Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Nỗi Lòng

Bài Thơ Xướng

           Nỗi Lòng


Buồn sao mãi vấn vương
Trằn trọc suốt đêm trường
Hoa bướm đầy bao ngã
Tơ duyên chỉ một đường
Không là trai nước Lỗ
Chẳng phải Tề Tuyên Vương (*)
Tim lại luôn dao động
Cũng vì mỗi chữ thương.
                    Quên Đi

(*) Tề Tuyên Vương là vua nước Tề tương truyền rất mê nữ sắc.
Liễu Hạ Huệ nước lỗ không hề dao động trước nữ sắc.
Cả hai sống vào thời Xuân Thu nhà Chu.

Bài Thơ Họa

    SỢI TƠ VƯƠNG.

Có một sợi tơ vương
Xuyên ngang sổ đoạn trường
Sương rơi mờ gác nhỏ
Khói phủ trắng cung đường
Tiếng hát người dân giã
Câu thơ khách đế vương
Bao nhiêu lời tống biệt
Không vợi nỗi sầu thương...
          Hawthorne 23 - 9 - 2022
               CAO MỴ NHÂN
***
Thơ Cảm Tác

      TRẢI LÒNG


Lại cảm thấy buồn vương
Màn đêm phủ dặm trường
Mưa dàn rơi khắp ngõ
Bão nổi dậy trùng dương
Vẫn thức thao im lặng
Còn trăn trở vốn thường
Đâu thành mơ mộng nữa
Dỗ giác niệm hoài thương
             Mai Thắng - 220929

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Giấc Muộn Màng

 


Ảm đạm màu thu một sắc vàng 
Dạ buồn hồn thả bước lang thang  
Cúc ơi sao vẫn nồng hương mãi 
Nắng hỡi đan chi mấy giọt tàn  
Từng đợt heo may thêm giá lạnh
Tình ta một thuở đã nhòa tan   
Mây trời ủ rũ mơ tìm bến 
Đã muộn mây ơi đã muộn màng.
                                 Quên Đi

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

Trang Chu Mộng Hồ Điệp

 


       Trong giấc mơ, muôn loài có sự thay đổi từ dạng này sang dạng khác, nhưng trên thực tế có hay không, mà quan điểm của Đạo Giáo lại cho là có?
         Thực vật hấp thụ những dưỡng chất vô hình để tăng trưởng, động vật nhờ thực vật để sinh tồn. Như thế Thực Vật đã gián tiếp biến thành Động Vật. Tương tự, Động Vật này gián tiếp hoá thành Động Vật khác. Cuối cùng Động Vật bị phân huỷ và Thực Vật sống nhờ sự phân huỷ này. Động vật gián tiếp trở thành Thưc Vật.
Bước vào mộng Chu biến thành Bướm, bước ra khỏi mộng Bướm biến thành Chu. Như vậy Bướm là Chu? Hay Chu là Bướm? Đâu là thực đâu là hư.

Một vòng biến hoá khép kín, loài này biến thành loài khác, nhưng mỗi loài đều có sự khác biệt rõ ràng như Trang Tử đã nói trong câu thứ 9 :
"Thử chi vị vật hóa" ( đây gọi là sự biến hóa giữa vạn vật).

 Từ Chu biến thành Bướm, từ Bướm biến thành Chu.
 Từ thực biến thành hư, từ hư biến thành thưc
 Trong hư có thực trong thực có hư,  trong âm có dương, trong dương có âm.
  Đó chính là Đạo trong học thuyết của Lão Tử, Trang Tử.

     莊周夢胡蝶              Trang Chu Mộng Hồ Điệp    

昔者莊周夢為胡蝶            Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp
栩栩然胡蝶也                    Hủ hủ nhiên hồ điệp dã      
自喻適志與                  Tự dụ thích chí dư
不知周也 俄然覺         Bất tri Chu dã. Nga nhiên giác
則蘧蘧然周也              Tắc cừ cừ nhiên Chu dã.
不知周之夢為胡蝶與  Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư
胡蝶之夢為周與          Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?
周與胡蝶則必有分矣  Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hỉ.
此之謂物化                  Thử chi vị vật hóa.
                           莊子                                     Trang Tử

Dịch nghĩa:

Trang Tử Ngủ Mơ Hóa Thành Bướm

Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá thành bướm
Thế rồi bay lượn như cánh bướm
Rất là thích thú
Chẳng biết gì đến Chu
Chẳng ngờ khi tỉnh giấc lại là Chu
Không biết trong mơ Chu biến thành bướm
Hay trong mơ bướm biến thành Chu
Nhưng giữa Chu và bướm phải có sự phân biệt.
Đây gọi là sự biến hóa giữa vạn vật.
      
Dịch Thơ

Mộng Hồ Điệp

Buổi sớm trong mơ thành bướm đẹp
Mặc tình bay lượn khắp nơi nơi
Mãi vui quên hết bao nhiêu việc
Tỉnh giấc hoang mang một kiếp đời
Thực hoá mơ hay mơ hoá thưc
Tôi thành Bướm Bướm lại thành Tôi
Cũng như nhau bởi chung mầm Đạo
Vạn vật giao hoà hoán đổi ngôi.

                                      Quên Đi

    Trang Tử tên thật là Trang Chu, sinh ở đất Mông, thuộc nước Tống (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Tư tưởng của Trang Chu ẩn trong những lời văn phóng khoáng chủ yếu viết bằng thể văn ngụ ngôn, ý tứ thâm thúy, đa nghĩa, đa sắc. Vì thế mà bao đời nay, mặc dù đã có nhiều người nghiên cứu tư tưởng của ông song vẫn còn nhiều nội dung chưa thể nắm bắt hết. Cuộc đời ông chính là “pho sách” sống, là biểu hiện sinh động của những tư tưởng mà trí tuệ thâm viễn, cao siêu của ông đã đúc kết. Tư tưởng Trang Tử dưới chế độ phong kiến tuy không được tôn sùng nơi cửa quan, triều nội nhưng lại được đón nhận rất tự nhiên bởi tâm hồn kẻ sĩ, bậc quan nhân lúc thất thế, u sầu.

***

                Mộng Hồ Điệp

 Trong mơ hóa bướm đấy lời Trang Chu
            Xòe đôi cánh lượn mù mù
  Nhởn nhơ thỏa thích chu du khắp miền
              Sá gì biết đến Chu tiên
  Giật mình chợt tỉnh hiện tiền giấc say
         Bướm kia nhập thể Chu này
  Hay là chính bướm Chu rày hóa thân
        Phân minh Chu Bướm ắt cần
 Thiên hình vạn trạng cõi trần đổi thay

                                   Kim Phượng

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2022

Siêu Bão Noru

          Siêu Bão Noru

Bứt rứt buồn ơi suốt cả ngày
Giông về từng đợt thấy lo thay
Miền Trung bão dữ dân thêm sợ
Đường xá mưa to nước ngập hoài
Đà Nẵng Thừa Thiên đang chịu khốn
Quảng Nam Quảng Ngãi cũng nguy dài
Tan hoang đổ nát bao làng mạc
Thảm cảnh người ơi đá cũng lay.
                                 Quên Đi

 ***

 NORU SỐ 4 KINH HOÀNG !

(Thương Về Đà Nẵng Quê Hương)

“Noru” số bốn bão bao ngày !
Gió giật tung trời cảnh đổi thay...!
Lốc xoáy sóng cồn đê lỡ mãi 
Mưa dầm gió bấc nước dâng hoài 
Ba đào duyên hải lâm nguy khốn 
Lũ lụt thị thành đói thở dài
Đỗ sập cầu đường hư hỏng nặng 
Tan hoang  nhà cửa cũng lung lay
                        Mai Xuân Thanh 
                           Sept 28, 2022

 

 

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Chuyện Làm Thơ Và Xướng Họa Thơ

 


Muốn làm thơ hay họa thơ, trước hết phải biết thơ là gì, thế nào là Thơ, cũng như những quy luật riêng của từng thể loại thơ...
Có rất nhiều định nghĩa, giải thích Thơ là gì, nhiều không thể nói hết được. Từ các Học giả, Tiền bối cho đến những Nhà thơ, những Người yêu thơ trong hiện tại...mỗi người mỗi vẻ:
Nào là nghệ thuật sử dụng ngôn từ diễn đạt nội tâm, nào là một bài văn vần nói lên cảm xúc đối với cảnh quan, xã hội, nào là sự rung động của bản thân, nào là tiếng nói của con tim khi cảm nhận điều gì đó bằng những câu có vần có điệu, là hình thức sáng tác văn học đẹp như mộng, êm như mơ... và nhiều, rất nhiều không thể nói hết được.
Định nghĩa nào cũng đúng, cũng hay, nhưng dường như chưa đủ, vẫn còn thiếu thiếu điều gì đó!
Với tôi: Thơ là một bài văn vần, một sản phẩm được hình thành từ một cái gì đó thật tầm thường nhưng lại rất cao xa. Rất thực tế nhưng trừu tượng. Là sự tương giao giữa trí óc và con tim, giữa tình cảm và lý trí, giữa cái hữu hình và vô hình... Giống như Lão Tử nói về Đạo Là Gì như sau: Đạo mà có thể diễn tả được bằng lời thì không phải là Đạo (Đạo khả đạo phi thường Đạo)". Thơ cũng thế, Thơ chỉ có thể cảm nhận, hiểu một cách khái quát chứ không thể định nghĩa đầy đủ được. Nếu Thơ định nghĩa được thì thơ không còn là thơ nữa.

Tuy Thơ không thể định nghĩa chính xác bằng ngôn từ, nhưng thơ vốn là một nghệ thuật, nên ta có thể, và cần phải dùng câu, chữ tao nhã để diễn tả tình ý sao cho đẹp, cho hay, mang đến cảm giác thư thái cho người đọc. Đã là nghệ thuật thì phải có những quy tắc nhất định, có những quy luật riêng của từng thể loại. Thế nên lúc làm thơ, chúng ta  tuyệt đối tôn trọng quy tắc của từng thể loại. Làm thơ đã thế, Họa Thơ càng phải nghiêm chỉnh hơn.
Hoạ thơ là một thú vui của các Thi Nhân thuở trước. Tuy ngày xưa cũng có nhiều thể thơ, nhưng các Thi Nhân chỉ chọn Thơ Đường Luật để Xướng Hoạ.
Tại Sao? Các vị ấy cho rằng làm một bài Thơ Đường Luật theo đúng Quy Luật đã khó, khi hoạ lại càng khó hơn, do phải thêm các quy định Hoạ Thơ khá chặt chẽ.

1 - Hoạ Thể Thơ :
Bài Xướng thuộc thể thơ gì, Bài Hoạ phải theo thể thơ đó. Nếu bài Xướng là Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt thì bài Hoạ cũng Đường Luật Thất Ngôn Tứ Tuyệt. Bài Xướng là Đường Luật Ngũ Ngôn Bát Cú thì Bài Hoạ phải theo thể thơ Đường Luật Ngũ Ngôn Bát Cú...

2 - Họa Vần:
Trong bài Thơ Xướng, Những chữ gieo Vần là Chữ gì, thì bài Hoạ phải giữ nguyên các chữ đó. Không được sử dụng chữ khác.

3 - Hoạ Ý :
Bài xướng nói về ý gì thì Bài họa cũng phải nêu lên ý đó hoặc ngược lại, hay có thể suy diễn rộng nghĩa ra...
Bài xướng tả Cảnh thì Bài họa cũng tả Cảnh. Bài xướng đề cập đến tình cảm, Bài họa cũng theo ý đó. Bài xướng nói về quá khứ, Bài họa cũng thế, hay có thể nói về tương lai...

Ngoài ra trong họa thơ còn có những quy ước bất thành văn, mà người họa thơ không thể bỏ qua :

- Lỗi Khắc Lục
Trong hoạ thơ, không được dùng lại chữ thứ 6 của các câu 1, 2, 4, 6, 8 thơ Thất Ngôn hay chữ thứ 4 ở các câu 1, 2,4 Thơ Ngũ Ngôn, trong các câu có gieo vần của Bài xướng, tức là không được dùng lại các Chữ đứng trước các chữ gieo vần của Bài xướng (trong giới làm thơ gọi đây là lỗi "Khắc Lục")..ngoại trừ những Chữ đặc biệt không thể tránh được (Tử Vận). Ngoài ra cũng nên trách sử dụng lại các Chữ của Bài xướng ở cùng vị trí.

- Khởi Luật Luật Thanh
Khởi Luật có nghĩa là Thanh của chữ thứ hai câu đầu cho ta biết bài thơ làm theo luật gì. Nếu chữ thứ Hai là tiếng Bằng thì bài Thơ có Luật Bằng, nếu chữ thứ Hai là vần Trắc thì bài Thơ theo Luật Trắc.
Trong từ Xướng Họa bao gồm cả ý Đối Đáp, nên Bài xướng dùng luật gì thì Bài họa phải đối lại luật đó. Thí dụ bài xướng luật trắc thì bài họa phải luật bằng và ngược lại. Khi Họa thơ, nếu tuân thủ theo Điều này, Bài họa sẽ không bao giờ bị lỗi Khắc Lục
Trong trường hợp có nhiều người họa, thì có thể bỏ qua điều này, tuy nhiên người họa đầu tiên cũng cần tuân thủ khi họa.

Thơ và Họa Thơ có những quy tắc nghiêm minh như vậy, thế nhưng khi lướt qua các Diễn Đàn Thơ Đường trên Mạng, chúng ta dễ dàng nhận thấy, có một vài Trang, bất chấp luật của thơ Đường Luật, đăng một cách thiếu trách nhiệm khi đăng những bài thơ sai luật, nội dung không gắn kết, rời rạc mỗi câu mỗi ý, lấy râu ông này cắm càm bà nọ...hay dùng những từ ngữ thiếu tao nhã, lệch lạc, vô nghĩa...
Lúc đăng, không hiểu Ban Biên Tập Trang có nghĩ đến những người mới tập tểnh làm thơ chăng? Có nghĩ khi đăng như thế, sẽ mang cái sai đến cho những người mới học, như thế vô tình làm hại họ.
Hay là đăng để cho Anh vui, Tôi vui, Chúng Ta cùng vui, là đủ rồi, mà quên rằng còn những tầng lớp kế tiếp đang muốn tìm hiểu và học hỏi các thể thơ xưa.

Trang Mạng nói chung và các Diễn Đàn Thi Ca nói riêng, không chỉ là nơi trao đổi, giải trí cho người yêu thích văn thơ, làm thơ và tập làm thơ, hoặc giới thiệu những vầng thơ sâu sắc lãng mạn, những áng văn súc tích, mà còn là nơi cho chúng ta học hỏi.
Tất cả những gì sai trái, không theo đúng những quy luật có từ thời Ông Cha (không phải những quy định mới xuất hiện sau này), chúng ta không thể chỉ vì cảm tính mà đăng tùy theo ý thích được.

Huỳnh Hữu Đức