Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Phạm Ngũ Lão


Thuở còn cấp sách đến trường, khi học về lịch sử, chúng ta không thể quên tựa đề một bài học:

"Ngồi Đan Sọt Mà Lo Việc Nước, Phạm Ngũ Lão"


Phạm Ngũ Lão ( 范五老; 1255-1320) là tướng Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam . Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào ,Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên . Theo sách Tông phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời Nhà Đinh .
Đến đời Phạm Ngũ Lão gia cảnh sa sút cha mất sớm, mẹ già yếu, Phạm Ngũ Lão phải kiếm sống bằng nghề đan sọt. Nhưng ông phụng dưỡng mẹ chu đáo, hiếu thảo. Ông nổi tiếng thông minh, ham đọc sách và chịu luyện rèn nên đã tinh thông võ nghệ.

Chuyện kể rằng, một hôm đoàn quân của Đức ông Trần Hưng Đạo kéo ngang qua, dân chúng hết thảy đều dẹp sang 2 bên, nhường đường, riêng Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi xếp bằng tròn, điềm nhiên đan sọt bên vệ đường còn mãi suy nghĩ "việc nước" vô ý không đứng dậy, mặc cho quân lính quát, thét thế nào cũng không nghe, đâm giáo vào đùi đến máu chảy đầm đìa cũng không biết. Thấy sự lạ, Hưng Đạo Vương xuống voi, cúi nhìn chàng thanh niên đang đan sọt mà như vô hồn, vô cảm. Ông hỏi:
- Nhà ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm như thế không biết đau sao mà vẫn ngồi như vậy? Bấy giờ, Phạm mới giật mình, sực tỉnh, kính cẩn nhìn người hỏi, vội thưa:
- Bẩm Đức Ông, tôi họ Phạm... tôi mãi nghĩ mấy câu trong binh thư, không biết có quân của Đức Ông trẩy qua, làm trở ngại việc quân, xin Đức Ông xá tội cho.
- Hẳn tráng sĩ biết quân Mông Nguyên đã chinh phục hàng chục nước ở Đông - Tây, nhà Tống cũng bị đẩy xuống phía Nam... nay chúng đang gấp rút xâm lược nước ta một lần nữa.
- Bẩm Đức Ông, kẻ thứ dân này, tuy ở nơi thôn dã, song cũng biết được giặc Mông Nguyên đã động binh, rắp tâm xâm lược nước ta.
- Tráng sĩ đã tỏ ra là người thao lược, ta rất quý trọng. Ta muốn đưa về trang Ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ, mong tráng sĩ vui lòng (Bách khoa trí thức phổ thông, trang 233).
... Hưng Đạo Vương rất hài lòng về chí khí, hoài bão, sự hiểu biết của chàng nông dân khôi ngô, tuấn tú, có dáng người chắc khỏe, mới chừng ngoài 20 tuổi này. Nhờ có đức độ hơn người lại có tài võ nghệ, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo vừa trọng dụng vừa thương như con. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái (giả làm con gái nuôi của Trần Hưng Đạo vì nhà Trần có quy định chỉ gả con gái trong dòng tộc) là quận chúa Anh Nguyên, đồng thời đem tiến cử cho vua Trần coi quân cấm vệ, bảo vệ vua và Cấm thành. Vua Trần phong ông đến chức Điện suý thượng tướng quân, cho lập phủ đệ ngay trong vương cau của triều đình tại kinh thành.

“Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng rất thích đọc sách, sống phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, xem qua có vẻ như không để ý đến việc võ bị nhưng quân do ông chỉ huy thực là đội quân trên dưới như cha con, hể đánh là thắng". (Đại Việt sử ký toàn thư)

Thuật hoài 

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu(*).
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu(**).
                                   Phạm Ngũ Lão

Dịch nghĩa : Tỏ lòng

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

 Dịch Thơ : Tỏ Lòng

Bao năm múa giáo giữ quê nhà
Hùng phủ sao Ngưu chiến sĩ ta 

Nam tử nợ danh chưa trả đủ 
Thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu Gia
 

 Tự Hoạ
 

Vung giáo bao thu giữ nước nhà 
Khí trùm Ngưu Đẩu thế quân ta
Nam nhi nợ nước còn chưa đáp 

Ắt thẹn khi bàn tích Vũ Gia 
                              Quên Đi

Đây quả là bài thơ có hàm ý sâu sắc, thể hiện cái uy dũng của một đấng Nam Nhi


Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất".

(*) Hán Ngữ có thành ngữ Khí thôn Ngưu Đẩu 氣吞牛斗 - hùng khí có thể át cả sao Khiên Ngưu và sao Bắc Đẩu
(**) Vũ Hầu Gia Cát Lượng tức Khổng Minh quân sư của Lưu Bị thời Tam Quốc.
                                            Hết

(Theo "Hùng Ca Sử Việt Phần Cuối" )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét