Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Hình ảnh Phúng Điếu Thân Mẫu của Võ Thị Tuyết Nga

Hôm nay, 30.4.2020 các CHS Trung Học Tống Phước Hiệp nk 69 và nk75 gồm các bạn Hồng Liên, Ngọc Hoa, Điệp Lê, Xuân Mai, Chí Thanh, Duyên, Xuân ( Sương), Khai và Đức. Đã đến huyện Long Hồ phúng điếu thân mẫu của Tuyết Nga chia buồn với Tuyết Nga cùng Gia đình.










Hình ảnh Huỳnh Hữu Đức




Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Ca Dao Cạo 1


Đẹp trai mà hổng mặt chai
Cho nên dê mãi chẳng ai thương mình

Cái thời chợt nắng chợt mưa
Cái thời già khú vẫn chưa có bồ...

Cái thời vờn lượn kiếm hoa
Bây giờ già khú đi ra đi vào

Cũng vì bị mấy ẻm chê
Buồn tình cuốn gói hướng về Cà Mau

Ruộng ai thì nấy be bờ
Có được chồng xấu mới nhờ tấm thân

                                     Quên Đi

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Tưởng Hình Nhớ Bóng


Tưởng Hình Nhớ Bóng


Bẽn lẽn tay nghiêng vành nón
Bởi người thấp thỏm đứng đón bên đường
Vô tình sợi tóc vấn vương
Gió đưa duyên thắm gửi hương kết lòng
Ghét ghê cái người nghênh ngông
Chẳng quen chẳng biết khi không theo hoài
Cái đuôi mòn cả gót giày
Làm hồn phách nhỏ vụt bay hết rồi
Đêm đêm nhìn ánh sao rơi
Tưởng hình nhớ bóng.. đẹp ngời tuổi mơ
Tỏ lòng yêu chút bâng quơ
Lưu vào nhật ký câu thơ học trò
Gặp người dạ rối thầm lo
Vắng người trời cũng buồn xo rũ sầu
Trinh nguyên áo trắng tình đầu
Niềm đau chia cách vết khâu chửa nhoà
                                         KimOanh


Bài Họa

Mộng đầu

Thẹn thùa nghiêng nghiêng chiếc nón
Như trốn ai kia đang đón trên đường
Phải chăng tình bủa tơ vương
Sao nghe êm ái dậy hương nơi lòng
Còn anh nào phải kẻ ngông
Cây si chẳng ngại em không đoái hoài
Guốc vang xen lẫn tiếng giày
Ngỡ ngàng e thẹn cũng bay đi rồi
Bên nhau ngắm ánh chiều rơi
Tình yêu ngọt lịm sáng ngời mộng mơ
Gió đưa phượng lất phất quơ
Tưởng người con gái ngây thơ chơi trò
Tan trường về muộn thêm lo
Lại còn lẻ bóng ngồi xo ro sầu
Đẹp thay ôi giấc mộng đầu
Tình yêu thứ nhất xưa khâu khó nhoà.
                                          Quên Đi

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

Tình Em !


"Nha Trang biển đầy
Tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc...
" *

Cô đơn ngồi trên cát
Cô đơn đùa trên cát 
Tôi xây tình trên cát 
Nhưng rồi sóng đã xô 
Tình tôi!
                       XH
* Lời bài hát "Nha Trang Ngày Về*

Em xây tình trên cát
Tim anh chợt nhói đau
Biển vô tình muôn thuở
Lòng anh thấy nghẹn ngào.
                            Quên Đi 
***

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Chính Thể Và Biến Thể Trong Thơ Lục Bát


Lục Bát có xuất xứ từ Ca Dao. Vì thế, khi muốn tìm hiểu về thơ Lục Bát, các học giả đều dựa vào ca dao.
Do xuất xứ từ giới bình dân ít học, nên nhiều người nghĩ rằng thơ Lục Bát quá đơn giản, không khó khăn như Thơ Đường Luật, không cần thiết phải học hỏi hay chú trọng cho lắm. Có lẽ cũng đúng thôi, nhưng chính cái đơn giản trong thơ Lục Bát, mới khiến cho nhiều người nghĩ rằng không cần thiết phải tìm hiểu cặn kẽ về thể thơ này, từ đó không nắm hết những đặc tính của thơ Lục Bát, vì vậy đôi khi đưa ra những nhận xét, phê bình có phần lệch lạc về loại thơ này..

A - Lục Bát Chính Thể (Lục Bát Chính Thức)

Khi nghiên cứu thơ Lục Bát, các học giả và nhà nghiên cứu đều đồng ý với nhau về điểm đặc sắc trong cách gieo vần ở thơ Lục Bát. Đây là nét độc đáo trong thơ Việt, đó là Vần gieo với nhau vừa Vần Lưng (Yêu Vận) lẫn Vần Chân (Cước Vận). Chính vì thế nhà nghiên cứu Lam Giang viết trên quyển "Khảo Luận Luật Thơ" phát hành năm 1967 đã gọi Thi Pháp trong thơ Lục Bát là Quốc Phong, nói rõ hơn là tiết điệu trong thơ Lục Bát chính là Quốc Phong, điều này không một loại thơ nào trên thế giới có được.

Theo kết luận các nghiên cứu, thường thì thơ Lục Bát sử dụng Thanh Bằng để gieo vần, và chữ cuối câu 6 gieo vần với chữ thứ 6 câu 8. Chữ cuối câu 8 gieo vần với chữ cuối câu 6 bên dưới, và cứ thế tiếp tục cho đến hết bài thơ.

Có một điều thật thú vị là hình thức, thể cách, cú điệu của thể loại thơ bác học (*) lại không phong phú bằng thể thơ bình dân này. Chính vì thế chúng ta thấy rằng, thơ Lục Bát không hề cứng nhắc như luật thơ Lục Bát của các học giả nêu ở bên dưới đây. Sự phóng khoáng của ca dao nói chung và Lục Bát nói riêng được thể hiện thật đa dạng:

- Luật Bằng Trắc (Luật Thanh)

Về Luật Bằng Trắc (Luật Thanh), các nhà Nghiên cứu có cùng quan điểm về Luật Thanh căn bản của thơ Lục Bát là:

B B T T B B
B B T T B B T B
B B T T B B
B B T T B B T B

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho em xin
Hay là em để làm tin trong nhà...

- Đa Dạng Trong Luật Thanh

Trong thơ Lục Bát, luật Thanh không cố định, Bằng có thể trở thành Trắc, hay Trắc có thể đổi thành Bằng:

Mùng Tám tháng tám không mưa
Chị em bán cả cày bừa mà ăn

Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon

Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày 30 tết thịt treo trong nhà

- Gieo Vần Trắc

Theo Luật Vận căn bản, vần gieo phải là Bằng, tuy nhiên trong thơ Lục Bát, việc gieo Vần Trắc không phải hiếm. Khi viết về Lục Bát Chính Thể, Giáo sư Dương Quảng Hàm lại lấy thí dụ là bài ca dao gieo vần Trắc (trang 9 Việt Nam Văn Học Sử Yếu) :

Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ tê
Nhện ơi nhện hỡi mầy đi đàng nào

Thêm các thí dụ về Vần Trắc:

Con kiến bò qua ổ mối
Anh báo với nàng để tối anh qua

Tình thương gươm trường không sợ
Sét đánh bên mình duyên nợ không buông

- Uyển Chuyển Trong Luật Vận :

Trong thơ Lục Bát, các vần gieo không hẳn ở chữ thứ 6 câu 8 mà có thể ở chữ thứ 4:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng...

Tỏ trăng mười bốn được tằm
Tỏ trăng hôm rằm thì được lúa chiêm

B - Lục Bát Biến Thể (Lục Bát Biến Thức)

- Theo Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu của Giáo sư Nghiêm Toản do nhà sách Vĩnh Bảo Sài Gòn phát hành năm 1949 có nói về Lục Bát ở trang 19 quyển 1 như sau:
"...Lục Bát Biến Thể là trong các câu 6-8 thường đặt những chữ đệm chêm thêm vào..."

- Theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm, trong phần Thể Văn nơi trang 9, Ông có viết:
"Thể Lục Bát Chính Thức ( câu 6 câu 8 nối tiếp nhau) hoặc Lục Bát Biến Thức (thỉnh thoảng có xen những câu dài hơn 6 hoặc 8 chữ)

Thí dụ :
Con cuốc kêu réo rắt trên ngàn
Gà rừng tao tác gọi con tha mồi
Lạnh lùng thay láng giềng ôi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều.

Bắc thang lên thử hỏi trăng già
Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời
May ra gặp được giếng khơi
Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn...

Dòng sông chung một con đò
Sao anh tiếc của chẳng đưa đồ hỏi xin?

Ai có muốn lau chen với đậu
Qua không đành đánh bùn lộn với sen
Trước chưa quen sau cũng là quen
Qua chẳng hề tham nguyệt chê đèn như ai.

Ai làm cho đó bỏ đây
Cho con chim nhạn xa cây ngô đồng
Anh xa em vì ngọn gió đông
Anh có vợ năm trước em có chồng năm sau
Anh với em như cá một bàu
Dầu xa đi nữa, có gặp nhau đừng buồn.

Từ những biến thể của thơ và lối gieo vần trắc trong thơ Lục Bát, đã dẫn đến dạng thơ Song thất Lục Bát:
 
Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
Con chàng còn trướng nước thơ ngây
Có hay chàng ở đâu đây
Thiếp xin mượn cánh chấp bay theo chàng

hay Lục Bát Song Thất ...

Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

Ai kêu ai hú bên sông
Tôi đang sắm sửa cho chồng xuống ghe
Chồng xuống ghe, quạt che, tay ngoắt
Cất mái chèo, ruột thắt từng cơn
Đi đâu cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

Ai làm anh phải xa em
Cho cây xa cội cho đêm xa ngày
Đêm với ngày, anh quay chỉ thắm
Sợi thẳng, sợi đùn (chùng) nghĩ mà giận ông tơ.

C - Kết Luận

Một khi tìm hiểu sâu về thơ Lục Bát, chúng ta mới nhận thức được Thơ Lục Bát không hề đơn giản, nếu không muốn nói là rắc rối hơn cà Đường Luật Thi của Trung Hoa, do sự đa dạng và phóng khoáng. Chính vì sự phóng khoáng này mà nhiều người không hiểu, nên cho rằng thơ Lục Bát gieo vần trắc là sai luật.

Có nhiều người khi thấy một bài Lục Bát gieo Vần Trắc, hay gieo Vần ở chữ thứ 4 của câu 8 chữ, đã vội cho là Lục Bát Biến Thể, đây là một kết luận hoàn toàn sai, vì hình dạng thơ không hề thay đổi, vẫn là những câu 6 và 8, thì không thể gọi là Lục Bát Biến Thể.

Một đặc điểm không hề lẫn lộn với thơ nào của thơ Lục Bát, chính là gieo vần giữa câu và gieo vần cuối câu. Một bài thơ nếu các câu không hẳn là những câu 6 và 8 nhưng vẫn giữ đúng nguyên tắc gieo Vần cả Yêu Vận và Cước Vận thì đó có thể là thơ Lục Bát vậy.

Huỳnh Hữu Đức

------


(*) Văn thơ hay văn chương bác học là loại văn thơ có chữ viết, thường được quan lại triều đình sử dung, trái với văn chương bình dân là loại truyền khẩu.

***

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Cho Người Tình Nhỏ


Bao năm tình nghĩa lắm yêu thương
Nghịch cảnh chia tay xót đoạn trường
Kỷ niệm mới vừa lưu dấu tích
Thời gian nào dễ cắt tơ vương
Dằn lòng trở gót rời xa bến
Lệ đổ vào tim xót rẽ đường
Hai ngã từ nay đành cách biệt
Xuân còn hoa thắm phải dừng hương.

                                      Quên Đi

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Chiếc lá cuối cùng


Chiếc lá cuối cùng còn sót lại
Như đời mình cảnh trống trải cô đơn
Cây lặng yên như dỗi như hờn
Vẳng vẳng lại tiếng ai đờn thổn thức.
Cuộc tình xa hằn sâu ký ức
Vẫn nhói đau vẫn ray rức nơi lòng
Bao năm dài dõi mắt đợi mong
Vẫn biền biệt người đi không trở lại.
                                    Quên Đi