Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Điển Hay Tích Lạ 14

Thượng Thư Lỗ Chó
Đời Nam Tống bên Tàu (1127-1275) có quan tể tướng tên Hàn Xà Trụ. Vốn một gã vô học bất tài, nhưng nhờ thế lực mỹ nhân mà làm được tể tướng. Vua thích gái đẹp, Hàn lo lắng dâng gái đẹp cho. Trong dinh của Hàn bao giờ cũng sẵn chứa giai nhân để phòng một khi nhà vua cần đến. Hàn vẫy tiền không tiếc tay để mua những người đẹp toàn quốc. Nhiều gái đẹp trinh liệt đã phải khổ sở vì hắn. Dùng tiền tài vô hiệu thì Hàn lại dùng đến uy quyền, cưỡng ép bắt ngang. Do đó, Hàn được vua thương. Các quan trong triều phần nhiều sợ uy thế của Hàn. Ai ai cũng nịnh hót để mong được yên thân hay để Hàn cất nhắc đề cử.
Một hôm, Hàn cùng các tân khách dạo chơi. Đi qua một trang viên, thấy phong cảnh đẹp, Hàn khen rằng:- Thật rõ là cảnh nông thôn, hiềm vì tĩnh mịch quá, thiếu tiếng chó sủa.Hàn vừa nói xong thì bỗng có tiếng "ăng ẳng" phát lên.Ồ, chó đâu chẳng thấy mà lại nghe tiếng chó sủa đây? Mọi người ngạc nhiên, nhìn quanh quất nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy bóng chó. Giữa lúc ấy thì có tiếng "ăng ẳng" tiếp theo. Bấy giờ mọi người mói cười ầm lên. Thì ra quan thị lang Triệu Sư Trạch nhại tiếng chó sủa để làm vui tai quan tể tướng.Ở trong triều có một viên quan tên Hứa Cập Chi. Lão này cũng chẳng thua gì lão Sư Trạch. Đối với tể tướng họ Hàn, Cập Chi hàng ngày muốn bẩm báo điều gì thì quỳ gối khấn đầu, trông vẻ sợ sệt, khép nép cung kính.Một hôm gặp lễ sinh nhật của Hàn, Cập Chi bận việc mua sắm lễ vật nên đến chậm. Cửa tư dinh của Hàn đã đóng, tên lính gác cửa không cho vào. Cập Chi lo sợ quá. Không dâng lễ vật ắt sau này sẽ bị quở mắng hay tai vạ. Con đường quan thế nào cũng bị đứt đoạn. Năn nỉ mãi không được, hắn rơm rớm nước mắt.Tên lính gác bắt cười thầm. Lòng sẵn ghét bọn xu nịnh nên quyết không cho vô, bảo rằng: "Lịnh của quan tể tướng đã dạy, cãi lịnh sẽ bay đầu, ai vô đây thế?" Túng quá, Cập Chi nhìn thấy có một cái lỗ chó, liền khòm lưng chun vào dinh để dâng lễ mừng thọ.Biết được sự việc, Xà Trụ lấy làm cảm động! Và cũng nhờ đó mà Hứa Cập Chi được cất nhắc làm đến chức thượng thư. Người đương thời biết chuyện cười thầm, gọi lén là "Thượng thư lỗ chó!"

Tiền Xích Bích Phú
"Tiền Xích Bích phú " là một áng văn chương kiệt tác của Tô Đông Pha (1036-1101), một văn hào đời nhà Tống (950-1275).
Đông Pha tên là Thức, tự Tử Chiêm, người ở Mi Sơn (huyện thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay), con của Tô Tuân, anh của Tô Triệt. Cả ba cha con đều là văn gia trứ danh đời nhà Tống, được người đương thời hâm mộ và gọi là "Tam Tô".Tô Thức làm quan đời Tống Nhân Tông. Đến triều Thần Tông, Vương An Trạch lên làm tể tướng, thi hành việc cải cách chính trị, Tô Thức cùng em dâng sớ lên Thần Tông, công kích dự án tân pháp của họ Vương; và vì xúc phạm đến quan tể tướng nên Tô Thức phải bị biếm ra Hàng Châu, rồi Hồ Châu, Hoàng Châu, Huệ Châu và Quỳnh Châu.Trong thời gian ở Hoàng Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), Tô Thức làm nhà ở Đông Pha (sườn đồi phía đông) nên lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ.Ở đây, ông có làm hai bài "Tiền Xích Bích phú" và "Hậu Xích Bích phú". Xích Bích là tên một dãy núi tại huyện Gia Ngư, tỉnh Hồ Bắc trên bờ phía nam sông Dương Tử.Đây là một di tích lịch sử.Năm Kiến An thứ 13 (dương lịch 208), Tào Tháo, chúa Bắc Ngụy đã thua to tại đó vì bị tướng của Đông Ngô Tôn Quyền là Chu Du dùng trận hỏa công đốt sạch chiến thuyền. Hai bên bờ sông vì lửa đốt cháy đỏ nên người ta mới gọi là"Xích Bích" (vách đỏ).Tô Thức bị trích ra Hoàng Châu, tức huyện Hoàng Cương ngày nay, thuộc tỉnh Hồ Bắc nhưng cách xa huyện Gia Ngư. Tại Hoàng Châu có một dãy núi đá sắc đỏ cũng gọi là Xích Bích hoặc "Xích tị cơ", Tô Thức nhân đi chơi đến đây là bài Xích Bích phú.Trong "Thanh nhứt thống chí" có dẫn lời của Hồ Khuê trong "Xích Bích khảo" cho rằng: "Tô Tử Chiêm đã lầm lẫn Xích tị cơ tại Hoàng Châu với Xích Bích tại huyện Gia Ngư". Nhưng thiết nghĩ có lý nào một người như Tô Thức mà lại lầm lẫn một việc quá tầm thường đối với một di tích danh tiếng trong lịch sử được. Có lẽ vì hai nơi trùng tên nên ông Tô liên tưởng đến việc Tào Tháo, Chu Du đời Tam Quốc; và nói đến trong bài phú với dụng ý luận anh hùng và ký thác tâm sự.Ông sáng tác Xích Bích phú trong thời gian bị biếm trích, tâm hồn đương đau khổ và chán nản nên muốn tìm nguồn an ủi ở những lẽ phi thường. Bởi vậy, trong bài có những tư tưởng tiêu sái, phóng khoáng, siêu thoát.Tô Thức là một nhà văn thơ lỗi lạc. Văn của ông hàm súc, bôn phóng; thơ cũng tuấn dật, thanh cao. Nét chữ của ông lại đẹp, vẽ khéo, đúng là một văn hào, thi gia kiêm nghệ sĩ.Bài Tiền Xích Bích phú hay hơn bài Hậu Xích Bích phú. Vì thế bài Tiền Xích Bích phú đã được nhiều văn gia thi sĩ dịch ra Việt văn như Phạm Sĩ Vy, Phan Kế Bính, v.v...Nguyên tác:
Nhâm tuất chi thu,Thất nguyệt kỳ vọng:Tô tử dữ khách phiếm chu,Du ư Xích Bích chi hạ.Thanh Phong từ lai, thủy ba bất hưng.Cử tửu chúc kháchTụng Minh nguyệt chi chi,Ca yểu điệu chi chươngThiểu yên, nguyệt xuất ư đông chi thượng,Bồi hồi ư Đẩu Ngưu chi gian.Bạch lộ hoành giang,Thủy quang tiếp thiên.Túng nhất vĩ chi sở như,Lăng vạn khoảng chi mang nhiên Hạo hạo hồ như bằng hư ngự phong,Nhi bất chi kỳ sở chỉ.Phiêu phiêu hồ như di thế độc lập,Vũ hóa nhi đăng tiêu.Ư thị ẩm tửu lạc thậm,Khấu huyền ca nhi.Kỳ ca viết: "Quế trạo hề lan tương,Kích không hề tố lưu quang.Diếu diếu hề dư hoài,Vọng mỹ nhân hề thiên nhứt phương".Khách hữu xuy động tiêu giải,Ỷ ca nhi họa chi.Kỳ thanh ô ô nhiên,Như oán, như mộ, như khấp, như tố.Dư âm niệu niệu,Bất tuyệt như lũ.Vũ u hác chi tiềm giao,Khấp cô chu chi ly phụ.Tô tử thiểu nhiên,Chính khâm nguy tọa.Nhi vấn khách viết:"Hà nhi kỳ thiên dã?" Khách viết:"Nguyệt minh linh hy, ô thước nam phi;Thử phi Tào Mạnh Đức chi thi hồ?Tây vọng Hạ khẩu, đông vọng Vũ Xương;Sơn xuyên tương liễu, uất hồ thương thương.Thử phi Tào Mạnh Đức Chi khốn ư Chu lang giả hồ?Phương kỳ phá Kinh Châu, hạ Giang Lăng,Thuận lưu nhi đông dã;Trục lô thiên lý,Tinh kỳ tế không.Si (ly) tửu lâm giang, hoành sáo phú thi;Cố nhất thế chi hùng dã.Nhi kim an tại tai!Huống ngô dữ tử,Ngư tiều ư giang chữ phi thượng;Lữ ngư hà nhi hữu mi lộc;Giá nhất diệp chi thiên chu,Cử bào tôn dĩ tương chúc.Ký phù du ư thiên địa,Diểu thương hải chi nhất túc.Ai ngô sinh chi tu du,Tiện trường giang chi vô cùng.Hiệp phi tiên dĩ ngao du.Bão minh nguyệt nhi trường chung.Tri bất khả hồ sậu đắc,Thác di hưởng ư bi phong."Tô tử viết: "Khách diệt tri Phù thủy dữ nguyệt hồ?Thệ giả như tư, nhi vị thường vãng dã.Doanh hư giả như bỉ, nhi tốt mạc tiêu trường dã.Cái tương tự kỳ biến giả nhi quan chi,Tắc thiên địa tằng bất năng dĩ nhất thuấn;Tự kỳ bất biến giả nhi quan chi,Tắc vật dữ ngã.Giai vô tận dã;Nhi hựu hà tiện hồ?Thả phù thiên địa chi gian,Vật các hữu chủ.Cẩu phi ngô chi sở hữu.Tuy nhất hào nhi mạc thủ.Duy giang thượng Chi  thanh phong,Dữ sơn gian,Chi minh nguyệt;Nhĩ đắc chi nhi vi thanh,Mục ngộ chi nhi thành sắc;Thủ chi vô cấm,Dụng chi bất kiệt.Thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã,Nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích".Khách hỷ nhi tiếu,Tẩy trản cách chước;Hào hạch ký tận,Bôi bàn lang tịch.Tương dữ chẩm tịch hồ chu trung,Bất tri đông phương chi ký bạch.
Dưới đây là bản dịch ra văn vần của Quân công thị (Hoằng Hóa Quận vương), con thứ 66 của vua Minh Mạng:
Năm Nhâm tuất mùa thu tháng bảy,Mới qua rằm trăng hãy còn hin.Ông Tô cùng khách dời thuyền.Chơi nơi Xích Bích gần miền Kinh Châu.Gió phảng phất dòng sâu sóng lặng,Cất chén mời khách hẳn vui ưa;Ngâm nga Nguyệt xuất thi xưa,Liền câu yểu điệu cảnh giờ khéo in.Phương đông thoắt trăng lên chóp núi,Trong Đẩu, Ngưu noi dõi dần dà;Sông trong, nước rạng bao la,Ngang giăng móc trắng, là đà trời xanh.Bồng một chiếc thích tình hứng cảnh,Nước mênh mang muôn khoảnh xông pha;Phới như cỡi gió bay qua,Nương không lóng biết đâu là đến đâu.Phơ phơ giống đời hầu có một,Bỏ phàm trần cởi lốt lên tiên;Chừng khi ấy dốc rượu liền,Vui chi xiết gõ mạn thuyền ca xoang.Trổi một khúc: "Thuyền lan, chèo quế,"Vỗ trong ngần ngược vẻ rạng trôi;Đăm đăm luống dạ ai hoài,Mỹ nhân trông tưởng cách trời một phương."Thổi tiêu sẵn có chàng đạo sĩ,Nương lời ca rủ rỉ họa theo;Cô cô loan phượng tiếng kêu,Dở hờn, dở khóc, dở chiều, dở than!Tiếng thừa thãi khoan khoan réo rắt,Rõ ràng nghe chẳng dứt như tơ;Đầm sâu giao lặn mưa kỳThuyền không gái góa sầu bi lỡ đường.Đông Pha lão nghe tường buồn bã,Sửu bào ngồi hỏi gã thấp cao;Hỏi rằng: "Do dĩ làm sao,Tiệc vui thổi khúc tiêu tao lấy gì?Khách dẫn thi: "Tinh hy nguyệt bạch,Mạnh Đức ngâm Xích Bích phải không?Xanh xanh đoái khắp tây đông,Vũ Xương, Hạ Khẩu non sông tí mù.Ấy chẳng phải đánh đua tài trí,Nên Tào Man khốn bị Chu Lang;Đương sơ Kinh địa phá tan,Giang Lăng cũng đã tro tàn dòng xuôi.Thuyền ngàn dặm nối đuôi giữa sóng,Cờ muôn cơn rợp bóng trên không;Rượu thi tới bến gác dòng,Hùng tài tót thế gẫm không ai bì.Đến giờ há còn chi đâu có?Huống nữa là ngư nọ tiều kia.Đòi ta bãi bạc, cồn le,Vui vầy tôm cá, bạn bè hươu nai.Lênh đênh vãi thuyền chài một lá,Hê ha khuyên rượu lã vài hồ;Dầm vàng gởi cái phù du,Dự chi hốt thóc xô bồ biển thương.Đời người gẫm thảm thương thấm thoắt,Sông giang khen dài dặc không cùng;Giày phi tiên cắp thung dung,Ôm châu minh nguyệt muốn cùng dài lâu.Liệu chẳng khá kíp cầu mà đặng,Đem tiếng thừa phải nhắn gió đông".Ông rằng: "Này khách biết không?Mặt trăng phải tỏ, lòng sông phải dò.Nước chảy mãi có mô trôi thẳng,Trăng khuyết tròn trọn chẳng tiêu hao.Hãy coi lẽ biến làm sao,Lại coi chẳng biến thế nào thời hay.Biến nháy mắt trời xoay đất trở,Chẳng biến thời như rứa đeo tai;Vật người chẳng hết còn hoài,Có gì mà lại dong dài khong khen.Vả lại xét trong nền Tạo hóa,Các vật đều có gã chủ trương;Dầu ta không có nõ màngMảy lông chớ đúng, muôn vàn kể chi.Vui mặt nước những khi êm mát,Cùng đầu non mấy lượt thanh tao.Trăng thanh gió mát nghêu ngao,Trăng non, gió nước dồi dào hòa hai.Tiếng không hẹn lọt tai càng đớtSắc tình cờ vào mắt mà nên;Mua vui nào phải tốn tiềnTai dùng không chán, mắt nhìn không no.Ấy tạo vật là kho vô tậnTa cùng ngươi chỗ sẵn chơi chung".Khách cười chi xiết mừng lòng,Vội vàng rửa chén, rắp mong nghiêng bầu.Cơm rượu thảy hồi lâu ráo xáo,Chén bát đà lộn lạo ngửa nghiêng;Cùng nhau chiếu gối trong thuyền,Không dè trời đã rạng liền hướng đông.
Trong bài hát nói "Chữ nhàn" của Nguyễn Công Trứ có câu:
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm tuất.
Để ông Tô riêng một thú thanh cao,
Chữ nhàn là chữ làm sao?
Một Bộ Sử Loài Người Rút Ngắn Thành Một Câu
Ngày xưa có một nhà vua, tuổi quá ngũ tuần rồi mà chưa được xem một quyển sách nào. Bộ sách ông thèm khát được đọc là bộ "Lịch sử loài người"; nhưng khốn nỗi, cuộc đời ông từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào ông được rảnh rang.Đời ông luôn luôn sống trên mình ngựa, nằm sương gối tuyết bên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chận nước kia xâm lấn. Mắt ông toàn nhìn thấy sắt và máu lửa, không bao giờ hân hạnh được nhìn trọn một chương sách của thánh hiền. Ông rất ân hận.Nay nước nhà hòa bình và cuộc chiến đấu phải nhường cho một thế hệ mới: thế hệ trẻ hơn ông. Ông định xem cho kỳ được bộ sử loài người để tìm xem con người xưa nay sống để làm gì? Đó là điều mà ông thường băn khoăn và tò mò muốn biết rõ. Nhưng thảm thay, tuổi ông cao, mắt ông mờ mà bộ lịch sử loài người, nhìn mà phát khiếp.Sách toàn là những mảnh da trâu dày cộm, chất dẫy đầy trong hàng chục gian nhà của viện Tàng cổ. Nhà vua làm sao đọc hết được một bộ có hàng trăm quyển như thế? Ông bảo viên sử thần già:- Đời trẫm chỉ có một điều mong muốn là đọc được bộ lịch sử loài người trước khi nhắm mắt theo các tiên vương, nhưng trẫm đã già mà bộ sử thì quá nhiều, vậy hiền khanh cố chiều ý trẫm là rút ngắn bộ lịch sử ấy chỉ còn độ phân nửa có được không?Viên sử thần tâu:- Được. Nhưng hạ thần xin bệ hạ cho thêm 50 người phụ giúp...Nhà vua tươi cười, ngắt lời:- Bao nhiêu người cũng được. Tùy hiền khanh chọn lựa.Viên sử thần lại tâu:- Hạ thần xin đội ơn bệ hạ. Nhưng thời gian quyết định 10 năm mới làm xong.Nhà vua bỗng sa sầm nét mặt, lẩm bẩm tính:- Năm nay ta đã 55 tuổi, 10 năm nữa, ta sẽ 65 tuổi. À, 65 tuổi trẫm sẽ đọc được bộ lịch sử loài ngườị Kể ra muộn. Nhưng muộn còn có hơn không.Thế là viên sử thần già nhận chức Trưởng ban tu sử, cầm đầu một ủy ban gồm 50 người nỗ lực bắt tay vào việc.Bộ sử viết bằng da trâu nằm yên bấy lâu trong viện Tàng cổ nay bỗng chốc được người nâng dậy, giở từng mảnh, từng chương, lục soạn, thảo tra. Bị xốc lên tuôn bụi mịt mù chẳng khác bãi sa mạc đương cơn gió lốc. Mùi bụi bặm hôi ẩm nồng nặc bắt mọi người phải nghẹt thở nôn ọe. Nhưng ai cũng phải chịu đựng cố gắng.Họ tự an ủi vì mạng lệnh của nhà vua; và vì đây là một công trình vĩ đại đối với hậu thế. Công việc làm gian lao của người trước đổ cho người sau hưởng lấy và tiếp tục xây dựng hoàn thiện. Đó là công việc đồng lân. Chớ muốn biết lịch sử loài người mà phải đọc cả hàng tá quyển đựng trong hàng chục căn nhà thì phỏng còn ai muốn biết cái lịch sử loài người là cái quái gì cho phải khổ thân.Trải qua ngày tháng năm, ủy ban tu sử cặm cụi làm việc ngày đêm bất kể. Ông Trưởng ban tu sử lưng càng còm, và mắt càng lờ dưới đôi kính trắng đã mấy lần thay đổi.Mười năm qua, bộ sử hoàn thành còn 50 quyển.Một sáng sớm, ông Trưởng ban tu sử cho chở bộ sử trên 10 thớt tượng to khệ nệ vào triều, dâng lên vua. Nhà vua chóa mắt thở dài, bảo:- Công lao của hiền khanh thật to. Nhưng đáng tiếc trẫm đã già, sức mòn mỏi mà đối với bộ sử còn quá nhiều, trẫm không đủ sức đọc được. Vậy phiền hiền khanh chịu khó rút gọn lại còn độ 5 quyển được không?Vị Trưởng ban tu sử tâu:- Được. Nhưng hạ thần năm nay đã ngoại thất tuần rồi, hạ thần e rằng không còn đủ ngày giờ sống để hoàn thành bộ sử cho bệ hạ xem nữa. Điều này, hạ thần rất lấy làm lo ngại.Nhà vua vuốt chòm râu bạc, mỉm cười:- Điều lo ngại của hiền khanh chẳng khác nào điều lo ngại của trẫm. Trẫm năm nay đã 65 tuổi, vì hồi trẻ lao tâm lao lực quá nhiều, ngày thấy càng suy nhược. Trẫm nghĩ không biết trẫm còn sống để hân hạnh nhìn lấy cái kết quả vẻ vang của hiền khanh đây nữa. Nhưng trẫm không chán nản, bi quan. Vậy hiền khanh khá vì trẫm mà cố gắng hoàn thành bộ sử trong thời gian 5 năm, để trẫm biết lịch sử loài người sống để làm gì trước khi trẫm yên dạ nhắm mắt.Viên Trưởng ban tu sử vâng vâng dạ dạ, bái tạ lui về.Thế là ủy ban tu sử lại nỗ lực tiếp tục làm việc. Họ quên cả ngày đêm, lơi cả ăn ngủ. Họ gìn từng giờ, tiếc từng phút, tiện từng giây.Năm năm, bộ sử hoàn thành còn được 5 quyển. Những ủy viên tu sử bây giờ, người nào cũng ốm gầy như cây khô, mặt mày võ vàng như sắp chết. Còn ông Trưởng ban tu sử thì râu tóc như bông, lưng còm cơ hồ sát đất, giọng nói khàn khàn, tay chân run lẩy bẩy, đi phải chỏi gậy. Trông họ thật thiểu não.Một sáng sớm, vị Trưởng ban tu sử cho một thớt tượng chở 5 quyển sử vào triều. Chuyến này ông không còn sức đi bộ được nữa mà phải nằm nhờ kiệu khiêng đi.Vừa đến nơi, bỗng có tên nội giám từ trong cung nhà vua bươn bả chạy ra, kêu to:- Bệ hạ sắp thăng hà, các quan ai có chuyện cần kíp quan trong thì hãy gấp vào cung để gặp mặt lần cuối cùng, và muốn tâu gì thì tâu.Vị Trưởng ban tu sử hoảng hốt, cho kiệu đi tuốt vào cung. Nhà vua nghe tin, vội vén màn, nói với vị Trưởng ban tu sử, giọng phều phào:- Ta... ta rất cảm động... và cám ơn... công khó nhọc của... của hiền khanh. Ta sắp chết... Ta rất ân hận... vì không biết... không biết lịch sử loài người. Vậy... vậy hiền khanh hãy tóm tắt bộ sử bằng... bằng một câu... Một câu thôi.Vị Trưởng ban tu sử lập bập tâu:- Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".Nhà vua gật đầu. Đôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở một nụ cười tươi tắn mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị Trưởng ban tu sử đáng mến nấc lên mấy tiếng, đoạn trút hơi thở cuối cùng trên kiệu tại hoàng cung.

Mây Tần Mây Hàng...
Hàn Dũ (768-823) tự Thoái Chi, người đất Nam Dương, Châu Đăng (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), làm quan về đời vua Đường Hiếu Tông (806-820).Theo "Liệt tiên truyện" thuật lại: một hôm Hàn Dũ mở tiệc hạ thọ, có người cháu gọi Hàn là chú tên là Hàn Tương tu tiên trong núi về bái mừng. Hàn Dũ thấy cháu lông bông, không chịu học hành lập chí bèn ngỏ lời khuyên. Tương thưa với chú:
- Cháu có học, nhưng học lối xuất thế.
Hàn không bằng lòng cho là hoang đường. Tương lại thưa:
- Đó là túc căn của cháu, cháu phải theo.
Hàn hỏi:
- Học như thế có ích gì? Kết quả ra sao?
Tương thưa:
- Sự học của cháu mênh mông như biển xanh, bàng bạc như mây trắng, nói khôn xiết. Chỉ biết khi học được tất chiều được ý muốn mọi người. Như chú thích rượu ngon, cháu xin dâng. Chú thèm quả ngọt, cháu cũng có.
Nói xong, Tương lấy nước lã đổ vào bình to để trước án. Một lúc, Tương đem bình ấy rót dâng Hàn và tân khách trong tiệc. Mọi người nâng chén đưa lên ngửi thấy mùi thơm, nhấp vào môi thấy rượu ngon quý. Quả là một thứ rượu tuyệt ngon, trên đời khó kiếm nên lấy làm kỳ lạ.Tương lại hỏi chú:
- Cháu thấy chú thích ướp trà sen, cháu xin dâng chú loại sen Đông hải để dùng.
Hàn ngạc nhiên:
- Nay cuối đông làm gì có sen. Vả lại sen Đông hải làm sao mà hái về được? Cháu đoạt được cả quyền của Tạo hóa hay sao?
Tương mỉm cười, đoạn lấy vuông lụa phủ lên một lọ cắm bông. Khoảnh khắc mở ra có bó bông sen, hương thơm nức khắp phòng. Bông tuy lớn nhưng cánh lại nhỏ, nhụy trắng toát. Rõ ràng là sen Đông hải.Sen còn hàm tiếu nhưng chỉ một lúc sau, sen nở lớn. Lạ thay, nhìn vào bông sen lại có hai câu thơ:
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại,
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Nghĩa:
Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua.
Xem qua hai câu thơ, Hàn nói:
- Hai câu thơ rất hay nhưng không có ý nghĩa gì cả.
Tương thưa:
- Xin chú cứ nghiệm về sau sẽ rõ.
Năm sau, nhân việc Đường Hiến Tông cho rước xương Phật vào cung để thờ, Hàn dâng biểu can gián bằng những lời rất mạnh. Xin trích một đoạn:
"... Tự hoàng đế cho đến vua Vũ, vua Thang, vua Văn, vua Vũ đều hưởng thọ lâu dài, trăm họ yên vui mà thuở ấy chưa có Phật vậy. Đến đời vua Minh Đế nhà Hán mới có Phật pháp, về sau cứ loạn lạc mãi, các vua trị vì chẳng được bao lâu. Nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương, nhà Trần cùng nhà Ngụy thờ Phật càng ngày càng thêm kính cẩn thế mà niên đại rất chóng. Duy có vua Vũ Đế nhà Lương ở ngôi được 48 năm, ba kỳ xả thân đi làm tăng, sau bị giặc Hầu Cảnh bức phải chết đói. Thờ Phật cầu phúc mà lại phải vạ. Lấy đó mà xem, thờ Phật không nên tin cũng khá biết vậy ..." (Bản dịch của Lệ Thần Trần Trọng Kim).
Vua Hiến Tông cả giận hạ lịnh đem Hàn ra xử tử. May nhờ tể tướng Bùi Độ và các quan đồng liêu hết sức kêu xin Hàn mới thoát khỏi tội chết. Nhà vua liền giáng chức Hàn làm thứ sử ở Triều Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Đông), và hạn trong 8 ngày phải có mặt tại sở nhậm. Nếu trễ sẽ chết chém.Đường từ Trường An (kinh đô nhà Đường) ra đến Triều Châu đến 8 ngàn dặm, đường sá lại gập ghềnh hiểm trở, đèo núi cheo leo. Đi ngựa cả tháng chưa chắc đã đến nơi, thế mà lịnh vua chỉ có 8 ngày. Tuy vậy, Hàn không dám trái lịnh, lập tức cùng hai gia nhân lủi thủi lên đường. Bè bạn sợ vạ lây không ai dám đưa tiễn.Ba thầy trò Hàn đi suốt ngày đêm, ăn cơm khô, uống nước bầu trên ngựa, không dám nghỉ ngơi quán dịch mà 8 ngày rồi, mới đến Lam Quan.Lúc bấy giờ đương tiết đông, nơi cửa ải Lam Quan mưa dầm gió bấc, tuyết xuống đầy đường. Những tảng tuyết cao và trơn như mỡ, ngựa không thể nào đi được. Hàn và hai gia nhân đành phải xuống ngựa đi bộ. Chẳng may cả ba lại lạc vào rừng, bốn phía vắng tanh, tìm mãi không thấy lối ra và cũng chẳng gặp ai để hỏi.Suốt bao nhiêu ngày gian lao như thế làm cho người Hàn sút ốm quá nửa, đầu cơ hồ bạc. Lòng Hàn bàng hoàng chán nản, tự nghĩ vì công danh mà chịu nỗi lao đao. Hàn bấy giờ có ý định bỏ quan vào rừng ẩn náu, thoát vòng cương tỏa.Ý đã quyết, Hàn định trở lại nhưng không biết đường nào ra. Bốn phía tuyết phủ mịt mù, gió rít từng cơn. Trên đỉnh rặng núi Tần Lĩnh mây trắng lững lờ trôi, cố hương nào biết nơi đâu mà về? Lúc ấy, Hàn mới chợt nhớ đến hai câu thơ trong bông sen năm trước mà cháu là Hàn Tương đã nhắc Hàn suy nghiệm về sau sẽ biết. Thật là đúng với quang cảnh của Hàn lúc này. Trong lúc tấn thối lưỡng nan, trời mịt mù sắp tối, tuyết đổ xuống càng dầy, gió thổi càng mạnh, mưa bay càng nặng, bỗng nghe như có tiếng gọi văng vẳng sau lưng. Hàn quay lại thì ra Hàn Tương.Hàn Dũ mừng rỡ, biết cháu đến là có ý cứu mình bèn đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại cho Tương nghe. Tương bảo:
Nếu thúc phụ muốn đến Triều Châu ngay bây giờ thì hãy bỏ ngựa đi thuyền. Đêm nay sẽ đến Triều Châu đúng hạn.
Hàn Dũ nghe lời. Tương đưa ba thầy trò ra khỏi rừng. Đến bờ sông Chương thấy sẵn có một chiếc thuyền cắm sào trên băng tuyết. Nước Chương giang đóng thành băng một giải liền như tấm lụa trắng. Tương bảo ba thầy trò Hàn vào trong thuyền ngồi và nhắm mắt lại để Tương đưa đi.Ba thầy trò nghe theo nhắm chặt mắt lại, tai chỉ nghe tiếng gió thổi vù vù, tiếng thuyền rẽ sóng nước ào ào. Độ một giờ sau, thuyền ngừng lại, tiếng gió, tiếng nước vắng lặng, bấy giờ thầy trò mới mở mắt ra. Thì ra bến Triều Châu ở ngay bên cạnh. Cả ba mừng rỡ lên bờ vào dinh thứ sử Triều Châu nhậm chức.Nhớ đến chuyện long đong, lận đận, nhứt là hai câu thơ trong bông sen ngày nọ đã tả đúng cảnh lạc loài cô đơn và nỗi nhớ nhà nơi rừng thẳm bên ải Lam Quan và núi Tần Lĩnh nên Hàn Dũ làm một bài thơ, nhan đề "Chế Lam Quan thị điệt Hàn Tương" (Đến Lam Quan bảo cháu Hàn Tương):
Sớm dân bản tấu vào cung khuyết,
Chiều đất Triều Châu bị biếm ra.
Muốn bỏ dị đoan cho đất nước,
Quản chi suy hũ tiếc thân già.
Mây ngang Tần Lĩnh, nhà đâu tá?
Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó qua.
Hẳn cháu đến đây lòng đã định,
Chướng giang rồi nhặt nắm xương ta.
(Bản dịch của Bùi Khánh Đản)
Nguyên văn:
Nhất phong triêu tấu cửu hoàng thiên,
Tịch biếm Triều Châu lộ bát thiên.
Bản vi thánh triều trừ tệ sự,
Cảm tương suy hũ tích tàn niên,
Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại,
Tuyết ửng Lam Quan mã bất tiền
Tri nhữ viễn lai ưng hữu ý
Hão thu ngô cốt Chướng giang biên.

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn nói về Từ Hải biệt nàng Kiều, để Kiều nương mình trong gian nhà nhỏ ở Châu Thai, thui thủi trông chờ cùng Từ tái hợp. Trong lúc phòng không lẻ bóng, mỗi khi nhìn thấy giải mây bàng bạc xa xa, nàng Kiều lại nhớ đến gia đình, cha mẹ nên có câu:
Đoái trông muốn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
"Mây Tần" là lấy ở ý câu thơ trên: "Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại", nghĩa là "Mây kéo phủ núi Tần Lĩnh, biết nhà ta ở đâu". Nghĩa bóng nói nhớ nhà.Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn nói về sự ghét thương của ông quán, có câu:
Thương ông Hàn Dũ chẳng may,
Sớm dâng lời biểu, tối đày đi xa.
cũng do điển tích trên."Mây Tần" nghĩa bóng chỉ nhớ nhà, nhớ quê hương, cha mẹ. Còn những tiếng "Mây trắng", "Mây Hàng", "Mây bạc", "Mây vàng" cũng để nói ý nhớ gia đình, nhớ cha mẹ, quê hương. Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh", đoạn nói về nàng Kiều lúc vào lầu xanh lần thứ nhứt ở Lâm Truy, gặp Thúc Sinh. Tên lái buôn này nhìn Kiều tắm, cảm hứng mới làm một bài thơ đoạn bảo Kiều họa lại. Kiều từ chối vì nỗi lòng nhớ quê hương, gia đình mà không còn ý nghĩ gì để làm được nữa, có câu:
Lòng còn gửi đám mây Hàng,
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.
Đời nhà Đường, Địch Nhơn Kiệt được bổ làm Pháp tào Tham quân ở thành Tỉnh Châu. Cha mẹ thì ở đất Hà Dương, xa Tỉnh Châu có mấy ngày đường. Một hôm, Địch lên núi Thái Hàng, nhìn thấy một đám mây trắng bay một mình (bạch vân cô nhi) bèn nói với cả tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó " (Ngô thân xé ư kỳ hạ).Địch ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất mới về.Cũng có bản chép là "Mây vàng": "Lòng còn gởi đám mây vàng", do câu thơ cổ: "Thiên thượng hoàng vân ảnh du tử hà thơi qui", nghĩa là: "Trên trời bóng mây vàng, gã xa nhà bao giờ về".Trong bài "Tôn phu nhân qui Thục" của Tôn Thọ Tường cũng có câu:Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc."Mây bạc" cũng có nghĩa nhớ nhà, nhớ cha mẹ như điển tích trên.

Áo Gấm Mặc Đêm
"Áo gấm mặc đêm" nguyên Hán văn là "Ý cẩm dạ hành" do câu: "Kim hữu nhứt nhân, cách bích diêu linh chỉ văn kỳ thinh bất biến kỳ hình; phú quý bất huờn hương như ý cẩm dạ hành" (Nghĩa là: "Nay có người cách vách rung lục lạc chỉ nghe tiếng mà không thấy hình; giàu sang mà không về xứ như áo gấm mặc đêm") của Trương Lương đời Tây Hán.Nguyên Sở Hạng Võ chiếm đất Quang Trung là đất hưng vương, núi non hiểm trở; còn Hán Lưu Bang vì thế lực yếu nên phải bị đày vào đất Bao Trung.Trương Lương, tự Tử Phòng, người nước Hán vốn là tay mưu sĩ của Lưu Bang, muốn tìm cách làm cho Hạng Võ bỏ đất Quang Trung để Lưu Bang trở lại chiếm giữ.Trương Lương liền giả một tên đạo sĩ mắc bịnh phong ma, nói điên, nói cuồng. Lưng buộc tiền đồng, tay áo đựng trái lê, gõ mõ đi khắp đường, khi ở chùa chiền, đình miếu, khi thì lang thang ở phố phường, vảy tiền hoặc liệng trái lê cho bọn trẻ chạy theo xem. Trước lũ trẻ chưa quen còn ở xa, dần dần chúng không còn sợ sệt nữa nên xáp lại gần.Trương Lương ngắm trong lũ trẻ ấy có đứa thông minh mới dắt lần vào miếu vắng người, lấy bánh và tiền cho, rồi dạy nó hát: "Kim hữu nhứt nhân, cách bích diêu linh, chỉ văn kỳ thinh bất biến kỳ hình; phú quý bất huờn hương như ý cẩm dạ hành". Khi đứa bé thuộc làu, Trương Lương bảo nó trở về truyền lại cho những đứa khác, và dặn nếu có ai hỏi thì bảo là trời dạy.Đứa bé vâng lời. Chẳng bao lâu lời hát đó được phổ biến khắp cả xóm. Nó lại thấu đến tai vua Sở.Hạng Võ nghĩ đó là trời xuống diêu ngôn. Câu: "Kim hữu nhứt nhân" là ám chỉ nhà vua. Còn câu: "Cách bích diêu linh, chỉ văn kỳ thinh, bất biến kỳ hình" là nói nhà vua tuy đã có danh tiếng nhưng chưa được truyền rộng ra. Câu cuối: "Phú quý bất huờn hương, như ý cẩm dạ hành" là có ý muốn nói nhà vua tuy đã được thiên hạ mà chẳng về xứ sở thì cũng như mặc áo gấm đi đêm.Vì nghĩ thế nên nhà vua cho khởi công kiến thiết lại Bành Thành là cố hương của nhà vua và chọn ngày dời đô.Hạng Võ đã mắc kế Trương Lương vì một câu hát.
***
chú thích thêm (không có trong tác phẩm này):Hạng Võ bỏ Hán Trung (nơi địa lợi) cho Lưu Bang về Bành Thành (nơi hãm địa) đóng đô nên về sau thất bại..


Ngọc Hoàn Dương Quí Phi


Dương Quí Phi là một cung phi tuyệt sắc của Đường Minh Hoàng (tức Đường Huyền Tông). Nàng được liệt vào một trong bốn người đẹp nhứt ở Trung Hoa ngày xưa (Tứ đại mỹ nhân).
Quí phi tục danh là Ngọc Hoàn sinh ở tỉnh Tứ Xuyên vào khoảng năm 719. Nàng là con út trong số bốn người con gái của một vị quan tư hộ đất Thục Chân. Gia đình này nguyên gốc ở một quận nhỏ thuộc Trung Đông (Thiểm Tây) là Hòa Âm đến đây lập nghiệp. Cha là Dương Huyền Diễn thuộc dòng khá giả vì tổ phụ từng làm thứ sử tại quận Kim.Năm 727, Hoàng Thọ vương Lý Dục, con thứ 18 của Huyền Tông đi tuần tiễu miễn Tứ Xuyên đến tiếp xúc với gia đình nàng. Rồi 9 năm sau, nàng được tiến cung hầu Lý Dục, kết duyên cầm sắt.
Có sách lại chép: Thọ vương Lý Dục tính nhút nhát, thích ngắm mỹ nhân. Dương Ngọc Hoàn về hầu hạ Lý Dục được ba năm, nhưng tình chăn gối chẳng bao giờ có vì Lý Dục còn nhỏ. Giữa lúc ấy, Ngọc Hoàn lại xinh tươi lộng lẫy trong tuổi dậy thì.
Sắc đẹp của nàng đã làm cho một đại thi hào lúc bấy giờ là Lý Bạch phải ca tụng bằng ba bài "Thanh bình điệu". Đây là bài thứ nhứt: 
Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng.
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy,
Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông.. . . 
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Nguyên văn:
Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung,
Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng.
Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng.
Đời nhà Đường, Huyền Tông là một ông vua tương đối trị vì lâu hơn cả. Các cung phi được nhà vua sủng ái sinh cả thảy 59 người con. Trong số đó có 30 trai và 29 gái. Nàng cung phi được nhà vua sủng ái rất mực là Vũ Huệ Phi. Nàng sinh được 7 con, nhưng bỏ mất 3 khi còn nhỏ.
Huệ Phi mất, Huyền Tông buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập đài Tập Linh để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ Phi được sớm siêu thăng. Nội giám thấy nhà vua buồn bã nhớ thương người cũ bèn tìm đủ mọi cách làm cho nhà vua nguôi buồn. Nhưng bao nhiêu cung tần mỹ nữ chọn đến hầu hạ gối chăn, không ai làm khuây khoả được nỗi lòng nhớ thương người cũ của nhà vua cả.
Một hôm Cao Lực sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Ngọc Hoàn tư dung mỹ lệ, cốt cách thanh kỳ, thật là một giai nhân tuyệt đẹp trên đời có một, bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này thay được Vũ Huệ Phi. Nhân buổi hầu vua, Cao Lực sĩ mật tấu với Huyền Tông, truyền đưa Dương Ngọc Hoàn vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Vũ Huệ Phi.
Do đó, Ngọc Hoàn phải vào cung Hoa Thanh đến đài Tập Linh làm sãi, lấy đạo hiệu là Thái Chân. Cao Lực sĩ lại chọn con gái của Vị Chiêu để thay Ngọc Hoàn làm vợ Thọ vương Lý Dục.
Trông thấy Ngọc Hoàn, vua Huyền Tông bỗng thấy lòng rung động xao xuyến, hình ảnh Huệ Phi phai mờ, rồi nỗi buồn rầu thương nhớ người cũ tiêu tan để nhường lại những nụ cười cởi mở, những cái liếc nhìn say đắm... Rồi từ đó, Huyền Tông đâm say mê, thường triệu nàng vào hầu hạ mình rồng, tình ngày một mặn nồng, ý ngày thêm đượm sắc.
Nhà vua say đắm Ngọc Hoàn còn hơn Vũ Huệ Phi nữa, nên sáng lập nàng làm quí phi, lại sắc phong Dương Huyền Diễn làm Binh bộ thượng thư. Ba chị của Ngọc Hoàn cũng được phong làm phu nhân là Hàn quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần quốc phu nhân. Hàng tháng, nhà vua cho xuất của kho 30 vạn quan tiền cho mỗi vị phu nhân, 10 vạn quan tiền mua sắm tư trang phấn sáp. Anh họ quí phi là Dương Xuyên được phong làm tể tướng và được đổi tên là Dương Quốc Trung, uy quyền nghiêng đổ thiên hạ. Còn riêng về Dương Quí Phi thì không cần phải nói, nhà vua chiều chuộng mọi điều, luôn luôn làm thỏa mãn ý muốn của con người đẹp. Như cuộc đi tắm suối của nàng mỗi lần tốn hàng vạn bạc của kho và làm chết hàng trăm mạng người, nhà vua cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ.
Dương Quí Phi đã đẹp lại có tài gẩy tì bà, tỏ ra giỏi về âm nhạc. Nàng lại đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho lòng của một ông vua nghệ sĩ cang thích thú say sưa.
Huyền Tông gặp Dương Quí Phi bấy giờ nhà vua tuổi đã ngoài 50, cơ thể suy nhuợc vì trải qua những thú vui sắc dục thái quá ... Vua nhờ An Lộc Sơn dâng một thứ linh đan gọi là "Trợ tình hoa" để có nhiều sức khỏe được hòa hợp vui say cùng mỹ nhân.
Minh Hoàng say đắm Dương Quí Phi, suốt ngày đêm cùng nàng yến tiệc đàn ca, bỏ cả việc triều chính. Nhà vua lại tin dùng An Lộc Sơn là một võ tướng Phiên, cho giữ phần chỉ huy nửa lực lượng quân sự của triều đình.
Có sách lại chép An Lộc Sơn được Dương Quí Phi nhận làm con nuôi, được tự do ra vào cung cấm để cùng thông dâm với quí phi. Nhà vua mù quáng, không hiểu biết gì cả.
Bấy giờ, Dương Quốc Trung nắm giữ toàn quyền binh lực. Sau khi lên đến bực thượng thư và hai con trai la Dốt và Huyên sánh duyên cùng hai quận chúa Vạn Xuân và Diên Hòa, Dương Quốc Trung lại càng kiêu hãnh, tự đắc, có ý định phản nghịch. Thấy An Lộc Sơn như cái gai trước mắt nên định mưu hại. An Lộc Sơn biết được nên bỏ trốn. Rồi vào ngày 16 tháng 12 năm 755, An cử binh từ quận Ngư Dương (có sách chép là Phạm Dương) đánh thẳng vào kinh đô Trường An.Binh triều đại bại.
Đường Huyền Tông lúc bấy giờ đã 70 tuổi.Vào mùa hạ năm 756, quân của An Lộc Sơn tiến đến Trường An. Nhà vua và Dương Quí Phi cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục. Ngày 14 tháng 7 năm 756, mọi người đến Mã Ngôi thì tướng sĩ không chịu đi nữa, vì lương thực đã hết, quân sĩ khổ nhọc mà Dương Quốc Trung và cả gia quyến đều no đủ sung sướng, nên họ nổi lên chống lại. Dương Quốc Trung ra lịnh đàn áp nhưng bị loạn quân giết chết. Lòng căm phẫn đối với họ Dương chưa tan, loạn quân lại bức vua đem thắt cổ Dương Quí Phi thì họ mới chịu phò vua. Vì họ cho rằng quí phi là mầm sinh đại loạn.
Nhà vua không thể làm thế nào hơn, đành giấu mặt cắt lòng mà hy sinh nàng cung phi họ Dương, một trang quốc sắc thiên hương giữa thời 38 xuân xanh!
Mộng chiếm đoạt ngai vàng chưa bằng mộng chiếm đoạt con người đẹp, nhưng nay người yêu đã mất, mộng tình tan vỡ, An Lộc Sơn tức giận sinh cuồng, ra lịnh cho quân lính đốt phá kinh đô, tàn sát nhân dân. Sử chép: "Có 36 triệu sinh linh chết trong cơn loạn ấy. Rợ Phiên gặp ai cũng chém cũng giết, thực là một cuộc đổ máu không tiền khoáng hậu trong lịch sử Trung Hoa, mà nguyên nhân sâu xa là do cái sắc của một người đàn bà dâm loạn".
Sau An Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết chết. Bộ tướng là Sử Tư Minh lại giết Khánh Tự mà hàng nhà Đường. Minh Hoàng khôi phục sự nghiệp, trở về Trường An để mục kích cảnh điêu tàn nơi đế khuyết.Đế đô còn đó mà con người ngọc yêu dấu ngày xưa nay đâu còn nữa. Nỗi nhớ thương dào dạt, dằng dặc đầy lòng. Và đôi mắt già nua kia càng mờ đi vì đọng lệ.
Tư Mã Thiên, Một Sử Gia Danh Tiếng Bị Cung Hình
Tư Mã Thiên tự Tử Thường (145-87 trước D.L.), người huyện Long Môn (nay thuộc huyện Hán Thành, tỉnh Thiểm Tây) đời Hán Vũ đế. Cha của ông là Tư Mã Đàm, một nhà văn học danh tiếng làm chức thái sử tại triều.Hồi còn nhỏ, Tư Mã Thiên đã thông cổ văn. Năm 20 tuổi, ông đi chu du khắp nước, khảo sát về địa lý, phong tục từng miền, gặp di tích nào cũng dừng bước để nghiên cứu. Phàm những cảnh kỳ quan cùng quê hương các vĩ nhân, ông đều để chân đến.Lãng du một thời gian khá lâu, Tư Mã Thiên trở về được phong làm chức Lang trung (quan hầu cận vua). Trước khi cha mất có trối lại với ông:- Nếu cha có qua đời, con hãy nối tiếp lấy chí của cha để tâm vào việc soạn sử. Cái đạo hiếu của con người là phải thờ vua, thờ cha nhưng việc trọng yếu lớn hơn là phải làm một việc gì có ích cho đời, sau để cho cha mẹ được tiếng thơm lây ...Sau khi Tư Mã Đàm qua đời, ông nối chức cha làm Thái sử. Ông quyết thực hiện lời di chúc của cha; và cũng bắt đầu từ đó, ông sắp xếp tài liệu, khởi công viết pho "Sử ký".Nhưng một bất ngờ xảy ra.Lúc bấy giờ có giặc Hung Nô rất mạnh đánh vào biên thùy. Lý Lăng là một võ tướng anh hùng vâng lịnh vua Hán đem binh dẹp giặc. Quân của Lý chỉ có 5 ngàn mà phải giao phong với 8 vạn quân địch. Lý Lăng bị bao vây mà không được quân tiếp viện. Ông can đảm chống cự không nổi, bị giặc bắt. Mến tài năng, giặc Hung Nô dụ dỗ đầu hàng. Lý Lăng bất đắc dĩ tạm thời đầu hàng để bảo toàn sinh mạng mình và quân lính hầu chờ thời cơ rửa nhục.Tin về đến triều đình, có kẻ gièm pha với vua Võ Đế bảo ông phản quốc. Nhà vua cả giận ra lịnh tru di ba họ của Lý Lăng.Tư Mã Thiên biết Lý Lăng là tôi trung nên đứng ra binh vực Lý giữa triều. Vua Võ Đế bất bình, nổi giận bắt ông hạ ngục và xử cung hình (hoạn hay thiến). Đó là một trong những tội nhục nhã nhứt ngày xưa. Theo luật lệ, ông có thể bỏ tiền ra chuộc tội, nhưng ông vốn nghèo mà bạn bè khôn ai có lòng nghĩa hiệp dám ra mặt giúp vì sợ vua ghét lây.Bị tội cung hình, Tư Mã Thiên cho đó là một điều sỉ nhục ghê gớm, trong thâm tâm muốn tự sát; nhưng nhớ lại chưa hoàn thành được lời di chúc của cha, nên thấy bổn phận mình trong lúc này là phải sống để nối nghiệp cha, nối chí người trước... Vì nghĩ như thế nên ông can đảm nhận lấy hình phạt; rồi từ đó ông kiên nhẫn nằm trong ngục tù, dùng những ngày sống thừa để hoàn thành bộ Sử ký.Trong bài tựa bộ này, ông tự ví với các thánh hiền đời trước:"Ông Thái sử gặp cái họa Lý Lăng, bị giam trong cảnh xiềng xích, bùi ngùi than rằng: "Đó là lỗi của ta ư? Đó là lỗi của ta ư? Thân ta bị hủy không dùng được nữa". Rồi mà nghĩ kỹ lại rằng: "Những lời nói bóng bẩy trong kinh Thi, kinh Thư là để diễn cái chí của cổ nhân. Hồi xưa Tây Bá bị giam trong ngục Dữu Lý mà viết Chu Dịch; Khổng Tử bị nguy ở Trần, Sái mà soạn Xuân Thu; Khuất Nguyên bị phóng mà làm Thiên Ly Tao; Tả Khâu mù mới có bộ Quốc Sách; Tôn Tử què chân mới bàn về binh pháp; Bất Vi phải đày qua Thục mà bộ Lã Thị truyền lại đời sau; Hàn Phi bị tù ở Tần mới có hai thiên thuyết nạn, cô phẫn; 300 thiên trong kinh Thi đại để là thánh hiền phát phẫn mà làm ra. Những vị đó đều có nỗi uất kết, không nói rõ được lòng mình nên thuật việc mới kể từ Đào Tườngđến đời Lâm Chỉ bắt đầu từ đời Hoàng Đế (*)"Sau khi ra khỏi ngục, Tư Mã Thiên đã trở thành người tàn phế, đời không còn thấy chút thú vị gì. Có lẽ cũng vì thương tình và hối hận nên Võ Đế thăng cho ông lên chức Trung thư lịnh. Nhưng lòng ông vẫn cảm thấy buồn chán, không tha thiết gì đến danh lợi, việc đời, chỉ chuyên tâm biên soạn bộ Sử ký mà thôi.Nhờ chí kiên quyết nên Tư Mã Thiên đã hoàn thành được một bộ sử ký có giá trị của nước Trung Hoa. Cho đến ngày nay, có non hơn hai ngàn năm, ai cũng nhận "Sử ký " là một công trình sáng tác vĩ đại. Và, ai cũng lấy làm khâm phục tài năng và ý chí kiên nhẫn có một không hai của Tư Mã Thiên.Bộ "Sử Ký " gồm 130 thiên, có 526.500 chữ.Về phương diện sử học, nó có bốn đặc điểm:- Là bộ sử đầu tiên chép việc nhiều đời, không như những bộ sử trước chỉ chép riêng một đời: Xuân Thu hoặc Chiến Quốc.- Tác giả trọng niên đại (chronologie). Sử gia trước ông không theo một qui tắc nào nhứt định trong sự kê niên đại (trừ bộ Xuân Thu của Khổng Tử, nhưng bộ này chỉ chép việc trong một thời đại). Đến ông mới lập ra niên biểu của 12 nước chư hầu và niên biểu của các lục quốc.- Tác giả không những chép những hành vi của vua chúa còn ghi cả văn hóa như lễ, nhạc, triết học, văn học...- Thái độ của tác giả rất thành thực: điều nào chưa nghiên cứu rõ thì tồn nghi. Nếu có nhiều thuyết bất đồng thì kê hết.Tư Mã Thiên vốn người học rộng, lịch duyệt nhiều, lại có tâm hồn cao thượng, thêm mang một nỗi lòng u uất nên lời văn của ông tuy bình dị mà hùng mạnh, siêu dật, nhiều khi bóng bẩy, thắm thiết. Nó phát tự lòng phong phú cũng như tự óc nên gợi cảm người đọc rất sâu xa.

Mười Viên " Xuân Khiết Cao "
Triệu Phi Yến và Hợp Đức là hai chị em ruột. Cả hai đều là cung phi sủng ái của vua Thành Đế nhà Hán (32-6 trước D.L.).Ba bài "Thanh bình điệu" của Lý Bạch để ca tụng sắc đẹp lộng lẫy của Dương Quí Phi đời Đường Huyền Tông, bài thứ hai có câu nhắc đến Triệu Phi Yến:Tá vấn Hán cung thùy đắc tự?Khả liên Phi Yến ỷ tân trang.Phan Như Xuyên dịch:Ướm hỏi Hán cung ai sánh kịp?Phấn son Phi Yến cũng xin nhường.
Tuy ca tụng sắc đẹp của Dương Quí Phi, nhưng nhà thi hào tài hoa họ Lý cũng phải nhìn nhận Triệu Phi Yến là một quốc sắc thiên hương. Và, cả hai chị em khi vào hầu vua Thành Đế là bắt đầu làm đảo lộn cả cung vi. Bao nhiêu cung phi mỹ nữ, Thành Đế xem như đất bùn. Cả đến nàng Ban Tiệp Dư, trước được nhà vua sủng ái bao nhiêu thì bấy giờ ghẻ lạnh bấy nhiêu. Đến nỗi vua Thành Đế bị bịnh ... bất lực (liệt), nhưng cuối cùng lại chết đột ngột trên mình của nàng Hợp Đức giữa lúc giao hoan.
Nguyên hai nàng trước họ Phùng. Cha là Vạn Kim, vốn một kẻ lãng tử trác táng. May mắn, Kim được Cô Tô quận chúa kêu vào làm việc tại nhà riêng. Chồng của quận chúa là Triệu Man lại "bất lực", làm quận chúa buồn duyên tủi phận cho kiếp đào tơ sen ngó lỡ làng. Vì thế nên Vạn Kim được mắt xanh để ý, rồi lửa gần rơm, quận chúa có thai. Nhưng vì chồng bất lực, quận chúa không thể bảo đó là kết quả huyết thống của chồng. Để bảo tồn danh dư, quận chúa giả đau xin về nhà dưỡng bịnh, rồi sinh ra Phi Yến và Hợp Đức.
Cả hai chị em ở chung với Vạn Kim. Sau khi Kim chết, hai nàng lưu lạc đến kinh đô, đổi thành họ Triệu vào làm nữ tỳ cho Lâm A công chúa. Nhờ ở được lòng công chúa nên khi Hán Thành Đế có lịnh kén mỹ nữ vào cung, công chúa liền đề cử Phi Yến.Trước khi vào làm nữ tỳ cho Lâm A công chúa, Phi Yến đã trải qua một cuộc sống tình ái lãng mạn. Nàng từng đi lại với một chàng trai tên Xạ Điểu Nhi. Rồi trong thời gian vào cung hầu Thành Đế, nàng lại thông dâm với tên cung nô Yến Xích Phụng, tên cận vệ Khánh An ... Nhà vua không hay biết gì cả, vẫn say sưa mê mệt trước sắc đẹp và nghệ thuật giao hoan, nên phế Hứa hậu, lập Phi Yến làm hoàng hậu. Nhưng vì không sinh con nên nàng đưa em là Hợp Đức dâng cho Thành Đế.Không bao lâu, Thành Đế biến thành kẻ bất lực. Các thái y không tài nào chữa được. Nhưng lạ có một điều là chỉ có gần nàng Hợp Đức thì nhà vua mới thấy rạo rực hứng tình...
Có người dâng cho nhà vua một thứ thuốc tráng dương gọi là "Xuân khiết cao". Mỗi tối khi muốn giao hoan được đầy đủ hứng thú, thỏa mãn cả đôi bên thì uống một viên, là thấy hiệu nghiệm ngay.Một buổi tối, Thành Đế đãi tiệc trong cung. Nhà vua cùng Hợp Đức ngà ngà say, rồi vì muốn tận hưởng một thích thú mới mẻ nên cả hai dùng đến 10 viên Xuân khiết cao để kích thích dục tính. Đêm tối ấy, công lực của nhà vua dũng mãnh phi thường.Gặp phải tay kỳ phùng địch thủ, nhưng chẳng may Thành Đế bị chết ngay trên giường.
Một ông vua chết đau đớn và nhục nhã!

Hết Phần 14

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét