Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

Từ Đất Mô Xoài Đến Bà Rịa-Vũng Tàu Phần 3


Cư Dân Cổ Và Mới Tại Vùng Bà Rịa-Vũng Tàu:
 
Trước khi người Việt đến vùng Mô Xoài thì vùng nầy hãy còn là một khu rừng rậm hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, vùng Mô Xoài là nơi cư trú của các bộ tộc Mạ mà hiện giờ có khoảng từ 20 đến 25 ngàn người sống rải rác trong các vùng rừng núi miền tây bắc Nam Phần. Cư dân thuộc bộ tộc người Mạ là một cộng đồng cư dân cổ xưa nhất tại đây, họ nói tiếng có nguồn gốc Mã Lai. Địa bàn sinh sống của họ là vùng Mô Xoài và Đồng Nai. Về văn hóa, vùng Bà Rịa-Vũng Tàu có quan hệ với truyền thống văn hóa vùng lưu vực sông Đồng Nai. Cách nay khoảng trên 3.000 năm, cư dân từ các vùng cao nguyên Nam Trung Phần đã mở rộng vùng cư trú xuống các vùng thấp ở phía Nam như Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, vân vân. Mặc dầu Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những vùng có rất ít di tích khảo cổ nhất tại miền Nam, và mãi cho đến ngày nay người ta chưa phát hiện dấu tích của con người và những di vật vào những thời đá cũ đến hậu đá mới; tuy nhiên, trong khoảng hơn một thế kỷ trở lại đây, nhiều nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều dấu tích về thời kỳ đồ sắt mới trong vùng nầy. Thoạt tiên, vào đầu thế kỷ thứ 20, các nhà khảo cổ học người Pháp thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đã đạt được một số thành tựu đáng kể về dấu tích của những cư dân cổ trong vùng Vũng Tàu-Bà Rịa vào thời đồ sắt mới. Sau khi chiến tranh Nam-Bắc kết thúc vào năm 1975, nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục những hoạt động khai quật khảo cổ tại vùng nầy. Những di vật khảo cổ tại Bưng Bạc, Bưng Thơm, gò Cá Sỏi và nhiều gò nằm ven bờ đông sông Thị Vải cũng như tại vùng Long Sơn cho thấy cách nay khoảng 3 ngàn năm, vào cuối thời kỳ đồ đồng đầu thời kỳ đồ sắt, một số các bộ tộc vùng Tây Nguyên đã rời bỏ núi rừng, xuôi dòng sông Đồng Nai đi lần đến miền duyên hải tại các vùng ven sông giữa hai con sông Cả và sông Thị Vải trong vùng Long Thành ngày nay. Sau đó họ men theo dòng Thị Vải đi đến gần biển và định cư tại các gò cao trong các vùng Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Ông Trịnh, và Phước Hòa, Bưng Bạc, Bưng Thơm, vân vân. Trong khi đó, một số nhỏ khác phiêu lưu xa hơn đến quần đảo Côn Sơn ngày nay. Đến khi vương vương quốc Phù Nam xác định chủ quyền của vương quốc mình trong vùng nầy thì cư dân trong vùng Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát triển khá cao. Vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, vùng nầy đã trở thành vùng tranh chấp giữa vương quốc Phù Nam và các bộ tộc tiền thân của vương quốc Lâm Ấp(11) sau nầy.

Riêng tại các vùng Bưng Bạc và Bưng Thơm(12), người ta đã tìm thấy rất nhiều những di vật tiêu biểu cho sự hiện diện của các cư dân trong buổi đầu của thời kỳ đồ sắt. Các nhà khảo cổ đã khai quật trên một diện tích khoảng 907 mét vuông và đã tìm thấy rất nhiều những hiện vật bằng kim loại, đồ đá, đồ gốm, và ngay cả đồ gỗ, đặc biệt là những khuôn đúc đồ trang sức, đồ gốm... có chung truyền thống văn hóa với lưu vực sông Đồng Nai. Điều nầy xác định sự hiện diện của cư dân cổ trong giai đoạn đầu của thời kỳ đồ sắt. Ngày nay các nhà khảo cổ học có thể phác họa lại bức tranh sinh hoạt của những cư dân cổ trong vùng nầy một cách khá rõ rệt. Cách nay hơn 3 ngàn năm thì ngoài một số gò cao và những cánh đồng nước ngọt giữa sông Cả và sông Thị Vải, đa số các vùng ven hai bên bờ sông Thị Vải đều là những đầm lầy, nên cư dân tại đây thường phải trú ngụ trong những ngôi nhà sàn và phương tiện di chuyển duy nhất của họ là những chiếc thuyền độc mộc(13). Có một số rất ít cư dân giữa hai vùng sông Cả và sông Thị Vải biết làm ruộng lúa nước ngọt, tuy nhiên, đa số vẫn sống bằng cách săn bắn và hái lượm hoa quả. Về thủ công nghệ, họ biết làm đồ trang sức bằng kim khí cũng như chế tạo đồ gốm sứ dùng trong gia dụng hàng ngày. Tại vùng Gò Cá Sỏi, người ta tìm thấy các khuôn đúc, những vòng tay bằng đá... Qua các di vật tìm thấy như bát đồng, bát sứ, nồi niêu bằng đất nung, vân vân, chúng ta thấy họ biết đúc đồng cũng như chế tạo những sản phẩm gốm sứ. Bên cạnh đó, những di vật bằng gỗ tìm được cũng cho thấy cư dân cổ tại đây có trình độ mỹ nghệ về nghề mộc khá cao. Đây là những cư dân đầu tiên khai phá vùng đất ngập mặn ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Họ thường sinh sống trên các gò cao giữa những khu rừng ngập mặn quanh năm và chịu ảnh hưởng sự lên xuống của thủy triều. Người ta đã tìm thấy một số lượng lớn những dấu tích của các đống vỏ sò vỏ ốc quanh gò, chứng tỏ đa số cư dân cổ tại đây sinh sống bằng nghề khai thác hải sản quanh bờ biển. Nói chung, các di tích tìm thấy tại Gò Cá Sỏi gần giống với những di vật tìm thấy tại vùng Cần Giờ. Trong khi đó cư dân tại các gò nằm ven sông Thị Vải và sông Cả thì sinh sống bằng rất nhiều nghề, họ vừa săn bắt, hái lượm, một số ít cũng biết làm ruộng. Tuy nhiên, về thủ công nghệ, họ không bì kịp với cư dân các vùng khác. Họ cũng biết chế tác đồ gốm, nhưng ở trình độ thấp, chỉ nắn đồ gốm bằng tay, chứ chưa biết làm những bàn xoay, nên sản phẩm gốm sứ của họ hãy còn rất thô. Về công cụ bằng đá, họ biết chế tạo chày đập và cối xay bằng đá rất thô sơ mà các nhà khảo cổ gọi là bàn nghiền. Riêng những cuộc khai quật khu mộ táng vào năm 2003 và năm 2005 tại Giồng Lớn thuộc vùng Long Sơn, người ta đã khai quật một khu mộ táng khá rộng(14), với tổng diện tích khoảng trên 1.000 mét vuông, nằm về phía Nam của Giồng Lớn. Kết quả cho thấy các di chỉ tại đây giống như những di chỉ tìm thấy tại Giồng Phệt bên phía Cần Giờ. Tại đây, cư dân cổ thường chôn người chết bằng vò hay chum lớn, với nhiều đồ trang sức được chôn theo và đa số những đồ trang sức nầy được làm bằng thủy tinh, đá quý hay bằng vàng. Hình thức mai táng chum mộ kiểu nầy thường được phổ biến tại những vùng chịu ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, tại vùng nội địa Bà Rịa-Vũng Tàu, người ta chưa phát hiện loại hình một chum nầy. Ngày trước, cư dân thường sống trên những cồn có nước ngọt ven biển. Họ thường co cụm tại những thung lũng hẹp, nhưng có thể sinh sống được để trồng trọt, săn bắn và đánh bắt cá ven bờ. Vào năm 2005, người ta tìm thấy trên Hòn Cau những tàn tích những vỏ ốc núi, và những xương thú, cùng với những công cụ như chày đập có niên đại vào khoảng trên dưới 2.500 năm, chứng tỏ cách nay trên 2 ngàn năm tại đây đã có cư dân cổ sinh sống.

Đến khoảng thế kỷ thứ XVI, các chúa Nguyễn đã khuyến khích những cư dân nghèo khổ của vùng Ngũ Quảng vào khai khẩn và lập nghiệp trên đất Bà Rịa. Thoạt tiên, những lưu dân Việt Nam chỉ đến đây lẻ tẻ, hoặc họ là những người nghèo khổ ở vùng Thuận Quảng, hoặc họ là những người tù biệt xứ trốn chạy đến vùng đất nầy, hoặc được triều đình cho phép đến đây khai khẩn đất đai. Kịp đến năm 1620 khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên là Chey Chetta II, công nữ Ngọc Vạn đã đem theo với phái đoàn đưa dâu của mình rất nhiều người Việt. Khoảng năm 1621, khi quân Xiêm La xâm lấn Chân Lạp, chúa Nguyễn đã trợ giúp chi Miên vương cả vũ khí, chiến thuyền cũng như binh lính để đánh thắng quân Xiêm. Để đổi lại, vua Cao Miên rất dễ dãi trong việc cho phép lưu dân Việt Nam đến sinh sống tại vùng Thủy Chân Lạp. Năm 1623, sau khi chúa Nguyễn cho lập hai đồn thu thuế ở hai vùng Kas Krobei và Prei Nokor, tức Sài Gòn và Chợ Lớn ngày nay, thì càng ngày cư dân Việt Nam càng đến đây đông hơn. Càng về sau nầy nhờ những luật lệ khai khẩn dễ dãi nên càng có nhiều người Việt đổ xô vào đây lập nghiệp. Đến năm 1698, một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng về mặt chủ quyền đối với vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ(15), đó là việc chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Gia Định. Lúc đó đã có rất nhiều người Việt tại vùng Bà Rịa, nhưng khi xứ Đàng Trong sắp đặt bô máy hành chánh thì người Việt tại vùng nầy bắt đầu di chuyển dần dần về phía Đồng Nai và Gia Định. Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì người Mạ bắt đầu rút sâu vào rừng núi nhường đất nầy cho lưu dân Việt Nam. Đến giữa thế kỷ thứ XVII, người ta còn tìm thấy người Mạ, mà người Việt chúng ta thường gọi họ là Mọi Bà Rịa. Họ sinh sống tại các vùng rừng núi giữa Biên Hòa, Bà Rịa và Long Khánh. Để rồi không đầy 50 năm sau, chính những lưu dân Ngũ Quảng tại Bà Rịa đã cùng với người Hoa và người Khmer hoàn thành công cuộc phát triển vùng đất Đồng Nai và Gia Định, làm bàn đạp vững chắc cho cuộc Nam Tiến vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam.

Bà Rịa-Vũng Tàu Thời Pháp Thuộc:

Năm 1857, quân đội Pháp sau nhiều lần tấn công Đà Nẵng và miền Trung đều thất bại, nên chúng đã kéo quân từ miền Trung vào Nam, đã đổ bộ tại Vũng Tàu, một vùng đất xa xôi triều đình và rất lỏng lẻo về mặt phòng thủ. Tưởng cũng nên nhắc lại, sau cuộc chiến dai dẵng ở Đà Nẵng mà không thu được kết quả nào trong khi họ thấy sự phòng thủ ở các tỉnh phía Nam rất lỏng lẻo, nên vào ngày 9 tháng 2 năm 1859, Pháp đã chuyển hướng kéo đại quân vào Nam để tấn công Vũng Tàu. Đô Đốc Rigault de Genouilly đã dàn trận tại vùng Bãi Trước. Sau khi đổ bộ lên đây người Pháp tưởng là vùng đất này chưa được ai khai phá và chưa có địa danh nên họ lấy tên ông Thánh Jacque mà đặt tên cho mũi Vũng Tàu, nên người ta còn gọi là Cap Saint Jacque, hay gọi theo tiếng Việt Nam là Ô Cấp. Từ đó về sau nầy, các hải đồ của các quốc gia Âu châu đều lấy tên là Cap Saint Jacques để gọi mũi đất Vũng Tàu ngày nay. Vũng Tàu mà thất thủ cũng đồng nghĩa với thành Gia Định thất thủ. Thật vậy, sau hai ngày kịch chiến tại pháo đài Phước Thắng, thực dân Pháp đã hạ đồn nầy một cách khó khăn. Sau đó họ theo đường thủy kéo quân vào đánh chiếm thành Gia Định. Năm 1895, người Pháp tách Vũng Tàu ra khỏi tỉnh Bà Rịa và đặt một viên quan Tham Biện người Pháp cai trị. Thuở đó Vũng Tàu gồm có hai quận là Châu Thành(16) và quận Cần Giờ(17).
Sau khi đã xâm chiếm toàn bộ miền Nam, Đô Đốc Rigault de Genouilly thấy vùng Bãi Trước Vũng Tàu quả là một điểm trọng yếu nên ông ta đề nghị với chánh quyền Pháp biến nơi nầy thành một tiền cảng và căn cứ quân sự làm hậu cứ cho cuộc viễn chinh thuộc địa chẳng những ở Việt Nam, mà còn khắp vùng Đông Nam Á. Đầu tiên họ cho xây dựng một pháo đài với những khẩu đại pháo cỡ từ 140 li đến 300 li, được bố trí trên các cao điểm của núi Lớn và núi Nhỏ. Năm 1890, người Pháp đã bắt đầu cho xây dựng tại Bãi Trước một tiền cảng(18) với quy mô rộng lớn, làm nơi trú đậu an toàn cho tất cả tàu bè quân sự của Pháp tại vùng Nam Á. Tuy nhiên, trong lúc đó nhiều cuộc kháng chiến đã khởi dậy tại khắp nơi, nên người Pháp phải dồn hết nỗ lực cho chiến tranh. Vì thế mà mãi đến năm 1896 dự án tiền cảng Bãi Trước mới thật sự bắt đầu. Trước tiên, họ cho xây dựng một con đê dài khoảng 400 mét, chạy dài từ mũi phía bắc núi Nhỏ ra đến cửa biển, chân đê rộng khoảng 15 mét, tất cả đều được kè đá hai bên và đổ bê tông cốt sắt, ôm trọn vịnh Hàng Dừa, tức Bãi Trước ngày nay. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất công trình, chẳng những không thu được kết quả, mà con đê dài gần nửa cây số đã trở thành con đập chắn làm nơi lắng đọng phù sa. Rồi sau đó trận bão năm Giáp Thìn năm 1904 đã làm hư hại hoàn toàn cầu tàu tiền cảng (sau nầy người dân ở đây gọi là cầu Đá). Sau cơn bão năm Thìn, người Pháp không tu sửa lại tiền cảng, có lẽ vì không thấy lợi ích từ tiền cảng nầy. Rồi sau đó, khi đã ổn định xong nền cai trị trên toàn cõi Việt Nam, thì Vũng Tàu được thực dân Pháp biến thành nơi an dưỡng và nghỉ mát cho quân đội viễn chinh Pháp.
----------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét