Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Hùng Ca Sử Việt Phần Cuối : Bài Đọc Thêm 2


- Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ( 1230 - 1300 )
- Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng ( 1259 - 1285 )
- Điện Suý Thượng Tướng Quân Phạm Ngũ Lão ( 1255-1320 )
 

Ngoài hai vị vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, trong chiến tranh bảo vệ đất nước Đai Việt, có rất nhiều anh hùng, chúng tôi xin đưa ra những nhân vật tiêu biểu.


Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn

Thân Thế


Trần Thừa (Trần Thái Tổ) có 6 người con. Con trưởng là An Sinh Vương Trần Liễu, con thứ là Trần Cảnh (Trần Thái Tông).
Trần Cảnh không có con nối dõi, nhân thấy người vợ cả của anh (Trần Liễu) là Thuận Thiên đang mang thai, liền nhân đó cướp lấy. Người con đó, về sau không được phong vua, ông chính là Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang.
Lại nói Trần Liễu, vì mất vợ mà lòng sinh thù oán, khởi binh ra sông Cái làm loạn. Bị Trần Thủ Độ bắt được, may nhờ có em Trần Cảnh xin cho mới bảo toàn được tánh mạng. Tuy nhiên từ đó lòng thù càng sâu.
Hiện vẫn chưa rõ Trần Liễu có mấy người con, nhưng nổi bật nhất vẫn là Trần Quốc Tuấn. Ông là con người vợ thứ của Trần Liễu, bà Trần Thị Nguyệt. Như vậy Trần Quốc Khang chính là anh cùng cha khác mẹ của Trần Quốc Tuấn.

Trần Quốc Tuấn sinh hạ vào khoảng từ năm 1230 đến năm 1232, mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tỵ (1300), thọ khoảng 70 tuổi.

Một lòng tận trung báo quốc

Trần Liễu mang mối hận lòng, trước phút lâm chung, trối lại cho người con yêu là Trần Quốc Tuấn:
"Nếu con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì ở nơi suối vàng, cha không sao nhắm mắt được"
Như vậy, con người Quốc Tuấn, vốn sanh ra để báo thù nhà. Tất cả võ công, binh pháp, cho đến kiến thức lỗi lạc, để dùng vào việc "Lấy thiên hạ" về sau.
Ông là người có “dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người”, và nhờ “được những người tài giỏi đến giảng dạy” mà ông sớm trở thành người “đọc thông hiểu rộng, có tài văn võ”
Trần Hưng Đạo trở thành võ quan Nhà Trần lúc nào không rõ, chỉ biết vào tháng Chín Âm lịch năm Đinh Tỵ (1257), ông giữ quyền “tiết chế” để chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh (cho) tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của (Trần) Quốc Tuấn" .
Khi đã nắm chắc binh quyền, Ông hỏi hai gia tướng là Yết Kiêu và Giã Tượng" Nay ta muốn tuân lời cha, thừa cơ đoạt lấy giang san, ý các ngươi thế nào?"
Yết Kiêu thưa: Kế ấy nếu thành thì được phú quý một đời, nhưng để tiếng xấu nghìn năm. Đại vương phú quý chưa đủ hay sao? Chúng tôi thà chết già với kiếp gia nô chứ không mong làm quan nhỏ mà bỏ cả trung hiếu. Trọn đời chỉ xin tôn người bán thịt dê tên là Duyệt làm thầy mà thôi.
Ông nghe lời ấy, hổ thẹn mà khóc. Từ đó lại càng yêu quý hai kẻ gia bộc nhiều hơn.

Lại có một hôm, vờ hỏi con là Hiển:" Xưa nay, ai cũng muốn có thiên hạ, con nghĩ sao?"
Hiển can: "Việc đó đối với người khác họ, còn không nên làm. Huống chi là người trong cùng một họ?" Ông nghe lời cảm động lắm.

Một lần khác, Con của Người là Tảng, bàn với cha: "Như Tống Thái Tổ kia vốn là một lão nông, vậy mà còn có thể thừa cơ dấy lên, lấy được cả thiên hạ, huống chi là..."
Người nghe giận lắm, định giết Tảng, may có tâm phúc can ngăn mới tha, nhưng nói: "Sau này ta chết, phải đợi đến khi đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng"

Như vậy là không phải Trần Quốc Tuấn không day dứt với lời trăn trối của cha, nhưng tấm lòng trung trinh ái quốc đã níu giữ ông lại. Cho rằng, cái tâm của Trần Hưng Đạo sáng mãi đến muôn đời sau liệu có quá đáng không?

Biết sử dụng và tiến cử nhân tài

Trần Hưng Đạo khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tương, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô. Các người nổi tiếng khác như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực vốn là môn khách của ông, đều nổi tiếng thời đó về văn chương và chính sự. Vì có công lao lớn nên nhà vua gia phong ông là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong trước rồi tâu sau. Nhưng Trần Hưng Đạo chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi quân Nguyên vào xâm chiếm nước Việt, ông lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang thực, ông rất kính cẩn giữ tiết làm tôi...




Chiến Công


Ông vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết Chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi đất nước.

Sau khi kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 3 thành công. Đất nước thanh bình. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lui về sống ở Vạn Kiếp. Ông đã dựa vào địa thế vùng Vạn Kiếp mà Kiếp Bạc là trung tâm để lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược giữ mặt Đông Bắc của Tổ Quốc. Ông còn cho trồng các loại cây thuốc để chữa bệnh cho binh sĩ và nhân dân trong vùng.

Mùa thu tháng 8, ngày 20 năm Canh Tý, Hưng Long thứ 8, tức ngày 5/9/1300 Ông mất. Theo lời dặn, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ. Sau khi ông mất triều đình phong tặng là Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công Tiết Chế Nhân Võ Hưng Đaọ Vương.

Nhân dân vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc nên lập đền thờ Ông trên nền Vương Phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Dân ta kính trọng vinh danh Ông là Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương lập đền thờ Đức Thánh Trần ở nhiều nơi.

Lấy Dân Làm Gốc

Tháng 6 năm 1300, Hưng Đạo Vương ốm. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng:
- "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?".
Hưng Đạo Vương trả lời:
- "Ngày xưa Triệu Vũ Đế (Tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".( Đáp Quốc Vương Tặc Thế Chi Vân)

Tác Phẩm

- Hịch Tướng Sĩ.
- Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược (Hoặc gọi là Binh Thư Yếu Lược).
- Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư.(Đã bị thất lạc)

Vịnh Trần Hưng Đạo

Cái thế anh hùng Hưng Đạo Vương
Tài kiêm văn võ bậc phi thường
Bạch Đằng sông nước vùi thây giặc
Kiếp Bạc quân doanh trấn bắc phương
Ái quốc trọn đời gương dũng tướng

Trung quân một dạ đấng hiền lương
Ngàn năm nối tiếp ngàn năm nữa
Tộc Việt đời đời mãi kính thương.

                                 Quên Đi


x X x

Trần Bình Trọng
 
"Thà làm Quỉ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc"


Trần Bình Trọng gốc người họ Lê, dòng dõi của Lê Hoàn, nguyên quán là làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, nay thuộc tỉnh Hà Nam nhưng sinh trưởng tại kinh thành Thăng Long. Ông và cha đều làm quan cho nhà Trần, do có nhiều công lao nên được lấy theo họ Trần. Bản thân Trần Bình Trọng vì là con nhà gia thế lại rất giỏi võ nghệ nên được phong làm tướng và được kết hôn với Công Chúa Thụy Bảo (con gái của Hoàng Đế Trần Thánh Tông), tước Bảo Nghĩa Hầu, khi mất được truy phong là Bảo Nghĩa Vương.

Trần Bình Trọng sinh năm kỷ mùi (1259), quê ở xã Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, nguyên là dòng giỏi Lê Đại Hành, nhưng vì ông nội có công dưới triều vua Trần Thái Tông, nên được phong quốc tích, mang họ vua. Bình Trọng mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, từ nhỏ đã theo võ nghiệp, sức mạnh siêu quần, không ai địch nổi. Năm mười bốn tuổi theo cha đi săn, từng đánh chết hổ ở núi Tản Viên. Ngài lại giỏi cả binh thư, lầu thông kinh sử, ngày sau có cơ trở thành cây cột chống trời. Gia đình mấy đời làm đại tướng.

Năm 1285, quân Mông Nguyên tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Bình Trọng đã dũng cảm ra trận. Tháng 2-1285, ông được giao trách nhiệm chỉ huy trận đánh chặn ở Đà Mạc (nay là vùng giáp giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương) nhằm cản bước tiến ồ ạt của quân Mông Nguyên, tạo điều kiện cho nhà Trần thực hiện thành công chủ trương tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội thuận lợi mới tổ chức phản công.




Khi Trần Bình Trọng bị bắt, Lý Hằng sai giải lại cho Thoát Hoan. Hoan thấy Bình Trọng người cao lớn, dáng đi hùng dũng, nét mặt đường hoàng, không có chút gì là sợ sệt thì biết không phải là tướng thường, nên muốn khuyên dỗ về hàng. Liền tiếp đãi rất tử tế, mời ăn uống hẳn hoi. Nhưng Bình Trọng không ăn. Hỏi đến việc nước, Bình Trọng cũng không nói. Sau Hoan lại hỏi:
- Tướng quân có muốn làm vương đất Bắc không?
Bình Trọng trả lời:
- Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Nay ta đã bị bắt
thì chỉ có chết là cùng, can gì phải hỏi lôi thôi.
Thoát Hoan không thuyết phục nổi Trần Bình Trọng hàng, nhưng vì có ý mến phục, cũng không lỡ giết, cho giải theo quân. Được mấy hôm lại sợ Bình Trọng trốn mất, mới sai mang ra chém. Rồi ra lệnh cho mai táng chôn cất tử tế theo tục lệ Trung Hoa , dùng lễ nghi dành cho thượng tướng quân. Nhưng đến lúc y điên loạn thì lại sai quật mả lên. Trần Bình Trọng bấy giờ mới có 26 tuổi. Để lại một câu nói nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm cũng như lịch sử Việt Nam nói chung, trở thành một trong những biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc Việt :

“ Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi" (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

x X x


Phạm Ngũ Lão

Thuở còn cấp sách đến trường, khi học về lịch sử, chúng ta không thể quên tựa đề một bài học:


"Ngồi Đan Sọt Mà Lo Việc Nước, Phạm Ngũ Lão"



Phạm Ngũ Lão ( 范五老; 1255-1320) là tướng Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam . Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào ,Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên . Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời Nhà Đinh .
Đến đời Phạm Ngũ Lão gia cảnh sa sút cha mất sớm, mẹ già yếu, Phạm Ngũ Lão phải kiếm sống bằng nghề đan sọt. Nhưng ông phụng dưỡng mẹ chu đáo, hiếu thảo. Ông nổi tiếng thông minh, ham đọc sách và chịu luyện rèn nên đã tinh thông võ nghệ.

Chuyện kể rằng, một hôm đoàn quân của Đức ông Trần Hưng Đạo kéo ngang qua, dân chúng hết thảy đều dẹp sang 2 bên, nhường đường, riêng Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi xếp bằng tròn, điềm nhiên đan sọt bên vệ đường còn mãi suy nghĩ "việc nước" vô ý không đứng dậy, mặc cho quân lính quát, thét thế nào cũng không nghe, đâm giáo vào đùi đến máu chảy đầm đìa cũng không biết. Thấy sự lạ, Hưng Đạo Vương xuống voi, cúi nhìn chàng thanh niên đang đan sọt mà như vô hồn, vô cảm. Ông hỏi:
- Nhà ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm như thế không biết đau sao mà vẫn ngồi như vậy? Bấy giờ, Phạm mới giật mình, sực tỉnh, kính cẩn nhìn người hỏi, vội thưa:
- Bẩm Đức Ông, tôi họ Phạm... tôi mãi nghĩ mấy câu trong binh thư, không biết có quân của Đức Ông trẩy qua, làm trở ngại việc quân, xin Đức Ông xá tội cho.
- Hẳn tráng sĩ biết quân Mông Nguyên đã chinh phục hàng chục nước ở Đông - Tây, nhà Tống cũng bị đẩy xuống phía Nam... nay chúng đang gấp rút xâm lược nước ta một lần nữa.
- Bẩm Đức Ông, kẻ thứ dân này, tuy ở nơi thôn dã, song cũng biết được giặc Mông Nguyên đã động binh, rắp tâm xâm lược nước ta.
- Tráng sĩ đã tỏ ra là người thao lược, ta rất quý trọng. Ta muốn đưa về trang Ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ, mong tráng sĩ vui lòng (Bách khoa trí thức phổ thông, trang 233).
... Hưng Đạo Vương rất hài lòng về chí khí, hoài bão, sự hiểu biết của chàng nông dân khôi ngô, tuấn tú, có dáng người chắc khỏe, mới chừng ngoài 20 tuổi này. Nhờ có đức độ hơn người lại có tài võ nghệ, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo vừa trọng dụng vừa thương như con. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên, đồng thời đem tiến cử cho vua Trần coi quân cấm vệ, bảo vệ vua và Cấm thành. Vua Trần phong ông đến chức Điện suý thượng tướng quân, cho lập phủ đệ ngay trong vương cau của triều đình tại kinh thành.

“Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, sống phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ bị nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hể đánh là thắng". (Đại Việt sử ký toàn thư)

Thuật hoài 

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu(*).
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu(**).
                                   Phạm Ngũ Lão

Dịch nghĩa : Tỏ lòng

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

 Dịch Thơ : Tỏ Lòng


 Bao năm múa giáo giữ quê nhà
Hùng phủ sao Ngưu chiến sĩ ta 

Nam tử nợ danh chưa trả đủ 
Thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu Gia
 

2
Vung giáo bao thu giữ nước nhà 

Khí trùm Ngưu Đẩu thế quân ta
Nam nhi nợ nước còn chưa đáp 

Ắt thẹn khi bàn tích Vũ Gia 
                              Quên Đi

Đây quả là bài thơ có hàm ý sâu sắc, thể hiện cái uy dũng của một đấng Nam Nhi


Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất".

(*) Hán Ngữ có thành ngữ Khí thôn Ngưu Đẩu 氣吞牛斗 - hùng khí có thể át cả sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu
(**) Vũ Hầu Gia Cát Lượng tức Khổng Minh quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc.
                                            Hết

Hùng Ca Sử Việt đến đây là chấm dứt. Chân thành cảm ơn Quý Vị đã theo dõi.
   
Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm và Biên Soạn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét