Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Từ Trấn Biên Bình THuận đến Tỉnh Bình Thuận P 3


Đặc Sản Của Vùng Đất Bình Thuận:
Bình Thuận có một bờ biển dài khoảng 192 cây số(28) nên nhiều loại hải sản phải được kể là đặc sản của Bình Thuận. Ngay từ khi được sáp nhập vào xứ Đàng Trong và mãi đến trước năm 1975, Bình Thuận vẫn còn là một vùng biển phồn thịnh và nổi tiếng với những hải sản và sản phẩm của hải sản, đặc biệt là nước mắm. Tuy nhiên, ngày nay nguồn hải sản phong phú nầy gần như cạn kiệt, ghe tàu đánh cá phải đi thật xa bờ mới bắt được cá, có khi phải ra tận vùng Phú Quí, Côn Sơn hay Trường Sa. Bên cạnh đó ngư dân vùng Bình Thuận cũng như các vùng khác dọc theo bờ biển Việt Nam từ Bắc chí Nam thường hay bị những tàu LẠ hiếp đáp nên ngành ngư nghiệp(29) của dân vùng Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung đã đi xuống. Ngày trước người ta thường nói ngư dân Bình Thuận “làm chơi ăn thiệt” vì cá mắm Bình Thuận làm gì cho hết? Thuở đó cá mắm nhiều đến độ người ta chỉ làm khô và nước mắm bằng những loại cá ngon, còn cá dở thì người ta bỏ để làm phân bón. Nói về thực phẩm hải sản của Bình Thuận thì thật là đa dạng với những món ngon vật lạ được làm từ những loại cá, ốc, cua thật ngon như gỏi cá, ốc hương, ghẹ nhàn, sò điệp, còng, cá mai, cá dứa, cá chuồn, cá kình, cá bạc má, cá ngừ, cá nục, cá thia, cá lò có, cá ngân bột, cá chỉ thịt, cá đuối, cá nghéo, cá ó, cá hố, cá rựa, cá bẹ, và tôm hùm, vân vân. Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng có đủ loại cá nước ngọt như những vùng khác nhu cá lóc, cá trê, cá phèn, cá bống, vân vân.

“Mực” Bình Thuận rất đa dạng với nhiều chủng loại như mực ống chỉ để phơi khô, mực nang được đem đi xuất khẩu làm “sasimi”, và mực lá được ngư dân Phan Thiết biến chế thành một loại đặc sản tuyệt hảo, đó là “mực một nắng”. Người ta lấy mực lá thật tươi, vừa mới bắt từ biển vào, làm sạch rồi đem đi phơi nắng và phơi sương, đúng một ngày một đêm; hoặc đem sấy khoảng từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ khoảng 43 độ C. Ngoài “mực” ra, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, Bình Thuận còn một món hải sản cũng hết sức đặc biệt, đó là món “cá đuối”. Cá đuối có nhiều loại, từ cá đuối điện, đến cá đuối ó(30), cá đuối én, cá đuối sen, cá đuối bông, vân
vân. Loại nào cũng là đặc sản tuyệt hảo từ nấu canh chua, lẩu cá đuối, xào lăn, kho nghệ, hoặc cà ri cá đuối. Bình Thuận còn một đặc sản hết sức đặc biệt, đó là con “dong”, mà thịt của nó không thua bất cứ một loại sơn hào hải vị nào.
Dọc theo bờ biển về phía Nam của Bình Thuận là những đồi cát hay dãy cát trắng hay vàng. Với một một bờ biển dài khoảng 192 cây số, Bình Thuận là một vùng có tiềm năng lớn về kỹ nghệ làm muối với khoảng 120 mẫu tây ruộng ngập nước đã được phân khoảnh để làm ruộng muối. Bên cạnh hải sản thiên nhiên, vùng Bình Thuận còn có khoảng 140 mẫu tây đã được phân khoảnh thành những vuông nuôi tôm. Về hải sản, trung bình mỗi năm riêng tại Phan Thiết đã khai thác trên 60 ngàn tấn hải sản, gồm đủ loại cá biển, mực, vân vân. Phải nói Bình Thuận rất nổi tiếng với nhiều thứ hải sản như mực, ốc, cua, tôm biển, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là ốc hương Bình Thuận và cua Huỳnh Đế. Ốc hương Bình Thuận sống dọc theo bờ biển từ Tuy Phong đến Hàm Tân. Đây là một loại hải sản không riêng gì người Bình Thuận ưa thích, mà ngày nay nó đã nổi tiếng đến tận Sài Gòn. Xứ Bình Thuận còn nổi tiếng với món cháo cua Huỳnh Đế. Cua có màu đỏ hồng, càng và ngoe rất ngắn, thịt rất ngon. Ngày nay hầu như các quán ăn dọc theo bờ biển Bình Thuận đều có bán món cháo cua Huỳnh Đế. Ngoài ra, vùng hòn Rơm và hòn Rạng còn nổi tiếng với sò điệp. Thường thì loài sò điệp sống dưới đáy biển hay trong các hóc đá sâu; riêng tại hòn Rơm, sò điệp sống dưới độ sâu khoảng 10 mét. Vùng biển Bình Thuận hãy còn một loại hải sản rất đặc biệt vì nó mang tên của một vương quốc hay một dân tộc, đó là cá Chàm. Nói về cá Chàm thì Bình Thuận có hơn mười chủng loại khác nhau, thịt cá rất ngon, nhất là loài cá Chàm huyết, con lớn cỡ bàn tay xòe. Đây là một loại đặc sản quí hiếm mà chỉ riêng đảo Phú Quí mới có mà thôi.

Chỉ riêng về kỷ nghệ làm nước mắm tại Bình Thuận đã nổi tiếng từ hơn hai thế kỷ nay. Ngay từ đầu thế kỷ thứ 19, nước mắm Thuận Thành (vùng Bình Thuận ngày nay) đã được chở ra bán cho xứ Đàng Ngoài. Hiện tại Bình Thuận có công ty nước mắm Liên Thành rất nổi tiếng, ngay từ năm 1918, công ty nầy đã đem sản phẩm của mình tham gia hội chợ Hà Nội. Đến năm 1922, công ty Liên Thành đã mang nhãn hiệu nước mắm “Con Voi” đi tham dự cuộc đấu xảo ở Marseille, nhờ đó mà nước mắm Liên Thành nổi tiếng đến các xứ Âu Châu và Bắc Phi. Thời Pháp thuộc, phải nói hình ảnh của Phan Thiết được nhắc đến với các hãng nước mắm qua các dãy thùng làm nước mắm khổng lồ. Hiện tại mỗi năm Bình Thuận sản xuất trên 30 triệu lít nước mắm.

Những Đặc Sản Khác Của Vùng Đất Bình Thuận:

Như trên đã nói, Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Phần, vì nằm cuối dãy Trường Sơn, nên núi đồi đã thấp đi nhiều. Bình Thuận là một trong những tỉnh ở Việt Nam có cả ba vùng: vùng rừng núi, đồng bằng và ven biển. Về phía Bắc của Bình Thuận là một vành đai với những khu rừng gỗ quí như trắc, liêm, gõ, vân vân. Về phía bắc của Bình Thuận, trong huyện Tuy Phong có suối Vĩnh Hảo đã nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Thời còn vương quốc Champa, trong mỗi dịp lễ lớn người Chăm thường lấy nước suối Vĩnh Hảo về dùng để tẩy rửa Thánh tượng. Tương truyền, một bà công chúa Việt Nam khi về làm hoàng hậu Champa, rất thích ra nghỉ mát ở khu suối nầy, có lẽ đó là công chúa Huyền Trân. Ngay từ thời Pháp thuộc, người ta đã đóng chai nước suối và đem ra bán trên thị trường. Hiện tại khu suối Vĩnh Hảo được mở rộng thành khu du lịch Vĩnh Hảo-Tuy Phong với những nơi nghỉ mát nổi tiếng như Vĩnh Hảo, hòn Lao Câu, Gành Sơn, Cổ Thạch Tự, và Tháp Podam, vân vân.

Bên cạnh nguồn hải sản quá dồi dào nầy, Bình Thuận có công nghiệp chế biến gỗ vì vùng rừng giáp với Lâm Đồng đã sản xuất cho Bình Thuận một số loại gỗ quí của Việt nam. Ngoài ra, dân Bình Thuận còn trồng và chế biến cây hạt điều. Vùng biển Bình Thuận còn một món đặc sản biển nhưng không phải là hải sản, đó là món rong biển. Bình Thuận có bờ biển rất dài với nhiều loại rong biển khác nhau. Từ tháng 7 đến tháng 2 âm lịch, các đầm lầy vùng nước lợ trong vùng biển Vĩnh Hòa, Chí Công, Mũi Né, Phan Thiết phủ đầy các loại rong cỏ ống, chân vịt và ra câu. Đến tháng 8 âm lịch thì những vùng đầm lầy Bắc Bình lại được phủ đầy rong đông sương. Ngoài ra, các vùng đầm lầy ven biển khác trong tỉnh Bình Thuận lúc nào cũng phủ đầy rong câu, rong rau sa, rong rau sói, vân vân. Rong biển tại đây được xem là loại rong biển có nhiều chất bổ dưỡng. Dầu có rất nhiều rong biển, nhưng nghề đi bức rong ở Bình Thuận cũng vô cùng cực khổ. Ngoài các thứ rong rau sói trôi lềnh bềnh trên mặt nước, chỉ việc vớt đem về phơi khô là có thể đem ra chợ bán được; còn loại rong đông sương phải đi bức vào lúc nước ròng. Trong khi đó những thứ rong khác như rong cỏ ống, chân vịt, rau câu và rau câu chỉ... người ta phải lặn xuống đáy rồi dùng dao cạy gốc mới bức được. Bên cạnh những loại rong biển trong các đầm lầy, ngoài bờ biển cũng có rất nhiều giề rong rau mơ trôi giạt và mắc vào lưới cá của ngư dân. Họ chỉ cần lượm bỏ vào khoan thuyền rồi mang về phơi khô là dùng được.
Sau năm 1975, cư dân Bình Thuận phát triển ngành trồng cây thanh long, một loại cây ăn trái có độ dinh dưỡng rất cao. Riêng tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, có một thời cư dân tại đây đã làm giàu nhanh chóng nhờ trồng loại trái cây nầy. Thanh long là một loại cây cùng họ với cây xương rồng, cho trái có mùa, nhưng ngày nay người ta dùng kỹ thuật “đèn” nên người ta có thể sản xuất thanh long quanh năm. Phải nói Bình Thuận là tỉnh duy nhất của vùng cuối miền Trung có diện tích đồng ruộng phù sa ven biển khá lớn, được bồi đắp hàng năm bởi những con sông tương đối ngắn. Đó là sông Lòng, sông Mao, sông Cà Giây, sông Ma Hy, sông Cà Tốt, sông Cà Ty, sông Cát, sông Cái, sông Cầu Ké, sông Sau, sông Tre, sông Phan, sông La Ngà, sông Quao, sông Công, sông Dinh, và sông Đu Đủ. Sở dĩ vùng Bình Thuận là vùng đất rất thích hợp cho các chủng loại thanh long nhờ có khí hậu nóng và khô vì nằm trong vùng nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Nhiệt độ trung bình từ 26 đến 27 độ C, lượng nước mưa trung bình từ 800 đến 1.150 mili lít. Giữa thung lũng núi Tà Cú, những vườn thanh long được lập lên trong ánh nắng chói chang, có những vườn rộng trên 100 mẫu. Hiện nay trái thanh long Bình Thuận chẳng những được bán đi các vùng phụ cận mà còn xuất cảng qua Hồng Kông, Tân Gia Ba, Đài Loan, Mã Lai, Trung Hoa, và các xứ Âu Mỹ nữa.

Bình Thuận Ngày Nay:

Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam vào năm 2009, tổng diện tích của tỉnh Bình Thuận là 7.799,4 cây số vuông với 1.136,773 cư dân, gồm thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và 8 huyện(31). Phía bắc giáp Lâm Đồng, phía tây giáp Đồng Nai, phía tây nam giáp Bà Rịa-Vũng Tàu, phía đông và đông nam giáp biển Đông. Thành phố Phan Thiết với diện tích 206,5 cây số vuông và 202.900 dân, mật độ trung bình khoảng 978 người trên một cây số vuông. Thị xã La Gi với diện tích 182,8 cây số vuông và 112.558 dân, mật độ trung bình khoảng 616 người trên một cây số vuông. Huyện Bắc Bình với diện tích 1.825,3 cây số vuông và 118.400 dân, mật độ trung bình khoảng 65 người trên một cây số vuông. Huyện Đức Linh với diện tích 534,9 cây số vuông và 132.700 dân, mật độ trung bình khoảng 248 người trên một cây số vuông. Huyện Hàm Tân với diện tích 729,5 cây số vuông và 70.515 dân, mật độ trung bình khoảng 97 người trên một cây số vuông. Huyện Hàm Thuận Bắc với diện tích 1.282,5 cây số vuông và 156.500 dân, mật độ trung bình khoảng 1.227 người trên một cây số vuông. Huyện Hàm Thuận Nam với diện tích 1.051,8 cây số vuông và 91.100 dân, mật độ trung bình khoảng 87 người trên một cây số vuông. Huyện Phú Quí với diện tích 16,4 cây số vuông và 22.600 dân, mật độ trung bình khoảng 1.378 người trên một cây số vuông. Huyện Tánh Linh với diện tích 1.74,2 cây số vuông và 98.700 dân, mật độ trung bình khoảng 84 người trên một cây số vuông. Huyện Tuy Phong với diện tích 795,4 cây số vuông và 131.700 dân, mật độ trung bình khoảng 166 người trên một cây số vuông. Vì Bình Thuận xưa nguyên là đất của vương quốc Champa, nên tỉnh nầy hiện hãy còn rất nhiều người Chăm. Phải nói, Bình Thuận là một tỉnh có nhiều dân tộc chung sống bên nhau từ hàng 3, 4 thế kỷ nay. Chính vì vậy mà Bình Thuận có một nền văn hóa kết hợp một cách đa dạng của nhiều sắc tộc. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 6 dân tộc: Việt, Chăm, Gia lai, Kơ Ho, Tày, và Hoa.
Phan Thiết là vùng đất nằm ven biển Đông, có bờ biển chạy dài từ Ga Cà Ná đến vàm sông Đu Đủ, giáp ranh với Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy bãi biển Phan Thiết không đẹp như Vũng Tàu, nhưng đây cũng là một trong những bãi biển có tiềm năng du lịch lớn ở Việt Nam. Vùng biển Liên Hương(32) ngó ra biển là cù lao Cau với những bãi cát đẹp. Từ Cửa Phan Rí chạy dài xuống Mũi Né có rất nhiều bãi cát vàng, nổi tiếng với từng đụn cát được thổi cao lên theo từng cơn gió biển. Bên ngoài Mũi Né có Hòn Lao, không xa bờ cho lắm, du khách có thể qua đó bằng những chiếc thuyền nhỏ. Từ Mũi Né xuống Phan Thiết, bọc xuống Mũi Kê Gà, thành hình một cái vịnh lơi, có lộ 706 chạy dọc theo bờ biển. Quốc lộ 1A chạy dọc theo bờ biển, đi ngang qua Phan Thiết. Từ Phan Thiết, quốc lộ 1A tiếp tục đi về Hàm Tân, rồi vào Xuân Lộc (Đồng Nai). Từ Mũi Kê Gà, bờ biển chạy về hướng tây, tới Hiệp Lễ bờ biển đổi hướng, chạy về hướng tây nam, đến La Gi, đây cũng là một vùng biển đẹp, có tiềm năng du
lịch, nhưng chưa được khai thác đúng mức. Từ Kê Gà đến La Gi có lộ 705. Sau khi qua khỏi La Gi, lộ 705 nối với quốc lộ 55, chia làm hai ngả, một ngả tiếp tục đi dọc theo bờ biển xuống Bà Rịa-Vũng Tàu, ngã kia vòng lên phía bắc để đi hàm Tân. Sau đó quốc lộ 55 gặp quốc lộ 1A tại xã Tân Nghĩa(33).

Chú Thích:

 
(1) Sông La Ngà chảy từ cao nguyên Di Linh xuống hồ Biển Lạc.
(2) Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào là anh ruột của quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
(3) Có nơi viết là Tiết.
(4) Phía hữu ngạn có những xã Đức Thắng, Thành Đức, Nhuận Đức, Nam Nghĩa, Lạc Đạo, và Tú Long. Phía tả ngạn gồm những xã Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Đảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hòa, An Hải, và Sơn Thủy.
(5) Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Tín, và Quảng Ngãi.
(6) Bốn lần cúng vía chính tại Vạn Thủy Tú gồm “Tế Xuân” vào ngày 20 tháng 2 âm lịch, “Hạ Nghệ” vào ngày 20 tháng 4 âm lịch, “Tế Thu” vào ngày 20 tháng 7 âm lịch, và “Mãn Mùa” vào ngày 25 tháng 8 âm lịch.
(7) Thôn Phú Mỹ là một trong 9 thôn trên đảo Phú Quí. Đảo nầy cách xa bờ biển Bình Thuận khoảng 100 cây số.
(8) Yoni tượng trưng cho âm trong Ấn giáo.
(9) Linga tượng trưng cho dương theo Ấn giáo.
(10) Có lẽ là công nữ Ngọc Khoa, con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
(11) Giáp với vùng Ninh Thuận.
(12) Giáp với vùng Bà Rịa-Vũng Tàu.
(13) Nay chỉ còn lại phế tích ngôi đền mà thôi.
(14) Những đồi cát Mũi Né ngày nay nằm trong địa phận các thôn 2, thôn 2 và thôn Long Sơn, cư dân ở đây chuyên nghề làm nước mắm. Khu vực nằm chen vào giữa phía nam là bờ biển và phía bắc là rừng. Trên một tổng diện tích khoảng 10 cây số vuông có trên năm hoặc sáu chục đồi cát nhỏ.
(15) Theo một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, để chụp được những tuyệt phẩm về sắc màu và hình dáng của những đồi cát nầy, người ta phải hết sức kiên nhẫn chờ đợi ánh sáng cũng như sự thay đổi sắc màu của thiên nhiên trong ngày.
(16) Nguyễn Ánh đã có lần đến viếng ngôi chùa nầy vào năm 1795.
(17) Có sách nói ngôi tháp Pô-Sha-Nư được người Champa theo đạo Bà La Môn xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ thứ X, với mục đích là thờ thần Siva, vị thần rất được người Champa sùng bái. Đây là một trong ba vị thần sáng tạo trong đạo Bà La Môn.
(18) Từ khoảng năm 1900 đến 2010.
(19) Ở những xóm ven biển hay những ‘vạn’ trong vùng Bình Thuận thuở xưa, người ta thường lập những đền thờ ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’, tức là nơi thờ bộ xương cá ông. ‘Vạn’là hình thức của đơn vị hành chánh tại miền Trung như ở vùng Bình Thuận, mà miền Nam gọi là ‘mạn’. ‘Vạn’ hay ‘mạn’ là đơn vị hành chánh được thiết lập tại các vùng hãy còn hoang vu, dân cư rất thưa thớt.
(20) Có lẽ từ hơn 300 năm trước đây, ‘Khe Gà’ là tên mà người xưa đã đặt cho mũi đá nầy vì từ xa khe đá nầy trông giống như hình một con gà.
(21) Ngọn hải đăng được người Pháp khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1897 và hoàn thành vào cuối năm 1898, và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1900.
(22) Hòn Bà nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 70 cây số về hướng đông nam.
(23) Theo Vũ Hữu San trong “Địa Lý Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa”, NXB Hương Quê, California, USA, 1994, tr. 67-68. Trong các hải đồ ngày nay, tại hai vị trí 100 10’ vĩ tuyến bắc-1090 00’ kinh tuyến đông, và 100 08’ vĩ tuyến bắc-1090 01’ kinh tuyến đông, sở Thủy Đạo Hoa Kỳ đã ghi chú “núi lửa hoạt động 97 ft - 1923” và “núi lửa hoạt động 1 ft - 1923”.
(24) Dân miền biển Việt Nam rất tôn kính cá “Ông” nên họ không dám dùng chữ chết, mà dùng chữ lụy.
(25) Cù lao Cau cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 cây số đường chim bay về hướng đông bắc.
(26) Chim cánh cụt là loại chim rất đặc sắc của xứ Úc Đại Lợi.
(27) Từ Nam lên Bắc, quốc lộ 1 chạy qua các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong.
(28) Từ mũi Đá Chẹt đến bãi bồi Bình Châu của vùng Bà Rịa Vũng Tàu.
(29) Có thể nói Phan Thiết là một trong những tỉnh miền duyên hải Việt Nam có số ghe chài rất đông. Riêng trên sông Phan Thiết, người ta có thể thấy quá nhiều ghe, những ghe nầy gần như neo kín cả sông. Ngày nay, ngư dân từ các vùng Bình Thuận ra đến Quảng Ngãi mỗi khi ra khơi, mặc dầu vẫn còn trong lãnh hải 200 hải lý theo đúng quy định về luật biển của Liên Hiệp Quốc, vẫn bị cái gọi là ‘Tàu Lạ’ bức hiếp; lắm khi cái gọi là ‘Tàu Lạ’ còn cướp giựt ngư dân Việt Nam không khác chi bọn hải tặc. Đặc biệt, rõ ràng những tàu nầy lại mang cờ Trung Quốc và đâm chìm tàu ngư phủ Việt Nam hay cắt dây cáp của những tàu thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam, thế nhưng những người có trách nhiệm vẫn co đầu rút cổ chỉ một bề nói là ‘Tàu Lạ’ chứ không dám nêu đích danh bọn cướp biển, đã cướp giựt và làm tiền ngư dân cũng như xâm phạm lãnh hải Việt Nam một cách trắng trợn. Ngày nay, hai chữ ‘Tàu Lạ’ đã trở thành ‘Không Lạ’ chút nào với những người Việt hải ngoại. Chỉ có những con người không còn chút lòng nào với đất nước mới không dám nói thẳng đó là tàu của bọn Bắc phương hiếu chiến, luôn chực chờ nuốt trửng đất nước và đồng hóa dân tộc Việt Nam.
(30) Cá đuối ó có hình thù như con chim.
(31) Bắc Bình, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý, Tánh Linh và Tuy Phong.
(32) Nơi đã từng nổi tiếng với nhiều hãng nước mắm, đặc biệt là hãng Nước Mắm Liên Hương.
(33) Tại ngã ba Hàm Tân.
--------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét