Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần 8


Kết Cỏ Ngậm Vành

Đời Xuân Thu (551-479 trước D.L.), tướng nước Tần là Đỗ Hồi, đem quân sang đánh nước Tấn.
Hồi vốn là một lực sĩ, răng nhọn hoắc, mắt tròn xoe, tay cứng như đồng, mặt đen tựa sắt, râu xồm tóc quăn, thân cao to lớn, chuyên sử dụng cây Khai Sơn đại phủ (búa to) nặng 120 cân, người giống Bạch Địch. Đã có lần ở Thanh Mi Sơn, Đỗ đâm chết luôn 5 con hổ, lột da đem về. Và, cũng có lần, Đỗ chỉ huy 300 quân mà phá vỡ được hơn 10 ngàn quân giặc ở Sa Nga Sơn. Uy danh càng lừng lẫy.

Tướng của nước Tấn là Ngụy Khỏa đem binh ra nghinh chiến. Đỗ Hồi dẫn 300 quân xông vào mặt trận, múa cây Khai Sơn đại phủ tung hoành chém giết. Búa đến đâu là đầu rơi long lóc. Quân Tấn chết nằm ngổn ngang như rạ.

Ngụy Khỏa vội vàng rút quân, đóng chặt cửa thành, giữ lấy thế thủ. Mặc cho Đỗ Hồi đến khiêu chiến, chửi rủa thậm tệ suốt cả mấy ngày. Vừa lúc ấy có em của Ngụy Khỏa là Ngụy Kỳ vâng lịnh vua Tấn đem binh tiếp ứng. Khỏa thuật cả việc lại. Kỳ không tin, hôm sau đem quân ra nghinh chiến.

Đỗ Hồi lại múa búa, tả xông hữu đột, chém giết quân Tấn tơi bời, máu chảy tựa suối. Ngụy Kỳ thua to. May nhờ có Khỏa liều thân đem quân tiếp cứu mới về được thành.

Đêm hôm ấy, Ngụy Khỏa ngồi buồn rầu, nghĩ quanh nghĩ quẩn, không biết dùng mưu kế gì để phá địch. Đương mơ màng, bỗng nghe có tiếng người văng vẳng bên tai: "Thanh Thảo Pha! Thanh Thảo Pha!" Đến lúc tỉnh dậy, không hiểu nghĩa là sao, mà chợp mắt ngủ lại nghe như trước. Khỏa thuật lại cho Kỳ biết. Kỳ nói:

- Cách đây độ mười dặm (1 dặm bằng 576 thước tây), có một bãi cỏ tên "Thanh Thảo Pha", có lẽ thần minh mách bảo quân Tần sẽ bị bại tại đó. Vậy tôi xin đem một toán quân mai phục sẵn, rồi anh lập kế dụ quân giặc đến. Bấy giờ hai bên đổ ra cùng đánh, chắc chắn sẽ thắng.

Khỏa bằng lòng.

Sáng ra, Ngụy Khỏa giả cách truyền lịnh rút quân. Quả nhiên, Đỗ Hồi đem quân đuổi theo. Khỏa giao chiến qua loa một lúc rồi bỏ chạy, dụ Hồi đến Thanh Thảo Pha. Quân mai phục của Ngụy Kỳ ở hai bên, bất thần đổ ra hợp với quân của Khỏa vây chặt lấy Đỗ Hồi. Hồi chẳng nao núng, múa búa tung hoành như vào chỗ không người. Nhưng bỗng nhiên, Đỗ Hồi đi mỗi bước lại ngã chút một cái, như người bị trượt chỗ nước băng. Quân Tấn lấy làm ngạc nhiên, reo ầm cả lên.

Ngụy Khỏa ngẩng trông thấy một lão già, mặc áo vải chân đi thảo hài, đương kết cỏ lại làm vướng chân Đỗ Hồi. Bấy giờ, Khỏa và Kỳ xông lại bắt sống. Quân Tần mất tướng chỉ huy nên bỏ chạy tán loạn, bị quân Tấn đuổi bắt giết gần hết.

Đem Đỗ Hồi về dinh, Ngụy Khỏa hỏi:

- Mầy cậy có sức khỏe, nhưng nay sao để bị bắt?

Hồi uất hận, trả lời:

- Ta đương đánh, không biết có vật gì trói lấy chân làm cho ta ngã. Đó là trời hại ta, chớ không phải ta thua.

Ngụy Khỏa nghe nói lấy làm lạ. Thấy Hồi có sức mạnh phi thường, sợ thoát thân được nên Khỏa và Kỳ đồng ý đem giết chết, cắt lấy đầu đem về dâng vua Tấn.

Đêm hôm ấy, Ngụy Khỏa nằm ngủ, mơ màng thấy ông lão kết cỏ ở Thanh Thảo Pha hiện đến, vái chào và nói:

- Tướng quân có biết tại sao Đỗ Hồi bị bắt hay không? Vì tôi kết cỏ lại để làm cho Đỗ Hồi vướng chân mà ngã đó.

Ngụy Khỏa kinh sợ, chấp tay đáp lễ, nói:

- Tôi chưa được biết cụ bao giờ, sao cụ lại có lòng tốt quý giúp tôi như vậỷ Tôi biết lấy gì mà trả ơn cụ!
Ông lão nói:

- Tôi là cha của nàng Tố Cơ. Tướng quân theo lời trị mệnh của tiền nhân không chôn sống con tôi, mà còn tìm chỗ xứng đáng gả cho con tôi lấy chồng. Vậy tôi cảm ơn ấy mà giúp tướng quân. Sau này con cháu tướng quân vẫn được đời đời vinh hiển.

Nói xong biến mất.

Nguyên xưa, thân phụ của Ngụy Khỏa là Ngụy Thù có một người thiếp yêu tên Tố Cơ. Mỗi khi Ngụy Thù đi đánh giặc thì thường dặn dò Ngụy Khỏa: "Nếu cha chẳng may chết ở chiến trường, con nên tìm chỗ tử tế mà gả Tố Cơ để nàng khỏi phải khổ sở tấm thân. Cha dẫu chết cũng được yên lòng!"

Nhưng đến lúc Ngụy Thù đau nặng, trước phút lâm chung, lại bảo Khỏa:

- Tố Cơ là người thiếp yêu của cha. Khi cha chết rồi, con phải đem nàng mà chôn theo cha để cho cha ở suối vàng có người làm bạn.

Ngụy Thù chết. Ngụy Khỏa an táng cho cha nhưng không bắt Tố Cơ chôn theo. Ngụy Kỳ hỏi tại sao không vâng lời cha trối lúc lâm chung thì Khỏa đáp:

- Thân phụ lúc nào cũng dặn ta sau này nên gả Tố Cơ lấy chồng. Nhưng đến lúc gần mất, lại dặn phải đem chôn theo. Bởi vậy, kẻ hiếu tử nên theo trị mệnh, chớ không theo loạn mệnh.

Sau, Ngụy Khỏa gả Tố Cơ cho một danh sĩ. Vì có ân đức ấy, nên linh hồn của thân phụ Tố Cơ hiện lên để kết cỏ báo ơn.

"Ngậm vành" do chữ "Hoàng tước hàm hoàn" nghĩa là chim hoàng tước ngậm vòng.

Đời nhà Thương (1733-1154 trước D.L.), triều vua Thái Mậu (1637-1562 trước D.L.), có một chư hầu đem dâng cho nhà vua một con chim hoàng tước trống.

Được chim quý, nhà vua truyền làm một chiếc lồng bằng vàng, chén ăn bằng ngọc và bắt thái giám cho lo săn sóc cực kỳ cẩn thận. Nhưng chim ngày ngày vẫn ủ rũ, không chịu nhảy nhót, kêu hót, vui đùa. Hằng ngày, ngoài vườn, lại có một con chim hoàng tước mái cất tiếng kêu thật bi đát, giọng mỗi lúc càng thảm thiết não nùng. Chim hoàng tước trống ở trong lồng nghe tiếng chim mái ở bên ngoài kêu thì lại càng ủ dột, buồn bã, bỏ ăn bỏ uống. Thỉnh thoảng lại kêu lên một giọng bi thảm.

Thấy chim trống buồn, chim mái kêu bi thương, vua Thái Mậu động lòng thương xót, truyền thả chim hoàng tước trống ra. Được thoát khỏi lồng, trống mái xum họp. Đôi chim bay lượn ba vòng chung quanh đền, cất tiếng hót véo von, giọng trong trẻo lảnh lót.

Một thời gian, nhà vua đương ngự trên đền, bỗng thấy con chim hoàng tước trống bay đến, miệng ngậm một chiếc vòng. Chim lại sà trước mặt nhà vua, nhả chiếc vòng ngọc quý rồi vỗ cánh múa, tỏ vẻ tạ ơn.
Cũng tích "Ngậm vành":

Đời Hậu Hán (25-219) có cậu bé tên Dương Bảo, một hôm đi chơi bên cạnh một khu rừng, thấy một con chim sẻ vàng óng ánh bị chim cắt đánh rơi xuống đất. Chim sẻ què chân, gãy cánh, giãy giụa, kêu la thảm thiết. Bảo đem về chăm sóc, nuôi nấng. Đến khi chim mạnh, lành thì cho bay đi.

Một hôm, có một chàng tuấn tú khôi ngô, mặc áo vàng đến, nói với Bảo:

- Tôi là sứ giả của bà Tây Vương Mẫu, chẳng may gặp nạn, may nhờ ông cứu, ơn ấy chẳng quên. Vậy xin dâng ông 4 vòng ngọc quý, chúng sẽ làm cho bốn đời nhà ông được hưởng phú quý, sang làm đến tước Tam Công.

Dương Bảo vừa nhận lấy vòng, chưa kịp tạ ơn thì chàng trai áo vàng biến mất. Quả nhiên về sau, bốn đời họ Dương đều sang cả đúng như lời.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc nàng Kiều ở lầu Ngưng Bích, nhờ Sở Khanh dắt đi trốn mong thoát khỏi nanh vuốt của Tú Bà, nàng có lời tha thiết nói với họ Sở:


Rằng "Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến oanh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau.

"Kết cỏ ngậm vành" là do những điển tích trên, ý nói thọ ơn bao giờ cũng đền đáp.
Lá Gió Cành Chim

Về đời vua Đại Tông nhà Đường (763-780) ở huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây có nhà nho tên Tiết Trịnh, làm quan ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sinh một đứa con gái tên Tiết Đào. Nàng học hành giỏi, tư chất thông minh, vừa lên sáu đã biết làm thơ. Nhưng ý thơ rất lẳng lơ.

Năm Tiết Đào lên tám, một hôm vào mùa thu, Tiết Đào đứng chơi bên cạnh cha, gần một cây ngô đồng. Cây đã già, cành lá sum sê đứng sừng sững trước nhà, trông như sát từng mây. Tiết Trịnh ngắm cảnh buột miệng ngâm:

Đình trừ nhứt cổ đồng,
Tung cán nhập vân trung.

Nàng Tiết Đào liền ngâm tiếp:

Chi nghinh nam bắc điểu
Diệp tống vãng lai phong.


Nghĩa:

Ngô đồng đứng trước sân,
Thân cây cao vút mây.
Đàn chim cành Nam Bắc
Đưa lá gió sớm chiều.

Nghe con gái đọc lời thơ lả lơi, Tiết Trịnh thở dài nghĩ:

- Nghiệp chướng đã vận vào mình rồi. Cứ như lời thơ này con gái ta về sau ắt sẽ là một đứa lãng mạn, bướm ong.

Hai năm sau, thân phụ Tiết Đào bị bạo bịnh qua đời. Vì làm quan thanh liêm nên sau khi chết, đời sống gia đình họ Tiết rất chật vật. Tiết Đào phải xin vào phường ca kỹ, ngày ngày đàn hát ngâm thơ đón kẻ tao nhân mặc khách, lấy tiền nuôi mẹ già.

Ở chốn ca lâu, mang tấm thân ngà ngọc, tài học uyên thâm ra để mua vui cho những kẻ có tiền, nàng Tiết Đào buồn rầu, thường sáng tác những bài ca phổ vào nhạc điệu dạy đoàn ca nữ múa hát hay chính nàng nhịp phách ca ngâm.

Những bài ca của nàng rất tuyệt tác, được truyền tụng trong phường, nên được nhiều người trọng vọng, thường gọi nàng là Tiết tú tài. Những văn nhân tài tử bốn phương nghe danh đổ đến để cùng nàng đề thơ xướng họa, mong được nàng Tiết lưu ý đến họ. Nhưng mắt xanh chẳng lọt vào ai, nàng Tiết vẫn làm nghề ca kỹ.

Nhờ danh tiếng, Tiết Đào kiếm được chút vốn liếng bèn dựng một ngôi nhà bên cầu Vạn Lý. Nàng lại chế ra một thứ giấy ngũ sắc có vẽ cây tùng, cây bách, cây liễu, hoa sen rất đẹp, đặt tên là "Hoa tiên tùng giang". Giấy này dùng để viết thơ do Tiết Đào làm, nên về sau gọi là Hoa tiên Tiết Đào.

Quan Tư Mã Thiểm Châu là Vương Kiến mến tài nàng Tiết nên thân đến cầu Vạn Lý thăm, và tặng nàng một bài thơ:

Vạn Lý kiều biên nữ Hiệu Thư
Tỳ bà hoa hạ bế môn cư.
Tảo mỵ tài tử tri đa thiểu,
Quản lĩnh đông phong tổng bất như.

Dịch:

Nàng Hiệu Thư Lang ở bến sông,
Tỳ bà tươi thắm rũ bên sông.
Ngày xuân cửa đóng hoa ngăn gió.
Bao kẻ tôi mày đã uổng công.
(Bản dịch của Bùi Khánh Đản)


Đời vua Hiến Tông nhà Đường (806-821) có quan Tả Thập Di tên Nguyên Chẩn, một danh nho đương thời, vâng chiếu chỉ thanh tra đất Thục. Nghe danh nàng Tiết những mong được gặp nên nhờ bạn giới thiệu. Đôi bên gặp nhau, xướng họa đối ẩm xem chừng tương đắc. Thế là từ đấy cả hai quyến luyến, chẳng rời.

Nhưng rồi vì công vụ, Nguyên Chẩn phải trở lại Trường An phục mệnh. Kẻ lên ngựa chẳng yên lòng dứt áo, người ở lại ngậm ngùi nhỏ lệ buồn thương.

Rồi một điều chẳng may hơn nữa, tướng trấn thủ Tây Xuyên là Lưu Tích tạo phản, đốt phá Thành Đô. Nguyên Chẩn nóng lòng sốt ruột, mướn người đi vào đất Thục tìm nàng Tiết Đào. Nhưng lần nào cũng hoàn toàn thất vọng vì đường bị nghẽn, làm tin tức vắng bặt.

Nguyên Chẩn buồn bã thương nhớ giai nhân. Tuy quan san cách trở, thời gian qua mau nhưng mối tình kỳ ngộ sâu xa đối với Tiết Đào vẫn canh cánh bên lòng.

Riêng về nàng Tiết Đào, từ ngày chia tay cùng ý trung nhân thì vẫn mỏi mắt trông chờ tin tức nhưng vẫn bặt tin nhạn cá. Ngày tháng trôi qua, tuổi càng chồng chất, nghĩ buồn thương cho thân phận xấu số vô duyên, nên lui về ở đầm Bạch Hoa, mặc cà sa, ăn chay niệm Phật.

Năm Thái Hòa thứ 5 (811) đời vua Văn Tông, nàng Tiết Đào bị bạo bịnh mất.
Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả cảnh lầu xanh của mụ Tú Bà, có câu:


Biết bao bướm lả, ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Thanh.


"Lá gió cành chim" xuất xứ ở bài thơ của nàng Tiết Đào. Và, bài thơ đó chính là một triệu chứng chỉ về vận mạng của nàng vậy.
Nàng Ban Ả Tạ

Nàng Ban tức là Ban Chiêu, tự Huệ Cơ, con gái của Ban Bưu, em gái của Ban Cố đời Đông Hán (25-196).
Sinh trong gia đình Nho họ, cha anh đều học thức tài giỏi. Ban Chiêu rất thông minh, 13 tuổi đã giỏi thi phú. Đến tuổi cặp kê, Ban Chiêu sánh duyên cùng Tào Thế Thức, cũng là một nhà nho lỗi lạc.

Được 10 năm, Thế Thức chết, nàng thủ tiết thờ chồng. Nhà vua nghe danh nàng Ban học rộng tài cao nên cho vời vào cung dạy các hoàng tử, cung phi. Ai cũng tôn trọng là bực thầy.

Lúc bấy giờ, Ban Bưu đương làm quan tại triều, được vua cử soạn bộ Hán Thư. Nhưng làm chưa xong, Ban Bưu chết. Anh của nàng là Ban Cố được lịnh kế nghiệp cha, nhưng công việc chưa xong thì bị bạo bịnh rồi mất.

Thấy cha và anh bỏ dở công việc, Ban Chiêu tâu xin nhà vua cho nàng được tiếp tục biên soạn bộ Hán Thư. Vua Hòa Đế bằng lòng. Nàng được vào Đông quan tàng thư để tiếp tục công việc biên soạn bộ Hán Thư mà cha và anh chẳng may bỏ dở. Trong thời gian này, Ban Chiêu còn trứ tác tập "Nữ giới" gồm có 7 thiên. Danh tiếng của nàng càng lẫy lừng.

Còn ả Tạ là nàng Tạ Đạo Uẩn, con nhà thế phiệt đời nhà Tấn (265-419).

Tạ Đạo Uẩn lúc nhỏ đã thông minh, học rộng lại có tài biện luận. Nhân một hôm về mùa đông, tuyết rơi lả tả, chú của Tạ Đạo Uẩn là Tạ An ngồi uống rượu nóng có cả hai cháu là Tạ Lãng và Đạo Uẩn ngồi hầu bên. Tạ An liền chỉ tuyết, hỏi:

- Tuyết rơi giống cái gì nhỉ?

Tạ Lãng đáp:

- Muối trắng ném giữa trời.

Tạ Đạo Uẩn bảo:

- Thế mà chưa bằng "Gió thổi tung tơ liễu".

Tạ An khen Tạ Đạo Uẩn là thông minh, nhiều ý hay, tư tưởng đẹp. Ông lại thường chỉ Đạo Uẩn mà bảo các con cháu rằng:

- Nếu là trai, Tạ Đạo Uẩn sẽ là bực công khanh.

Tạ Đạo Uẩn sau kết duyên vớI Vương Ngưng Chi, một nhà nho lỗi lạc đương thời.

Làm vợ họ Vương, Tạ Đạo Uẩn thường thay chồng tiếp khách văn chương, đàm luận thi phú. Nàng tỏ ra là người hoạt bát, thông suốt nhiều vấn đề, lập luận vững chắc làm nhiều tay danh sĩ đương thời phải phục.

Em chồng của Tạ Đạo Uẩn là Vương Thiếu Chi. Người học giỏi nhưng lập luận kém cỏi, thiếu hoạt bát nên trong khi biện luận thường bị khách áp đảo. Tạ Đạo Uẩn sợ em chồng mất giá trị nên bảo thị tỳ thưa với Thiếu Chi làm một cái màn che lại, nàng sẽ ngồi sau để nhắc Thiếu Chi trong khi biện luận với khách.

Thiếu Chi nhờ đó mà khuất phục được khách và nổi danh, được nhiều người kính phục.

Nàng Ban, ả Tạ là hai người phụ nữ có tài danh về thi phú văn chương. Về sau, các nhà văn học thường dùng tiếng "nàng Ban, ả Tạ" để chỉ người phụ nữ tài giỏi, có danh tiếng về văn chương thi phú.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn thuật nàng Kiều sang chỗ ở của Kim Trọng và đề thơ trên bức tranh, Kim Trọng khen nàng:

    Khen tài nhả ngọc phun châu.
Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này.

Mã Đầu Cầm

Trong các làng mạc ở Mông Cổ, vẫn còn nhiều người đi hát dạo, vừa ca vừa đàn. Giọng ca ai oán não nùng. Tiếng đàn như khóc như than.

Cây đàn bằng gỗ, thùng đàn hình thang, cần dài. Đầu cần có trạm hình đầu con ngựa. Cung đàn làm bằng đuôi ngựa. Người Mông Cổ gọi cây đàn này là "Khil Khuua", ta tạm gọi là "Mã đầu cầm" (cây đàn đầu ngựa).

Tương truyền: về phía bắc xứ Mông Cổ có một Thiên Miếu, người bản xứ gọi là "Bogdokure". Đây là một miếu để thờ trời. Muốn đến đây, người ta phải băng rừng lướt bụi bằng ngựa suốt bốn mươi ngày. Kế đến là ngọn Cấm Sơn mà người Mông Cổ gọi là "Jasaktu Ui". Đây là một vùng hoang vu.

Ở mấy thung lũng, thỉnh thoảng có 8 con ngựa đến ăn cỏ. Đó là những con thiên mã rất đẹp. Ngoài 7 con mập mạp, mạnh mẽ có một con lại gầy gò, nháy mắt đã đi xa được ngàn dặm. Người Mông Cổ gọi là "Jonung Khara Mori", ta có thể tạm gọi là con Thiên lý mã.

Nhiều đêm, nhị thập bát tú sa xuống. Vừa đến mặt đất thì 28 vì sao ấy biến thành 28 tướng trẻ tuổi mỹ mạo tuấn tú, mặc kim giáp kim bào. Hai mươi tướng ngồi trên ngựa. Còn tám tướng kia thì đi thẳng đến Cấm Sơn, rồi cưỡi tám con thiên mã đương ăn cỏ ở đấy. Bấy giờ, họ mới phi ngựa rong chơi khắp nơi. Rồi đến khi trời vừa hừng đông thì họ trở về trời, thành 28 vì sao như cũ. Và khi tối đến thì họ lại xuống trần gian.

Một hôm, vị tướng trẻ tuổi chỉ huy trong 28 vì sao ấy cưỡi con Thiên lý mã đi dạo, bỗng gặp một cô thôn nữ duyên dáng xinh tươi, sinh lòng cảm mến. Rồi cả hai cùng tha thiết yêu nhau.

Cứ hàng đêm, chàng đến với nàng, chung gối giao đầu, âu yếm trong túp lều tranh đầm ấm của cô thôn nữ. Rồi khi vừng hồng sắp ló dạng thì chàng phi ngựa đi mất để nàng trơ trọi, cô quạnh phòng không.
Một thời gian như thế, nàng tò mò hỏi quê quán, gốc gác thì chàng mỉm cười âu yếm, tìm mọi cách tảng lờ. Lòng nghi hoặc nên một hôm, nàng không ngủ, chờ lúc chàng lên yên đi thì nàng cũng rón rén lén bước ra ngoài, bắt ngựa đuổi theo. Vì gấp rút để về thiên đình cho kịp giờ trước trời sáng nên chàng không hay gì cả. Nhưng ngựa của chàng chạy quá nhanh, thoáng chốc người và ngựa đều biến mất. Nàng thôn nữ không đuổi theo kịp, đành thui thủi quay về.

Tuy vậy, nàng cũng tìm được một ít sự thực về con ngựa khác thường này, nên một hôm thừa lúc chàng ngủ say, nàng lẻn ra ngoài. Đến gần ngựa, nàng quan sát kỹ, thấy phía sau mỗi chân ngựa có một cánh nhỏ, lúc ngựa không chạy thì cánh xếp lại. Nàng mừng rỡ; và vì muốn giữ mãi người yêu bên cạnh mình nên nàng cắt lấy 4 cánh ấy.

Cũng như thường lệ, trời vừa rạng đông, chàng trai trẻ lén trỗi dậy ra ngoài, lên yên phi ngựa về thiên đình. Nhưng lần này chàng lấy làm ngạc nhiên là ngựa chạy quá chậm. Trời sắp sáng mất, ngựa lại thở hồng hộc. Đến giữa một bãi sa mạc mênh mông, con thiên lý mã quỵ xuống và trút hơi thở cuối cùng.
Vầng thái dương đã mọc rồi. Ngôi sao chàng đã tắt. Chàng không còn hy vọng trở về thiên đình mà cũng không còn mong gì trở lại với người yêu để cùng âu yếm trong túp lều tranh đầm ấm hôm xưa. Cô độc giữa bãi sa mạc, chàng buồn bã ôm lấy xác ngựa. Nước mắt chàng rỏ xuống thân ngựa, bỗng nhiên con ngựa biến thành cây đàn. Đầu ngựa là đầu đàn, đuôi ngựa là dây đàn. Chàng đưa tay nhẹ vuốt mấy dây, bật lên thành tiếng não nùng. Tiếng chàng thở than hòa với tiếng não nùng ấy thành những lời ca cực kỳ ai oán.

Chàng khóc tiếc quãng đời địa vị của chàng. Chàng khóc cái chết của con ngựa quý. Chàng lại khóc cho mối tình tan vỡ đối với nàng thôn nữ, người yêu tha thiết đã vì quá yêu mà vô tình gây nên họa thảm, biết bao giờ được hàn gắn mối duyên xưa.

"Mã đầu cầm" là một thiên tình sử bi đát của người Mông Cổ. Mà âm thanh của nó chỉ để phô diễn những nỗi sầu buồn tang tóc bất diệt của loài người.

Tiết Phụ Ngâm

Trương Tịch tự Văn Xương, người đất Tô Châu, thi gia thời Trung Đường (766-827), đậu Tiến sĩ dưới triều vua Đức Tông. Năm 799, được Hàn Dũ tiến cử làm Quốc tử bác sĩ, cuối cùng lên đến chức Quốc tử tư nghiệp.

Trong nước lúc bấy giờ lại diễn thành cuộc phiên trấn cát cứ. Mỗi Tiết độ sứ chuyên chế mỗi phương. Trấn nào, Tiết độ sứ tuân mạng triều đình thì cho là thuận đảng. Trái lại, Tiết độ sứ nào đem binh đối kháng lại triều đình thì cho là nghịch đảng. Trương Tịch hiện làm một tân khách trong mạc phủ của một Tiết độ sứ thuộc về thuận đảng. Ông muốn giúp triều đình mong đạt được cuộc thống nhất đất nước.

Bấy giờ có Lý Sư Đạo là một Tiết độ sứ thuộc về nghịch đảng, vốn tay quật cường. Biết Trương là người có tài nên họ Lý ân cần viết thư, đem lễ vật đến đón Trương về giúp mình trong công cuộc xây dựng sự nghiệp.

Trương không dám từ khước ngay. Vì tình thế lúc bấy giờ nguy ngập lắm. Thế lực của Lý thì mạnh, nếu ông không bằng lòng thì chắc chắn hai trấn phải sinh chiến họa to. Do đó, ông phải giả cách cám ơn nhận lễ rồi dần dần tìm cách từ khước. Trong khi hoàn lại lễ vật, Trương Tịch làm một bài thơ kèm theo, nhan đề là "Tiết phụ ngâm":

Em có chồng rồi, chàng đã biết,
Mà chàng còn tặng cặp minh châu.
Cảm lòng yêu mến khăng khăng ấy,
Em giấu đeo trong yếm lụa đào.
Khốn nỗi nhà em kề ngự uyển,
Chồng em cầm kích ở hoàng cung.
Lòng chàng trong sạch như băng tuyết,
Mà đạo tùng phu phải thĩ chung.
Trả ngọc cho chàng em ứa lệ...
Phải chi gặp gỡ lúc chưa chồng.
(Bản dịch của Yã Hạ Nguyễn Vân Trung)

Nguyên văn:

Quân tri thiếp hữu phu,
Tặng thiếp song minh châu
Cảm quân triền miên ý
Hệ tại hồng la nhu.
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,
Lương nhân chấp kích Minh quang lý
Tri quân dụng tâm như nguyệt;
Sự phu thê nghĩ đồng sinh tử.
Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
Hận bất tương phùng vị giá thì.

Mượn thân phận người con gái đã có chồng cần phải "tùng nhất nhi chung", để nói thân phận mình, một khi đã thờ chúa này rồi thì cần phải trọn đạo làm tôi "trung thần bất sự nhị quân". Ai có thương đến thì xin cám ơn vậy.

Lý Sư Đạo tiếp được bài thơ xem qua, càng sinh lòng cảm mến mà không còn theo đuổi và sinh sự gì cả.

Nước ta cũng có bài ca dao:

Ba đồng một miếng trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Tương truyền bài ca dao này do Đào Duy Từ làm ra. Nguyên lúc bấy giờ, nước Việt Nam chia làm hai miền. Miền Bắc thuộc chúa Trịnh; miền Nam thuộc chúa Nguyễn. Hai họ tạo thành cuộc Nam Bắc phân tranh. Đào Duy Từ ở miền Bắc, người có tài nhưng không được chúa biết trọng đến và trọng dụng nên trốn vào Nam, được chúa Nguyễn trọng đãi. Rồng đủ vi cánh lại gặp gió to, tài thao lược của họ Đào vang dậy đến Bắc Hà. Chúa Trịnh Tráng bấy giờ lấy làm hối tiếc, con người lén vào Nam, đem lễ vật quý báu dâng cho Đào, yêu cầu Đào trở lại giúp mình. Đào từ chối bằng mấy câu ca dao, mượn lời của một cô gái có chồng đã khéo léo từ khước người yêu mình để nhắn gởi chúa Trịnh, như nhà thơ Trương Tịch ở Trung Hoa.

Tuy vậy, chúa Trịnh không nản, vẫn tiếp tục theo đuổi, dụ dỗ. Đào Duy Từ lại phải gởi nhắn thêm hai câu thơ lục bát về Bắc, ý chí keo sơn kiên quyết của mình:

           Có lòng xin tạ ơn lòng.
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen.

Bình Nguyên Quân


Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn thuật lại lúc Từ Hải gặp gỡ Thúy Kiều, cả hai nói chuyện nhau, có những câu:
. . .


Chút riêng chọn đá thử vàng,
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình?
Từ rằng: "Lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.
Kiều tha thiết nói:


Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu?
và lời đáp của Từ Hải:


Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.

Lời lẽ và ý tứ hai câu vốn mượn ý và lời ở hai câu liền nhau trong bài "Hàm đan thiếu niên hành" của Cao Tứ đời Đường:

Vị tri can đảm hướng thùy thị,
Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân.

Nghĩa là:

Biết ai gan ruột như mình,
Khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân.

Nguyên đời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.), con của Vũ Linh Vương nước Triệu tên Thắng, làm Tướng quốc và được phong đất Bình Nguyên nên thường gọi là Bình Nguyên Quân.

Cũng như Mạnh Thường Quân (người nước Tề), Tín Lăng Quân (người làm tướng nước Ngụy), Bình Nguyên Quân người rất hiếu khách. Trong nhà bao giờ cũng có thực khách đến hàng ngàn người.
Khi quân nước Tần vây kinh đô nước Triệu là Hàm Đan, vua nước Triệu phải sai Bình Nguyên Quân đến nước Sở cầu cứu bằng cách liên minh. Bình Nguyên Quân định chọn lấy 20 người đủ sức khỏe, mưu mẹo trong số thực khách cùng đi. Nhưng chỉ chọn được 19 người.

Một thực khách trên Mao Toại bước ra, tình nguyện đi cho đủ số. Bình Nguyên Quân hỏi:

- Tiên sinh ở nhà này được bao lâu?

Mao Toại đáp:

- Đã được 3 năm.

Bình Nguyên Quân nói:

- Phàm bực hiền sĩ ở đời chẳng khác gì cái dùi ở trong cái túi, bao giờ mũi nhọn cũng thò ra ngoài. Tiên sinh ở đây đã đến 3 năm mà tôi chưa từng thấy người chung quanh tôi khen ngợi điều gì, thế là tiên sinh không có đặc tài thì xin mời tiên sinh ở lại nhà.

Mao Toại nói:

- Chính ngày nay tôi mới xin làm cái dùi trong cái túi đó. Nếu tôi sớm được như cái dùi trong túi thì chẳng những chỉ thò mũi nhọn ra, mà lại còn nhảy tuột cả ra ngoài nữa.

Nghe lời đáp lạ lùng, Bình Nguyên Quân bằng lòng cho đi. Mười chín thực khách kia nhìn nhau có vẻ xem thường, cười thầm.

Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân cùng vua Sở bàn việc liên minh, giải bày lợi hại, từ sáng sớm mãi đến trưa mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Mười chín thực khách kia bèn bảo Mao Toại rằng:

- Xin mời tiên sinh lên đi.

Mao Toại cầm kiếm, bước lên thềm, nói với Bình Nguyên Quân rằng:

- Việc liên minh lợi hại thế nào, chỉ nói vài lời cũng quyết định được, thế mà bàn bạc từ sáng đến trưa vẫn chưa ra bề nào là cớ làm sao?

Vua nước Sở hỏi ai, thì Bình Nguyên Quân cho biết đó là người nhà. Vua Sở quát:

- Sao không lùi xuống? Ta đương nói chuyện với chủ ngươi, lên đây làm gì?

Mao Toại vẫn cầm kiếm, tiến lên, đĩnh đạc nói:

- Nhà vua sở dĩ quát tháo mắng tôi là vì cậy nước Sở có đất rộng người nhiều. Nhưng từ chỗ nhà vua đến chỗ tôi đứng chỉ trong 10 bước, thì tính mạng của nhà vua là ở trong tay tôi. Cậy thế nào được đất rộng người nhiều kia? Hiện có chủ tôi ngồi đó mà nhà vua quát tháo tôi thì còn lễ độ gì? Vả tôi có nghe rằng: vua Thang chỉ nhờ khoảng đất 70 dặm mà làm vua thiên hạ; vua Văn chỉ nhờ một vùng 100 dặm mà khuất phục được chư hầu, có phải đâu là vì nhiều sĩ tốt? Nay nước Sở nếu biết giữ được thế, trấn được huy thì sẵn đất vuong 5 ngàn dặm, dưới cờ kể có 100 vạn quân, đủ sức để làm bá vương đó. Sức mạnh như thế, đáng lẽ thiên hạ không sao địch nổi, thế mà thằng nhãi Bạch Khởi, tướng của nước Tần, chỉ đem có vài vạn quân đánh nhau với nước Sở, trận đầu đã chiếm được đất Yên Sinh, trận thứ hai lại đốt mất Di Lăng, trận thứ ba phạm đến cả lăng tẩm của tiên vương nước Sở. Đó là mối thù muôn đời, ngay nước Triệu chúng tôi còn hổ thẹn thay, thế mà nhà vua không biết căm giận. Vậy ngày nay, liên minh chính là vì nước Sở chứ không phải vì nước Triệu. Chủ tôi ngồi đó, nhà vua quát tháo tôi là nghĩa làm sao?

Vua Sở gật gù bảo:

- Phải, phải! Công việc nước tôi, đúng như lời tiên sinh nói. Vậy tôi xin đem cả nước để liên minh.
Đoạn tất cả tôi chúa đều uống máu ăn thề.

Mao Toại cười nói với bọn 19 người:

- Đối với sự thành công này, các ông chỉ là theo đuôi, vấy máu ăn phần đó thôi.

Thược hiện được cuộc liên minh, Bình Nguyên Quân trở về nước Triệu, nói:

- Thôi, ta không còn dám xét đoán người nữa. Xưa nay ta đã từng xét thiên hạ, kể số nhiều thì đến hàng ngàn người, mà ít thì cũng hàng trăm, vẫn tự hào rằng chưa hề bỏ sót ai cả. Thế mà đến nay tự biết mình trước kia đã không nhận rõ đặc tài của Mao tiên sinh. Khi sang nước Sở, Mao tiên sinh đã làm cho nước Triệu được vô cùng tôn kính. Mới biết tiên sinh đã khéo dùng ba tấc lưỡi mạnh hơn trăm vạn quân. Thôi, từ đây ta không dám xét người nữa.

Ông liền cất Mao Toại lên hàng Thượng khách.

Tuy dùng người mà Bình Nguyên Quân vẫn tự nhận đã thiếu sót trong việc xét người. Lời nói đó thật tri bỉ tri kỷ vậy. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét