Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Trăng Thu

Sương thu nhè nhẹ toả sân nhà
Trăng thu dìu dịu ánh lung lay
Gió thu đùa cợt bao cành lá
Hương thu ngây ngất dật dờ say    

Chiếc bánh trung thu mừng trăng sáng
Bao đàn em nhỏ hát ca vang
Trà thơm từng ngụm hương ngào ngạt
Ánh nguyệt ôi sao quá dịu dàng    

Có lẽ nàng trăng quá hữu duyên
Bao người say đắm giấc mơ huyền
Thi nhân sờ sửng chờ đan vận
Nét đẹp đêm rằm tựa cảnh tiên  

Thả lỏng hồn mơ đến ả Hằng
Ta người nhân thế luỵ tình trăng
Ghe phen những muốn xuôi vào mộng
Biết chốn Quảng Hàn có nhận chăng...
                                        Quên Đi

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Thu

Xướng:

Xin đừng ủ rũ nữa thu ơi
Hãy gắng vui lên tạo dáng đời
Lộc sẽ thay dần bao sắc úa
Kìa sao Mai rực sáng chân trời.            
                         Quên Đi
Họa:

Là đấy hồn thu mặc khách ơi
Thi nhân nặng nợ đến muôn đời
Tình thu day dứt hoài e ấp
Ngây ngất hương thu ngợp đất trời
                         Kim Phượng


Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Hương Xưa

 

Mây trời còn lơ lững
Thuyền vẫn lướt theo dòng
Ta vì ai đờ đẫn
Tình lạc chốn mênh mông.
Đêm nhìn vầng trăng cũ
Nhớ nhung bóng dáng ai
Sương buồn từng giọt lạnh
Nghe buốt suốt canh dài
                         Quên Đi

Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

Khái Quát Tống Nho

 

Lão Tử và Khổng Tử, hai bậc Thánh nhân trong lịch sử Triết Học Đông Phương đã có lần tương ngộ. Và cuộc đàm đạo của các ngài đã để lại giai thoại ngàn năm.
 
...Lão Tử thấy Khổng Tử xa xôi ngàn dặm đến, vô cùng vui mừng.
Lão Tử hỏi Khổng Tử: “Ông đã đắc Đạo rồi chứ?”.
Khổng Tử nói: “Học trò cầu Đạo đã 27 năm, vẫn chưa đắc được”.
Lão Tử nói: “Nếu Đạo là vật hữu hình, có thể lấy đem dâng cho người, thế thì mọi người tranh nhau lấy dâng cho quân vương. Nếu Đạo có thể tặng cho người, mọi người sẽ đem tặng cho người thân. Nếu Đạo có thể thuyết giảng rõ ràng, mọi người đều sẽ thuyết giảng cho anh em. Nếu Đạo có thể truyền cho người khác, thế thì mọi người đều sẽ tranh nhau truyền lại cho con cái. Nhưng những điều nói trên đều không thể được, nguyên nhân rất đơn giản, đó là khi cái tâm con người không nhận thức đúng đắn về Đạo, thì Đạo sẽ không bao giờ vào đến tâm người ấy”...
Sau khi bái kiến Lão Tử trở về, Khổng Tử trầm mặc suốt 3 ngày không nói.
(Theo Đại Việt Tàng Thư)

Trên đây chỉ là một trong nhiều tư tưởng từ các buổi đàm thoại của hai nhà triết học Trung Hoa.
Đạo theo Lão Tử không phải là con đường, chỉ dạy (huấn đạo), hay mở lối (khai đạo), mà là một cái gì đó thật bao la không thể giải thích. Bàn về Đạo không cần thiết phải giải thích nhiều lời «Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ, 一 言 可 以 大 悟  (một lời cũng đủ biết tất cả), vì Đạo rất cao sâu, thật bao la không thể giải thích bằng lời mà phải hiểu bằng tâm. Đơn giản vì Đạo có trong tất cả. 
Trước Lão Tử, các nhà tư tưởng trong “Bách gia Chư tử” quan niệm: Đạo chỉ là nhân đạo, đạo lý làm người. Đối với Lão Tử, Đạo được hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm Triết học, thông qua Đạo có thể hiểu được quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ. Đạo là Qui luật hình thành vạn vật.
Quan điểm của Lão và Khổng Tử hoàn toàn khác nhau. Trong khi Lão Tử mọi sự việc hãy để phát triển tự nhiên không thể gò ép, thì Khổng Tử lại muốn đưa vào khuôn phép.
Sau 3 ngày hội ngộ cùng Lão Tử, Khổng Tử đã thấy được nhiều điều khác lạ trong tư tưởng Đạo Giáo, nhưng Ông không thể rút ra được gì để bổ sung cho quan điểm của mình. Có phải Ông quá cố chấp hay không đủ khả năng?
Kinh Dịch là bộ sách trong Ngũ Kinh, được xem là khởi nguồn hệ thống triết lý của Trung Hoa.
Kinh Dịch tương truyền do vua Phục Hy tạo nên từ những hình đồ trên lưng con Long Mã. Khởi đầu Kinh Dịch dùng để bói toán, dần về sau Nho giáo và Lão giáo đã dựa vào làm căn bản và xây dựng nên hệ thống triết thuyết.
 
Theo sử, Nho Giáo khởi đầu từ đời nhà Chu. Chu Công giải thích sự biến hóa của Thái Cực.
Thái Cực huyền bí vô cùng, không thể biết rõ được, nhưng khi xem xét sự biến hóa của vạn vật thì ta có thể đoán biết được cái động và tịnh của Thái Cực. Động là Dương, tịnh là Âm. Dương lên đến cực độ lại biến ra Âm; Âm lên đến cực độ lại biến ra Dương. Hai cái Âm Dương ấy cứ xoay chuyển tương đối, điều hòa nhau mà biến hóa sanh ra Vũ trụ và vạn vật. Đó là điểm cốt yếu của Kinh Dịch, bởi vì Dịch là biến đổi. Trong Trời Đất, không có cái gì là không biến đổi, không có cái gì là nhứt định. Tất cả đều biến đổi, xoay chuyển, lưu hành khắp nơi, nhưng đều phát sinh từ một Lý duy nhứt là Thái Cực. Chỉ có Thái Cực là tuyệt đối, còn tất cả đều là tương đối. 
Về sau, dựa vào lý giải trên, Đức Khổng Tử lấy chủ nghĩa “ Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể “ làm căn bản cho học thuyết của Nho giáo. Tin tưởng đấng tối cao là Trời, là thiên mệnh. Tất cả vạn vật đều do Trời tạo nên.
 
Vào Thời Hán, Hàn Dũ đời Đường, có những ý tưởng mới về Nho Giáo. Tuy nhiên mãi đến đời Tống, hậu bối của Khổng Giáo là Chu Đôn Di, được coi là người khai sáng Tân Nho Giáo dựa vào Kinh dịch giải thích lại học Thuyết Nho giáo. Sau đó Trình Hạo và Trình Di bổ sung thêm một số tư tưởng mới có khuynh hướng giống Lão Tử. Về sau, Chu Hy (được gọi là Chu Tử) diễn giải tường tận thêm, Tân Nho Giáo đã mang một sắc thái mới, dung hòa giữa Nho với Lão giáo và Phật Giáo, lấy Thái Cực làm nguồn gốc vạn vật gọi là "Lý" tương tự Đạo của Lão Giáo, bỏ qua khái niệm Trời sinh ra Vạn Vật theo Thuyết của Khổng Tử. Học Thuyết mới được gọi là Tống Nho.  
Học Thuyết này ảnh hưởng lớn đến các nhà Nho Học Việt Nam chúng Ta, thể hiện rõ nhất là bài "Kẻ Sĩ" của Nguyễn Công Trứ.
 
Huỳnh Hữu Đức

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

Ba Và Má


Ba Còn mãi chốn xa
Một bóng Má quê nhà
Tin nhạn bao giờ đến
Mòn mỏi tháng ngày qua,
                 Quên Đi