay là trong mộng đây
Không gian bàng bạc ánh trăng đầy
Quỳnh hoa thanh khiết, sương loang loáng
Dạ lý nồng nàn, hương ngất ngây
Làn gió xạc xào lay nhánh liễu
Mặt hồ gờn gợn khỏa vầng mây
Tâm hồn dào dạt niềm mơ ước
Tri kỷ tương phùng cạn chén say.
                           Phương Hà

                          ( 10/08/2018 )
***
       Các Bài họa

           Trăng Tha Hương

Mênh mông xanh thẳm gió về đây,
Bàng bạc không gian ánh tỏa đầy .
Dìu dịu ánh trăng trời viễn xứ,
Mơ màng bóng nguyệt thuở thơ ngây .
Người xưa đâu tá nhòa sương khói,
Cảnh cũ về đâu khuất áng mây.
Tất dạ ngậm ngùi trăng cố quốc,
Ngày nao đối ẩm dưới trăng say ?!
                    Đỗ Chiêu Đức 

***
            Vườn Thu


Vườn thu năm ngoái vẫn còn đây,
Đâu tá người xưa nhớ ngập đầy?
Tóc liễu mơ màng buông rũ rượi,
Hương lài dìu dịu thoảng ngây ngây.
Thê lương dế lạnh buồn thân phận,
Bàng bạc trăng thề ẩn khói mây.
Xao xuyến hồn đêm sầu lữ khách ,
Rượu tàn sương xuống dật dờ say.
                                   Mailoc 

***
               Đêm Trăng


Đêm trăng huyền hoặc thỏa lòng đây
Giữa chốn trần gian giấc mộng đầy
Thoang thoảng mai thơm hương phảng phất
Nồng nàn hồng thắm vị ngây ngây
Dịu dàng cơn gió ,tre nghiêng ngọn
Sóng sánh mặt hồ nguyệt vén mây
Rộn rả trong tim lời nguyện ước
Được cùng ai bước giữa men say
                         Song  Quang

                               8/10/18
***
TRĂNG KHUYA MƠ ƯỚC

Đêm khuya ngồi ngắm ánh trăng đầy
Mơ ước cùng ai ở cạnh đây
Sương tỏa cành mai nhòa bóng nguyệt
Gió đùa lá trúc vén tầng mây
Tình xa vời vợi lòng luôn nhớ
Đời cách điệp trùng dạ vẫn say
Kẻ ở quê nhà thương cánh nhạn
Người nơi viễn xứ chạnh niềm ngây

                     Song MAI Lý Lệ 
***
Rượu Đào Chưa Uống Đã Say!


Tha hương gối mộng ở đâu đây
Tới bến Hoa Kỳ ấp ủ đầy
Bỏ xứ ra đi già khắc khoải
Thương nhà ở lại trẻ thơ ngây
Bao nhiêu ngày tháng ôi lòng mẹ
Bốn mấy năm ba hỡi gió mây
Chợt bóng hình ai sao thấy nhớ
Tương tư chưa nhấp rượu đào say...!
                   Mai Xuân Thanh
                    Ngày 10/08/2018
***
                Tìm Đâu

Như xưa cảnh đó vẫn còn đây
Trăng vẫn đẹp xinh vẫn sáng đầy
Thoang thoảng hương nồng hoa quyến rũ
Mơn man gió nhẹ dạ càng ngây
Cớ sao tối sẩm ôi vầng nguyệt
Càng khiến căm hờn những đám mây
Làm kẻ lạc thời thêm áo não
Muốn tìm trăng cũ phải đành say.

                               Quên Đi 
***
        Thoáng Mộng

Chập chờn giấc ngủ mộng về đây
Tiếp nối trong mơ hạnh phúc đầy
Thoang thoảng hương đêm mùi dạ lý
Thẹn thùng dáng ngọc tuổi thơ ngây
Môi ngoan e ấp hoa hàm tiếu
Vai mỏng ôm tròn suối tóc mây
Mộng thực hồn ta chìm đáy cốc
Nghe quanh tiếng gọi của men say
                          Kim Phượng
***
           Hương Trăng

Trăng ở nơi nào rụng xuống đây
Vườn hoang, lá úa ngậm trăng đầy
Tóc xõa thu phai về mộng mị
Môi nhòa nắng nhạt đượm thơ ngây
Có phải hồn xưa loang lối nhớ
Hay là dáng cũ ẩn chân mây?
Dù núi có mòn, sông có khúc
Hương ngày xưa ấy vẫn hương say
                     Trần Bang Thạch

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P2




Lịch Sử Mở Cõi Từ Vùng Đất Gia Định: 

 
Nói về cuộc Nam tiến thì ngoài quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ra, Nguyễn cư Trinh là người có công rất lớn trong việc đánh dẹp cũng như bình định lãnh thổ. Về phía người Minh Hương ngoài 2 ông Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ ra, còn có các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng có công rất lớn. Về cương vực của toàn thành theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, phía đông nam Gia Định giáp với biển, có tất cả 17 cửa biển lớn: Xích Ram, Tắc Ký, Cần Giờ, Đồng Tranh, Lôi Lạp (Soai Rạp), cửa Đại, cửa Tiểu, cửa Ba Lai, Băng Côn, Ngao Châu, Cổ Chiên, Ba Thắc, Mỹ Thanh, Hào Bàn (Gành Hào), Long Xuyên, Kiên Giang và Hà Tiên. Các cửa nhỏ thì nhiều gấp đôi. Tuy vậy, các cửa nầy do bùn cát nên khi mở khi lấp, khi cạn khi sâu, dời đổi bất thường. Ở đây sông ngòi chằng chịt như mắc cửi, nếu không phải là dân địa phương quen thuộc ắt không biết đường đi. Về vị trí thời đó phía tây bắc Phiên Trấn giáp với Cao Miên, phía đông bắc giáp với phủ Bình Thuận. Và thành Gia Định có nhiệm vụ trông coi các việc binh dân cho toàn miền Nam, bao gồm thuế dịch và hình án của 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên, đồng thời cũng trông coi luôn trấn Bình Thuận ở phía Bắc. Phàm việc binh thì do thành Gia Định chỉ huy, còn các việc khác thì các trấn tự sắp đặt lấy. Nhìn lại lịch sử mở cõi về phương Nam, chúng ta mới thấy công lao chẳng những của những bậc tiền nhân vô danh, mà công lao của các chúa Nguyễn cũng không nhỏ. Khởi đi từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng, đến chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn, chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát, vân vân. Chính những chính sách khôn khéo của các ngài đã tuần tự đưa cả miền Nam Kỳ Lục Tỉnh vào sổ địa bạ của xứ Đàng Trong. Vì hiện tại chưa có tài liệu lịch sử chính xác nào về những lưu dân Việt Nam đã đến đây khai hoang lập ấp, nên không ai biết họ từ đâu đến và đến đây từ hồi nào. Có thể họ đã đến đây trước khi hoặc ngay từ lúc chúa Tiên Nguyễn Hoàng đi vào Thuận Hóa. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, các lưu dân Việt Nam đã đến vùng Mô Xoài Bà Rịa từ thời các tiên hoàng đế, tức là ngay từ thời các chúa Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Nhưng đây chỉ là những cuộc di dân lẻ tẻ, không có qui mô, không có kế hoạch của các chúa. Mãi đến năm 1620, khi Miên vương Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì lưu dân người Việt bắt đầu đổ xô đi vào khai phá vùng đất mới nầy. Về phương diện ngoại giao giữa hai xứ Cao Miên và Đàng Trong, thì cuộc hôn nhân nầy chẳng những là bước mở đầu cho sự can thiệp triền miên của xứ Đàng Trong trên đất Cao Miên, mà còn là khởi điểm của công cuộc mở cõi chính thức về phương Nam. Nghĩa là kể từ năm 1620 trở về sau nầy, vùng đất bao la bạt ngàn với toàn là rừng rậm hoang vu “Thủy Chân Lạp” đã trở thành vùng đất “ước mơ” cho dân Việt, nhứt là dân các vùng Thuận Quảng. Chỉ 3 năm sau khi công nữ Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu Sam Đát của Cao Miên, chúa Nguyễn sai phái bộ xứ Đàng Trong qua Cao Miên yêu cầu nhà vua cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế, một ở Prei Nokor và một ở Kas Krobei(7). Hai đồn nầy cũng còn là điểm nghỉ chân của các thương nhân từ Việt Nam qua Chân Lạp. Từ khi có các đồn thu thuế, vùng Sài Gòn Gia Định đã trở nên một vùng thị tứ sầm uất, còn hơn cả những vùng thị tứ trong nội địa đất Chân Lạp thời bấy giờ. Năm 1658, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ, đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, vua Chân Lạp là Nặc Ong Chân đem quân xâm phạm vùng Trấn Biên(8), nên chúa Nguyễn sai Phó Tướng quân Yến Vũ, Tham Mưu Minh Lộc Hầu và Tiên Phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 quân chinh phạt và bắt Nặc Ong Chân đem về Quảng Bình. Tuy đã chiến thắng quân Chân Lạp nhưng tình hình chưa cho phép nên mãi đến năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục. Như vậy quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh nghiễm nhiên là vị quan Kinh Lược đầu tiên ở miền Nam. Kể từ đó đất Gia Định được chính thức khai sanh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất nầy, Gia Định được ghi danh vào sổ bộ của xứ Đàng Trong. Nghĩa là quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới nầy. 

Từ năm 1698, dinh Phiên Trấn chia ra làm một phủ và một huyện. Đó là phủ Gia Định và huyện Tân Bình. Huyện Tân Bình chính là vùng đất mang tên Kas Krobei ngày trước hay là vùng Sài Gòn ngày nay, trong khi phủ Gia Định là một vùng đất rộng lớn chạy dài từ Tây Ninh, xuống Hậu nghĩa, Tân An, Chợ Lớn... Đây là vùng đất mà cha anh chúng ta đã từng làm bàn đạp để mở cõi về phương Nam, vùng đất nổi tiếng với hào khí Đồng Nai, mà bây giờ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa cho cả miền Nam. Dinh Phiên Trấn, thành Gia Định, tỉnh Gia Định... hay vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là vùng Sài Gòn-Gia Định là một vùng có lịch sử cư dân lâu đời, chứ lưu dân Việt Nam không phải là những cư dân đầu tiên của vùng đất nầy. Vào thời đó vùng Biên Hòa có tên là Trấn Biên, trong khi đất Gia Định xưa là một vùng rộng lớn bao gồm cả Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An và một phần của tỉnh Định Tường bây giờ. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên, nhưng như vậy vào thời nầy thì cương vực của xứ Đàng Trong đã nhảy vọt thêm một bước xa lắm rồi. Mùa Đông năm 1735, đời Lê Cảnh Hưng thứ 14, triều đình xứ Đàng Trong sai Cai Đội Thiện Chánh Hầu làm Thống Suất, Ký Lục Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu điều khiển tướng sĩ 5 dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đồn trú ở xứ Bến Nghé, lập nên dinh trại, gọi tên là Đồn Dinh(9), lo luyện tập binh sĩ tính kế mở mang vùng biên địa. Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh lo dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Năm 1754, quân Gia Định chia làm hai đạo, Nghi Biểu Hầu đem kỵ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân Nam đi đến đâu quân Chân Lạp thua đến đó. Sau đó quân của Nghi Biểu Hầu hợp cùng với binh của Thiện Chánh Hầu tại vùng Tiền Giang. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên xin nhượng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp(10) cho xứ Đàng Trong để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên(11), Rạch Giá, Trấn Giang(12) và Trấn Di(13). Năm 1757, Nặc Ong Nguyên băng hà, chú của Nặc Nguyên là Nặc Ong Nhuận dâng thêm các phủ Trà Vang và Ba Thắc để được chúa Nguyễn phê chuẩn cho lên ngôi. Sau đó, cũng cùng năm 1757, vua Nặc Tôn lại dâng luôn phần đất còn lại là phủ Tầm Phong Long cho xứ Đàng Trong để được lên ngôi quốc vương Cao Miên. Như vậy, tính đến năm 1757, vùng đất mà người dân vùng ngoài thời mở cõi thường gọi là đất Gia Định đã liền một dãy từ Mô Xoài-Bà Rịa xuống Cà Mau rồi bọc lên đến tận Hà Tiên.

Vùng Đất Gia Định Và Nguyễn Ánh Thời Bôn Tẩu:  


Năm 1776, quân Tây Sơn đánh chiếm toàn vùng và truy đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi thành Gia Định. Tuy vậy, Nguyễn Ánh vẫn được các cựu thần phò giá và che chở. Bằng chứng là dầu trong lúc bôn tẩu, năm 1780 Mạc Thiên Tứ vẫn dâng những vùng đất thuộc trấn Hà Tiên mà ông mới vừa khai khẩn xong, bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Cùng năm đó, Nguyễn Ánh được các tướng sĩ tôn làm Đại Nguyên Soái, ông đã xưng vương và quyết định chọn đất Gia Định làm ‘Kinh Gia Định’. Tuy nhiên ông vẫn dùng niên hiệu của vua Lê và chỉ dùng ấn ‘Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo’ mà thôi. Kể từ ngày đó đến năm 1783, đại quân Tây Sơn đã năm lần đem quân vào Gia Định và cả năm lần quân Nguyễn Ánh đều bị đánh bật ra khỏi đất liền. Nguyễn Ánh và tàn quân phải lẩn trốn trên các hải đảo xa xăm như Côn Sơn hay Thổ Châu. Phải nói, Gia Định là vùng đất đã từng chứng kiến những trận đánh lịch sử giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong những năm hậu bán thế kỷ thứ XVIII. Kỳ thật, tên gọi dinh Phiên Trấn đã có từ khi nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Gia Định. Nguyễn Lữ đã đổi Gia Định ra làm Phiên An Trấn và cắt đặt chức quan cai trị. Sau đó Nguyễn Ánh tiến quân tái chiếm và cho thiết lập bản dư đồ ở miền Nam, phân định địa giới dinh Phiên Trấn, tức là toàn vùng Gia Định, Sài Gòn, Tây Ninh, Hậu Nghĩa và Long An ngày nay. Năm 1782, đại quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo vào đánh tan quân Tôn Thất Cốc và Võ Di Nguy của Nguyễn Ánh trên sông Bến Nghé. Nguyễn Ánh bèn rút tàn quân về vùng Tam Phụ(14), rồi sau đó chạy xuống Hậu Giang để lẩn trốn sức mạnh như vũ bão của nghĩa quân Tây Sơn. Cuối cùng Nguyễn Ánh phải trốn ra Phú Quốc. Tuy nhiên, nghĩa quân Tây Sơn lại phải rút về Qui Nhơn để đối đầu với quân chúa Trịnh đang hà hiếp vua Lê ở Bắc Hà, nên Châu văn Tiếp kéo quân từ Phú Yên về giúp Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Định. Năm 1783, Nguyễn Huệ lại kéo đại quân vào tái chiếm Gia Định. Nguyễn Ánh lại phải trốn ra Phú Quốc lần nữa. Năm 1784, theo lời cầu viện của Nguyễn Ánh, vua Xiêm cử hai tướng Chiêu Sương và Chiêu Tăng sang hợp cùng binh của Nguyễn Ánh đánh phá các vùng phía Nam Gia Định, nhưng đã bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tác ở Rạch Gầm Xoài Mút. Nhưng một lần nữa nghĩa quân Tây Sơn phải kéo ra Bắc để đánh đuổi quân Thanh đang tràn vào Thăng Long (1788), Nguyễn Ánh nhân cơ hội nầy vừa gởi 500 xe lương ra giúp quân Thanh, mặt khác chuẩn bị kéo quân về đánh phá và tái chiếm Gia Định. 
Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, trong khi nghĩa quân Tây Sơn đang quyết tử với quân Thanh ở Thăng Long thì Nguyễn Ánh kéo quân về chiếm thành Gia Định vàcho khởi công xây thành Gia Định. Sau khi xây thành Bát Quái, tức thành Gia Định, tại thôn Tân Khai, huyện Bình Dương vào cuối năm 1790, Nguyễn Ánh cho tái lập Kinh Gia Định, tức là nơi đóng đô của nhà Nguyễn. Như vậy Kinh Gia Định tồn tại 22 năm, kể từ năm 1780 đến năm 1802, nghĩa là sau khi Nguyễn Ánh dời đô về Phú Xuân(15). Lịch sử Việt Nam đã trải qua những năm tháng cay nghiệt sau năm 1792, nghĩa là sau khi vua Quang Trung băng hà. Tưởng cũng nên nhắc lại, vua Quang Trung là một vị tướng bách chiến bách thắng, một vị hoàng đế có đầu óc canh tân đất nước. Tài võ nghệ thao lược của ngài những tưởng chúng ta không cần phải nói nhiều, nhưng rất tiếc ngài đã mất quá sớm, nên chưa có cơ hội thi thố được tài kinh bang tế thế, đem lại vinh quang cho đất nước Việt Nam. Vua Quang Trung băng hà, không chỉ triều đại Tây Sơn phải yểu mệnh, mà kể từ đó vận mệnh đất nước Việt Nam cũng trôi nổi theo dòng lịch sử đen tối của vương triều nhà Nguyễn. Thôi thì chuyện nầy hãy để cho các sử gia bàn luận, trong bài nầy chúng ta chỉ gói gọn trong phạm vi Phiên Trấn và tỉnh Gia Định mà thôi.
***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


---------------------------

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

Sự Tích Trái Thơm (Khóm)


Trái thơm hay còn gọi là trái dứa, là một loại quả rất thơm ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trái thơm thực ra là trục của bông hoa và các lá bắc mọng nước tụ hợp lại. Còn quả thật là các mắt dứa. Bên cạnh hai tên gọi trên, trái thơm còn có một tên gọi nữa là trái Huyền Nương, gắn liền với sự tích về nàng Huyền Nương, vì một câu nói lỡ miệng của mẹ mình mà biến thành trái thơm nhiều mắt. 
Ngày xửa ngày xưa, có một bà góa phụ, gia đình cũng không phải giàu sang phú quý nhưng lại hay chanh chua, soi mói chuyện thiên hạ. Vì thế mà người trong làng không mấy ai có thiện cảm với bà.
Bà có một cô con gái tên là Huyền Nương. Huyền Nương tuy đã mười lăm tuổi nhưng không biết gì về công việc bếp núc, may vá thuê thùa, suốt ngày chỉ ham thích ca hát.
Một hôm, mẹ Huyền Nương ốm nặng không thể đi đâu. Vì thế mà Huyền Nương phải thay mẹ vào bếp nấu cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, và đun cháo cho mẹ. Vì thường ngày không bao giờ phải làm gì nên lúc vào bếp, cô lúng túng không biết phải làm thế nào. Chốc cái cô lại gọi mẹ hỏi:
– Mẹ ơi, gạo để đâu? Mẹ ơi, cục đá để đánh lửa mẹ để đâu?
– Mẹ ơi, nước đổ vào nồi như vậy vừa chưa. Mẹ ơi, cái gàu múc nước mất rồi …
Đang ốm, lại bị gọi liên tục, người mẹ lấy làm bực mình lắm, nên nói lẫy:
– Mẹ ước gì con có thật nhiều mắt để tự kiếm những đồ dùng đặng khỏi kêu nheo nhéo suốt ngày làm chói cả tai.
Huyền Nương nghe mẹ nói giận mới hỏi lại:
– Mẹ hết thương con rồi sao?
Bà ta không thèm nhìn Huyền Nương mà chanh chua càu nhàu:
– Thương nỗi gì, không có con cũng chẳng sao.
Bỗng nhiên giữa không gian có tiếng nói khàn khàn:
– Lời ước của người mẹ không biết thương con sẽ thành sự thật.
Người mẹ kinh sợ, nhìn sau trước không thấy ai thì sinh nghi, bà liền gượng đứng dậy đi xuống bếp tìm Huyền Nương, nhưng không thấy nàng đâu nữa. Bà sợ sệt đi thẳng ra vườn cất tiếng gọi: “Huyền Nương! Huyền Nương!” Không một tiếng trả lời. Bà rên rỉ: “Trời ơi! Huyền Nương đâu mất rồi”.
Bà tiếp tục chạy đi tìm con thì thấy ở một bụi cây cao trong vườn đôi hài cỏ của Huyền Nương. Từ bụi cây trổ ra một trái rất kì lạ, có rất nhiều mắt xung quanh và tỏa ra hương thơm nồng nàn.
Nước mắt bà trào ra, bà đau lòng nói:
– Huyền Nương! Mẹ đã hiểu vì sao rồi.
Sau tiếng than của bà, từ trong trái lạ phát ra tiếng khóc nỉ non. Da trái đang xanh, hứng phải nước mắt và tiếng khóc than của người mẹ dần dần ửng vàng.
Ngày xưa, người ta gọi thứ trái lạ này là trái Huyền Nương, nhưng dần dần đổi lại là trái thơm. 

Theo truyencotichhay.com

 ***