Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Từ Đất Mô Xoài Đến Bà Rịa-Vũng Tàu Phần 2


Vũng Tàu Là Điểm Đến Đầu Tiên Của Lưu Dân Việt Nam Trên Vùng Đất Phương Nam:

Rất nhiều người Việt Nam, nhứt là những người miền Nam, khi nói đến Nam Kỳ Lục Tỉnh, thường nghĩ ngay đến Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, chứ ít nghĩ đến một dãy đất nằm về phía Đông Sài Gòn, bên kia cửa biển Cần Giờ, đó là vùng đất mà ngày nay chúng ta gọi là Bà Rịa-Vũng Tàu. Vùng đất nầy có tên là Mô Xoài khi cha anh chúng ta mới đặt chân vào đất phương Nam. Mô Xoài có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, vì nó là điểm đến đầu tiên của lưu dân Việt Nam trên vùng đất phương Nam. Năm 939, dưới thời nhà Ngô thì vùng biên trấn của Đại Việt là vùng Thanh Hóa. Đến năm 1069, vùng biên trấn xuống đến Quảng Bình và Quảng Trị. Năm 1307, sau khi nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được thêm hai châu Ô-Lý, mở rộng đến Thừa Thiên. Năm 1425, đến Thuận Hóa. Năm 1471 đến Qui Nhơn. Năm 1611 đến Phú Yên. Năm 1653 đến Nha Trang. Đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1679, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Đến năm 1698, một biến cố lịch sử quan trọng đã xảy ra khi chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm quan kinh lược tại vùng Mô Xoài Bà Rịa. Đây là lần đầu tiên xứ Đàng Trong thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Năm 1698 cũng là năm vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của xứ Đàng Trong. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam(6). Hoàng hậu Sam Đát, tức công nữ Ngọc Vạn, đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei, tức hai vùng Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay. Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa và Phiên Trấn Gia Định về sau nầy.

Bờ Biển Của Vùng Đất Mô Xoài:

Bà Rịa Vũng Tàu có bờ biển chạy dài hơn 100 cây số. Theo quốc lộ 56 thì Bà Rịa cách Sài Gòn khoảng 120 cây số. Bà Rịa là một vùng có đồi núi, có biển mà cũng có cả đồng bằng. Về vị trí, phía bắc giáp Biên Hòa, phía nam Bà Rịa nối tiếp với Vũng Tàu và giáp với biển Đông, phía tây của Bà Rịa giáp vịnh Gành Rái (Cần Giờ), phía đông giáp tỉnh Bình Thuận. Diện tích toàn tỉnh khoảng 2.350 cây số vuông. Tuy giáp biển Đông, nhưng Bà Rịa là vùng đất cuối cùng của cao nguyên Trung Phần nên đất đai cũng khá cao, có đường bộ đi Biên Hòa (71 cây số), tuyến Bà Rịa, Biên Hòa Sài Gòn dài hơn 100 cây số, Bà Rịa Vũng Tàu dài khoảng 23 cây số. Về phía bắc của Bà Rịa là một vành đai đất đỏ với những cánh rừng cao su và những khu rừng gỗ quí, nhưng về phía nam là vùng đất nền mặn được phủ lên một lớp phù sa mỏng nên không thuận tiện cho việc trồng lúa nước, chỉ có những mảng nhỏ ruộng lúa mà thôi. Dọc theo bờ biển là những đồi cát hay dãy cát chạy vòng theo bờ. Bà Rịa cũng có nhiều ruộng muối, tuy nhiên, muối Bà Rịa không tốt bằng muối vùng Bạc Liêu. Bờ biển Bà Rịa dài trên 100 cây số, trong đó có trên 70 cây số là bờ cát trắng rất đẹp. Thềm biển Bà Rịa tiếp giáp với quần đảo Trường Sa nên chạy dài từ bờ ra đến tận quần đảo hãy còn vô số khu vực dầu lửa chưa được khai thác. Về phía cực nam, bờ biển Vũng Tàu không còn những bãi cát vàng như phía bắc nữa, mà là những bãi cát pha bùn nhiều hơn, nhất là tại vùng phía cửa biển Cần Giờ. Theo các bậc kỳ lão trong vùng, ngày xưa làng Long Thạnh bên Vũng Tàu, tức Chợ Bến vẫn dính liền với làng Long Thạnh bên cửa Cần Giờ, chính vì vậy mà cả hai nơi đều có tên Long Thạnh. Tuy nhiên, theo dòng thời gian những dòng nước cũng như sự thay đổi của đất bồi đất lở khiến cửa biển Cần Giờ ngày một lớn thấy rõ, và ngày nay hai làng ấy cách nhau xa lắc xa lơ. Cũng theo các bô lão địa phương, nửa thế kỷ trước gà gáy bên phía Cần Giờ bên Vũng Tàu còn nghe được, nhưng bây giờ thì không còn nghe gì cả. Hiện tại thì cả hai làng Long Thạnh nầy đều có hai ngôi đình mang cùng tên đình Long Thạnh, nhưng chỉ có đình Long Thạnh bên Chợ Bến được cất giữ sắc thần mà thôi.

Lịch Sử Vùng Đất Mô Xoài:

So với Bà Rịa, thì Vũng Tàu là vùng đất mới được phát triển về sau nầy, có lẽ chỉ trước thời Pháp thuộc không lâu. Khi các chiến thuyền của người Pháp tiến vào cửa Soài Rạp để vào đánh thành Gia Định, họ đã phát hiện ra một mũi đá tuyệt đẹp mà về sau nầy họ đặt tên là Cap Saint Jacque. Mãi đến sau năm 1620, khi Miên vương Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn thì người Việt mới đổ xô đến vùng nầy nhiều hơn. Có thể nói thời kỳ công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Oudong là thời kỳ mở đầu cho mở rộng lãnh thổ về vùng Thủy Chân Lạp của xứ Đàng Trong. Ngày đó hình như định mệnh lịch sử xuôi khiến nên kể từ sau cuộc hôn nhân “Chey Chetta II-Ngọc Vạn”, nội tình của Chân Lạp luôn rối ren nên họ luôn cần đến sự trợ giúp của quân đội xứ Đàng Trong. Cứ mỗi lần quân chúa Nguyễn lên Miên làm một cái gì đó giúp vua Chân Lạp thì liền sau đó triều đình xứ Đàng Trong được đền ơn đáp nghĩa bằng một số đất hoang ở vùng Thủy Chân Lạp.
Năm 1623, Miên vương Chey Chetta II cho phép xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor, tức là vùng Chợ Lớn ngày nay, và tại Kas Krobei, tức vùng Bến Nghé (Sài Gòn ngày nay). Đây là những vùng dừng bước nghỉ ngơi của thương nhân khi qua lại các vùng Thủy Chân Lạp và Oudong. Từ sau khi nhà Nguyễn lập các đồn thu thuế nầy thì các vùng Mô Xoài, Prei Nokor và Kas Krobei biến thành những vùng trù phú phồn thịnh, hơn hẳn các vùng khác.
Năm 1658, triều đình Chân Lạp có nội biến, theo lời yêu cầu của thái hậu Sam Đát(7), chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai quan Khâm Mạng Trấn Biên dinh Phú Yên là Tôn Thất Yến đem 3.000 quân qua giúp bắt Miên vương là Nặc Ông Chân đem về Quảng Bình. Kể từ đó người Chân Lạp khâm phục oai đức của xứ Đàng Trong mà nhường đứt phần đất Mô Xoài cho chúa Nguyễn. Nghĩa là toàn vùng Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay chính thức trực thuộc lãnh thổ Việt Nam vào năm 1658.
Đầu năm 1698, chúa Nguyễn sai Cai Cơ Thủy quân Nguyễn hữu Khánh và Nguyễn cửu Vân đem quân vào trấn giữ các cửa biển trong Nam trước khi chúa cử quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam. Cũng cùng năm 1698, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược. Lúc nầy đất Mô Xoài nằm trong huyện Phước Long. Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Mô Xoài là vùng đầu địa giới thuộc trấn Biên Hòa, là đất danh tiếng, cho nên các phủ ở miền Bắc có ngạn ngữ rằng ‘Cơm Nai, Rịa; cá Rí, Rang’. Đất ấy lưng dựa núi, mặt nhìn biển, rừng rậm tre dài, ở trên có trường tuần để vời gọi người Man Mạch đến đổi chác, ở dưới có cửa bến, để xét hỏi ghe thuyền ra biển, trạm thủy, trạm bộ giao tiếp nhau, việc cung nộp lâm sản chống trị người Đê, người Mọi, bắt bớ giặc cướp, thì có huyện nha đạo thủ chia nhau làm việc, vốn là nơi bận rộn khó nhọc bậc nhất. Có nhiều cửa quan hiểm yếu, có thành trì xưa di chỉ hãy còn, như là quốc đô của vua nào vậy. Xét Bà Rịa là đất Lục Chân Lạp xưa.”
Năm 1788, Nguyễn Ánh sai đặt ‘hỏa đài’(8) tại các đồn binh biên phòng vùng biển, tại các cửa biển Đồng Tranh, Cần Giờ và Vũng Tàu. Nguyễn Ánh lại cử Nguyễn văn Trương đem thủy quân tuần tiểu các cửa biển trong Nam, kể cả vùng Vũng Tàu.
Tháng 4 năm 1790, Nguyễn Ánh cử Cai Cơ Cao văn Lưu giữ đạo Đồng Môn, cai cơ Đặng văn Trưng giữ đạo Tắc Khái, cai cơ Vũ văn Kế giữ thượng đạo Hưng Phước, cai cơ Đỗ văn Thịnh giữ 2 đạo Lý Lê và Xích Lam, và cai cơ Tạ văn Nhuệ giữ đạo Vũng Tàu. Như vậy, ngay từ thời các chúa Nguyễn, các ngài đã thấy được tầm quan trọng của vùng biển Vũng Tàu và các vùng phụ cận trên đất liền. Tháng 6 năm 1790, Nguyễn Ánh ban lệnh miễn sưu dịch cho thuộc binh các đạo tại vùng nầy, trong đó có thuộc binh của Đạo Thủ Vũng Tàu-Gành Rái, gồm thuộc binh thuyền Thắng Nhất, Thắng Nhì, và Thắng Tam. Đến năm 1796, Nguyễn Ánh sai Nguyễn văn Đức quản đạo Cần Giờ, kiêm hai đạo Vũng Tàu và Đồng Tranh.
Đại Nam Nhất Thống Chí không ghi rõ lịch sử thành lập vùng đất Bà Rịa Phước Tuy, tuy nhiên những tài liệu lịch sử Nam Triều có ghi về sự thành lập ba làng Tam Thắng ở Vũng Tàu(9). Và ngay trước khi 2 phủ Phước Long và Gia Định được thành lập, nghĩa là vào khoảng thế kỷ thứ XVII, các chúa Nguyễn đã khuyến khích những cư dân nghèo khổ của vùng Ngũ Quảng vào khai khẩn và lập nghiệp trên đất Bà Rịa. Cũng nhờ vậy mà khi chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Gia Định vào năm 1698, người Việt đã có sẵn tại vùng Bà Rịa, rồi từ đó họ phát triển dần dần về phía Đồng Nai và Gia Định. Để rồi không đầy 50 năm sau, chính những lưu dân Ngũ Quảng tại Bà Rịa đã cùng với người Hoa và người Khmer hoàn thành công cuộc phát triển vùng đất Đồng Nai và Gia Định, làm bàn đạp vững chắc cho cuộc Nam Tiến vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi Nguyễn Ánh đã lấy lại giang sơn trong tay ấu chúa Tây Sơn, ông bèn ngoảnh mặt quay lưng với vùng đất đã từng cưu mang ông trong thời bôn tẩu. Chẳng những Nguyễn Ánh không ban một đặc ân nào cho vùng đất phương Nam, mà ông còn không cho xây thành đắp lũy phòng thủ ở những nơi quan yếu. Rồi những ông vua con cháu của ông lại cũng nối tiếp như vậy. Chính vì dòm thấy sự phòng thủ lỏng lẻo ấy trong Nam mà về sau này Pháp tấn công và xâm chiếm Nam Kỳ một cách dễ dàng. Ngay cả trước thời Pháp lấn chiếm Việt Nam, bọn hải khấu Mã Lai thường hay đến quấy phá ở cửa biển Cần Giờ. Trong những năm cuối đời Gia Long, ông cứ để mặc cho hải tặc Mã Lai tung hoành ở vùng biển phương Nam.
Mãi đến năm 1822, đầu đời Minh Mạng, nhà vua mới phái ba viên đội trưởng vào vùng biển Bà Rịa để tiễu trừ bọn cướp. Sau khi chiến thắng bọn cướp, các ông đội trưởng Phạm văn Dinh, Lê văn Lộc và Ngô văn Huyền được lệnh vua khai khẩn đất đai vùng này và lập nên ba làng mà bây giờ người ta gọi là làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Hiện tại Đình Thần Thắng Tam vẫn còn tại thị xã Vũng Tàu. Đình được xây dựng vào năm 1820, thờ chung ba vị có công trong công cuộc khai mở đất Vũng Tàu là Phạm văn Dinh, Lê văn Lộc và Ngô văn Huyền. Bên trái đình Thắng Tam là Miếu Bà, được xây vào cuối thế kỷ thứ XIX. Bên phải đình Thắng Tam là Lăng Cá Ông (cá Voi), cũng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Hiện trong lăng hãy còn hai bộ xương cá Ông lớn, một bộ khổng lồ được ngư dân vớt cách nay trên 100 năm, còn bộ Thần Cá Ông, được vớt sau đó 40 năm dài 12 mét, ngang 1.5 mét.
Năm 1824, vua Minh Mạng đổi tên các thủ như sau: thủ Hưng Phước đổi thành thủ Long An; thủ Vũng Tàu đổi thành thủ Phước Thắng; thủ Tắc Khái đổi thành thủ Long Hưng. Năm 1834, vua Minh Mạng cho đặt 2 đội tuần hải ở vùng biển Vũng Tàu, lấy quân ở 3 thuyền thuộc thủ sở Phước Thắng (Vũng Tàu) 50 người để lập Đội Nhứt; lấy 50 người thuộc thủ sở Long Hưng (Tắc Khái) làm Đội Nhị. Mỗi đội đặt một Suất Đội chỉ huy. Năm 1839, vua Minh Mạng cho xây đắp pháo đài tại cửa biển Phước Thắng để trấn giữ cửa biển cần Giờ. Pháo đài hình tròn được xây ở ghềnh đá bên Gành Rái; trong pháo đài có đặt 6 cổ súng Hồng, 2 cổ Phách Sơn, và 1 cổ Quá Sơn; mỗi cổ pháo được cấp 100 phát đạn. Như vậy, những điều được truyền khẩu trong dân gian có khác đôi chút với những sắc chỉ được các vua chúa nhà Nguyễn ban ra. Như chuyện các ông đội trưởng Phạm văn Dinh, Lê văn Lộc và Ngô văn Huyền được lệnh vua khai khẩn đất đai vùng này và lập nên ba làng mà bây giờ người ta gọi là làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam có phần hơi khác với sử liệu, nhưng hiện nay Đình Thần Thắng Tam vẫn còn đó tại thị xã Vũng Tàu. Điều nầy có nghĩa là những lời truyền khẩu cũng không phải hoàn toàn hoang đường.
Năm 1846, vua Thiệu Trị ban sắc phong cho Thần cá Ông ở đây làm “Nam Hải Đại Tướng Quân.” Dưới thời vua Minh Mạng, đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, đất Mô Xoài là phủ Phước Tuy, thuộc tỉnh Biên Hòa, gồm các huyện Phước An(10), huyện Long Thành và huyện Long Khánh.
Năm 1858, vua Tự Đức ra lệnh cho dân địa phương xây đắp bờ cát núi Phước Thắng, phối hợp với pháo đài trên núi để đánh Pháp. Năm 1859, thực dân Pháp trên đường đánh chiếm Gia Định đã nã những phát đại bác đầu tiên vào pháo đài Phước Thắng, và kế đó chúng tấn công các đồn các tấn bảo vệ của quân ta trên đường vào sông Sài Gòn. Lúc đó Thống Chế Trần Đồng chỉ huy quân ta chống trả mãnh liệt khiến cả tàu Dragonne và Avalanche của giặc đều bị trúng đạn đại bác của ta. Tuy nhiên, mãnh hổ nan địch quần hồ, quân ta với vũ khí thô sơ đã không chống nổi với khí giới tối tân của giặc, kết quả là chẳng bao lâu sau đó cả miền Nam rơi vào tay giặc, rồi cũng chẳng bao lâu sau đó toàn cõi Việt Nam rơi vào tay giặc, nhân dân Việt Nam đã phải làm trâu cày ngựa cỡi cho thực dân Pháp trong suốt gần một thế kỷ. Sau khi chiếm Nam Kỳ, Bà Rịa là một trong số 20 tỉnh ở Nam Kỳ. Lúc nầy Bà Rịa gồm 5 tổng của người Kinh là An Phú Hạ, An Phú Tân, An Phú Thượng, Phước Hưng Hạ, và Phước Hưng Thượng; và 2 tổng của người Thượng là Cơ Trạch và Nhơn Xương. Đến năm 1959, tỉnh Bà Rịa được đổi thành tỉnh Phước Tuy.

-----------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét