Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần 7

Liễu Chương Đài

Liễu Chương Đài trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn ta nỗi lòng nhớ thương quê hương và tình nhân của nàng Kiều lúc ở lầu xanh, có câu:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!

"Chương Đài" là tên một con đường ở thành Trường An bên Tàu. "Hỏi Liễu Chương Đài" là hỏi thăm cây liễu ở đường Chương Đài. Đây có nghĩa là hỏi thăm người tình nhân cũ (tức là nàng Kiều).
Sở dĩ có nghĩa ấy do điển tích ở tình sử:

Đời nhà Đường, Hàn Hoành tuổi trẻ nổi tiếng là một người tài danh. Nhà nghèo kiết, lấy một nàng kỹ nữ họ Liễu ở Chương Đài.

Mấy năm sau, quan Tiết độ sứ ở châu Thanh là Hầu Hy Dật mến tài, tâu vua xin Hàn Hoành làm người giúp việc. Bấy giờ, đương lúc nhiễu loạn, Hàn không dám đem Liễu đi theo, để nàng ở lại kinh đô, định chờ dịp tiện sẽ về đón. Nhưng trải qua ba năm trời, Hàn vẫn không về đón được. Nhân lấy vàng đựng vào một cái túi gởi về cho Liễu, kèm theo một bài thơ:


         Liễu ơi, hỡi Liễu Chương Đài,
   Ngày xưa xanh biếc, hỏi nay có còn?
         Ví tơ buông vẫn xanh rờn,
Hay vào tay khác, khó còn nguyên xưa!

 

Nguyên văn:
 
Chương Đài Liễu! Chương Đài Liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thùy,
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.

Liễu được thơ cũng đáp lại:

Xanh non cành liễu đương tươi,
Năm năm luống để tặng người biệt ly.
Thu sang quyện lá vàng đi,
Chàng về biết có còn gì bẻ vin!

(Bản dịch của Trúc Khê)

 

Nguyên văn:
 
Dương liễu chi, phương chi tiết,
Khả hận niên niên tặng ly biệt.
Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
Túng sử quân lai khởi kham chiết!

 

Lời thơ trao đổi thành một điềm gở báo trước.
Một thời gian, Hàn được trở về triều, tìm Liễu không thấy đâu cả. Dò hỏi tin tức, thì ra Liễu đã bị viên tướng Phiên rất có công trạng với triều đình tên Sa Tra Lợi thấy nàng có sắc đẹp nên cướp mất. Nàng bấy giờ được luyến ái hơn hết cả mọi phòng. Hàn buồn bã vô cùng, nỗi nhớ thương không sao khuây được.

May có một tráng sĩ trẻ tuổi tên Hứa Tuấn thương xót tình cảnh của Hàn, tìm mẹo cứu được Liễu. Bấy giờ vợ chồng được xum họp đầm ấm như xưa.


Tuyệt Diệu Hảo Từ

Thái Diễm cũng gọi là Thái Văn Cơ, một nữ sĩ tài hoa đời Tam Quốc (220-264). Cha nàng là Thái Ung, có tài thẩm âm vào bực nhứt cổ kim. Tương truyền, thấy một người chụm củi, ông bảo: "Tôi nghe tiếng củi đó nổ, biết là củi tốt, sao đem chụm cho uổng". Ông xin khúc củi về, làm một cây đàn, tiếng rất trong.
Nàng Thái Diễm lên 8 đã giỏi đàn. Có chồng là Vệ Đạo Giới nhưng lại góa chồng sớm, không con. Đương lúc Đổng Trác nổi loạn, nàng bị rợ phương bắc bắt về đất Phiên, phải sống tủi nhục ở với Hung Nô. Nàng nhớ quê hương, mới làm ra 18 khúc kèn rợ Hồ. Những bản nhạc này truyền vào Trung Nguyên. Tào Tháo là chúa nước Ngụy, trước vốn là bạn thân của cha nàng, nay lại thưởng thức bản nhạc, động lòng thương xót, mới sai người đem ngàn lượng vàng lên phương bắc chuộc nàng về.
Vua đất Hồ là Tả Hiền vương vốn sợ uy thế của Tào Tháo phải cho người đưa nàng về Hán. Tháo lại đứng làm chủ gả nàng cho Đổng Kỷ.

Khi về nước, nàng Thái Diễm có làm bài "Bi phẫn thi" dài 540 chữ, tả nỗi long đong của nàng, lời cực kỳ thống thiết, mỗi chữ như một giọt lệ.

Dục tử bất năng đắc,
Dục sinh vô nhứt khả.
Bỉ sương giả ha cô?
Nãi lao thử ách họa!
Nghĩa:
Muốn chết mà không được,
Muốn sống thêm vất vả.
Hỡi trời xanh tội gì?
Bắt ta gặp tai họa!
Hồ phong xuân hạ khởi,
Phiên phiên suy ngã y,
Túc túc nhập ngã nhĩ.
Cảm thời niệm phụ mẫu,
Ai thán vô cùng dĩ!
Nghĩa:
Xuân hạ, gió Hồ nổi,
Phất phất tà áo ta.
Ào ào bên tai thổi,
Cảm xúc sinh nhớ nhà,
Cùng khổ thay nông nỗi.
(Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê)


Một hôm, Tào Tháo đem quân đánh Lưu Bị, tiện đường ghé thăm. Đổng Kỷ làm quan xa chỉ có nàng ở nhà. Nghe tin Tháo đến, nàng vội ra rước vào. Tháo ngồi trên sập, nàng thi lễ xong chắp tay đứng hầu bên. Tháo nhìn lên vách, chợt thấy một tấm bìa treo, có ghi bài văn bia, bèn đứng dậy bước đến xem và hỏi nguồn gốc. Thái Diễm thưa:

- Đây là bài văn bia đề một nàng Tào Nga. Xưa đời Hòa Đế, ở vùng Thượng Ngu có một người đồng bóng tên Tào Vu, hay lên đồng nhảy múa. Một hôm vào ngày mồng 5 tháng 5, Vu say rượu, đứng múa may trên thuyền, sẩy chân té xuống sông chết. Cô con gái của Vu vừa lên 14 tuổi, quá thương cha, cứ đi dọc bờ sông kêu khóc suốt 7 ngày đêm, rồi nhảy xuống nước mất tích. Qua 5 ngày sau, bỗng thấy nàng đội xác cha nổi lên mặt sông. Người trong làng vớt xác cả hai chôn cất. Quan huyện Thượng Ngu là Đỗ Thượng tâu việc ấy về triều. Triều đình khen nàng Tào Nga là gái hiếu, truyền cho lập bia. Đỗ Thượng lại sai Hàn Đan Thuần làm bài văn khắc vào bia để ghi lại việc ấy. Hàn Đan Thuần bấy giờ mới 13 tuổi, cầm bút viết ngay một hơi thành bài văn, chẳng phải sửa chữa một chữ. Đỗ Thượng chịu là hay, cho khắc vào bia dựng bên mộ nàng Tào Nga. Thời bấy giờ, ai đọc cũng lấy làm lạ. Tiếng văn hay đồn dậy xa gần... Phụ thân thiếp nghe tiếng cũng tìm đến xem, gặp lúc trời tối, không nhìn thấy chữ, phải sờ vào bia, lần từ nét mà đọc. Đọc xong, người lấy bút viết 8 chữ lớn vào sau lưng bia. Về sau, có người khắc cả 8 chữ vào đấy.

Tào Tháo thấy 8 chữ ấy cũng ghi trên bức bia, bên cạnh bài văn như sau: "Hoàng quyến, ấu phụ, ngoại tôn, tê cửu".

Tháo hỏi Diễm:

- Nhà ngươi có hiểu ý nghĩa 8 chữ này không?

Nàng thưa:

- Tuy là di bút của cha, nhưng thú thật thiếp cũng hiểu ý nghĩa ra sao.

Tháo quay lại hỏi các mưu sĩ, mọi người đều chịu không biết. Bấy giờ có quan Chủ bạ là Dương Tu lên tiếng:

- Tôi hiểu ra rồi.

Tu giải:

- Tám chữ đó là ẩn ngữ của Thái Ung. "Hoàng quyến" là lụa màu vàng, tức là màu sắc của tơ (ti sắc), chữ "ti" với chữ "sắc" hợp lại thành chữ "tuyệt". "Ấu phụ" nghĩa là con gái còn nhỏ, tức là "thiếu nữ". Chữ "thiếu" đứng bên chữ "nữ" hợp thành chữ "diệu". "Ngoại tôn" là cháu ngoại. Cháu ngoại tức là đứa con của con gái mình (nữ nhi tử). Chữ "nữ" chắp với chữ "tử" thành chữ "hảo". "Tê cửu" là cái cối giã hành tỏi. Cái cối là vật chịu cay (thụ tân). Chữ "thụ" đặt bên chữ "tân" thành chữ "từ". Tóm lại, đó là ẩn chữ "Tuyệt diệu hảo từ", tức Thái Ung đã hết lời khen tặng văn chương của Hàn Đan Thuần vậy.
Mọi người đều khen Dương Tu tài thức mẫn tiệp.

Nam Tào Bắc Đẩu

Quản Lộ tự Công Minh, vốn người ở đất Bình Nguyên đời Tam Quốc (220-264) diện mạo xấu xí, thích uống rượu. Từ bé, Lộ ham xem thiên văn, thường đêm nằm nhìn trăng sao, thao thức không chớp mắt, cha mẹ ngăn cấm không được.
Vừa lớn lên, Quản Lộ đã làu thông kinh Dịch, hiểu hết nghĩa uyên thâm, biết đoán chiều gió, tinh thông khoa lý số và giỏi cả xem tướng.

Một hôm, Lộ ra cánh đồng dạo chơi, thấy một gã thanh niên đương cày ruộng. Lộ đứng lại bên đường, đứng ngắm một lúc, đoạn gọi lại hỏi:

- Này anh kia, dám hỏi quý danh là gì? Niên canh bao nhiêu?

- Tôi họ Triệu tên Nhan, 19 tuổi. Dám hỏi tiên sinh là ai?

Lộ đáp:

- Ta là Quản Lộ đây. Ta thấy trên quầng mắt anh có tử khí. Chỉ còn ba ngày nữa là anh chết. Tiếc thay, gương mặt anh xinh đẹp thế mà không thọ.

Triệu Nhan nghe nói lo sợ, về ngay báo cho cha biết. Người cha lập tức chạy theo tìm gặp Quản Lộ, rồi phủ phục xuống đất, kêu khóc:

- Xin tiên sinh rủ lòng thương, trở lại cứu mạng con tôi.

Lộ nói:

- Đó là số trời, cầu đảo sao được!

Ông lão năn nỉ, van lơn:

- Già này chỉ có một đứa con, xin ngài cứu cho, kẻo khổ một đời...

Nói xong, cả hai cha con dập đầu lạy, khóc bù lu bù loa, trông rất bi thiết.

Lộ thấy cha con lão thiệt tình, lòng không nỡ bỏ, mới bảo Triệu Nhan:

- Anh hãy về tìm một vò rượu ngon rất tinh khiết với một ít thịt nai thật thơm, ngày mai đem vào núi Nam Sơn, tìm gốc cây cổ thụ, sẽ thấy ở trên phiến đá có hai dị nhân ngồi đánh cờ. Một ông ngồi quay về Nam mặc áo trắng, dung mạo dữ tợn, một ông quay về hướng Bắc mặc áo hồng, dung mạo rất đẹp. Bấy giờ thừa lúc hai vị cao hứng mải mê đánh cờ, anh cứ bày rượu thịt ra mâm dâng lên. Đợi cho ăn uống xong, sẽ lạy khóc mà xin tuổi thọ. Như thế may được sửa sổ lại. Nhưng nhớ kỹ một điều: chớ nói là ta xúi anh nhé.

Ông lão mời Quản Lộ ở lại nhà mình chờ xem.

Hôm sau, Triệu Nhan cắp nắp rượu ngon, nem thơm, dĩa chén vào núi Nam Sơn. Đi độ năm sáu dặm, quả thấy hai dị nhân đang ngồi đánh cờ trên phiến đáa, dưới bóng rườm rà của cây tùng.
Triệu Nhan đội mâm rượu đến gần. Hai ông vẫn chăm vào bàn cờ, như không có người đứng bên cạnh. Nhan quỳ xuống dâng mâm lên, đặt trên thạch bàn.
Hai ông mải mê đánh cờ, bất giác đưa tay nâng chén... rồi dần dần vừa đánh vừa ăn uống hết cả rượu thịt một cách ngon lành.

Lúc bấy giờ, Nhan mới khóc òa lên và lạy lục xin cầu thọ. Hai ông giựt nẩy mình nhìn lại. Đoạn ông mặc áo đỏ bảo ông mặc áo trắng:

- Hẳn là gã họ Quản xúi nó đến đây, nhưng hai ta đã dùng của nó thì phải thương nó.

Ông áo trắng liền rút quyển sổ trong mình ra, tìm xét, rồi bảo Nhan:

- Năm nay mày 19 tuổi, đáng lý phải chết, giờ đây ta thêm cho một chữ "cửu" lên trên hai chữ "thập cửu" thì mày sẽ sống đến 99 tuổi. Nhưng phải về báo gã Quản Lộ rằng: từ nay phải chừa đi, chớ có tiết lộ thiên cơ nữa. Nếu không trời sẽ khiển phạt, nghe chưa?

Ông áo đỏ cũng mở sổ, thêm vào một nét bút. Rồi một cơn gió thơm ngào ngạt bay qua, hai vị tiên biến thành hai con hạc trắng, bay lên trời mất hút.

Triệu Nhan mừng rỡ, về nhà hỏi Quản Lộ về hai vị tiên ông ấy.

Quản Lộ nói:

- Ông mặc áo hồng chính là ngôi Nam Đẩu hay gọi là Nam Tào. Ông áo trắng là ngôi Bắc Đẩu đấy.
Nhan lại hỏi:

- Tôi nghe nói Bắc Đẩu có những 9 vị, sao chỉ thấy có một ông?

Lộ giải thích:
- Phân tán thì thành 9, kết hợp lại thành một. Bắc Đẩu ghi sổ tử, Nam Tào ghi sổ sinh. Nay đã được sửa số tuổi rồi anh còn lo gì nữa!
Cha con họ Triệu mừng rỡ lạy tạ.
Từ đó, Quản Lộ sợ tội tiết lậu thiên cơ không dám khinh xuất nói hở việc huyền bí cho ai biết nữa.

Bách Bộ Xuyên Dương

"Bách bộ xuyên dương" là đứng xa trăm bước bắn trúng lá dương.
Đời Xuân Thu (551-479 trước D.L.), tướng Dưỡng Do Cơ và Phan Đảng đều là người nước Sở, có tài thiện xạ. Một hôm, cả hai thử tài nhau chơi.

Phan Đảng bắn luôn ba phát đều trúng đích bia.

Dưỡng Do Cơ nói:

- Nhà người bắn trúng đích bia, chưa lấy gì làm lạ. Ta trăm bước bắn trúng lá dương.

Mọi người đứng quanh lấy làm lạ, hỏi. Dưỡng nói:

- Đánh dấu vào một lá dương, ta đứng xa trăm bước, bắn một phát trúng giữa lá ấy nên mới gọi là "bách bộ xuyên dương".

Để thưởng thức tài họ Dưỡng, mọi người kéo nhau đến cây dương. Một người lấy mực đánh dấu vào một chiếc lá. Dưỡng Do Cơ đứng xa trăm bước, giương cung lắp tên, bắn ra một phát. Không thấy tên rơi xuống đất, mọi người đổ đến cây xem. Thì ra cây tên ấy vướng trên cành cây dương, còn cái mũi xuyên qua chiếc lá đã bôi mực.

Phan Đảng nói:

- May được trúng đấy thôi. Bây giờ, ta theo thứ tự mà đánh dấu vào ba chiếc lá, nhà ngươi lại theo thứ tự mà bắn trúng được cả ba thì mới là tay kiệt liệt.

Phan Đảng liền đánh dấu ba chiếc lá. Mỗi chiếc mỗi chỗ: chiếc đề chữ "nhứt", chiếc đề chữ "nhị", chiếc đề chữ "tam". Dưỡng Do Cơ nhìn qua một lượt, đoạn lui ra ngoài trăm bước, lại theo thứ tự của mỗi chiếc lá: một, hai, ba mà bắn luôn ba phát, đều trúng cả.

Mọi người chấp tay xá, nói:

- Quả thật là thần nhân.

Phan Đảng lòng khen thầm, nhưng cũng muốn khoe tài mình, bảo:

- Bắn như thế cũng là giỏi, nhưng nghề bắn cần có sức khỏe mới được. Ta có thể bắn suốt qua được mấy lần áo giáp.

Đoạn bảo quân sĩ xếp áo giáp bảy lần liền nhau, dày gần một thước. Mọi người cho là khó bắn qua được. Phan Đảng lại sai đem bảy lần áo giáp ấy treo lên đích bia, đoạn đứng xa trăm bước, cố sức thẳng cánh giương cung bắn một phát. Chỉ nghe tiếng tên bay vút đi mà không thấy tên rơi xuống đất, mọi người đổ lại xem, reo ầm lên:

- Thật tài! Thật tài!

Nguyên Phan Đảng bắn mạnh quá, tên ấy xuyên thấu bảy lần áo giáp như đinh đóng cột. Phan có vẻ tự đắc, truyền cho quân sĩ đem mấy lần áo giáp ấy xuống, và vẫn để mũi tên găm như vậy, định đưa cho tất cả trại lính cùng xem. Nhưng Dưỡng Do Cơ bảo:

- Khoan đã, đừng hạ xuống vội. Để ta thử bắn một phát nữa xem sao.

Mọi người vui vẻ đồng ý.

Nhưng Dưỡng Do Cơ giương cung toan bắn lại thôi. Chúng nhân lấy làm lạ hỏi, Dưỡng nói:

- Nếu cứ theo lối cũ mà bắn như vậy thì không lấy gì hay lạ. Ta sẽ có một cách bắn khác hơn.
Nói xong liền bắn ngay một phát.

Mũi tên đi không cao, không thấp, không lệch về tả hữu mà lại cắm thẳng ngay cái đốc tên của Phan Đảng và đẩy mũi tên này sang qua bên kia. Còn mũi tên của Dưỡng Do Cơ thì thay vào cắm chỗ thủng ấy.

Mọi người xem thấy đều lắc đầu le lưỡi và hoan hô nhiệt liệt.

Bấy giờ Phan Đảng mới chịu phục.

Trong sử lại có chép: Vua Sở đi săn ở Kinh Sơn, gặp một con vượn có tài bắt tên giỏi lắm. Vua Sở truyền quân vây mấy vòng rồi giương cung bắn. Nhưng phát nào, vượn cũng bắt được cả. Vua Sở truyền gọi Dưỡng Do Cơ đến. Con vượn nghe tiếng "Dưỡng Do Cơ" liền kêu gào ầm lên, ra vẻ sợ hãi.

Dưỡng Do Cơ đến, bắn trúng ngay giữa bụng con vượn. Xem thế, Dưỡng là người bắn giỏi nhất đời Xuân Thu.

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu, đoạn Võ Thể Loan tiễn Lục Vân Tiên đi thi, có lời khuyên:

    Chàng dầu cung Quế, xuyên dương,
Thiếp xin vẹn chữ tao khương đạo hằng.

"Xuyên dương" do điển tích trên và có ý nghĩa mưu việc đều thành tựu.

Chấp Cánh Liền Cành

"Chắp cánh, liền cành" tức là "Chim chắp cánh, cây liền cành".
Sách Nhĩ Nhã chép: Chim Kiêm giống chim le le, lông màu xanh, chỉ có một cánh và một mắt, thường ở phương Nam. Mỗi khi muốn bay thì hai con phải chắp cánh với nhau mới bay được.

Chim này gọi là tỷ dực điểu, cũng gọi là Kiêm Kiêm.

Cây liền cành là cành của hai cây giao nhau.

Nguyên đời Chiến Quốc (479-221 trước D.L.) vua nước Tống tên Yển vốn người hiếu sắc, dâm bạo. Một hôm đến chơi ở gò Phong Phụ, bắt gặp một phụ nữ hái dâu rất đẹp. Vua dọ hỏi biết là vợ của nho sĩ Hàn Phùng, người họ Tức. Vua liền cho đòi Hàn, bảo đem vợ lại hiến mình. Hàn sợ uy quyền, về thuật cho vợ nghe và khóc hỏi có bằng lòng không? Tức Thị làm thơ để tỏ ý mình:


Núi nam có con chim
Núi bắc giăng lưới bắt.
Chim mặc sức bay cao,
Lưới kia đành quăng vất.

Vua Tống say mê sắc đẹp của nàng, theo đuổi không thôi. Liền sai người đến tận nhà Hàn, cướp lấy người ngọc. Hàn thấy vợ bị bắt đưa lên xe đi, lòng như dao cắt, biết không phương giải cứu, kiếp này khó họp, đau đớn quá mà tự tử.

Vua Tống đem Tức Thị lên đài Thanh Lăng, cưỡng bách, bảo nàng:

- Ta đây là vua một nước, có đủ uy quyền sinh sát trong tay. Muốn phúc, ta cho phúc. Muốn họa, ta cho họa. Phương chi chồng nàng đã chết, nàng còn ở với ai. Nếu bằng thờ quả nhân, cùng tay bắt mặt kề thì sẽ được phong hoàng hậu.

Tức Thị nổi giận làm thơ tỏ ý mình:

Chim có trống mái,
Chẳng theo phượng hoàng.
Thiếp là thứ dân,
Chẳng thích Tống Vương.

Vua Tống tức quá, bảo:

- Nàng đến đây rồi, dẫu không muốn thờ ta cũng không thể được.

Tức Thị thấy thế cùng, nói:

- Để thiếp tắm gội, thay áo, lạy linh hồn chồng cũ rồi sẽ xin hầu đại vương.

Vua Tống bằng lòng cho.

Tức Thị tắm gội, thay áo xong, ngửa trông lên không, chắp tay vái hai vái rồi từ trên lầu đâm đầu xuống. Vua Tống hoảng hốt, vội níu lại nhưng không kịp, trông nàng đã tắt thở rồi. Khám xem trong mình nàng có một bức thư. Đại ý nói: sau khi chết xin cho đem thi thể cùng chôn một mộ với chồng, dưới suối vàng sẽ đội ân sâu.

Vua Tống cả giận, cho người chôn riêng một nơi, làm hai mộ cách xa nhau. Được ba hôm, bỗng một đêm có giống cây Văn Tử mọc ở cạnh hai ngôi mộ. Chỉ trong tuần nhật, cây ấy dài hơn ba thước, những cành quấn quít lấy nhau như một. Thỉnh thoảng có một đôi chim uyên ương đậu ở trên cành, giao đầu kêu nhau một giọng bi thương. Người trong xóm thương xót, cho đó là oan hồn của vợ chồng Hàn Phùng hóa sinh; và gọi thứ cây ấy là "Cây tương tư".

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du có câu:

   Trong khi chắp cánh liền cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

"Chắp cánh liền cành" ý nói: vợ chồng gắn bó.

Trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn, có câu:

An đắc tại thiên vị tỷ dực điểu,
Tại địa vị liên lý chi.

Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm:

          Thiếp xin về kiếp sau này,
Như chim liền cánh, như cây liền cành.

Trong "Trường hận ca" của Bạch Cư Dị đời nhà Đường bên Tàu, đoạn thuật lời thề giữa đêm thất tịch của Đường Minh Hoàng cùng Dương Quí Phi tại điện Trường Sinh, có câu:

Tại thiên nguyệt tác tỷ dực điểu,
Tại địa nguyện vi liên lý chi.

Nghĩa là:

Trên trời nguyện hóa chim liền cánh,
Dưới đất làm cây nhánh dính liền

để nói ý: vợ chồng gắn bó chung thủy đời đời, không bao giờ xa rời nhau.

Gậy Rút Đất

Ở núi Xuân Đài, xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) có động Hồ công. Phía trước động ngoảnh về sông Mã.

Trong động có hai tượng đá. Tục truyền khi xưa, có một ông già và một thằng bé đi bán thuốc ngồi nghỉ ở đó, rồi tự nhiên biến mất. Người ta cho là hậu thân của ông Hồ Công và Phí Trường Phòng. Bởi vậy tạc tượng để thờ.

Câu chuyện Việt Nam lại liên quan chuyện của Tàu. Vì truyện Hồ Công và Phí Trường Phòng là truyện Tàu. Cả hai người đều là người Tàu.

"Liệt tiên truyện" chép:

Khoảng đời Tây Hán (206 trước D.L.-8 sau D.L.) có ông Hồ Công hằng ngày bán thuốc ở chợ Trường An. Ông thường đeo một cái bầu bên hông. Tối đến thì chun vào bầu ấy mà ngủ.

Phí Trường Phòng là người hằng ngày dâng bánh cho Hồ Công ăn, thấy thế làm lạ kỳ. Một hôm, yêu cầu Hồ Công cho mình vào bầu thử một lần xem sao. Hồ Công bằng lòng, đưa Phí vào bầu.

Trong bầu có những lầu đài tráng lệ, có những kẻ hầu hạ rất lịch sự trông như cảnh thần tiên. Phí Trường Phòng cực kỳ kinh ngạc nói:

- Không ngờ đây lại chiếm riêng một cõi càn khôn.

Hồ công nói:

- Ta vốn là tiên bị trích xuống trần nên tạm ngụ ở đây.

Trường Phòng yêu cầu, xin theo Hồ công học đạo tiên. Hồ công bèn dẫn vào núi dạy phép tu luyện. Khi từ biệt, Hồ công trao cho Trường Phòng một cây gậy tre rút đất, có phép thâu ngắn đường đi.

Từ đấy, Trường Phòng xách gậy, rày đây mai đó, công danh phú quý gác bỏ ngoài tai. Hàng ngày, Phí thường la cà nơi quán rượu; nhân đó quen biết một anh lính thú. Anh này rất kính trọng Phí, và thường trút túi đãi rượu thẳng tay.

Một hôm trên đường về chỗ trọ, Phí thấy anh lính vẻ mặt buồn bã, thỉnh thoảng lại thở dài thườn thượt, mới hỏi cớ sự. Anh lính thú thực là ba năm rồi, chẳng được phép về quê thăm vợ con. Anh nhớ lắm. Phí vui vẻ nói:

- Tưởng là việc gì khó, chớ muốn thăm vợ con thì ta giúp cho. Đêm nay về chung vui vợ con, sáng đến có mặt cho khỏi bị quan quở.

Cho là lời bỡn cợt vô duyên, anh lính tức bực bảo:

- Trông ông có vẻ tiên phong đạo cốt, tôi kính trọng ông, không ngờ ông lại tàn nhẫn chế giễu, cười cợt trước sự đau khổ của tôi. Từ đây về quê tôi, đường trải hàng vạn dặm lại gay go hiểm trở, phải đi trót tháng mới về đến nơi. Thế mà ông bảo đêm nay về, sáng đến!

Phí Trường Phòng không hờn giận, vẫn vui vẻ, cười bảo:

- Ta nói thật đấy. Ta có phép tiên. Từ trước đến nay, ta vốn thọ ơn hậu đãi, nay ta làm phép mọn để gọi là trả ơn chút ít đó.

Đoạn, bảo anh lính ngồi lên cây gậy và nhắm mắt lại, chừng nào nghe hết hơi gió sẽ mở mắt ra. Và, khi sáng sớm cũng ngồi trên gậy trở lại, thực hành như lúc về. Anh lính mừng rỡ, vâng lời.

Vừa trèo ngồi lên gậy xong thì gió ù ù thổi đến, anh lính nhắm chặt mắt lại. Rồi cảm thấy thân mình nhẹ bổng như bay giữa thinh không. Thoáng chốc, gió lặng, anh mở bừng mắt ra thì trước mắt anh quả thực đây là nhà của mình.

Vợ chồng nhìn nhau mừng mừng tủi tủi, tưởng chừng như sống trong mộng. Thế là đêm đó, vợ chồng mặc tình trút nỗi tâm sự những ngày xa vắng nhớ nhau.

Rồi sáng sớm, anh lại lên gậy trở về biên thú.

Phí Trường Phòng còn giúp anh lính được nhiều lần như thế nữa.

Một thời gian lâu sau, Phí Trường Phòng ném cây gậy tre ấy ở xứ Cát Bi, hóa ra rồng mà bay đi mất. Từ đó, người ta không tìm thấy hình bóng của Phí đâu nữa.

Trong "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn có câu:

Hận vô Trường Phòng xúc địa thuật.
Bà Đoàn Thị Điểm diễn nôm:

Gậy rút đất dễ khôn học chước.

"Trường Phòng", "xúc địa thuật" (phép rút đất) hay "gậy rút đất" đều do điển tích trên.
Vua Lê Thánh Tông đời Hậu Lê (1428-1788) có làm bài thơ về động Hồ công:

Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san,
Hư thất cao song vũ trụ khoan.
Thế thượng công danh đô thị mộng,
Hồ trung nhật nguyệt bất thăng nhàn.
Hoa dương long hóa huyền châu trụy,
Bích lạc tuyền lưu bạch ngọc hàn.
Ngã dục thặng phong lăng tuyệt lĩnh,
Vọng cùng vân hải hữu vô gian.

Bản dịch của Thiện Đình:

Khuông thiêng khéo tạc núi muôn trùng,
Cửa động thênh thênh gió dễ thông.
Cuộc thế công danh mơ tưởng hão,
Bầu tiên phong nguyệt thú vui cùng.
Hạt châu rơi đất ghi rồng hóa,
Giọt ngọc tuôn trời rõ suối trong.
Muốn cưỡi gió lên chơi đỉnh núi,
Trông mây, trông nước tít từng không.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét