Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Nam Phương Ca Khúc và Hồ Trường

Ảnh "Nam Phương Ca Khúc" chụp từ Nam Phong Tạp Chí
 
 
Lần đầu nghe Tống Hữu Hạnh ngâm bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác trên Youtube. Lời thơ bi tráng khiến người nghe thật sự mê mẫn. Thế là tôi vào Internet để tìm hiểu.

Qua bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đăng trên báo Tuổi Trẻ, tôi mới biết Nguyễn Bá Trác đã dịch từ một bài hát, do người cùng quê ca tại Hương Cảng  trong một tiệc rượu. Bài hát được ông chép lại, sau đó đăng vào Nam Phong Tạp Chí bằng chữ Hán năm 1919, không có tên tác giả cũng như không tựa đề, được người đọc đặt tên là "Nam Phương Ca Khúc". Đến năm 1920 ông đăng lại trên Nam Phong Tạp Chí kèm bản phiên âm Hán Việt và dịch Thơ bằng chữ Quốc ngữ cũng không tựa đề. Do bài dịch ông nhấn mạnh hai từ "Hồ Trường", nên mọi người đề tựa là "Hồ Trường"
Vì quá mê "Hồ Trường", tôi dự định sẽ dịch thơ.
Theo lẽ thường, khi dịch đôi lúc hơi phóng bút một chút, miễn sao giữ được các ý chính của nguyên tác là được. Do không có bản chữ Hán, chỉ có bản Phiên Âm, mà Từ Hán Việt vốn có nhiều cách viết bằng chữ Hán. Ví như chữ Phi có nhiều chữ Hán mang ý nghĩa khác nhau: , 霏, ...Nên tôi chần chừ chưa thể dịch.
Không dịch thơ được, tôi đành làm bài thơ "Cảm Khái Khúc Hồ Trường" để tạm thỏa mãn:

   Cảm Khái Khúc Hồ Trường 

Kẻ trượng phu ghi tạc ngũ thường
Chí hùng tàn lụn bước ly hương
Nam thiên bao thuở tình sâu đậm
Tổ quốc trọn đời dạ vấn vương
Khóc hận gươm thiêng nằm rỉ sét
Não nùng chiến mã chết đau thương
Câu thơ yên ngựa đành mai một
Bi tửu mềm môi khúc đoạn trường.
                      Huỳnh Hữu Đức

Sau thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng tôi cũng tìm được ảnh chụp  từ Nam Phong Tạp Chí bản chữ Hán " Nam Phương Ca Khúc", do báo Tuổi Trẻ đăng. Vì ảnh chụp  mờ, nhiều chữ không rõ nét, chỉ có thể nhận dạng. Nếu có sai sót gì, mong được sự thông cảm. Thế là tôi phải tiến hành soạn lại, và giờ đã có được "Nam Phương Ca Khúc" Hán Tự rõ ràng, hoàn chỉnh.

   南       方      歌   曲
Nam Phương Ca Khúc       

    丈      夫   生   不    能   披   肝    折    槛  世  扶     綱       常    
Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường  
  逍   遙  四 海  胡  乎  此   鄉
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương  
 回    頭   南    望    邈   無 極   兮   天   雲   一   色      蒼         蒼               
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề thiên vân nhất sắc đồ thương thương   
 立    功   不    成     學  不   就   少    壯     有  機    兮  坐 視  百    年    身   世   軀   陰     陽                                     
Lập công bất thành học bất tựu thiếu tráng hữu cơ thời hề toạ thị bách niên thân thế khu âm dương  
  拊      掌       狂    歌  問 斯 世    芒    芒        天  地  安 得  知  一   知 己  兮 試 來 對    酌     佑  予   觴
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế mang mang thiên địa an đắc tri nhất tri kỷ hề thí lai đối chước hữu dư thương. 
 予     觴      擲      向       東    溟     水     東      溟    之 水    萬  隊   起      狂   瀾
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan  
予     觴       擲      向     西  山     西  山         陣  何   汪    洋            
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương                         
 予    觴    擲    向     北     風    去  北 風 揚 砂 走 石 飛 殊 方                                                                                   
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương  
 予     觴      擲      向      南    天   霧 霧 中      有    人     開    口   一    飲    然     醉 
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy   
   天   地  宇  宙 渾     相      忘    予 不  醉  矣 予   行  予   志 
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
  男   兒 自 古 事  桑     弧   何 必   窮    愁   泣    枌    梓
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử.    

- Phi Can 披 肝: phơi gan, bày tỏ cả tấm lòng
- Chiết hạm Bẻ lan can, bẻ tay vịn bằng gỗ.
Phi can chiết hạm: Ý nói sự dũng cảm không e sợ khi nói lên điều gì có thể ảnh hưởng đến tánh mạng.
- Chữ cuồng  là điên khùng, còn có nghĩa là ngạo mạn. Phủ chưởng cuồng ca (拊 掌 狂 歌) có thể dịch "Vỗ tay ngạo nghễ mà hát"
- "dương sa tẩu thạch" Cát bốc lên cao, đá cũng bị cuốn lăn. Ý nói gió rất mạnh thổi bay các vật đến nơi khác.
- phần tử (cây Phần Du và cây Tử) ý nói quê cha đất tổ.

Dịch nghĩa: 
                      Khúc Hát Phương Nam

Là người đàn ông có tài, sống trên đời này, sao không dũng cảm dùng cả tấm lòng thành, để gìn giữ trật tự mối giềng xã hội.
Quê hương nơi đâu sao cứ mãi ngao du bốn biển.
Quay đầu ngóng về phương nam xa mịt mù, mây trời một màu xanh ngắt.
Công danh không tạo dựng, học chưa hoàn tất, trai trẻ cả cuộc đời có bao nhiêu dịp, sao mơ mãi đến địa vị trong cõi đất trời.
Vỗ tay ngạo nghễ hát, hỏi cuộc đời này, giữa trời đất mênh mông, biết có ai là tri kỷ, đến cùng ta uống chén rượu này.
Hướng chén rượu về biển Đông, nước biển đông dâng lên muôn con sóng dữ.
Hướng chén rượu về mưa núi Tây, mưa núi tây khiến sông nước lan tràn rộng như biển cả.
Hướng chén rượu về ngọn gió Bắc, gió bắc mạnh làm cho cát bốc lên cao và đá cũng di chuyển đến nơi khác.
Hướng chén rượu về trời Nam mịt mù, giữa nơi mịt mù có người uống rượu một mình mở miệng cười vui.
Trời đất bao la ta như quên hết, sao không cho ta say hử? Ta làm theo chí hướng của ta.
Thân trai trẻ, từ trước đã mang chí hướng bốn phương, thì có gì phải than khóc với quê cha đất tồ.
Huỳnh Hữu Đức
Dịch Thơ

Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương .
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu.
Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
                                                                     Nguyễn Bá Trác

Vì sao ngoài Nguyễn Bá Trác, chưa có ai dịch thơ Nam Phương Ca khúc ra chữ Quốc Ngữ? Sau khi tìm hiểu nghĩa của Nam Phương Ca Khúc, tôi rút ra 3 vấn đề:

1- Chúng ta thấy trên cộng đồng mạng, tất cả chỉ là những bản chỉnh sửa hay thay đổi vài ba chữ bài Dịch Thơ "Hồ Trường" của Nguyễn Bá Trác mà thôi.
2- Tất cả chỉ xăm xoi vào lời thơ trong "Hồ Trường" mà không tìm hiểu từ bản phiên âm Hán Việt hay bản Hán Văn. Đấy là bỏ gốc lấy ngọn.
3-  Hồ Trường dịch rất đúng ý, nghĩa bài Nam Phương Ca Khúc, thật bi tráng, thậm chí còn hay hơn cả Nguyên tác Hán Văn, có lẽ chính vì thế khiến mọi người không thể hạ bút dịch thơ, ví như Lý Bạch muốn tả cảnh Hoàng Hạc Lâu, nhưng khi thấy bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu quá tuyệt, nên ông đành xếp bút, sau khi đề 2 câu thơ:
                       Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
                       Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.

Trong dịch Thơ, Tác giả còn giữ lại khá nhiều Từ Hán Việt, tuy nhiên không vì thế mà bài thơ khó hiểu, vì đa số các từ này được sử dụng phổ biến trong văn học nước ta.
Thế tại sao có nhiều người chê dùng chữ không đúng?! Để tìm hiểu, tôi sẽ khởi sự từ đầu bài thơ:
- Câu 1:
Chữ "cột" bị sửa lại là "cật", Nhiều người cho rằng tác giả dùng chữ cột là sai, phải dùng chữ  "cật (thận)" sẽ hợp với chữ "gan (can)". Ý tưởng này thật ngộ nghỉnh, vì trong văn học chỉ có can đảm (gan mật), can trường (gan ruột) chứ chưa thấy ai dùng "can thận (gan cật)" bao giờ. Trong nguyên tác là "phi can chiết hạm" như thế dịch "xé gan bẻ cật" là sai hoàn toàn.
- Câu 5:
Phủ chưởng cuồng ca: không thể dịch là vỗ gươm.
Nghiệng đầu hay nghiêng bầu? Câu nguyên văn chữ Hán không đề cập gì đến nghiêng đầu hay bầu, trong khi bản trên Nam Phong Tạp Chí thì nghiêng đầu.
- Câu 7: cuồng lạn hay cuồng loạn? Trong Bản ở Nam Phong Tạp Chí in là cuồng lạn, đây có thể là do sai chính tả, tác giả giữ nguyên gốc Hán Việt như các chữ "cương thường,cuồng lan..."
- Câu 9:
"đá chạy cát dương" Có người cho rẳng chữ "giương" mới đúng. Sao không nghĩ đến lối phát âm của vùng miền, mà thắc mắc mãi! Như chữ "chẩy" bên trên, có thể viết là "chảy"...

Bản Hồ Trường trong Nam Phong Tạp Chí có một số lỗi do ấn loát sai chính tả , như các chữ "xé gan (sé gan), thân thế (thân thể), cuồng lan (cuồng lạn)".

Ngoài ra, còn những từ ngữ khác, nếu người đọc thơ không thích, xin hãy dịch thêm một bản Nam Phương Ca Khúc khác cho tất cả cùng thưởng thức. Đừng lấy cớ Nguyễn Bá Trác dùng sai chữ mà sửa thơ một cách thiếu trách nhiệm. Cho dù Tác giả bài Hồ Trường có sai thật chăng nữa, cũng không thể vịn vào đó mà tự ý sửa tùy hứng, vì dù sao đấy cũng là tâm huyết của Nguyễn Bá Trác. 

Trước đây dù rất muốn dịch, nhưng sau khi tìm hiểu Nam Phương Ca Khúc và Hồ Trường, tôi không dám giữ ý định này nữa, vì bài thơ do Nguyễn Bá Trác dịch vượt rất xa tầm với của mình.

GS Thanh Lãng nhận định:  “Muốn hiểu văn học việt Nam thời kỳ 1913-1932 không gì tốt cho bằng nhìn vào Nam Phong. Nam Phong là một tạp chí có ảnh hưởng sâu rộng, giữ địa vị của một Hàn Lâm Viện, kết nạp tất cả mọi ngành đương thời”.   Thế nhưng vẫn còn đó những người cho rằng Nam Phong Tạp Chí đăng bài không đúng, không đáng tin cậy! Nguyễn Bá Trác dùng sai từ ngữ...  Đây chắc là :
Trường giang hậu lãng thôi tiền lãng, thế thượng tân nhân cản cựu nhân (長江後浪推前浪,世上新人趕舊人)
hay là "Trứng khôn hơn vịt"...

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Mình Là Ai

 
Bài Xướng:


Mình Là Ai?

Mỗi con người, một kiếp nhân sinh.
Giầu có, nghèo hèn, tuỳ cảnh tình.
Số mệnh ai bày? Ôi đáng sợ!
Cuộc đời nó khiến, Quả là kinh!
Phải chăng kiếp trước gieo nhân quả,
Mà khéo đời nay hưởng thiện vinh?
Câu chuyện luân hồi, ta nghĩ mãi:
Mình Là Ai? Trong cõi muôn hình.


Danh Hữu
Paris, 29.01.2023
***
Các Bài Họa:

Quả Kiếp Con Người

Quả kiếp con người cuộc nhẫn sinh
Hèn sang sướng khổ phận nuôi tình
Duyên bày trái lẽ âu thường nghiệm
Số định phong trần vẫn phải kinh
Hiểu nghiệp tiền căn trồng trữ phúc
Nhìn khâu nhãn huệ thưởng cho mình
Luân hồi chính đạo lòng thư giãn
Hãy cứ vui vầy chẳng nhục vinh.

Mai Thắng
230205

Biết Mình Là Ai


Chớp mắt trần hai chữ tử sinh
Buồn vui sướng khổ lụy vì tình
Lưu vong chốn cũ người nao núng
Luân lạc thân già kẻ thất kinh
Xiềng xích gông cùm đâu hẳn nhục
Ngựa xe võng lọng chắc gì vinh
Luân hồi nhân quả xa vời vợi
Một tấm gương soi rõ bóng hình


Kim Phượng
***
Tuỳ Duyên…?


Nhân bất phùng thời lỡ kiếp sinh…
Sang hèn cảnh ngộ trái duyên tình
Ai xuôi vạn lý… mà e ngại
Kẻ ngược quan san cũng thất kinh
Sự nghiệp tiền nhân xưa xán lạn
Cơ ngơi nhiên hậu mới quang vinh
Luân hồi tái diễn ta suy gẫm…!
Trong cõi trần ai hoá vạn hình…!


Mai Xuân Thanh
Feb. 05, 2023
***
Mình Là Ai?

Mình loại đàn em kẻ hậu sinh
Minh ư, vợ bảo thứ đa tình
Mình ưa bày đặt suy mà khiếp
Mình thích kéo co nghĩ đến kinh
Mình chẳng giữ mình nên tán lộc
Mình không để ý hóa xa vinh
Mình còn lí lắc hơn ông địa,
Mình quả tay mơ bị tráo hình…

Thái Huy 
2/06/23

Kiếp Nhân Sinh


Đã trót làm người vướng tử sinh
Biết mà vẫn lụy, thói thường tình
Tương lai bất trắc, suy mà sợ!
Số phân mù mờ, ngẫm phát kinh!
Thất vận, nhiều phen vinh hóa nhục
Được thời, hiếm lúc nhục thành vinh
Đường đời gai góc hay bằng phẳng
Cũng phải băng qua mọi địa hình.


Phương Hà
(07/02/2023)
***
Trần Gian Cảm Tạ

Đời người ngắn ngủi kiếp phù sinh
Mấy chốc xuôi tay hủy hoại hình.
Vô ngã mịt mờ soi chẳng thấu
Vô thường huyễn ảo ngẫm mà kinh!
Thành công tha thiết say quyền thế
Thất bại ê chề thấm nhục vinh.
Xông xộc cái già không tránh khỏi
Trần gian cảm tạ biết bao tình!

Mailoc
2-07-23
***
Sống Thực

Vạn sự khởi đầu một chữ sinh
Nhân gian xáo trộn lại do tình
Sắc không biến hóa hơi đâu bận
Họa phúc vô thường chớ hoảng kinh
Đừng nghĩ số phần trời định sẵn
Mà do nhân lực tạo niềm vinh
Tùy duyên có lẽ buông xuôi quá
Thực tế làm sao hóa ảo hình.

Quên Đi
***
Khai Bút Đầu Năm

Tinh khôi hoa nở đoá trường sinh
Muôn cánh vươn cao đẹp nghĩa tình
Rực rỡ sắc vàng mai Quý Mão
Chan hoà hương ngát cúc Thần Kinh
Mừng Xuân tha thiết lời thân thiện
Đón Tết hân hoan cảnh hiển vinh
Khai bút đầu năm vui nét ngọc
Trang thơ xướng họa sáng tươi hình...

Los Angeles 9 - 2 - 2023
Cao Mỵ Nhân
***
Rèn Tâm Tận Sức

Công đức Mẹ Cha đã dưỡng sinh
Ân cao tuôn đổ xót thương tình
Rèn thân tử tế siêng tâm niệm
Tận sức ôn hòa gắng tụng kinh
Nhường nhịn thiệt thòi chưa chắc nhục
Tranh đua hơn được hẳn là vinh?
Buông xuôi nhắm mắt hoàn tay trắng
Hờn oán triền miên chỉ khổ hình.

Kim Oanh

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Ký Xuân - Vương Bột

Vương Bột(650-676) tự là Tử An 子安, quê quán miền bắc (Sơn Tây), con nhà gia thế, tuổi trẻ tài cao, ông là người đứng đầu trong TỨ KIỆT ở buổi Sơ Đường, được Bái Vương Lý Hiền vời vào phủ cho giữ việc tu soạn và rất tin dùng. Vì một bài thơ trách đùa con gà chọi của Anh Vương, vua Cao Tông nổi giận, sai trục xuất ông khỏi phủ. Ông đi chu du nhiều nơi ở phương nam, cuối cùng chết đuối trên đường đi Giao Chỉ thăm cha, lúc mới 26 tuổi…

Bài thơ KÝ XUÂN làm lúc ông bị trục xuất khỏi Bái Vương Phủ đang chu du nơi đất Thục. Vốn dĩ muốn mượn cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ của núi sông đất Thục để tiêu sầu, nhưng lòng quê nhớ về đất bắc vẫn canh cánh khôn nguôi.

羈春 KÝ XUÂN
客心千里倦, Khách tâm thiên lý quyện,
春事一朝歸. Xuân sự nhất triêu quy.
還傷北園里, Hoàn thương bắc viên lý,
重見落花飛. Trùng kiến lạc hoa phi.
           王勃                 Vương Bột

* CHÚ THÍCH :
- Ký Xuân 羈春 : KÝ là Ở lại, giữ lại. Nên KÝ XUÂN có nghĩa là "Xuân đến mà vẫn phải ở lại nơi đất khách".
- Quyện 倦 : là Mõi mệt, buồn chán.
- Xuân Sự 春事: là Chuyên mùa xuân. Ý chỉ Cảnh sắc nhân sự chung quanh khi mùa xuân về.

* NGHĨA BÀI THƠ :
                     XUÂN Ở NƠI XA

Trên bước đường ngàn dặm, lòng người khách tha hương đã mõi mê chán ngán rồi. Trước mắt lại thấy cảnh trí của mùa xuân ập về nên lòng lại càng muốn về ngay quê nhà. Cảnh quê xưa ở phương bắc còn để lại nhiều thương cảm ở trong lòng, không biết đến bao giờ mới thấy lại được cảnh hoa rụng bay lả tả ở quê nhà đây.
Hoa rụng khi hoa đã tàn, xuân đã hết, cũng như tuổi trẻ rồi sẽ già đi, rồi sẽ giả từ cuộc sống nầy như hoa rơi rụng vậy, nhưng sẽ nhìn hoa rơi rụng ở đâu ? Ý của Vương Bột là muốn được nhìn hoa rơi rụng ở quê nhà, thâm ý của thi nhân là muốn được già được chết ơ quê hương hơn là bỏ thây nơi xứ lạ.

* DIỄN NÔM :
XUÂN TRÊN ĐẤT KHÁCH


Ngàn dặm lòng quê mòn mõi,
Xuân về một sớm nhớ thay,
Đất bắc quê xưa trông ngóng,
Ngàn trùng chỉ thấy hoa bay !.

Lục bát :
Mõi mòn ngàn dặm lòng quê,
Xuân về một sớm tái tê nhớ nhà.
Thương về đất bắc quê xa,
Ngàn trùng chỉ thấy la đà hoa bay !
                                    杜紹德
                              Đỗ Chiêu Đức

***

XUÂN TẠM QUÊ NGƯỜI

1-
Lòng khách dặm ngàn mỏi
Dáng xuân về sớm nay
Chạnh thương quê đất Bắc
Thấy lại cánh hoa bay!

2-
Trong lòng khách dặm ngàn chán ngán
Chợt xuân về một sáng nơi đây
Chạnh thương vườn Bắc hao gầy
Nhác trông thấy lại hoa bay la đà!
Lộc Bắc
Dec22
***
       Xuân Xa Nhà

1/


Buồn chán cảnh đường xa
Sắc xuân đến mọi nhà
Nhớ vườn thôn đất bắc
Cảnh hoa rụng la đà.

2/
Lòng khách đường xa chán nản thay
Dáng xuân vừa đến sáng nơi này
Nhớ về vườn cũ thôn phương bắc
Lại muốn được nhìn hoa phất bay.

3/
        Dặm ngàn dạ khách não nề            
   Sáng nay lần nữa xuân về nơi nơi
          Nhớ sao thôn bắc xa vời
Ước mong nhìn lại hoa rơi vườn nhà.
                                           Quên Đi
***
        Xuân Nơi Xa

Dặm ngàn khách thấm mệt
Sáng sớm xuân đầy trời
Chạnh lòng nhớ phương bắc
Mong thấy nữa hoa rơi
                                Kim Phượng
***
                    Xuân Xa

Ngàn dặm tha hương khách mỏi mê
Sớm mùa xuân đến muốn quay về
Chạnh lòng phương Bắc hoa rơi rụng
Thấy cánh hoa tàn dạ ủ ê
                                       Kim Oanh
***
               Nhớ Xuân Quê Nhà

      Đời lữ khách dặm trường mê mải
      Trước cảnh xuân lòng lại bồi hồi
            Nhớ quê muốn trở về thôi
Ngắm cành hoa nở rạng ngời trước sân.
                                         Phương Hà
***
          Xuân Nhớ Quê Nhà

Phương xa vạn dặm nhớ thương quê
Đất khách ngàn trùng khó trở về
Ta đến nơi này mòn mỏi ngóng
Xuân sang chốn đó trắng hoa lê …!

       Xuân Buồn Lữ Thứ

Chán cảnh ly hương vạn dặm xa
Xuân buồn đất khách nhớ quê nhà
Vườn xưa cảnh vật nơi phương bắc
Hoa tàn cánh rụng cội mai già
                    Mai Xuân Thanh

***

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Tin Buồn Nhà Thơ Dương Hồng Thủy



THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Theo tin chúng tôi vừa nhận được:
Anh Vương Thủy Tùng. 
Sinh Năm 1941.
Qua đời lúc 3g50 sáng 09/02/2023. 
Liệm 8-10g sáng nay chờ các em con về. 
Đi thiêu sáng ngày 11/02/2023.

Sẽ gởi tiếp Cáo Phó và Tang Lễ khi nhận được từ quê nhà.
Xin cùng nhau cầu nguyện cho Linh Hồn Vương Thủy Tùng sớm về Nước Thiên Đàng.

Kính khấp báo,
Trần Bang Thạch
***
Tôi về dạy học ở Phan Thanh Giản Cần Thơ từ 1968 đến 1975, Vương Thủy Tùng là cựu học sinh lớp trước, không là học trò cũ của tôi nhưng ngay từ buổi đầu gặp nhau, Tùng đã coi và gọi tôi là Thầy và tôi đã rất vui vì tấm lòng của Tùng đối với mọi người cần được giúp đỡ cao qúy quá đã như một tấm gương mà riêng tôi, được học trò gọi là thầy, nhiều khi không làm được như Tùng ̣ ̣Tùng ơi, chúng tôi đang khóc cho em đây. Cầu xin em yên nghỉ trong niềm thương tiếc và qúy mến của mọi người và nhất là của riêng tôi, một người rất qúy em về nhiều chuyện em đã làm để giúp đỡ mọi người cần đến sự giúp đỡ mà trong nhiều trường hợp riêng tôi đã không thể làm được ̣̣ Thương em!

Phạm Khắc Trí
02/09/2023
***
Song Quang vô cùng thương tiếc và đau buồn khi nhận được hung tin bạn đồng môn và đồng song Vương Thuỷ Tùng tức nhà thơ Dương Hồng Thuỷ niên khóa 55-61vừa qua đời do trang nhà PTGĐTD / CT .USA khẩn báo
Toàn thể gia đình Trần văn Quang nguyện cầu hương linh bạn đồng song VƯƠNG THUỶ TÙNG được sớm vào cõi Niết Bàn

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
songquang
20230208
***
Nhận được tin buồn từ bạn Song Quang cho hay Bạn thơ Dương Hồng Thuỷ vừa qua đời, thay mặt anh chị em Vườn thơ, xin gửi lời chia buồn tha thiết nhất đến Gia quyến bạn. Từ nay Vườn thơ thẩn sẽ vắng bóng tiếng thơ của anh, thật là một sự mất mát. Xin cầu chúc vong linh Anh sớm tiêu diêu miền Cực lạc.

Danh Hữu
***
Phương Hà vô cùng thương tiếc khi nhận được tin anh Dương Hồng Thủy đã qua đời.
Xin thành kính phân ưu cùng gia quyến và nguyện cầu hương linh anh sớm an vui nơi cõi vĩnh hằng.

Phương Hà
***
Kim Phượng vô cùng bàng hoàng trước sự mất mát lớn lao, khi hay tin Vương Thủy Tùng, bút hiệu Dương Hồng Thủy vừa mãn phần hôm 9 tháng 2 năm 2023, hưởng thọ 83 tuổi.

Thành thật chia buồn cùng Tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh anh sớm siêu sinh nơi miền Cực Lạc.
Một cành hoa trắng tiễn anh Vương Thủy Tùng

Thành Kính Phân Ưu

Lê Thị Kim Phượng
***
Chúng tôi vô cùng thương tiếc nhận được tin buồn:
Thi Sĩ Dương Hồng Thủy (Vương Thủy Tùng )
Đã tạ thế vào lúc 03:50 AM, ngày 9/2/2023 tại Việt Nam
Hưởng Thượng Thọ : 82 tuổi
Chúng tôi xin thành kính chia buồn cùng tang gia hiếu quyến
Xin thành tâm cầu nguyện ơn trên độ rỗi hương linh Cố Thi Sĩ Dương Hồng Thuỷ 
sớm về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống

Thành Kính Phân Ưu

Tưởng Niệm Thi, Y Sĩ Dương Hồng Thủy

TƯỞNG nhớ Nhà Thơ “VƯƠNG Thuỷ Tùng
NIỆM người chiến đấu, nến linh lung
THI nhân xướng họa Vườn Thơ Thẩn
Y lý tinh thông cõi vạn trùng
Sĩ tử một thời đi vội vã
Dương gian mấy thuở bước ung dung
HÔNG nhan bạc phận tri thiên mệnh
THUỶ mạc tranh thơ đẹp lạ lùng

Mai Xuân Thanh
08/2/2023
***
Hiệp ý cùng quý anh chị trong Vườn Thơ Thẩn
Chia buồn với gia đình anh Vương Thủy Tùng-Dương Hồng Thủy

Sinh hoạt cùng anh tự bấy nay
Để rồi phút chốc đã chia tay
Đồng môn Thanh Giản-người đây đó
Hội hữu Thẩn Thơ-bạn đó đây
Thành thật chia buồn cùng họ hiếu
Không quên khẩn nguyện với chư thầy
Hương linh Hồng Thủy mau siêu độ,
Nơi cõi vĩnh hằng mong lắm thay!

Vĩnh Biệt Bạn Thơ Dương Hồng Thủy

Ra đi vĩnh viễn của Vương Tùng
Biết chính là danh-anh mệnh chung
Tôi bác dẫu rằng tuy một nước
Đệ huynh dù vậy lại xa vùng
Từ nghe tin dữ-ôi chua xót
Đến cảnh chẳng vui-quả nảo nùng
Thành thật chia buồn cùng bửu quyến,
Ra đi vĩnh viễn của Vương Tùng!
Thái Huy 
***
Được hung tin Thi Sĩ Dương Hồng Thủy, chính danh Vương Thủy Tùng vừa tạ thế, chúng tôi rất đau buồn khi nhận biết cánh én đã bỏ mùa xuân nơi Vườn Thơ Thẩn. Xin gởi tới tang gia nén hương bái biệt người bạn thơ chưa có dịp hạnh ngộ lúc sinh thời. Cầu nguyện hương linh DươngThi Sĩ sớm về cõi phúc thiêng liêng bất tận.

Đọc thơ thân hữu bấy lâu nay
Nào nghĩ hung tin chợt tới tay
Vội viết đôi hàng trân kính điếu
Xin thưa mấy thủa hội hè đây
Xuân chưa có dịp thăm thi khách
Tết đủ thời gian chúc quý thầy
Thành thật phân ưu cùng bửu quyến
Hương linh Dương Thuỷ vĩnh hằng bay...

Los Angeles 8 - 2 - 2023. 
 Cao Mỵ Nhân
***
 Khóc Tiễn Nhà Thơ Dương Hồng Thủy

Sư huynh thật đã đi rồi
Khiến lòng tiểu đệ bồi hồi xót thương
Nhớ ngày thăm lại ngôi trường (*)
Từ trong ký ức anh còn chưa quên
Bảy Bà Miếu vẫn nhớ tên (**)
Thế mà anh đã vội lên cõi trời
Đầu xuân sao có mưa rơi
Phải chăng hòa điệu tiễn người ra đi...

Quên Đi Huỳnh Hữu Đức

(*) Trong một lần Họp Mặt Vườn Thơ Thơ Thẩn ở Vĩnh Long, Tôi có đưa anh thăm lại ngôi trường cũ, mà chúng tôi từng theo học thuở nhỏ:"Trường Nam Tiểu Học Tỉnh Lỵ Vĩnh Long".
(**) Miếu Bảy Bà (cây Đa cửa Hữu) cách trường nam Tiểu Học khoảng 50 mét.
***
Mai Thắng nhận được tin sư huynh Dương Hồng Thủy vừa qua đời. Xin được thành kính chia buồn cùng gia đình.

Tiễn Một Người Đi

(Kính tiễn Sư huynh Dương Hồng Thủy 09/02/2023)

Thêm lần tiễn biệt bóng người đi
Tuổi lão buồn mông nói được gì
Khẽ nhủ đưa buồm phiêu dạt thế
Như vờ hỏi dáng ngập ngừng chi
Vòng xoay diễn biến trò trơ cảm
Lối mộng bày nghiên cõi thảo ghì
Điệp khúc muôn đời không ngả rẽ
Bao giờ dạm bước chẳng cầu ghi.

Mai Thắng
230209
***
Tiếc Thương Một Người Anh

Anh Thủy kính mến.

Anh em ta cùng sống ở miền Tây, không gặp nhau vậy mà lại quen nhau nơi Phố Núi cách nay 14 năm. 
Qua những trao đổi thơ văn. Từ đó anh em cùng vui với con chữ mỗi ngày. 
Dần dần lại cùng chung tấm lòng lo cho các anh Thương Phế Binh. Cũng cơ duyên này anh em chúng ta cùng chung một nhóm Kim: Anh là Kim Tây, Kim Quang, Kim Chi, Kim Phượng, Kim Oanh. 
 Những lần làm thơ chọc phá thật vui. Nhưng từ nay thì không còn đọc những tâm tình của anh nữa.

Anh đã ra đi thật sự rồi
Còn đâu những thơ thẩn vui chơi
Mong anh hưởng trọn tình sum họp
Cùng với Vợ anh nơi nước Trời!

Vô cùng thương tiếc người anh kính mến!
Thành Kính Hiệp nguyện.

Út Kim Oanh