Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Albert Einstein (14/3/1879 – 18/4/1955)


Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, có một nhà đại bác học được toàn thế giới ca ngợi về một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học, đó là phương trình cho biết năng lượng của vật chất: E=mc2. Trong hàng chục năm trời, E = mc2 vẫn chỉ là đề tài của các cuộc tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng sự san bằng thành phố Hiroshima vào năm 1945 do quả bom nguyên tử đã chứng minh sự thật của phương trình đó.
Trước lời ca tụng, trước vinh quang rực rỡ, Albert Einstein, tác giả của phương trình lừng danh kể trên lại, giữ một bộ mặt thẹn thùng, xa lạ. Sự quảng cáo thanh danh đã quấy nhiễu ông suốt đời nhưng tất cả đều bị ông coi thường, lãnh đạm. Einstein chỉ khao khát độc nhất sự trầm lặng để có thể suy nghĩ và làm việc.
Einstein sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 tại thị trấn nhỏ Ulm bên dòng sông Danube thuộc bang Baden-Württemberg của Đức. Einstein bỏ quốc tịch Đức năm 1896 và nhận quốc tịch Thụy Sĩ năm 1901. Sau khi tốt nghiệp trường Eidgenössische Technische Hochschule (một trường đại học kỹ thuật) năm 1900 ở Zurich, Thụy Sĩ, ông dạy toán tại một trường đại học kỹ thuật khác ở Winterthur, rồi từ 1902 đến 1908, bắt đầu làm việc cho văn phòng cấp bằng sáng chế kỹ thuật tại Bern, với chức vụ giám định viên kỹ thuật hạng III. Đây chính là thời gian Einstein có những phát kiến quan trọng trong vật lý lý thuyết, và cũng là nền tảng cho sự nghiệp của ông sau này, hoàn toàn làm ngoài giờ và không có nhiều liên hệ trực tiếp với đồng nghiệp và tài liệu khoa học.
Einstein nhận bằng tiến sĩ từ Đại học Zurich năm 1905 và cùng năm này xuất bản 3 công trình khoa học trong đó có thuyết tương đối hẹp. Sau khi phát kiến ra nguyên lý tương đương của trọng trường năm 1907, Einstein trở thành giảng viên tại Đại học Bern năm 1908, rồi thành giáo sư vật lý tại Đại học Zurich năm 1909 và bắt đầu được biết đến là một nhà khoa học hàng đầu. 1911, trong khi chuyển đến giảng tại Đại học Karl-Ferdinand ở Praha (thủ đô của Tiệp Khắc lúc đó), ông đưa ra tiên đoán đầu tiên của thuyết tương đối rộng là ánh sáng phải đi theo đường cong khi qua gần Mặt Trời. Một năm sau đó trở lại Zurich tiếp tục phát triển lý thuyết về trọng trường bằng tính toán tensor, với sự giúp đỡ của bạn học và cũng là nhà toán học Marcel Grossmann. Năm 1914 ông quay lại Đức, trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Đức. Năm 1915, lần đầu thuyết tương đối rộng được xuất bản. Năm 1919, đo đạc với ánh sáng mặt trời khi có nhật thực của một đoàn chuyên gia người Anh đã khẳng định tiên đoán của Einstein vào năm 1911.
Einstein nhanh chóng trở nên rất nổi tiếng trên thế giới, còn ở Đức ông lại bị một số phần tử bài Do Thái tấn công. Từ năm 1920 đến năm 1927, ông đi khắp thế giới để thuyết trình và hoạt động xã hội (1921 Mỹ, 1922 Pháp và Nhật, 1923 Palestine, rồi 1924 Nam Mỹ). Năm 1921 cũng là năm Einstein được nhận giải thưởng Nobel về vật lý, không phải cho công trình nổi tiếng nhưng vẫn còn gây tranh cãi vào thời điểm này là lý thuyết tương đối, mà cho những giải thích về hiệu ứng quang điện. Bắt đầu từ năm 1927, Einstein tham gia vào một cuộc tranh luận với Niels Bohr về thuyết lượng tử. Ông làm việc quá sức và lâm bệnh năm 1928. Mặc dù bình phục ngay trong năm này, cường độ làm việc của ông buộc phải giãn hơn trước. Năm 1932, Einstein nhận giảng tại Đại học Princeton, tại Mỹ, và không quay trở lại nữa vì chính quyền chống Do Thái Đức quốc xã đã cầm quyền ở Đức. Năm 1933, ông tiếp tục chu du Oxford, Glasgow, Brussels, Zurich và nhận được những vị trí danh dự mà ông đã từng mơ ước vào năm 1901 từ Jerusalem, Leiden, Oxford, Madrid và Paris. Năm 1935 Einstein quyết định ở lại Princeton thực hiện những cố gắng trong việc thống nhất các định luật của vật lý. Năm 1940 ông nhận quốc tịch Mỹ, và vẫn giữ quốc tịch Thụy Sĩ.
Einstein là một người phản đối chiến tranh và đã gây được 6 triệu đô la tiền quỹ bằng việc bán đấu giá bản viết tay về thuyết tương đối hẹp của mình vào năm 1944. Ông bắt đầu lâm bệnh từ năm 1949 và viết di chúc năm 1950. Năm 1952, chính phủ Israel mời Einstein nhận chức tổng thống, nhưng ông từ chối. Một tuần trước khi mất, Einstein ký tên vào một bức thư kêu gọi các nước không xây dựng vũ khí hạt nhân. Ông mất tại Trenton, New Jersey, 4 giờ chiều ngày 18 tháng 4 năm 1955.

Theo : tudiendanhngon.vn/

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét