Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Dị Bản Khai Xuân Thạch Khúc (Văn-Biên Khảo)



Theo nhà Biên khảo Trần Từ Mai dựa vào bản thảo (bên dưới) thì chữ thứ 4 trong tựa bài thơ là chữ Vấn,  chữ thứ 5 câu 1 là Nguyệt và chữ thứ 2 câu 6 là chữ TẢ (có nghĩa là viết ). Đó là những khác biệt với bản phiên âm Hán Việt có tựa: KHAI XUÂN THẠCH KHÚC
     Cùng một bài thơ nhưng lại có hai bản Hán Tự có vài chữ khác nhau. Một là bản KHAI XUÂN THẠCH KHÚC, thứ hai là bản bên dưới. Từ nguyên do đó, Quên Đi xin giới thiệu nơi đây để mọi người cùng tham khảo .     
                                                                      
    
KHAI XUÂN THẠCH VẤN - Vũ Hoàng Chương
  

alt
      alt
      
Tường vân mãn tọa, nguyệt bôi minh
Hi chúc xuân khai dạ bán quỳnh
Đông liễu tây đào song tận mỹ
Tần tang Yên thảo nhất hồi thanh
Tẫn giao cố quốc hoài kim phấn
Tự tả cuồng ngôn xuất thạch bình
Đồi ngoạ dữ sa trường túy ngoạ 
Cổ lai thùy dã chiếm cao danh 
      Vấn 問 : Sau khi đọc xong cả tám câu thơ, chúng ta có thể yên tâm hơn để về với nhan đề: Xuân Khai Thạch Vấn. Ba chữ đầu tương đối rõ: Khai xuân thạch … Chữ thứ tư rất khó đọc vì ông viết theo lối thảo. Nhận thấy cũng thuộc bộ “môn” với chữ “khai” ở trên và có chữ “khẩu” bên trong, giáo sư Đặng (GS Lê Văn Đặng) suy ra chữ “vấn” và chúng tôi đồng ý. Nhan đề bài thơ nhiều phần là “Khai xuân thạch vấn” (Xuân sang đá hỏi). Đây là câu hỏi “Ai cao danh hơn” nhắc tới trong hai câu 7-8. “Thạch vấn” còn có nghĩa là câu hỏi không thành tiếng, hỏi nhưng không thể thốt nên lời (tương tự “thạch nữ,” người con gái không thể sinh đẻ, hay “thạch điền,” ruộng không thể cày cấy). Tóm lại, đầu năm 1975, Vũ Hoàng Chương đã mượn một bài thơ đăng báo Xuân để đề cập tới cuộc chiến giữa người Việt trên quê hương, thảm họa đã khiến, và đang khiến, nhiều thanh niên Việt Nam đi không ngày trở lại. Tuy phải làm thơ cho báo Xuân, ông có một câu hỏi cay đắng không thể thốt nên lời.
(hocxa.com)

DỊCH NGHĨA : Xuân Sang
Đá Hỏi

Mây lành bao phủ chỗ ngồi, trăng chiếu sáng ly rượu
Vui mừng chúc xuân sang, sau nửa đêm, đêm đẹp như ngọc
Liễu ở hướng đông, đào ở hướng tây cả hai đều thật đẹp
Cây dâu ở xứ Tần và cỏ ở xứ Yên cùng một màu xanh
Dù vẫn còn nhớ đến hương sắc nơi đất nước cũ
Vẫn viết những lời cuồng ngông từ vách đá
Say nằm vất vưởng hay say nằm nơi chiến địa
Từ xưa đến nay có cái say nào được đề cao
 

BẢN DỊCH :

Rượu sáng trăng soi mây phủ kín
Chúc xuân đêm ngọc mọi điều lành
Tây đào đông liễu đều xinh đẹp
Yên cỏ Tần dâu một sắc xanh
Phấn hương nước cũ còn thương nhớ
Vách đá lời ngông được viết thành
Vất vưởng hay say nằm trận tuyến
Xưa nay đâu thể được so danh

                                  Quên Đi
 
Tất cả đều yên bình, đều hoàn mỹ ở 4 câu đầu chính là Quê hương, đất nước cũ của Tác giả. Nhưng nay còn đâu, khiến cho Tác giả cảm thấy nhớ nhung sinh ra bất mãn, chán nản. Người đã mượn rượu giải sầu đến say nằm vất vưởng. Để biện minh cho cái say của mình, Tác giả cho rằng say nghiêng say ngã hay say nằm ngoài chiến trường cũng như nhau, không có cái say nào hơn cái say nào. Từ xưa đến nay không có cái say nào được đề cao.

Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét