Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần 6



Núi Vọng Phu

Núi Vọng Phu cũng có tên là núi Mẫu Tử, cao 2051 thước, trước kia thuộc tỉnh Darlac. Từ ngày quận Khánh Dương sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, núi Vọng Phu đã nghiễm nhiên trở nên ngọn núi chúa của quần sơn tỉnh này.

Chóp núi Vọng Phu là một khối đá hoa cương khổng lồ, đứng thẳng lên trời; bên cạnh lại có một khối đá khác nhỏ hơn. Hai khối đá này tương tự hình người. Đứng xa ngoài 40 cây số vẫn còn trông rõ. Và, người ta có cảm tưởng như đó là một người mẹ đang bồng đứa con, phóng tầm mắt ra biển khơi đón chờ một người đi mà không bao giờ trở lại. Và, căn cứ theo truyện cổ tích, dân chúng địa phương mới đặt tên núi này là núi Vọng Phụ Người Thượng gọi là T.Yang-Mten.

Tương truyền một thời xa xưa, có hai vợ chồng một bác tiều phu hiếm hoi con, nên bà vợ thường đi cầu tự khắp các đền chùa quanh vùng. May mắn, một ngày kia, bà hạ sinh được một cô con gái; qua năm sau lại hạ sinh được một cậu con trai. Vợ chồng tiều phu rất đỗi vui mừng, cám ơn Trời Phật đã nhỏ lòng thương đến.

Hai chị em lớn lên trong tình thương của cha mẹ.

Một hôm, hai chị em đang ngồi róc mía ăn. Vì giành nhau nhiều ít, đứa em sẵn có con dao trong tay, giáng một nhát lên đầu chị, máu tuôn xối xả. Kinh sợ và hối hận, đứa em bỏ chạy mất. Cha mẹ tìm khắp nơi vẫn không thấy. Vì nhớ con, hai ông bà ngày càng héo mòn rồi lần lượt theo nhau qua đời. Đứa con gái sống bơ vơ, không người thân quyến nương dựa, phải bỏ đi nơi khác tìm cách nuôi thân.

Còn đứa em chạy đến bờ biển, gặp chiếc thuyền buôn sắp nhổ neo vào Nam, liền xin đi theo học nghề buôn bán. Thời gian trôi qua, nó khôn lớn lên và làm ăn khá giả. Bấy giờ lòng chạnh nhớ quê hương, cha mẹ càng nổi dậy nên nhứt định về quê. Nhưng, than ôi, khi về đến thì cha mẹ đã hóa người thiên cổ, chị thì bỏ đi biệt tích.

Qua cơn xúc động, chàng sang một làng gần đó sinh cợ lập nghiệp. Chàng gặp một cô gái mồ côi, làm ăn lam lũ nhưng tính nết hiền lành. Cảm vì cùng cảnh ngộ, hai người đem lòng yêu nhau và thành đôi vợ chồng. Ở với nhau một thời gian trong cảnh gia đình thuận hòa đầm ấm, người vợ lại sinh được một trai. Không khí gia đình càng thêm mặn nồng.

Một hôm, người vợ gội đầu sau nhà, người chồng đi làm về, ra đứng xem. Vô tình, chàng thấy ẩn dưới làn tóc vợ có một vết thẹo, lấy làm lạ mới hỏi nguyên do. Người vợ thực tình kể lại kỷ niệm buồn mười năm xưa. Người chồng lặng điếng người khi nhận ra đó là người chị ruột của mình.

Người chồng hết sức đau khổ vì chàng vô tình đã phạm phải lỗi loạn luân. Nhưng chàng đành chôn sâu nỗi khổ tâm ấy tận đáy lòng, không dám cho vợ biết.

Thế rồi ngày hôm sau, lấy cớ đi buôn chuyến xa, chàng từ giã vợ con, giong buồm ra khơi, hẹn ngày trở lại. Người vợ có ngờ đâu lời hẹn về ấy hóa thành lời vĩnh biệt của chồng.

Thời gian năm tháng trôi qua, chồng vẫn không thấy trở về mà âm tín cũng vắng bặt. Buồn rầu, đau khổ, nàng bồng con trèo lên đỉnh núi cao, trông ra ngoài biển cả, mỏi mòn tìm xem có thấy cánh buồm của chồng xuất hiện đâu không? Nhưng than ôi:


Bao năm đâu quản gió mưa,
Bồng con đứng đợi vẫn chưa thấy về,
Thời gian phai xóa lời thề,
Mẹ con hóa đá bên lề tháng năm.
                        (Thơ của Bình Nguyên Lộc).

Từ đấy, những bạn thuyền đi biển, khi qua miền Trung, thấy buồm không căng gió, liền hát lên câu ca dao để mong nàng Vọng Phu giúp đỡ:


Lạy bà cho thổi gió nồm,
Chồng bà ở Quảng giong buồm theo vô.

Hay là:


Lạy bà cho thổi gió đông,
Cho thuyền tôi chạy cho chồng bà lên.


Trống Cơm

Không ai biết trống cơm ra đời từ lúc nào. Chỉ biết đại khái là các cụ ta thường dùng nó trong những dịp tế lễ thần thánh, những buổi hát chèo. Nhất là trong việc đưa mạ

Đó là một thứ trống mình dài và nhỏ, một loại trống Việt Nam hoàn toàn từ hình dáng, âm thanh cho đến cách biểu diễn. Khi tấu nhạc, nhạc công phải đeo dây trống lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng và vận dụng 10 ngón tay khéo léo của mình trên cả hai mặt trống.

Có một điều khác thường là người ta hay đính thêm nắm cơm nếp nhỏ trên mặt trống. Có lẽ cũng vì vậy mà chiếc trống ấy được mang một danh hiệu nôm na là "Trống cơm" chăng? Tuy vậy có một vài nơi thuộc tỉnh Bắc Ninh như làng Đình Bảng, làng Phù Đổng chẳng hạn, nhạc công không bao giờ đính cơm trên mặt trống.

Theo những nhà khảo cứu về nhạc cụ Việt Nam, dưới triều vua Lê Thánh Tông, đời Hồng Đức (1470), ba ông Trần Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh đã dựa trên nền tảng âm nhạc Trung Hoa, lập thành hai bộ nhạc cho triều đình Việt Nam. Đó là bộ Đồng Văn, chuyên đặt ra nhạc phổ, và bộ Nhã Nhạc chuyên dùng tiếng người để ca hát. Hai bộ nhạc này hoạt động dưới sự điều khiển của quan Thái Thường Quản Đốc, và chỉ chuyên dùng trong việc tế lễ ở triều đình. Nhạc cụ có nhiều thứ: một trống lớn, một kèn lớn, một long sinh, một long phách, một cây đàn có thể ba, bốn hay mười lăm dây, một sáo trúc, một trống mảnh một mặt và một cái sinh tiền.

Cũng trong thời kỳ này, những giàn nhạc giáo phường của tư nhân ra đời và bắt đầu hoạt động mạnh mẽ trong dân gian đi song song với hệ thống âm nhạc của triều đình. Nhạc cụ gồm có: một dùi nhịp bằng tre thường do bà cụ già đánh nhịp; một ống sáo, một cây nhị quyển, một trống cơm, một cây đàn đáy do bốn, năm nhạc công sử dụng; một phách; một sinh tiền, một trống con một mặt do ba nữ nhạc công trẻ tuổi vừa ca hát vừa giữ nhịp.

Ta nhận thấy những nhạc cụ trong hệ thống âm nhạc của giáo phường mới có trống cơm. Vậy có thể nó là một nhạc cụ cổ sơ của dân tộc, chính do hạng bình dân khi xưa sáng tạo chăng?
Hình dáng trống cơm mộc mạc bao nhiêu thì tiết điệu của nó phong phú bấy nhiêu. Nghe "Trống cơm" nhứt định chúng ta không thể lẫn lộn nó với những bài ca ngoại quốc. Nó có giọng u buồn gợi tâm hồn người nhớ đến hình ảnh quê hương xa xôi hay nhớ đến một mối tình tan vỡ, một niềm tang tóc bi thương của một thành sầu vạn cổ ...

Tục truyền rằng: Ngày xưa có một nho sinh rất nghèo, thi mãi không đỗ, túng cùng phải đi xin ăn. Hằng ngày, khi sang ngang nhà của một phú hộ thì có một cô bé ở chực sẵn đem cho cơm trắng canh ngon. Công việc đó cứ theo thời gian trôi qua một cách đều đặn.

Suốt năm trời như thế, chàng nho sinh vô cùng cảm động nhưng không khỏi ngượng ngùng. Một hôm, chàng tỏ lời cám ơn cô bé và không nhận lãnh của cho nữa. Chàng lại từ giã, đi sang ở làng khác kiếm ăn. Cô bé thực thà cho biết việc làm của cô là vâng theo lời dạy của cô Hai, con gái của chủ nhà mà thôi. Ơn đó là ơn của cô chủ.

Chàng cảm động, yêu cầu xin gặp mặt cô chủ để tỏ lời cám ơn và từ giã. Cô bé ở hẹn lại hôm sau, để xem cô chủ có bằng lòng không, rồi sẽ cho biết. Nếu cô chủ bằng lòng cho gặp mặt thì chàng cứ chờ tại chỗ này.

Hôm sau, chàng vừa đến thì đã gặp ngay cô chủ nhà đứng đợi. Nàng rất đẹp. Chàng nho sinh cúi đầu, chấp tay xá nhưng nàng khoát tay vội nói:

- Tôi đã hiểu ý chàng muốn nói gì rồi. Tôi ở đây lâu rất bất tiện, mà chàng cũng không cần phải nói ân nghĩa gì. Sở dĩ, tôi giúp chàng vì biết chàng lỡ vận và cảm thương người trong bước đường cùng mới ra nông nỗi, không lẽ chí của người con trai chịu cùng nhụt như vậy mãi sao?

Đoạn, nàng trao cho chàng một cái bọc bằng giấy, nói tiếp:

- Nay chàng từ giã đi, tôi xin tặng một số bạc và một cây thoa vàng để chàng tìm cách lập nghiệp. Một ngày nào thành đạt, chàng sẽ trở về quê. Chừng ấy...

Nàng bỏ lửng lời nói, lại quày quả thoăn thoắt đi.

Chàng nho sinh vô cùng cảm động.

Theo lời người ngọc dặn dò, chàng cần phải tạo lấy một sự nghiệp, nhưng sự nghiệp gì? Chàng không duyên số với đường công hầu danh tướng thì chàng phải chuyển sang nghê khác. Bất cứ nghề gì cũng tốt đẹp cả miễn đừng làm điều gì phi nghĩa. Thế là chàng đeo đuổi môn âm nhạc, một nghệ thuật trong 7 nghệ thuật.

Thời gian 3 năm, chàng đã thành tài và lãnh đạo một giáo phường. Chàng hớn hở, vui tươi vội quay về quê xưa mong gặp mặt người ân nhân yêu quý. Nhưng thảm thay, chàng vừa đặt chân về nhà nàng, thì gia đình nàng đương làm đám táng cho nàng. Nàng vừa chết trong một cơn bạo bịnh!

Chàng nhạc sĩ tài hoa vô cùng đau đớn. Chàng muốn đưa đám táng cho nàng. Chàng muốn khóc kể nàng. Chàng muốn để tang cho nàng. Nhưng phải làm sao để mọi người đừng biết việc làm của chàng đối với con người đã khuất?

Chàng liền xin cha nàng cho chàng đem phường nhạc của chàng đến để đưa vong linh người chết. Chàng sáng tạo một cái trống nhỏ dài, hai mặt trống có đính hai nắm cơm nhỏ, để nhắc lại kỷ niệm sâu xa cao đẹp là ngày xưa, nàng đã cho cơm chàng ăn. Sợi dây trống đeo lên cổ bằng vải trắng là chàng để tang nàng.

Lúc đưa đám chàng mang trống cơm lên cổ, để trống nằm ngang trước bụng, vận dụng mười ngón tay vỗ trên mặt trống, phát thành tiếng kêu bi ai, tha thiết:

- "Tình tang, tang tình! Tình tang, tang tình!..."Đó là tiếng khóc kể kín đáo của chàng đối với người yêu có một tâm tình cao thượng, thanh khiết. Đó là tiếng nức nở ở cõi lòng của một nghệ sĩ đối với mối tình đầu đã tan vỡ, mà chàng chỉ còn mượn lấy âm thanh của "Trống cơm" để tiễn vong linh nàng.
Tục truyền là như thế.

Ngày nay, trong những đám tang, người ta vẫn còn dùng "Trống cơm". Và, người ta vẫn còn hát "Trống cơm", nhứt là ở vài làng thuộc tỉnh Bắc Ninh. Dưới đây là bài hát "Trống cơm" do ông Lý Tiến Thành, một danh ca quan họ ở làng Bái Uyên, tỉnh Bắc Ninh, hát; và nhạc sĩ Trần Văn Khê ghi lời:

"(Tình bằng có cái) trống cơm (khen ai) khéo vỗ (ố mấy bông) nên bông (ố mấy...)
"(Bông nên bông), một bầy (tang tình) con nít, (một bầy tang tình con nít ố mấy...)
"(lội), lội, sông (ố mấy) đi tìm (em nhớ thương ai). (Đôi) con mắt (ố mấy) lim...
"Dim, đôi con mắt (ố mấy) lim dim, một bầy (tang tình) con nhện (ơ...
"(Ơ ố mấy) giăng tơ, giăng tơ (ố mấy) đi tìm (em nhớ) thương ai. Duyên...
"Nợ (khách) tang bồng, duyên nợ (khách) tang bồng."

Kê Khang Này Khúc Quảng Lăng

Trên đồ sứ Trung Hoa, ta thường thấy vẽ 7 ông cụ già ngồi trong rừng tre, kẻ đánh cờ, gẩy đàn, người uống rượu ngâm thơ. Đó là hình ảnh của Trúc Lâm Thất Hiền đời nhà Ngụy (220-264). Kê Khang là một trong bảy người hiền này.

Kê Khang (223-262) là một người có khí tiết cao khiết giàu lòng nghĩa hiệp và cũng là người có biệt tài trong các môn cầm, kỳ, thi, họa ... Một điều lạ hơn hết là mặc dù có tài như thế, nhưng ông không học qua một thầy nào. Từ nhỏ chí lớn, ông cố công tự học, rèn luyện mà nên.

Kê Khang vốn họ Khuê, người đất Thượng Ngu, huyện Cối Kê (nay là huyện Thiện Hưng, tỉnh Chiết Giang). Vì một sự thù oán nên ông dời về ở ẩn huyện Hoa Dương, tỉnh An Huy Gần chỗ ông ở có núi Kê Sơn nên lấy núi Kê làm họ.

Kê Khang cũng như 6 người bạn kia đều thích an nhàn dật lạc, say mê đạo Lão Có kẻ nói: "Ba ngày không đọc "Đạo Đức kinh" thì miệng thấy hôi". Ông làm đến chức Trung Tán đại phu nhưng luôn luôn chê vua Thang, vua Võ, khinh Văn Vương và Khổng Tử. Thơ của ông có giọng triết lý:

Mắt tiễn hồng bay,
Tay gẩy năm dây.
Cúi ngửa tự đắc,
U huyền thích thay
(Bản của Nguyễn Hiến Lê)

Nguyên văn:
Mục tống phi hồng,
Thủ huy ngũ huyền.
Phủ ngưỡng tự đắc,
Du tâm thái huyền.


Kê Khang làm quan một thời gian rồi từ quan đi trú ẩn, để hưởng cảnh tiêu diêu lúc về già. Nhưng thảm thay, ông muốn tránh khỏi điều phiền lụy ở cõi trần thì lại còn lận đận vì trần.

Từ quan, Kê Khang sống một cuộc đời ẩn dật, ngày ngày ngao du sơn thủy, hái thuốc, vui say với vần thơ điệu đàn.

Bấy giờ, nhà Ngụy suy vi, Tư Mã Chiêu có ý muốn soán ngôi nên tìm mọi cách để trừ khử những kẻ nghịch với mình. Lúc ấy ở huyện Đông Bình có người tên Lữ An vì ngưỡng mộ danh tiếng của Kê Khang nên tìm đến ra mắt. Hai người kết bạn tâm giao. Chẳng ngờ Lữ An có một người anh họ tên Lữ Tốn vốn là bộ hạ thân tín của Tư Mã Chiêu, ỷ thế hoành hành, thấy vợ của Lữ An xinh lịch nên chiếm đoạt và bắt Lữ An hạ ngục.

Vì tình bạn, Kê Khang đứng ra minh oan nhưng rồi cũng bị bọn quyền thần bắt giam. Kê Khang vốn con rể trong tông thất nhà Ngụy, nên họ muốn tìm cách trừ tuyệt. Chúng lại dựng chứng Kê Khang khinh vua Thang, vua Võ, Khổng Tử là có ý phản loạn nên kết án tử hình.

Kê Khang vốn có tài đàn. Khúc "Quảng Lăng" do ông sáng tác. Đánh lên khúc đàn nghe lưu loát, thảnh thoát như nước chảy (lưu thủy), mây bay (hành vân).

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả tiếng đàn của Kiều khi nàng gẩy cho Kim Trọng nghe buổi sơ ngộ, có câu:


Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân.

Có người cho rằng đây là hai bản nhạc Lưu thủy và Hành vân, nhưng so với mạch văn thì không phải như thế. Lưu thủy, Hành vân đây là giải thích cái điệu lưu loát của khúc Quảng Lăng.

Khối Tình Mang Xuống Tuyền Đài Chưa Tan

Bên Trung Hoa, tại vùng Trúc Giang có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một nàng thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Cả hai yêu nhau thắm thiết, nguyện cùng kết tóc, se tơ cho đến ngày răng long tóc bạc.

Quan Diệp Nhược thường đi buôn bán nơi xa. Mỗi chuyến đi có cả hàng tháng. Và, mỗi chuyến đi như thế, chàng đều có hẹn ngày về với nàng. Đúng ngày, nàng Tần Thúy Hải đến đón người yêu. Lần nào cũng đúng hẹn cả.

Thời gian xa nhau không lâu nhưng họ đều cảm thấy dài đăng đẳng. Nỗi nhớ thương vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng vì sự nghiệp, họ đành phải chịu đựng và cầu mong ngày tái ngộ.

Mùa thu năm ấy, ngô đồng vừa rụng lá, Quan Diệp Nhược lại phải từ giã, tạm chia tay cùng người yêu, lên đường sang Hồ Bắc buôn châu báu với mấy người bạn. Cũng như thường lệ, nàng Tần ra tiễn Quan hẹn ngày này tháng sau sẽ trở về.
Nhưng chuyến này lại khác.

Đến ngày hẹn, nàng Tần trang điểm, hớn hở vui tươi để ra đón người yêu. Nàng mỏi mắt trông chờ suốt ngày đêm mà không thấy bóng chàng trở về. Rồi ngày này sang ngày khác, mấy lần thu qua đông đến nàng mỏi mòn chờ đợi, nhưng người yêu xưa lại chẳng thấy về, tin tức cũng vắng bặt. Hay là chàng đã bỏ mình nơi đất khách quê người? Nàng quằn quại sống trong cảnh sầu thương, mong nhớ.
Rồi, một ngày đông lạnh lẽo, tuyết rơi phủ trắng cả vòm trời, nàng Tần trút hơi thở trên giường bịnh.

Theo tục lệ ở địa phương, những gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Lửa đã đốt cháy người trinh nữ, xương thịt nàng Tần đã trở thành tro bụi, nhưng khi người ta bới đám tro tàn lạnh lẽo ấy bắt gặp một quả tim đóng thành một khối long lanh như ngọc. Lửa không sao đốt cháy, búa đập cũng không tan. Ai cũng lấy làm lạ, cho đó là khối tình u uất của nàng vì tương tư thương nhớ người yêu, vì quá đau khổ nỗi duyên phận bẽ bàng... Tuy thân xác đã tiêu tan mà khối tình vẫn còn mãi mãi.

Nhưng rồi, một hôm Quan Diệp Nhược lại trở về. Sở dĩ chàng sai lời hẹn ước vì chàng gặp phải tai nạn bất ngờ. Ngày về giữa đường chàng bị giặc cướp cả tiền bạc, thuyền bè, làm chàng phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bịnh, tưởng là bỏ xương nơi đất khách.

Cảm thương người yêu vì quá thương nhớ mình mà chết, Quan Diệp Nhược lấy làm đau đớn vô cùng. Chàng cầm lấy quả tim thành ngọc của người yêu mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống thì viên ngọc ấy lại tan ra hòa theo giọt nước mắt của chàng.

Bên Việt Nam ta cũng có một truyện giống như trên.

Trương Chi làm nghề lái đò. Một con thuyền bềnh bồng trên mặt nước, hằng ngày đưa khách sang sông. Chàng Trương vốn có tâm hồn nghệ sĩ. Những khi hoàng hôn vừa tắt sau dãy đồi xa, bóng đêm bao phủ khắp không gian, lửa cháy lốm đốm nổi theo dòng nước, thì chàng lại cất tiếng hát vang lên. Giọng chàng trong trẻo, thánh thót như giọng hót của sơn ca vào buổi bình minh.

Tiếng hát của Trương lại đồng vọng rót vào lầu tây của một quan Tể tướng, làm động lòng của nàng trinh nữ Mỵ Nương. Mỗi đêm, nàng đứng tựa bên lầu chờ nghe tiếng hát của chàng Trương. Một mối tình thầm kín, sâu xa giữa nàng tiểu thư, con quan Tể tướng với anh lái đò ngày càng thắm thiết, mặn nồng.
Vắng tiếng hát của Trương Chi, Mỵ Nương bàng hoàng, nhớ thương, đau khổ. Nàng mang nặng một mối tình cảm. Rồi từ ấy, nàng mắc phải bịnh tương tư ngày càng trầm trọng, thuốc thang không chữa được. Chỉ mỗi lần có tiếng hát ngoài sông văng vẳng đưa vào thì bịnh của nàng mới đỡ được đôi phần.

Biết con gái say mê tiếng hát anh lái đò, quan Tể tướng cho đòi Trương Chi đến. Nhưng thảm thay, diện mạo của Trương Chi quá xấu xí, Mỵ Nương trông thấy chán nản, bịnh tương tư lại khỏi hẳn.

Tưởng rằng đòi đến sẽ được hàn thuyên cùng người ngọc, không ngờ lại chán chường nỗi tủi nhục, Trương Chi lấy làm đau đớn. Về nhà, hình bóng yêu kiều của Mỵ Nương ám ảnh mãi. Trương lâm bịnh tương tư, thuốc thang chạy chữa không khỏi. Cuối cùng Trương chết trong tủi hận sầu đau vì mối tình tuyệt vọng.

Ba năm cải táng, xương thịt của Trương đều tan rã, chỉ nguyên có quả tim còn lại đóng thành khối ngọc rất đẹp. Có người đem dâng ngọc quả tim của Trương cho quan Tể tướng. Thấy ngọc lớn và đẹp, Tể tướng cho tiện thành chén uống nước trà.

Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì trong chén lại hiện ra một chàng lái đò vừa chèo đò vừa hát, giọng văng vẳng não nùng như phảng phất đâu đây. Nàng nhìn kỹ là hình bóng của Trương Chi đương hát trên sông vắng.

Cảm mối tình tha thiết của Trương Chi, Mỵ Nương đau đớn, ôm chén ngọc, khóc nức nở. Nước mắt của nàng rỏ xuống chén ngọc làm chén ngọc vỡ tan hòa theo nước mắt của nàng.

Sử ta cũng có chép:

Nhà Hậu Lê (1533-1788), vua Tây Sơn là Nguyễn Huệ đem quân sang đánh Bắc Hà, vua cuối cùng nhà Hậu Lê là Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Tàu cùng một số quan tòng vong. Chiêu Thống mong cầu viện vua nhà Thanh đem binh sang giúp mình mong dựng lại cơ đồ.

Nhưng quân nhà Thanh vừa bị vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại tại trận Đống Đa, vua Càng Long nhà Thanh vỡ tan mộng xâm lược nên bằng lòng chịu hòa với Tây Sơn, do đó sự cầu viện của vua Lê bất thành. Vua nhà Thanh lại còn bạc đãi, sỉ nhục vua Lê đến điều, bắt các quan lại tòng vong như Lê Quỳnh, Trịnh Hiến cả thảy 10 người phải đổi áo gióc bím như dân nhà Thanh và còn đày họ mỗi người ở mỗi nơi.

Vua Chiêu Thống lấy làm tủi nhục. Hoàng tử lên đậu chết, nhà vua càng buồn bã rầu rĩ hơn nữa nên lâm phải bịnh ngày thêm trầm trọng, rồi mất (1793).

Khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, sai sứ sang Tàu cầu phong, các quan nhà Lê nhân dịp dâng biểu xin đem hài cốt vua và hoàng hậu về nước. Vua Gia Khánh nhà Thanh bằng lòng.

Trong lúc đào đất lên để cải táng mả vua Lê thì thấy da thịt đã tiêu cả, chỉ còn có quả tim không nát, vẫn đỏ như thường. Ai trông thấy cũng động lòng thương xót. Ông Trần Trọng Kim, soạn giả quyển "Việt Nam sử lược" chép đến đoạn này có lời phê: "Dẫu chuyện đó thực hư thế nào mặc lòng, nhưng tưởng đến tình cảnh vua Chiêu Thống lúc bấy giờ, thì ai cũng ái ngại thay cho ông vua một nước phải đày đọa đến nỗi như thế, có thể làm một bài bi kịch thảm xót muôn đời. Tuy rằng tại vua tôi nhà Lê vụng tính cho nên bị người ta đánh lừa, nhưng cũng nên trách vua quan nhà Thanh xử tệ bạc đãi một ông vua vong quốc, đem thân đến nương nhờ nước mình. Ấy cũng là một thời dã man về đời áp chế, khiến cho cái oan khổ của người ta muôn đời về sau không tiêu thoát đi được."

Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh trước khi theo về Lâm Truy, nàng ngồi đối bóng với ngọn đèn khuya, nhớ đến mối tình đầu giữa nàng và Kim Trọng vì gia biến mà phải dang dở, bẽ bàng nên than thở:


Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì.
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nợ tình chưa trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.


Trường Hận Khúc

Hoàng đế Đường Huyền Tông, họ tên thật là Lý Long Cơ, sau này hay gọi là Đường Minh Hoàng, nhà vua thứ chín đời nhà Đường (618-907). Lúc thiếu thời là một người anh vũ, có tài thao lược. Dưới triều đại của ông, đất nước được thanh bình. Nhưng mấy năm sau cùng, nhà vua đã 50 tuổi, đâm ra si mê Dương Quí Phi tức Dương Ngọc Hoàn, lại tin dùng bọn Dương Quốc Trung (anh họ của Dương Quí Phi), Lý Lâm Phủ, ... nên quốc chính ngày càng suy tệ.

Lúc bấy giờ có tướng An Lộc Sơn, người Hồ, quê ở vùng Nhiệt Hà là người rất thông minh, được nhà vua tin mến. Nhứt là đối với Quí Phi, họ An rất được yêu thương. An xin làm con nuôi của Quí Phi để được phép ra vào cấm uyển mà khỏi ai dị nghị. Nhà vua mù quáng lại vui lòng ưng thuận.

Vì có sự hiềm khích với Tể tướng Dương Quốc Trung, An Lộc Sơn sợ bị ám hại nên bỏ trốn, rồi cử binh từ quân Ngự Dương, tự xưng hoàng đế, đánh thẳng vào kinh đô Trường An. Binh triều đại bại, vua cùng một số quần thần phải bỏ kinh thành chạy vào đất Thục.

Đến Mã Ngôi, tướng sĩ không chịu đi nữa, lại đồng nhau phải giết chết quyền thần Dương Quốc Trung; và bức vua phải đem thắt cổ con người ngọc thì họ mới chịu phò vua. Vì họ cho rằng Quí Phi là mầm sinh đại loạn.

Lương thực hết, quân sĩ khổ mệt, căm tức. Gặp bước đường cùng, nhà vua đành giấu mặt, cắt lòng mà "hy sinh người yêu khuynh quốc".

Sau, loạn dẹp xong, Đường Minh Hoàng trở về Trường An. Đế đô còn đó, mà con người ngọc yêu dấu ngày xưa nay đâu còn nữa. Nỗi nhớ thương dào dạt, dằng dặc đầy lòng.

Mối tình vương giả này, rồi sẽ bị chìm trong lãng quên của thời gian, nếu không có ngòi bút tài hoa tuyệt vời của Bạch Cư Dị tô điểm cho thêm phần lâm ly, chua xót.

Bạch Cư Dị tự Lạc Thiên, người đời nhà Đường, quê ở Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đậu Tiến sĩ năm 27 tuổi, nhận chúc Hàn lâm học sĩ. Có lúc ông bị biếm làm Tư mã đất Giang Châu. Sau, ông giữ chức Thứ sử ở Tô Châu, Hàng Châu. Về già, được thăng Hình bộ thượng thư.

Chứng kiến được cảnh thảm khốc của một bi tình si lụy của Đường Minh Hoàng, họ Bạch để lòng cảm xúc bằng bài "Trường hận ca" (Hận tình muôn thuở).

Hán hoàng trọng sắc tư khuynh quốc,
Ngữ vũ đa niên cầu bất đắc.
Dương gia hữu nữ sơ trưởng thành,
Dưỡng tại thâm khuê nhân vị thức.
Thiên sinh lệ chất nan tự khí:
Nhất triêu tuyển tại quân vương trắc.
Hồi mâu nhất tiếu, bách mị sinh,
Lục cung phấn đại vô nhan sắc.
Xuân hàn tứ dục Hoa thanh trì,
Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi.
Thị nhi phù khởi kiều vô lực,
Thỉ thị tân thừa ân trạch thì,
Vân bấn hoa nhan kim bộ diêu.
Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu.
Xuân tiêu khổ đoản, nhật cao khởi.
Tùng thử quân vương bất tảo triều.
Thừa hoan thị yến vô nhàn hạ,
Xuân tùng xuân du, dạ chuyên dạ.
Hậu cung giai lệ tam thiên nhân,
Tam thiên sủng ái tại nhất thân.
Kim ốc trang thành kiều thị dạ,
Ngọc lâu yến bãi túy hòa xuân.
Tỉ muội đệ huynh giai liệt thổ,
Khả liên quang thái sinh môn hộ
Toại linh thiên hạ phụ mẫu tâm
Bất trọng sinh nam trọng sinh nữ.
Ly cung cao xứ nhập thanh vân,
Tiên nhạc phong phiêu xứ xứ văn,
Hoãn ca mạn vũ ngưng ti trúc,
Tận nhật quân vương khan bất túc...
Ngư Dương bề cổ động địa lai,
Kinh phá Nghê Thường vũ y khúc.
Cửu trùng thành khuyết yên trần sinh
Thiên thặng vạn kỵ Tây Nam hành.
Thúy hoa diêu diêu hành phục chỉ,
Tây xuất đô môn bách dư lý.
Lục quân bất phát, vô nại hà,
Uyển chuyển nga my mã tiền tử,
Hoa điền ủy địa vô nhân thâu,
Thúy kiều kim tước ngọc tao đầu.
Quân vương yểm diện cứu bất đắc,
Hồi khan huyết lụy tương hòa lưu.
Hoàng ai tán mạn phong tiêu tác,
Vân san oanh vu đăng Kiếm các.
Nga mi sơn hạ thiểu nhân hành,
Tinh kỳ vô quan nhật sắc bạc.
Thục giang thủy bích, Thục sơn thanh,
Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình.
Hành cung kiến nguyệt thương tâm sắc,
Dạ vũ văn linh trường đoạn thanh.
Thiên tuyền địa chuyển hồi long ngự,
Đáo thử trù trừ bất năng khứ.
Mã ngôi pha hạ nê thổ trung,
Bất kiến ngọc nhan không tử xứ,
Quân thần tương cố tận triêm y,
Đồng vọng đô môn tín mã quy.
Quy lai trì uyển giai y cựu:
Thái dịch phù dung Vị ương liễu.
Phù dung như diện liễu như my.
Đối thử như hà bất lụy thùy!
Xuân phong đào lý hoa khai nhật,
Thu vũ ngô đồng diệp lạc thì.
Tây cung nam nội đa thu thảo,
Lạc diệp mãn giai hồng bất tảo.
Lê viên đệ tử bạch phát tân,
Tiêu phòng a giám thanh nga lão.
Tịch diện huỳnh phi tứ thiểu nhiên
Cô đăng khiêu tận, vị thành miên.
Trì trì chung cổ sơ trường dạ
Cảnh cảnh tinh hà dục dục thự thiên.
Uyên ương ngõa lãnh sương hoa trọng,
Phỉ thúy khâm hàn thùy dữ cộng
Du du sinh tử biệt kinh niên
Hồn phách bất tằng lai nhập mộng.
Lâm cùng đạo sĩ Hồng đô khách,
Năng dĩ tinh thành trí hồn phách.
Vị cảm quân vương tuyển chuyển tư,
Toại giao phương sĩ ân cần mịch
Bài vân ngự khí bôn như điện,
Thăng thiên nhập địa cầu chi biến.
Thượng cùng bích lạc hạ hoàng tuyền,
Lưỡng xứ mang mang giai bất kiến.
Hốt đăng hải thượng hữu tiên san,
San tại hư vô phiếu diễu gian.
Lâu các linh lung ngũ vân khởi,
Kỳ trung sước ước đa tiên tử.
Trung hữu nhất nhân tự Thái Chân,
Tuyết phu hoa mạo sâm si thị.
Kim khuyết tây tương khấu ngọc quynh,
Chuyển giao Tiểu Ngọc báo Song Thành.
Văn đạo Hán gia thiên tử sứ.
Cửu hoa trướng lý mộng hồn kinh.
Lãm y thôi chẩm khởi bồi hồi,
Châu bạc ngân bình dĩ ly khai.
Vân kế bán thiên tân thụy giác,
Hoa quan bất chính hạ đường lai.
Phong xuy tiên duệ phiêu phiêu cử
Do tự Nghê Thường vũ y vũ,
Ngọc dung tịch mạc lệ lan can.
Lê hoa nhất chi xuân ********* vũ.
Hàm tình ngưng thế tạ quân vương
Nhất biệt âm dung lưỡng diễu mang.
Chiêu dương điện lý ân ái tuyệt
Bồng lai cung trung nhật nguyệt trường.
Hồi đầu hạ vọng nhân hoàn xứ,
Bất kiến Trường An kiến trần vụ
Duy tương cựu vật biểu thâm tình
Điền hợp kim thoa ký tương khứ.
Điền lưu nhất cổ hợp nhất phiến
Thoa bích hoàng kim hợp phân điện.
Đản giao tâm tự kim điền kiên,
Thiên thượng nhân gian hội tương kiến.
Lâm biệt ân cần trọng ký từ,
Từ trung hữu thệ lưỡng tâm tri,
Thất nguyệt thất nhật Trường sinh điện,
Dạ bán vô nhân tư ngữ thì,
Tại thiên nguyện tác tị dực điểu,
Tại địa nguyện vi tiên lý chi.
Thiên trường địa cửu hữu thời tận,
Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ.

Tác phẩm này đã có nhiều người dịch ra quốc văn, có bản bằng Pháp văn của Georges Soulié de Morant. Dưới đây là bản dịch của Lã Hạc và Trịnh Nguyên:

Vua Hán ước mơ người quốc sắc,
Bao năm tìm kiếm luống công toi.
Họ Dương có gái hoa đương nở,
Khóa kín buồng xuân, hận lẻ loi.
Sắc đẹp trời sinh khôn bỏ phí,
Ngai vàng một sớm được ngồi chung.
Một cười khêu gợi trăm mê luyến,
Xóa mất hồng nhan ở sáu cung.
Xuân lạnh, Hoa thanh hồ sẵn đó,
Suối tuôn dòng ấm tắm hoa khôi,
Vua ban ân trạch, con hầu nịnh
Sáng dậy phò nâng ẻo lả ngồi.
Ngày dạo sen vàng bay tóc mượt,
Đêm xuân trướng ấm ủ hoa đào.
Mặt trời lên vội, đêm xuân ngắn,
Từ đấy nhà vua nhãng thị trào.
Yến ẩm vui vầy thôi chẳng ngớt;
Đêm đêm xuân tứ lại xuân tình.
Ba ngàn cung nữ, ba ngàn mối,
Sủng ái từ đây thanh hầu thánh chúa,
Anh em nhuần gội ơn mưa móc,
Nhà cửa hàn vi rạng rỡ lây.
Thiên hạ đem lòng mơ phú quý,
Khinh trai trọng gái kể từ đây.
Ly Cung cao tít lồng mây biếc,
Tiên nhạc mê hồn vẳng bốn phương.
Sớm tối ca êm hòa múa dịu
Não nùng tơ trúc đắm quân vương.
Ầm ầm chiêng trống Ngư Dương dấy,
Khúc hát Nghê Thường hoảng vỡ tan.
Thành khuyết xôn xao mù khói bụi,
Xe rồng rong ruổi hướng tây nam.
Khi đi khi nghỉ, cờ phơ phất.
Trăm dặm đường Tây bước gập ghềnh.
Quân sĩ căm hờn, không chịu tiến:
Mày ngài trước ngựa phải hy sinh!
Hoa tai bỏ đất, không người nhặt,
Trăm ngọc thoa vàng lả tả rơi.
Đứt ruột quân vương đành giấu mặt.
Ngoảnh nhìn máu chảy lệ ràn trôi.
Bụi vàng tản mác đìu hiu gió,
Kiếm Các cheo leo sạn đạo dài.
Chân núi Nga Mi buồn bã vắng;
tinh kỳ nhợt thếch, mặt trời phai.
Nước non Ba Thục xanh xanh biếc,
Sớm tối nhà vua trĩu nhớ nhung.
Quạnh quẽ hành cung, trăng gợi thảm,
Đêm mưa chuông vắng tiếng đau lòng.
Trời xoay đất chuyển quày long ngự,
Chốn cũ ngừng thăm dạ ngẩn ngơ.
Mặt ngọc giờ đâu? Trơ tử địa,
Mã ngôi ảm đảm đất bùn nhơ,
Vua tôi nhỏ lệ đầm bâu áo,
Kinh khuyết vời trông tế ngựa về,
Về tới, vườn ao như thuở trước.
Vị ương lá liễu giống mày ai,
Phù dung Thái dịch trông như mặt.
Cảnh cũ tình xưa giọt lệ rơi!
Đào lý nở hoa xuân gió thoảng,
Mưa thu đổ rụng lá ngô đồng.
Tây cung Nam nội đầy thu thảo,
Phủ kín thềm hoang lá úa hồng.
Con hát Lê viên sầu tóc bạc,
Tiêu phòng thái giam hận răng long.
Tối nhìn đom đóm bay le lói.
Khêu cạn đèn khuya giấc chửa an.
Dằng dặc năm canh rền trống điểm,
Sông Ngân lấp lánh báo đêm tàn.
Mái lầu thánh thót rơi sương lạnh,
Đắp chiếc mền đơn, nhớ độ nào...
Sống thác bao năm đằng đẵng biệt,
Hương hồn sao chẳng hiển chiêm bao!
Lâm Cùng may có tay phương sĩ,
Một phép chiêu hồn dậy tiếng tăm,
Thương cảm quân vương trằn trọc nhớ,
Mới sai đạo sĩ cố truy tầm.
Cỡi mây lướt gió nhanh như chớp,
Lên tận trời cao xuống đất sâu.
Bích Lạ, Hoàng Thuyền đi khắp chỗ,
Mênh mông nào thấy bóng ai đâu!
Chợt nghe ngoài biển nơi không ảo,
Lơ lửng mơ hồ có núi tiên.
Cung điện chập chờn mây ngũ sắc.
Tiên nga tha thướt dạo trong đền,
Mặt hoa da tuyết riêng nàng nọ,
Phảng phất hình dung, tợ Thái Chân.
Gõ cửa hiên tây vàng rực rỡ,
Báo tin Tiểu Ngọc, nhắn Song Thành.
Nghe tin sứ giả đời vua Hán
Trướng gấm hồn mơ bỗng giựt mình.
Dã dượi ngồi lên, thu vạt áo,
Rèm châu bình lạc, mở lần ra.
Tóc mây lệch nửa, nghiêng nghiêng mũ
Bước xuống thềm loan, dáng thẫn thờ.
Tay áo gió lay bay phất phới,
Tưởng như đang múa Nghê Thường xưa.
Âm thầm mặt ngọc lưa thưa lệ,
In một cành lê điểm điểm mưa.
Ngầm sầu ngưng lệ, tạ quân vương,
Từ thuở âm dương biệt mỗi phương.
Trong điện Chiêu Dương, ân ái tuyệt,
Bồng lai tiên cảnh, tháng năm trường.
Ngoảnh đầu trông xuống nơi trần thế,
Chẳng thấy Trường An, thấy bụi mù.
Gởi tỏ tình tâm trong vật cũ,
Thoa vàng hộp đá kính dâng vua.
Hộp đá thoa vàng đem bẻ nửa,
Nửa thì giữ lại, nửa đưa trao,
Lòng sao chỉ nguyện như vàng đá,
Hạ giới thiên đình sẽ gặp nhau.
Lúc sắp lui về còn nhắn nhủ,
Nhắc lời thệ ước giữa đôi bên.
Năm xưa, trùng thất, Trường Sinh điện.
Vắng vẻ đêm khuya thủ thỉ truyền:
"Trên trời nguyện hóa chim liền cánh,
Dưới đất làm cây nhánh dính liền".
Trời đất lâu bền rồi sẽ tận,
Hận này muôn thuở vẫn miên miên.

Hoa Đào Năm Ngoái Còn Cười Gió Đông.

Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh đến Đào Hoa Trang, gõ cửa một nhà xin được giải khát. Một thiếu nữ đứng thập thò bên cửa đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Đôi tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Đôi má hây hây đỏ như đóa hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu. Đoạn từ giã đi.

Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xóa mờ hình bóng của giai nhân. Đào Hoa Trang vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến lòng chàng nho sinh chan chứa biết bao tình cảm mặn nồng...

Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến. Thôi Hộ tìm đến Đào Hoa Trang. Cảnh cũ còn đó, nhưng con người xưa vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười, chào đón khách du xuân.

Ngẩn ngơ, thờ thẫn trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:

- Hay là nàng đã về nhà chồng!

Từng bước một, chàng quay bước trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, chàng thảo mấy câu thơ trên cửa cổng:

Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong,
Hoa đào mặt ngọc đối vầng hồng.
Mặt hoa nay biết đi đâu vắng?
Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông.

Nguyên văn:

Khứ niên kim nhựt thử môn trung,
Nhơn điện đào hoa tương ánh hồng.
Nhơn điện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.


Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ đi viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn lên cổng thấy bốn câu thơ, nét chữ tinh xảo, ý thơ dồi dào, nàng hiểu rõ tâm tình của khách du xuân năm ngoái. Nàng buồn bã thở dài, hối tiếc duyên vừa gặp gỡ lại khéo bẽ bàng.

Rồi ngày này sang ngày khác, nàng thiếu nữ họ Đào vẫn tựa mình bên cửa cổng, mong đợi và hy vọng người khách hào hoa phong nhã xin nước năm xưa. Nhưng ngày lại ngày qua, mấy lần bóng chiều xuống, bóng người xưa chẳng thấy mà chỉ thấy vài cánh chim chiều bạt gió, lẻ loi từ ngàn phương kêu bạn đổ về bằng một giọng não nùng...

Nàng âm thầm gạt lệ. Nhưng lệ vẫn trào lên khóe mắt, đẫm lên đôi má. Rồi đông qua xuân đến, hè lại thu sang, lá rơi rụng bay lả tả phủ đầy thềm. Trời thu hiu hắt. Cảnh sắc thu thêm giục khách sầu đau. Rồi mỗi khi xuân về, ánh thiều quang ấm áp, ủ ấp trên ngàn cây nội cỏ càng gợi lại nỗi nhớ nhung hình ảnh của ai làm dằng dặc cõi tâm tư.

Nàng cảm thấy đời hoàn toàn tuyệt vọng. Rồi từ ấy nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tụy, dung nhan võ vàng. Thân phụ ngày đêm lo lắng, tìm thầy thuốc. Nhưng nào biết đâu: "Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng, tùng lai vô dược liệu tương tư" (Có thầy giỏi cứu được sự sống cho người, chớ không có thuốc chữa bịnh tương tư).

Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già nghe và xin tha tội bất hiếu. Người cha xúc động đau khổ cho số phần đen bạc của đứa con gái duy nhứt của mình. Nhìn thấy đứa con nằm thiêm thiếp trên giường như chờ đợi tử thần, ông lão thương con nóng lòng, đâm liều chạy tìm người đã đề thơ trên cổng. Nhưng hạc nội mây ngàn tìm đâu cho thấy.

Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng may được gặp chàng trẻ tuổi xa lạ đã gây sóng gió bão tố trong gia đình ông mà giờ phút này, ông cho là vị cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy kiếm nữa...

Vừa ra khỏi cổng, bỗng chạm phải một người. Ông ngửng mặt nhìn. Đó là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông, mặt mày giàn giụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh thăm hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể. Nhưng kể chưa dứt câu chuyện, chàng thư sinh bỗng ôm mặt khóc. Ông lão lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì chàng thư sinh nói:

- Tôi là Thôi Hộ, người đã đề bài thơ trên cổng...

Chàng chưa dứt lời, ông đã mừng rú lên rồi lôi sền sệt chàng vào nhà, đưa thẳng đến phòng.
Nhưng nàng thiếu nữ cũng vừa trút hơi thở cuối cùng.

Nhìn nàng thiếu nữ nặng tình yêu đã vì chàng mà vóc liễu tiều tụy, dung nhan võ vàng, chết một cách thảm thiết, chàng cảm động quá, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng úp mặt vào mặt nàng, khóc nức nở!

Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống mặt nàng thiếu nữ họ Đào, thì nàng bỗng từ từ mở mắt ra đăm đăm nhìn chàng, trên môi điểm một nụ cười tươi thắm. Nàng đã sống lại. Ông già họ Đào mừng rỡ. Chàng thư sinh họ Thôi hớn hở vui tươi.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả Kim Trọng sau khi về Liêu Dương hộ tang chú, quay trở lại vườn Lãm Thúy để tìm Kiều, có câu:


Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Đó là do điển tích trên.

Tiếng Đàn Tri Âm

Bá Nha, người đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu. Một hôm đi sứ nước Sở trở về, đến sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu trăng thanh gió mát, ông bảo quân dừng thuyền lại để uống rượu thưởng trăng. Thừa hứng, Bá Nha đem đàn ra gảy.

Nhưng bản đàn chưa dứt, dây đàn bỗng đứt. Bá Nha lấy làm kinh ngạc, nghĩ thầm:

- Chỗ này núi cao, non thẳm, sông dài, lẽ đâu có người biết nghe đàn làm cho dây đàn vội đứt. Hẳn đây là quân trộm cướp chăng?

Đoạn truyền quân lên bờ tìm bắt. Bỗng có tiếng một chàng trẻ tuổi vọng xuống:

- Xin đại nhân chớ nghi, tôi là đứa trẻ đốn củi mộc mạc, thấy khúc đàn hay nên dừng chân nghe thử.
Bá Nha mỉm cười, bảo:

- Có lẽ đâu một tên tiều phu mà lại biết nghe đàn!

Chàng tiều phu đáp:

- Xin lỗi đại nhân! Đại nhân nói như vậy chẳng là lầm lắm. Thánh nhân xưa có nói: Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa có quân tử đến. Nếu đại nhân khi chỗ núi non rừng bụi không có người biết nghe dàn thì ở nơi sông vắng đêm khuya này chẳng lẽ có khách biết đàn.

Nghe có chiều hữu lý, nhưng Bá Nha lại hỏi:

- Ngươi bảo nghe được đàn, vậy ta đàn bài gì đây?

- Dạ, đại nhân đàn bài Đức Khổng Tử than tiếc thầy Nhan Hồi. Bài ấy như vầy:

Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vương,
Giao nhân tư tưởng mấn như sương.
Chỉ nhơn lậu hạng đơn biều lạc,
Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.

Bá Nha cho là hay, mời khách xuống thuyền đàm đạo. Nhưng nhìn thấy khách là một chàng trai trẻ tuổi, quần bô áo vải thì có vẻ xem thường. Bá Nha không nói gì, ôm đàn sửa dây gảy một bản hướng về ý cao siêu. Bản đàn vừa dứt, chàng tiều phu cười nói:

- Hay! Hay! Ý đại nhân vọi vọi ở non cao (Nga nga hề chỉ tại sơn).

Bá Nha lại gảy một bản đàn khác hướng về tình cảm mênh mang, khoáng đãng. Chàng tiều phu cười nói:

- Hay! Hay! Ý đại nhân cuồn cuộn nơi nước chảy (Dương dương hề chí tại lưu thủy).

Bá Nha lấy làm khâm phục, đứng dậy xốc áo xin lỗi và hỏi danh tánh. Chàng tiều phu xưng là họ Chung tên Tử Kỳ.

Cả hai trò chuyện, lấy làm tương đắc. Bá Nha lại mời Tử Kỳ cùng theo mình về triều để hưởng cuộc sống giàu sang. Tử Kỳ thở dài, bảo: Vì còn cha mẹ già, phận làm con phải ở bên quạt nồng ấp lạnh, thần tỉnh mộ quang phụng dưỡng.

Vì việc quan cần cấp, Bá Nha phải sớm về triều. Lại ước hẹn với Tử Kỳ là sang năm ngày này, tháng này, Bá Nha sẽ đem thuyền đến đón cả gia quyến của Tử Kỳ về triều, vậy chàng hãy chờ đợi tại đây.
Đoạn hai người từ giã nhau.

Rồi đến mùa thu năm sau, Bá Nha đem thuyền đến đón tại vàm sông Hán Dương cạnh núi Mã An. Bá Nha chờ đợi mãi nhưng không thấy Tử Kỳ đến. Buồn bã, Bá Nha lại ôm đàn gảy. Tiếng đàn hôm nay sao lại ai oán vô cùng. Lòng Bá Nha nghi hoặc một điềm bất thường xảy đến.

Sáng lại, Bá Nha lên bờ, lần bước thăm hỏi nhà Tử Kỳ. Đến nơi mới hay Tử Kỳ vừa chết trong một cơn bạo bịnh. Chung ông lại cho biết rằng: Trước khi chết, Tử Kỳ lại trối phải chôn chàng bên mé sông Hán Dương, cạnh núi Mã An để chàng giữ lời hẹn với Bá Nha năm xưa là đến đó đón người.

Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, rồi lấy đàn gảy một bài ai điếu và khóc lóc thảm thiết. Đàn xong Bá Nha bèn đập đàn vào đá tan nát, thề trọn đời không đàn nữa vì đã hết bạn tri âm.

Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu có câu:


Than rằng lưu thủy cao san,
Ngày nào nghe đặng tiếng đàn tri âm.

Trong "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn Kim Trọng yêu cầu Kiều đánh đàn cho nghe, có câu:

Rằng:

 "Nghe nổi tiếng cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".

Cổ thi cũng có câu:
"Bất tích ca giả khổ, Đản thương tri âm hy" nghĩa là: "Không tiếc người hát khó nhọc, chỉ đau đớn người tri âm ít mà thôi".
"Lưu thủy, cao san, tri âm, Chung Kỳ" đều căn cứ điển tích trên.

Hết Phần 6


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét