Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Hồi Hương Ngẫu Thư - Hạ Tri Chương



HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ - 回鄉偶書
Hạ Tri Chương 

alt
"Lá rụng về cội, nước dội về nguồn"
      
      Suốt mấy mươi năm bận việc quan trường, không có dịp về thăm lại quê hương. Đến lúc tuổi già, trở lại chốn xưa, nơi thuở thiếu thời nương náu. Cảnh cũ vẫn như xưa, nhưng những người thân quen thuở trước giờ đây chẳng thấy,  tác giả có cảm giác như lạc lỏng cô đơn.
      Không gì buồn hơn khi trở lại cố hương mà tưởng chừng như nơi xa lạ.
    
         Kỳ I

少小離家老大迴
鄉音無改鬢毛衰
兒童相見不相識
笑問客從何處來

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi.
Hương âm vô cải mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai
 

Dịch nghĩa : Về quê ngẫu hứng viết  Kỳ 1 
 

Thuở còn nhỏ đã rời nhà đến già mới quay lại.
Giọng nói của quê nhà không hề thay đổi, nhưng lông tóc đã thay màu và thưa nhiều.
Những đứa bé con gặp, nhưng không hề biết
Vừa cười vừa hỏi khách ở nơi nào tới nơi nầy

Dịch thơ:

Rời nhà thuở nhỏ lão về đây
Vẫn giọng nói quê  tóc đã phai
Các bé gặp qua nhưng chẳng biết
Chỉ cười hỏi khách lạ tìm ai


       Kỳ II

離別家鄉歲月多
近來人事少消磨
惟有門前鏡湖水
春風不改舊時波

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự thiếu tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba.


Dịch nghĩa : Về quê ngẫu hứng viết Kỳ 2

Xa cách quê nhà đã nhiều năm tháng
Gần đây, những người quen thuở nhỏ đâu mất hết,còn lại rất ít
Chỉ còn có nước Kính Hồ ở trước cửa,
Gió xuân không thể làm thay đổi làn sóng xưa.


Dịch thơ:

Quê nhà xa cách bao năm tháng
Giờ ít người quen lẫn bạn thân
Chỉ nước Kính Hồ còn trước cửa
Gió xuân khó đổi sóng triều dâng

Quên Đi

Chú Thích:

1- Ở câu thứ 2 :  近  來    人   事    少    消   磨
                           Cận lai nhân sự thiếu tiêu ma
có bản viết:  Cận lai nhân sự bán tiêu ma (bán có nghĩa là phân nửa phải là chữ :半), theo tôi là không đúng vì đây là chữ THIẾU (少)

2- Kính Hồ ở tỉnh Chiết Giang. Một hồ lớn đẹp, còn có tên Hạ Giám Hồ. Vì vua Đường Minh Hoàng sau khi đọc bài Kính Hồ của Hạ Tri Chương đã phong cho ông chức Bí Thư Giám.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét