Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Dịch Thơ



Từ xưa đến nay, các nhà thơ có cảm xúc với một bài thơ nước ngoài nào, thường nảy sinh cảm hứng dịch ra bài thơ đó. Có thể do xuất phát từ nguồn cảm hứng, nên việc dịch thơ chưa có một nguyên tắc hay quy định nào rõ ràng.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tùy tiện. Theo cá nhân tôi, một bài thơ dịch tương đối toàn vẹn, phải cần có những điều căn bản và có thể xem đó là quy ước phải tuân theo như sau : 

1 - Hiểu đúng :
- Người dịch cần phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng, cặn kẽ từng chữ, từng câu trong bài thơ.
- Phân tích, suy nghiệm hầu cảm nhận cái thần, cái ý của tác giả. Đồng thời nắm được cái hay, cái đẹp của bài thơ nguyên tác.
2 - Chính xác :
Sau khi đã hiểu được ý của bài thơ, người dịch phải trung thành với ý thơ nguyên tác, phải dịch đúng ý tưởng, đúng cảm nghĩ và đúng với tư duy của tác giả.
3 - Tao nhã :
Thơ dịch phải có vần điệu, âm thanh du dương, trầm bổng và tao nhã, để có thể lôi cuốn và làm rung động lòng người đọc.
Tuy vậy, một bài thơ dịch không hề bắt buộc giữ đúng với thể loại của bài thơ nguyên tác. Bài thơ nguyên tác là Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú chẳng hạn thì người dịch có thể dùng thể Lục Bát hay thể Thơ Mới...Ngoài ra, đôi lúc dịch thơ có thể tự do trong sử dụng từ ngữ, nhưng không làm lệch ý của nguyên tác và tương đối đạt ba điều được nêu ở bên trên.

Thí dụ 1: Nguyệt Dạ Ức Xá Đệ 

Thú cổ đoạn nhân hành,
Thu biên nhất nhạn thanh.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Hữu đệ giai phân tán,
Vô gia vãn tử sinh.
Ký thư trường bất đạt,
Huống nãi vị hưu binh.
                      Đỗ-Phủ
 
        Bản Dịch 1
Hồi trống quân canh người ngại bước
Kêu thu quan ải nhạn bi thương
Sương mờ mốc trắng đêm nay phủ
Trăng vẫn ngời soi sáng cố hương
Có những em trai giờ tứ tán
Không nhà sống chết biết sao tường
Thư thường xuyên gởi đều chưa được
Chinh chiến bao lâu thật khó lường

        Bản Dịch 2
Tiếng trống đồn quân cản bước đi
Chim nhạn kêu thu chốn biên thuỳ
Đêm nay sương mốc rơi rơi trắng
Quê cũ giờ này vẫn sáng trăng
Những đứa em trai đều thất lạc
Sống chết không nhà biết hỏi ai
Thư vẫn gởi thường nhưng chẳng tới
Huống hồ chinh chiến vẫn chưa ngưng 

         Bản Dịch 3
Trống đồn dồn dập chân chùn lại
Biên ải thu buồn tiếng nhạn thưa
Sương mốc đêm nay rơi trắng xoá
Trăng già vẫn chiếu sáng quê xưa
Em trai bao đứa đều lưu lạc
Sống chết tin nhà cũng vẫn chưa
Thường gởi thư đi nhưng khó đến
Bao giờ ngưng chiến hỏi chi thừa
                                   Quên Đi 

Bài thơ " Nguyệt Dạ Xá Ức Đệ " của Đỗ Phủ được viết theo thể Ngũ ngôn Bát Cú Đường Luật, nhưng khi dịch, không cần phải theo thể thơ nguyên tác. Trong ba bài dịch của Quên Đi, bài 1 và 3 dịch theo thể Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú, còn bài dịch 2 theo thể thơ Thất Ngôn Cổ Phong.

Thí Dụ 2 : Ô Y Hạng 

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa,
Ô Y hạng khẩu tịch dương tà.
Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến,
Phi nhập tầm thường bách tính gia. 

             Ngõ hẻm Ô Y

      Dịch thơ 1
Chu Tước bên cầu hoa cỏ hoang
Ô Y cửa ngõ ánh chiều vàng
Trước quen gác tía nơi Vương Tạ
Nay én hoà mình với thế gian

      Dịch thơ 2
Chu Tước cầu
Hai bên đầy cỏ dại
Hẻm Ô Y
Bóng xế cảnh chiều tà
Trước có hai nhà Vương Tạ
Thuộc giống dòng quyền quý cao sang
Trong cảnh lầu son én sống an nhàn
Qua năm tháng
Bao vật đổi sao dời
Đâu rồi cuộc sống thảnh thơi
Lìa nhung gấm én sống hoà cùng trăm họ 
                                                Quên Đi

Bài thơ Ô Y Hạng của Lưu Tích Vũ là bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật, khi dịch chúng ta không cần phải dùng thể Thơ Đường Luật như Nguyên Tác (Bài dịch 2).

Chú thích: Ô Y nghĩa là áo đen. Xưa đời nhà Tấn trung hưng, họ Vương, họ Tạ là hai nhà quyền quý vinh hiển nơi đó, các con em đều mặc áo đen, nhân vậy mới có tên Ô Y. 

Huỳnh Hữu Đức 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét