Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Cổ Học Tinh Hoa Tập 6




111. CÁI LẼ SỐNG CHẾT

Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?
Dương Tử nói: Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?
- Thế cầu sống lâu có nên không?
- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vua khổ xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?
Mạnh Tôn Dương nói: Nếu như thế thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhẩy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?
Dương Tử nói: Không phải thế. Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chêt, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?

Dương Tử

GIẢI NGHĨA

Dương Tử: người thời Chiến quốc, tên tự là Tử Cư, tôn chỉ học thuyết là: "Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự một mình cũng không làm, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình". Học thuyết ấy rất thịnh hành thời Chiến quốc và người đời bây giờ cho là học thuyết "Vị ngã".

LỜI BÀN

Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc lại có kẻ chán đời không muốn sống. Như thế đều lầm cả. Sự sống chết không phải tự mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống chết mà có ích gì! Thà rằng: tự lúc sống đến lúc chết, việc mình mình làm, ngoại giả phó mặc ở sự tự nhiên cho gọi là Số, là Mệnh, là Tạo hóa cũng không cần. Thói đời thường tình vẫn tham sống, sợ chết. Nhưng chết, vị tất đã là khổ hẳn. Mà sống, cũng không ai bảo là toàn sướng được! Như xưa có kẻ sống hơn trăm tuổi, ai chẳng cho sống lâu là quí, thế mà người ấy vẫn thường ca thán rằng: "Sống làm chi cho nhục!". Sống lâu vô ích cho đời mà chỉ trông nhiều cảnh tang thương thì có hay gì.

112. NÓI VỀ SỐNG CHẾT

 Người thì cho sống là sướng, chết là khổ, như thế là phái mến đời. Người lại cho rằng chết là sướng, sống là khổ, như thế là phái chán đời.
Cứ theo ý ta, thì ta tưởng ai tuy còn sống, thân thể khỏe mạnh mà ý chí suy đồi thì sống cũng như chết; ai thân thể tuy chết mà chí khí vẫn còn ở tâm não tai mắt người ta thì chết cũng như sống. Cho nên bậc quân tử đối với sự sống chết, không bằng ở phần xác có hay không, bằng ở phần hồn còn hay mất. Kẻ tiểu nhân thì không thể: đương lúc còn sống mê muội về tài lợi, nhọc nhằn về bôn tẩu, đến lúc người ta thóa mạ thì lại nói rằng:
"Đã sinh ra làm người, chẳng để được tiếng hay trăm đời, thì cũng để lại tiếng dở muôn năm". Than ôi! Kẻ nói như thế thì biết làm sao được cái lẽ sống chết!

Khuyết Danh

LỜI BÀN

Người ta tuy chia hai phần: xác thịt và linh hồn, nhưng hai phần thật có liên lạc với nhau là một, xác có khỏe hồn mới còn; hồn còn mạnh xác mới có giá. Vậy ta không bảo khinh hẳn một bên nào mà chỉ trọng một bên nào được. Nhưng bài này không chủ ý nói về tâm lý hay vệ sinh. Bài này chỉ cốt nói rõ thế nào là sống, thế nào là chết mà thôi. Những kẻ sống không ai biết, chết chẳng ai hay thì tuy sống cũng là vô ích. Còn những bậc ích Quốc lợi Dân thì dẫu chết đi nữa nhưng thiên hạ vẫn còn nhớ đến, vẫn còn sùng bái thì cũng kể như là còn sống. Ngoài ra còn hạng người đê mạt đi xú thì nói mà làm chi! Nếu ở đời chẳng để tiếng hay lại được, thà không để tiếng gì nữa còn hơn là để tiếng xấu, chỉ làm cái bia cho thế gian chê cười mà thôi.

113. BIẾT DỞ SỬA NGAY


Đái Doanh Chi làm quan đại phu nước Tống, nói chuyện với thầy Mạnh Tử rằng:
"Cứ như cổ chế thì ruộng đánh thuế theo phép tỉnh điền, chợ và cửa ải chỉ xét hỏi không mà thôi. Như thế thực là hay nhưng ta chưa làm ngay được. Bây giờ ta hãy đánh nhẹ bớt thuế đi, đợi đến sang năm mới bãi hẳn thì nhà thầy nghĩ thế nào?"
Thầy Mạnh Tử nói: Nay có người mỗi ngày ăn trộm một con gà của hàng xóm. Có kẻ bảo anh ta:
"Làm thế không phải là cách của con người lương thiện. -Anh ta đáp: Ông nói phải lắm, nhưng tôi chưa thể chừa ngay được. Xin để chừa dần, từ nay mỗi tháng tôi ăn trộm một con thôi, đợi đến sang năm tôi sẽ chừa hẳn". Phỏng nói như thế thì có nghe được không?
Phàm làm việc gì cũng vậy, chưa biết là phi nghĩa thì thôi, chớ đã biết là phi nghĩa thì phải bỏ cho mau cho chóng, sao lại còn đợi đến sang năm?

Mạnh Tử

LỜI BÀN

Phàm nghĩa với lợi không cùng đi được với nhau. Nếu làm nghĩa mà còn tính lợi, cứ tìm cách trì hoãn mãi lại thì biết đến bao giờ mới nên? Cho nên việc đã trót làm biết là dở chẳng những không sửa được, lại còn e mỗi ngày một to thêm mãi ra, nhỏ thì hại việc tu thân, tề gia, lớn thì hại đến việc trị quốc, bình thiên hạ. Câu nói: "Cái gì làm được hôm nay chớ để đến ngày mai", ta nên ghi nhớ lấy.

114. TÀI BẤT TÀI

Một hôm Trang Tử cùng với học trò đi chơi ở trong núi. Thấy một cây to, cành lá rườm rà, có người đốn gỗ chống búa đứng bên mà không chặt.
Trang Tử hỏi: "Sao không chặt cây này thế?"
Người đốn gỗ đáp: "Cây này tuy thế mà gỗ xấu không dùng được việc".
Trang Tử nói: "Cây này chỉ vì không ra gì mà sống lâu được mãi".
Ra khỏi núi, Trang Tử vào chơi nhà một người quen. Chủ nhà vui mừng, bảo người nhà đem chim nhạn làm thịt.
Người nhà hỏi: "Một con gáy được, một con không gáy được thì làm thịt con nào?"
Chủ bảo: "Làm con không gáy".
Hôm sau, học trò hỏi Trang Tử rằng:
"Cái cây ở núi vì bất tài mà được sống lâu, con nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà phải giết chết. Giá như tiên sinh thì xử vào địa vị tài hay bất tài?"
Trang Tử cười rồi nói: "Ta xử vào trong cái khoảng giữa tài và bất tài. Như vậy thì tránh khỏi được tai nạn song chưa phải là kế vẹn toàn. Chỉ những bậc đạo đức cao siêu, không quản khen chê, lúc như rồng lúc như rắn, không hẳn rõ ra tài hay bất tài, lúc lên lúc xuống chỉ lấy đức hòa làm mực. siêu việt cả muôn vật, tuy là người ma lại khác người... Những bậc như thế thì còn gì lụy đến thân được! Còn thói đời thường tình nào có thế? Hợp với người thì có lúc lìa tan, làm nên việc thì có người nghị luận; ngay thẳng thì bị đè nén; tôn trọng thì bị chê bai; làm thì có kẻ phá; giỏi thì có người ghen; không ra gì thì thiên hạ lại khinh bỉ... Nhân tình như thế thì làm thế nào được? Thương ôi! Các người nên ghi lấy, chỉ có đạo đức mới khỏi lụy mà thôi.

Trang Tử Tuyết

LỜI BÀN

Tài cũng khổ: quân tử đa nạn, tài liền với tai. Bất tài cũng khổ: khôn sống dại mái, dại để người ăn. Vậy con người ta phải làm thế nào cho ở vào khoảng giữa tài và bất tài thì mới gọi là khôn khéo nghĩa là thông minh thánh trí mà như ngu thì mới sinh tồn được. Tuy vậy vẫn chưa bằng người có đạo đức, nghĩa là người chỉ lấy một cái bụng ăn ở theo thiên lương mà ra ngoài vòng được cái tài, bao bọc được hết cả thiên hạ mà không gì lụy đến thân. Thế mới hay: chữ "tâm" kia mới thực là thu liễm được cái tài mà bổ cứu được cái bất tài vậy.

115. QUÊN CẢ CÁI THÂN

Vua Ai Công hỏi Đức Khổng Tử:
- Quả nhân nghe nói có người tính hay quên, lúc dọn nhà, quên mất vợ có thật không?
Đức Khổng Tử thưa rằng:
- Có người quên như thế cũng chưa lấy gì làm tệ. Có người còn tệ hơn nữa, quên cả đến cái thân của mình.
Vua Ai Công hỏi:
- Thế nào mà lại đến quên cả cái thân của mình nữa?
Đức Khổng Tử nói:
- Ngày xưa vua Kiệt nhà Hạ giàu có cả bốn bể, song làm đến thiên tử chỉ vì sao nhãng cơ đồ của tổ tiên, hủy điểm phát của nước nhà, tin dùng kẻ xiểm nịnh, ghét bỏ kẻ trung lương, ngày ngày say đắm sắc dục, săn bắn rượu chè, hoang du vô độ, sau đến nỗi bị ông Thang giết chết mà mất... Thế chẳng phải là thân mà quên cả thân là gì?

Khổng Tử Tập Ngữ

GIẢI NGHĨA

Ai Công: Vua nước Lỗ
Kiệt: Vua cuối đời nhà Hạ, tàn dân, bại vật đến nỗi mất nước
Hạ: một nhà làm vua bên Tàu đến hơn bốn trăm năm (2205-1818)
Thang: vua đầu nhà Thương giết vua Kiệt nhà Hạ

LỜI BÀN


Dọn nhà không ai dọn vợ. Nhưng thí dụ có kẻ dọn nhà hoặc quên mất vợ thì thiên hạ tất lấy làm lạ lùng và buồn cười lắm. Thế mà những kẻ quên thân rất nhiều và đáng sỉ tiếu, thì lại không mấy người nghĩ đến. Phàm chưng ai đã có một sự ham mê gì, rượu chè, thuốc phiện, trai gái, cờ bạc đến quên cả tính mạng, cửa nhà, xã hội đều là quên thân rất đáng tiếc. Nhất là những bậc thông minh tài trí có quyền thế trong tay, mà quên thân thì lại đáng tiếc hơn nữa. Nên Đức Khổng Tử kể chuyện vua Kiệt mà có ý cảm hóa Ai Công vậy.

116. Đại đồng


Đường lối chính trị rất cao cả mà thực hình thì thiên hạ phải là của chung của cả thiên hạ, không một người nào hay một nước nào được nhận thiên hạ làm của riêng mình. Kén chọn người có đức vọng để làm lãnh đạo, tuyển củ người có tài năng để ra gánh vác. Giao thiệp đi lại với nhau cho có chữ "tín" lỡ có hiểu lầm nhau phải phân trần ngay... Ăn ở đối đãi với nhau cần phải "hòa" lỡ có chênh lệch phải sửa đổi ngay. Có thể, tự khắc ai ai cũng đều tôn quý cha mẹ người như cha mẹ mình, ai ai cũng thân yêu con cái người như con cái mình...
Của ở trên mặt đất hay ở dưới đất, đáng ghét nhất là ngu dại bỏ phí bỏ hoài, không biết tăng gia, không biết khai thác, không biết lợi dụng. Có biết mà làm được, cần phải cùng hưởng, cùng dùng, chớ có vơ cả làm của riêng.
Đã là người thời chẳng nhiều thì ít, ai cũng có sức lực và năng lực, đáng ghét nhất là lười biếng, chỉ thích ỷ lại hay thích đài đệ, không chịu dùng sức mình để cung cấp, không chịu đem năng lực để đảm nhiệm công việc chung. Như việc dùng sức lực năng lực, cần phải cống hiến cho quần chúng, chớ có làm hay riêng cho bản thân là cá nhân...
Có thế thới cơ mưu gian trá mới không nẩy ra và trộm cướp tự nhiên tiêu diệt
Đại khái như thế mới gọi là " đại đồng".

Lễ ký

Lời bàn: Thuyết đại đồng nêu ra tự đời Xuân Thu mấy nghìn năm về trước nghe cũng đã lấy làm vui sướng, huống chi đến đời chúng ta ngày nay, cái đời tranh sống chết kịch liệt, ta được nghe thì lấy làm vui sướng và ao ước biết chừng nào! Lý tưởng đại đồng sống chung với nhau đấy tín nghĩa thân ái, người với ta như một, sung sướng hưởng chung, chỉ những hòa thuận và hòa bình bồng lai và nát bàn thật. Lý tưởng quý báu cao cả ấy có thực hiện được không? Ai ai cũng có chân tâm mà làm thực sự, sao lại không thực hiện được. Khốn nỗi, người sẵn chân tâm mà làm thực sự, có nhưng rất hiếm; kẻ giả danh giả nhân nghĩa, khéo lợi dụng thì lại quá nhiều. Vả lại, nhân loại truy nguyên ra thì trong đầu óc vẫn rớt lại những thú tính, thâm dâm hung tàn. Đa số chỉ có nghĩ lành, nói lành, ước ao lành, cầu người lành bắt, người làm lành, mà chính thân thì ác. Thậm chí người ta phải nói: "Người là giống rất tàn ác hơn cả các loài mãnh thú". Người lúc nào cũng làm khổ người thì đại đồng bao giờ mới thực hiện được.

117.Cầu ở mình hơn cầu ở người

 Ngụy Văn Hầu hỏi Hồ Quyển Tử:
- Cha hiền có đủ nhờ cậy không?
Hồ Quyển Tử thưa:
- Không đủ
- Con hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ
- Anh hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ
- Bầy tôi hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ
Văn Hầu đổi sắc mặt, gắt rằng:
- Quả nhân hỏi nhà ngươi năm điều mà điều nào ngươi cũng cho là không đủ tại cớ làm sao?
Hồ Quyển Tử nói :
- Cha hiền không ai hơn vua Nghiêu mà con là Đan Chu phải bị đuổi. Con hiền không ai hơn vua Thuấn mà cha là Cổ Tẩu thực ngang ngạnh. Anh hiền không ai hơn vua Thuấn mà em là Tượng rất ngạo mạn. Em hiền không ai hơn là ông Chu Công mà Quản Thúc bị giết. Bầy tôi hiền không ai hơn ông Thang, ông Vũ mà vua Kiệt, vua Trụ mất nước... Mong người không được như ý, cậy người không được bền lâu. Nhà vua muốn cho nước được bình trị, thì phải cậy ở mình trước, hơn là mong nhờ người.
Hàn thi ngoại truyện

Giải nghĩa:
- Ngụy Văn Hầu: vua nước Ngụy.
- Hồ Quyển Tử: người nước Ngụy.
- Hiền: người có phẩm hạnh có học thức tài năng.
- Đan Chu: con vua Nghiêu tên là Chu phong cho ở đất Đan nên gọi là Đan Chu. Vua Nghiêu phải phóng( bỏ) Đan Chu vì Đan Chu là đứa con bất hiếu.
- Thuấn: tên Đào họ Diệu, nối vua Nghiêu mà trị thiên hạ (nhà Ngu).
- Cổ Tẩu: cha vua Thuấn.
- Tượng: em vua Thuấn nhưng khác mẹ, là người ngạo mạn vô lễ.
- Chu Công: tên Đán em của Vũ Vương, phong ở nước Lỗ lúc vua Vũ Vương mất, vua Thành Vương còn bé lên ngôi giúp việc nên thiên hạ đại trị.
- Quản Thúc: tên là Tiên anh Chu Công được phong ở đất Quản, về bè dư đảng nhà Ân, phản nhà Chu nên bị Chu Công giết.
- Thang: họ Tự tên Lý, trước là chư hầu vua Kiệt nhà Hạ, nhưng vì vua Kiệt vô đạo nên mới nổi dậy đánh lấy nước mà lập ra nhà Thương
- Vũ: tên là Phát con vua Văn Vương bầy tôi vua Trụ nhà Thương, nhưng vì vua Trụ bạo ngược, Vũ Vương đánh lấy nước lên ngôi Thiên tử đặt ra nhà Chu.

Lời bàn:
Cốt ý Văn Hầu nước Ngụy là chỉ muốn hỏi có thể nhờ cậy được bấy tôi không, nhưng lúc đầu có mượn mấy câu hỏi đến cha con, anh em rồi mới dẫn đến vua tôi. Hồ Quyển Tử đáp như thế là rất phải. Cha tuy từ với con, con tuy hiếu với cha, anh tuy yêu em, em tuy kính anh, bấy tôi tuy trung với vua, nhưng mỗi người vị tất đã là hay được đủ mọi vẻ. Nếu mình không cần chịu ở mình, chỉ biết cầu những bậc ấy để đến nỗi thất đức, thì chẳng những không lợi gì mà còn hại đến thân mình nữa. Ta mong người, nhưng người ai cũng có thân, không ai bỏ cái thân mình để giúp cho ta, ta cậy người, nhưng người cũng có lúc cùng, không thể suốt đời mà đỡ đần ta được. Vậy ta ở đời, chẳng nên chỉ biết mong cậy vào người. Ta phải biết tự chủ tự lập, chớ có bỏ mình mà cầu người. Câu "Quân tử cầu chư kỷ" trong Luận ngữ và câu " Aide toi, le Ciet t'aidera" của Âu học, thực đáng làm phương châm cho cách lập chí ở đời này.


118. Hòa thuận với mọi người

Lưu Ngưng Chi đang đi giày, có người đến nhận, ông đưa ngay. Sau người ấy tìm thấy giày, đem giày ông trả lại. Ông nhất định không nhận nữa.
Thẩm Lân Sĩ đang đi giày. Cũng có người đến nhận. Ông cười hỏi: " Giày của bác à?". Rồi ông đưa ngay. Sau, người láng giềng tìm thấy giày đem giày ông trả lại. Ông nói: " Không phải của bác à?" Ông cười rồi nhận.
Việc này tuy nhỏ mọn. Song ở đời, ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi.

Tô Thức

Giải nghĩa:
Lưu Ngưng Chi: người đời Tống (Nam triều) tính khẳng khái, phần gia tài của mình nhường cả cho anh em mà tự thực kỳ lực. Vua triệu ra làm quan không chiu ra chỉ thích ngao du sơn thủy.
Thẩm Lân Sĩ: người đời Nam Tề, học thức rộng, không chịu ra làm quan, chỉ thích dạy học và trước thuật.
Tô Thức: tức Tô Đông Pha là một nhà đại thi sĩ nước Tàu làm quan đời nhà Tống, văn hay chữ tốt, sách làm kể có hàng vài trăm quyển lưu truyền ở đời.

Lời bàn: Giày của mình, mình đang đi, có người đến nhận mà mình cũng đưa, không thèm cãi " của tao của mày" như Ngưng Chi và Lân Sĩ thực ở đời cũng là hiếm có vậy. Kíp khi người ta tìm thấy giày của người ta, đem giày mình lại trả là người ta đã biết lỗi lầm. Nếu mình khăng khăng không chịu nhận, là mình quá ư nghiêm khắc mà làm ngăn trở cái lòng hối quá của người ta. Sao bằng nhận mới tỏ rõ tấm lòng bao dung được người, cả lúc người lầm cả lúc người biết lầm. Như thế mới thực là người đầy hòa khí để cư xử với quần chúng vậy.

119. Mất cung


Vua Cung Vương nước Sở đi săn, giữa đường đánh mất cung. Các quan theo hầu cố xin tìm cho được. Vua Cung Vương nói:
Thôi tìm làm gì nữa! Người nước Sở đánh mất cung, lại người nước Sở bắt được cung, đi đâu mà thiệt.
Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện bảo:
Đáng tiếc cho cái chí vua nước Sở không làm to hơn được nữa! Hà tất phải nói : " Người nước Sở? " Giá nói: " người đánh mất cung, lại người nhặt được cung thì chẳng hơn ư?"

Thuyết Uyển

Lời bàn:
Vua đánh mất cung, không nghe lời các quan bắt tìm cung,

thế là có lòng thương dân, không muốn làm phiền đến dân. Vua lại nói một người nước Sở mất cung chịu thiệt, thì có một người nước Sở được cung có lợi, thế là đã có lòng muốn lợi cho dân cả một nước. Tuy vậy, Đức Khổng Tử chê là hẹp, là vì vua Sở chỉ biết có người nước Sở lấy bờ cõi nước Sở mà làm giới hạn cho cái lòng nhân ái của mình. Cứ như ngài nói, mời thực rõ cái nghĩa bác ái, tức là cái lòng rộng yêu hết cả nhân loại, không phân di chủng hay ngoại quốc gì nữa. Cùng một ý với câu thầy Hạ Tử nhắc lời ngài mà đáp Tư Mã Ngưu là không có anh em rằng: "Người bốn bể đều là anh em cả". Nói rộng ra: chỉ có lý vô phân biệt, trí vô phân biệt, vật ngã nhất thể thì mới hết sạch chướng ngại mà hoan hỉ vô cùng!

120. Muôn vật một loài.

Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa, làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể có cả nghìn người. Cỗ bàn đủ thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, ngưới họ Điền trông thấy, nói rằng: "Trời đãi người hậu thật! Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì để con người dùng". Bao nhiêu khách ăn đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa con họ Bão, tuổi mới mười hai, đứng dậy nói rằng:
Cứ như ý tôi thì câu nói ấy là không phải. Muôn vật trong trời đất là cùng sinh ra với ta, cùng một loài như ta, không có gì là sang hay hèn cả. Sang hèn mà phân biệt chẳng qua là các loại chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ,khôn đè dại, khỏe lấn yếu mà thôi. Chớ nào có phải trời vì loài này mà sinh ra loài khác đâu. Người ta có cái gì ăn được thì lấy làm mà ăn, chớ trời nào lại vị người mà sinh ra thứ nọ thứ kia? Cứ theo cái lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lang ăn thịt người, thì có nói được trời vì những giống ấy mà sinh ra người không?"

Lời bàn: Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ trương cho cả muôn vật. Vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc, mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lành ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất. Loài người sở dĩ hơn vật là chỉ hơn có chút trí khôn mà thôi. Nên như câu nói như đứa bé họ Bão mới thực là cao rộng, hiểu được cái vạn vật, tịnh sinh ở đời vậy.

121.Lúc nào được nghỉ

Thầy Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử:
-Tử này mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ để thờ vua có nên không?
Đức Khổng Tử nói:
Phàm làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
-Vậy xin nghỉ để thờ song thân
-Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật vô cùng lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm hóa được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
-Vậy xin nghỉ để vui chơi với vợ con
-Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
-Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn
-Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
-Vậy xin nghỉ để làm ruộng
-Công việc nhà nông phải cấy cày gặt hái hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
-Như thế thì Tử này không lúc nào được nghỉ ư?
-Có chứ. Lúc nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc nghỉ được đó
Thầy Tử Cống nói:
Như thế cái chết chẳng là cái hay à! Người quân tử đến bấy giờ được nghỉ, kẻ tiểu nhân đến bấy giờ mới chịu thôi, cái chết thật là hay vậy!
Gia ngữ
Giải nghĩa
-Tử Cống học trò giỏi của Đức Khổng Tử.
-Tử: tên thầy Tử Cống theo lễ tục, khi hầu chuyện những người bề trên như cha, như vua, như thầy, thì phải xưng tên.

Lời bàn:   Học tập một môn học, nghiên cứu một đạo, lý, càng đi càng thấy dài, càng lên càng thấy cao. Lập chí không bền thấy khó mà thôi (nghỉ) thì chẳng bán đồ nhi phế ngay lập tức.
Thần hạ đối với quân trưởng, con cái đối với cha mẹ, vợ chồng bầu bạn ăn ở với nhau đều có bổn phận phải làm sao cho đầy đủ không tận tâm tận lực (nghỉ) thì thiếu bổn phận và rối loạn ngay lập tức.
Canh nông hay thương mại, thuyền thợ hay quân nhân... ai nấy có một chức nghiệp, chểnh mảng không chu đáo (nghỉ) thì thiếu lương tâm nhà nghề ngay lập tức.
Làm cho đầy đủ, phần ấm cho thân, phần ích cho người, tất cả phải lao tâm lao lực. Thế thì muốn nghỉ sao được. Vì nghỉ là đứng lại thì muôn sự đình trệ ngay. Người ta hay ở tiến lên cố tiến lên, tiến lên mãi mãi, tiến lên đến hơi thở cuối cùng, rồi ta trở về cái nhà đại tạo mà nghỉ ngơi yên tĩnh, lại chả hoan hỉ lắm ru!

122. CÓ CHỊU LO, CHỊU LÀM MỚI SỐNG ĐƯỢC

Ở đời chết vì thuốc độc, muôn người họa mới phải một người, chớ chết vì ăn không ngồi rồi thì thật nhiều. Cái độc "ăn không ngồi rồi" rất thảm rất hại. Nay ta hãy xem một vài sự đáng sợ để thí dụ mà nghe.
Xe đi trên mặt đất, đi chỗ gập ghềnh thường được chắc chắn hơn chỗ phẳng phiu.
Thuyền đi trên mặt nước, đi chỗ ghềnh thác thường được vững vàng hơn đi giữa dòng sông. Tại sao vậy? Tại vì, biết khó khăn mà giữ gìn thì được yên, cho là dễ dàng mà khinh thường thì phải hỏng (bại vong).
Người đời thường sống về những khi lo lắng cần khổ, mà chết về những lúc sung sướng yên nhàn. Lẽ ấy rất rõ, mà người đời không biết sợ là bởi không chịu xét đến nơi.
Những lúc thư nhàn thử nghĩ mà coi. Vì đâu mà chí khí ta phải suy kém? Vì đâu mà công việc ta phải hư hỏng? Vì đâu mà uổng mất một đời rồi cùng nát với cỏ cây? Vì đâu mà hóa ra hôn mê, không biết quay đầu lại, rồi lại đeo thêm cái tiếng xấu về sau? Vì đâu thành chểnh mảng không biết lo xa rồi đến nỗi mắc vào tội vạ? Ấy rút lại mấy điều là chỉ bởi ăn không ngồi rồi mà ra cả. Sự ăn không ngồi rồi quả là cái cửa những điều ác. Cửa ấy người giỏi vào đến lúc ra thì dở, người tỉnh vào đến lúc ra thì mê, người cương trực vào đến lúc ra thì liệt nhược, người thanh khiết vào đến lúc ra thì ô uế, sự ăn không ngồi rồi hại thân, hại nhà, hại nước nghĩ chẳng đáng sợ lắm ru!

Lã Đông Lai

GIẢI NGHĨA

Lã Đông Lai: tức Lã Tổ Khiêm, làm quan đời nhà Tống, học rộng biện bác giỏi, cùng với Chu Hạ và Trương Thúc gọi là Tam Hiển, học trò tự xưng là Đông Lai tiên sinh về làm bộ sách tên là Đông Lai tập.

LỜI BÀN


Không lo, không làm thực làm hại người ta hơn là thuốc độc. Chẳng nói gì, không lo không làm thì không có cơm ăn áo mặc tiền tiêu, không giữ được phẩm giá, không làm hết bổn phận. Không lo không làm, thân thể yếu đi, tâm chí cùn lại, và thường hay sinh ra làm càn, làm bậy, hại đến thân, đến nhà, đến nước. Quả vậy, câu trong bài: "Ăn không ngồi rồi là cái cửa của những điều ác" và bao nhiêu câu như: "Sự ăn không ở rỗi là mẹ đẻ ra các nết xấu. -Cái chìa khóa không dùng thành gỉ hoen. -Nhàn cư vi bất thiện" cũng cùng có một nghĩa nói đến cái tai họa của sự không lo, không làm cả. Cho nên người ta bất cứ nghèo hèn hay giàu sang, ai cũng phải có lo có làm mới đáng sống và có sống được. "Sinh ư ưu cần, tử ư dật lạc", nghĩa là sống là do ở ưu hoạn cần lao, chết là ở yên nhàn dật lạc. Câu cổ nhân nói thật không sai chút nào.

123. CHÍNH DANH

Vua Cảnh Công nước Tề hỏi Đức Khổng Tử về việc chính sự.
Đức Khổng Tử thưa rằng: Cội rễ việc chính sự cốt nhất phải làm cho sáng rõ luân thường đạo lý. Ở chốn triều đình, vua hết đạo làm vua, tôi hết đạo làm tôi; ở trong gia đình, cha hết đạo làm cha, con hết đạo làm con. Vua tôi, cha con ai nấy đều hết đạo của mình, thì chính sự mới có thể làm hay được.
Vua Cảnh Công nói: Phải lắm! Câu nói ấy thật là thiết yếu. Mà quả thế thật, nếu vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, thì cương kỷ rối loạn mà nước phải diệt vong. Thóc gạo tuy có nhiều, liệu có ở yên mà ăn được chăng.

LỜI BÀN

Vua Cảnh Công hỏi về chính sự mà Đức Khổng Tử đáp là chính danh ngài nói đúng ngay vào cái bệnh của vua đối với quốc gia làm mất chủ quyền, đối với gia đình dung túng con cái, mà lại giảng được cái học thuyết chính danh của ngài. Tiếc thay vua Cảnh Công biết là phải mà không liệu cách mau mau thực hành để đến nỗi về sau nước Tề quả có tai vạ, vua thì bị giết, đất thì mất về tay người.
Như nói đến chính sự thời nay, thì chắc còn bao nhiêu sự khó khăn, phiền phức có phải là dễ đâu. Song sự cốt yếu cũng không ra được ngoài câu nói của Đức Khổng phu tử. Ta thử ngẫm mà xem, suốt xưa nay, khắp đông tây có nước nào vua (hoặc người cầm quyền hay lãnh đạo mà gọi tên khác) kém sáng suốt, thần hạ gian nịnh mà nước không nguy vong, có nhà nào cha mẹ bạc ác bất nhân, con cái bất hiếu mà nhà không suy bại không?

124. NÊN XỬ THẾ NÀO


Thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương nước Tề rằng:
- Giả thử có người bầy tôi nhà vua, đem y thực của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp để sang chơi nước Sở có việc; kịp đến lúc về, mới biết bạn để cho vợ con đói rét thì người ấy nên xử với bạn thế nào?
Vua nói: Nên tuyệt giao.
Thầy Mạnh Tử lại hỏi:
- Giả sử có người làm quan sĩ sư không trông nom nổi được thuộc viên, để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà vua nên xử thế nào với viên quan ấy?
Vua nói: Nên bãi đi.
Thầy Mạnh Tử nhân đấy hỏi luôn câu nữa:
- Thế thời làm vua một nước mà không sửa sang việc chính sự, việc giáo dục để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì trách nhiệm tại ai và nên xử trí thế nào?
Vua nghe nói ngoảnh ngay sang bên tả, bên hữu nói lảng sang chuyện khác, có ý vừa chữa thẹn vừa tránh không trả lời.

Mạnh Tử
GIẢI NGHĨA
Mạnh Tử: người nước Châu, đời Chiến Quốc, tên là Kha, học thuyết của ông cốt ở điều "Nhân nghĩa", "Tính thiện", đời sau tôn ông là Á thánh.

LỜI BÀN


Thầy Mạnh Tử đây chỉ vì việc nước mà khuyên can vua Tuyên Vương nước Tề. Hai đoạn trên câu hỏi của thầy hữu tâm mà câu trả lời của vua vô tâm. Đoạn thứ nhất nói về "tình bạn", kể nghĩa cũ cũng đáng tiếc, song đã nhận lời ký thác của anh em mà ra lòng phụ bạc thì thật là người bạn đáng tuyệt giao. Đoạn thứ nhì nói về "phép nước", kể thực buộc vào tội chưa có gì là nặng, song làm quan mà đến không trông nom được kẻ dưới để phế khoáng việc công, thì thật là viên quan không nên dụng.
Còn đoạn thứ ba, tuy ông nói qua mà đã ngụ sẵn cái ý thuế má quá nặng để dân đói rét, hình phạt sai lầm để dân oan khổ, làm vua mà đối với dân với nước như vậy cái tội to biết chừng nào. Thế mới tiếc thay vua Tề Tuyên Vương gặp được người chính trực cảm ngôn như thế mà lại không chịu rộng hỏi để sửa lỗi của mình, thật là mất một dịp tốt.

125. CHIẾC THUYỀN ĐỤNG CHIẾC ĐÒ

Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người, đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận. Giả sử trên chiếc thuyền có người ngồi, thì người lái đò tất phải phùng mang trợn mắt, tru tréo một lần không nghe tiếng, tất tru tréo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng tất tru tréo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa,
Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước không giận, như lúc sau lại giận là tại làm sao?
- Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người.
Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn ai hại mình nữa.

Trang Tử

126. RẮN RỜI CHỖ Ở

Trời nắng, ao cạn, hai con rắn muốn rời đi ở chỗ khác.
Rắn con bảo rắn lớn:
"Anh đi trước, tôi theo sau, người ta biết là rắn kéo nhau đi tìm chỗ, thì thế nào cũng tìm cách giết chết. Sao bằng anh để tôi ngậm vào mình anh, còn anh thì cõng tôi mà đi, người ta tất nhiên cho là Rắn Thần, không dám đụng đến".
Nói xong, hai con rắn làm y như thế mà đi qua đường cái. Quả nhiên người ta trông thấy ai cũng tránh sợ, bảo nhau là "Rắn Thần".
Những kẻ nương tựa nhau, thông đồng với nhau để làm điều gian giảo, lừa dối đời, mê hoặc người thì có khác gì hai con rắn cõng nhau đây mà giả làm Rắn Thần không?

LỜI BÀN

Những quân gian giảo định đánh lừa thiên hạ, khi chỉ có một mình thiên hạ cũng mắc lừa chán, huống chi là chúng kết bè, kết đảng đồng tâm bày mưu mà lừa gạt thiên hạ thì ai dù khôn ngoan làm điều lành hay cho thiên hạ bao nhiêu thì bè đảng với nhau để làm điều ác nguy hại cho thiên hạ bấy nhiêu. Vậy ta thấy những điều gì lạ tai lạ mắt, trái hẳn nhân tình thì một là đánh lừa, hai là lợi dụng, ta trước nên suy xét kĩ đã, rồi sau hãy tin theo.

127. NHƯỜNG THIÊN HẠ

Vua Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do có nói rằng:
- Khi mặt trời mặt trăng đã mọc mà cứ cầm đóm đuốc soi sáng, như thế chẳng cũng khó lắm ru! Khi đang mong mưa, trời đã mưa mà cứ còn dội nước tắm tưới như thế, chẳng cũng nhọc lắm ru! Nay có ngài ra đời, đức thịnh tài cao, thiên hạ tự khắc cảm hóa bình trị, thế mà tôi còn cứ giữ lấy thiên hạ, thì tôi tự nghĩ lấy làm kém lắm. Xin nhường thiên hạ cho ngài.
Hứa Do nói:
- Nhà ngươi trị thiên hạ đã được bình trị, mà ta còn thay nhà ngươi, như thế chẳng là ta không có cái "thực" làm thiên hạ bình trị mà ta lại nhận lấy cái "danh" bình trị thiên hạ ư? Vả cái "danh" là người khách của cái "thực", nếu không có thực mà lại đương lấy cái danh, thì hóa ra ta làm người khách không có chủ ư? Con chim làm tổ ở rừng chẳng qua là một cành cây, con chuột uống nước ở sông chẳng qua chỉ đến no bụng. Thôi, xin nhà ngươi cứ về mà trị lấy thiên hạ, ta có dùng thiên hạ làm gì! Người nhà bếp mà chẳng trông nom việc bếp, thì người giữ việc tế tự cũng chẳng có thể bỏ đèn hương mà làm thay cho được.

Trang Tử

GIẢI NGHĨA

Nghiêu: tên một bậc thánh đế đời nhà Đào Đường
Hứa Do: một bậc cao sĩ đời thượng cổ, ẩn ở núi Cao Sơn
LỜI BÀN

Ý vua Nghiêu nghĩ thiên hạ là của chung của cả thiên hạ, cho nên vua mới tìm người hiền tài để truyền ngôi, miễn là thiên hạ được thái bình thịnh trị là mình được sung sướng.
Ý Hứa Do nghĩ mình không có tài mà nhận lấy cái tài của người làm của mình thì không gì xấu bằng. Vả ông lại có cái thú vô danh hơn là hữu danh, nên ông lấy việc thiên hạ làm phiền, chứ không phải là sướng.
Một bên quên lợi, một bên quên danh đáng quí thay.
Thời buổi ngày nay giá được những bậc tài giỏi không có lòng tư, không cậy công cậy của, không hiếu lợi hiếu danh thì lo gì thiên hạ chẳng bình trị.

128.Rửa tai

Đời thượng cổ có ông Hứa Do là một nhà ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch.
Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra, xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do tử chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc, phía nam sông Dĩnh Thủy.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu, Hứa Do thấy vậy không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thủy rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống bờ sông gặp Hứa Do hỏi:
Việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật lại chuyện. Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:
Ta toan cho trâu uống nước ở đây, lại e bẩn cả miệng trâu.

Nói đoạn, dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.
Cao Sĩ Truyện
Giải nghĩa:
-Hứa Do : bậc cao sĩ thời thượng cổ.
-Chín châu: thời thượng cổ nước Tàu chia ra làm chín châu để cai trị (Duyên, Ký, Thanh, Từ, Dự, Kinh, Dương, Ung, Lương).
-Sào Phủ : bậc cao sĩ đời thượng cổ không ưa thế lợi, ẩn ở trong núi, lấy cây làm tổ nằm ở trên cây cho nên mới gọi là Sào Phủ (Sào nghĩa là tổ).
-Cao Sĩ Truyện : sách của Hoàng Phủ Mật đời nhà Tấn soạn kể chuyện những bậc cao sĩ ẩn dật thời xưa bên Tàu.
Lời bàn: Có cả thiên hạ cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho làm chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu càng lạ quá nữa

Ôi! Đọc bài này, tưởng như Hứa Do với Sào Phủ là hai người nếu chẳng ngông cuồng thì cũng gàn dở. Nhưng vì Hứa Do và Sào Phủ hiểu thấu danh lợi nó hãm hại người ta để làm cho mất hết cả liêm sỉ, cho nên hai ông không muốn để cái danh lợi bận đến cái thân, chỉ ưa chuộng sự sống thiên nhiên làm vui sướng, thì cũng là những bậc cao sĩ thờ một cái chủ nghĩa cao quý vậy. Chả bù cho những phường tham danh, trục lợi thường say mê danh lợi, thậm chí đến chết vẫn chưa tỉnh cho!

129. Chết đói đầu núi.

Khi Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, Bá Di, Thúc Tề nghe thấy, ra nắm dây cưng ngựa, cản lại và nói rằng:
Cha chết chưa chôn mà đã chăm việc chinh chiến, thế có gọi là "hiếu" được không? Bầy tôi giết vua để cướp nước thế có gọi là "nhân" được không?
Những người thân cận của Vũ Vương tức giận toan giết Bá Di và Thúc Tề. Thái Công can, nói rằng:
Không nên, hai ông là "người nghĩa". Rồi bảo quân lính ôm hai ông mà đẩy ra.
Đến khi Vũ Vương đã lấy được thiên hạ của vua Trụ, thiên hạ ai cũng tôn nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy việc mất nước làm xấu hổ, đến nỗi coi thóc gạo cũng là tài sản của nhà Chu, buồn bực không ăn nữa.
Hai ông lên ẩn ở núi Thú Dương làm bài ca Thái Vi rằng:
Ta lên núi Tây Sơn
Ta hái khóm rau vi
Kẻ bạo thay kẻ bạo
Còn biết phải trái gì!
Đời cổ thoáng qua rồi
Biết đâu mà quy y
Than ôi! Đành chết vậy
Thật vận mệnh ta suy
Chính chữ Hán là:
Đăng bỉ Tây Sơn hề, thái kỳ vi hỉ,
Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kỳ phi hỉ
Thần nông, Ngu, Hạ, hốt yên một bề, ngã an thích quy hỉ.
Vua ta tồ hề, mệnh chi suy hỉ
Giải nghĩa:
-Bá Di, Thúc Tề: hai con vua Cô Trúc đời nhà Thương.
-Thái Công: tức Lã Vọng, một hiền thần nhà chu, trước câu cá ở sông Vy, sau gặp vua Văn Vương đón về, vua Vũ Vương dùng làm tướng.
-Thú Dương: tức cũng là Tây Sơn, tên núi ở về huyện Vĩnh Thanh tỉnh Sơn Tây bây giờ.
-Kẻ bạo thay kẻ bạo: đây nói vua Trụ bạo ngược, vua Vũ thay vua Trụ cũng là bạo ngược.

Lời bàn: Xem bài này, hoặc có nói "Bá Di, Thúc Tề nắm ngựa mà can Vũ Vương là phải. Song can mà người ta không nghe sao không chí thân chết theo với nước, lại đi lên núi Thú Dương hái rau vi. Than ôi! Sau ngày Giáp tý (là ngày vua Trụ mất thiên hạ), Vũ Vương đã đánh được nhà Thương, núi Thú Dương còn là đất của nhà Thương, rau vi ở núi Thú Dương còn là đồ ăn của nhà Thương nữa hay không? Bá Di, Thúc Tề lầm rồi!". Nói như thế nghe kể cũng có lý, nhưng có phần quá nghiêm khắc. Ta chỉ biết Bá Di, Thúc Tề thân cô mà dám ngăn cả thiên binh vạn mã, thế là trong lòng rất can đảm, biết vua Trụ là người không tốt mà cũng giữ một niềm thủy chung, thế là nghĩa bất sự nhị quân, đáng tôn trọng quý báu biết chừng nào. Vả chăng hăng hái mà liều chết, việc ấy còn dễ chớ chung thủy mà làm điều nghĩa, việc ấy mới là khó. Bá Di, Thúc Tề lên ẩn trên núi mà còn để lại bài ca Thái Vi còn lưu lại hai tiếng "Hiếu, Nhân" lúc ra can Vũ Vương, thật là những bậc có thể phù thực được cương thường muôn đời khiến cho người đời sau ai xem chuyện, ngủ ngoan cũng thành có tri thức, liệt nhược cũng hóa ra cương cương mà có chí tự lập vậy.

130. Đời người

Sống bảy mươi năm đã mấy người!
Trước thì tuổi trẻ, sau già lão
Thì giờ quãng giữa được bao lâu?
Lại còn viêm lương cùng phiền não
Hoa quá mùa xuân, hoa kém tươi,
Trăng quá mùa thu, trăng kém sáng
Hoa tươi trăng sáng, ta ngâm nga
Rượu năm, ba chén say chuếch choáng.
Tiền của càng nhiều, càng oán to
Quan chức càng cao, càng nhọc xác
Quan to tiền nhiều, lòng những lo
Chỉ tổ làm cho đầu chóng bạc
Xuân đi, hạ lại, thu sang đông
Chóng như thoi đưa, như nước chảy
Vừa tiễn buổi chiều, chuông chùa kêu
Đã báo rạng đông, gà sáng gáy.
Ta thử tính xem người nhãn tiền
Một năm đã thấy khuất vô số
Lô nhô nắm đất cánh đồng hoang
Quá nửa không ai người tảo mộ.
Đường Bá Hổ
Giải nghĩa:
-Đường Bá Hổ: người thời Tống tên là Trường Nhụ ở Đan Lang, chuyên học kinh Dịch, kinh Xuân Thu, trị gia rất có phép, ông có bài ca nhân sinh mà đây dịch ra.

Lời bàn: Đời người trăm năm sống được sáu bảy mươi năm đã hiếm. Trong khoảng sáu, bảy mươi năm ấy, trừ lúc tuổi chưa khôn, tuổi già hết khỏe, quãng giữa còn được vài ba mươi năm có là bao, mà lại còn gặp biết bao nhiêu những sự đau đớn phiền não! Ôi đời người rút lại như thế có mấy lúc là sống cho ra sống.
Nên chi, hằng năm, hể gặp được thắng cảnh, lương thời, thì ra kíp nên vui chơi cho sung sướng thỏa thích, hơi đâu mà cứ mài miệt theo đuổi lấy cái sang giàu giả dối chốc lát để là lụy đến tấm thân.
Lúc sống thì người chóng già, khó giữ lâu được cái thân, lúc chết thì thiên hạ chóng quên khó giữ lâu được mồ mả. Thời giờ ma


 Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét