Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

Nguồn Gốc Của Địa Danh Sài Gòn


Nguồn Gốc Của Địa Danh Sài Gòn:
Hơn ba thế kỷ trước đây, vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Sài Gòn chỉ là những bãi cát bùn sình lầy và rừng rậm hoang vu. Tuy nhiên, với hệ thống sông rạch rất thuận tiện cho việc di chuyển nên những lưu dân Việt nam đã chọn vùng đất nầy làm điểm đến trong tiến trình Nam Tiến của dân tộc. Về cái tên ‘Sài Gòn’ thì mãi cho đến ngày nay các học giả vẫn chưa đồng ý với nhau về xuất xứ của nó, mặc dầu ai trong chúng ta cũng đều biết rằng địa điểm mà bây giờ mang tên Sài Gòn-Chợ Lớn đã từng có tên là “Kas Krobei-Prei Nokor” dưới thời Chân Lạp. Kỳ thật, hai từ ngữ “Prei Nokor” của Cao Miên và “Sài Gòn” của Việt Nam không dính líu gì với nhau cả. Sài Gòn là tên gọi của một khu vực địa lý quan trọng của xứ Đàng Trong khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam. Nói về âm, thì âm “Prei Nokor” không thể nào được đọc trại ra thành âm “Sài Gòn” được. Còn nói về nghĩa, thì hai từ nầy cũng hoàn toàn khác nghĩa với nhau. Từ “Prei Nokor” của Cao Miên có nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”, trong khi từ “Sài Gòn” của Việt Nam có nghĩa là “củi của cây bông gòn”. Như vậy, chúng ta thấy nghĩa giữa hai ngôn ngữ về Sài Gòn hoàn toàn khác biệt và không dính líu gì với nhau cả; một đàng là ‘thị trấn ở trong rừng’, còn đàng kia là ‘củi của cây bông gòn’. Có thể địa danh ‘Sài Gòn’ có nguồn gốc từ cư dân bản địa, nhưng đã được Việt hóa. 
Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Theo ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài Gòn tên của một xứ thuộc đất Gia Định. “Sài” có nghĩa là củi, “Gòn” là một loại cây có thân xốp nhẹ và bên trong trái là một chất bông trắng và nhẹ dùng làm chất độn gối hay nệm. Khi mới khai khẩn vùng đất nầy, trên giấy tờ thì tên nó là “Sài Côn”, nhưng trên thực tế người ta vẫn gọi nó là Sài Gòn(1). Trong Souvenirs historique sur Saigon et ses environs, ông Pétrus Trương Vĩnh Ký cũng đã giải thích về Sài Gòn tương tự như ông Huỳnh Tịnh Của. Theo ông Trương Vĩnh Ký thì “Sài” là chữ Hán có nghĩa là “củi”, còn “Gòn” là chữ Nôm, có nghĩa là “bông gòn”. Theo ông sở dĩ vùng nầy có tên Sài Gòn vì vùng nầy xưa kia là đồn lính của Chân Lạp được trồng rất nhiều cây bông gòn xung quanh, nên người Chân Lạp đã đặt cho vùng nầy tên Sài Gòn, rồi sau nầy khi người Việt đến xây dựng khu phố cũng gọi tên thành phố là Sài Gòn theo người Chân Lạp.
Sự thật khi vua Chey Chetta II cho xứ Đàng Trong lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé), thì vùng Kas Krobei nằm khoảng trung tâm Sài Gòn ngày nay, còn vùng Prei Nokor nằm khoảng giữa Bình Chánh và Kas Krobei. Như vậy, vùng trung tâm Sài Gòn ngày nay phải là vùng Bến Nghé khi xưa, và vùng Chợ Lớn ngày nay là vùng mà chúng ta gọi là Prei Nokor thời đó. Một thời gian sau khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, tức là vào khoảng những năm từ 1698 đến 1700, thì cả hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor bắt đầu phát triển mạnh. Tuy nhiên, lúc đó vùng Kas Krobei là trung tâm thị tứ, trong khi khu Prei Nokor chỉ nằm ở ngoại ô phía tây nam mà thôi. Theo các nhà khảo cổ học thì đất Kas Krobei-Prei Nokor vào thế kỷ thứ I vốn là vùng thị tứ sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng không biết vì lý do gì mà sau đó họ lại bỏ đi về miền Tây, đến các vùng Đồng Tháp và Óc Eo, cũng không biết chính xác ngày đó người Phù Nam gọi vùng Sài Gòn bằng tên gì. Theo Aubaret và Francis Garnier, sau khi Cù Lao Phố bị đại quân Tây Sơn thiêu hủy, hầu như toàn bộ người Hoa tại đây đều xuôi về phía Tây Nam theo hướng Dĩ An, Thủ Đức, và qua khỏi Tân Bình... để lập nên một khu phố khác mà họ đặt tên là “Đê Ngạn”, đọc theo âm tiếng Hoa phổ thông là “Tỉ Án”, và người Việt đọc trại ra là “Tài Ngòn”, nhưng lâu dần âm nầy biến thành “Sài Gòn”. Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm 1776, sau khi nghĩa quân Tây Sơn đã triệt tiêu cù lao Phố, những người Hoa còn sống sót đã bỏ chạy về phía tây nam Bến Nghé, tức là khu Prei Nokor ngày trước, để lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Họ gọi vùng Chợ Lớn nầy là “Thầy Ngòn”, và viết thành ‘Đê Ngạn’. Có lẽ người Việt mình phát âm trại ra là Sài Gòn, chứ thật ra “Thầy Ngòn” là tên mà người Hoa chỉ đặt cho vùng Chợ Lớn mà thôi. Trong khi đó, cũng chính những người Hoa tại “Thầy Ngòn” lại gọi vùng trung tâm Sài Gòn là “Tây Cống”, phát âm theo tiếng quan thoại là “Xi Kung”. Nhưng theo lịch sử của xứ Đàng Trong thì địa danh Sài Gòn đã có từ trước khi người Hoa từ Cù Lao Phố tràn về. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, được viết vào năm 1776, thì vào tháng 2 năm 1674, Nặc Ông Đài kéo quân Xiêm La về đánh Nặc Ông Nộn, nên thống suất Nguyễn Dương Lâm đã vâng mệnh chúa Nguyễn đem quân vào đánh Ông Đài. Tháng 4 năm đó, quan quân phá vỡ luôn 3 lũy: lũy “Sài Gòn”, lũy Gò Bích và lũy Nam Vang. Thời đó, lũy ‘Sài Côn’ là một lũy quân sự của Cao Miên với mục đích bảo vệ một miền đất chạy dài từ cửa biển Cần Giờ và cửa Ba Rai lên đến vùng biên giới Việt-Miên ngày nay. Như vậy tên gọi Sài Gòn đã xuất hiện từ năm 1674 hoặc trước đó nữa. Cả hai học giả Vương Hồng Sển và Thái văn Kiểm đều đồng ý với giả thuyết nầy(2).

Cấu Trúc Địa Chất Và Thiên Nhiên Của Vùng Đất Mang Tên Sài Gòn-Chợ Lớn Ngày Nay:

Theo các nhà địa chất học, đất Sài Gòn-Gia Định và cả vùng đồng bằng miền Nam được thành hình cách đây khoảng 6.000 năm, vào cuối thời kỳ Holocene. Vào thời kỳ nầy, đợt biển thoái cuối cùng diễn ra đã làm lộ diện cả miền đồng bằng Nam Kỳ, sau đó phù sa sông Cửu Long đã phủ lên mặt đất ở đây một lớp đất mềm đầy mầu mỡ. Vùng Sài Gòn-Gia Định nằm trên vùng chuyển tiếp giữa hai vùng địa chất có địa hình địa mạo khác nhau, đó là miền Đông và miền Tây Nam Phần. Về cấu trúc địa chất, thì vùng Prei Nokor nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn chạy ra Bà Rịa và Long Điền; vùng nầy có cấu trúc địa chất giống như miền Đông Nam Phần. Đây là vùng có thế đất cao, với độ cao trung bình từ vài mét đến 30 mét trên mực nước biển trung bình. Chính vì vậy mà chúng ta thấy vùng phía bắc Sài Gòn gồm nhiều dãy gò đồi thấp kéo dài từ phía chân cao nguyên Nam Trường Sơn. Đất đai vùng nầy lại có hai loại: đất xám và đất đỏ. Vùng đất đỏ là những vùng rất thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, thuốc lá, mía, và đậu phộng, vân vân. Vùng phù sa mới là vùng đất thấp, nằm về phía Nam Sài Gòn, chạy từ Nhà Bè ra biển, với cao độ trung bình khoảng vài mét trên mực nước biển. Đây là vùng đồng bằng thấp mà phù sa các sông Cửu Long, Vàm Cỏ và Đồng Nai vẫn còn đang trong tiến trình bồi đắp. Vùng nầy quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều và gió mùa, nên đất đai sình lầy với nhiều sông rạch; vùng phía nam Sài Gòn có cấu trúc địa chất giống như miền Tây Nam Phần. Mãi đến cuối thế kỷ thứ XIII khi Châu Đạt Quan theo chân phái đoàn Nguyên Triều đến thủ đô Angkor của Chân Lạp vào năm 1295, thì cả vùng đất nầy hãy còn chìm trong hoang vu. Theo Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp Phong Thổ Ký” thì đoàn của ông đã dong buồm men theo bờ biển từ Ôn Châu qua Phước Kiến, đến An Nam, Chiêm Thành, cuối cùng đến thị trấn Chân Bồ, có lẽ là vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Từ Chân Bồ, đoàn lại đi dọc theo bờ biển đến các cửa sông. Cửa sông thì có đến hàng chục cửa, nhưng chỉ có thể vào được cửa thứ tư, tính từ Chân Bồ. Như vậy đoàn của ông Châu Đạt Quan đã dùng thuyền đi từ biển vào, có lẽ đây là cửa Tiểu của dòng Tiền Giang đi vào Mỹ Tho ngày nay, rồi ngược dòng Cửu Long qua Mỹ Tho, ngang qua Đồng Tháp Mười. Khi nhìn lên bờ thì ông chỉ thấy toàn là những đám cây mây quấn vào các cây cổ thụ cao vút, bên dưới thì cát vàng và lau sậy trắng, mà nhìn thoáng qua không dễ gì biết được lối vào. Loại dây mây nầy vẫn còn để lại dấu tích đến ngày nay qua các địa danh như Chắc Cà Đao(3), Xéo Mây, Đường Mây, vân vân. Từ cửa thứ tư thuận dòng nước đi về hướng Bắc chừng 15 ngày thì đến vùng Tra Nam, có lẽ là Kompong Chnang ngày nay. Trong chương 18, phần Sơn Xuyên (núi và sông), ông Châu Đạt Quan kể lại rằng từ Chân Bồ đến Tra Nam, hầu hết tất cả các vùng đều là bụi rậm của những khu rừng thấp, những cửa rộng của các con sông dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú xum xuê cho chim chóc và muông thú. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Những loại cây to mà Châu Đạt Quan nói có thể là những cây sao, cây dầu hay cây lâm vồ, cây gừa, cây sộp với mớ rễ lòng thòng xuống đất hay xuống mặt nước... mà ngày nay hãy còn rất nhiều trên khắp miền Nam nước Việt. Khi đoàn của ông vào đến nửa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bị bỏ hoang, không một gốc cây. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Đây có thể là những loại lúa ma, lau trắng, sậy đế...mọc nhiều trên những vùng đất bồi. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng nầy. Tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm lý. Tại mắt loại tre nầy có gai mọc, và măng thì có vị rất đắng. Khi gần tới Tra Nam thì bốn phía có núi cao. Chắc hẳn đây là loại tre gai, thích hợp với cả những vùng nước ngọt, nước lợ, hay nước mặn, đất cao lẫn đất thấp, nước ngập vẫn không chết. Lúc nầy có thể đoàn của ông Châu Đạt Quan đang đi ngang qua vùng Bến Tre, và ngày nay hãy còn rất nhiều địa danh liên quan đến tre như Xéo Tre và Vịnh Tre, vân vân. Mặc dầu trong Chương 33, phần “Thuộc Quận”, ông Châu Đạt Quan có kể rằng Chân Lạp thời đó có hơn 90 tỉnh, trong đó có Chân Bồ, nhưng ông cũng cho thấy trong suốt cuộc hành trình xuyên qua vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần, ông chỉ nhìn thấy rừng rậm, thú dữ và đồng hoang mà thôi. Như vậy cũng đủ cho thấy rằng sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, trên danh nghĩa thì toàn bộ vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần bị sáp nhập vào Chân Lạp, nhưng trên thực tế, hơn bảy thế kỷ sau đó cả vùng nầy vẫn còn là một khu rừng rậm hoang vu khi Châu Đạt Quan đến đây, và hơn mười thế kỷ sau ngày vương quốc Phù Nam sụp đổ, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì vùng đất nầy vẫn còn là một vùng rừng nhiệt đới thiên nhiên hoang dại.
Các vua chúa Cao Miên cũng dưới cái nhìn giống như Châu Đạt Quan, nghĩa là toàn bộ vùng đất Nam Phần ngày nay đối với các ngài chỉ là một vùng đất hoang vu, chỉ là một gánh nặng về mặt trị an cho các ngài mà thôi. Tuy nhiên, cảnh hoang sơ với toàn là sơn lam chướng khí đó không làm người Việt mình thối chí, và một dãy đất phì nhiêu mầu mỡ của miền Nam ngày nay đã chứng minh điều đó. Vào khoảng thế kỷ thứ XVII, những lưu dân Việt Nam đến vùng đất nầy đã đem theo với họ cả một quê hương “Thuận Quảng”, với cả một nền văn minh lúa nước. Họ quyết chí ra đi lập nghiệp và định cư luôn tại đây, chứ không trở về vì họ là những thành phần không thể trở về, hoặc không thể sống được nơi quê cha đất tổ miền ngoài của họ. Theo Gia Định Thành Thông Chí, thì những người Việt Nam đến đây như được bơm vào sinh khí khi nhìn thấy “cuộc đất” ở đây dầu hãy còn hoang vu nhưng quá tốt, tốt hơn cuộc đất nơi quê cha đất tổ của họ nhiều. Mà thật vậy, đây là một mảnh đất đầy phù sa với kinh rạch chằng chịt, con người chỉ cần khai hoang và nạo vét một số kinh rạch có sẵn nhằm điều chỉnh sao cho nước ngọt có cơ chảy sâu vào những vùng sâu trong nội địa vào mùa khô, và nước có thể thoát ra chứ không bị ngập úng vào mùa mưa lũ, thế là mình sẽ có được một cuộc đất phì nhiêu mầu mỡ.

-----------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét