Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Hùng Ca Sử Việt 1 : Nhuỵ Kiều Tướng Quân



"Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông , đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người"
    
         Một câu nói bộc lộ khí phách của bậc Anh Thư. Tuy chỉ xuất hiện trong lịch sử với khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng Bà Triệu là một điểm son, một tấm gương sáng, là niềm kiêu hãnh của dân tộc nói chung và phụ nữ Việt nói riêng. Chúng ta cùng tìm đến với Bà Triệu qua những trang sử, sách.
         Bà Triệu, Triệu Trịnh Nương hay Triệu Thị Trinh đều là tên các đời sau để gọi người nữ anh hùng dân tộc hồi thế kỷ thứ III.         
          Theo dã sử, Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (256), tại một vùng sơn thôn nay thuộc địa phận huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Mồ côi sớm, cô gái nông thôn sống với người anh Triệu Quốc Đạt, một hào mục khá giàu có.
         Vợ Triệu Quốc Đạt bản tính ác nghiệt nên người em chồng không được đối xử tử tế. Cô gái lớn lên tại một vùng bìa rừng hẻo lánh, nên không có điều kiện học hành chu đáo, nhưng được đền bù bằng sự thông minh và sức lực thiên bẩm nên mới được 17, 18 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng là có mưu lược và bản lãnh hơn người.
         Do thế người thôn nữ chưa xuất đầu lộ diện mà đã có uy tín đáng kể tại địa phương.
        Đến năm 20 tuổi, Triệu Thị Trinh lỡ tay đánh chết người chị dâu nên phải chạy trốn vào ở trong núi Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), sống tự lập để khỏi lệ thuộc vào người anh nữa. 
         Nhưng một phần nhờ ở sẵn có nhiều người mến phục và phần khác nhờ ở tình hình địa phương mà trong thời gian rất ngắn người thôn nữ bôn đào đã thu hút được cả ngàn trai tráng chạy theo mình vào rừng sâu, để nghiễm nhiên trở thành người điều khiển một lực lượng võ trang khả dĩ đương đầu với quân Đông Ngô và vùng vẫy ở địa phương ấy.
         Ở đó cho đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về thời kỳ bà chuẩn bị khởi nghĩa chống giặc Ngô.
         Đó là chuyện Bà Triệu thu phục được con voi trắng một ngà, chuyện "Đá Biết Nói" rao truyền lời thần nhân mách bảo từ trên núi Quan Yên.
Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà Vương....
   Mến mộ bà, nghĩa quân ngày đêm mài gươm luyện võ, chờ ngày nỗi dậy:
          "Ru con con ngủ cho lành
   Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
           Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu Tướng cỡi voi đánh cồng".
         Thời đó, nước Tàu đang ở trong tình trạng bị chia cắt: nhà Hán đã mất ngôi vua và lãnh thổ Trung Hoa phân làm 3 phần không đều nhau, phần phía Bắc thuộc về họ Tào và gọi là Bắc Ngụy; người họ xa của vua nhà Hán chiếm được miền Ba Thục ở phía Tây; phía Đông do họ Tôn hùng cứ và trở thành nước Đông Ngô. 
         Nước ta từ sau ngày Mã Viện tái chiếm, lại bị người Tàu đô hộ, khi Đông Ngô thay nhà Hán cai trị phần phía Đông Trung Hoa thì họ cũng gồm thu luôn lãnh thổ nước ta từ tay con cháu Thứ sử Sĩ Nhiếp.
         Kể từ năm Bính Ngọ 226, nước ta trở thành một vùng thuộc địa của Đông Ngô, vua nước Ngô cải tên thành Giao Châu và phong Lữ Đại làm Thứ sử. Lữ Đại tiến đánh nốt quận Cửu Chân và đạt thắng lợi nên được vua Ngô gia phong làm Giao Châu Mục.
         Nhưng những hành động tàn ác của đạo quân chinh phục đã khơi sâu căm thù trong lòng người dân quận Cửu Chân, sau đó chính sách hà khắc của bọn quan lại Tàu càng thúc đẩy dân Cửu Chân vùng lên chống lại. Đó là lý do đã khiến cho cả ngàn thanh niên vùng lân cận ồ ạt kéo vào rừng quy phục người lãnh đạo tương lai của cuộc khởi nghĩa sẽ bùng nổ 2 năm sau. 
         Chí lớn của vị Nữ Anh Hùng quyết dựng cờ khởi nghĩa cứu nước, nhưng biết mình biết người, nên bà chưa động binh để có thêm thời gian chỉnh đốn nghĩa quân và chờ đợi thời cơ…Triệu Quốc Đại lúc đầu vốn chủ trương cầu an nên đã tìm  khuyên em trở về với kiếp sống bình thường của một thôn nữ, lập gia đình. Nhưng Triệu Thị Trinh đã khẳng khái: 
"Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông , đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chớ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người" 
      
         Bị câu nói của em gái khích động, Triệu Quốc Đạt quyết cùng em chiêu mộ tướng sĩ dựng cờ khởi nghĩa.
         Lúc bấy giờ bọn quan lại Đông Ngô cai trị ngày càng tàn ác, khiến dân chúng vô cùng khổ cực, oán than thấu trời. Vừa phẫn nộ vừa cho rằng thời cơ đã thuận lợi, Triệu Quốc Đạt đột ngột mang quân đánh dinh quận Cửu Chân.
         Bị bất ngờ dồn vào thế không thể trì hoãn được nữa. Triệu Thị Trinh đành mang quân đi giúp anh. Triệu Quốc Đạt vẫn tự biết không bằng em, quân sĩ dưới cờ ông lại khâm phục người nữ tướng có tài lãnh đạo, mọi người liền nhất trí suy tôn Triệu Thị Trinh chỉ huy lực lượng khởi nghĩa.
          Năm Mậu Thìn (248) nghĩa quân bắt đầu tấn công quân Ngô. Các thành ấp của quân Ngô đều bị đánh phá tan tành. Bọn quan cai trị kẻ bị giết, kẻ chạy trốn hết. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng. Thứ Sử Châu Giao hoảng sợ bỏ chạy mất tích. Sử sách của nhà Ngô phải thú nhận:"Toàn thể Châu Giao chấn động".
          Mỗi lần ra trận, Triệu Thị Trinh thường mặc áo giáp đồng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi dẫn quân xông trận, oai phong lẫm liệt. Quân Ngô kinh
 hồn, bạt vía đã phải thốt lên:
         Hoành qua đương hổ dị
         Đối diện Bà Vương nan
Nghĩa là:
         Vung giáo chống hổ dễ
         Giáp mặt Bà Vua khó
         Với tư cách đó, người thôn nữ mới ngoài 20 tuổi đã sớm chứng tỏ là không phụ công lòng tin của mọi người. Bà đánh đâu thắng đó, chỉ trong vòng một tháng trời là lực lượng khởi nghĩa tiêu diệt và đánh đuổi hết quân Tàu trên toàn bộ lãnh thổ quận Cửu Chân.         
         Phần vì sợ phép dùng binh sấm sét, phần vì cảm phục độ lượng của người nữ tướng trẻ tuổi, bại binh Tàu đều gọi Bà là Lệ Hải Bà Vương
         Nhưng Triệu Thị Trinh không hề nuôi mộng tranh bá đồ vương. Chỉ vì yêu nước và thương xót đồng bào mà người thôn nữ phải đánh đổi nông tầm, lưỡi hái lấy kiếm cung, phải dấn thân gái ra nơi chiến trận.
         Khi cầm quân đánh giặc Tàu, bà luôn luôn tiến trước mọi người, lẫm liệt trên mình voi trắng, cờ vàng, mũ vàng, giáp vàng, toàn thân như chiếc nhụy vàng của đóa sen trắng khổng lồ. Chính hình ảnh như thế, nên Bà xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân, ngụ ý không quên phận mình phận gái nhưng lại hạ quyết tâm làm nên sự nghiệp hào hùng của một vị tướng.
          Hay tin có khởi nghĩa ở Cửu Chân và thứ sử Châu Giao mất tích, vua Ngô hốt hoảng phái ngay Lục Dận (anh em họ của danh tướng Đông Ngô là Lục Tốn) một tướng từng kinh qua trận mạc, lại rất quỷ quyệt sang làm thứ sử. Lục Dận đem 8.000 quântinh nhuệ sang đàn áp. Lục Dận vừa đánh vừa đem của cải chức tước ra dụ dỗ mua chuộc các thủ lĩnh người Việt. Một số kẻ dao động mắc mưu địch. Mặc dầu vậy, Triệu Thị Trinh vẫn kiên cường đánh nhau với giặc không nao núng. Sau 6 tháng chống chọi, vì có kẻ phản bội, nghĩa quân dần yếu thế, lực lượng ngày mỏng dần. Mộng đuổi xâm lăng của vị nữ anh hùng không thể thành hiện thực. Triệu Thị Trinh rút quân về xã Bồ Điền (về sau là làng Phú Điền, tổng Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa) rồi tự sát sau khi giải tán nghĩa quân để tránh sự hy sinh vô ích .         
            Bấy giờ bà mới 23 tuổi. Dân địa phương lập đền thờ.
           Về sau, vua Lý Nam Đế khen ngợi là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là:"Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân".
 Nay ở Phú Điền (Thanh Hóa) còn có đền thờ bà.
         Tinh thần yêu nước và dũng khí của Bà Triệu vẫn mãi được truyền tụng cho dù đã gần 2000 năm:

- Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt,
  Lục Dận nhiều phen mắt đã vàng.

- "Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vương, những muốn bon chân về Bắc quốc;

  Ngồi yên ngựa, khách đi hoài cổ, tưởng sự Lạc Hồng nữ tướng, có chăng thẹn mặt đấng nam nhi."
                                                                                                                                 Khuyết Danh
                                                                        
- Một đầu voi chống chọi với quân thù, sau Trưng Vương  rạng danh bà Lệ Hải;
  Ba thước vú tử sinh cùng đất nước, cho Ngô Hoàng biết mặt gái Giao Châu.

                                                                                                  Dương Bá Trạc

          Triệu Nữ Vương
1
"Tôi chỉ muốn cỡi cơn gió mạnh" *
Thật oai nghi cân quắc hùng anh
Nêu chí khí giống dòng Tộc Việt
Nghìn năm sau sử mãi lưu danh
                                          

                                     Quên Đi
* Trích câu nói của Bà Triệu


 2
  Đạp sóng biển đông diệt cá kình **
Má hồng vì nước quyết hy sinh
Hiên ngang chống bạo tàn phương bắc
Hậu thế gương truyền "Triệu Thị Trinh"

                                             Quên Đi
** Từ ý câu nói của Bà Triệu

Chú Thích:

- Sách Giao Chỉ chí chép:
          Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu
vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần.
- Sách Những trang sử vẻ vang... giải thích:
         Phụ nữ khổng lồ, vú dài… là huyền thoại về bà Mẹ-Đất (terre-Mère, Déesse-Mère). Sau hình tượng đó được khoát cho bất kỳ một phụ nữ hiệt kiệt nào (tr. 129).
- Các tác giả sách Lịch sử Việt Nam (tập I) cũng đều cho rằng:
          Huyền thoại về một người phụ nữ có "vú dài ba thước" vốn rất phổ biến ở Phương Nam, từ Hợp Phố đến Cửu Chân. Như truyện "Tẩy thị phu nhân", "Tiểu quốc phu nhân" đều nói họ là những phụ nữ cao to và có vú dài đôi ba thước...Có thể, vì bà Triệu cũng là một người phụ nữ kiệt xuất, nên dân gian đã dùng hình tượng này khoác lên cho bà.
Bối Cảnh Lịch Sử
          Mã Viện đánh được Trưng-vương đem đất Giao-chỉ về thuộc nhà Hán như cũ, rồi chỉnh-đốn binh-lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến-cải mọi cách chính-trị trong các châu quận.
         Từ đó chính-trị nhà Đông Hán càng ngày càng ngặt thêm, mà những quan-lại sang cai-trị Giao-chỉ thường có lắm người tàn-ác, tham-nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu-báu. Dân ở quận Hợp-phố cứ phải xuống bể mò ngọc trai khổ quá, đến đổi phải bỏ xứ mà đi.         
         Triều-đình thì xa, quan-lại ra cai-trị thì tha hồ mà tung-hoành, tiếng oan-ức kêu không thấu vào đâu, cho nên thường hay có sự loạn-lạc, làm cho dân-gian phải nhiều sự khổ-sở.
         Về cuối đời nhà Đông-Hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền ra đến ngoài, thiên-hạ chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái-thú là Sĩ Nhiếp 士燮cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên.
         Tiên-tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người nước Lỗ 魯vì lúc Vương Mãng 王莽cướp ngôi nhà Hán, mới tránh
 loạn sang ở đất Quảng-tín 廣信, quận Thương-ngô 蒼梧, đến đời ông thân-sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông thân-sinh tên là Sĩ Tứ 士賜làm thái-thú quận Nhật-nam 日南, cho Sĩ Nhiếp về du-học ở đất Kinh-sư, đỗ hiếu-liêm được bổ Thượng-thư-lang, vì việc quan phải cách, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ mẫu-tài được bổ sang làm Thái-thú ở quận Giao-chỉ.
Năm quí-mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến-đế 獻帝, quan Thứ-sử là Trương tân 張津cùng với quan Thái-thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao-chỉ 交趾làm Giao-châu 交州. Vua nhà Hán thuận cho. Sau vì trong châu có lắm giặc-giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm Thái-thú quận Cửu-chân, quận Hợp-phố và quận Nam-hải. Sĩ Nhiếp giữđược đất Giao-châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến-đế lại phong cho chức An-viễn tướng quân 安 遠將軍Long-độ đình-hầu 龍度亭侯. Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy-bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương. Nhà làm sử thường cho nước ta có văn-học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp.
         Cái ý-kiến ấy có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán sang cai-trị đất Giao-chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao-chỉ đã có người học-hành thi đỗ hiếu-liêm, mậu-tài,sang làm quan bên Tàu như Lý Tiến , Lý Cầm… Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có nho-học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc-giả ông ấy là một người có văn-học rồi trong khi làm quan, lo mở-mang sự học-hành, hay giúp-đỡ những kẻ có chữ-nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước ta, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn.
          Nhà Đông-Hán mất ngôi thì nước Tàu phân ra làm ba nước: Bắc-ngụy 北魏, Tây-thục 西蜀, Đông-ngô 東呉. Đất Giao-châu bấy giờ thuộc về Đông-ngô.        
         Sĩ Nhiếp ở Giao-châu được 40 năm, tuy thiệt cóuy-quyền ở cõi Giao-châu, nhưng vẫn theo lệ triều cống nhà Hán, và đến khi nhà Hán mất thì lại triều cống nhà Ngô. Năm bính-ngọ (226) là năm Hoàng-vũ 黄 武thứ 5 nhà Ngô, Sĩ Nhiếp mất, con Sĩ Huy 士徽tự xưng làm Thái-thú. Ngô-chủ là Tôn Quyền 孫權bèn chia đất Giao-châu, từ Hợp-phố về bắc gọi là Quảng-châu 廣州, từ Hợp-phố về nam gọi là Giao-châu 交州.
        Sai Lữ Đại 呂岱làm Quảng-châu thứ-sử, Đái Lương 戴良làm Giao-châu thứ sử, và sai Trần Thì 陳辰sang thay Sĩ Nhiếp làm thái-thú quận Giao-chỉ.
Bọn Đái Lương và Trần Thì sang đến Hợp-phố thì Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Thứ-sử Quảng-châu là Lữ Đại mới tiến quân sang đánh-dẹp, và cho người đến dụ Sĩ Huy ra hàng. Sĩ Huy đem 5 anh em ra hàng, Lữ Đại sai bắt Sĩ Huy đem chém đi, còn mấy anh em thì đem về Ngô-triều làm tội.
         Ngô-chủ lại hợp Quảng-châu và Giao-châu lại làm một, và phong cho Lữ Đại làm Thứ-sử. Lữ Đại đem quân đi đánh quận Cửu-chân có công được phong làm Giao-châu-mục 交州牧.
          Thuộc hạ của Sỹ Huy tiếp tục chống lại, khiến Lữ Đại mang quân vào Cửu Châu giết hại một lúc hàng vạn người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét