Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Điển Hay Tích Lạ - Hát Quan Họ

Đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh miền Trung du Bắc Việt có loại dân ca trữ tình gọi là "Hát quan họ". Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu, về sắc đẹp duyên dáng và tình tứ của phụ nữ, về thông minh hay chữ và thành đạt của danh thần, văn sĩ. Cũng như hầu hết các loại dân ca trữ tình ở Việt Nam, hát Quan họ vay mượn nhiều ở phong dao. Hầu hết các bài Quan họ đều theo thể lục bát hay lục bát biến thể. Đó là những bài tình ca do nam nữ thanh niên Bắc Ninh hát lên để ca tụng tình yêu, nói lên những oán trách, hờn ghen và giận tủi về yêu đương hoặc biểu lộ những tâm tình sôi sục về yêu đương. Tính chất trữ tình của các điệu hát ấy có thể chia thành nhiều loại. Loại bài có tính chất nhẹ nhàng, chân thật vui tươi, cởi mở, hoạt bát, thoải mái. Có loại bài có tính chất bày tỏ, tin tưởng, lạc quan, yêu đời, trìu mến. Có loại bài tình tứ, duyên dáng, thắm thiết, say sưa. Có loại mang tính chất vui tươi nửa trào phúng, nửa tình tứ một cách ý nhị. Có loại đượm nỗi nhớ nhung, trách móc. Trong các bài Quan họ, nhiều nhứt là những bài để tỏ tình. Rất ít bài nói lên sự thất tình. Nhưng trong sự tỏ tình có nhiều hình thức: khi thổ lộ tâm tình, khi thăm dò lòng bạn, khi hy vọng, mong mỏi nhớ nhung người tình, khi trách hờn giận, ghen tuông người tình; nhưng rốt cuộc những câu thổ lộ tâm sự cùng là để thăm dò tình bạn là nhiều hơn cả.
Ví dụ:
Anh như cây gỗ xoan đào,
Em như câu đối dán vào nên chăng?
Em như cây cảnh trên chùa,
Anh như con bướm đậu nhờ nên chăng?

Văn thể của hát Quan họ tuy là lối lục bát, nhưng khi hát, vì những chỗ lên bổng xuống trầm, vì những nhu cầu của sự chuyển giọng, chuyển lời nên loại dân ca này có mang vài đặc tính là bài hát bao giờ cũng có thêm vào nhiều tiếng không có trong nguyên văn. Đó là những tiếng vô nghĩa, hoặc những chữ hát chệch hẳn đi, hoặc những tiếng dùng để đưa hơi như: 
y, a, ư, ô, ơ, a ha, ôi hôi, ư hư, ối a, ý a, này a, i ì ... hoặc những tiếng đệm (đệm lót và đệm nghĩa) như: thời, mà, tình chung, ô mấy, ai ơi, là rằng, tình rằng, tình tang, tình bằng... Nhờ những tiếng đệm, tiếng láy lập lại như thế mà và nhất nhịp điệu tiết tấu của câu thơ lục bát được thay đổi luôn, trở nên phong phú vô cùng. 
Ví dụ phong dao có bài "Trống cơm": 
Trống cơm khéo vỗ nên bông, 
Một bầy con nít lội sông đi tìm. 
Thương ai con mắt lim dim, Một bầy con nhện giăng tơ đi tìm, Thương ai duyên nợ tang bồng. Khi trở thành hát Quan họ Bắc Ninh là: 1/ (Tình bằng có cái) trống cơm (khen ai) khéo vỗ (ố mấy bông) nên bông. 2/ Một bầy (tang tình) con nít (ố mấy lội lội) lội sông (ố mấy) đi tìm. 3/ (Em nhớ) thương ai (đôi) con mắt (ố mấy) lim dim, 4/ Một bầy (tang tình) con nhện (ớ ớ ớ ố mấy) giăng tơ (giăng tơ ố mấy) đi tìm. 5/ (Em nhớ) thương ai duyên nợ (khách) tang bồng. Đó là chưa kể những chỗ hát lại hai lần như ở phần đầu câu 2 và ở phần cuối những câu 1, 2, 3, 5. Ngoài những tiếng đưa hơi, tiếng đệm, tiếng láy, có khi trong bài hát có cả những tiếng dùng để ghi hệ thống âm giai của cổ nhạc là hò, xự, xàng, xê, cống,... Ví dụ trong bài "Xe chỉ luồn kim": May quần (tình chung là vuông) nhiễu tím (í a, í a). Gởi ra (gởi ra chồng) cho chồng. Ứ xáng, ú xáng u cái liu xê phàn (thời cái nỗi gởi ra cho chồng) Ngày xưa, trai gái vùng Bắc Ninh có thể hát Quan họ quanh năm. Mỗi khi có dịp lễ là họ mời nhau đến hát. Cả đến khi không có việc gì, họ cũng rủ nhau đến một làng nào đó trong vùng để cùng nhau vui hát. Chỉ cốt là trước khi đến, họ bảo cho nhau biết trước để có thì giờ gọi người. Nhưng hát Quan Họ đặc biệt thịnh hành vào mùa thu tháng 8 và nhất là vào tiết xuân trong ba tháng: giêng, hai, ba ... Dịp hát quan trọng nhứt là những dịp đám cưới, đám khao, đám giỗ, đám hội. Hát Quan họ là lối hát không dính dáng đến lao động, trái với nhiều loại dân ca khác như hò, hát ví, vì thế không hát ở ngoài đồng trong khi làm lụng. Có thể hát tại nhà trong các dịp cưới hỏi, giỗ khao; hay sau khi hát ở hội đình, hội chùa rồi mời nhau về nhà. Tại nhà có khi gái ngồi trong nhà hát ra, và trai ngồi trên bờ hát vọng xuống. Có k hi họ cùng ngồi trong thuyền thúng trên mặt hồ để vui hát trong một đêm hè hay một chiều thu. Tại hội đình, trai gái hát trước bàn thờ Thanh hoàng. Lắm khi các bài hát, lúc đầu chỉ có tính chất tôn giáo một ít, còn về sau đều có tính chất tình tứ. Tại hội chùa, họ hát ở trước cửa chùa, giữa sân chùa, có khi cả ở trong chùa. Nhưng thường hát ở các sườn đồi hay giữa các đám ruộng, hoặc trên những bờ đê bên cạnh chùa. Hát chia làm từng bọn. Mỗi bọn, trai hay gái, phải có ít nhứt bốn người để thay phiên nhau hát, vì hát rất hao hơi. Quan họ phải hát giọng đôi, nghĩa là hai người cùng hát một lúc, một người "dẫn" (chính) và một người "luồn" (phụ). Mỗi bọn quan họ có một người đứng đầu đại diện, được cả bọn tôn làm anh Hai hay chị Hai. Những người khác cứ theo thứ tự hát hay, hát kém mà lấy tên là anh Ba, anh Tư, anh Năm hay chị Ba, chị Tư, chị Năm. Chỉ cần bốn người hát được, còn bao nhiêu dự vào cho đông cũng không sao. Khi hai bên hát với nhau, bên hát trước hát giọng nào thì bên hát sau phải theo giọng ấy để trả lời và phải theo cho đúng; không được bỏ một tí ngân nga. Như thế mới là đối chọi. Không đối được là tỏ cái kém cỏi của mình. Trai gái hát Quan họ không phải sống về nghề hát, không thể gọi là những người hát chuyên nghiệp. Nhưng không phải bất cứ ai ai cũng có thể hát được Quan họ. Muốn hát Quan họ phải có nhiều điều kiện, phải có giọng tốt, phải chịu khó luyện tập, phải có trí nhớ và ít nhiều thông minh, nghĩa là có ít nhiều tài đối đáp, biết bình tĩnh để trả lời người đối diện, không những trong ý câu hát mà nhứt là trong giọng bài hát. Tình bạn hữu, tình anh chị em giữa những người cùng chung "gia đình" Quan họ thật thân thiết. Họ coi cha mẹ của nhau như cha mẹ của mình. Những dịp hiếu, hỷ, buồn vui, họ đều đến thăm hỏi, biếu tặng. Cha mẹ bạn có yếu đau, họ tìm đến săn sóc an ủi.
 (Điền Hay Tích Lạ- Nguyễn Tử Quang)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

Ký Thanh Phong Am Tăng Đức Sơn - Trần Thái Tông


寄清風庵僧德山   Ký Thanh Phong Am Tăng Đức Sơn
               陳太宗                                    Trần Thái Tông

風打松關月照 庭     Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình 
心期風景共凄清      Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh
個中滋味無人識      Cá trung tư vị vô nhân thức
付與山僧樂到明.     Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh. 

Dịch nghĩa: 
              Gửi sư Đức Sơn Ở Am Thanh Phong 

Cổng bằng gỗ thông bị gió đập, bên trong trăng vẫn chiếu sáng sân
Lòng người cùng cảnh vật trầm lắng và trong
Cái cảm giác tĩnh lặng ấy không ai thấu hiểu
Chỉ có nhà sư trong núi nhận biết nên vui với ánh sáng đạo.

Dịch thơ: 

Cổng thông gió đập một sân trăng
Người cảnh sáng trong vẫn mãi hằng
Cảm giác lặng bình ai thấu hiểu
An vui ánh đạo lão chân tăng.
                                     Quên Đi

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Giọt Ngâu


Bài Xướng:

              Giọt Ngâu

Tháng Bảy sụt sùi đẫm giọt ngâu
Tiếng ai nức nở mối duyên đầu
Sông Ngân ngăn cách tình phu phụ
Mắt lệ tuôn tràn cảnh bể dâu
Mong đợi tháng ngày luôn khắc khoải
Chìm trông hôm sớm lắm u sầu
Bao giờ Ngưu Chức thôi Nam Bắc
Ô Thước cần chi bắc nhịp cầu.
                           Kim Phượng
***
Các Bài Họa:

Bao Giờ Lấp Dòng Ngân?

Ô Thước cần chi bắc nhịp cầu! *
Nếu mà tháng Bảy chẳng mưa Ngâu
Thì đâu chia rẽ tình chồng vợ
Cũng chả phân ranh cảnh não sầu
Thăm thẳm sông dài gom nước suối
Xa vời biển rộng hóa cồn dâu
Bao giờ lấp được dòng Ngân nhỉ?
Hai kẻ Chức - Ngưu hết bạc đầu!
                songquang20200817

 
* Thơ Kim Phượng
***
         Đẫm Lệ Tình Ngâu

Đầu nguồn, cuối biển một giòng ngâu
Chung thuỷ như thơ viết buổi đầu
Ca tụng tình Ngưu Lang, Chức Nữ
Buồn phiền đời đại hải, nương dâu
Ngân Hà vạn thủa trôi niềm nhớ
Ô Thước nghìn thu đọng nỗi sầu
Mưa gió bạt ngàn bao hận tủi
Người đi gọi nắng tới hong cầu...

           Hawthorne 17 - 8 - 2020
                   Cao Mỵ Nhân
***
Nhịp Cầu Ô Thước

Ngập tràn suối lệ mối tình Ngâu
Ai nỡ gây nên cảnh thảm sầu
Xa ngát thời gian và khoảng cách
Biệt mù bãi bể với nương dâu
Thời gian thương nhớ sâu quầng mắt
Năm tháng tương tư bạc mái đầu
Xót phận Chức Ngưu khôn gặp gỡ
Quạ đen chắp cánh bắc nên cầu.

                            Phương Hà
***
        Một Thiên Tình Sử

Một thiên tình sử tích mưa ngâu
Tiên nữ tương tư cái buổi đầu
Ả Chức lơ là khung cửi dệt
Chàng Ngưu chểnh mảng bãi nương dâu
Ngân Hà muôn thuở đây thương nhớ
Vân vũ ngàn thu đó thảm sầu
Nước mắt tương phùng rơi thấm đất
Tình chung Ô Thước nối nên cầu
                Mai Xuân Thanh
                 Ngày 17/08/2020

***
           Tình Ngâu

Mây trời u ám chuyện tình Ngâu
Hai kẻ yêu nhau khóc mộng đầu
Đắm sắc chàng Ngưu quên ruộng rẫy
Động lòng ả Chức lỡ tầm dâu
Thiên đình thịnh nộ đày đôi ngã
Vân hán xót thương một gánh sầu
Cám cảnh Ngọc Hoàng cho lũ quạ
Hàng năm Thất tịch đến xây cầu.

                                   Quên Đi

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Ký Sinh


Bánh cam với lại bánh còng
Tôi bưng đi bán lòng vòng kiếm ăn
Sống vầy có phải bám chăng
Cớ sao có kẻ nói rằng ký sinh
Mong rằng chớ có nói khinh
Tuy nghèo chưa bám hay rình của công
Thưa rằng đây chẳng nói ngông
Ai đang ăn bám đánh đồng chúng tôi
Ký sinh thấy có nhiều rồi
Hút sao đến cả mồ hôi bọn nghèo
Còn kia chị bán bánh bèo
Siêu vi Vũ Hán lèo tèo khách ăn
Người ơi có hiểu dùm chăng
Mồ hôi chị đổ cho rằng bám sinh
Có quyền có thế nói khinh
Lưỡi kia khéo uốn chỉ rình lập công
Đúng là lời nói cuồng ngông
To mồm xúm đánh hội đồng bọn tôi
Bán bưng cam chịu phận rồi
Ký sinh hám cả của hôi dân nghèo.
                                      Quên Đi

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Điển Hay Tích Lạ - Nữ Trượng Phu


Đời Tam Quốc, em trai của Ngô chúa Tôn Quyền là Tôn Dực làm Thái thú quận Đan Dương. Dực vốn tính cương cường, nóng nảy lại hay rượu. Viên đốc tướng Đan Dương là Qui Lãm cùng viên quận thừa là Đái Viên thường có ý mưu sát Dực. Hai tên mới kết thông với kẻ tùy tùng của Dực là Biên Hồng. Thế là cả ba mưu giết Dực.
Một hôm, các tướng cùng các vị huyện lịnh về hội họp đông đủ tại Đan Dương. Tôn Dực cho bày yến tiệc thiết đãi. Vợ của Dực là Từ thị có sắc đẹp lại thông minh, rất giỏi khoa bói Dịch. Bấy giờ nàng bói thử một quẻ thấy "tượng" rất xấu, mới khuyên chồng chớ ra tiếp khách. Nhưng Dực không nghe, cứ cùng các quan ra công đường, chủ tọa buổi tiệc. Đến chiều tiệc tan, Biên Hồng ngầm giấu dao trong mình, theo chân Dực ra cửa, rồi bất thình lình rút dao đâm Dực chết ngay. Qui Lãm và Đái Viên bèn đổ tội cho Biên Hồng, lôi ra giữa chợ chém đầu. Rồi hai tên thừa thế đoạt lấy của cải và thị thiếp của Dực. Qui Lãm thấy Từ thị nhan sắc diễm lệ, động lòng dục vọng, bèn bảo nàng:
- Ta đã báo thù cho chồng nàng, vậy nàng hãy về ở với ta. Nếu không nghe thì có toàn mạng.
Từ thị nói:
- Chồng thiếp vừa mới chết, chưa tiện theo tướng quân ngay. Xin đợi đến tối 30 này, thiếp cúng "trừ phục" xong, rồi chúng ta thành thân cũng chẳng muộn.
Qui Lãm nghe nói, sung sướng ưng lời lui ra chờ đợi. Từ thị bèn bí mật triệu hai viên tướng tâm phúc của Dực là Tôn Cao và Phó Anh vào phủ, khóc và nói:
- Khi tiên phu còn sống, vẫn thường khen hai ông trung nghĩa. Nay hai tên giặc Đái, Qui mưu sát chủ, rồi đổ tội cho một mình Biên Hồng và đem hết gia tư, tôi tớ nhà tôi ra chia nhau. Qui Lãm lại cưỡng bức, đòi hại cả đời tôi nữa. Tôi phải giả tảng ưng lời cho yên lòng nó. Nay hai tướng quân nên sai người đi gấp về báo Ngô hầu. Một mặt hãy bày mật kế trừ hai tên giặc ấy để rửa thù nhục này, thì người chết được ngậm cười mà kẻ sống đội ơn muôn phần.
Đoạn, nàng cúi xuống lạy hai lạy. Tôn Cao, Phó Anh cũng khóc, nói:
- Hai chúng tôi đã đội ơn tri ngộ của Phủ quân nay Phủ quân bị hại, mà chúng chưa thể chết theo là còn muốn lập kế báo thù cho chủ. Giờ phu nhân sai khiến, chúng tôi há dám không hết sức?
Đến đêm 30, Từ thị bí mật cho hai tướng Tôn, Phó vào phục sẵn trong màn the nơi phòng kín. Đoạn bày lễ cúng tế ngoài nhà thờ. Tế chồng xong, nàng trút bỏ hết đồ tang phục, tắm gội nước hương, trang điểm thật lộng lẫy, cười nói tươi vui. Qui Lãm nghe tin, sung sướng như mở cờ trong bụng. Đến đêm, Từ thị cho con hầu ra mời Lãm vào phủ, bày tiệc giữa nhà, chuốc rượu. Người đẹp, rượu ngon, những lời chuốc mời ngọt dịu, những cái liếc hữu tình, những nụ cười tươi tắn say đắm làm cho Lãm ngây người tưởng mình đã lạc vào bồng lai ... nên mặc sức cứ uống.
Khi Lãm đã say, nàng mới mời vào buồng the. Lãm sung sướng mê mẩn. Chắc hẳn phen này bên cạnh giai nhân mặc đi mây về gió, cảm thấy đời sắp lên hương, nên Lãm chuếnh choáng theo vào. Bỗng Từ thị kêu lên:
- Tôn, Phó, hai tướng quân đâu?
Tức thì hai tướng từ sau màn cầm dao nhảy ra. Lãm trở tay không kịp, bị Phó Anh chém một đao lăn ngã xuống. Tôn Cao bồi thêm một đao nữa, chết không kịp la. Đoạn, Từ thị lại mời Đái Viên đến dự tiệc. Viên không nghi ngại, lòng lại thấy hớn hở, biết đâu mình may phúc được mắt xanh để ý. Nhưng khi vừa hăng hái bước vào phủ, óc còn đương toan tính những lời nói sao cho có duyên dáng và mơ tưởng những chuyện lông bông thì Tôn, Phó xông ra mỗi người phạt cho một đao, chết không kịp dãy.
Hạ được chúng, Tôn Cao và Phó Anh sai quân đi bắt cả gia thuộc già trẻ cùng dư đảng của hai tên Lãm, Viên rồi giết chết cả.
Thù chồng đã trả, Từ thị lại mặc đồ tang phục, đem thủ cấp Đái Viên, Qui Lãm đặt trước bàn thờ Tôn Dực mà tế.
Khắp Giang Đông, ai cũng khen tài đức tiết liệt của Từ thị. Người sau có làm bài thơ khen:

Tài đức gồm hai tuyết giá trong,
Tru di nghịch tặc rửa hờn chồng.
Tôi hèn bó gối, tôi trung chết,
Thua hẳn Đông Ngô một má hồng.
(Bản dịch của Tử Vi Lang)


Nguyên văn:

Tài tiết song toàn thế sở vô,
Gian hồi nhất đán thụ thôi từ.
Dung thần tòng tặc, trung thần tử
Bất cập Đông Ngô nữ trượng phu!




Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Độc Hành


Bài Xướng:

                 Độc Hành

Thanh xuân một thuở chìm hư ảo
Say đắm yêu đương nhỡ cánh bằng
Đêm thả hồn mơ đan lối mộng
Canh tàn dệt ý kết tình trăng
Thang mây lắm bậc mờ sương khói
Nửa đoạn đường trần lạnh gối chăn
Duyên nợ đa đoan thuyền lạc nẻo
Thẩn thờ xế bóng sợi buồn giăng.
                                Quên Đi
***
Các Bài Họa:

              Tơ Lòng

Phút hẹn hò mười mong chín nhớ
Nhìn phương xa dõi cánh chim bằng
Dung nhan ấy nét buồn sương phụ
Định mệnh rày bầu bạn gió trăng
Trải tháng năm côi thân chiếc bóng
Sầu đêm ngày lẻ gối đơn chăn
Mơ đoàn viên tưởng chừng chung bước
Tơ nhện lòng đà mất lối giăng
                             Kim Phượng
***
    Xếp Cánh Chim Bằng

Cời ngọn lửa hồng trong bếp vắng
Rã rời xếp lại cánh chim bằng
Trước từng ngang dọc qua sông biển
Nay chỉ im lìm ngắm ánh trăng
Che mặt giấu buồn sau nếp áo
Thu mình trốn lạnh dưới làn chăn
Còn đâu khí phách thời trai trẻ
Tuổi lão ngậm ngùi mắt lệ giăng
                               Phương Hà ***
          Tùy Duyên
Ôn lại ngày xanh qua ảo ảnh
Thương thầm nhớ trộm, cánh chim bằng,
Yêu đương đắm đuối mơ hình bóng
Luyến ái mê say mộng ánh trăng
Sáu khắc rét căm da với áo
Năm canh lạnh lẽo chiếu cùng chăn
Tùy duyên, danh lợi không ràng buộc
Thoát nợ, trần ai gió bụi giăng...
                        Mai Xuân Thanh
                         Ngày 14/05/2020
***
      Trăng Sơn Cước

Sơn cước thiếu thời sao mãi nhớ
Kontum yêu dấu thuở an bằng.
Bên rừng lều vải bập bùng lửa
Trên dốc thác ngàn lửng thửng trăng.
Tiếng thú hoang vu hoà nhạc suối
Sao trời lấp lánh thế mùng chăn.
Một đêm thú vị cùng bè bạn
Trong ký ức già kỷ niệm giăng.
                              Mailoc
                           5-15-2020
***
           Đôc Hành
Thất thểu trời tây thân lữ khách
Cô đơn quê mẹ nghĩa kim bằng
Độc hành gậm nhấm tình non nước
Lê bước suy tư chuyện gió trăng
Ai đã bẻ ngang lời nguyện ước
Đâu người đánh mất dịp chung chăn
Đề rồi lầm lủi trong đêm tối
Và mãi quẩn quanh giữa nhện giăng
                                   Thái Huy

                                    5/16/20


Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Hùng Ca Sử Việt 2 - Bố Cái Đại Vương - Khúc Thừa Dụ


          Vào thời nước ta bị giặc  Đường đô hộ(603-906) ở châu Đường Lâm có gia đình họ Phùng thuộc loại giàu có. Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm.
         Các đời sau là Phùng Khiêm, Phùng Thông, Phùng Đạt. Cha truyền con nối, qua 5 đời đều là quan lang (Tù Trưởng) Châu Đường Lâm (gần bằng một huyện bây giờ). Cha của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ, từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) chống sự chiếm đóng của nhà Đường ở nước ta, sau đó trở về quê lo việc điền viên và trở nên giàu có, trong nhà có đến hàng nghìn nô tỳ.(bia Quảng Bá).
         Theo truyền thuyết, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ.  Con cả là Phùng Hưng. Năm Phùng Hưng được 3 tuổi lại sinh hai con trai nữa. Em thứ 2 là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em qua 18 tuổi thì bố mẹ đều mất.Ở tuổi trưởng thành ba anh em họ Phùng đều là những chàng trai chí khí, đảm được hơn người
. Đặc biệt Phùng Hưng so với hai em Phùng Hải và Phùng Dĩnh, ông có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và truyền thuyết dân gian lưu truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần ông đánh được 2 con trâu mộng đang húc nhau, dân làng ai cũng thán phục. Lần khác lại trừ được hổ dữ, bằng mưu kế, đem lại bình yên cho làng xóm mà cho tới giờ nhân dân Đường Lâm còn lưu truyền về câu chuyện đó.
          Một lần vào rừng, Phùng Hưng bị hổ vồ nhưng nhanh nhẹn né tránh được rồi vật nhau với hổ, và cuối cùng đánh chết hổ, mang về. Còn Phùng Hải thì đã có lần thử sức, vác cả một con thuyền nặng nghìn hộc, đi được hơn mười dặm mới dừng. 
          Sau khi người cha qua đời, Phùng Hưng mới nối chức cha cũng làm tù trưởng Châu Đường Lâm, được các châu ấp lân cận mến phục.
          Dưới ách cai trị của quan quân nhà Đường, dân ta thường phải chịu trăm bề điêu đứng. Trước đó đã có các cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên (năm 687) rồi của Mai Thúc Loan (năm 722) nhưng đều bị đàn áp.
          Đến năm đại lịch thứ hai (767) có giặc cướp đi thuyền lớn từ biển phía nam (đảo Java) tới, Đô úy Châu Vũ Định là Cao Chính Bình đánh dẹp được. Rồi Bình ở lai cái trị, bắt dân đóng góp rất nặng nề.
          Phùng Hưng tự nhủ:
       Đất nước ta từ khi có vua Hùng lập quốc, có núi tả Sông Hồng anh linh đến vạn thuở, cớ sau bây giờ vẫn phải chìm đắm mãi trong cảnh lầm than? Ta phải cùng các anh hùng hào kiệt cứu lấy giang sơn, đánh cho giặc bắt tan tành. Đất nước ta phải do người nước ta làm chủ, chứ lẽ nào phải cống nạp mãi?
          Thế rồi Phùng Hưng nuôi ý định dấy binh. Trước hết ngài bàn việc đó với hai người em. Cả hai người em cũng cùng có chí hướng như Ngài.
          Vào ngày đầu tháng ba, ba anh em lập một đàn tràng thề nguyền đồng tâm chung sức, dấy
binh khởi nghĩa, quyết đánh đuổi giặc Đường, giành lại giang san cứu dân thoát khỏi cảnh nô lệ.
          Bỗng nhiên có một vầng hào quang xuất hiện. Khi hào quang biến mất, trước mặt ba anh em là một
 lão nhân râu tóc bạc phơ. Anh em Phùng Hưng cúi lạy chào. Lão Nhân cất tiếng
- Lão đây vốn là Long Thần Nam Hải, đang đi tìm hiểu sự tình nhân gian, thấy đàn tràng hào khí rực một góc trời, nên lấy làm lạ mà tới. Nghe các con có tâm nguyện đuổi giặc xâm lăng cứu lê dân bá tánh. Ta lấy làm cảm động vô cùng. Nay cho các một móng rồng của ta
         Phùng Hưng Cất tiếng hỏi:
- Thưa Long Thần, Ngài cho chúng con vật quý này để làm gì?
- Con về rèn một thanh kiếm lệnh, dùng móng này làm thành cái chuôi. Khi vung kiếm hiểu thị, muôn người như một nhất nhất tuân theo lệnh ban ra.
         Nói xong Long Thần biến mất
         Sau đó, ba anh em rèn ngay một thanh kiếm thật bén, rồi tra vào chuôi được làm từ móng rồng, ở giữa khắc ba chữ "Long Thần kiếm".
         Từ đó, Phùng Dĩnh ở nhà trông coi công việc trong Châu, còn Phùng Hưng và Phùng Hải chia nhau đi khắp các vùng gần xa, chiêu tập hào kiệt. 
         Để đánh lạc hướng chú ý giặc, Phùng Hưng đổi tên Cự Lão, Phùng Hải đổi tên là Cự Lực. Sẵn có sức khỏe hơn người, hai anh em đến các sới vật thường xuyên tổ chức trong các kỳ lễ hội tại các địa phương, vừa để tham gia mà cũng vừa là cách tốt nhất để nhận mặt làm quen với các anh tài.
         Đi đến đâu hai anh em cũng được mọi người mến mộ. Các tay đô vật ở khắp các trang ấp đều rất mực phục tài anh em Phùng Hưng và Phùng Hải, lại vừa nhận thấy ở họ những tấm lòng thật hào hiệp, quảng đại, nên khi nghe nói tới việc dựng cờ khởi nghĩa, họ đều nhiệt liệt hưởng ứng và cùng nhau hẹn ngày khởi sự. 
         Sau mấy tháng đi khắp các vùng, anh em Phùng Hưng, Phùng Hải trở về nhà. Nhân ngày húy kỵ ông bố 11 tháng 3, ba anh em làm cỗ thật to, mời tất cả anh em, họ mạc và dân làng. Lại mời tất cả bạn bè và hàng ngũ chức sắc dưới quyền trong châu Đường Lâm, đó là các trang ấp trưởng. 
         Trong bữa cỗ, mọi người ăn uống vui vẻ, rồi sau đó bàn sang chuyện khởi nghĩa. Anh em Phùng Hưng đưa ra thanh "Long Thần Kiếm". Các trang ấp trưởng và mọi người đều đặt tay lên ngựa mà và hứa: "Chúng tôi nguyện xin đem hết tài năng cùng Tướng Quân đuổi giặc " Anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm cùng mấy ngàn nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu. Phùng Hưng xưng là: Đô Quân; Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu.          Để Phùng Dĩnh ở lại trông coi các việc, còn Phùng Hưng, Phùng Hải mượn tiếng là đi tuần thú trong châu, đã dẫn quân chếch xuống phía nam, đến Thời Trung trang (nay là làng Chuông, tức xã Phương Trung - Thanh Oai - Hà Tây) thì dừng lại.
          Đây là địa điểm thuận lợi cho việc tập luyện, phiên chế quân ngũ, vừa đủ xa để bọn giặc đóng ở thành Đại La (Hà Nội) không dòm ngó tới, lại vừa đủ gần để từ đây có thể hành quân bất ngờ tấn công quân địch.
            Thời Trung trang cách thành Đại La khoảng ngoài 20 dậm (khoảng 17,6 cây số theo đơn vị đo lường thời xưa của Việt Nam, 1 dậm = 444 mét), chỉ cần di chuyển quân nửa ngày là đã lên tới nơi.
          Theo hẹn ước, các anh tài khắp nơi mang theo những người cùng chí hướng, lục tục tìm về. Trong  một thời gian ngắn, quân số đã lên tới hàng vạn.
          Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
          Đến tháng 4 - 791 (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7), theo kế của Đỗ Anh Luân một danh sĩ cùng người Đường Lâm, là bạn  Phùng Hưng từ nhỏ, nay là quân sư lo việc bày binh bố trận. Anh em Phùng Hưng, Phùng Hải đã mang quân chia làm hai ngả, bao vây thành Đại La trong đêm tối.
          Cao Chính Bình mặc dù là viên tướng đảm lược, nhưng cũng đành chịu bó tay thúc thủ trong thành. Không thể đem quân trốn ra ngoài, vì tất cả các nẻo đường đều đã bị chặn giữ, Cao Chính Bình đành phải cho một vài tên lính lanh lợi, giữa đêm tối tìm cách lẻn ra, đưa thư cấp báo về nhà Đường, xin tiếp viện.
          Ba tháng ròng, thành Đại La bị vây chặt. Các đoàn viện binh của nhà Đường đến đều bị quân của Phùng Hưng đánh tan. Cao Chính Bình hay tin lo lắng quá thành khối u lớn ở sau lưng. Rồi khối u vỡ, Cao Chính Bình chết.
         Khi tin Cao Chính Bình chết bay ra ngoài thành, Phùng Hưng hạ lệnh cho quân lính từ các nơi hiểm yếu, nhất loạt tiến công. Quân nhà đường chống không nổi, phải kéo cờ trắng ra hàng.
          Phùng Hưng dẫn đại binh vào chiếm Đô hộ phủ trong niềm hân hoan của mọi người. Tướng sĩ suy tôn ngài là Vi đô Tướng quân.
Vi đô Tướng quân lập tức bắt tay vào việc chấn hưng đất nước và xây thành đắp lũy, luyện tập binh mã, đẻ đối phó với nhà Đường sau này.
         Ngài chưa xưng Đế, nhưng thực sự đã điều hành
 công việc như một vị Hoàng đế. Ngài mang lại cho muôn dân cảnh no ấm, thái bình, không phải đem lễ vật cống nạp cho ngoại bang, và các thuần phong mỹ tục trong nước cũng đang được khôi phục lại.
          Nhưng thật tiếc thay, những công việc mà Ngài thực thi đang tiến triển thì dừng lại, bởi cái chết đến quá đột ngột, vào đúng bảy năm sau tức năm 798, lúc đó Ngài mới đang ở độ tuổi sung mãn.
          Xét về công lao cũng như tài năng, đức độ, nhiều người muốn lập Phùng Hải lên thay, vì thấy ông xứng đáng nhất. Nhưng một người đầu mục phụ tá cho Phùng Hưng, và sau này phụ tá cho Phùng An, con trai trưởng của Phùng Hưng tên là Bồ Phá Cần, không tán thành
          Bồ Phá Cần là người có sức mạnh vô song, nhưng liều lĩnh và thiển cận, một mực lập Phùng An lên thay, rồi đem quân chống lại Phùng Hải. Không muốn nhìn thấy cảnh máu chảy đầu rơi, lại cốt nhục tương tàn nên Phùng Hải né tránh, cùng vài người thân tín, bỏ lên ở động Chu Nham, rồi sống cuộc đời dân giã cho đến lúc mã chiều xế bóng.
          Phùng An nối nghiệp cha, nhưng là người không có đảm lược lớn. Một người như thế chỉ có thể trị vì đất nước trong cảnh thái bình, còn khi đất nước có biến động thì sẽ không đảm đương nổi.
          Công việc đầu tiên mà Phùng An tiến hành là tổ chức lễ an táng cho cha thật trọng thể. Sự trọng thể lại
 càng tăng gấp bội phần, vì tất cả dân chúng và binh lính đều thực lòng tiếc thương vị anh hùng của mình vừa nằm xuống.
Dân chúng và binh lính đưa tang, khóc Ngài đến đỏ hoe cả hai con mắt.
         Họ thương tiếc, gọi Ngài là Bố Cái, tức Cha Mẹ? (có nhiều người không đồng tình với giải thích này. Thứ nhất chữ Cái có nghĩa là giống cái, là phụ nữ chớ không phải nghĩa là mẹ. Thứ hai chữ Cái có nghĩa là LớnBố Cái là người Cha Lớn ). Rồi họ lại gọi Ngài là Đại vương, như trước đó vẫn gọi Ngài như thế. Phùng An con trai Ngài, do cảm nhận được những tình cảm ấy của dân chúng và binh lính cũng suy tôn Ngài làm "Bố Cái đại vương". Và cái tên ấy còn mãi đến ngày nay.
                                

 Lăng mộ Bố Cái Đại Vương ở Giảng Võ Hà Nội                                    
          Nhưng Phùng An là người tài hèn trí mọn, không nối được cái chí của cha, chú. Hai năm sau Đường Đức Tông sai Triệu Xương sang làm An Nam Đô hộ phủ. Xương đi sau, sai sứ giả đem đồ lễ vật đi trước để dụ dỗ An. An sắp xếp nghi vệ đầy đủ, dẫn quần thần ra hàng.
          Nhiều người họ Phùng có chí khí và nhiều người họ khác nữa, thấy vậy, bèn tản đi các nơi, không muốn ở lại hợp tác với giặc. Sau khi đặt nền cai trị, bọn quan quân nhà Đường liên tục truy sát những người trong gia tộc họ Phùng.
         Theo các dòng sông lớn dòng họ Phùng toả về các vùng núi, trung du, các vùng hạ lưu các con sông lớn nhỏ để lập nghiệp.
         Bố Cái Đại Vương mất nhưng Ngài rất hiển linh
thường ở trong thôn dân hiện hình thành thiên xa vạn mã phi đằng trên nóc nhà, trên cổ thụ; chúng nhân trông lên thực như đám mây ngũ sắc, lại nghe thấy ti trúc, quản huyền giao hưởng trên không trung, tiếng hô hoán, tiếng cờ trống võng kiệu vọng lên nghe thấy phân minh giữa ban ngày.
         Phàm trong ấp có tai nạn hoặc việc vui mừng thì Ấp trưởng trong đêm đã thấy có dị nhân báo trước; chúng phục là thần, lập đền phía tây Đô phủ mà phụng sự, phàm có việc trộm cướp, việc hồ nghi thì đại thể tề tựu trước đền mà bái yết thần, vào trong đền mà minh thệ, lập tức thấy họa phúc. Nhà thương mại đem lễ đến đền cầu lợi hậu đều có linh ứng; thôn
 dân gặp phải mưa dầm hay đại hạn; cầu đảo liền được như ý.  
          Mỗi năm xã đến ngày tạ lễ, người đến đông như rừng như biển, bánh xe dấu ngựa đầy đường; miếu mạo nguy nga, hương đèn chẳng dứt. Tất cả đều thấy ứng nghiệm, vì vậy "mỗi khi vào ngày tạ lễ, người đến nhiều như núi như biển, bánh xe chật đường". Về sau, dân chúng xây dựng thêm,"miếu mạo nguy nga, lửa hương bất tuyệt"(theo Việt điện u linh).
          Đúng 100 năm, sau ngày Ngài mất, cũng tại quê hương của ngài (Đường Lâm), một người anh hùng nữa đã ra đời. Đó là Ngô Quyền (898 - 944). Sau khi giết Kiều Công Tiễn trả thù cho bố vợ (Dương Đình Nghệ), Ngô Quyền xưng vương, rồi đánh tan quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng. Trước trận đó, thấy quân giặc đông, nhà vua cũng có phần lo lắng, nhưng"đêm nằm mộng, bỗng thấy một ông già tóc bạc, mũ áo nghiêm trang ... xưng là Phùng Hưng đến cổ vũ và hứa sẽ đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu" . 
         Sau trận thắng, nhà vua tạ ơn, xuống chiếu lập đền thờ Phùng Hưng ở làng Cam Lâm to hơn quy mô cũ, và tổ chức lễ hội thật trọng thể. Từ đó thành điển lệ. Các triều đại về sau đều có sắc thượng phong: "Phụ hựu", "Chương tín", "Sùng nghĩa". Đó là những tên hiệu mà các triều Trần trùng hưng đã tặng thêm cho Ngài.
         Lăng mộ Phùng Hưng hiện ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội)... Ở xã Gia Thanh, Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có 3 ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương, tương truyền ông mất tại đây.    


Đền thờ Bố Cái Đại Vương ở Triều Khúc

Bối Cảnh Lịch Sử
         Năm Mậu Thân (768). (Đường, năm Đại Lịch thứ 3).
         Nhà Đường lại đổi Trấn Nam làm An Nam đô hộ phủ. Năm Đinh Mùi (767) là năm Đại-lịch thứ 2, đời vua Đại-tông 代 宗 nhà Đường, sử chép rằng có

Quân Côn-lôn 崑 崙(Mã Lai) và quân Đồ-bà 闍 婆 (Chà Và-Java) là quân ở những đảo ngoài bể vào cướp phá đất Giao-châu,
lên vây các châu-thành.
         Quan Kinh-lược-sứ là Trương bá Nghi 張 伯 儀 cùng với quan Đô-úy là Cao chính Bình 高 正 平 đem quân đánh phá được lũ giặc ấy. Trương bá Nghi bèn đắp La-thành 羅 城 để phòng thủ phủ-trị. La-thành khởi đầu từ đấy.
         Năm Tân Tuất (791) quan Đô-hộ là Cao chính Bình bắt dân đóng sưu-thuế nặng quá, lòng dân oán-giận. Khi bấy giờ ở quận Đường-lâm 唐 林 (bây giờ là làng Cam-lâm, huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây) có người tên là Phùng Hưng 馮 興 nổi lên đem quân về phá phủ Đô-hộ.        
         Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm. Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đồi gò và rừng cây rậm rạp, thú vật dữ tợn thường hay lui tới, nên nơi đây tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm.

         Cao chính Bình lo sợ thành bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ-thành, được mấy tháng thì mất. Quân-sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An 馮 安 lên nối nghiệp. Dân ái-mộ Phùng Hưng mới lập đền thờ và tôn lên làm Bố Cái Đại vương 布 蓋 大 王, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái, nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
         Giới sử học hiện vẫn chưa rõ ngày sinh của ông, chỉ biết ông mất vào năm 791. Một nguồn dã sử cho biết Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) (tức 5-1-761) và chết ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi.
          Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Rất tiếc trong 7 năm ấy, sử sách không để lại một nguồn tài liệu nào về ông. 
         Tháng 7 năm tân-vị ấy, vua nhà Đường sai Triệu Xương 趙 昌 sang làm Đô-hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng.
         Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm.
         Mãi đến đầu thế kỷ thứ 10 năm 906 Họ Khúc nổi lên dấy nghiệp.



HỌ KHÚC DẤY NGHIỆP:
KHÚC THỪA DỤ (906-907). Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ mấy năm, thì bên Tàu loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy-quyền nhà vua không ra đến bên ngoài, thế-lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở Giao-châu, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ 曲 承 裕, quê ở Hồng-Châu (thuộc địa-hạt Bình-giang và Ninh-giang ở Hải-dương). Khúc thừa Dụ vốn là một người hào-phú trong xứ, mà tính lại khoan-hoà, hay thương người, cho nên có nhiều người kính-phục. Năm bính-dần (906) đời vua Chiêu-tuyên nhà Đường 唐 昭 宣, nhân khi trong châu có loạn, chúng cử ông ấy lên làm Tiết-độ-sứ 節 度 使 để cai-trị Giao-châu. Nhà Đường lúc bấy giờ suy-nhược, không thể ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy làm Tĩnh-hải Tiết-độ-sứ và gia phong Đồng-bình-chương-sự 同 平 章 事.
Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu-Lương 後 梁 phong cho Lưu-Ẩn  隱 làm Nam-bình-vương 南 平 王, kiêm chức Tiết-độ-sứ Quảng-châu và Tĩnh-hải, có ý để lấy lại Giao-châu.
Khúc thừa Dụ làm Tiết-độ-sứ được non một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo 曲 顥.
KHÚC HẠO (907-917).
Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết-độ-sứ, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan-lại, sửa-sang việc thuế-má, việc sưu-dịch và
lại cho con là Khúc thừa Mỹ  承 美 sang sứ bên Quảng-châu, tiếng là kết hiếu với nhau, nhưng cốt để dò-thám mọi việc hư thực.
Lưu Ẩn ở Quảng-châu đóng phủ-trị ở Phiên-ngung được 4 năm thì mất. Em là Lưu Cung 劉 龔
(trướcgọi là Lưu Nham 劉 巖) lên thay. Được ít lâu, nhân có việc bất bình với nhà Hậu-Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc hiệu là Đại-việt 大 越. Đến năm đinh-sửu (947) cải quốc hiệu là Nam-hán 南 漢.
 KHÚC THỪA MỸ (917-923). Năm đinh-sửu (917) Khúc Hạo mất, truyền nghiệp lại cho con là Khúc thừa Mỹ. Khúc thừa Mỹ
nhận chức Tiết-độ-sứ của nhà Lương, chứ không thần-phục nhà Nam-Hán. Vua nước Nam-Hán lấy sự ấy làm hiềm, đến năm quí-mùi (923) sai tướng là Lý khắc Chính 李 克 正 đem quân sang đánh bắt được Khúc thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến 李 進 sang làm thứ-sử cùng với Lý khắc Chính giữ Giao-châu.
 DƯƠNG DIÊN NGHỆ VÀ KIỀU CÔNG TIỄN (931-938). Năm tân-mão (931) Dương Diên Nghệ 楊 筵 藝 (Dương Đình Nghệ) là tướng của Khúc Hạo ngày trước, mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý khắc Chính và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết-độ-sứ.                                   
Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị người nha-tướng là Kiều Công Tiễn 矯 公 羨 giết đi mà cướp lấy quyền.
         Đây cũng là giai đoạn nước ta bắt đầu giành lại quyền tự chủ, không còn bị nước Tàu đô hộ. Chấm dứt các thời kỳ Bắc Thuộc