Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài - Mạnh Hạo Nhiên

Cổ thi có câu:
      Hồ mã tê Bắc phong, (Ngựa Hồ cất tiếng hí vang khi gió từ phương Bắc thổi đến)
      Việt điểu sào Nam chi.(Chim Việt dù kiếm ăn nơi đâu, khi làm tổ đều chọn cành hướng nam)
      Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn.
      Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.
       Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương cố quốc.
      Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là   Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.
      Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh, mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.
      "Chim Việt ngựa Hồ" trở nên thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người.
 

      Chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của Mạnh Hạo Nhiên qua bài thơ sau đây:
 
早寒江上有懷     Tảo Hàn Giang Thượng Hữu Hoài
            
木落雁南渡,       Mộc lạc nhạn nam độ,
北風江上寒。       Bắc phong giang thượng hàn.
我家襄水曲,       Ngã gia Tương thuỷ khúc,
遙隔楚雲 端。      Dao cách Sở vân đoan
鄉淚客中盡,       Hương lệ khách trung tận,
孤帆天際看。       Cô phàm thiên tế khan.
迷津欲有問,       Mê tân dục hữu vấn,
平海夕漫漫。       Bình hải tịch man man.
 
 孟浩然                Mạnh Hạo Nhiên

- 端 Đoan = 2 trượng.
Vân đoan: mấy đường mây, ý nói đường xa xăm

Dịch Nghĩa: Rét Sớm Trên Sông Lại Nhớ
 

Cây rụng lá nhạn bay về nam
Gió từ hướng bắc trên sông thêm lạnh
Nhà của ta ở trên khúc sông Tương
Cách xa đất Sở mấy khoảng đường mây
Nơi đất khách nhớ quê nước mắt đã cạn
Nhìn cánh buồm lẻ loi nơi bầu trời
Mịt mờ bờ bến muốn hỏi thăm đường
Biển yên lặng lúc chiều tối thật mênh mông

Dịch Thơ:
             1
Lá rụng nhạn về nam
Trên sông gió lạnh căm
Sông Tương nhà chốn đấy
Đất Sở đường xa xăm
Lệ cạn quê hương nhớ
Cuối trời thuyền lặng tăm
Mịt mờ sao hỏi lối
Biển tối sóng âm thầm
                  2
Chim nhạn về nam cây trụi lá
Trên sông gió bấc lạnh khôn lường
Nhà ta mãi tận sông Tương đó
Đất Sở vời xa mấy khoảng đường
Xứ khách nhớ quê dòng lệ cạn
Cánh buồm lặng lẽ giữa trời sương
Hỏi ai khi bến bờ mù mịt
Biển tối mênh mông dạ thảm thương
                                          Quên Đi
* * *
       Nhận được bài thơ của Mạnh Hạo Nhiên do anh Đức mới gởi đến, đọc cũng cảm xúc vô cùng . Xin góp vần và gởi đến các bạn đọc giải khuây .
 
Dịch Thơ
 
Cảm Hoài Mùa Lạnh  Sớm Trên Sông
                       (1)
Lá rơi , hồng nhạn hướng trời nam,
Gió bắc trên sông lạnh thấm tràn .
Tương thủy nhà ta trên khúc ấy ,
Cách xa mây Sở lúc bay ngang .
Tình quê lệ thắm đau lòng khách ,
Một cánh buồm đơn  chốn biệt ngàn .
Lạc hướng đường về muốn hỏi lối ,
Chiều tà , nuớc lặng biển mênh mang .
 
                            (2)                                
Lá rơi, hồng nhạn về nam,
Trên sông gió bắc lạnh tràn mênh mông.
Nhà ta Tương thủy khúc sông ,
Cách xa mây Sở xa trông diệu vời .
 Nhớ nhà khiến khách lệ rơi ,
Buồm đơn lặng lẽ bên trời hướng quê .
Lầm đường muốn hỏi nẻo về ,
Chiều tà biển lặng não-nề mênh mông .
                                          
                             ( 3)
Lá rơi ,trời Nam chim lướt cánh ,
Sông dài , gió bắc lạnh cắt da .
Tương thủy khúc đó nhà ta ,
Muôn trùng mây Sở trông xa diệu vời .
Nhớ nhà , khách lệ rơi ướt đẫm  ,
Cánh buồm đơn , thăm thẳm chân trời .
Mịt mờ lối cũ đâu rồi ,
Chiều tà  biển lặng , bồi hồi lòng ai .
                                                 Mailoc phỏng dịch

* * *

Song Quang xin cũng chung vui vài vần thơ giải sầu, .bài thơ nương theo ý nhưng không xác nghĩa nguyên tác của Mạnh Hạo Nhiên. Xin thứ lỗi cho.

Lạnh Sớm Trên Sông Cảm Tác

Lá rụng, phương Nam nhạn lại về
Trên sông  gió Bắc lạnh lê thê !
Tương giang chốn ấy nhà ta đó
Đất Sở đường xa dạ nhớ quê
Viển xứ thương nhà dòng lệ đỗ
Cánh buồm đơn lẻ giữa trời mê
Lối đi lạc nẻo lòng muốn hỏi
Biển lặng chiều trôi quá não nề .

                            Song  Quang
 * * *

      Kim Phượng xin phép được tham gia.

Dòng Sông Gợn Nhớ
 
Lá đổ trời nam nhạn xoải cánh
Gió từ phương bắc lạnh dòng sông
Nhà ta cạnh khúc Tương giang ấy
Cách khoảng đường mây đất Sở xa
Kẻ lữ khách sa dòng lệ cạn
Cánh buồm thấp thoáng giữa mênh mông
Nơi nao bờ bến hồi quê cố
Biển vắng chiều hôm sóng vỗ bờ
                      Kim Phượng phỏng dịch

Chú Thích :
                    Cảm xúc trên sông khi trời lạnh sớm.
          1. Mộc Lạc : là CÂY RỤNG, ta biết là Cây không thể rụng được, vì trong tiếng Hoa và tiếng Việt ta không có Thể Thụ Động ( Passive voice ) , nên ở đây phải hiểu là : Cây bị rụng hết lá vì trời đã cuối thu. Ở đây chỉ những loại cây thuộc " Lạc diệp kiều mộc " 落葉喬木, là loại cây có thân cao to và lá sẽ vàng rụng vào mùa thu.
          2. Nhạn Nam Độ : Sao không nói là Nhạn Nam PHI mà nói là Nhạn Nam ĐỘ.渡, Thì ra ĐỘ ở đây có ba chấm thủy chỉ đi ngang qua sông hồ ao biển. Vì tác giả đang ở trên sông, nên nhìn thấy chim Nhạn bay ngang qua sông đi về hướng Nam.
          3. Giang Thượng : là Trên sông, xác định lại một lần nữa là Tác giả đang đi thuyền trên sông.
          4. Tương Thủy : 襄水 Tương Thủy nầy khác với Tương Giang 湘江 mà ta thường hay nhắc tới là : Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ... Tương Thủy nầy chảy ngang qua phía Nam thành Tương Dương nên nay được đổi tên thành Nam Cừ. Nhà của Mạnh Hạo Nhiên ở Lộc Hành Sơn, mao lư của ông nằm ở chỗ uốn khúc (  voi hay vịnh ) của dòng Tương thủy. Nhập giang tùy KHÚC là chữ KHÚC nầy đây.
          5. Vân Đoan : Đoan là ngay ngắn( Đoan chính ), là đầu, là đầu mối ( chấp kỳ lưỡng đoan  : Giữ lấy 2 đầu ), là Bưng, là Lý do... Ở đây VÂN ĐOAN là Trong đám mây, ngay cái đám mây đó đó...
          6. Hương Lệ : Không phải là giọt lệ của quê hương , mà là giọt lệ rơi vì thương nhớ quê hương.
          7. Thiên Tế : là đường chân trời ( Horizon ). Ta có thể hiểu là Góc trời, Bên trời gì cũng được.
          8. Mê Tân : Tân là Bờ, là Bến. Mê Tân ta quen gọi là Bến Mê ( Bọt trong bể khổ bèo đầu Bến Mê ). Nhưng ở đây chỉ Bến bờ mờ mịt không biết nới đâu.
          9. Bình Hải : là Mặt biển bằng phẳng ?. À, thì ra ngày xưa phương tiên giao thông thô sơ, trên chiếc thuyền nhỏ nhìn ra sông lớn, cũng chỉ thấy trời nước mênh mông, nên gọi là Bình Hải, chớ không có biển gì ở đây cả !
        10. Tịch : là Đêm ( Thất tịch, Trừ tịch  ). là Buổi chiều, là Hoàng hôn : Tịch Dương là Nắng Chiều. TỊCH MANG MANG là Chiều xuống mênh mông, là Hoàng hôn phủ đầy bầu trời.

             Ta thấy Mạnh Hạo Nhiên toàn dùng những từ rất lắc léo, rất đặc biệt và sử dụng cả những biện pháp Tu Từ, Mỹ từ Pháp rất mới đối với lúc bấy giờ.
 
Dịch Nghĩa :
              Ngồi trên thuyền nhìn lên hai bên bờ, thấy cây đều đã rụng hết lá, nhìn lên bầu trời lại thấy đàn chim nhạn bay ngang sông để về Nam. Gió bấc về làm lạnh cả dòng sông, nhà ta ở mãi tận khúc quanh của dòng Tương Thủy, cách trở xa xôi như đám mây Sở xa xa kia. Giọt lệ nhớ quê nơi đất khách đã hầu cạn rồi, nhưng chỉ thấy được có cánh buồm đơn lẻ ở phía chân trời. Nếu có muốn hỏi nơi đâu là bờ bến thì cũng không biết nơi đâu trước cảnh mịt mù của buổi hoàng hôn trong sóng nước mênh mông nầy.

Diễn nôm :
          Lục bát :
Lá rơi nhạn hướng về nam,
Ù ù gió bấc lạnh tràn trên sông.
Sông Tương quê cũ vời trông,
Ngẩn ngơ mây Sở cách ngăn mấy lần.
Nhớ quê dòng lệ cạn dần,
Buồm côi đơn lẻ chiếc thân u hoài.
Bến mê như muốn hỏi ai,
Mênh mông sông nước cho dài hoàng hôn !

                                        Đỗ Chiêu Đức.
  
  Huỳnh Hữu Đức Biên soạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét