Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Đất PN Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P8


Gia Định Qua Các Triều Đại Nam Triều:

Tính từ năm 1698 đến ngày nay, Gia Định đã trải qua rất nhiều lần thay đổi với biết bao thăng trầm cùng những danh xưng hành chánh khác nhau:
(I) Năm 1698: Phiên Trấn Dinh, Phủ Gia Định. Huyện Tân Bình, phần đất Sài Gòn bây giờ.
(II)Dưới thời Tây Sơn có tổng cộng 4 vị quan trấn thủ thành Gia Định:
1) Đỗ Nhàn Trập.
2) Đặng văn Chơn.
3) Nguyễn Lữ
4) Phạm văn Tham.
(III)Năm 1790: Nguyễn Phúc Ánh chánh thức đặt tên cho thành Bát Quái do Victor Oliver xây năm 1789 trên gò thôn Tân Khai là thành Gia Định, còn gọi là Kinh Gia Định.
(IV)Dưới thời nhà Nguyễn: Từ thời Gia Long đến giữa đời Tự Đức, Gia Định có 6 đời Tổng Trấn hay Tổng Đốc:
(A) Dưới thời Gia Long (1802-1820): Kinh Gia Định được đổi làm Thành Gia Định với những vị Tổng trấn và phó tổng trấn sau đây:
1) Kinh Môn Quận Công Nguyễn văn Nhơn từ năm 1801 đến năm 1811 (có sách ghi từ 1801 đến 1805, nhưng ghi như vậy thì lại có khoảng trống 6 năm không có Tổng trấn).
2) Chưởng Cơ Tả Quân Lê văn Duyệt từ năm 1812 đến 1815. Lúc đó Trương Tấn Bửu làm phó tổng trấn và Ngô nhân Tịnh làm Hiệp Tổng Trấn.
3) Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huy Đức từ năm 1816 đến năm 1819. Lúc đó Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng Trấn(34).
(B) Dưới thời Minh Mạng (1820-1840):
1) Năm 1820, vua Minh Mạng bổ nhiệm Tả Quân Lê văn Duyệt làm Tổng Trấn và Trương Tấn Bửu làm Hiệp Tổng Trấn (phó tổng trấn) từ năm 1820 đến khi Lê văn Duyệt qua đời vào năm 1832
2) Năm 1832: Sau khi Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng bãi bỏ thành Gia Định và chia miền Nam ra làm 6 trấn. Lúc nầy Gia Định trở thành trấn Phiên An. Nguyễn văn Quế làm Tổng Đốc An Biên (hai trấn Phiên An và Biên Hòa) từ năm 1833 đến năm 1834. Sau đó, Hộ Đốc Võ Duy Ninh từ năm 1834 đến năm 1859.
3) Năm 1836: Minh Mạng cho đổi tất cả các trấn ở Nam Kỳ ra làm tỉnh và trấn Gia Định thành tỉnh Gia Định.
(C) Dưới thời Thiệu Trị (1841-1847): Không thay đổi hành chánh ở Nam Kỳ.
(D) Dưới thời Tự Đức (1820-1840): Không thay đổi hành chánh ở Nam Kỳ. (V)Nam Kỳ Dưới thời Pháp Thuộc (1861-1945):
1) Năm 1871: Khu Hành Chánh Sài Gòn do quan Tham Biện cai quản.
2) Năm 1885: Tỉnh Gia Định do một tỉnh trưởng người Pháp cai trị. Gia Định đã chứng kiến biết bao những thăng trầm lịch sử của cả xứ Nam Kỳ lẫn đất nước Việt Nam.

Tỉnh Gia Định Thời Pháp Thuộc:

 
Năm 1858, quân Pháp chiếm thành Gia Định, họ đã tiến hành phá hủy tất cả chùa chiền trong vùng để thiết lập đồn bót từ vùng Chợ Đũi đến Phú Lâm ngày nay. Năm 1860, triều đình Huế cử Nguyễn tri Phương làm chức ‘Gia Định Quân Thứ Tổng Thống Quân Vụ Đại Thần’ vào Nam đắp đại đồn Chí Hòa để chống Pháp. Ngày 12 tháng 4 năm 1860, quân Pháp hạ đồn Chí Hòa; sau đó ngày 14 tháng 4 chúng tiến chiếm Định Tường. Ngày 7 tháng 12 năm 1860, nghĩa binh của Trương Công Định phục kích giết chết tên đại úy Barbé tại vùng Chợ Đũi. Đến ngày 18 tháng 12 năm 1860, giặc Pháp tiến chiếm Biên Hòa. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất, nhường đứt 3 tỉnh Miền Đông(61) cho Pháp. Người Pháp vẫn chia đất Gia Định ra làm 3 phủ như cũ: Tân Bình, Tân An và Tây Ninh. Từ năm 1867, thực dân Pháp bỏ tên tỉnh Gia Định mà gọi bằng tên Sài Gòn. Tỉnh Sài Gòn thời bấy giờ vẫn là địa bàn cũ của tỉnh Gia Định. Tuy nhiên, hồi nầy thực dân Pháp không chia ra làm phủ huyện, mà chúng chia làm 7 hạt tham biện, trong đó hạt tham biện Sài Gòn(62) gồm hai huyện Bình Dương và Bình Long ngày nay. Năm 1885, để phân biệt với thành phố Sài Gòn, thực dân Pháp lại cho đổi hạt Sài Gòn ra làm hạt Gia Định.
Sau khi hoàn tất cuộc cưỡng chiếm chiếm Nam Kỳ, vào năm 1876, người Pháp chia miền Nam thành ra 4 khu vực hành chánh, mỗi khu vực lại chia làm nhiều địa hạt. Khu vực Sài Gòn gồm 5 hạt: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định. Khu vực Mỹ Tho gồm 4 hạt: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, và Chợ Lớn. Khu vực Vĩnh Long gồm 4 địa hạt: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, và Sa Đéc. Khu vực Bassac gồm 6 địa hạt: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng. Riêng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, họ cắt bớt đất của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Chợ Lớn và Long An, nên lúc ấy Gia Định chỉ còn lại bốn quận: Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn và Nhà Bè, với 17 tổng và 166 xã. Năm 1899, Pháp cắt đất Gia Định cũ ra làm 5 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, và Gò Công. Vào năm 1944, vì lý do an ninh lãnh thổ, Pháp cho cắt một phần đất của Chợ Lớn và một phần của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Tân Bình. Như vậy, dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Gia Định dưới thời Minh Mạng bị cắt ra làm 5 tỉnh. Từ năm 1862 đến năm 1899, mỗi tỉnh có một quan Tham Biện cai quản. Sau năm 1899, Pháp đổi chức Tham Biện ra Tỉnh Trưởng:
1) Gia Định: Ngay khi chiếm 3 tỉnh miền Đông vào năm 1859, Pháp đã lấy phần đất trên khu thành Gia Định cũ để thành lập khu Hành Chánh Gia Định, về sau nầy trở thành tỉnh Gia Định.
2) Chợ Lớn: Năm 1876, Pháp lấy 2 huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình và huyện Phước Lộc thuộc phủ Tân An để thành lập tỉnh Chợ Lớn. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1956), tỉnh Chợ Lớn được sáp nhập với tỉnh Tân An và đổi thành tỉnh Long An(63).
3) Tây Ninh: Năm 1859, Pháp lấy 2 huyện Tân Ninh và Quang Hóa, dưới thời Nam triều, để thành lập tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, vào năm 1861, 2 huyện nầy được cai quản bằng 2 đoàn quân sự, một đặt tại Trảng Bàng và một đặt tại Tây Ninh. Đến năm 1868, hai đoàn quân sự nầy được thay thế bằng hai ty hành chánh. 
4) Tân An: Năm 1864, Pháp lấy 2 huyện Tân Thành và Cửu An để thành lập tỉnh Long An. 
5) Gò Công: Sau Hòa ước Nhâm Tuất, năm 1862, Pháp lấy huyện Tân Hòa để thành lập tỉnh Gò Công. Dưới thời đệ nhất Cộng Hòa (1956), Gò Công được sáp nhập vào Mỹ Tho để thành lập tỉnh Định Tường. Đến năm 1944, vì lý do an ninh lãnh thổ, Pháp cắt một phần đất của Sài Gòn (huyện Tân Bình) và một phần đất của Chợ Lớn để thành lập tỉnh Tân Bình(64). Tuy nhiên, tỉnh Tân Bình chỉ tồn tại đến năm 1945 là bị bãi bỏ.

Tỉnh Gia Định Thời Việt Nam Cộng Hòa: 

Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, miền Nam có 26 tỉnh, gồm 9 tỉnh miền Đông và 17 tỉnh miền Tây. Hồi nầy tỉnh Gia Định chỉ là một trong 9 tỉnh thuộc miền Đông, nhưng vị trí của nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho cả miền Nam. Diện tích tỉnh Gia Định khoảng 77.281 mẫu tây, gồm các quận: Bình Chánh (18.075 mẫu), nằm về phía Nam của tỉnh Gia Định, chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng 10 cây số mà thôi. Từ Sài Gòn, theo quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), ra khỏi Phú Lâm, sau khi qua khỏi cầu Bình Điền thì tới chợ Bình Chánh, nằm bên trái quốc lộ. Trên sông Bình Điền chúng ta có thể nhìn thấy ghe thuyền tấp nập với những lúa gạo và hàng hóa từ các tỉnh miền Tây được chở lên Sài Gòn Gia Định. Quận Nhà Bè (8.946 mẫu), nằm sát cạnh Sài Gòn. Con đường từ cầu Tân Thuận thuộc quận 4 Sài Gòn đi Nhà Bè rất thuận tiện. Tại bến phà Bình Khánh có kho dầu và bến tàu nơi các tàu dầu tới lầy xăng dầu chuyên chở đi cung cấp cho các cây xăng lẽ tại các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Phần như Shell, Caltex, Esso và Mobil Oil. Quận Gò Vấp (6.799 mẫu), nằm về phía Tây của tỉnh Gia Định. Hai quận Gò Vấp và Hóc Môn là những nơi có nhiều căn cứ quân sự thời đệ Nhất Cộng Hòa. Tại Gò Vấp có Trung Tâm Sinh Ngữ (Ngã Ba Chú Ía) dành cho các sinh viên sĩ quan theo học trước khi xuất ngoại. Bên cạnh đó, còn có các cơ sở quân sự khác như Quân Nhu, Quân Cụ, truyền Tin, Hành Chánh Tài Chánh, Nha Tài Chánh Quân Đội... đều nằm trong quận Gò Vấp. Quận Gò Vấp là nơi có nhiều chùa Phật giáo tại Sài Gòn như chùa Già Lam và Tịnh Xá Trung Tâm. Quận Tân Bình (11.139 mẫu), nằm về phía Tây của tỉnh Gia Định. Tân Bình là nơi có nhiều địa danh nổi tiếng như Ngã Tư Bảy Hiền, Bệnh Viện Vì Dân, Lăng Cha Cả, Phi Trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Ngã Ba Ông Tạ, xưởng bột ngọt Thiên Hương, xưởng bột ngọt Vị Hương Tố, nhà máy Vina Texco, Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo, vân vân. Quận Hóc Môn (11.930 mẫu), nằm về phía Tây của tỉnh Gia Định. Đây là một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời nhất trong lịch sử Nam Tiến. Từ Gò Vấp qua Hóc Môn có thề đi bằng ngã Chợ Cầu đến Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, qua Ngã Ba Trung Chánh, rồi tới Hóc Môn. Hoặc có thể từ Tân Bình đi lên Ngã Ba Trung Chánh rồi tới Hóc Môn. Tại đây có quốc lộ 1 đi Tây Ninh và qua Cao Miên. Hóc Môn thời đàng cựu đã nổi tiếng là nơi trồng trầu nhiều nhất miền Nam với địa danh “Mười Tám Thôn Vườn Trầu”. Quận Bình Thạnh, nằm về phía Đông của tỉnh Gia Định. Thời đàng cựu là tổng Bình Thạnh Trị. Tất cả các cơ quan hành chánh tỉnh Gia Định đều nằm trong quận Bình Thạnh. Ngoài ra, quận Bình Thành còn các kiến trúc khác như Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, chợ Bà Chiểu, Thị Nghè, Hàng Xanh, bệnh viện Nguyễn Văn Học, vân vân. Có bốn hướng để đi từ Sài Gòn vào quận Bình Thạnh và từ Cầu Bông, cầu Thị Nghè (gần Sở Thú), cầu Sắt Tân Định, và cầu Phan Thanh Giản(65). Tại Ngã Năm Bình Hòa có 5 trục lộ đi các tỉnh miền Đông và miền Trung, trong đó có quốc lộ số 1. Từ Ngã Năm Bình Hòa còn là trục lộ đi Thủ Đức và Biên Hòa. Quận Thủ Đức (20.932 mẫu), nằm về phía Bắc tỉnh Gia Định. Đây là một trong những quận trù phú nhất trong tỉnh. Nhà máy làm đường lớn nhất miền Nam là nhà máy đường Biên Hòa cũng nằm trong quận Thủ Đức. Thủ Đức còn là cửa ngõ đi vào Gia Định từ các tỉnh miền Trung và những tỉnh miền Đông như Biên Hòa, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Phước Tuy, Vũng Tàu, Long Khánh, Bình Tuy, vân vân. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1837, nhà vua cho lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An gồm 4 tổng An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình. Đây chính là vùng Thủ Đức ngày nay. Dưới thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An, tức là Thủ Đức ngày nay, được sáp nhập vào tỉnh Gia Định. Trước năm 1975, quận Thủ Đức vẫn trực thuộc tỉnh Gia Định. Thủ Đức là nơi có nhiều cơ quan quan trọng như trường Bộ Binh Thủ Đức(66), trường Sĩ Quan Thiết Giáp, nhà dòng Lasan “Mosard” Thủ Đức, Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Đức, nhà máy Xi Măng Hà Tiên, nhà máy điện Đa Nhim và Chợ Quán, Kho Đạn Cát Lái, bến đò Thủ Thiêm(67). Ngoài ra, Thủ Đức còn có những cảnh quang thiên nhiên rất nổi tiếng như Suối Lồ Ồ, Suối Xuân Trường nằm dọc trên đường đi Thủ Đức-Biên Hòa(68). Sau năm 1975, quận Thủ Đức được đổi ra làm huyện Thủ Đức trực thuộc thành phố Sài Gòn(69). Do vị trí đặc biệt ven đô của Thủ Đức, nên ngay từ thời đàng cựu(70), Thủ Đức là một vùng nửa quê nửa chợ. Trước năm 1950, quốc lộ 1 là con đường duy nhất đi từ Thủ Đức vào Sài Gòn. Sau năm 1960, xa lộ Biên Hòa được xây dựng, cũng đi từ Sài Gòn đến Thủ Đức. Sau năm 1975, lại một con đường nữa cũng đi đến Thủ Đức, đó là đường Sô Viết Nghệ Tĩnh(71) qua Ngã Tư Hàng Xanh, theo quốc lộ 13, qua cầu Bình Triệu đến Ngã Tư Bình Triệu, rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa đi Thủ Đức. Cái đặc biệt của vùng Thủ Đức là những cánh đồng lúa xanh tươi hòa quyện với những khu vườn cây ăn trái, được bao bọc bởi những khu rừng cao su rộng lớn... tạo nên một cảnh quan thật đặc sắc. Vào đầu thế kỷ thứ XXI, khi Sài Gòn không còn đủ đất dung chứa những nhà máy kỹ nghệ cũng như những ngôi nhà lầu cao nhiều tầng nữa, thì Thủ Đức đã trở thành sân sau của Sài Gòn. Người ta đã đầu tư đất đai nông ngư nghiệp của Thủ Đức vào việc đô thị hóa triệt để vùng nầy. Nhiều ao hồ và kinh rạch nhỏ đã bị lấp đi để lấy đất làm đường sá và xây dựng nhà cửa phục vụ cho công nghiệp và kỹ nghệ. Ngày nay hầu như tất cả những công ty lớn đều tập trung tại Thủ Đức như công ty National Panasonic, Coca-Cola, công ty thời trang Triump, công ty dầu Castrol. Ngoài ra, Thủ Đức còn có hai khu chế xuất lớn là Khu Chế Xuất Linh Trung-Linh Xuân (450 mẫu) và Khu Chế Xuất Bình Chiếu (200 mẫu). Sau năm 1954, Việt Nam bị chia đôi, Gia Định là nơi định cư của một số đông đồng bào di cư từ miền Bắc. Họ cư trú trong các quận Gò Vấp, Xóm Mới và Tân Bình, nhiều nhất là khu Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bảy Hiền. Năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp(72), Tân Bình(73), Hóc Môn(74), Thủ Đức(75), Nhà Bè(76), và Bình Chánh(77). Vào năm 1965, tỉnh Gia Định có thêm 2 quận nữa là Cần Giờ và Quảng Xuyên. Quận Cần Giờ là quận ven biển. Đây là vùng ngập mặn với sông rạch chằng chịt. Tàu bè từ biển đi vào Sài Gòn đều phải qua ngã sông Soài Rạp. Phương tiện giao thông chính trong quận Cần Giờ là giao thông đường thủy, con đường bộ duy nhất là con đường đi từ Nhà Bè qua phà Bình Khánh. Trước năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, lại nằm trọn trong lòng của tỉnh Gia Định. Trong suốt 21 năm dưới chánh thể Cộng Hòa, vùng Sài Gòn-Gia Định đã được phát triển để trở thành một trong những thành phố lớn trên thế giới. Tháng 2 năm 1976, chánh quyền mới bãi bỏ tỉnh Gia Định và sáp nhập những vùng đất thuộc tỉnh nầy như các quận Hốc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, và Bình Tân, cùng một phần đất của các tỉnh Biên Hòa, Bình Dương và Hậu Nghĩa vào thành phố Sài Gòn-Gia Định. Nhưng đến tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn-Gia Định bị đổi tên thành ‘Thành Phố Hồ Chí Minh’. 
Như vậy thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên địa bàn các tỉnh Gia Định, thành phố Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn và một phần đất của các tỉnh Biên Hòa, Bình Dương và Hậu Nghĩa. Ngay từ khoảng những năm đầu thế kỷ XX, Gia Định đã có trên 500 cây số đường tráng nhựa, 1.200 cây số đường đất hầm. Tuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Nha Trang phải chạy ngang qua Gia Định nên lúc ấy Gia Định là giao điểm giữa các tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A) chạy ngang qua Tân Bình, Bình Chánh trước khi đi về miền Tây. Dầu mang tên gì đi nữa, từ ngày các chúa Nguyễn khai sanh ra vùng đất nầy đến nay, đất Gia Định luôn đi tiên phong trong vấn đề phát triển kỹ thuật, kinh tế, thương mại cho cả miền hay cả nước Việt Nam.

Di Tích Lăng Mộ Các Quan Đàng Cựu Trên Vùng Đất Gia Định:

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, vùng đất Gia Định là cái nôi của cuộc Nam Tiến, là nơi hội tụ rất nhiều di tích lịch sử liên hệ tới các chúa nhà Nguyễn cũng như tín ngưỡng của những cư dân đến đây đầu tiên. Trong số những di tích lịch sử nầy, Lăng Ông là một trong những lăng miếu được dân chúng tôn kính cho đến ngày nay. Lăng Ông(78) được xây dựng trên một khoảng đất rộng ở khu phía nam xã Bình Hòa, cũng là khu phía Nam của tỉnh Gia Định. Chung quanh được bao bọc bởi 4 bức tường thấp, có 4 cửa thông ra đường: cửa đông thông ra đường Trịnh Hoài Đức, cửa bắc thông ra đại lộ Chi Lăng, cửa tây thông ra đường Lê văn Duyệt, và cửa nam thông ra đường Châu văn Tiếp. Cửa Nam là cửa chính vào lăng. Cổng lăng được xây dựng theo kiểu ‘Tam Quan’ có mái cong và mỗi cửa chồng hai mái. Ở hai bên cửa về phía trong, có hai cái đỉnh lớn, cao hơn bờ tường. Đền và lăng chiếm khoảng một phần tư khu đất, chia làm hai khu, khu trước là lăng, trong đó có hai ngôi mộ của quan Tả Quân và bà vợ. Ngoài bình phong có đặt ba cái đỉnh lớn bằng xi măng, hai cái hình tròn và cái thứ ba có hình chữ nhật. Kế đó là những bồn cây được uốn cong hình phượng, hoặc kết thành những chiếc lọng màu xanh thẳm. Kế đó là một tấm bia, được dựng lên dưới thời vua Thành Thái (năm 1894). Sau khu lăng mộ là một khoảng sân có 5 cái đỉnh sành màu xanh trắng. Như vậy, từ bên ngoài vào tới đền có cả thảy 9 cái đỉnh (cửu đỉnh, biểu tượng của xã tắc dưới thời phong kiến). Bên trong cùng là ngôi đền, gồm điện chính, điện giữa và điện ngoài. Trong đền lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Phải nói đất Gia Định là nơi qui tụ rất nhiều lăng tẩm và mộ của các quan đàng cựu nổi tiếng ở miền đất phương Nam. Ở ngoại ô vùng Phú Nhuận, bên trong đại lộ Võ di Nguy là lăng của Bình Giang Quận Công Võ di Nguy, một trong những khai quốc công thần đời Gia Long. Võ di Nguy làm tới chức Thiếu Bảo với nhiệm vụ thống suất Hải Quân và tử trận vào năm 1801 tại đầm Thị Nại, Qui Nhơn. Trên vùng đất Gia Định còn có lăng của quan Khâm Sai Chưởng Cơ Nguyễn văn Học. Ông tên thật là Trần văn Học, được Gia Long cho mang quốc tính. Ông đã theo phò Nguyễn Ánh từ năm 1780. Năm 1782, chính ông đã hộ tống gia quyến Nguyễn Ánh ra đảo Thổ Châu. Năm 1790, ông lãnh lệnh Nguyễn Ánh xây Kinh Gia Định. Ban đầu lăng của ông tọa lạc phía sau Ty Ngân Khố Gia Định, đến năm 1930 được cải táng về nơi vườn hoa bên cạnh Ty Thanh Niên Gia Định. Tại vùng Phú Nhuận, trên đường Tự Đức còn có lăng của Phó Tổng Trấn Gia Định Trương Tấn Bửu, người đã theo phò Nguyễn Ánh trong thời còn bôn tẩu trốn nghĩa binh Tây Sơn. Cũng trong vùng Phú Nhuận còn có lăng và đền thờ tro cốt của Quận Công Võ Tánh, người đã theo Nguyễn Ánh từ khi vị chúa nầy còn bôn tẩu lẩn trốn nghĩa binh Tây Sơn. Năm 1801, ông và Ngô tùng Châu bị quân Tây Sơn vây hãm trong thành Qui Nhơn, nên cả hai đều tử tiết theo thành. Ngoài ra, trong vùng xã Tân Sơn Hòa còn có lăng của quan Tả Dinh Lê văn Phong(79), em ruột của đức Tả Quân Lê văn Duyệt. Trong vùng Phú Lâm vẫn còn ngôi mộ của tướng Đỗ Thành Nhân(80), một trong tam hùng đất Gia Định, theo phò Nguyễn Ánh trong lúc vị chúa nầy đang cơn hoạn nạn, đến khi thanh thế vững vàng thì chính Nguyễn Ánh đã giết vị tướng nầy chỉ vì những lời dèm pha ganh ghét của người khác.
 
------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.htm

------------- 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét