133. Thương mẹ già yếu
Hàn Bá Du ăn ở với mẹ rất là có hiếu. Những khi có lỗi, mẹ thường đánh đòn. Một hôm Bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy vậy hỏi:
Mọi khi mẹ đánh con biết lỗi, con cam chịu ngay. Lần này sao con khóc dai thế?
Bá Du thưa:
Mọi
khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe. Lần này mẹ đánh
con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ,
con thương mẹ mà con khóc.
Ôi! Con ăn ở với cha mẹ, tuy khó nhọc khổ
sở cũng không dám oán như Bá Du trong chuyện này, không những không oán
mẹ, lại còn thương mẹ già yếu, tình con yêu mẹ thế mới thật là thâm
thiết.
Thuyết Uyển
Giải nghĩa:
- Hàn Bá Du: người đất Lương đời nhà Hán.
- Hiếu: đạo ăn ở hết lòng với cha mẹ
134. ÁO ĐƠN MÙA RÉT
Mẫn Tử Khiêm mồ côi mẹ từ thuở nhỏ. Mẹ kế sinh được hai con trai, chỉ yêu con đẻ mà ghét Tử Khiêm.
Mùa
đông tháng giá, mẹ kế không cho Tử Khiêm mặc áo mền bông, chỉ cho mặc
áo mền hoa lau. Một hôm Tử Khiêm đánh xe hầu cha, cha thấy co ro run rẩy
liền quở mắng. Tử Khiêm nín không dám nói. Cha giận đánh, ngờ đâu áo
rách, bật hoa lau ra.
Cha thấy thế căm giận người vợ kế bạc đãi con mình liền muốn đuổi đi.
Tử Khiêm khóc mà van rằng:
-
Dì con mà ở lại thì chỉ mình con rét; dì con mà phải đuổi đi thì ai may
áo cho chúng con, có lẽ ba anh em con đều không có áo, phải chịu rét
cả.
Cha nghe nói cảm động, bèn thôi không đuổi vợ kế nữa. Và từ đó người vợ kế cũng có lòng thương yêu Tử Khiêm như con đẻ vậy.
Thuyết Uyển
135. DÂNG THƯ CỨU CHA
Thuần Vu Ý làm quan ở Tề Trung phải tội sắp đem hành hình, giải đến Trường An.
Ông không có con trai, chỉ sinh được năm con gái. Lúc bị bắt đi, ông mắng con rằng:
- Đẻ con chẳng đẻ con trai, những khi nguy cấp thật không có ai đỡ đần công việc.
Người con gái út tên là Đề Oanh thương khóc theo cha đến Trường An, dâng tờ thư, đại ý nói:
-...Cha
tôi làm quan, cả miền Tề Trung ai cũng ca tụng là thanh liêm công bình,
nay bất hạnh phải tội thật là oan quá. Vả chăng tôi trộm nghĩ người đã
chết thì không sống lại được, đã chém thì không liền lại được. Nên dù có
muốn đổi lỗi, theo điều phải trở nên hay, nên tốt cũng không có cách
nào nữa. Tôi xin bán mình làm đứa ở chỗ quan phủ, chuộc tội cho cha để
cho cha tôi được tự tân.
Thư tâu lên vua. Vua xem, tha cho Thuần Vu Ý. Rồi xuống chiếu, trừ các nhục hình.
Sử Ký Hán Vân Đế
LỜI BÀN
Bên
Phương Đông ta, thường tình cha mẹ vẫn quý con trai hơn con gái, vì kể
cứ trong nhà, con trai bao giờ vẫn được việc hơn con gái, nhất là những
khi nguy cấp. Nên Thuần Vu ý đây tức mình mà gắt như thế cũng là phải.
Nhưng Thuần Vu ý biết đâu là được người con gái như Đề Oanh thực là hết
lòng với cha, cứu cha được ra ngoài vòng tội hình, lại có phần giúp đỡ
được cho cả nhân dân trong nước, vì vua bỏ các nhục hình.
Thế mới
hay con gái hay con trai cũng vậy mà thôi, quí hồ là ăn ở hết đạo với
cha mẹ, giúp đỡ có ích cho xã hội, thì cũng là quý giá không bên nào
khinh, bên nào trọng. Cổ ngữ có câu:
"Gái mà chi, trai mà chi
Con nào có nghĩa, có nghì là hơn".
Thực là phải lắm.
136. NUÔI MẸ BẰNG ĐIỀU PHẢI
Roãn Thuần lúc nhỏ học ông Trình Di, thường chỉ cốt theo nghề khoa cử.
Có
một khoa thi Tiến sĩ, ông đã vào đến kỳ văn sách, đầu bài ra có câu:
"Chu Nguyên Hựu chư thần" nghĩa là giết các bầy tôi đời Nguyên Hựu. Ông
bỏ bài không làm, đi ra.
Khi về, ông thưa với thầy là ông Trình Di rằng: Từ nay con không thi Tiến sĩ nữa.
Ông Trình Di nói: Ngươi còn có mẹ già kia mà.
Roãn Thuần về thưa chuyện thi cử với mẹ và nhắc lại cả câu thầy học bảo.
Bà mẹ nói:
- Ta muốn con lấy "điều phải" mà nuôi ta hơn là lấy "bổng lộc không ra gì" mà nuôi ta.
Ông Trình Di nghe thấy câu ấy khen rằng: "Giỏi thay một người mẹ như thế!"
Tống Sử Roãn Thuần Truyện
GIẢI NGHĨA
Roãn Thuần: người đời Tống, học giỏi nết tốt, mấy lần vua triệu từ chối không ra làm quan.
Trình Di: tức là Trình Y Xuyên một bậc danh nho đời Tống.
LỜI BÀN
Như
Roãn Thuần đây sở dĩ mà không muốn đi thi là vì đầu bài ra trái ngược
hẳn với lẽ phải. Bầy tôi đời Nguyên Hựu vốn là người giỏi mà lại bảo đem
giết, đầu bài mà ra như thế là có ý muốn cho bọn đi thi đỗ, mà sau này
là bọn quan trường, phải bác đời Tống Triết Tôn đi để nâng cái đời bấy
giờ là đời Tĩnh Khang lên.
Còn như Trình Di ở đây có ý khuyên bảo
nên đi thi, là bụng nghĩ Roãn Thuần còn mẹ già phải phụng dưỡng. Thói
thường cha mẹ cho con ăn học, ai là người không muốn cho con đi thi lấy
đỗ, đã kiếm được chút lương bổng nuôi nấng mình, lại còn làm nên chút
công danh vẻ vang cho cả nhà cả họ.
Kịp đến bà mẹ, sở dĩ bảo Roãn
Thuần như thế, là bà biết trọng việc nghĩa hơn là danh lợi. Một câu bà
dạy con khiến một nhà hiền triết như Trình Di còn phải phục, phải khen
thì há chẳng đáng làm cho những cha mẹ có con thi đỗ, chỉ mong cho con
được chút danh phận, bất phân danh phận ấy thật hay giả, hay hay dở,
phải suy xét cân nhắc rồi hãy đặt để cho con ru!
137. SAY BẮN CHẾT TRÂU
Ngưu Hoằng, Ngưu Bật, hai anh em ở chung với nhau.
Bật có tính hay chén, mà hễ chén vào thì thường khi nát rượu.
Một hôm anh đi vắng, Bật ở nhà uống say túy lúy, bắn chết mất con trâu của anh.
Kịp lúc anh về, người vợ đón cửa, xăm xăm bảo rằng:
- Này này! Chú nó ở nhà bắn chết trâu rồi!
Hoằng nói: Trâu chết thì phải cho đem làm thịt.
Hoằng vào nhà, vừa ngồi yên, vợ lại chạy đến hăm hở nói:
- Chú nó bắn chết trâu là việc to lắm, có phải việc thường đâu.
Hoằng nét mặt vẫn hòa nhã tự nhiên nói:
- Phải tôi biết rồi mà. - Rồi lấy sách giở xem như không có chuyện gì cả.
Vợ thấy thế nguôi cơn giận, không giám nói gì nữa.
Tùy Kỷ
GIẢI NGHĨA
Ngưu Hoằng: người đời nhà Tùy làm quan đến Lại bộ thượng thư, đời bấy giờ xưng là "Đại nhã quân tử"
Tùy kỷ: sách chép việc đời nhà Tùy
LỜI BÀN
Anh
em một nhà mà ghét bỏ xa lánh nhau phần nhiều chỉ là tại chi em dâu.
Không phải chị em dâu có bạc ác gì đâu; tại thường tình đàn bà, phần thì
suy hơn tính thiệt, tí chút cũng so kè, làm cho chữ "Lợi" đè mất chữ
"Nghĩa", phần thì đêm ngày trò chuyện, bao nhiêu cái hay muốn vơ cả vào
mình, thành ra anh em hóa dở, làm cho chữ "Tình" lấn được chữ "Thân".
Đám nam nhi ta muốn ăn ở cho trọn vẹn nghĩa anh em, tình vợ chồng, tưởng
cũng khi khó.
Ngưu Hoằng lấy thái độ ôn hòa, trầm tĩnh đối với
vợ khi vợ đang bực tức căm giận, thật là biết đường lửa cháy cất dầu,
cơm sôi bớt lửa mà biết đâu Hoằng lại chả nghiêm trách em mà không ai
biết. Vì thế mà vợ mất giận, em được toàn, thế chẳng phải là biết cách
ăn ở rất khéo trong chốn gia đình ư!
138. TÊN TÙ NƯỚC SỞ
Chung
Nghi là người nước Sở bị nước Trịnh bắt nộp sang nước Tấn. Nước Tấn đem
bỏ vào Tù. Một hôm vua Cảnh Công đòi ra, cho cởi trói, gọi đến tận nơi
ủy lạo, rồi hỏi:
- Ông cha nhà ngươi xưa nay làm nghề gì?
Chung Nghi thưa: Ông tôi xưa nay làm nhạc quan.
- Thế ngươi có biết nhạc không?
- Cha tôi xưa làm chức ấy, tôi nay vẫn giữ nghiệp nhà, đâu dám sao lãng.
Cảnh Công đưa cho đàn cầm, bảo gảy một khúc. Chung Nghi gảy thuần tiếng Nam, tức là tiếng nước Sở. Nghe xong Cảnh Công hỏi:
- Vua Sở là người thế nào?
Chung Nghi thưa: Tôi trí khôn hèn kém không đủ biết được thịnh đức của quân vương nước tôi.
Cảnh Công hỏi đi hỏi lại hai ba lần.
Sau Chung Nghi phải thưa:
-
Quân vương nước tôi khi làm thái tử, nghe lời quan Sư, quan Bảo dạy dỗ,
buổi sáng đến chơi với Anh Tề, buổi chiều đến chơi với Tử Phản. Tôi
biết có thế, còn việc khác tôi không được rõ.
Cảnh Công đem chuyện ấy nói cho Phạm Văn Tử nghe. Văn Tử thưa:
-
Tên tù nước Sở như thế thật là một bậc quân tử. Chức nghiệp vẫn giữ
nước nhà, là người không quên gốc âm nhạc vẫn giữ tiếng Nam, là người
không quên nước; khen vua Sở mà khen tính tự nhiên là vô tư; nói với nhà
vua đây mà gọi hẳn tên hai quan khanh là tôn quân. Không quên gốc là
"nhân", không quên nước là "tín", vô tư là "trung", tôn quân là "mẫn".
Nhân thì xử được việc; tín thì giữ được việc; trung thì nên được việc;
mẫn thì xong được việc. Có bốn đức ấy việc to đến đâu cũng phải xuôi,
sao nhà vua không giao trả tên tù cho nước Sở, để hắn về yêu kết việc
hòa hiếu cho nước Tấn, nước Sở với nhau?
Cảnh Công theo lời Văn Tử, hậu đãi Chung Nghi, đưa về Sở đề cầu việc hòa hiếu.
Tả truyện
LỜI BÀN
Tên
tù này không phải vì phạm tội thường mà bị tù, nhưng vì việc nước mà bị
nước khác bắt tù. Khi đã bị bắt, người ta tra hỏi mà không rối trí, cứ
ung dung đối đáp rất thông hoạt, và có ý vị khiến cho vua tôi nước ngoài
nghe thấy phải khen, phải phục, như thế chẳng là vì một cái trí lự khí
khái của mình mà được thoát nạn, nước mình cũng được nhân đấy mà tôn lên
ru! Ôi! Một nước được một tên tù giỏi mà kiến trọng, huống chi là có
bao nhiêu hiền tào thì nước được mong cậy biết là bao. "Quốc hữu nhân
tắc thực" nghĩa là nước có người giỏi thì nước mới đầy đủ vững chắc, câu
trong sách dạy quả là đúng lắm.
139. BỆNH QUÊN
Nước
Tống có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì
của ai, buổi chiều đã quên; ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra
đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi, trước có làm những gì, bây giờ
quên hết, bây giờ đang làm gì thì sau này cũng quên hết.
Cả nhà anh lấy làm lo. Xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy thuốc chữa cũng không khỏi.
Sau có ông đồ người nước Lỗ đến xin đám, nói rằng chữa được.
Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi thì chia cho nửa cơ nghiệp.
Ông đồ nói:
-
Bệnh này bói không ra được, cũng không khỏi được, thuốc không chữa
được. Nay tôi thử hóa cái tâm tính, biến cái trí lự của anh ta, may mà
khỏi chăng.
Nói đoạn ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy
anh ta xin áo, sai cấm ăn để cho đói thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào
chỗ tối thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng.
Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng:
- Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết.
Rồi
ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông với người có bệnh
trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa chạy thế nào, mà cái bệnh lâu
năm thế nhất đán khỏi phăng.
Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ đánh con, cầm giáo đuổi ông đồ.
Người ta bắt anh hỏi, vì cớ gì mà anh giận như vậy, thì anh ta nói:
-
Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái,
trời đất có hay không ta cũng chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta nhớ lại cả
những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc
hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét, trong lòng lại muôn
mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này những việc còn mất,
được hỏng, thương vui, yêu ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi,
thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát liệu còn có được nữa
chăng.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Tống: nước chư hầu thời Xuân Thu ở vào huyện Thương Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ.
Ông đồ người nước Lỗ: đây ám chỉ Khổng phu tử
LỜI BÀN
Lòng
người đen trắng, việc đời đảo điên, lắm nỗi ngang tai trái mắt, làm cho
người ta không muốn trông, muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến,
chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu
chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng. Ôi! Chẳng gì
cái đời cổ tự Liệt Tử cũng còn chất phác, mà đã khắt khe đáng chán như
thế, huống chi cái đời bây giờ là cái đời mỗi ngày gian trá quái ác thêm
sinh thì phỏng còn có gì làm cho người biết nghĩ đáng yêu đáng quí nữa:
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo dầu bến mê!
140. Bệnh mê
Nước
Tần có con nhà học Bàng, lúc nhỏ thông minh khôn ngoan sớm, đến lúc lớn
tự nhiên mắc phải bệnh mê, nghe hát cho là khóc, trông trắng hóa ra
đen, ngửi thơm cho là thối, ăn ngọt cho là đắng. Tính hạnh anh dở mà cứ
cho là phải, bao nhiêu những cái anh ta nghĩ đến, trời đất, bốn phương,
nước, lửa, nực, rét, không cái gì là không đảo ngược sai lầm cả.
Có người bảo cha anh rằng:
Bậc quân tử nước Lỗ có lắm thuật, nhiều nghề họa may chữa được chăng, sao không đưa đi mà hỏi.
Người cha sang nước Lỗ. Khi qua nước Trần gặp ông Lão Đam, nhân nói chuyện chứng bệnh của con.
Lão Đam nói:
Nhà
ngươi há biết được cái bệnh mê của con nhà ngươi đâu. Nay thiên hạ ai
ai cũng ù ờ phải trái, mờ mịt, về lợi hại, kẻ mắc phải bệnh mê như con
nhà ngươi rất nhiều, chẳng có ai tỉnh cả.
Vả lại, một mình mê không
đủ làm lụy một nhà, một nhà mê không đủ làm lụy một nước, một nước mê
không đủ làm lụy cả thiên hạ. Thiên hạ ai ai cũng mê cả, thì còn ai làm
lụy ai được nữa.
Giả sử thiên hạ ai cũng mê như con nhà ngươi mà chỉ nhà ngươi muốn chữa bệnh mê, thế thì chính nhà ngươi lại hóa ra mê mất.
Ở
đời những sự thương, vui, lẽ phải trái, những cái mắt trông, tai nghe,
mồm nếm, mũi ngửi, ai nấy là người chắc cứ cho như thế mới là phải. Này
ngay như lời nói ta đây, vị tất đã khỏi mê, huống chí người quân tử nước
Lỗ lại là người quá ư mê , thì chữa sao được bệnh mê của người.
Nhà ngươi đem bao nhiêu tiền đi tìm thầy chữa chạy chẳng bằng nghe ta trở về ngay còn hơn.
Liệt Tử
Giải nghĩa:
-Tần: tên một nước về đời Xuân Thu ở vào đất Thiểm Tây ngày nay.
-Quân tử nước Lỗ: ám chỉ Khổng Tử.
-Lắm thuật nhiều nghề: Lắm cách nhiều lối.
-Trần: tên một nước Xuân Thu ở khoảng phủ Thai Phong (Hà Nam) cho đến châu Bạc (An Huy ) bây giờ.
-Lão Đam: tức Lão Tử, họ Lý tên Nhi người Xuân Thu có làm sách Đạo đức kinh, tổ đạo Lão.
Lời bàn:
bài ngày cũng như bài trên có ý chê Đức Khổng Tử, bác hẳn cái nếp đã
thành ở đời, xưa nay ai nấy, tự lúc biết đời cũng cứ cho như thế mới là
phải. Nhưng xét đến nơi, cái nếp ấy chẳng qua cũng chỉ là ước định mà
thôi. Ấy là không nói ở đời lắm kẻ lợi dụng cái nếp ấy làm điều giả dối
để ngu hoặc người ta, lắm khi đến nỗi chỉ còn có danh mà không có thực.
Giả sử bây giờ ta thử đổi cái trắng là đen, cái đen là trắng, cái ngọt
là đắng, cái đắng là ngọt, nếu lâu ngày quen nếp đi, thì tất thiên hạ
lại cho thế mới là thuận mà chính như bây giờ là nghịch vậy. Ôi! Cái
thanh, sắc khứu, vị rõ rệt như thế, người đời cho ngược hẳn lại được,
thì cái nhân tâm, thế đạo là cái vô hình, vô trạng người đời há lại
không dám ngược lại hay sao! Này những đời loạn, càn dỡ thì cho là tòng
quyền, hà hiếp thì gọi là bênh vực, cái phận trên dưới không phân minh,
đến cả cha con cũng bình đẳng, cái mối luân thường đã rối loạn, đến cả
vợ chồng cũng tự do, mà cứ càng ngày càng đắm đuối mãi vào, thì có gọi
đời là tỉnh được hay không! Hay chính là mê, mê quá không biết nữa vậy.
Bệnh mê thực làm hại người ta, hầu hết cả một nước, cả loại người như
điên, như cuồng, ai chữa cho khỏi, mà ai là kẻ có cách nhìn được khỏi.
Than ôi biết làm thế nào?
141. Vợ lẽ phải đòn
Xưa
có người đi làm quan xa. Vợ ở nhà có ngoại tình ít lâu, có tin người
chồng sắp về, đứa gian phụ lấy làm lo. Đứa gian phụ bảo rằng:
Không việc gì mà sợ. Tôi đã làm sẵn thứ rượu thuốc để đã nó đây rồi.
Hai
hôm sau chồng về tới nhà, đang khi chuyện trò vui vẻ, người vợ sai
người thiếp rót chén rượu dân chồng, bảo cố mời uống. Người thiếp biết
rõ chén rượu ấy có thuốc độc, nghĩ trong bụng rằng:
Ta mà dâng chén rượu này thì ta là người giết chồng, ta mà nói ra thì ta lại làm cho vợ cả ghét ta.
Bèn giả cách ngã, làm cho chén rượu đổ xuống đất.
Chống thấy vậy giận lắm, đánh cho người thiếp mấy chục roi.
Than
ôi! Người thiếp này đánh đổ chén rượu, phần thì làm cho chống được
sống, phần thì làm cho vợ cả khỏi tội. Trung tín đến như thế mà chẳng
khỏi đòn mà phải chịu tội.
Chiến Quốc Sách.
Lời bàn: Thân danh được là bà quan mà có ngoại tình là rất xấu xa đã nên tội. Đã ngoại tình lại còn những toan giết chồng, cái tội càng nặng biết để vào đâu cho hết. Ngoan thay! Thế mà vẫn chẳng ai biết, vẫn ra ngoài vòng pháp luật.
Phận hèn tiểu thiếp mà biết giữ cho chồng khỏi chết,
vợ cả khỏi tội, hết lòng ủy khúc, chỉ cốt giữ cho gia đình được êm thấm,
khỏi ô uế, không quản gì đến thân, cái chí cao như thế, cái đức dày như
thế mà lại đến nỗi vừa phải đòn, vừa bị người ghét. Than ôi Tình cảnh
khắt khe, nỗi oan ai tỏ.
Trong gia đình nhà ông quan này, có một
câu chuyện như thế, nhưng trong cả nước, cả thiên hạ, còn có bao nhiêu
câu chuyện như thế. Xưa nay đã có biết bao nhiêu chí sĩ nhân nhân, trung
thần liệt nữ chỉ vì chân lý, chỉ vì cứu người mà phải ngục tù oan ức
đau khổ đến thân. Khổ nhục oan ức những bậc ấy có coi vào đâu, miễn là
đạt được mục đích, dù không ai biết, cũng lấy làm vui, có sá kể chi thế
thái nhân tình của thế tục. Tấm lòng trung nghĩa tinh tinh thành của
những bậc ấy đáng quý, đáng trọng biết nhường nào.
142. Khoét mắt
Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và đức hạnh.
Ông lúc trẻ hàn vi lắm. Một khi bệnh nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lư thị đến bảo rằng:
Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở tử tế với người chồng sau.
Lư
thị nghe nói nức nở khóc. Đoạn vào trong mà khoét một mắt bỏ đi, có ý
tỏ cho chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không chí lấy ai
nữa.
Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh.
Sau ông thi đỗ,
làm quan đến chức tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị vô
cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa.
Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen.
Chính vua Đường Thái Tôn muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho Hoàng Hậu gọi vào bảo:
Theo phép thường các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban cho một người mỹ nhân.
Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng:
Nhà
ngươi không ghen thì sống mà ghen thì chết. Rồi sai người đưa cho một
chén rượu, giả làm chén rượu độc, phán rằng : " Đã vậy thì phải uống
chén thuốc độc này".
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén uống hết ngay.
Vua thấy thế nói :
Ta cũng phải sợ nữa là Huyền Linh
Lư Phu Nhân Truyện
Giải nghĩa:
Phòng Huyền Linh: danh tướng thới nhà Đường
Lời bàn:
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho vợ ở vậy, thế
là quá thương yêu vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi
không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành tật cho yên lòng chồng, thế là
chí tình và nhất tâm với chồng lắm.
May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể
tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không biết gì đến tì thiếp xinh
đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà
không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói quen thường tình,
nhưng cũng là vì chung tình với ông, không muốn cúng ai san sẻ mối tình
nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng này, chân tình và chí tình suốt đời kính yêu
nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ biết có vợ, chồng một vợ
một, không những thoát khỏi cái nạn đa nhân duyên nhiều phiền não mà còn
gây được cái phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con cháu sau nữa.
143. Vợ xấu
Vợ
Hứa Doãn là Nguyễn thị nhan sắc kém lắm. Khi Hứa Doãn mới lấy về, làm
lễ cưới xong, trông thấy vợ xấu muốn lập tức bỏ đi thẳng, bèn hỏi Nguyễn
thị rằng:
Đàn bà có " tứ đức", nàng được mấy đức?
Nguyễn thị thưa:
Thiếp đây chỉ kém có "dung" mà thôi. Rồi liền hỏi:
Kẻ sĩ có " bách hạnh", dám hỏi chàng được mấy hạnh?
Hứa Doãn đáp:
Ta đây đủ cả bách hạnh.
Nguyễn thị nói:
Bách hạnh thì " đức" là đầu, chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là có đủ bách hạnh được?
Hứa Doãn nghe nói, có sắc thẹn. Tự bây giờ hai vợ chồng bèn yêu mến, kính trọng nhau suốt đời.
Thế Thuyết
Giải nghĩa
Hứa Doãn: Người đời Tống có tài văn chương thi đỗ Tiến sĩ, làm quan chính sách rất hay, lòng dân cảm phục.
Lời bàn:
Thường tình người ta tự xưa đến nay, ai cũng thích đẹp, chuộng đẹp. Xem
như câu Đức Khổng Tử nói: " Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã"
thì đủ rõ. Tuy vậy, cái đẹp có hạn, cái nét vô cùng. Thế gian, những kẻ
đem cái đẹp mà thờ người, mua chuộc lòng người, đến khi cái đẹp kém
xuân, thường phải người ta cư xử ra tình phụ bạc. Đến như cái nết thì êm
đềm thấm thía, cảm hóa được người, khả dĩ làm cho người ta càng biết,
càng thân yêu, càng thân yêu càng kính phục, vì thế mà thường được trọn
vẹn suốt đời.
Vợ Hứa Doãn đây lanh trí khôn lắm thật. Chỉ một câu
nói mà làm cho tan hết được nỗi bất bình của chồng và khiến cho chồng
suốt đời phải yêu vì cái duyên lặn vào trong. Thế chẳng phải là " cái
nết đánh chết được cái đẹp" là gì.
Nhưng được những người như vợ
Hứa Doãn rất là hiếm vậy. Ở đời kể đã được mấy tay có thể lấy đức mà
thay sắc hay thường khi đã xấu người lại thêm xấu cả nết nữa.
144. Ghen cũng phải yêu
Hoàn
Ôn trước đã có vợ là Nam Khang công chúa, con gái vua Minh Đế nhà Hán.
Sau Hoàn Ôn sàng đánh dẹp được nước Thục lại lấy con gái của Lý Thế là
một nhà quyền quý nước Thục mang về làm thiếp.
Lúc về nhà, công
chúa biết chuyện nổi cơn ghen, liền cầm gươm và đem theo mấy người nàng
hầu, xăm xăm đến, chực chém chết Lý thị. Lúc đến nơi, công chúa thấy Lý
thị ngồi trước cửa sổ chải đầu, tóc rũ chấm đất, dung nhan tư mạo đoan
trang tươi đẹp. Lý thị thong thả vấn tóc, lượm tay, đến trước công chúa
thưa rằng:
Nước tôi mất, nhà tôi tan, tôi quả vô tâm mà hóa ra đến đây. Được bà chém cho, thật thỏa lòng tôi mong mỏi.
Lý thị khi nói, mặt trông nghiêm chính ung dung, tiếng nghe êm đềm thấm thía.
Công chúa thấy vậy ném gươm xuống đất ôm lấy nàng mà nói rằng:
Này em ơi! Chị thấy em còn phải yêu, phải thương huống chi là lão già nhà ta.
Rồi tự đây, công chúa rất trọng đãi Lý thị.
Thế Thuyết
Giải nghĩa
-Hoàn
Ôn: người đời nhà Tấn, làm quan đến chức Đại tư mã, uy quyền lừng lẫy
thường hay nói câu: " Tài trai chẳng có thể để tiếng thơm trăm đời cũng
nên để tiếng xấu muôn năm" - "Nam tử bất năng lưu phương bách thế, diệc
đương di khứu vạn niên"
-Thục: nước ở vào vùng Thành Đô, thuộc tỉnh Tử Xuyên ngày nay.
-Thế Thuyết: pho sách của Lưu Nghĩa Thánh đời nhà Tống soạn nói những chuyện vụn vặt từ đời Hậu Hán đến Đổng Tấn.
Lời bàn:
Phận hồng nhan số bạc mệnh, đã phải cảnh nước phá, nhà tan, quân cừu
địch bắt hiếp về làm tỳ thiếp, mà nào đã yên, lại còn nỗi gặp tay vợ cả
phũ phàng, xăm xăm đến những chực mổ mề, móc gan, róc xương, lột xác.
Đau đớn thay phận đàn bà thật! Thương thay! Lý thị nào phần thù riêng,
nào phần nghĩa công lo phiền uất ức, trăm mối bên lòng, sống cũng là
thừa người yêu ta xấu, thì thà rằng chết trẻ còn hơn. Cho nên câu Lý thị
nói với công chúa khí khái ràn ra ngoài lời nói, tưởng một liều, ba bảy
cũng liều cho xong. Nào ngờ, vì chính câu nói khí khái mà mếm dẻo ấy
lại thêm được cái vẻ nghiêm nghị mà khiến cho người đang giận dữ phải
dẹp ngay nỗi bất bình, đang ghét lại hóa ngay ra chiều thân ái.
Ta
chắc xem câu chuyện này, chẳng những các bà có tính ghen với cây, hờn
cùng bóng, thành ra có lượng bao dung rộng rãi, mà nam nhi ta, những
phường giá áo túi cơm, bội gốc, quên nguồn, cũng phải sinh lòng khảng
khái vậy.
145. Lời con can cha
Điền Văn là con Điền Anh, ít tuổi mà cực khôn ngoan, thấy cha làm quan hay vụ lợi riêng, một hôm thừa nhàn, hỏi cha:
-Con đứa con gọi là gì?
Cha nói:
-Gọi là cháu
-Cháu đứa cháu gọi là gì?
-Gọi là chút.
-Chút đứa cháu gọi là gì?
-Ai biết gọi là gì được ...
-Cha
làm tướng một nước Tề này đến nay đã trải ba đời vua, giàu có hàng ức
vạn mà môn hạ không có một người nào là hiền tài cả. Con nghe nhà quan
tướng võ, tất có quan tướng võ giỏi, cửa quan tướng văn, tất cả quan
tướng văn giỏi. Nay cha áo mặc gấm vóc mà người giỏi trong nước vẫn rách
rưới, tôi tớ thừa ăn mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên
hết cả việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm súc tích
của cải muốn để dành cho những kẻ sau này không biết gọi nó là gì! Con
trộm nghĩ như thế thì thật là quái lạ lắm...
Sử Ký Mạnh Thường Quân Truyện
Lời bàn:
người ta ai là chẳng vì con vì cháu mà cố sức làm ăn, mà súc tích tiền
của. Cái sự lo cho mình xong đến lo cho con cái cháu chắt họ hàng là cái
tôi đi rất có thứ tự tự nhiên. Tuy vậy, ai cũng nên biết có nhà, có họ,
nhưng lại còn có nước, có xã hội nữa. Cho nên cái sự mưu cho nhà, cho
họ cũng có chế hạn để còn có tâm, có sức mưu cho người cùng giống, cùng
nòi, cùng ở chung một nước, cùng sống trong một thời với mình. " Đời cua
cua máy, đời cáy cáy đào" ta lo quá xa mà cứ đem thân làm trâu ngựa
giúp cho đến mấy đứa cháu mấy mươi đời về sau này, sao cho bằng ta lo
ngay cho bao nhiêu sinh linh mắt ta trông thấy khốn khổ hàng ngày. Để
của lại sau này, sâu xuống không biết đến đâu là đáy, mà của ấy thường
một hai đời đã hết, so với làm ơn rộng ra ngay hiện thời, ơn ấy đến đâu
thấm đến đấy, thì đằng nào hơn. Câu Điền Văn vặn hỏi cha rồi giảng giải
như bài này thực là một bài học hay cho những người có tính cách cá nhân
chỉ biết có người máu mủ trong một nhà mà không có độ lượng biết đến
những người trong cả làng, cả nước, cả xã hội, nhân loại vậy.
146. MỘT CÁCH ĐỂ LẠI CHO CON CHÁU
Bàng Công tính điềm đạm, không mấy khi bước chân tới chốn tỉnh thành. Hai vợ chồng ở nhà làm ăn và thường kính nhau như khách vậy.
Một hôm Lưu Biểu tìm đến chơi. Bàng Công đang cày dưới ruộng, bỏ cày lên bờ nói chuyện, còn vợ con vẫn cứ ở dưới đồng.
Lưu Biểu thấy thế, hỏi rằng:
- Sao tiên sinh khổ thân cày cuốc, chẳng chịu ra kiếm chút quan lộc, sau này lấy gì để lại cho con cháu?
Bàng Công nói:
- Người đời ai cũng lấy "nguy" để lại cho con cháu, duy chỉ tôi là lấy "an" để cho con cháu mà thôi. Cách ấy để lại cho con cháu, tuy khác nhau nhưng thực thì đàng nào cũng gọi là để cả.
Lưu Biểu nghe nói, than thở rồi đi.
Hậu Hán Thư
GIẢI NGHĨA
Bàng Công: tức là Bàng Đức Công, người hiền ở đất Tương Dương, đời Đông Hán không chịu ra làm quan vào ẩn núi Lộc Môn, hái thuốc và làm ruộng kiếm ăn với vợ con.
Lưu Biểu: người đất Cao Bình đời Đông Hán, làm thứ sử ở Kinh Châu có bụng yêu dân trọng người tài giỏi.
147. MỘT CÁCH LO XA CHO CON CHÁU
Sơ Quảng đời nhà Hán, làm quan tri sĩ về, được vua ban cho nhiều vàng lụa.
Con cháu cụ thấy thế, bèn nhờ cậy người già cả trong họ đến nói với cụ lập nhiều cơ nghiệp và mua ruộng đất.
Một hôm, nhân lúc thư nhàn, những người già cả đem câu chuyện làm giàu cho con cháu thưa lại để cụ nghe, thì cụ nói rằng:
"Ta tuy già lão há lại không nghĩ đến con cháu hay sao. Hiện ta cũng đã có ít ruộng nương, cửa nhà cũ của tiền nhân để lại. Con cháu ta mà chăm chỉ vào đấy thì cũng đủ ăn đủ mặc bằng người được rồi. Nếu bây giờ ta lại làm giàu thêm cho chúng để cho thừa thãi dồi dào, thì là ta chỉ làm cho chúng lười biếng thêm ra thôi. Người giỏi mà sẵn có nhiều của thì kém mất chí hay; người ngu mà sẵn có nhiều của thì càng thêm tội lỗi. Vả chăng của cải mà chứa nhiều thì chỉ tổ làm cho người ta oán. Ta đã không có gì giáo hóa được con cháu ta thì cũng không nên làm cho chúng có nhiều tội lỗi và để thiên hạ ai oán chũng cho thêm phiền.
Những của cải ta đang có đây là ơn của vua trên hậu đãi người bầy tôi già lão, ta chỉ muốn cùng cả anh em, họ hàng, làng nước cùng hưởng chung cái ơn ấy để trọn tuổi trời chẳng cũng là phải ư?"
Người trong họ nghe nói thế ai nấy đều cảm phục.
Hán Thư Sở Quảng Truyện
Sơ Quảng đời nhà Hán, làm quan tri sĩ về, được vua ban cho nhiều vàng lụa.
Con cháu cụ thấy thế, bèn nhờ cậy người già cả trong họ đến nói với cụ lập nhiều cơ nghiệp và mua ruộng đất.
Một hôm, nhân lúc thư nhàn, những người già cả đem câu chuyện làm giàu cho con cháu thưa lại để cụ nghe, thì cụ nói rằng:
"Ta tuy già lão há lại không nghĩ đến con cháu hay sao. Hiện ta cũng đã có ít ruộng nương, cửa nhà cũ của tiền nhân để lại. Con cháu ta mà chăm chỉ vào đấy thì cũng đủ ăn đủ mặc bằng người được rồi. Nếu bây giờ ta lại làm giàu thêm cho chúng để cho thừa thãi dồi dào, thì là ta chỉ làm cho chúng lười biếng thêm ra thôi. Người giỏi mà sẵn có nhiều của thì kém mất chí hay; người ngu mà sẵn có nhiều của thì càng thêm tội lỗi. Vả chăng của cải mà chứa nhiều thì chỉ tổ làm cho người ta oán. Ta đã không có gì giáo hóa được con cháu ta thì cũng không nên làm cho chúng có nhiều tội lỗi và để thiên hạ ai oán chũng cho thêm phiền.
Những của cải ta đang có đây là ơn của vua trên hậu đãi người bầy tôi già lão, ta chỉ muốn cùng cả anh em, họ hàng, làng nước cùng hưởng chung cái ơn ấy để trọn tuổi trời chẳng cũng là phải ư?"
Người trong họ nghe nói thế ai nấy đều cảm phục.
Hán Thư Sở Quảng Truyện
148. HAI THẦY TRÒ DẠY NHAU
Thường Tung yếu.
Lão Tử đến thăm, hỏi rằng:
- Tôi xem ra tiên sinh mệt nặng. Dám hỏi tiên sinh còn có câu gì để dạy đệ tử chúng con nữa không?
Thường Tung nói: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, ngươi đã biết điều ấy chưa?
Lão Tử thưa: Qua chỗ cố hương mà xuống xe, có phải nghĩa là không quên nơi quê cha đất tổ không?
- Ừ phải đấy. Thế qua chỗ cây cao mà bước rảo chân, ngươi đã biết điều ấy chưa?
- Qua chỗ cây cao mà bước rảo chân, có phải là kính những bậc già cả không?
- Ừ phải đấy.
Thường Tung há miệng ra cho Lão Tử coi và hỏi rằng:
- Lưỡi ta còn không?
Lão Tử thưa: Còn.
Thường Tung lại há miệng cho Lão Tử coi nữa và hỏi rằng:
- Răng ta còn không?
Lão Tử thưa: Rụng hết cả.
- Thế ngươi có rõ cái lí do ấy không?
- Ôi! Lưỡi mà còn lại, có phải tại lưỡi mềm không? Răng mà rụng hết, có phải tại răng cứng không?
- Ừ phải đấy. Việc đời đại để như thế cả. Ta không còn gì để nói cùng các ngươi nữa.
149. LƯỠI VẪN CÒN
Trương Nghi lúc hàn vi thường hay hầu rượu tướng nước Sở.
Một hôm, tướng nước Sở mất ngọc bích, môn hạ ai nấy đều ngờ cho Trương Nghi, và đánh đập Trương Nghi tàn nhẫn. Trương Nghi không phục tình. Lúc được tha trở về, vợ thấy thế bảo rằng:
- Than ôi! Giá chàng học hành biết du thuyết, thì không đến nỗi nhục nhằn như thế này!
Trương Nghi há mồm to, hỏi vợ rằng:
- Nàng thử xem cái lưỡi của ta có còn không?
Vợ cười, nói: Lưỡi vẫn còn.
Trương Nghi bảo: Thế thì được.
Rồi sau Trương Nghi quả nhiên thành ra một nhà du thuyết giỏi có tiếng thời bấy giờ.
Trương Nghi Truyện
GIẢI NGHĨA
Trương Nghi: Người nước Ngụy là một nhà du thuyết giỏi thời Chiến Quốc.
LỜI BÀN
Phàm người ta thường có bị sỉ nhục thì mới phẫn chí. Khi đang phẫn chí mà có ai khích cho một câu thì tất phải cố công, gắng sức làm cho rửa được cái nhục và nên công, nên việc mới nghe.
Trương Nghi đây sở dĩ mà thành được một nhà du thuyết giỏi, tuy là tự tài mình làm nên, nhưng cũng vì có kẻ làm nhục, lại nhờ có vợ khuyến khích thêm cho nữa. Vậy nên ở đời những kẻ thù nghịch sỉ nhục mình thường có khi lại chính là kẻ giúp cho mình làm nên vậy.
150. KHÔNG CHỊU NHỤC
Đời vua Trang Công nước Tề, có một chàng tên là Tân Ti Tụ đêm nằm thấy một người to lớn mặc quần gai, áo vải, đội mũ trắng, đi giày mới, đeo thanh gươm tự dung vào tận nhà mắng, rồi nhổ vào mặt.
Chàng ta giật mình, sực tỉnh dậy, tuy biết là chuyện chiêm bao chàng ta vẫn tức, ngồi suốt đêm, lấy làm bực dọc khó chịu lắm.
Sáng hôm sau, chàng ta mời một người bạn thân đến và nói rằng:
- Bác ơi! Từ thuở bé đến giờ, tôi vẫn là người hiếu dũng, nay đã sáu mươi tuổi, chưa hề phải đứa nào tỏa nhục bao giờ. Thế mà đêm qua phải một đứa nó làm nhục. Tôi định tìm kỳ được đứa ấy để báo thù mới nghe. Nếu tôi tình thấy nó thì hay, nếu không tìm thấy thì tôi chết mất.
Rồi từ hôm đó cứ sáng nào chàng ta cũng cùng người bạn ra đứng ngoài đường cái để rình. Rình đã hai ba ngày mà không thấy đâu, chàng ta về nhà uất lên mà chết.
Như câu chuyện này mà ta cho là phải thì chưa chắc là phải. Tuy vậy, cứ xem một cái tâm không chịu nhục ở trong chuyện, thì đã có cái gì hơn được thế chưa!
Lã Thị Xuân Thu
LỜI BÀN
Tác giả kể chuyện rồi bàn một câu ở dưới như thế cũng là đủ.
Quả vậy, xem chuyện này, không cho là phải được, là vì tức ai chứ tức một người gặp trong lúc chiêm bao mơ ngủ thì là tức hão huyền, tức cái không đáng tức.
Nhưng tựu trung, câu chuyện lại có một điều thật đáng phục là chính thâm ý câu chuyện muốn nâng cao cái lòng biết nhục, biết lấy liêm sỉ làm trọng. Ôi! Trong khi giấc ngủ mơ màng, bị người ta làm nhục còn không chịu được thì trong khi người thật tỉnh táo rõ ràng mà bị người ta làm nhục, thì đáng như thế nào?... Thế mà lạ thay có ở đời có lắm kẻ hoặc ham mê danh lợi, hoặc quen thói tôi đòi, chôn hết cả liêm sỉ, chịu hết mọi nỗi nhục nhằn đè nén không bút nào tả cho xiết được mà vẫn giữ hớn hở như không. Đối với những hạng không biết nhục, Tân Ti Tụ đây thực đáng là một cái gương soi sáng sâu vào đến tâm não họ vậy.
151. CÂU NÓI CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
Vua Văn Công nước Tấn đi săn ham đuổi một con thú mải theo quá chân, thành lạc vào trong cái chầm lớn không biết lối ra.
Vua gặp một người đánh cá, bèn bảo rằng:
- Ta là vua đây. Ta lạc đường, nhà ngươi chỉ lối cho ta ra rồi ta hậu thưởng.
Người đánh cá nói: Bầy tôi muốn dâng nhà vua một câu.
Vua bảo: Cứ đưa ra khỏi chầm đã, rồi muốn nói gì thì hãy nói.
Khi người đánh cá đưa vua ra khỏi chầm, vua phán rằng:
- Nào câu gì nhà ngươi muốn nói với quả nhân lúc nãy thì nói nghe đi.
Người đánh cá thưa: Chim hồng hộc ở bờ sông bờ biển, chán sông biển mà vào đầm tất mắc phải dò bẫy. Thuồng luồng ba ba ở đáy vực sâu, chán vực sâu mà ra chỗ bãi nông, tất phải bị chài lưới. Nay nhà vua đi săn, sao quá chân vào đến tận đây như thế?
Vua Văn Công bảo: Người nói phải lắm.
Đoạn ngoảnh lại truyền quan hầu ghi tên người đánh cá để sau ban thưởng .
Người đánh cá nói:
- Nhà vua bảo ghi tên bầy tôi làm gì. Xin nhà vua cứ tôn kính thiên địa, xã tắc phòng giữ biên thùy, thương yêu muôn dân, đánh nhẹ thuế má, tự khắc là bầy tôi được hưởng ân huệ của nhà vua rồi. Nếu nhà vua chẳng tôn kính thiên địa, xã tắc chẳng phòng giữ biên thùy, chẳng chăm công việc, bên ngoài không khéo xử với các nước , bên trong mất cả lòng muôn dân, để đến nước mất dân khổ, thì dù bầy tôi có được hậu thưởng, cũng không thể sao giữ mà hưởng một mình được.
Người đánh cá cố từ, xong rồi lại nói:
- Xin vua mau mau về nước, tôi đây cũng về chỗ kiếm cá của tôi thôi.
Tân Tự
GIẢI NGHĨA
Văn Công: vua giỏi nước Tấn về đời Xuân Thu
Tấn: nước to thời Xuân Thu ở vào tỉnh Sơn Tây ngày nay
LỜI BÀN
Người đánh cá đây là người hiền muốn khuyên vua Văn Công hai điều là: không nên say mê chơi bời săn bắn quá độ mà có khi hại đến tính mạng, hết đạo làm vua cho dân được nhờ và nước khỏi mất.
Còn người đánh cá từ chối nhận thưởng nói cái lẽ như thế cũng là lo xa nghĩ sâu và phải lắm vậy. Quả là thế khi tổ chim đã đổ thì trong còn có cái trứng nào lành; nước đã bị phá tan hay xâm chiếm thì nhà toàn vẹn sao được để mình còn hòng riêng hưởng cuộc yên vui; đời được thái bình thì quý bằng bao nhiên ân thưởng, tâm không phiền lụy thì sung sường bằng bao nhiêu công danh.
152. Vua tôi bàn việc
Vũ Hầu nước Ngụy cùng với quần thần bàn việc, việc gì vua bàn cũng phải, quần thần không ai giỏi bằng:
Lúc lui chầu, Ngụy Hầu ra dáng hớn hở lắm.
Ngô Khởi bèn tiến lên nói:
Cận thần đã ai đem câu chuyện Sở Trang Vương nói cho nhà vua nghe chưa?
Vũ Hầu hỏi:
Câu chuyện Sở Trang Vương thế nào?
Ngô khởi thưa:
Khi Sở Trang Vương mà bàn việc phải hơn quần thần, thì lúc lui chầu lo lắm. Có người hỏi: Sao vua lại lo? - Sở Trang Vương nói: Ta làm việc mà quần thần không bằng được ta, cho nên ta lo. Cổ nhân có câu: " Các vua chư hầu, ai có thầy giỏi, thì làm được vương, ai có bạn giỏi thì làm được bá, ai có người quyết đoán cho mọi việc ngờ vực, thì còn nước, ai bàn việc không ai bằng mình thì mất nước". Ta nghĩ ngu như ta mà quần thần không ai bằng thì nước ta có lẽ mất. Bởi thế ta lo...
Ấy cũng một việc giống nhau. Sở Trang Vương thì lo mà nhà vua thì mừng.
Vũ Hầu nghe nói áy náy vái tạ và nói rằng:
Trời sai nhà thầy đến bảo cái lỗi cho ta.
Tử Tuân
Giải nghĩa:
- Ngô Khởi: người nước Vệ thời Chiến quốc trước làm tướng vua nước Ngụy, sau làm tướng vua nước Sở, là một nhà dùng binh giỏi có tiếng.
Lời bàn: Người làm chúa tể một nước tất là người tài giỏi hơn người, sáng công việc hơn người. Tuy vậy, khi đã dùng quần thần, là mong muốn cậy quần thần, cón có nhiều khi giúp được mình như người ngoài giúp nước cờ vậy. Nếu mà quần thần không có ai hơn mình cả, thì là bọn a dua ăn hại còn mong cậy gì được mà chẳng đáng lo. Nên lời Ngô Khởi nói đây rất là phải. Đã hay rằng người ta ở đời phải cầu ở mình hơn nhờ ở người, nhưng lắm lúc cũng phải có tả phụ hữu bậc mới lo toan được công việc lớn. Những bậc vua chúa cần phải có thầy giỏi, tôi hay là vì cái lẽ ấy.
Truyện này cũng giống câu trong " Quốc Sách" có nói: " Đế giả cũng ở với thầy, vương giả cùng ở với bầy tôi, vua vong quốc chỉ cùng ở với hạng đầy tớ".
153. Khó được yết kiến
Tô Tần sang nước Sở, chầu chực suốt ba ngày mới được yết kiến vua Sở.
Đến khi được yết kiến, nói xong câu chuyện là xin cáo biệt ngay.
Vua bảo:
Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc cổ nhân. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao?
Tô Tân thưa:
Tôi xem ra bên nước Sở ta đồ ăn đắt hơn ngọc, củi thổi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nhà vua muốn bắt tôi ở lại ăn ngọc, thổi quế, nhờ ma để thấy trời sao?
Vua nói:
Xin mời tiên sinh cứ ở lại. Quả nhân nghe đã hiểu ra rồi.
Chiến Quốc sách
Giải nghĩa
-Tô Tần: Một nhà du thuyết giỏi thời Chiến Quốc
Huỳnh Hữu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét