Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

"Thằng Bờm" Bài Ca Dao Bác Học

                                                                        
                                                    
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười.

Năm đầu tiên trên ghế Trung Học. Tôi đã được học bài ca dao này. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc đang học thuộc lòng, đã cười và không ngớt chê đồ ngu. Lúc đó, anh tôi tình cờ nghe:
- Học không lo học còn chê ai ngu nữa vậy?
- Thằng Bờm chớ ai
- Thằng Bờm! thằng Bờm ngu ra sao?
- Anh nghĩ coi, thằng Bờm có được cái quạt mo không giá trị mấy, vậy mà phú ông đem không biết bao nhiêu thứ có giá trị đem đổi, thế nhưng thằng Bờm không chịu đổi, khi được đề nghị nắm xôi thì khoái, đồng ý ngay. Anh thấy ngu không?
- Ngu là mầy ngu chớ không phải thằng Bờm đâu. Anh thấy mầy cần tìm hiểu thật nhiều về bài ca dao này đi.
Đúng vậy, mãi đến bây giờ, trải qua hơn nữa thế kỷ, Thằng Bờm và Nắm Xôi, Phú Ông với cái Quạt Mo, luôn khiến tôi phải suy nghĩ mỗi lần đọc bài ca dao "Thằng Bờm".
Một bài ca dao bình dân có vẻ tầm thường, nhưng lại mang nhiều ý nghĩa rất sâu sắc. Các nhà nghiên cứu đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực, nhưng vẫn không hề đi đến cái nhìn chung được.
Bài Ca Dao khởi đầu là cái Quạt Mo và cuối cùng là Nắm Xôi. Tất cả những diễn biến của bài ca dao này đưa ta đi đến kết luận là tiếng cười của Thằng Bờm.
Điều này cho chúng ta thấy rõ Cái cười của Bờm là trọng tâm của bài ca dao, một tiếng cười không đơn thuần là tiếng cười vô tư. Một tiếng cười ẩn chứa nhiều tâm tư nguyện vọng của người dân hiền lành chất phát, khi được đối xử công bằng.
Rất nhiều Học giả, Nhà văn đã phân tích bài THẰNG BỜM, nhất là hai nhân vật chánh: Thằng Bờm và Phú Ông.
Đa số đều nhận xét hai nhân vật đó như sau :
1) Bờm : chỉ là một đứa trẻ còn bụ sữa, có một chỏm tóc để dài che trên thóp đầu, hay còn gọi là “mỏ ác”.
Bờm đại diện cho giai cấp nông dân nghèo trong thời phong kiến, thật thà chất phát nhưng khôn ngoan, trong sạch và không ham của cải phi nghĩa, chẳng do bàn tay lao động mình làm ra.
2) Phú ông là một tên trọc phú ngu ngốc, chết mê chết mệt cái quạt mo của Bờm, nên không ngần ngại đem tài sản của mình đánh đổi.
Phú ông đại diện cho lớp địa chủ thời phong kiến, ngu muội và tham lam.
Theo ý kiến của tôi,
Bờm tuy là con một nông dân nghèo nhưng lại là một cậu bé rất dễ thương, vì vậy nên Phú ông mới trêu ghẹo cậu.
Bờm rất thông minh và có óc sáng tạo.Từ một miếng mo cau không chút giá trị, cậu ta đã cắt gọt thành một cái quạt mo xinh xinh, đến Phú Ông trông thấy là thích ngay, cố tìm cách đổi cho bằng được.
Ngoài ra Bờm cũng rất chân thật. Biết rõ cái quạt của mình không thể so với các thứ Phú Ông đem ra đổi chác, ngoại trừ nắm xôi.
Sâu xa hơn, Bờm tượng trưng cho giai cấp Nông dân, một giai cấp chiếm đa số trong xã hội thời bấy giờ. Tiêu biểu cho những người dân, tuy nghèo nhưng thông minh, cần cù, lại rất giản dị hiền lành.
Còn Phú Ông ?
Đa số các bài bình luận đều cho Phú Ông là người giàu có trong vùng, tham lam ngu dốt, khoe khoang sự giàu có của mình khi đem những của cải giá trị to lớn đổi lấy cái quạt mo.
Nhưng tôi không nghĩ vậy, Phú Ông là một người vui tánh, yêu trẻ nên đùa giỡn với Bờm, không phải kẻ tham lam, không hề dùng đến uy lực của mình để hù doạ, cướp đoạt cây quạt của Bờm mà đưa ra điều kiện trao đổi rất rõ ràng.
Phú Ông cũng không phải là người khoe khoang, vì trong vùng, ai nấy đều biết Ông là người giàu có nhất rồi, cần gì phải phô trương.
Còn Ngu dốt, lập luận này không vững chắc, một người ngu dốt không có được sự nhạy bén không đủ khả năng để làm giàu hay gìn giữ được sự giàu có của mình.
Nói chung, bản chất Phú Ông là một người tốt, trái với những nhận định của nhiều người.
Ngoài ra trong bài ca dao này, Phú ông đại diện cho giai cấp trung lưu và thượng lưu sống hòa lẫn vào đám dân nghèo. 

                                           

QUẠT MO và NẮM XÔI
1 - Quạt mo của thằng Bờm:
Quạt mo, đó là cây quạt được làm từ cái bẹ tàu cau, đúng là không có giá trị gì, nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, quạt mo của Bờm không đơn thuần là một cái quạt tầm thường. Từ một thứ bỏ đi, người nông dân (Bờm) đã dựa vào trí thông minh, óc sáng tạo, làm thành một vật dụng hữu ích. Cây quạt ở đây mang một nghĩa cao xa hơn, đó là trí thông minh, óc sáng tạo của người nông dân.
2 - Nắm xôi của Phú Ông:
Những thứ Phú Ông đưa ra làm mặt hàng trao đổi, giá trị của món đồ từ từ giảm lần. Nắm xôi là món cuối cùng và cũng là món duy nhất, giá trị thấp nhất, Bờm không lắc đầu. Đơn giản vì tương xứng.
Xôi từ nếp mà ra, tượng trưng cho lúa. Người nông dân đã đổ bao nhiêu là mồ hôi, công sức mới có được những hạt lúa này.
Ý nghĩa thật của nắm xôi chính là công sức, là mồ hôi của những nông dân tay lấm chân bùn.
Đúng là Quat Mo có giá trị ngang với Nắm Xôi. Hay nói rõ hơn, với cái trí thông minh óc sáng tạo thì chỉ có mồ hôi và công sức mới có thể trao đổi với nhau.Còn những thứ như 3 bò 9 trâu, ao sâu cá mè.... chỉ là những của cải vật chất tầm thường thì làm sao sánh bằng.
Cái cười của Bờm cũng là cái cười của nông dân xác nhận chân giá trị của những mặt hàng đươc đem trao đổi.
Như thế bài Ca dao Thằng Bờm muốn nói lên điều gì ?
Một quan điểm từ trước đến nay được đa số chấp nhận là sự phân biệt, chống đối giai cấp giữa dân nghèo bình dân, đại diện là thằng Bờm và giới trung thượng lưu, đại diện là Phú Ông. Giới nào cũng cho rằng mình là quan trọng nhất trong xã hội.
Từ trong bài ca dao trên, tất cả những gì của Phú Ông đều không bằng một nắm xôi, nên mọi người cho rằng đây là sản phẩm của phái Trọng Nông :
"Nhất Sĩ nhì Nông, hết gạo chạy rong, nhất Nông nhì Sĩ".
Nhưng thực sự thì không hẳn vậy.
1 - Bài Ca dao trên thể hiện sự bình đẳng rất rõ ràng. Một Phú Ông, một người lớn tuổi, giàu có đầy quyền thế, nhung không hề dựa vào đó để hiếp đáp hay cướp lấy cây quạt của một đứa bé, mà đưa ra điều kiện trao đổi thật sòng phẳng, cuối cùng có thể vừa lòng cả đôi bên.
2 - Từ cái giá trị tương xứng của cây quạt và nắm xôi, thể hiện cái nhìn rất sâu sắc về quan niệm sống trong xã hội của người dân Việt ta. Đó là sự hợp lý, món đồ nào có cái giá trị riêng của nó, mỗi người sống trong xã hôi đều chấp nhận và làm tròn công việc của mình hưởng thành quả tương đương với khả năng công sức của bản thân.
3 - Qua hình ảnh vui vẻ của Phú Ông và Bờm, chúng ta không hề thấy có sự đố kỵ hay ganh ghét nào. Nói đúng hơn là sự hòa đồng đùa vui của hai giai cấp, thể hiện qua tiếng cười của Bờm ở câu cuối và cũng là tiếng cười của chính chúng ta, một tiếng cười vui tươi thoải mái sau khi đọc hết bài ca dao này.
                                                                                            Huỳnh Hữu Đức


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét