Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Hoài Cựu - Tô Đông Pha

Năm nay , trong tiết đông lạnh , vùng Plano Texas , chỗ chúng tôi ở , trời trở chứng , nhiệt độ trong ngày lên xuống thất thường , dường như cơ thể già nua đã không thích ứng kịp , đầu gối bị đau nhức , đôi khi chịu không thấu , lại nhớ đến...con lừa trong thơ Tô Đông Pha. "Lộ trường , nhân khốn , kiển lư tê" . Đường còn xa , người đã mỏi mệt , mà con lừa cưỡi thì chân lại đi khập khiễng , kêu đau . Trong cơn đau nhức trời hành này , năm cùng tháng tận , tôi ngồi viết mấy hàng chữ này để mọi người thân quí trong nhà đọc cho vui cùng tôi và cùng nhau, thân tâm an lạc , đón mừng năm 2014 , một Năm Mới  an lành ,hanh thông , và như ý. 
 PKT 12/29/2013

Hoài Cựu
Tô Đông Pha(1037 - 1101)

Nhân sinh đáo xứ tri hà tự
Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê
Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo
Hồng phi na phục kế đông tây
Lão tăng dĩ tử thành tân tháp
Hoại bích vô do kiến cựu đề
Vãng nhật kỳ khu hoàn ký phủ
Lộ trường nhân khốn kiển lư tê

Phụ chú :

Nguyên đề bài là : Họa Tự Do Mãnh Trì Hoài Cựu , họa bài Mãnh Trì Hoài Cựu của Tử Do. Tử Do là em của Tô Đông Pha. Mãnh Trì là tên huyện thuộc tỉnh Hà Nam.

Dịch Xuôi : Hoài Cựu
PKT 12/29/2013

Đời người rồi sẽ đi về đâu nhỉ
Có phải tựa như một con chim hồng bay đạp trên tuyết rơi
Ngẫu nhiên để lại dấu chân trên tuyết
Rồi thoắt đó bóng hình chim đã bay vút đông tây mất hút rồi
Vị tăng già đã viên tịch , ngôi tháp mới cho tăng vừa mới xây xong
Bức tường cũ thơ đề nay đã đổ nát không còn thấy chữ viết nữa
Không biết đường đi gian truân ngày trước có được ghi lại không
Bây giờ chỉ biết , đường còn xa , người đã mỏi mệt , con lừa khập khiễng kêu đau

              Hoài Cựu
                        PKT  12/29/2013
Kiếp người rồi sẽ về đâu nhỉ ?
Tựa cánh hồng bay đạp tuyết rơi.
Đây đó dấu chân còn đọng tuyết ,
Mà đâu hình bóng đã mù khơi.
Tăng già , tháp mới yên phần xác ,
Chữ viết , tường rêu lấp mất lời.
Khổ nạn ngày qua , trời đất biết ,
Đường dài , lừa ốm...bỡn nhau thôi !

--------

Lộc Mai xin cám ơn Thầy đã chúc mừng năm mới và giới thiệu bài thơ Đường đặc sắc của Tô Đông Pha cùng bài dịch rất hay của Thầy. Lộc Mai xin góp bài phỏng dịch sau đây , gởi đến Thầy và các bạn:

             HOÀI CỰU

Đi về đâu hỡi, kiếp con người ?
Tựa cánh chim bằng lướt tuyết rơi
Vừa thấy dấu chân in thảm trắng
Thì đà bóng dáng khuất mù khơi
Tăng già yên nghỉ sâu lòng tháp
Tường cũ tang thương nhạt chữ lời
Hiểm trở đường xưa, ai có nhớ
Lừa đau, người mỏi, nẻo xa xôi.
                         Lộc Mai
--------

Mailoc xin góp vần cùng Thầy Trí  và LộcMai . Rất thích hai bài dịch trên . Xin cảm tạ 
Thân kính 
Mailoc
                                                     Hoài Cựu
 
Đường vạn nẻo đời người chẳng biết
Tựa cánh hồng giẫm tuyết rơi đầy  
Dấu chân bỗng chốc còn đây
Mà hồng heo hút đông tây xa vời
Trong tháp mới sư già thâm tịch
Tường đổ rồi dấu tích thơ đâu
Nhớ thương khập khểnh dãi dầu
Mệt nhoài la mỏi nỗi sầu đường xa
                                 Mailoc phỏng dịch
                                    Cali 29-12-13
 -------------
Xin mạo muội góp vần cùng quí anh chi em cho vui lúc nằm sắp tàn.
Xin cám ơn và chúc mọi người yên vui
Quang Tuấn
 
           NHỚ XƯA
 
Nhân sinh nào biết về đâu nhỉ?
Như cánh chim hồng giẫm tuyết rơi.
Ôi dấu chân kia còn rõ đó
Mà hình bóng ấy đã xa rồi.
Tăng già tháp giữ thân yên ổn
Tường cũ lời ghi nét nhạt phai.
Đường trần muôn thuở luôn gian khổ
Dặm thẳm. người lừa mệt quá thôi.
 
                   Chiều ngày 30/12/2013
                       QUANG TUẤN
-------------

 Kính Thưa Quý Thầy, Cô, Anh, Chị,
Vừa nhận được Bài của Các Thầy Cô, tôi tìm ngay bản chữ Hán gởi ra đây để cùng nhau tham khảo.

和子由澠池懷舊    Hoạ Tử Do Mãnh trì hoài cựu
人生到外知何似,   Nhân sinh đáo xứ(?) tri hà tự
應似飛鴻踏雪泥。   Ứng tự phi hồng đạp tuyết nê
泥上偶然留指爪,    Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo
鴻飛那復計東西。    Hồng phi ná phục kế đông tê(tây)
老僧已死成新塔,    Lão tăng dĩ tử thành tân tháp
壞壁無由見舊題。    Hoại bích vô do kiến cựu đề
往日埼嶇還記否,    Vãng nhật kỳ khu hoàn ký phủ
路人長困蹇驢嘶。     Lộ nhân trường khốn kiển lô đề.

Có một điều ở câu thứ nhất, chữ thứ tư ( 外 ) là chữ ngoại có nghĩa là bên ngoài.

     Nhớ Lại Nơi Xưa
Sinh ra rồi sẽ đến đâu đây
Tựa cánh hồng đi trên tuyết lầy
Móng vuốt hãy còn lưu dấu vết
Bay nhanh chẳng thiết hướng đông tây
Sư già tháp mới vùi xương cốt
Tường đổ thơ đề mất tiếc thay
Hiểm trở lối xưa giờ vẫn nhớ
Người la mệt lả đoạn đường này

                                    Quên Đi
------------

Nhân dịp đầu năm, góp vài ý với các bạn yêu thơ Đường.

和子由澠池懷舊    HỌA TỬ DO MÃNH TRÌ HOÀI CỰU

人生到處知何似,   Nhân sinh đáo xử, tri hà tự  
應似飛鴻踏雪泥。   Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê
泥上偶然留指爪,   Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo
 
鴻飛那復計東西。   Hồng phi na phục kế đông tê.
老僧已死成新塔,   Lão tăng dĩ tử, thành tân tháp
壞壁無由見舊題。   Hoại bích, vô do kiến cựu đề.
往日埼嶇還記否       Vãng nhật kỳ khu, hoàn ký bĩ
路長人困蹇驢嘶。   Lộ trường nhân, khốn kiển lư đề.
                     
蘇軾 

họa bài Mãnh Trì Hoài Cựu của Tử Do
Chuyện xử thế của con người, ta biết theo ai !
Bắt chước con chim hồng lướt trên bùn tuyết ư ?
Bùn tuyết chỉ tình cờ ghi lại dấu vết của nó.
Kế sách "Hồng bay" cũng đâu giải quyết được gì trước nay
Hay như Lão tăng vừa viên tịch để lại ngôi tháp mới xây.
Vì bức tường đã hỏng, bài thơ của ông đề không còn thấy nữa
Ngày trước thật uổng cái kỳ công, vì lời ghi không hay .
Đi đường dài gặp cơn khốn đốn chỉ vì sự thua kém nên chỉ biết kêu lên.

Vài từ ngữ
Đáo xử : đến chuyện xử thế
Ưng tự : nên theo cái nào
Na phục : đâu giải quyết được
Kế đông tây : kế sách xưa nay
Tân tháp : tháp xây dùng đựng cốt nhà sư mới viên tịch
Hoàn ký bĩ : chỉ vì lời ghi không hay (ám chỉ lời chê lúc trước của ông về thơ Vương An Thạch).
Kiển lư : ngựa què từ ngữ chỉ sự thua kém

Bài thơ này, theo tôi nghĩ, là ông than vì chuyện xử thế vụng của mình mà bị đày đi xa (chuyện ông sửa thơ của Vương An Thạch và bị Thạch để tâm, khi hắn lên làm Thừa tướng, hắn đã trả thù bằng cách đày ông đến nhiệm sở mới nơi mà trước đây đã hình thành bài thơ của Thạch, cũng giống chuyện nhạc sĩ Văn Cao, hồi trước có lần Tố Hữu rủ ông lại nhà để khoe mấy bài thơ ông ta mới làm, Văn Cao trả lời : thơ cậu thì có gì mà phải đọc. Tố Hữu để tâm thù, khi nắm quyền đã đày ải Văn Cao suốt đời không ngóc đầu lên nổi, nhờ Văn Cao là tác giả bài Quốc ca nên mới không bị đi tù như các bạn hữu của ông).
Nội dung bài này rất khó dịch cho lọn nghĩa mà không làm sai lạc ý thơ. Nhân đầu năm, thôi thì cũng xin góp lời kẻo bạn Lộc lại hỏi : sao dạo này anh còn dịch thơ Đường nữa không ?

Họa bài Mãnh Trì Hoài Cựu của Tử Do
Đường đời xử thế, biết chi nêu
Bắt chước chim hồng, vượt tuyết rêu ?
Rêu tuyết tình cờ in dấu vết
Hồng phi há dễ giải nan điều !
Lão tăng vừa tịch, tháp còn đấy,
Tường nát, khó tìm, thơ đã tiêu.
Công uổng trước kia, phê hạ sách
Đường dài, tài mọn, chỉ đành kêu.
Danh Hữu dịch
 Chúc quý bạn một năm mới 2014 thi tứ dồi dào, sức khỏe hanh thông.  

Kính thưa Quí Thầy Cô, Đồng Môn, Thân Hữu Thân mến,

           Vắng tiếng lâu nay, vì tâm tình còn trĩu nặng, hôm nay chợt mở mail, đọc được các bài dịch của Quí Thầy và Các Bạn về cuộc sống nhân sinh, cũng chợt thấy lòng cảm khái, nên xin được tham gia với các phần sau :

   1. NGUYÊN TÁC CỦA BÀI THƠ :

和子由澠池懷舊    HỌA TỬ DO MÃNH TRÌ HOÀI CỰU

人生到處知何似,   Nhân sinh đáo xứ tri hà tự
應似飛鴻踏雪泥。   Ưng tự phi hồng đạp tuyết nê
泥上偶然留指爪,   Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo
鴻飛那復計東西。   Hồng phi nả phục kế đông tê (tây)
老僧已死成新塔,   Lão tăng dĩ tử thành tân tháp
壞壁無由見舊題。   Hoại bích vô do kiến cựu đề
往日埼嶇還記否?    Vãng nhật kỳ khu hoàn ký phủ?
路長人困蹇驢嘶。   Lộ trường nhân khổn kiển lô đề.
                      蘇軾                                               Tô Thức

    2. XUẤT XỨ CỦA BÀI THƠ :

         Năm Gia Hựu Nguyên niên đời Tống Nhân Tông ( năm 1056 ), Tô Tuân dẫn Tô Thức và Tô Triệt lai kinh ứng thí, trên đường đi ngang qua huyện Mãnh Trì, đêm trọ lại cư thất của Phụng Nhàn Hòa Thượng, có đề thơ trên vách chùa.
         Năm Gia Hựu thứ 6, Tô Thức ( Tự là Tử Chiêm, Hiệu là Đông Pha Cư Sĩ ) đến nhậm chức quan ở Phụng Tường, trên đường đi, lại đi ngang qua huyện Mãnh Trì, được em là Tô Triệt ( tự là Tử Do ) gởi cho bài thơ " Hoài Mãnh Trì kí Tử Chiêm Huynh Thi "  懷澠池寄子瞻兄詩, nên mới làm bài thơ nầy để họa lại.

   3. GÓP Ý :
      a) Về chữ thứ tư của câu đầu : Bạn Huỳnh Hữu Đức ghi chữ NGOẠI 外 là vì bạn nhầm với chữ Giản Thể của chữ Xứ 處 được viết như thế nầy : 处. Nên câu đầu căn cứ theo nguyên tác phải là :
        Nhân sanh đáo XỨ tri hà tự.
      b) Chữ đầu của câu thứ 2 phải đọc là ƯNG.
        Chữ 應 đọc là ƯNG là Phó từ , có nghĩa : PHẢI, NÊN. Ví dụ : Ưng Thị, Ưng tự( Phải là ).
        Đọc là ỨNG là Động Từ, có nghĩa : LÊN TIẾNG. Ví dụ : Đồng Thanh Tương Ứng, Hưởng Ứng.
      c) Chữ 那 , ở đây phải đọc là NẢ, vì đúng ra chữ nầy phải được viết như thế nầy : 哪, là Nghi vấn từ dùng để hỏi, có nghĩa là NÀO?, là SAO?.
      d) Câu chót phải là :
         LỘ TRƯỜNG NHÂN KHỔN kiển lư tê.
         Lộ Trường Nhân Khổn là Đường dài người mỏi. Chữ nầy 困 đọc là KHỐN, có nghĩa là KHÓ, ta có từ Khốn Khó. Còn đọc là KHỔN thì có nghĩa là Mỏi Mệt.
 
   4. DIỄN NÔM :

         HỌA BÀI MÃNH TRÌ HOÀI CỰU Của TỬ DO.

             Cuộc sống người đời chẳng biết sao?
             Tựa chân nhạn đạp tuyết hôm nào.
             Ngẫu nhiên dấu ấn lưu trên tuyết,
             Bình thản cánh hồng bay đến đâu?
             Tháp mới sư già vừa viên tịch,
             Tường hư thơ mất mới hôm nao !
             Chông gai ngày cũ quên hay nhớ ?
             Người mõi đường xa lừa hí đau !
                                                    Đỗ Chiêu Đức.

   Bài thơ nây còn ẩn Ý THIỀN ở bên trong !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét