Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Từ Biên Trấn Bình Thuận Đến Tỉnh Bình Thuận P1

 
Cư Dân Bình Thuận:

Mặc dầu trong toàn tỉnh Bình Thuận ngày nay có trên 30 sắc dân cư trú; tuy nhiên, đông đảo nhất là 6 sắc dân: Việt, Champa, Hoa, Raglai, Koho, và Tày. Trong số nầy, dầu không đông như người Việt, nhưng người Champa luôn tạo cho vùng Bình Thuận một sắc thái hết sức đặc biệt. Tỉnh Bình Thuận xưa kia là lãnh địa của vương quốc Champa, nên dầu ngày nay vương quốc ấy không còn nữa nhưng cư dân Champa hiện vẫn còn trú ngụ trong địa bàn tỉnh Bình Thuận rất đông. Vào năm Đinh Sửu 1697, khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Bình Thuận thiết lập bộ máy hành chánh, thì tại đây đang có rất nhiều cư dân bản địa người Champa, với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như các đền miếu, cả Ấn Độ giáo lẫn Hồi giáo. Ngay sau khi nền hành chánh Việt Nam được thiết lập, rất nhiều cư dân Việt Nam và người Hoa đổ xô về Bình Thuận lập nghiệp. Người Việt sống tập trung ở các vùng ven biển, một số làm rẫy, số còn lại thì làm nghề đánh cá biển. Trong khi đó, người Hoa thì sống tập trung tại các vùng đô thị, đa số làm nghề trao đổi mua bán. Còn người Champa thì sống tập trung thành từng làng, một số làm ruộng, số khác làm các ngành nghề thủ công nghệ như gốm sứ hay dệt thổ cẩm. Đặc biệt, nếp sống của người Champa tại Bình Thuận rất khép kín, họ không muốn sống hòa nhập với các cộng đồng người Việt hay người Hoa. Thêm vào đó, hai bên đường vào làng của người Champa có nhiều vườn nho nối dài, bên trong làng chung quanh mỗi nhà đều có một bức tường đá hay tường gạch bao bọc, khiến cho nếp sống của người Champa càng trở nên khép kín hơn. Người con gái Champa khi đến tuổi thành hôn, lấy chồng phải ra ở riêng, nhưng chỗ ở mới cũng nằm trong khuôn viên của đại gia đình theo truyền thống từ bao đời nay. Theo thống kê năm 2009, tổng dân số Bình Thuận vào năm 2009 đã lên đến 1.136.773 người.

Di Tích Lịch Sử Của Tỉnh Bình Thuận:
Ngay khi còn trực thuộc vương quốc Champa, Bình Thuận đã là một vùng đất nổi tiếng là chốn rừng tiền biển bạc. Đến khi Bình Thuận được sáp nhập vào triều đình xứ Đàng Trong vào năm 1693, triều đình chiêu mộ lưu dân từ các vùng biển “Ngũ Quảng” của miền Trung(5) tới Bình Thuận để khai phá những vùng đất hãy còn hoang vu, vì bị người Chăm bỏ phế lâu ngày. Những lưu dân từ Ngũ Quảng đến đây đã thành lập những khu “Vạn Chài” ven biển. Một trong những khu “Vạn Chài” lớn nhất và giàu nhất tại Phan Thiết trước năm 1975 là khu Vạn Thủy Tú, một làng đánh cá nằm ngay cửa sông Mường Mán. Đây là một trong những “Vạn Chài” cổ xưa nhất của tỉnh Bình Thuận, nằm trên bến Ngư Ông, thuộc phường Đức Thắng. Có thể nói, lịch sử của Vạn Thủy Tú cũng là lịch sử thành hình của vùng Phan Thiết-Bình Thuận. Dinh Vạn Thủy Tù được xây dựng vào năm 1762, theo tập tục thì hàng năm Vạn Thủy Tú có bốn lần cúng vía chính(6) như “Tế Xuân”, “Hạ Nghệ”, “Tế Thu”, và “Mãn Mùa”. Hiện tại, tại Vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều bộ xương cá ông, trong đó có một bộ rất lớn đã được dân địa phương bảo quản kỹ càng trên 200 năm nay, theo các nhà khảo cổ học, thì đây là bộ xương cá ông lớn nhất vùng Đông Nam Á. Tại Vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều bản sắc phong của các đời vua, trong đó có bản hơn 150 năm tuổi, và một chuông đồng được đúc năm Tự Đức thứ 25. Đây là một trong những di tích lâu đời nhất trong lịch sử mở đất về phương Nam của dân tộc Việt Nam.

Về phía Nam của Bình Thuận, trong khu rừng Bầu Cát, thuộc xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, cách thành phố Phan Thiết chừng 70 cây số về hướng Đông Bắc, còn có Dinh Thầy Thím, cũng đã được xây dựng lâu đời. Theo truyền thuyết, dưới thời các chúa Nguyễn có hai vợ chồng vị quan nọ bị kết án oan và bị chôn tại đây. Từ đó dân chúng trong vùng luôn chứng kiến sự hiển linh của “Thầy Thím” (dân trong vùng gọi hai ngôi mộ nầy là mộ Thầy Thím), và người ta thường thấy một đôi hổ thường xuất hiện nằm bên mộ của Thầy Thím. Đến năm Thành Thái thứ 18 (1906), nhà vua hạ chỉ xóa án cũ và truy phong cho Thầy Thím là “Chí Đức Tiên Sinh” và “Chí Đức Nương Tôn Thần”. Sau đó dân địa phương tôn kính Thầy Thím như thành hoàng của làng, nên lập đền thờ. Từ đó đến nay Dinh Thầy không ngớt khói hương vì chẳng những dân địa phương sùng bái mà khách thập phương cũng rất tôn kính uy danh của Thầy Thím. Trong quận Tuy Phong, xã Bình Thạnh, các Phan Thiết khoảng 100 cây số về hướng Nam, có một ngôi Cổ Thạch Tự, nằm sâu trong núi, còn được dân địa phương gọi là Chùa Hang. Theo lịch sử Phật Giáo thì ngôi chùa nầy do Thiền sư Bảo Tạng khai sơn vào năm 1835, dưới thời vua Minh Mạng.

Trong thôn Phú Mỹ(7), quận Tuy Phong có một ngôi miễu có tên là ‘Miễu Bà Chúa’. Tương truyền ‘Bà Chúa’ là công chúa vương quốc Champa. Kể từ năm 1653 thì vương quốc Champa chỉ còn lại phần đất từ sông Phan Lang, tức sông Cả trở vào đến vùng La Gi (Bình Thuận). Tuy nhiên, đến năm 1693 thì vương quốc nầy mất hẳn và phần lãnh thổ còn lại cũng bị bị sáp nhập vào xứ Đàng Trong. Trong 40 năm sau cùng nầy người Champa phải hai lần dời đô, lần đầu dời về Quang Hoa (quận An Phước), và lần sau cùng vua Bà Tranh dời đô về Phan Rang, rồi mất ngôi tại đây. Người ta không biết bà công chúa nầy là con của vị vua nào, và bà phạm tội gì mà phải bị đày ra một hải đảo xa xôi như vậy. Theo các kỳ lão người Champa tại Phan Thiết thì bà công chúa nầy sanh ra vào hậu bán thế kỷ thứ XVII, bà đã đến hải đảo nầy và sống chung với một số dân chày tại đây. Khi bà qua đời, dân chày thương mến nên lập miễu thờ bà. Họ tin tưởng nhờ nơi sự hộ trì của bà mà họ đã thoát được rất nhiều tai nạn trên biển. Ngày nay, hàng năm dân chày tại đây cử hành lễ cúng tế bà rất long trọng trong suốt tháng tư âm lịch.

Khi tới Bình Thuận, nhìn vào cách kiến trúc nhà cửa là mình có thể biết ngay khu đó của sắc dân nào. Kiến trúc nhà cửa của người Champa xưa được coi là có mỹ thuật, nổi bật với những tháp xây bằng đất đỏ nung, chịu nắng chịu mưa rất bền. Kỹ thuật chạm trổ Champa rất điêu luyện với những đường nét của văn hóa Sa Huỳnh cổ kín. Hiện nay, tại thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình hãy còn lưu giữ rất nhiều những di vật của triều đại các vua Champa cuối cùng, đặc biệt là những di vật bằng vàng như vương miện, bông tai, vòng xuyến, và áo bào của vua Pô Klong Mơh Nai và hoàng hậu Pô Bia Sơm. Hiện tại, tại thôn Thanh Hiếu, xã Thanh Hiệp, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết chừng 68 cây số, có ngôi đền thờ vua Pô Nít. Vua Pô Nít là một trong những vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Ông lên ngôi năm 1603, đến năm 1613 thì nhường ngôi cho em trai là Pô Chai Pran. Trước đây, đền được xây dựng trên một ngọn đồi cát bên cạnh sông Cái, đoạn nối dài của sông Lũy, cũng giống như đền thờ vua Pô Klong Mơh Nai, trong thời chiến tranh chống Pháp, đền bị phá hủy nên về sau nầy người ta dời đền về vị trí hiện nay. Tổng thể ngôi đền có ba gian giống như một ngôi chùa Việt Nam; ngôi giữa thờ tượng vua Pô Nít, tượng được chạm trổ hết sức tinh vi, tượng được đặt trên bệ thờ có hình yoni(8), và tượng vua Pô Nít tựa lưng vào là biểu tượng của một linga(9); gian bên cạnh là tượng thờ của một bà hoàng hậu người Champa tên Pô Mưk Cha, kế đó là tượng thờ của một bà hoàng hậu người Việt(10), cùng một số người trong hoàng tộc; gian bên kia thờ một phiến đá, tượng trưng cho một vị tướng tên Pô-Kay, người theo đạo Hồi. Tại đền thờ vua Pô Nít hầu như hàng năm có rất nhiều lễ hội. Trong các lễ hội đều có lễ rước sắc phong của triều Nguyễn, lễ tắm tượng, và lễ ca múa hát cho người Champa. Đến kỳ lễ hội, người ta thấy đồng bào Champa từ khắp nơi thường hay ăn mặc trang phục rực rỡ, hội tụ về đây dự lễ. Riêng tại đồi cát Lương Bình, xã Lương Sơn, cách huyện Bắc Bình khoảng 15 cây số, và cách thành phố Phan Thiết khoảng 50 cây số về hướng bắc, hiện còn đền thờ vua Pô Klong Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của vương quốc Champa. Vua Pô Klong Mơh Nai lên ngôi khoảng đầu thế kỷ thứ XVII, đến năm 1627 thì nhường ngôi cho con rể là Pô Klong Ga Hul. Vào thế kỷ thứ XIX, ngôi đền nầy bị cháy, nhưng sau đó đã được đồng bào Champa tại đây xây dựng lại để thờ phụng, lần trùng tu mới nhất là vào năm 2001. Ngày nay, hàng năm cứ vào ngày lễ hội Katê, vào tháng 7 lịch Champa, hậu vệ của vua Pô Klong Mơh Nai hợp cùng với đồng bào Champa khắp nơi hội tụ về đây tổ chức những lễ cổ truyền Champa.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét