Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014

Điển Hay Tích Lạ: 2


 
Đằng Vương Các Tự 

   Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.    Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy, cầm ngay bút viết. Vương nổi tiếng là một thi sĩ cao danh thời Sơ Đường (618-713).
    Con của vua Cao Tông nhà Đường bấy giờ làm Thái Sử ở Hồng Châu, được phong là Đằng Vương, có dựng một cái gác bên sông Tầm Dương gọi là "Đằng Vương Các". Lúc Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô Đốc Hàng Châu, đặt tiệc tại gác Đằng Vương để thết tân khách. Muốn khoe tài chàng rể, bảo làm trước một bài tự, rồi mời tất cả các nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân xa gần đến dự; và yêu cầu mỗi người làm một bài tự ngay bữa tiệc.
    Vương Bột lúc bấy giờ, tuổi vừa 15, 16. Hay tin ấy, nhưng vì đường xá xa xôi có mấy trăm dặm, không đến họp được, lấy làm tiếc. Một ông già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên đêm đó có gió lớn. Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc.
    Thấy Vương Bột, viên Đô Đốc họ Diêm khinh là con nít, miễn cưỡng cấp giấy bút. Nhưng cho người đứng bên cạnh Vương, hể Vương viết được câu nào thì chép lại cho ông xem.
    Mới đọc hàng đầu, họ Diêm đã ngạc nhiên vì lời già giặn. Đến câu:
        Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
        Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc
    Nghĩa:
        Ráng chiều với cò lẻ cùng bay,
        Nước thu cùng trời dài một sắc
    thì ông vô cùng khâm phục.
    Bài của họ Vương đặc sắc hơn tất cả. Từ đó, danh càng vang dậy khắp nơi.
    Bài phú "Đằng Vương các" viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì cực đẹp nên rất khó dịch. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật ở quận, nơi xây gác Đằng Vương, rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra, sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.
    Cuối bài thơ, có 8 câu tuyệt diệu, nhất là 4 câu cuối:

        Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
        Vật hoán tinh di, không độ thu?
        Các trung đế tử kim hà tại?
        Hạm ngoại trường giang không tự lưu.
    Nghĩa:
        Đầm chiếu mây bay, trời lửng lơ,
        Sao dời vật đổi, mấy thu rồi.
        Con vua trong gác nào đâu nhỉ?
        Dòng nước ngoài hiên vẫn tự trôi.

    Nhưng người có tài như thế mà mạng yểu. Nhân khi đi thăm cha làm quan ở Giao Chỉ, Vương bị đắm thuyền, chết ở giữa biển giữa 29 xuân xanh.
Tương truyền rằng hai câu thơ:
    Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
    Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc.
 tuyệt diệu như thế mà có người cho Vương Bột còn dốt, nhưng không chỉ dốt chỗ nào. Vì thế khi chết, hồn còn uất ức nên trong đêm khuya thanh vắng thường hiện hình trên bãi bể, níu áo những văn nhân sĩ tử qua đường, miệng ngâm nga hai câu thơ trên và hỏi dốt chỗ nào, xin chỉ giúp. Nhưng ai nấy đều khen hay. Hồn Vương không bằng lòng, cho rằng sĩ tử kia còn dốt, thi khoa này không thể đậu. Quả thật như thế.
    Rồi, cũng từ đó, giọng ngâm hai câu thơ kia vẫn còn văng vẳng bi ai theo hình bóng họ Vương thơ thẩn, dật dờ trên bãi biển.
    Nhưng một hôm có một văn nhân đi ngang qua đấy, hồn Vương hiện hình níu lại hỏi, thì chàng văn nhân ấy cười bảo:
    - Hai câu thơ ấy không phải sai nhưng nhà ngươi còn dốt thật. Đã bao năm có tiếng là tứ kiệt Sơ Đường mà không nhận biết được cái dốt của mình trong hai câu thơ ấy ư?
    Nói xong dứt áo ra đi. Vương tha thiết yêu cầu giải thích. Khách không phụ lòng, nên bảo:
    - Hai câu thơ thừa chữ "dữ" và chữ "cộng". Nếu bỏ hai chữ thì thật tuyệt, vừa gọn vừa thanh thoát, lại nhất khí:

        Lạc hà cô vụ tề phi,
        Thu thủy tràng thiên nhất sắc.
Vương Bột nhận ra, quả còn dốt thật, mới bái tạ lãnh lời chỉ giáo.
    Từ đó, trong đêm khuya thanh vắng, trên bãi biển không còn hình bóng của nhà thơ tài danh trẻ tuổi hiện ra nữa. Và giọng ngâm hai câu thơ bất hủ bi ai, não ruột kia cũng chìm mất trong không gian cao rộng, mịt mờ. Đây là một câu chuyện hoang đường.
    Do câu chuyện gió đưa thuyền Vương Bột đến Đằng Vương Các làm cho Vương nổi tiếng tài danh, nên cổ thi có câu: " Thời lai, phong tống Đằng Vương các " (Thời tới thì gió đưa đến Đằng Vương) để chỉ sự may mắn của kẻ gặp thời. Những từ ngữ: "duyên Đằng", "gió đưa Đằng các" đều có ý nghĩa như thế.

    Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du có câu: "Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa" là do điển tích trên.





                                  Khúc Đàn Thuỷ Tiên



         Đất Kim Lăng bên Trung Quốc là nơi phồn hoa đô hội, thường dùng làm kinh đô cho các triều đại lâu đời. Ở đây có nhiều nơi danh thắng, khiến cho mặc khách tao nhân không ai là không muốn lưu liên thưởng ngoạn. Nhất là trên sông Tần Hoài, bên hồ Mặc Sầu, vào khoảng mùa xuân mát mẻ, những cành cây xanh, nước biếc, núi lam cũng đủ cung ngoạn cho các mặt tài tử giai nhân.
        Có một chàng tên Giang Thu San, quê ở An Huy, vốn người phong nhã, tính ưu ngao du sơn thủy. Gặp buổi ngày xuân, chàng liền rủ bạn sang Kim Lăng thưởng xuân. Đến nơi nghe đồn trong vùng có một tuyệt thế giai nhân tên Thủy Tiên Tử, nổi tiếng danh cầm, gần xa ai cũng bái phục. Động lòng hâm mộ, họ Giang cùng bạn cố tình tìm hỏi cho được đến nơi.
        Buổi đầu gặp gỡ, để xin nghe tiếng đàn, Thu San hết sức van nài, mới được nàng chấp thuận. Đoạn, nàng ung dung vặn trục dạo tiếng cho nghe.
        Thoạt khi tay tiên đặt đến tơ đồng, chỉ nghe khoan khoan nhè nhẹ, vẳng xa như có như không. Dần dần thi thấy vẻ người trầm lặng, hai tay thoăn thoắt nhanh nhanh. Rồi tiếng đàn chuyển sang giọng dồn dập sôi nổi như gió gào gió thét, như chen với tiếng muôn quân nghìn ngựa xình xịch đổ tới. Kế đó, lại nổi giọng nỉ non réo rắt như oán, như than, khiến người ngồi nghe mê mẩn tâm thần như phiêu diêu chốn non Bồng, nước Nhược.
        Thật là:
          Trong như tiếng hạc bay qua,
     Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
     Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
    Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
 
 
 "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du)
        Một lúc đàn im, Thu San từ từ định tỉnh và hỏi khúc đàn gì? Thủy Tiên Tử đáp:
- Đây là khúc "Thủy Tiên", tiện thiếp phỏng theo khúc "Thủy Tiên Tháo" của tay danh cầm ngày xưa là Bá Nha mà sáng tạo nên.
        Thu San hỏi nguồn gốc, nàng ung dung kể lại rằng: "Ngày xưa, Bá Nha học đàn của ông Thành Liên. Được ba năm thì đàn đã hay như chưa nhập điệu. Thành Liên bảo: "Thầy ta là Tử Xuân ở ngoài biển cả, có thể dùng đàn làm thay đổi lòng người. Vậy ta cho ngươi ra đó để học thêm."
        Đoạn dẫn Bá Nha xuống thuyền ra một hòn đảo giữa biển khơi, bảo Bá Nha ở đợi, ông sẽ đón thầy đến. Rồi dong thuyền đi thẳng, không thấy trở lại. Bá Nha một mình ở giữa đảo, chỉ thấy núi rừng mờ mịt, tiếng nước biển vỗ dồn dập, réo rắt chung quanh, chim chóc kêu rên bi thiết. Bá Nha cảm thấy buồn lạnh cả người, bất giác thở dài than: "Thầy ta muốn làm thay đổi tính tình ta đây ..."
        Đoạn cầm đàn trổi lên một khúc. Vừa dứt khúc, đã thấy Thành Liên quày thuyền trở lại đón. Từ đấy, Bá Nha nổi tiếng là bực danh cầm; và khúc đàn ấy đặt tên là "Thủy Tiên Tháo". Tiện thiếp rất say mê khúc đàn đó nên mới mượn để đặt làm tên".
        Thu San nghe xong, thán phục. Đoạn thở dài, nói với nàng:
- Trong "Tỳ Bà Hành" của Bạch Cư Dị có câu:

    Đại huyền tao tao như cấp vũ,
    Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ.
    Tao tao thiết thiết thác tạp đàn,
    Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn" ...

        Xưa nay, tôi vẫn cho lời thơ ấy diễn tả quá đáng. Nhưng hôm nay, diễm phúc nghe được điệu đàn của quý nương mới nhận thấy lời cổ nhân thật bức thiết chân tình.
        Thủy Tiên Tử khiêm tốn từ tạ, đoạn sai thị nữ pha trà thủy tiên ra thết khách.
              Bọn Thu San nâng chén nước uống, nghe thoang thoảng mùi thơm thanh nhã, khác hẳn với các vị hương trà quý thường dùng hằng ngày. Bất giác, ai cũng cảm thấy khoan khoái tinh thần như hiện thân như tiên cảnh.
        Từ tạ ra về nhưng lòng khách vẫn quyến luyến, nao nao tưởng nhớ. Nơi quê hương, không lúc nào không nhắc nhở đến Thủy Tiên.
        Mùa xuân năm sau, Thu San chạnh lòng nhớ người năm cũ, lần mò tìm đến Kim Lăng, mong lại được nghe tiếng đàn tuyệt diệu của con người ngọc. Nhưng đến nơi thì khách giai nhân ngày xưa vắng bặt, chỉ thấy cây xanh nước biếc một màu!
 

                Để Thiếp Theo Chồng Mấy Dặm Khơi
Nàng tên là Mỵ Ê, người Chiêm Thành, không biết họ gì, vốn vương phi vua Chiêm Xạ Đẩu.

Triều vua Lý Thái Tông (1028-1054) nước Đại Việt, Xạ Đẩu không theo lệ cống, thất lễ phiên thần, vua tự đem binh Nam chinh.
Xạ Đẩu bày trận ở sông Bồ Chính nhưng bị quân nhà Lý đánh bại. Xạ Đẩu chết tại trận. Vua nhà Lý tiến vào thành Phật Thệ là quốc đô của Chiêm Thành bắt được vương phi Mỵ Ê cùng một số cung nhân, nhạc nữ, đem về nước.
Khi thuyền đến sông Lý Nhân, giữa đêm, vua nghe Mỵ Ê có sắc đẹp, bèn sai quan Trung Sứ với đến chầu thuyền ngự. Mỵ Ê không dấu được nỗi phẫn uất, từ chối rằng:
- Vợ phường man rợ quê mùa, y phục xấu xí, ngôn ngữ thô lỗ, không giống các phi tần Trung Hoa. Nay nước tan, chồng mất, chỉ mong một chết là thỏa lòng; nếu cưỡng bức hợp hoan, ngại nỗi làm dơ mình rồng vậy.
Đoạn, nàng lén lấy chăn lông chiên quấn lấy kín thân mình định phó tính mạng cho dòng nước chảy. Thế là, đánh ầm một tiếng, mất tăm hình bóng người xinh.
Nhà vua kinh hoảng tự hối, muốn cứu nhưng không sao kịp nữa.
Tương truyền từ đó, nơi này mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, người ta thường nghe văng vẳng có tiếng phụ nữ khóc kể bi ai. Dân trong vùng cho việc kinh dị, xin lập đền thờ, bấy giờ mới dứt tiếng khóc.
Một hôm, có dịp, vua Lý Thái Tông đến sông Lý Nhân. Thuyền thả giữa dòng, đến đấy, nhà vua thấy trên bờ có ngôi đền thờ, lấy làm lạ hỏị Hầu thần đem chuyện Mỵ Ê kể lại. Vua lặng yên hồi lâu, phán rằng:
- Không ngờ gái rợ lại có kẻ u trinh đến thế, quả là một gái phi thường. Thế nào cũng có sự báo thù.
Đêm ấy đã canh ba, chợt nghe một trận gió thơm thổi đến, khí lạnh tê người. Nhà vua chợt thấy một người đàn bà yểu điệu, dung nhan đẹp đẽ, uy nghi bước đến, cúi lạy vừa khóc rằng:
- Thiếp nghe đạo của kẻ phụ nhân là tòng nhất nhi chung. Quốc vương trước của thiếp tuy chẳng dám so sánh cùng bệ hạ nhưng cũng là bực nam tử kỳ tài riêng cõi. Thiếp từng được lạm dự phần khăn lược, chẳng may gặp phải cảnh nước tan chồng mất, thiếp đêm ngày sầu thương, rầu rĩ, chỉ lo báo bổ. Nhưng quần thoa yếu ớt chẳng biết tính sao? May nhờ hồng ân của bệ hạ sai Trung Sứ tiễn thiếp xuống tuyền đài hội ngộ cùng chồng. Sở nguyện của thiếp thỏa rồi, thế còn có linh gì mà dám đến đây đường đột!...
Nói xong, không thấy đâu nữa.
Vua kinh hãi tỉnh giấc, mới hay là chiêm bao. Đoạn truyền đem lễ vật đến miếu cúng tạ, sắc phong làm Hiệp Chính Nương. Từ đó về sau, dân chúng xa gần cầu đảo đều thấy linh ứng.
Cảm nỗi chua xót của nàng Mỵ Ê phải tuẩn tiết trong cảnh nước mất nhà tan, thi sĩ Tản Đà có làm bài thơ từ khúc để tả nỗi lòng của người vương phi bạc mạng:

Châu giang một giải sông dài,
Thuyền ai than thở, một người cung phi!
Đồ Bàn thành phá hủy,
Ngoạ Phật tháp thiên di.
Thành tan, tháp đổ
Chàng tử biệt,
Thiếp sinh ly.
Sinh ký đau lòng kẻ tử quy!
Sóng bạc ngàn trùng
Âm dương cách trở
Chiên hồng một tấm,
Phu thê xướng tùy.
Ôi mây! Ôi nước! Ôi trời!
Đũa ngọc, mâm vàng, giọt lụy rơi.
Nước sông trong đục,
Lệ thiếp đầy vơi
Bể bể, dâu dâu, khóc nỗi đời!
Trời ơi! Nước hỡi! Mây hời!
Nước chảy, mây bay, trời ở lại,
Để thiếp theo chồng mấy dặm khơi! ...

                                    Đồng Tước Đài
         Tào Tháo đời Tam Quốc (220-264) có xây một cái đài bên sông Chương Hà tỉnh Hà Nam, đặt tên là Đồng Tước. Đài này cực kỳ tráng lệ. Tháo sai người trang hoàng tô điểm rất lộng lẫy, rồi tuyển gái đẹp khắp vùng đem chứa vào trong.
        Tào Tháo có đứa con nhỏ tên Tào Thực, tự Tử Kiến có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Đồng Tước, Tháo sai con làm bài phú "Đồng Tước đài" để ca tụng công nghiệp của Tào. Bài phú rất đặc sắc:
        Bản dịch của Tử Vi Lang:

    Noi đức sáng thánh quân rực rỡ
    Lên lầu đài hớn hở lòng xuân.
    Xem công Thái Thú chăn dân,
    Đức cao vời đã thấm nhuần nơi nơi.
    Dựng lên giữa lừng trời xanh ngắt,
    Đài nguy nga bát ngát không trung.
    Mỹ quan nào kém non Bồng,
    Gác cao, tây vực nhìn thông nẻo đoài.
    Dòng Chương Thủy chảy dài trong suốt
    Tưới nhuần vườn cây tốt quả tươi...
    Hai bên tả hữu hai đài:
    Ngọc Long, Kim Phượng sáng ngời ánh dương.
    Bắc hai cầu tây đông nối lại
    Như cầu vồng sáng chói không gian.
    Ngồi cao nhìn xuống cõi trần,
    Đế đô mây ráng xoay vần nổi trôi...
    Mừng rỡ thấy anh tài qui tụ,
    Ứng mộng hùng chuyện cũ Văn Vương.
    Gió xuân đầm ấm đưa hương,
    Muôn chim đua hót du dương hài hòa.
    Cao đẹp tựa trời mây muôn thủa,
    Phúc nhà may chất chứa dài lâu.
    Khắp cùng vũ trụ nhiệm mầu,
    Đề cao nhân hóa, kính chầu thượng kinh.
    Noi Tề, Tấn nghĩ mình hưng thịnh,
    Phò thánh minh cùng sánh công lao
    Xinh tươi bền vững biết bao!
    Ơn sâu nước ngấm, đức cao xa đồn.
    Phò tá đấng Chí Tôn gìn giữ
    Xây thái bình thịnh trị bốn phương.
    Phép trời khuôn đất đo lường.
    Ánh trăng cùng với ánh dương điều hòa.
    Tôn quý ấy truyền xa mãi mãi,
    Thọ vô cùng, thọ với chúa Xuân!
    Ngự long kỳ buổi an nhàn,
    Hoặc khi vội vã, xe loan trở về.
    Ơn giáo hóa tràn trề bốn biển
    Vui mầng thay vật kiện dân khang!
    Đài nầy đứng mãi hiên ngang,
    Điểm tô kim cổ, son vàng thắm tươi..."
Nguyên văn:
    Tòng minh hậu dĩ hì du hề,
    Đăng tầng đài, dĩ ngu tình.
    Kiến Thái Thủ chi quảng khai hề.
    Quan thánh đức chi sở dinh
    Kiến cao môn chi tha nga hề,
    Phù song Khuyết hồ Thái thanh.
    Lập trung thiên chi hoa quan hề,
    Liên phi các hồ Tây vực.
    Lâm Chương Thủy chi trường lưu hề,
    Vọng viên quả chi tư vinh.
    Lập song đài ư tả hữu hề,
    Hữu Ngọc Long dữ Kim Phượng
    Liên nhị kiều vu đông tây hề,
    Nhược trường không chi đế đống.
    Phủ hoàng đô chi hoành lệ hề,
    Khám vân hà chi phù động.
    Hán quần tài chi lai tụy hề.
    Hiệp phi hùng chi cát mộng.
    Ngưỡng xuân phong chi hòa mục hề.
    Thính bách điểu chi bi minh.
    Vân thiên tuyên kỳ ký lập hề,
    Gia nguyện đắc hồ song sinh.
    Dương nhân hóa vu vũ trụ hề,
    Tận túc cung vu thượng kinh.
    Duy hoàn, văn chi duy thịnh hề,
    Khởi túc phương hồ thánh minh.
    Hưu hỹ! mỹ hỹ!
    Huệ trạch viễn dương.
    Dực tá ngã hoàng gia hề.
    Ninh bỉ tứ phương.
    Đồng thiên địa chi qui lượng hề.
    Tề nhật nguyệt chi huy quang.
    Vĩnh quý tôn nhi vô cực hề.
    Đẳng quân thọ ư đông hoàng.
    Ngự long kỳ dĩ ngao du hề
    Hồi loan giá nhi chu chương.
    Tư hóa cập hồ tứ hải hề,
    Gia vật phụ nhi dân khang.
    Nguyện tư đài chi vĩnh cô hề,
    Lạc chung cổ nhi vị hương!


        Bài phú "Đồng Tước đài" được truyền tụng. Tào Thực đáng là đệ nhất thi nhân trong hai đời Tần, Hán và đã mở đường cho lối thơ diễm lệ đời Lục Triều.
        Trong một dịp du thuyền trên sông Trường Giang, rượu ngà say, Tháo cao hứng nói:
- Ta năm nay đã 54 tuổi. Nếu chiếm xong Giang Nam, ta cũng được chút vui mừng riêng. Số là trước kia ta có quen thân cụ Kiều công, được biết cụ có 2 cô con gái, đều là trang quốc sắc thiên hương. Không ngờ về sau Tôn Sách và Chu Du cưới mất! Nay ta đã xây đài Đồng Tước trên sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ đem hai nàng họ Kiều về đấy ở, để vui thú năm tháng về già. Thế là ta mãn nguyện!
        Để khích Chu Du là đô đốc Đông Ngô đánh Tào Tháo, Khổng Minh sửa đổi câu thứ 7 của bài phú "Đồng Tước đài" của Tào Thực. Nguyên văn là:
    Liên nhị kiều vu đông tây hề,
    Nhược trường không chi đế đống.

Nghĩa là:
    Bắc hai cầu tây đông nối lại
    Như cầu vồng sáng chói không gian.


        Đó là nói: hai bên đài Đồng Tước còn có hai đài phụ là Ngọc Long, Kim Phượng, và có hai cái cầu bắc nối vào đài giữa như hai cầu vồng trên lưng trời. Tào Thực dùng hai chữ "đế đống" (hay "chuế đống") là có ý so sánh đài Đồng Tước với cung A Phòng nhà Tần. Trong bài "A Phòng Cung Phú" của Đỗ Mục đời nhà Đường, có câu: "Trường kiều ngọa ba, vị vân hà long? Phức đạo hành không: bất tễ hà hồng?" (Cầu dài vắt ngang sông: chưa có mây sao có rồng? Hai đường bắc trên không: không phải mưa tạnh, sao có cầu vồng?)
Nhưng Khổng Minh lại đổi ra:
    Lãm nhị Kiều ư đông nam hề,
    Lạc triêu tịch chi dữ cộng.

Nghĩa là:
    Tìm hai Kiều nam phương về sống,
    Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân ...

Khổng Minh đem chữ "kiều" (cầu) đổi ra chữ "Kiều" (nàng họ Kiều), đổi chữ "Tây" ra chữ "Nam", đổi chữ "liên" ra chữ "lãm"; còn câu sau thì đổi hoàn toàn khác hẳn, để cố ý trỏ vào hai nàng Kiều.
        Đem chữ "kiều" đổi ra chữ "Kiều", Khổng Minh chủ ý lừa và chọc tức Chu Dụ
        Sau Đông Ngô liên minh cùng Tây Thục, nhờ Khổng Minh cầu đông phong, nên Chu Du dùng hỏa công đốt phá binh Tào tại trận Xích Bích. Tháo thua to, mộng chiếm đất Giang Nam để đoạt lấy hai nàng Kiều đẹp hoàn toàn tan vỡ.
        Thi sĩ Đỗ Mục cũng có bài "Xích Bích Hoài Cổ" rằng:

    Kích gãy, cát chìm, sắt chửa tiêu,
    Rửa mài, nhận thấy dấu tiền triều.
    Gió đông chẳng giúp chàng Chu thắng,
    Đồng Tước đài xuân nhốt hai Kiều.


Nguyên văn:

    Chiết kích trầm sa, thiết vị tiêu
    Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.
    Đông phong bất dữ Chu lang tiện,
    Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.


        Trong "Đoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du có câu: "Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều là do điển tích đó.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét