Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Cổ Học Tinh Hoa Tập 10



199. CÁCH TRỊ DÂN

Tử Sản làm tướng nước Trịnh đã lâu năm, có lòng thương dân, lấy đạo khoan mà trị dân.

Khi Tử Sản bệnh nặng, Tử Thái Thúc đến bảo rằng:
- Ta chết, tất nhà ngươi làm tướng nước Trịnh. Người phải biết người có đức mới lấy đạo "khoan" mà phục được dân, con người thường phải lấy sách "nghiêm" mà trị mới được. Nay ví như lửa nóng, đâu trông thấy mà sợ, cho nên chết vì lừa ít; nước mát dân khinh mà lờn, cho nên chết vì nước nhiều. Thế mới biết dùng khoan là khó.

Mấy tháng sau, Tử Sản mất, Tử Thái Thúc thay làm tướng, không nỡ dùng nghiêm, e có mãnh liệt cứ lấy đạo khoan mà trị dân.

Không được bao lâu, trong nước sinh ra nhiều trộm cắp, thường núp náu ở các đồng lầy mà lấy của giết người nhũng nhiều lương dân.

Tử Thái Thúc hối lại nói rằng:
- Giá ta biết sớm theo lời Tử Sản thì đâu đến thế này!

Rồi liền đem quân đi đánh bắt bọn cướp ở đồng lầy mà giết hết. Từ đấy nước Trịnh mới bớt trộm cướp.

Đức Khổng Tử nói rằng: Được lắm! Chính sách khoan thì dân lờn, dân lờn thì lại phải dùng khoan (?); khoan giúp cho mãnh, mãnh giúp cho khoan, có thế thì chính sách mới hòa được.

Tả Khưu Minh

GIẢI NGHĨA

Tử Sản: tên tự là Công Tôn Kiều làm quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu

Tướng: quan đứng đầu cả bách quan giúp vua để hành chính

Tả Khưu Minh: Quan Thái Sư nước Lỗ theo chí của Khổng Tử mà làm ra chuyện kinh Xuân Thu gọi là Tả Thị Xuân Thu cho nên người ta thường xưng Khổng Tử là Tố Vương, Khưu Minh là Tố Thần

LỜI BÀN

Tử Sản vốn là một người học rộng chính trị giỏi, làm tướng nước Trịnh hơn 40 năm, đối với trong thì dân bình trị, đối với ngoài thì các nước e nể ông là một bậc quân tử có bốn điều hay; đối với mình thì tự trọng (cung), đối với người mà mình phụng sự thành kính, nuôi dân thì có ơn huệ, khiến dân thì có nghĩa lý.

Câu ông dặn Tử Thái Thúc đây thực có ý lắm. Mãnh mà khiến cho dân sợ dễ bao nhiêu, thì khoan mà cũng khiến cho dân sợ khó bấy nhiêu. Tuy cũng gọi là sợ nhưng cái sợ trước không có giá, vì sợ bất đắc dĩ, sợ miễn cưỡng, sợ bề ngoài mà khinh trong bụng, cái sợ sau mới là cái sợ quí, vừa sợ, vừa yêu, sợ mà kính phục, sợ như vui lòng mà sợ vậy. Nhưng muốn được cái sợ sau, tất cái đức phải lo làm sao mới cảm hóa được nhân tâm đến bực ấy.

Còn thường thường, phép trị dân không thể cứ khoan mãi được, vì khoan thì dân lờn. Lại cũng không thể cứ mãnh mãi được, vì mãnh thì dân oán. Dân oán hay dân lờn cũng đều có trở ngại đến việc nước cả. Cho nên phải có khoan, lại phải có mảnh đắp đổi đỡ dần cho nhau thì mới được. Bốn chữ "Khoan mãnh tương tế" thực đáng làm cái phương châm cho cả người cầm quyền trị dân vậy.

200. Can gì mà phá đi

Dân nước Trịnh thường hay đến trường học thôn quê để nghị luận những chính sách hay dở của quan liêu.

Nhiên Minh bảo Tử Sản rằng:
Tôi định phá hết cả các trường thôn quê, ông tính sao?

Tử Sản nói:
Để chứ. Phá đi làm gì? Dân sự người ta sớm tối đến chơi trường học để nghị luận điều phải, điều trái của quan liêu làm.
Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm. Cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà đổi đi. Những kẻ nghị luận ấy tức là những ông thầy của ta. Can gì mà phá trường học.

Vả chăng, tôi nghe nói: " Hết lòng làm điều phải thì mới đỡ được người ta oán trách mình". Tôi chưa từng nghe nói: "Chỉ nạt nộ ra oai, mà tuyệt được hết sự oán trách của người." Cũng như phải đắp đê mà giữ nước, chớ bỏ đê đi, thì nước vỡ tứ tung, bao nhiêu người chết không thể cứu lại được. Nay ta hẳn cứ để trường học, khiến thường được nghe những câu chê bai để làm thuốc chữa cho ta thì hơn.

Nhiên Minh nghe Tử Sản xong, nói rằng:
Nay tôi mới biết ông là ông quan thầy đáng tôn vậy. Tôi thật là kẻ bất tài. Ông làm được như lời, thì chẳng những một đám chúng tôi được trông cậy mà cả nước cũng được nhờ vậy.

Tả Truyện.

Giải nghĩa:
-Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh tỉnh Hà Nam ngày nay.

-Nhiên Minh : người đời Xuân Thu, cùng quan ở nước Trịnh với Tử Sản.

-Tử Sản: người đời Xuân Thu, học rộng có tài chính trị, là quan đại giỏi có tiếng của nước Trịnh (xem bài trên).

Lời Bàn: Người ta càng cao xa, càng tôn quý bao nhiêu, thì càng xa sự thực bấy nhiêu. Sự thực hay thì hay thực, song lại hay làm cho mất lòng, nên những người có địa vị cao, ít khi được nghe sự thực. Thiên hạ không ai muốn mất lòng mình, thì ai dám nói sự thực cho mình biết.

Nhiên Minh đây bảo phá nhà trường là vì nghe sự thực mà mất lòng. Tử Sản đây bảo giữ nhà trường là vì yêu sự thực, được nghe sự thực lấy làm vui sướng. Các nhà trường nước Trịnh bấy giờ có phải như các tờ báo ngày nay, là những cơ quan để cho dân chúng được tự do mà đàm luân về chính sách hay dở hay không? Nếu như vậy, thì ta xưa nay đân sự vẫn có cách là cho những điều nguyện vọng của mình đạt được tới chính phủ, mà chính phủ khôn khéo, tưởng cũng nên lợi dụng cái cách ấy, không nên tuyệt đi vậy. Những câu Tử Sản nói ví như giữ đê cho nước chảy để phòng sự lụt ngập tràn trụa rất nguy hết lòng làm phải chớ không phải ra oai nạt nộ mới tuyệt được sự oán trách của dân, thực là những câu nói rất đúng với chân lý. Ôi! Một chính phủ mà vững bền hay hư hỏng có thể nghiệm ở lòng dân yêu hay ghét. Nếu dân chúng đã ghét nhưng chính sách không ra gì, chúng dám nói ra miệng, mà lại chỉ thị oai như muốn bưng miệng chúng, chớ không muốn sửa lỗi mình, thì có khác gì thấy nồi nước sôi trào ra ngoài không biết rút củi ra, lại cứ cầm que mà khuấy vào nước cho đỡ sôi không.
 
201. Hay dở đều do mình cả

Người làm quận trưởng một Quốc gia nếu mà bất nhân thì không thể nào nói phải với họ được nữa! Quốc gia suy yếu, ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên, thiên tai nhân họa xảy ra luôn luôn, họ không biết là hại, xa xỉ ăn chơi bạo ngược tàn ác đi đến con đường diệt vong, họ vẫn lấy làm vui sướng. Hạng bất nhân ấy, nếu còn nói phải được được với họ thì đã chả đến nỗi có những chuyện mất nước tan nhà.

Ngày trước có đứa trẻ hát câu:

Thương Lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lang chi thủy trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc.

Nghĩa là: nước sông Thương nếu mà trong thì ta đem giặt dải mũ ta. Nước sông Thương mà đuc thì ta dùng để rửa chân ta.

Đức Không Tử nghe thấy bảo học trò rằng:
Chúng con nghe đấy: Nước trong thì tự khắc người ta mới giặt dải mũ, **c thì tự khắc người ta chỉ để rửa chân. Đó đều là do nước tự thủ cả.

Ôi! Việc thiên hạ cái gì mà chẳng do tự thủ! Người ta tất tự khinh mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau, nhà mình tất tự hủy nhà mình trước, rồi người ngoài mới hủy sau, nước tất tự phạt nước mình trước, rồi người ngoài mới phạt sau.

Cũng tức như câu ở thiên Thái giáp: "Thiên tác nghiệt, do khả vi. Tự tác nghiệt, bất khả hoặc". Nghĩa là trời làm tai vạ còn tu tỉnh để mà tránh được, nếu mình gây ra tai vạ thì mình làm mình chịu, chẳng có thể trốn tránh mà thoái chết được.

Mạnh Tử.

Lời bàn:
Kẻ có quốc gia mà đã bất nhân thì tâm thần mê muội, công việc đảo điên, không còn biết phải trái là gì nữa, nguy cũng mặc, tai cũng mặc, đến mất đức cũng mặc. Kịp khi đã bại hoại, diệt vong rồi thì lại đổ cho mệnh trời, quy tội cho người, có biết đâu là tự mình gây nên mối họa cho chính mình cả. Có thân không biết tu, có nhà không biết trị, có nước không biết giữ, thế là khiến cho người ta khinh mình, bào cho người ta phá mình, mời cho người ta đánh mình. Ôi! Sự biến cố mấy khi tự dưng mọc ra đâu, muôn sự do tự mình gây nên hết cả. Nếu người có trách nhiệm giữ quốc gia nên nhớ lấy cái nghĩa "tự thủ" để tránh lấy cái vạ "tự tác".
 
202. Ngụy biện

Nước Tề có kẻ thờ vua, thân được vinh hiển, nhà được sung sướng. Khi vua có hoạn nạn, anh ta không chịu liều chết để cứu giúp vua.

Một hôm, anh gặp bạn cũ ở đường, người bạn cũ lấy làm ngạc nhiên, hỏi:
-Tôi cứ tưởng bác chết rồi, mà ra bác vẫn còn sống kia đấy ư?

Anh ta thưa:
-Phải, tôi còn sống chứ. Phàm đi làm tôi tớ người ta chỉ cốt có lợi, mà chết theo người ta thì có lợi gì, cho nên tôi chả chết theo.

-Bác ăn ở như thế thì còn mặt mũi nào mà trông thấy người ta dưới chín suối nữa?

-À, thế cứ như ông nói thì ra ông cho khi chết mắt đã nhắm rồi, mà vẫn còn trông thấy người ta được ư?

Ôi! Những người đời chịu ơn vua, mà chẳng tun nạn vua đều là kẻ đại bất nghĩa. Thế mà khi có ai nói đến lại biện bác cái lẽ, tự cho mình là phải.
Thói thường ở một nước loạn, ý nghĩ có câu nói thường hay trái nhau.

Lã thị Xuân thu.

Lời bàn: Bài này tác giả nói trung với vua đã kết luận rõ ràng ở dưới rồi. Nhưng ta còn có thể nhân đó bàn rộng ra mà nói được rằng: cái trò ở đời người chỉ vụ lợi, thì không còn biết nghĩa là gì nữa. Hoặc khi có ai giảng giải cho, thì lại tìm câu khéo nói, viện lý sự cùn để tế toái đi cho xong, vẫn tự cho mình là phải, là có lẽ.


203. Không chịu theo kẻ phản nghịch


Trần Hùng lúc giết vua xong, sai sáu người dũng sĩ đến bắt Tử Uyên Thê phải theo mình.

Tử Uyên Thê nói:
Nhà ngươi muốn cho ta vào đảng, ý hẳn cho ta là " trí" chăng, nhưng bầy tôi giết vua mà không cản được, ta chẳng phải là trí, cho ta là "nhân" chăng, nếu ta thấy lợi mà phản nước, ta chẳng phải là nhân, cho ta là "dũng" chăng, nhưng đem binh đến ăn hiếp ta, ta sợ mà theo ngươi, ta cũng chẳng phải là dũng.
Ví bằng ta không có ba điều ấy, ta về phe với ngươi thì có bổ ích gì cho ngươi. Ví bằng ta có ba điều ấy, thì đời nào ta theo ngươi mà ngươi dỗ.

Trần Hằng bèn tha Tử Uyên Thê.

Tân Tự

Giải nghĩa:
-Trần Hằng: người quyền thế thời Xuân Thu giết vua Giản Công nước Tề, lập vua Bình Công.
-Tân Tự: sách của Lưu Hướng, người đời nhà Hán soạn.

Lời bàn: Trần Hằng mà dụ Tử Uyên Thê vào đảng là có ý mong cậy Tử Uyên Thê về sau này nhiều lắm. Không ngờ Tử Uyên Thê đáp hắn mà thực là người đủ trí, nhân, dũng thì bao giờ dỗ được, mà nếu hắn là người trí, nhân, dũng đều không có thì dỗ hắn về làm chi! Câu đáp thật khéo, thật có ý nghĩa đủ làm cho Trần Hằng suy nghĩ cả đôi đường mà phải thôi dỗ ngay không con do dự gì nữa.

204. Cách cư xử ở đời.
 
Cư xử với người mà góc gách, nghiêm ngặt quá là cái đại bệnh ở đời.

Bậc thánh hiền xử với người đời không có giây phút nào là rời bỏ được cách ôn hòa, trung hậu, nên mới có câu:
Phiếm ắt chúng, nghĩa là rộng yêu tất cả loài người;

Hòa nhi bất đồng, nghĩa là xử với người hòa hợp mà không a dua phe đảng;

Hòa nhi bất lưu, nghĩa là xử với người hòa nhã mà không đua theo quá trớn;

Quần nhi bất đảng nghĩa là liên hợp với mọi người cho nhân quyền mà không vào bè kết đảng với ai cả;

Chu nhi bất tị nghĩa là công bình mà chẳng thiên tư;

Từ tường khải dị nghĩa là nhân đức, êm ái, vui vẻ, dễ dàng.

Ái nhân, nghĩa là yêu loài người;

Thân nhân, nghĩa là gần gụi dân và đi sát với dân, coi dân như anh em con cái;

Thiên hạ nhất gia, chung quốc nhất nhân, nghĩa là coi cả thiên hạ như một nhà, coi cả nước như một người.

Nếu làm người cứ vò võ một mình, tính nết khe khắt, lạnh nhạt, chẳng thân với ai thì thật là một hạng chướng ngại cho xã hội. Dù cho người phương chinh, tính nết độc lập, cũng không phải là hạng ứng dụng với đời, chẳng qua là người nhất tiết quyến giới mà thôi.

Lã Khôn.

Giải nghĩa:
-Phương chính: góc gách ngay thẳng.

-Nhất tiết quyến giới: chỉ khẳng khái giỏi được một bề, một mặt.

Lời bàn: Mùa xuân khí trời có đầm ấm ôn hòa thì muôn loài mới sinh tươi nảy nở và phồn thịnh được. Người đối với người cũng vậy, trong gia đình, ngoài thì xã hội, có "hòa khí" mới có thể sống chung với nhau mà an cư lạc nghiệp được. Ta dù có được là người tốt chăng nữa mà cứ một mực góc gách, nghiêm ngặt với người, thì người lấy làm khó chịu mà không thể nào thân với ta được. Không chịu được nhau, tất nhiên hay khích vắc nhau, thành cả đôi bên không được yên vui sung sướng, mà công việc ở giữa vì thế mà hỏng cả. Cho nên thánh hiền ở đời không bao giờ thế. Bao giờ cũng giữ được cái thái độ ôn hòa, không a dua, xu phụ ai, cũng không ghét ai để cho người đau đớn mà sinh biến. Những câu tác giả lược ra mà liệt vào bài đây thực là những vị thuốc rất hay để chữa cho nước có tính khắt khe, quá thẳng với đời mà hay ghét đời, chán đời vậy.

205. Tự xét lại mình

Người quân tử sở dĩ khác người là vì lúc nào cũng để tâm đến việc "Nhân", để tâm đến việc "Lễ".

Đã là người có nhân thì yêu người, đã là người có lễ thì kính người. Mà theo lẽ thường, yêu người thì người tất yêu lại, kính người thì người tất kính lại.
Người quân tử ăn ở như vậy, mà gián hoặc còn có kẻ đem thói ngang ngược đối đãi lại, thì tất nhiên tự xét ngay mình lại, chắc mình còn bất nhân, chắc mình còn vô lễ, thì họ mới xử với mình như thế, chớ tự dưng thì có khi nào họ lại ngang ngược với mình được.

Người quân tử xét lại thật mình có nhân, thật mình có lễ, mà người ta đối đãi với mình vẫn ngang ngược như trước thì tất xét lại mình ta tuy nhân tuy lễ thật, nhưng ta chưa được hết lòng chăng.

Nếu người quân tử xét rằng thật đã hết lòng mà thói người ngang ngược vẫn như trước thì bấy giờ người quân tử nói:
Hạng này thật là hạng càn dỡ. Người mà đến như vậy thì khác gì loài vật. Đối với loài vật thì ta còn so kể làm chi!

Mạnh Tử

Lời bàn: Ai cũng đều là người cả. Nhưng người quân tử chỉ khác người vì cái tâm không tàn ác, không bỉ bạc. Tâm đã như thế thì thường yêu người, quý người. Yêu quý người, mà người yêu quý lại, là lý chí thường. Song ở đời có nhiều việc bất ngờ, đã không đem điều phải ăn ở lại việc phải, lại còn giở lối cường bạo vô lý. Thế mà người quân tử xử với bọn ngu ngoan ấy vẫn ân cần tự xét mình đến ba lần thật là vẫn sẵn lòng thương xót, biết cách chu toàn không có ý gì tự cho mình là phải mà tuyệt bỏ người đời cả.

Cái học trách kỷ, trong làm cho mình hay thêm, ngoài làm cho người dễ theo điều phải, thật là hay lắm vậy.

206. KHÔNG NÊN CÂU NỆ

Trời không thể làm cho hoa mùa nọ nở vào mùa kia, cho nên thánh nhân không trái thời.

Đất không có thể làm cho khí hậu xứ kia đổi thành xứ nọ, cho nên thánh nhân không trái tục.

Thánh nhân không thể làm cho tay biết đi chân biết cầm, cho nên thánh nhân không làm cho trái cái tài riêng.

Thánh nhân lại không có thể làm cho cá biết bay, chim biết bơi dưới nước, cho nên thánh nhân cũng không dùng cái tài riêng của người.

Vì vậy, lúc nên động, lúc nên tĩnh, lúc nên tối, lúc nên sáng, ta không nên câu nệ một đường nào thì mới là hợp đạo.

Quan Doãn Tử

LỜI BÀN

Hết thảy động vật, thực vật cả đến người ta, mỗi loài mỗi giống thường có đặc tính riêng của loài ấy, giống ấy, cách trí dù có tinh xảo cũng không thể bắt cho cả mọi loài, mọi giống cùng y như nhau cả. Suy như thế, thì bất cứ về mặt gì tính tình, phong tục cho đến cả tôn giáo, học thuật, ta không nên câu nệ chấp nhất một đường nào mà chỉ biết cái phải của ta, không rõ cái phải của người. Ta phải có lượng rộng dong được cả một cái, bao quát được cả mọi việc, thì ngõ hầu mới là người thông hiểu và sáng suốt vậy.

207. TRI KỶ
 Thạch Phủ người nước Tề thời Xuân Thu, có tiếng là người giỏi. Anh ta phải tội oan, bị giam trói. Án Tử đi chơi, gặp ở đường, tháo một con ngựa đang đóng xe ra bán, để chuộc tội cho anh ta, rồi đưa lên xe đem ra về.

Về đến nhà, Án Tử chẳng hỏi han gì đến, vào ngay nhà trong rồi ở mãi không ra.

Thạch Phủ tức giận bỏ đi và nói rằng từ rày không bước đến nhà Án Tử nữa.

Án Tử nghe tiếng, ngạc nhiên, sử khăn áo chạy ra, tạ rằng:
- Tuy tôi chẳng ra gì, song cũng vừa gỡ được tội cho ông, sao ông lại vội cự tuyệt tôi thế.

Thạch Phủ nói:
- Không phải. Tôi nghe người quân tử gặp phải kẻ bất tri kỉ thì phải cực thân gặp được người tri kỷ thì được hả dạ. Tôi đã phải giam trói oan là tôi gặp phải kẻ bất tri kỷ. Tôi nay gặp được ông đã biết tôi mà chuộc cho tôi khỏi tội oan, thì ông là tri kỷ của tôi. Nếu tôi lại gặp phải người tri kỷ mà vô lễ thì thà rằng tôi cứ ngồi trong chỗ giam trói còn hơn.

Án Tử nghe ra bèn kính trọng Thạch Phủ, rồi sau tôn Thạch Phủ làm thượng khách.

Sử ký

LỜI BÀN

Xem chuyện này ta trọng Thạch Phủ là người tinh đời và lại có tài, có khí ngang nhiên nói thẳng băng mà không mất lòng ân nhân, lại còn nhân đó làm cho ân nhân biết giá trị của mình nữa. Ông vừa biết mình vừa biết người và giỏi cả khoa ngôn ngữ. Còn như Án Tử là người biết người mà lại có đức, có lượng. Bán ngựa để chuộc tội cho Thạch Phủ, thế là biết được anh hùng trong lúc còn trần ai và thương người như thể thương thân vậy. Phải Thạch Phủ nặng lời oán trách, mà ông xử lại kính trọng bội phần, thật là ái tài như mạnh (yêu quí người hiền tài như yêu quí mạng mình). Đáng phục lắm thay! Án Tử làm tướng nước Tề, suốt đời tận tụy quên cả bản thân; nhất là với việc bồi thực nhân tài để cho có người giúp dân giúp nước, ông lại càng hết lòng lắm.

208. TRỒNG KHÓ, NHỔ DỄ
 Điền Nhu được vua nước Ngụy tin dùng.

Huệ Tử bảo Điền Nhu:
- Ngươi phải khéo ăn ở với cận thần nhà vua mới được. Này xem như cây dương, trồng ngang cũng mọc, trồng ngược cũng mọc, bẻ cành mà trồng cũng mọc. Giả sử mười người trồng cây dương, một người nhổ lên thì không cây dương nào sống được. Thế cho nên nhiều đến mười người trồng giống thứ cây dễ mọc cũng không lại được với một người nhổ là tại làm sao? - Là tại trồng thì khó mà nhổ thì dễ. Nay ngươi muốn được vua tin dùng lâu dài, nhưng có nhiều người muốn bỏ ngươi thì ngươi nguy mất.

Bách Tử Toàn Thư

GIẢI NGHĨA

Huệ Tử: tức là Huệ Thi, là một nhà đàm luận biện bác giỏi thời Chiến Quốc

LỜI BÀN

Được vua tin dùng thế là vua đã có lòng yêu, mà vua đã có lòng yêu thì lại còn lo chi không giữ được địa vị vững chắc. Thế mà vị tất. Vua yêu, tuy vua là chủ nữa, nhưng cũng chỉ là một người, còn bao nhiêu người bên cạnh vua, nếu ai ai cũng ghét mình cả, thì mình không thể sao đứng lại được. Nên cái lẽ trồng khó, nhổ dễ của Huệ Tử nói với Điền Nhu là rất phải. Bài này có ý lo xa trừ bỏ cái hại dèm pha.

209. NGƯỜI KIẾM CỦI ĐƯỢC CON HƯƠU

Người nước Trịnh kiếm củi ngoài đồng, thấy con hươu lạc, đón đánh chết được ngay. Anh ta sợ người ngoài trông thấy, vội giấu xác con hươu vào trong cái hào cạn, lấy lá chuối phủ lên. Trong bụng mừng rỡ không biết thế nào mà kể.

Chợt một cái, anh ta lú ngay chỗ giấu hươu, bèn cho ngay là chuyện chiêm bao. Lúc gánh củi về, anh ta đi đường thẫn thờ thở than và cứ một mình lẩm bẩm kể câu chuyện ấy.

Có một người đi cạnh, nghe thấy cứ theo lời kể mà tìm được hươu, đưa về bảo vợ rằng:
- Lúc nãy anh kiếm củi mộng bắt được hươu mà không biết ở chỗ nào, bây giờ ta tìm được thế thì hẳn là kẻ mộng thật.

Vợ nói:
- Hay chính anh mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu. Chớ làm gì có người kiếm củi thật. Bây giờ anh ta bắt được hươu thật, thế là mộng anh thật chăng.

Chồng bảo:
- Đây ta cứ biết được hươu là được hươu, cần gì phải biết rằng ta mộng hay hắn mộng nữa.

Anh kiếm củi về nhà, trong bụng tấm tức băn khoăn về việc mất hươu. Đêm hôm ấy nằm mộng thấy chỗ mình giấu hươu và cả người đến lấy hươu ấy. Sáng ra, cứ theo như mộng rồi tìm ra được, mới đem lên quan sĩ sư kiện để đòi lại hươu.

Quan xử rằng:
- Mày trước thật là bắt được hươu lại hoảng lên cho là mộng, sau mày mộng tìm thấy hươu lại hoảng lên cho là thật. Còn thằng kia thật là lấy hươu mà tranh nhau với mày thì vợ nó lại tưởng là mộng được hươu của người ta chớ không ai bắt được hươu thật, Bây giờ rõ rang là con hươu đây, thời chia đôi cho mỗi bên nửa.

Cái án ấy tâu nên vua nước Trịnh.

Vua nói rằng:
- Hừ! Quan án cũng lấy mộng mà xử kiện con hươu ư! Rồi cho đòi thủ tướng đến hỏi.

Thủ tướng tâu rằng:
- Mộng cùng chẳng mộng, tôi không thể phân biện được. Muốn phân biện mộng hay giác thì chỉ có ông Hoàng Đế, ông Khổng Tử mà thôi. Bây giờ không có hai bực ấy, thì ai phân biện ra được?
Thôi, xin cứ y như lời xử đoán của quan sĩ sư là xong.

Liệt Tử

GIẢI NGHĨA


Trịnh: nước nhỏ thời Xuân Thu, ở vào huyện Tân Trịnh, một phần đất phủ Khai Phong tỉnh Hà Nam ngày nay

Sĩ sư: chức quan tra xét việc ngục tụng

Hoàng Đế: một bậc thánh đế thời cổ, thay vua Thần Nông cai trị nước Tàu

Khổng Tử: người nước Lỗ về thời Xuân Thu, tên là Khưu tự là Trọng Ni, ông tổ nho học

LỜI BÀN

Đánh chết được con hươu thật lại đem giấu cẩn thận, vì quên mất chỗ giấu mà cho là mộng. Thế là thực mà hóa ra mộng. Nghe lỏm rồi tranh lấy hươu của người đem về tận nhà khoe với vợ. Thế là mộng hóa ra thực! Ôi! Như thế thì chẳng ra sự mộng và sự thực không có gì để phân biệt tách bạch hẳn ra ư. Hay ở đời có lắm cái như thực mà là mộng cả, lại có lắm cái tưởng mộng mà thực cả. Tác giả chính có ý muốn bày tỏ sự mộng, sự thực ở đời là như thế. Nhà Phật còn có cả cuộc đời là một giấc mộng nữa là những việc vụn vặt hàng ngày.

Còn câu cuối bài, tác giả có ý bác Hoàng Đế và ông Khổng Tử cứ như muốn giáo hóa người đời, cho ở đời cái gì cũng là thực cả.

Tự xưa đến nay, ở đâu mà chẳng là thật, việc gì mà chẳng là chiêm bao, chẳng qua như chuyện được hươu mất hươu, tìm thấy hươu, kiện nhau hươu. Nghĩ cho cùng, tưởng cũng buồn cười.

210. HỎI THĂM DÂN


Vua nước Tề sai sứ đem thư sang hỏi thăm bà Uy Hậu nước Triệu.

Sang đến nơi, sang đến nơi bà Uy Hậu chưa xem thư đã hỏi sứ giả rằng:
- Năm nay không mất mùa chứ? Dân bình yên chứ? Vua cũng mạnh khỏe chứ?

Sứ giả nghe hỏi không bằng lòng, nói rằng:
- Tôi vâng mệnh vua nước tôi sang sứ bên này, thái hậu không hỏi đến vua tôi, lại hỏi thăm mùa màng với dân sự trước, thế chẳng ra tôn trọng kẻ hèn hơn người sang ư?

Uy Hậu bảo:
- Không phải. Nếu không có mùa màng thì lấy đâu có dân, không có dân thì lấy đâu có vua. Cho nên ta hỏi mùa màng và nhân dân trước. Ai lại bỏ gốc mà hỏi ngọn bao giờ!

Nói xong, Thái hậu lại hỏi luôn rằng:
- Chung Li Tử là xử sĩ bên ấy vẫn được bình yên đấy chứ? Người ấy có lương ăn cũng thế, không có lương ăn cũng thế, có áo mặc cũng thế, không có áo mặc cũng thế, ấy là người giúp vua mà nuôi dân đấy, sao đến bây giờ chưa triệu ra làm quan? Cả Nghiệp Dương Tử bên ấy vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy thương xót kẻ quan quả chu tuất, kẻ có độc, chuẩn tế kẻ khốn cùng, giúp đỡ kẻ túng bấn, thế là người ta giúp vua để sinh tức cho dân, sao đến bây giờ còn chưa triệu ra làm quan? Người con gái Bắc cung tên là Anh Nhi Tử vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy bỏ cả đồ trang sức đến già không lấy chồng để nuôi cha mẹ. Ấy là người ta làm gương cho dân bắt chước ăn ở với cha mẹ cho có hiếu, sao đến bây giờ vẫn chưa cho người ấy vào chầu? Nếu hai người xử sĩ ấy không được làm quan, người con gái ấy không được vào chầu, thì làm vua nước Tề sao trị vạn dân được! À mà thằng Tử Trọng ở Ô Lăng vẫn còn đấy chứ? Người ấy trên không làm tôi vua, dưới không trị việc nhà, giữa không kết giao với ai. Thế là người ấy dạy dân làm điều vô dụng, sao đến bây giờ vẫn còn chưa giết đi?

Thái hậu hỏi mấy câu chuyện xong rồi mới xem đến thư.

GIẢI NGHĨA

Tề: tên nước lớn trong bảy nước thời Chiến Quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ

Uy Hậu: mẹ của Uy Vương, bấy giờ bà có dự triều chính

Triệu: tên một nước lớn thời Chiến Quốc, ở vào phía nam tỉnh Trực Lệ, phía bắc Tỉnh Sơn Tây bây giờ

Xử sĩ: người hiền tài ẩn cư một chỗ

Quan quả: quan: người góa vợ, quả:người góa chồng

Chẩn tế: cứu giúp kẻ đói khổ

LỜI BÀN

Nước lấy dân làm gốc. Dân không đủ ăn thì nước nguy cho nên dân sinh là việc trọng. Dân không an cư thì nước loạn, cho nên trị an là việc cần. Bà Uy Hậu hỏi hai việc này trước, rồi hỏi thăm vua sau là có ý quí dân lắm. Rồi bà hỏi đến hai người xử sĩ, một người hiến nữ, là mong cho dân có được nhân tài để lãnh đạo. Bà hỏi đến một tên tiểu nhân là ngại cho dân lỡ phải quân gian ác cổ hoặc làm càn, thủy chung câu nào bà hỏi cũng chú trọng về dân, còn vua thì hỏi qua, thật là một tay thấu hiểu việc trị nước, ám hợp với cái ý tưởng của ông Mạnh là: "Dân vi quý, xã tắc thí chi, quân vi khanh" vậy.

211. DÂN QUÍ NHẤT

Nước mà trông cậy để vững bền được là nhờ ở ba thứ:
Một là dân; hai là xã tắc; ba là vua.

Đem ba điều ấy so sánh với nhau, dân tuy không có thế đáng tôn, nhưng có hình đáng sợ, đáng trọng, thật là dân quí nhất.

Xã tắc là thổ thần và cốc thần tí hộ cho dân được yên, được sống nhưng cũng vì dân mới đặt ra, thì chẳng chúng ta bì với dân được. Vậy xã tắc còn là đáng quý thứ hai.

Vua chúa tuy kể cả thần, kể cả dân nhưng kỳ thực cũng phải nhờ lòng dân có yêu mến, xã tắc có yên ổn thì vua mới lâu dài được. Thế thì vua ví với dân, với xã tắc, vua không trọng lắm, nghĩa là đáng quý thứ ba.

Mạnh Tử

GIẢI NGHĨA

Xã tắc: xã: nơi thờ thổ thần tức là thần giữ đất; tắc: nơi thờ cốc thần, tức là thần cho được mùa.

Tí hộ: che chở, đỡ đần cho được bình yên

LỜI BÀN


Nước có quân chủ, thì còn ai trọng bằng vua chúa. Tục chuộng Thần quyền, thì còn ai sợ bằng thần thánh. Một đàn dân ngu, tha hồ mà giày xéo, bóc lột! Nhưng biết đâu dân chính là gốc của nước, có dân mới có xã tắc, có dân mới có vua, nên đem so dân với vua thì dân là quý nhất, không thể khinh thường được. Ông Mạnh sinh vào thời cổ, quân chủ áp chế, mà thực đã hiểu rõ cái lẽ tối tân của đời bân giờ là đời dân chủ. Dù có quân chủ chăng nữa nhưng cũng là tượng trưng cho toàn dân, mà phải thực hành trọng dân quyền thì mới hợp trào lưu tiến hóa vậy. Còn dân, cố nhiên là dân vi quý, nhưng dân trí không mở mang thì dân chủ cũng nguy hại lắm.

212. Nhuộm tơ


Mặc Tử thấy người ta nhuộm tơ, ngẫm nghĩ than rằng:
Nhuộm vào màu xanh thì hóa xanh, nhuộm vào màu vàng thì hóa vàng. Nhúng vào màu nào thì biến ra màu ấy. Năm lần nhuộm, hóa ra năm sắc, cho nên nhuộm phải cẩn thận.

Không những tơ nhuộm như vậy. Người ta tiêm nhiễm nhau cũng thế, bạn với người hay thì hóa hay, bạn với kẻ dở thì hóa dở. Vinh hay nhục quan hệ ở những người bạn mình hay giao du.

Mặc Tử.

Giải nghĩa:
-Mặc Tử: người nước Lỗ thời Chiến quốc, họ Mặc tên Địch, làm quan đại phu nước Tống, xướng ra học thuyết " Kiêm ái"

Lời bàn: Bài này ý tưởng không có gì là cao lạ, chẳng qua cũng chỉ nói đến sự giao du làm cho người ta chóng giống tính những người mình hằng đi lại với nhau. Nào "Gần mực thì đen gần đèn thì rạng" (hoặc: gần son thì đỏ), nào: "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", nào: " Mày bảo tao biết mày chơi với ai, tao sẽ bảo mày là hạng người thế nào". "Vợ bắt tựa chồng, người ăn người ở giống tông chúa nhà". "Ở nhà hàng mắm thì thối, ở nhà hàng hương thì thơm", có biết bao nhiêu câu do cái khôn ngoan của loài người đều công nhận một chân lý ấy cả. Sự chơi bời ở đời, gần người hay thì được hay, gần kẻ dở hóa dở cần là như thế, thành hiền còn phải nghĩ đến, huống chi là ta, lúc muốn kết bạn bè với ai, chẳng nên cẩn thận mà kén chọn trước ru? Nói tóm, bài này khuyên người ta " chọn bạn mà chơi".

213. Kéo lê đuôi mà đi
 Trang Tử đang câu cá ở trên sông Bộc.

Vua Sở sai hai quan đai phu đến ngỏ ý rằng, ý vua muốn đem việc nước lại phiền.

Trang Tử không nhìn hai quan đại phu, cứ cầm cần câu cá mà nói rằng:
Ta nghe nước Sở có con thần qui chết đã ba nghìn năm mà vua còn quý, lấy khăn bọc cất vào hòm để trên miếu đường. Như con thần qui ấy chết mà để xương lại cho người ta quý hơn hay là sống mà kéo lê đuôi đi ở giữa đường quý hơn?

Hai quan đại phu nói:
Thà rằng sống mà kéo lê đuôi đi ở giữa đường còn hơn.

Trang Tử nói:
Vậy xin mời hai ngài cứ về. Ta đây cũng sắp kéo lê đuôi mà đi ở giữa đường.

Trang Tử

Giải nghĩa:
-Bộc: một ngành của con sông chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam.

-Thần qui: con rùa thiêng. Rùa sở dĩ cho là con vật thiêng là vì xưa người ta dùng để bói.

-Miếu đường: nơi thờ phụng tổ tiên của nhà vua

Lời bàn: Hiền như Trang Tử đã đi câu trên sông Bộc là muốn an nhà không còn để thân bó buộc vào trong vòng danh lợi nữa. Sở Vương không hay còn cho người cầu đến. Trang Tử hỏi chuyện con thần qui mà tức là để tỏ ý kiến rằng từ chối. Ôi! Bây giờ nhân đời Chiến quốc, người ta đã có câu: " Chiến quốc chi sĩ tiện" nghĩa là kẻ sĩ đời Chiến quốc hèn hạ, và đáng khinh bỉ, cho nên Trang Tử không chịu ra cũng có lẽ vậy. Lúc đời đang sôi nổi, đắm đuối về danh lợi, xâu xé tranh cướp nhau, xác người tuy còn, lòng người đã chết, thì ra đua với đời chỉ ô uế đến thân. Có đâu cao thượng bằng cầm câu trên sông Bộc làm lão ngư ông sống gần tạo hóa, xa đời ô trọc lại chả nhẹ nhàng cái thân ư!

214. Phải biết phòng xa


Ông Biển Thước đến yết kiến Hoàn Hầu nước Tề, đứng ngắm một lát, tâu rằng:
Vua có bệnh ở trong bì phu, không chữa sợ sau nặng.

Hoàn Hầu bảo:
Ta vô bệnh.

Biển thước đi ra.
Hoàn Hầu nói:
Thầy thuốc này lý tài lắm! Muốn chữa người khỏe để lấy công.

Mười hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu lại nói:
Vua có bệnh ở gan ruột, không chữa mau sau khó lòng.

Hoàn Hầu không trả lời, còn lấy làm không bằng lòng.
Biển Thước đi ra.

Cách mười hôm nữa, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa trông thấy, lùi chạy ra ngay.

Hoàn Hầu cho người gọi lại hỏi, vì cớ gì mà ra ngay như vậy.
Biển Thước tâu:
Bệnh ở bì phu còn châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang được, bệnh đã vào xương tủy, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh nhà vua đã vào đến xương tủy cho nên tôi không dám nói mà phải ra ngay.
Năm hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu không thầy nào chữa được nữa Hoàn Hầu mất.

Thanh Lê Tử

Giải nghĩa:
-Biển Thước: Thầy thuốc hay có tiếng đời Xuân Thu.
-Lý tài: lập cách kiếm tiền
-Châm trích: châm: kim lể, trích: lửa đốt

Lời bàn:
Theo y học phương đông thì đối với bệnh nhân: vọng, văn, vấn, thiết là bốn việc cần. Biển Thước là bậc danh y vọng ( trông) mà biết bệnh nhẹ rồi nặng có chi là lạ.

Phàm bệnh gì cũng vậy, lúc mới phát ra, biết mà chữa ngay còn dễ, chớ để lâu ngày, thì rất khó hơn hoặc có khi nguy, không sao chữa được nữa.
Suy rộng ý bài này ra, ta lại có thể lấy việc bệnh tật mà so với việc thân, việc nhà, việc nước, đại khái đều như thế cả. Nghĩa là bất kỳ việc gì, nếu đã gọi là hư hỏng, thì phải sớm biết lo xa ngay đi, hoặc còn chữa chạy được, chớ để lâu ngày quá, đợi khi nước đến chân thì dù có muốn cũng không sao kịp được nữa, vì trễ quá rồi.

215. Một câu đoán đúng


Ông Tư Sản nước Trịnh sang nước Trần, có việc minh ước.
Khi về, ông tâu mọi việc với vua xong, ông đem chuyện nước Trần nói với các quan rằng:
Nước Trần thế nào rồi cũng mất, chẳng nên giao hiếu với nước ấy làm gì. Nay họ chứa nhiều lương thực, họ sửa sang thành quách, họ chỉ cứ cậy hai điều ấy đủ làm yên nước mà chẳng thương gì đến nhân dân. Vua thì không có chí gì là độc lập, thái tử thì hèn yếu, các nhà đại gia thì xa xỉ dâm dật, các quan thì kiêu ngạo, tham tàn, chính quyền thì chia xé, không ai chịu trách nhiệm. Như thế mà ở chen vào giữa các nước lớn, thì tài nào mà còn được. Bất quá mười năm nữa, nước Trần thế nào cũng mất.

Sau quả nhiên nước Trần mất thật.

Tả Truyện

Giải nghĩa:
-Trịnh: (xem bài số 89)

-Trần: tên một nước nhỏ thời Xuân Thu ở vào một phần đất phủ Khai Phong (Hà Nam) và Bạc Châu (An Huy) ngày nay.

Lời bàn: Một nước mà vua chẳng ra vua, ươn hèn ngu muội, quan chẳng ra quan, tham tàn kiêu xa, để đến nỗi dân khốn cùng, tài khánh kiệt, quân đội liệt nhược, chính sự mục nát, mà chỉ cậy vào cái kho lương đầy, cái thành đắp cao cùng những tờ minh ước của các lân lang thì tài nào nước không mất.

Một nước như Trần đây, thật là tự mình làm cho mình diệt vong trước, rồi nước ngoài mới đến xâm lăng mà diệt đi sau vậy.

216. Cùng, đạt bởi số
 Bắc Cung Tử hỏi Tây Môn Tử rằng:
Tôi với bác cùng một thời mà người ta quý bác cùng một họ mà người ta kính bác, cùng làm quan mà bác sang hơn tôi, cùng làm ruộng mà bác giàu hơn tôi, cùng đi buôn mà bác lắm lời hơn tôi. Tôi mặc, phải mặc áo cộc, ăn phải ăn gạo hẩm, ở thì một túp nhà tranh, đi thì đi chân không. Bác thì mặc những gầm vóc, ăn những thịt, cá, ở thì gác tía lầu hồng, đi thì đi xe xe ngựa ngựa. Ở nhà, thì coi bác ra lạt lẽo có bụng khinh tôi, trong triều thì coi ra bộ hơn hớn có dáng vẻ khinh tôi. Bác với tôi chẳng hỏi han đến nhau, chẳng chơi bời với nhau đã mấy năm nay rồi, vậy thì bác tự cho là bác tài đức hơn tôi chăng?

Tây Môn Tử đáp:
Tôi cũng không rõ thật tôi hơn được bác không. Nhưng bác làm việc gì cũng vấp váp, tôi là việc gì cũng thanh thản. Đó có phải là cái trưng nghiệm tài đức hơn kém nhau chăng? Bác lại nói điều gì cũng bằng tôi, chằng đáng thẹn lằm ư!

Bắc Cung Tử không biết nói sao nữa, ngậm ngùi ra về. Giữa đường gặp Đông Quách tiên sinh, tiên sinh hỏi:
Anh này đi đâu về? Coi mặt sao buồn thế?

Bắc Cung Tử thuật lại câu chuyện kia.

Tiên sinh bảo:
Được, để ta gỡ khỏi xấu hổ cho.

Rồi tiên sinh cùng đi với Bắc Môn Tử đến nhà Tây Môn Tử, hỏi rằng:
Sao anh nói nhục Bắc Cung Tử tệ thế? Anh nói gì, kể lại tôi nghe.

Tây Môn Tử đáp:
Hắn nói kể về họ hàng, đi làm quan, đi buôn làm ruộng thì hắn cũng bằng như tôi mà sao giàu, nghèo sang hèn thì lại khác hẳn tôi. Tôi bảo rằng : tôi cũng không chắc tôi tài đức hơn gì hắn, nhưng cứ so cái việc của hắn làm hay vấp váp, cái việc của tôi làm được thanh thản, thì tức là cái trưng nghiệm hơn kém nhau mà hắn lại cứ nói việc gì cũng như tôi chẳng là xấu hổ lắm ru?

Đông Quách tiên sinh nói:
Anh nói hơn với kém chẳng qua chỉ nói hơn kém bề ngoài, chớ ta mà nói hơn với kém thì lại khác. Bắc Cung Tử hơn anh về cái đức mà kém anh về cái số phận, còn anh thì số phận hơn Bắc Cung Tử nhưng đức lại kém. Anh gặp may mà đạt không phải anh có khôn gì. Bắc Cung Tử bị rủi mà cùng cũng không phải có dại gì. Sự may rủi đó đều bởi trời cả không phải bới người. Vậy mà anh dám hợm mình về số phận của anh, còn Bắc Cung Tử thì lại tủi về tài đức của mình, hai anh đều là không biết cái lẽ tự nhiên cả.

Tây Môn Tử nghe nói, chịu là phải bảo rằng:
Thôi, xin lỗi tiên sinh, từ rày tôi không dám nói vậy nữa.
Bắc Cung Tử cũng tỉnh ngộ ra. Khi về nhà, mặc cái áo vải cộc mà coi ấm áo như áo lông cừu, ăn cơm gạo hẩm mà coi ngon như gạo tám thơm, ở nhà tranh mà coi rộng như nhà ba tần, đi dép cỏ mà coi sung sướng như ngồi xe ngựa. Trọn đời lúc nào cũng vui sướng trong lòng, không biết cái vinh cái nhục là gì nữa.

Liệt Tử

Giải nghĩa:
Thanh thản thông suốt bằng phẳng, không có gì trở ngại.

Trưng nghiệm: việc có chứng cứ rõ ràng thật.

Đạt: làm nên vẻ vang sung sướng.

Cùng: không làm nên gì, khốn khó nghèo khổ.

Tỉnh ngộ: đương mê muội mà hiểu rõ, rồi tự biết đã lầm.

Lời bàn:
Bắc Cung Tử hỏi Tây Môn Tử là có ý không phục Tây Môn Tử. Nghĩ đáng giận thật: cái gì mình cũng bằng người ta mà sao lại kém người ta? Còn Tây Môn Tử đáp Bắc Cung Tử thế là lên mặt hơn người ta, tất là có cớ làm sao chứ? Thành ra một người cậy cậy tài đức hơn mà bực mình, một người cậy vận mệnh hơn người mà lên mặt. Ấy ở đời tài đức và mệnh vận thường vẫn không đi đôi với nhau: có tài đức mà phải kém người không tài đức mà được số hơn người. Ai giải cho ta cái lẽ ấy? Đông Quách Tiên sinh, mà tức là tác giả cho rằng: Chẳng qua là do ở số phận mà số phận là do ở trời định, người ta không thể sao cãi được. Thực hợp với câu cổ ngữ "May hơn khôn" của ta đó. Vậy ở đời hơn kém nhau là tại số phận cả. Nếu ta đã biết thế, thì ta hơn người ta cũng chẳng nên khinh người vì ta hơn là hơn về cái may, chớ vị tất đã hơn về cái tài đức. Còn ta cảnh ngộ mà kém người, ta cũng chẳng nên phàn nàn, vì phàn nàn vô ích mà tâm ta lại phải c&a 

 Hết Phần 10

Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét