Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Từ Bình Long-Phước Long Đến Tỉnh Bình Phước Phần 1


Vùng Đất Mang Tên Bình Long-Phước Long:
 
Vùng đất nằm về cực Bắc của Nam Kỳ là vùng Bình Long-Phước Long. Đây là triền dốc cuối cùng của dãy Trường Sơn. Vùng đất nầy vẫn còn mang địa hình của một vùng cao nguyên, với đồi núi ở phía Bắc và Đông Bắc, nhưng thấp dần về phía Tây và Tây Nam. Cao độ trung bình của cao nguyên nầy chỉ vào khoảng từ 50 đến 150 mét. Kỳ thật 2 vùng Bình Long và Phước Long có thể được xếp chung vào một vùng địa lý và khí hậu, vì toàn thể đất nầy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gần vùng xích đạo gió mùa, với 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Lưu lượng nước mưa trung bình là 2.110 mili mét, và nhiệt độ trung bình từ 25 đến 30 độ C. Từ bao đời nay, vùng này luôn là yếu điểm của không riêng miền Nam, mà còn cả vùng Tây Nguyên của miền Nam Trung Phần nữa. Đa số đất đai của vùng nầy là đất đỏ. Đây là một vùng đồi núi chạy dài từ biên giới Việt Miên đến biển Đông, từ Tây Ninh, Bình Long, Phước Long(1), qua vùng Bình Dương, Đồng Nai cho đến Bà Rịa và Vũng Tàu. Vùng này có các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé, chảy qua miền đất đỏ mang nét đặc sắc riêng biệt là sự pha trộn chuyển tiếp từ miền núi đồi đất đỏ của cao nguyên Trung phần đến những cánh đồng bạt ngàn của miền Tây. Miền Đông với những rừng cao su bạt ngàn, những núi đồi chạy dài với những dòng sông đỏ ngầu đất phù sa. Đây còn là một vùng đất đầy sức sống của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu Nam tiến. Bắt đầu từ Đồng Nai, mảnh đất có chiều dài lịch sử mới hơn 300 năm nhưng mang đầy vết chân kiêu hùng của những người đi mở nước.
Vào cuối thế kỷ thứ XVII, khi các di thần nhà Minh chạy sang nước ta xin tỵ nạn, chúa Nguyễn đã cho phép họ vào Nam khai hoang lập ấp. Năm 1679, chúa Nguyễn biên thư cho quốc vương Cao Miên, yêu cầu cung cấp đất đai một cách dễ dãi cho các tướng Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến... để họ cùng thủ hạ có thể khẩn hoang lập ấp tại vùng nầy. Sau đó, tướng Trần Thượng Xuyên đã nhanh chóng biến vùng Nông Nại Đông Phố thành một khu phố thị sầm uất. Năm 1698, chúa Nguyễn lại sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Nông Nại. Nguyễn Hữu Cảnh lấy xứ Nông Nại, đặt huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên(2), lấy xứ Prei Nokor(3) đặt huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn(4). Năm 1776, người Minh Hương tại vùng Nông Nại vì nhớ ơn các chúa Nguyễn nên không chịu theo quân Tây Sơn, mà ngược lại còn giúp quân của chúa Nguyễn giết chết một vị phò mã của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Chính vì vậy mà Nguyễn Nhạc đã ra lệnh cho quân Tây Sơn tàn sát tất cả những người Minh Hương ở Đông Phố. Năm 1778, sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Định, ông bèn chia miền Nam ra làm 3 dinh: dinh Trấn Biên(2), dinh Phiên Trấn(4), và dinh Long Hồ(5). Lúc đó dinh Biên Trấn chỉ có 1 huyện Phước Long, gồm 4 tổng là Tân Chánh, Bình An, Long Thành, và Phước An. Đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi, nhà vua chia miền Nam ra làm 5 trấn: Biên Trấn, Phiên An, Định Trấn, Vĩnh Trấn, và Hà Tiên.
Vùng Bình Long-Phước Long, trước đây trực thuộc trấn Biên Hòa, là vùng địa đầu của Nam Kỳ Lục Tỉnh(6). Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Trấn Biên, nhất là vùng Bình Long-Phước Long, dựa lưng vào núi, mặt ngó ra sông. Buổi đầu các chúa Nguyễn đặt Dinh Trấn Biên, gồm 1 huyện, 4 tổng, lỵ sở đặt tại thôn Phước Lư, thuộc huyện Phước Long. Năm 1808, vua Gia Long cho đổi làm trấn Biên Hòa, nâng huyện lên làm phủ, nâng tổng lên làm huyện. Năm 1816, đời Gia Long thứ 15, lỵ sở được dời về thôn Tân Lân thuộc huyện Phước Chánh. Trước đây vùng này mang tên Cù Lao Phố, là một phố cảng phồn thịnh nhất của Việt Nam vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, với những phố sá, mái ngói, tường vôi, đường sá lót gạch đỏ... Sau cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh thì cù lao Phố bị tàn phá. Năm Gia Long thứ 7, 1808, đổi lại là trấn Biên Hòa, nâng huyện lên làm phủ, nâng tổng lên làm huyện. Phủ Phước Long gồm 4 huyện.
Huyện Phước Chánh, trước đây là tổng Tân Chánh, được đổi làm huyện, trước đây trực thuộc Dinh Phiên Trấn, đến khi Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào lập bản đồ thì cho nhập vào dinh Trấn Biên. Huyện Phước Chánh gồm 2 tổng Phước Vinh và Chánh Mỹ, với 85 xã, phía đông giáp bến đò Thị Nghĩa thuộc thôn Bình Dương(7). Huyện Bình An, nằm về phía Nam huyện Phước Chánh, gồm 2 tổng Bình Chánh và An Thủy, với 119 xã, phía đông giáp huyện Long Thành, từ sông Thị Lộ chạy đến Giồng Ông Tố, tây giáp sông Thủy Vọt, nam giáp sông Sài Gòn, thuộc trấn Phiên An, bắc giáp núi Châu Thới, thuộc huyện Phước Chánh. Huyện Long Thành, gồm 2 tổng Long Vĩnh và Thành Tuy, với 63 xã, phía đông giáp tổng An Phú, thuộc huyện Phước An, phía tây giáp núi Vải Lượng thuộc huyện Bình An, phía nam giáp sông Nhà Bè, bắc giáp xứ Ao Cá thuộc huyện Phước Chánh. Huyện Phước An, gồm 2 tổng An Phú và Phước Hưng, với 43 xã, đông giáp biển Đông, tây giáp núi Thị Vải, nam giáp sông Bình Phước(8) và dọc theo bờ bắc của sông Cần Giờ, bắc giáp đường cái quan tổng Phước Hưng. Sau năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua bãi bỏ Gia Định Thành và chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh, từ đó về sau mới có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Đến thời Pháp thuộc, sau khi xâm chiếm toàn bộ Nam Kỳ, chúng chia vùng này ra làm 4 vùng: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, và Bassac. Vùng Bình Long-Phước Long trực thuộc vùng cai quản Sài Gòn. Sau đó người Pháp lại chia miền Nam ra làm 20 tỉnh để dễ bề kiểm soát. Pháp chia Biên Hòa ra làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Biên Hòa(9), Bà Rịa(10), và Thủ Dầu Một(11). 
Vào khoảng những năm 1956-1957, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chánh quyền lập thêm các tỉnh Bình Long, Phước Long, Phước Thành, Long Khánh, và Bình Dương(12). Sau năm 1975, chánh quyền mới sáp nhập hai tỉnh Bình Long-Phước Long lại để thành lập tỉnh Sông Bé, sau lại đổi ra làm tỉnh Bình Phước.

Phước Long

Phước Long và Bình Long là 2 tỉnh xa nhất nằm về phía bắc Nam Phần Việt Nam(1). Thời các Chúa Nguyễn thì vùng này thuộc tỉnh Gia Định, nhưng đến đời Gia Long thứ 7 thì nâng lên thành phủ và cho trực thuộc vào Biên Hòa. Đến năm Minh Mạng thứ 18, nhà vua đem hai huyện Phước An và Long Thành sáp nhập vào Phước Tuy, nhưng lại đặt thêm 2 huyện Nghĩa An và Phước Bình cho phủ Phước Long.
Sau khi xâm chiếm Nam Kỳ, Pháp chia Biên Hòa ra làm ba tỉnh gồm Biên Hòa, Bà Rịa và Thủ Dầu Một. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, vì nhu cầu an ninh lãnh thổ nên năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lấy đất của huyện Bà Rá cũ để lập thành tỉnh Phước Long. Huyện Bà Rá cũ nguyên là đất của 4 huyện: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An. Về vị trí, tỉnh Phước Long thời Việt Nam Cộng Hòa, phía bắc giáp Cao Miên, phía nam giáp tỉnh Long Khánh và Bình Dương, phía tây giáp Bình Long và đông giáp 2 tỉnh Quảng Đức và Lâm Đồng. Về giao thông đường bộ, từ Chơn Thành theo quốc lộ 14 (khởi điểm quốc lộ 14 bắt đầu từ Chơn Thành) đi đến Ngã Tư Đồng Xoài. Tại đây có 3 ngã, theo đường 14 về hướng Đông Bắc khoảng 55 cây số là tới Bù Đăng, đi nữa là đến Buôn Mê Thuộc, theo đường 741 về hướng Bắc đi đến tỉnh lỵ Phước Long cũ, đi nữa về phía biên giới Việt Miên là Bù Gia Mập, theo đường 741 về hướng Nam đi đến chợ Đồng Phú, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của thị xã Đồng Xoài. Từ Bù Đăng có tỉnh lộ 750 cắt tỉnh lộ 741 tại Thác Mơ. Từ Phước Bình (khu Núi Bà Rá) có tỉnh lộ 749 đi Bù Đốp. Về thủy lộ, về phía Tây tỉnh Phước Long(13) có sông Bé, không phải là thủy lộ giao thông quan trọng của tỉnh, tuy nhiên nước của sông Bé cũng như từ vùng hồ Thác Mơ cũng đủ cung cấp cho các đồn điền trong tỉnh. Về giao thông đường thủy, vùng Phước Long có sông Đồng Nai chảy trong địa phận. Đồng Nai là con sông có chiều dài dài nhất chảy trong lãnh thổ Việt Nam, với chiều dài trong địa phận Việt Nam khoảng 635 cây số(14). Sông Đồng Nai có nhiều phụ lưu, như sông La Ngà, sông Bé và sông Sài Gòn. Sông Bé là nhánh sông bên hữu ngạn sông Đồng Nai, phát nguyên từ cao nguyên Mnong, thuộc tỉnh Dak Nông, dài trên 360 cây số, phần lớn chảy ngang qua vùng Phước Long, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở phía dưới thác Trị An. Về phía Bắc núi Bà Rá có công trình thủy điện Thác Mơ với công suất trên 150 ngàn kilowatts. Hiện tại, đường dây cao thế 500 kilovolts Bắc-Nam chạy ngang qua Thác Mơ.
Về dân số, trước năm 1975, tỉnh Phước Long có khoảng 350.000 dân, khoảng trên 80% là người Việt, còn dưới 20% là các dân tộc thiểu số mà đa phần là người cổ gốc M’nông, Mạ, và Stieng, ngoài ra còn có một ít người Hoa, và người Khmer. Người M’nông tại đây sống rải rác từ cao nguyên Daklak chạy dài qua vùng Phước Long. Họ có mối liên hệ với người M’nông ở các vùng Buông Đông và Đam Rông, họ thờ ‘Giàng’ (Trời), không ăn Tết theo tập tục của người Việt, mà thường thì vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8, họ tổ chức mừng mùa là rất lớn.

Bình Long
Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về lịch sử thành lập tỉnh Bình Long dưới thời đệ nhất Cộng hòa. Vì nhu cầu trị an, vào năm 1956 chánh quyền VNCH cho tách 3 quận của 2 tỉnh Thủ Dầu Một và Tây Ninh để thành lập tỉnh Bình Long: Chơn Thành của Thủ Dầu Một, cũng như An Lộc và vùng Lộc Ninh Hớn Quản của tỉnh Tây Ninh, tỉnh lỵ được đặt tại An Lộc. Lúc đó về vị trí của tỉnh Bình Long, phía Bắc giáp Cao Miên, phía Đông giáp Phước Long, Tây Bắc giáp Cao Miên, Tây Nam giáp tỉnh Tây Ninh, và phía Nam giáp tỉnh Bình Dương. Về đường bộ, từ Sài Gòn theo quốc lộ 13 đi về hướng Bắc tới Lái Thiêu, Thủ Dầu Một(15), Chơn Thành, An Lộc, Lộc Ninh, qua khỏi Hớn Quản đi thêm khoảng 15 cây số về phía Tây Bắc là đến biên giới Việt Miên. Theo đường 14(16) qua ngã tư Chơn Thành đi về hướng Bình Long là thị trấn An Lộc, một thời từng là chiến trường đẫm máu giữa Nam và Bắc. Từ An Lộc đi thêm 20 cây số nữa về hướng biên giới là thị trấn Lộc Ninh. Lộc Ninh nổi tiếng với nghề trồng tiêu. Qua khỏi Lộc Ninh chừng vài cây số có tỉnh lộ 748 đi Bù Đốp. Tại đây hãy còn rất nhiều người thuộc bộ tộc cổ Stiêng sinh sống, nhiều người vẫn chưa chịu sống theo định canh mà vẫn còn du canh. Chính vì sự khác biệt với người kinh nên bộ tộc Stiêng lần lần rút sâu vào vùng rừng núi bên kia biên giới Việt Miên. Ngoài ra, từ Chơn Thành có tỉnh lộ 751 đi đến Hồ Dầu Tiếng, từ An Lộc có tỉnh lộ 246 đi về hướng Tây Ninh dọc theo biên giới Việt Miên. Về đường thủy, giữa ranh giới hai tỉnh Bình Long và Tây Ninh là phần gần nguồn của sông Sài Gòn. Về phía Đông giữa hai tỉnh Bình Long và Phước Long là sông Bé, với phần nguồn từ phía Bắc của tỉnh Phước Long, sau khi chảy ra khỏi Bình Long và Phước Long, sông Bé chảy vào Biên Hòa rồi đổ vào sông Đồng Nai. Chính nhờ hai con sông Sài Gòn và sông Bé, nên dù thế đất cao, đất đai tỉnh Bình Long cũng không đến nỗi cằn cỗi cho lắm. Về dân số, cũng như tỉnh Phước Long, tỉnh Bình Long vào thời VNCH có khoảng 350.000 dân, trên 80% là người Việt, còn lại là các dân tộc khác, trong đó người Stieng chiếm đa số. Họ sống gần vùng biên giới Việt Miên. Về thắng cảnh, tỉnh Bình Long không có thắng cảnh, tuy nhiên, trên quốc lộ 13, vừa qua khỏi An Lộc chừng 5 cây số, có hồ Sóc Xiêm nằm dọc theo bờ rừng cao su, đa số dân cư ở đây là người Stiêng.

Hai tỉnh Bình Long và Phước Long thuộc miền núi, đất đai tương đối khá cao so với các vùng khác của đồng bằng miền Nam. Đây là vùng tiếp giáp giữa cao nguyên Nam Trung Phần và đồng bằng Nam Phần. Đây là hai tỉnh có nhiều rừng núi nhất miền Nam, trong tỉnh Phước Long có ngọn núi Bà Rá cao 733 mét, trong khi quanh vùng Lộc Ninh là dãy núi thấp với những cánh rừng cao su bạt ngàn, tuy thế đất cao nhưng khá bằng phẳng, nên thời VNCH, chính phủ đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, cà phê, hồ tiêu và đào lộn hột (hột điều). Cũng như các vùng khác của miền Nam, vùng Bình Long-Phước Long nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 2 mùa nắng-mưa rõ rệt. Con sông lớn nhất chảy qua vùng nầy là sông Đồng Nai, dầu không lớn như sông Cửu Long, nhưng sông Đồng Nai cũng có một lưu lượng khá lớn: 485 mét khôi trong một giây. Chính phù sa của dòng sông nầy đã phối hợp với phù sa của các phụ lưu của nó là các sông La Ngà, sông Bé và sông Sài Gòn để bồi đắp nên vùng châu thổ miền Đông. Riêng sông Bé có chiều dài trên 360 cây số, mà phần lớn chảy trong vùng Bình Long-Phước Long, có lưu lượng trung bình là 264 mét khối một giây, đổ vào sông Đồng Nai ở phía dưới thác Trị An. Hiện tại vùng Bình Long-Phước Long đã xây xong nhà máy thủy điện Thác Mơ trong huyện Phước Long, về phía Bắc núi Bà Rá, có công suất 150.000 kilowatts. Chính nhà máy thủy điện Thác Mơ đã nối liền vùng Bình Long-Phước Long với đường dây điện cao thế Nam-Bắc. Ngoài ra, vùng Bình Long-Phước Long đang xây dựng thêm các nhà máy thủy điện nhỏ khác như Cần Đơn (72 ngàn kw) và Sóc Phú Miên (51 ngàn kw).

---------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét