Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Sự Thật Về Thơ Đường Luật Gieo Vần Trắc


- " Trong thời gian gần đây, thỉnh thoảng xuất hiện những bài thơ Thất ngôn bát cú làm theo luật của thơ Đường Luật, nhưng lại gieo vần Trắc, nhiều người cho rằng đây là thơ Đường Luật. Sự thật thế nào? "

Đây là câu hỏi của một người bạn gởi đến cho tôi, khi thấy trên một vài Diễn Đàn Thơ, xuất hiện dạng thơ Đường Luật gieo vần Trắc (?).
Không biết giới yêu và thích làm thơ Đường Luật chúng ta nghĩ thế nào? Riêng cá nhân tôi, có đôi dòng trả lời thắc mắc của bạn mình.

***

- Bạn Mến! Cũng như Bạn, nhờ internet, chúng ta có thể trao đổi, kết tình thi ca. Được biết đến nhiều bài thơ hay, những dạng thơ lạ và mới mẻ. Đấy quả là điều thật thích thú, mang đến cho chúng ta vô vàn niềm vui. Tuy nhiên, đối với thơ Đường Luật gieo vần Trắc, mình cảm thấy ngỡ ngàng. 
Thời còn đi học, mình chỉ biết có thơ Lục Bát gieo Vần Trắc, chớ không hề học hay biết đến thơ Đường Luật lại gieo Vần Trắc. Cho đến tận hôm nay, mình cũng chưa thấy bài thơ Đường Luật của Tiền Nhân gieo vần trắc. Có lẽ đây cũng là một trong những thiếu sót về thơ Đường Luật của mình chăng?
Dưới đây, xin giới thiệu 2 trong số những bài thơ Thất ngôn Bát cú gieo vần Trắc mà mình được biết:

                Cảnh Tết
 

Năm ngoái, năm kia đói muốn chết,
Năm nay phong lưu đã ra phết!
Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều
Tiền nợ, tiền công chưa trả hết.
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng,
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt.
Ta ước gì được mãi như thế,

Hể hết Tết rồi, thời lại Tết!
                     Nguyễn Khuyến
 

            Không đề 37  

Của chung vốn của trong trời đất,
Cơ mầu mới biết lòng hư thật.
Bạc vàng là của trữ tiêu dùng,
Thành thị vốn đua tranh giành giật.
Năm đế hiền nhường đức, nghĩ cao,
Ba vương con nối mưu đường nhặt.
Đành hay muôn sự của dầu chung,
Cờ đến tay ai, ai mới phất.

                  Nguyễn Bỉnh Khiêm

Hai bài thơ Thất Ngôn Bát Cú gieo vần Trắc này đáp ứng hầu hết luật của Đường Luật Thi, chỉ có luật Bằng Trắc hơi khác mà thôi.

 Chúng ta thử tìm hiểu quan điểm của Tiền bối, Thi nhân, Học giả về vấn đề này như thế nào:

"...Thơ bỏ vần trắc nghe không du dương, uyển chuyển, nên làng thơ ít ham thích, nhiều thơ vần trắc lưu truyền từ xưa đến nay không được bao lăm. Do đó các nhà thi học bảo rằng luật chỉ dùng vần Bằng, những bài dùng vần Trắc dù cho đúng niêm luật vẫn thuộc về cổ thể..."  
(Trích Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn)

"... Thơ Luật chỉ dùng Độc Vận và chỉ dùng Vần Bằng chớ không dùng Vần Trắc. Những bài thơ mà người ta gọi lầm là Thơ Luật Vần Trắc, là lối thơ Cổ Phong làm theo lối Thơ Luật đổi ra Vần Trắc, chớ trong Đường Thi không bao giờ có thơ Luật Vần Trắc..."
 
(Trích Việt Thi của Trần Trọng Kim)

Bạn Mến, 
Như thế chúng ta đã rõ và có thể kết luận một cách chắc chắn rằng : 
    " Đường Luật Thi không hề gieo Vần Trắc ".

Huỳnh Hữu Đức

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét