Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Lịch Sử Nhân Chủng Sài Gòn Và Các Vùng Phụ Cận



Lịch Sử Nhân Chủng Sài Gòn Và Các Vùng Phụ Cận:

Lịch sử nhân chủng của vùng đất Sài Gòn không dừng lại trong khoảng thời gian 1620-2009, nghĩa là từ ngày công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Oudong đến nay, khoảng gần 400 năm. Các nhà khảo cổ học Tây phương và Việt Nam đã bắt đầu khảo sát và khai quật các di chỉ của vùng đất nầy ngay từ giữa thế kỷ thứ XX. Trước năm 1945, các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy nhiều địa điểm khảo cổ, nhưng không khai quật hết được. Người ta đã khai quật được nhiều di chỉ cho thấy nơi đây ngày trước đã từng là vùng cư trú của những bộ tộc cổ từ khoảng 3.000 đến 4.000 năm trước. Sau đó, nơi nầy là vùng tiếp giáp giữa nhiều vương quốc cổ từ khoảng đầu Tây lịch đến thế kỷ thứ VII. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVI, nghĩa là trước khi có sự hiện diện của những lưu dân Việt Nam đầu tiên ở đây, vùng Sài Gòn-Gia Định đã từng là nơi gặp gỡ của nhiều cộng đồng cư dân, nơi chứa đựng nhiều nền văn minh cổ trong khu Đông Nam Châu Á. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài từ thế kỷ thứ XIII đến thế kỷ thứ XVII, nghĩa là trước khi có sự hiện diện của những cư dân Việt Nam, thì vùng Sài Gòn Gia Định đã bị bỏ hoang và đã biến thành những khu rừng ma thiêng nước độc, không có cư dân. Từ trước năm 1975, nhiều nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đã phát hiện nhiều di chỉ chứng tỏ sự hiện diện của những cộng đồng cư dân cổ trong vùng. Đặc biệt, sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tuần tự khai quật những di chỉ quan trọng. Theo kết quả của những khai quật khảo cổ về cư dân cổ tại vùng Sài Gòn-Gia Định thì lịch sử nhân chủng của vùng đất nầy có thể lui về nhiều thế kỷ trước Tây lịch. Qua những kết quả khảo cổ, người ta đã tìm thấy chứng tích của sự xuất hiện của con người trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định từ thời kỳ đồ đá cho đến thời kim khí. Những cư dân cổ nầy đã có kỹ thuật và trình độ canh tác nông nghiệp khá cao. Họ không chỉ sống trên những vùng cao của miền Nam Tây Nguyên, mà ngược lại họ đã chinh phục cả một vùng trũng rộng lớn của Nam Phần. Người ta cũng tìm thấy sự tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh, sự phát triển rực rỡ của thời đại kim khí trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định ngày nay. Như vậy, qua các công trình khảo cổ, người ta đã tìm thấy sự hiện diện của những di chỉ hết sức phong phú trải dài trong khoảng hơn 30 thế kỷ trước văn hóa Óc Eo. Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng bức tranh nhân chủng về những cư dân cổ trên vùng đất nầy vẫn còn nhiều khoảng trống chưa khỏa lấp được. Không như cư dân cổ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, cư dân cổ trong vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định có lịch sử gắn liền với các cư dân cổ trong vùng Tây nguyên xuống vùng châu thổ sông Đồng Nai, tuy nhiên, đến nay khảo cổ chưa tìm ra được nhiều bằng chứng xác thực về mối quan hệ nầy, mặc dầu trên thực tế với sự khảo sát qua các cư dân cổ còn sót lại trong vùng như dân tộc Mạ, Stiêng, Cơho... người ta thấy rõ ràng họ có mối quan hệ rất mật thiết với những nhóm dân tộc thiểu số trên Tây nguyên. Hiện tại tình trạng khảo cổ tại vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định rất phức tạp và khó khăn vì vị trí thuận lợi của nó nên khi tới đây cư dân cổ và mới đều muốn định cư lại đây, thế là hết lớp cư dân nầy đến lớp cư dân khác cứ nối tiếp nhau xây dựng những kiến trúc cư trú, rất có thể kiến trúc nầy đã được xây chồng lên kiến trúc cổ trước đó. Riêng tại phía đông nam vành đai Sài Gòn có bán đảo Cần Giờ. Đây là vùng ngập mặn nằm ngay các cửa sông lớn như các sông Soài Rạp, sông Vàm Sát, sông Đồng Tranh, sông Lòng Tàu, sông Ngã Bảy, sông Dừa, sông Gò Gia, và sông Thị Vải, vân vân, nên vùng bán đảo Cần Giờ là một trong những vùng biển miền Nam có hệ thống sông rạch chằng chịt như mạng nhện, chen lẫn những giồng cát ven biển, có bề mặc lồi hướng ra biển. Theo các nhà địa chất học thì vùng bán đảo Cần Giờ có lẽ đã được thành lập cách nay khoảng từ 5 đến 6 ngàn năm trước. So với các vùng khác của thành phố Sài Gòn(11), thì vùng Cần Giờ thấp và trũng hơn nhiều vì khi các vùng sâu trong nội địa Sài Gòn đã được phù sa các sông Sài Gòn và Đồng Nai bồi đắp và đã định hình một cách rõ rệt thì bán đảo Cần Giờ vẫn chưa có định hình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nơi đây cũng đã có dấu vết cư dân cổ từ rất sớm. nghĩa là cư dân cổ đã tìm đến cư ngụ trên các giồng cát cao trên bán đảo Cần Giờ ngay từ lúc các cửa sông vẫn còn chìm trong biển. Toàn vùng Cần Giờ được bao phủ bởi một thảm thực vật có hệ sinh thái của vùng ngập mặn. Qua những di chỉ khai quật được từ các giồng như Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ và Giồng Cá Trăng, người ta đã khám phá những di tích thể hiện sự hội tụ nhiều yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai trên nền tảng của loại hình di chỉ cư trú, đồ gốm và phương thức mai táng. Trong khi đó tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua kết quả khai quật các di chỉ khảo cổ, người tìm thấy đa phần những di chỉ nầy có niên đại tiền Óc Eo(12), Óc Eo(13), hậu Óc Eo(14), hoặc tiền Angkor(15), Angkor(16) hay hậu Angkor(17). Điều nầy cho thấy vùng Sài Gòn-Gia Định đã có những cư dân cổ trước vùng đồng bằng sông Cửu Long rất lâu, có thể lâu đến hàng chục thế kỷ trước Tây lịch

Sau khi chiến tranh Nam Bắc chấm dứt vào năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã bắt đầu đổ xô về khai quật các di chỉ ở Cần Giờ. Từ những năm từ 1976 đến 1978, người ta đã thực hiện ba cuộc khai quật. Từ năm 1992 đến năm 1994, qua những khám phá, người ta đã có thể phác họa lại lịch sử của vùng bán đảo Cần Giờ từ hơn hai ngàn năm trước. Những khu di chỉ trên bán đảo Cần Giờ bao gồm những khu sản xuất đồ gốm sứ ngay trên nền đất sét ven biển, những khu mộ táng, mà đa số là chum táng, tức là chôn trong các chum hủ. Những di vật, đồ tùy táng, và đồ gốm sứ của các khu mộ táng trên bán đảo Cần Giờ rất phong phú và độc đáo. Đặc biệt các loại gốm sứ trên Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt cho chúng ta một khái niệm khá rõ rệt về sự liên hệ giữa bán đảo Cần Giờ và các vùng khác. Chỉ riêng tại hai giồng Cá Vồ và Giồng Phệt, người ta đã tìm thấy rất nhiều đồ gốm sứ mang cung cách và phong thái văn hóa Đồng Nai, Óc Eo, hay xa hơn về phía bắc là văn hóa Sa Huỳnh. Điểm đặc biệt nhất của những khám phá trên các Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt là người ta không tìm thấy các công cụ sản xuất nông nghiệp. Điều nầy chứng tỏ cư dân cổ trên bán đảo Cần Giờ không khác với cư dân của vương quốc Phù Nam, họ cũng có nền văn hóa chỉ phát triển về thương mại và khai thác rừng biển mà thôi. Cách nay hai ngàn năm trước, vương quốc Phù Nam có hải cảng Óc Eo, một trong những hải cảng lớn nhất trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, nhưng Óc Eo cách vùng Cần Giờ cũng khá xa nên việc vận chuyển hàng hóa lên miền Đông bằng đường bộ rất khó khăn. Theo những di chỉ đã khai quật cho thấy một số di chỉ đã được du nhập từ các nơi khác. Như vậy, rất có thể ngày trước về phía đông bắc của vương quốc Phù Nam tại vùng bán đảo Cần Giờ, người ta đã từng thiết lập một hải cảng, tuy không sầm uất như hải cảng Óc Eo ở vùng Long Xuyên, nhưng rất thuận tiện trong việc tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa cho các vùng miền Đông, như các vùng Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Long và Phước Long, vân vân. Theo các di chỉ khai quật được, các nhà khảo cổ học cho rằng việc trao đổi hàng hóa giữa vùng cảng Cần Giờ và các vùng đất miền Đông không chỉ đơn thuần là Cần Giờ luôn đem hải sản lên trao đổi với lâm sản và những đồ gốm sứ tại các vùng nầy, mà Cần Giờ còn có khả năng xây dựng những cơ sở sản xuất đồ gốm sứ cho địa phương như người ta đã tìm thấy những dấu tích về các cơ sở sản xuất gốm sứ tại Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt, vân vân. Hơn thế nữa, qua những di vật tìm thấy tại các vùng Dốc Chùa, Suối Chồn, Phú Hòa, và Long Bửu ở lưu vực sông Đồng Nai, cũng như Gò Cao Su và Gò Ô Chùa ở lưu vực sông Vàm Cỏ, các nhà khảo cổ học cho rằng có thể cảng Cần Giờ đã từng đem những sản phẩm gốm sứ địa phương của mình lên cạnh tranh với gốm sứ miền Đông. Dựa trên những khám phá mới nầy, các nhà khảo cổ học có thể khẳng định rằng nhờ lợi thế về vị trí địa lý: cầu nối giữa sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và các vùng thuộc lưu vực sông Đồng Nai, nên mối quan hệ thương mại giữa Cần Giờ và các vùng miền Đông Nam Phần trong thời kỳ vài thế kỷ trước và vài thế kỷ sau Tây lịch đã góp phần không nhỏ trong quá trình thành hình nền văn minh Óc Eo. Từ đầu tây lịch cho đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch là thời kỳ tồn tại của nhiều tiểu quốc ở miền Nam Đông Dương, mà bây giờ là Nam Kỳ. Vùng đất Prei Nokor thời đó là miền đất có quan hệ với nhiều tiểu quốc đó(18). Những phát hiện vừa kể trên chứng tỏ sự tồn tại của văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo, và hậu Óc Eo với những nét riêng trên vùng đất Sài Gòn(19). Đó là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn minh thời kim khí, thời kỳ có niên đại khoảng 3.000 năm trước nền văn hóa Óc Eo.

***

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới: https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét