155. Cậy người không bằng chắc ở mình
Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử rằng:
Nước
Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai
nước lớn. Kể phận thì phải chiểu cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể
chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không
biết nên nương tựa vào nước để cho nước ta được yên ổn, thầy mưu tính hộ
cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
Phàm việc mà cứ trông cậy vào
người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề
giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự
giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố
kết lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã
liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không
thể bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà
lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay chiều Sở thì tôi không thể
quyết được.
Mạnh Tử
Giải nghĩa:
- Đằng : tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đông bây giờ.
156. Phẩm trật ông quan, phẩm giá con người
Phẩm
trật ông quan là phẩm trật có một đời, phận có, khắc có. Phẩm giá con
người là phẩm giá lưu truyền trăm đời, tự mình không cố gây dựng cho
mình, thì không bao giờ có.
Sĩ quân tử ta trông thấy cái trời ở
ngoài trời, biết rõ cái người ở trong người, hiểu thấu đến cái vật ngoài
vật ở đời, nghĩ xa đến cái thân sau thân thiện tại, thì biết đằng nào
ngắn, đằng nào dài, đằng nào còn, đằng nào mất, chắc không ham mê cái
này mà quên bỏ cái kia.
Chúc Tử
157.Bài trâm của người làm quan
1. Sĩ đại phu nên vì đời mình mà tiếc danh, không nên vì đời mình mà mua danh.
Có học thức, chuộng khí tiết, thủ dữ (lấy hay cho) phải cẩn thận, uy nghi phải trang trọng, ấy thế là tiếc danh.
Tâng bốc lẫn nhau, a dua những kẻ quyền quý, làm ra kiểu cách khác thường, lờ mờ hai mặt, ấy thế là mua danh.
Người tiếc danh thì yên lặng mà hay, kẻ mua danh thì rực rỡ mà dở.
2. Sĩ, đại phu nên vì con cháu gây phúc, không nên vì con cháu cầu phúc.
Nghiêm
giữ phép nhà, chuộng sự tiết kiệm, chất phác, dạy cho chúng biết chữ,
cho chúng có nghề, chứa nhiều âm đức, ấy thế là gây phúc.
Mua
nhiều cửa nhà, ruộng đất, giao kết với những người quyền thế, tranh lợi
nhỏ mọn với dân, mua công danh cho con cháu, ấy thế là cầu phúc.
Người gây phúc thì thanh đạm mà lâu dài, kẻ cầu phúc thì nồng nàn mà ngắn ngủi.
3. Sĩ, đại phu nên vì một nhà mà dùng của, không nên vì một nhà mà hại của.
Giúp cho họ hàng, làng nước, tiêu rộng rãi về việc học, cứu kẻ khốn cùng, chăm làm việc nghĩa, ấy thế là dùng của.
Ăn mặc hoang, xướng hát nhiều, yến hội luôn, tụ tập lắm đồ châu báu, ấy thế là hại của.
Người biết dùng của tuy thiệt mà vẫn có thừa, kẻ không biết dùng của thì tuy thừa mà vẫn thiếu.
4. Sĩ, đại phu nên vì thiên hạ nuôi thân, không nên vì thiên hạ tiếc thân.
Bới thị dục, giảm lo phiền, ít phẫn nộ, tiếc ẩm thực ấy thế là nuôi thân.
So kè lợi hại, xa tránh khó nhọc, tham quyền cố vị chỉ chăm chăm việc vợ con, nhà cửa, ấy thế là tiếc thân.
Người nuôi thân thì im lặng mà to, kẻ tiếc thân thì thỏa thê mà nhỏ.
Trượng Động Sơ
Giải nghĩa: Trâm: lời nói hay thể văn dùng để khuyên răn người ta.
Lời bàn:
Bồn đoạn bài này dạy người làm quan muốn vì thân mình, vì con mình, vì
nhà mình, vì thiên hạ nên làm thế nào là phải. Mỗi đoạn cân nhắc tách
bạch lợi hại, rồi lại bày tỏ tinh tường sự kết quả của cả đôi đương hay
dở, thực là xác đáng lắm. Ta tưởng bài trâm này chẳng những riêng cho
người làm quan mà ai nấy đã có chút công danh của cải, muốn cho được yên
vui sung sướng cũng nên ngầm đọc, hay viết ra mà treo luôn bên mình mà
soi ngắm hắng ngày để cố mà thực hành, tưởng cũng nên lắm.
158. CƯỜI NGƯỜI TA KHÓC
Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm trông rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói:
-
Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất, thịnh vượng! Thế mà nỡ nào
một tuổi một già bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ
sống mãi, quả nhân quyết không bỏ nước Tề mà đi nơi khác.
Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ thấy vua khóc cũng khóc và nói rằng:
- Chúng tôi đội ơn vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn, xe xấu mà cưỡi, cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà vua.
Một mình Án Tử đứng bên cạnh cười.
Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử rằng:
- Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cứ đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?
Án Tử thưa:
-
Nếu người giỏi mà giữ mãi được nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ
mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã
giữ mãi. Mấy vua ấy mà giữ mãi thì vua nay chắc cũng mặc áo tơi, đội nón
lá đứng giữa cánh đống lo việc làm ruộng, có được đâu chỗ này đứng, còn
rỗi đâu mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia thay đổi mãi
mới đến lượt nhà vua mà nhà vua lại than khóc thì thật là bất nhân. Nay
tôi thấy vua bất nhân, lại thấy bầy tôi siểm nịnh nên tôi cười.
Cảnh Công nghe nói lấy làm thẹn, rót chén rượu tự phạt rồi phạt Không, Cứ mỗi người một chén.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Ngưu Sơn: tên núi ở huyện Lâm Chí, tỉnh Sơn Đông ngày nay
Lã Sử Không, Lương Khưu Cứ: cận thần của Cảnh Công
Án
Tử: người nước Tề thời Xuân Thu, làm tướng vua Cảnh Công, ông là người
kiệm phác, trung thành, giỏi việc chính sự có tiếng thời bấy giờ.
Thái Công, Hoàn Công, Linh Công, Trang Công: các bậc tiền quân của Cảnh Công
LỜI BÀN
Tham
sinh là cái thói thường người đời. Nhưng cứ mong sống ở đời mãi, tiếc
đời đến nỗi than thở khóc lóc như Cảnh Công đây cũng là tham quá. Trong
vũ trụ, cái gì là có cái sinh mà không có diệt. Vậy đời người cũng phải
chịu luật chung ấy, bé rồi lớn, lớn rồi già, già rồi chết, thấm thoắt có
là bao. Lẽ đó mà không hiểu, lại phải chả ngu lắm ư! Nên Án Tử cười
Cảnh Công rất là phải lắm. Án Tử bác cả Sử Không và Lương Khưu Cứ lại là
phải lắm nữa.
Thảm thương thay! Xưa nay những nước gặp phải vua ngu và bầy tôi a dua siểm nịnh!
159. HIẾU TỬ, TRUNG THẦN
Vương Tôn được bổ làm Thứ sử châu Ích.
Quan Thứ sử trước ở đây là Vương Dương, lúc đi kinh lược trong hàng châu, qua một đường núi rất cheo leo, than rằng:
- Thân ta là thân của cha mẹ ta. Ta nỡ nào xông pha vào những nơi nguy hiểm này. Bèn quay lại, không đi rồi cáo bệnh về nhà.
Lúc Vương Tôn đến thay Vương Dương, đi tuần phòng, cũng phải qua con đường ấy, hỏi nha lại rằng:
- Có phải con đường này là con đường quan Thứ sử trước sợ không dám đi không?
Nha lại thưa: Phải
Vương Tông bảo xe cứ đi và nói rằng:
- Vương Dương trước là người hiếu tử, Vương Tôn đây là người trung thần.
Hán Thư Vương Tôn Truyện
GIẢI NGHĨA
Thứ sử: chức quan cai trị một châu một quận đời cổ
Ích: tên một châu, tức là Tứ Xuyên đời nay
Kinh lược: đi xét qua việc trị an trong hạt mình cai trị
Nguy hiểm: cheo leo, không được yên ổn vững vàng
Cáo bệnh: có bệnh không làm được việc quan xin về nghỉ để chữa
Tuần phòng: đi tuần để phòng bị sự xảy ra
Nha lại: những người theo làm việc tại dinh các quan
Hiếu tử: người con ăn ở hết lòng với cha mẹ
Trung thần: bầy tôi hết lòng đem thân giúp vua, giúp nước
LỜI BÀN
Đối
với gia tộc, Hiếu là trọng; đối với quốc gia, Trung là quý. Người ta ở
đời, đáng lẽ ai cũng phải cố giữ cho trọn cả Trung lẫn Hiếu. Nhưng khốn
nỗi, có lắm cảnh ngộ khiến người ta khó mà giữ cho cả Trung lẫn Hiếu
được lưỡng toàn; được Hiếu thì mất Trung, được Trung thì mất Hiếu.
Kể
như bài này, Vương Dương vì gia tộc mà giữ thân cũng là phải, nhưng so
với Vương Tôn thì Vương Tôn phải hơn. Vì cứ theo cái chủ nghĩa "ở đời
thân ta không phải của riêng ta, lúc nhỏ là thân của cha mẹ, lúc lớn là
thân của quốc gia, lúc già là thân của thiên hạ, hậu thế trông mong vào
đấy" thì lúc ta đã ra làm việc nước, chính là lúc thân ta thuộc về quốc
gia, ta há lại còn tiếc mà không làm cho trọn vẹn nghĩa vụ của ta đối
với quốc gia hay sao! Đã đem hết thân phụng sự tổ quốc, thì tổ quốc phải
để trên hết, chính thế cũng là hiếu lắm, vì cha mẹ ta cũng kỳ vọng cho
ta phải thế kia mà.
160. ĐỌC SÁCH CỔ
Vua
Hoàn Công đọc sách ở nhà trên. Có người thợ mộc đang đẽo bánh xe ở nhà
dưới, nghe tiếng đọc, bỏ chàng, đục chạy lên thưa vua rằng:
- Cả dám hỏi nhà vua đọc những câu gì thế?
Hoàn Công nói: Những câu của Thánh nhân.
- Thánh nhân hiện nay còn sống không?
- Đã chết rồi.
- Thế thì những câu nhà vua học chỉ là những tao phách của cổ nhân đấy thôi.
- À anh thợ! Ta đang đọc sách, sao dám được nghị luận? Hễ nói có lý thì ta tha, không có lý thì ta bắt tội.
Người thợ mộc nói:
-
Tôi đây cứ lấy việc tôi làm mà suy xét, khi đẽo cái bánh xe, để rộng
thì mộng cho vào dễ, nhưng không chặt; để hẹp thì mộng cho vào khó, và
không ăn. Còn làm không rộng, không hẹp, vừa vặn đúng mực thì thật tự
tâm tôi liệu mà nẩy ra tay tôi làm, như đã có cái phép nhất định, chớ
miệng tôi không thể nói ra được. Cái khéo ấy tôi không có thể dạy được
cho con tôi, con tôi cũng không thể học được tôi. Bởi thế tôi năm nay đã
bảy mươi tuổi mà vẫn giữ nghề đẽo bánh xe.
Người đời cổ đã chết, thì
cái hay của người đời cổ khó truyền lại được, tưởng cũng đã chết cả
rồi. Thế thì những câu nhà vua học thật chỉ là những tao phách của cổ
nhân mà thôi.
Vua cho người thợ mộc nói là phải.
Trang Tử
GIẢI NGHĨA
Hoàn Công: vua giỏi nước Tề thời Xuân Thu
LỜI BÀN
Đọc
sách cũng như xem người, xem người mà cứ câu nệ hình, sắc, danh, thanh
thì không bao giờ biết rõ được "tình" người, mà có khi lại phải người ta
làm cho ngu nữa. Ta học mà cứ bo bo ở ngôn ngữ, văn tự thì bao giờ biết
hết được ý sách, vì cái hay nhiều khi miệng không thể nói ra được, bút
không thể tả hết được. Ta đọc sách mà tâm ta không lĩnh hội được cái ý ở
ngoài câu nói của cổ nhân, thì ta không thể tu kỷ, không thể trì nhân
được, chẳng qua chỉ làm cho loạn cái tính của ta mà thôi. Những kẻ hay
mượn bã giả của cổ nhân để buông ra những học thuyết dông dài làm ra
sách vở để dạy đời, ta tưởng cũng lầm lắm.
Trong bài này, ý Trang
Tử cũng như ý Tuân Tử muốn phản kháng lại cái lỗi học của đời bấy giờ,
chỉ biết lấy "cổ" làm cốt mà bỏ quên mất cái "kim" chỉ biết cho những
thánh nhân như Nghiêu, Thuấn...tự đời nào là phải, chứ không cho người
chính thời nay còn được địa vị nào nữa. Như thế không khỏi gọi là thiên
vậy. Câu nói của người lao công này chính xác và thực tế lắm. Người đi
học chỉ chuộng hư văn, không có thực học tưởng cũng thẹn lắm thay!
161. MẤT DÊ
Người láng giềng nhà Dương Chu mất một con dê, đã sai hết cả người nhà đi tìm, lại sang nói với Dương Chu mượn người nhà cho đi tìm hộ.
Dương Chu nói: Ôi! Sao có mất một con dê mà cho những bao nhiêu người đi tìm?
Người láng giềng đáp: Vì đường có lắm "ngã ba".
Khi các người đi tìm dê đã về, Dương Chu hỏi:
- Có tìm thấy dê không?
Người láng giềng đáp:
- Không
- Sao lại không tìm thấy?
-
Tại đường đã lắm ngã ba, theo các ngã ba đi một chốc lại có nhiều ngã
ba khác. Thành không biết đi vào đường nào để tìm thấy dê, phải chịu về
không cả.
Ấy đường cái chỉ vì lắm ngã ba mà dê mất không tìm thấy. Người đi học cũng vậy, chỉ vì dễ mê muội mà mất cả lương tâm.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Dương Chu: người thời Chiến Quốc, xướng lên học thuyết "vị ngã" trái với học thuyết "kiêm ái" của Khổng Tử.
LỜI BÀN
Người
đi học mà không suy xét cho tinh, cái gì cũng tham muốn cả thì không
bao giờ học cho thực đến nơi đến chốn được! Vì cái tâm con người có một,
cái sức hoạt động của người cũng có hạn nên phân tán ra nhiều nơi, dùng
sự hoạt động vào nhiều loại, tuy rằng học nhiều biết nhiều thật, nhưng
chẳng qua chỉ hời hợt trên mặt, gọi là biết qua loa chút ít thôi. Sao
cho bằng chỉ chuyên tâm học về một mặt nào, mà học cho đến cùng kỳ sự
học, sự biết mới là chắc chắn sâu xa và có giá trị vậy. Sự học cũng như
nhiều sự khác quí hồ tinh bất quí hồ đa.
162. THỰC HỌC
Hết thảy mọi việc, việc gì cũng có tình hình thực sự. Làm thì làm thực sự, chớ vụ hư danh.
Hết thảy câu nói, câu gì cũng có điểm mầu nhiệm. Nói thì nói cho ra nói, chớ vọng ngôn.
Hết thảy mọi vật, mỗi vật có cái lý rất phải. Nếu không hiểu rõ lý ấy, thì nhận xét dễ sai lầm mà thành mê muội.
Hết thảy mọi người, mỗi người ta có một cách để cư xử đối phó, nếu không biết xử thì dễ sinh ra bất hòa, rồi chán ghét nhau.
Người
đi học cần cái gì, chỉ cần học làm cho có sự thật, học nói cho khỏi
vọng ngôn, học xử với mọi người cho phải...Học chỉ học thế thôi. Không
chỗ nào không phải là chỗ học, không lúc nào không phải là lúc học,
không tâm niệm nào không phải là tâm niệm để học. Cố học cho được hiểu
trọn vẹn, chớ hiểu dở dang, cố học cho kỳ được, học cho đến nơi đến
chốn, chớ có tự mãn tự túc. Thế mới đáng gọi là người học giả.
Khuyết Danh
LỜI BÀN
Thực
học là lối học thực tế, học cho mở mang trí thức, học cho dầy dặn năng
lực, để thành tài để ra người, để làm người hữu dụng: Nhỏ thì hữu dụng
cho xã hội, to thì hữu dụng cho quốc gia, cho thiên hạ.
Thực học
trái người với lối học hư văn là lối tục học, phù hoa khinh bạc, lòe đời
nịnh đời, chỉ tổ tự hại và hại tha, tuyệt không có gì là hữu dụng cả.
Thế cho nên người đi học thì nhiều, người hữu dụng thì ít; đời mới than
phiền: "hiếm nhân tài!".
163. ĐÂY MỚI THẬT LÀ THẦY
Từ
Tuân Minh, người ở Hoa Âm, thân thể to lớn, mồ côi từ thuở nhỏ, tính
hiếu học, mười bảy tuổi theo Mao Linh Hòa sang học Vương Thông ở Sơn
Đông. Học một năm thì từ biệt. Rồi sang Yên, Triệu lại học ông Trương
Ngô Quý. Học trò ông Ngô Quý rất đông. Tuân Minh dụng tâm học vài tháng
sau nói chuyện riêng với bạn học rằng:
- Thầy ta đây danh tiếng lẫy
lừng, song nghĩa lý không được quán triệt. Phàm những câu ngoài giảng
thuyết, phần nhiều nghe chẳng được thỏa tâm ta. Ta muốn tìm thầy khác.
Rồi
bèn cùng Điền Mãnh Lược sang Phạm Dương thụ nghiệp ông Tôn Mãi Đức.
Nhưng học vừa được một năm, lại muốn bỏ đi, Lược bảo Tuân Minh rằng:
-
Anh tuổi còn trẻ, theo thầy học hành, chẳng chịu chuyên học một thầy,
cứ nay thầy này, mai thầy khác, nay đến tìm, mai bỏ đi, nghìn dặm xa
xôi, sách vở mang cắp, học hành như vậy sợ không thành được.
Tuân Minh nói: Ta nay mới biết chỗ ở của ông thầy đích thật là ông thầy.
Mãnh Lược hỏi: Ở đâu?
Tuân Minh chỉ vào "tâm" nói: Đây, chính ở chỗ này.
Rồi
tự bấy giờ Tuân Minh học lấy một mình, hết sức suy nghĩ, sáu năm không
ra khỏi nhà. Khi mỏi mệt thường đàn địch để di dưỡng tình hình. Sau
thành một bậc đại nho.
Ngụy Thư Từ Tuân Minh Truyện
GIẢI NGHĨA
Từ Tuân Minh: một bậc đại nho thời Hậu Ngụy
Mao Linh Hòa, Vương Thông, Trương Ngô Quý, Điền Mãnh Lược, Tôn Mãi Đức: cũng là mấy bực đại nho thời bấy giờ.
LỜI BÀN
Học
cần phải có thầy, cần phải có sách, đó là lẽ thường, ai đi học cũng khó
vượt được hai điểm ấy. Song khi học đã cao, nhất là về mặt tâm học, bảo
muốn tìm cho được thực có thấy giỏi để thụ nghiệp, không phải là dễ.
Bấy giờ tất nhiên phải như Từ Tuân Minh đây, lấy "tâm" làm thầy là hơn
cả. Vì cội rễ muôn nghìn điều phải, điều lành đều do ở tâm. Đem tâm
chính trực trị tâm gian tà, đem tâm trung hậu trị tâm bạc ác, đem tâm
cần lao trị tâm lười biếng...
Học thế nào cho tâm được thư thái,
tâm được yêu thỏa, tâm được quang minh như gương sáng trong, nước im
lặng, ngoại vật lại chẳng loạn được tâm, ngoại vật đi chẳng lưu lại ở tâm thế mới gọi là có tâm học vậy.
164. Bỏ quên con sinh
Họ Công Sách sắp tế. Trong các lễ vật bỏ quên không đặt con sinh. Đức Khổng Tử nghe thấy chuyện nói rằng:
Trong hai năm nữa, họ Công Sách thế nào cũng mất quan.
Năn sau, họ Công Sách quả nhiên mất quan thật.
Môn nhân hỏi rằng:
Trước
họ Công Sách sắp tế bỏ quên con sinh mà thầy nói trong hai năm nữa thì
mất quan, nay sự quả nhiên. Dám hỏi vì lẽ gì mà thầy biết trước như vậy?
Đức Khổng Tử nói:
Việc
tế là việc người con có hiếu tỏ hết lòng thương nhớ cha mẹ mà lúc sắp
tế, bỏ quên con sinh thì các công việc khác bỏ quên, bỏ sót chắc nhiều
lắm. Như thế mà không mất quan thì không có lý.
Gia Ngữ
Giải nghĩa: Công Sách: học trò một ông quan đời Xuân Thu.
Lời bàn:
Việc tế lễ là việc rất thận trọng, tức là việc giao tế thần minh. Chỉ
có người tận tâm và tận thành thì mới cảm cách được, con sinh là lễ vất
rất thiết yếu, mà đến lúc tế, lại bỏ quên cả con sinh thì sự sơ suất
không phải là nhỏ vậy. Người như thế không thành tâm, công việc như thế
là công việc không chu đáo. Xét một sự mà suy ra muôn sự. Đức Khổng Tử
suy xét mà biết, há có phải là tiên tri đâu. Nhưng suy xét chắc chắn mà
phán đoán trúng việc thì có khác gì tiên tri.
165. Chọn người rồi sau hãy gây dựng
Dương Hổ làm tướng nước Vệ, phải tội, chạy trốn sang nước Tần, vào yết kiến Triệu Giản Tử nói rằng:
Tự nay trở đi, ta nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.
Triệu Giản Tử hỏi:
Vì cớ gì mà ông lại nói thế?
Dương Hổ nói:
Khi
tôi ở nước tôi, các quan hầu cận nhà vua, tôi gây dựng cho quá nửa, các
quan ở triều đình, tôi cũng gây dựng cho quá nửa, đến cả các quan ở
biên thùy tôi cũng gây dựng cho nữa. Thế mà bây giờ các quan hầu cận nhà
vua thì gièm pha tôi, các quan triều đình thì đem pháp luật trị tôi,
các quan biên thùy thì dùng binh khí hiếp tôi. Thế cho nên từ nay trở
đi, tôi nhất quyết không gây dựng cho ai nữa.
Triệu Giản Tử bảo:
Ông
nói câu ấy thì lầm. Ai trồng cây đào, cây mận thì mùa hè được bóng mát
nghỉ, mùa thu được quả ngon ăn. Ai trồng cây tật lê, thì mùa hè bóng mát
không có, mùa thu chỉ được những chông gai. Cứ như vậy, thì có phải là
tại do cây mình trồng lúc trước không? Nay ông sở dĩ đến nỗi thế, là vì
ông gây dựng toàn cho những kẻ không ra gì cả. Cho nên người quân tử
phải chọn người trước, rồi sau mới gây dựng.
Hàn Thi Ngoại Truyện
Giải nghĩa:
-Dương Hồ: tức là Dương Hóa, người nước Lỗ thời Xuân Thu, làm quan nước Lỗ là người quyền thần chuyên chính.
-Vệ: tên một nước nhở thời Xuân Thu ở vào một phần tình Trực Lệ ngày nay.
-Tấn: tên một nước lớn đời xuân thu, ở vào tỉnh Sơn Tây ngày nay.
-Triệu Giản Tử: một danh thần nhà Triệu đời Xuân Thu.
Lời bàn:
Dương Hổ gây dựng cho người ta, mà về sau lại bị người ta quay lại hại
mình, thật chẳng khác nào nuôi ong tay áo, nuôi hổ để chịu vạ lây, đáng
tức giận lắm thay. Cho nên Hổ phàn nàn với Triệu Giản Tử và có ý như thề
rằng, thôi từ nay không làm ơn cho ai nữa, vì loài người đã bội bạc lại
còn thêm độc ác. Triệu Giản Tử bác đi mà giảng giải thế, là có ý quy
cái tội cho Dương Hổ, tức là tội đại thần mà tham lam, mà ưa nịnh, chỉ
thích gây dựng cho tiểu nhân để lo bè đảng thì khi thất thế, phải chịu
lấy cái vạ của tiểu nhân.
Có người nói: làm ân mà phải chọn người
trước kể cũng hẹp hòi lắm. Nhưng làm ơn là một việc, vì tổ quốc mà chọn
người gây dựng cho người để giúp nước giúp dân là một việc. Như kéo bè
kéo đảng, gây dựng cho cả kẻ gian ác có địa vị, có quyền thế để chúng
làm mưa làm gió gieo vạ cho nhân dan thì không những không được báo ơn
mà còn hại đến thân đắc tội với tổ quốc nữa.
166. Cơ tâm
Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau.
Thầy Tử Cống nói:
Kia
có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công
hiệu nhiều. Cái máy ấy đằng sau nặng, đằng trước nhẹ, đem nước lên rất
dễ và tên gọi là " máy lấy nước".
Ông lão làm vườn nói:
Máy
tức là cơ giới, kẻ có cơ giới tất có cơ sự, kẻ có cơ sự tất có cơ tâm.
Ta đây có phải không biết cái máy ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn
dùng vậy.
Trang Tử
Giải nghĩa:
- Tử Cống: học trò Đức Khổng Tử giỏi về khoa ngôn ngữ
- Hàn Âm : tên đất hiện ở vào phủ Hưng An tỉnh Thiểm Tây bây giờ.
167. Không đợi trông cũng biết
Hứa Kính Tôn có tính kiêu ngạo khinh người, tiếp ai xong, nhiều khi quên ngay, sau người ta có đến, lại không rõ là ai nữa.
Hoặc có kẻ chê Kinh Tôn là người không được thông minh.
Kính Tôn nói:
Cái
đó là tự người ta làm cho ta khó nhớ đấy thôi. Ví bằng ta gặp được
những bậc tài giỏi như Hà, Lưu, Thẩm, Tạ, thì dù sờ trong xó tối, ta
cũng có thể biết mà nhớ ra được.
Tùy Đường Nhai Thoại
Giải nghĩa: Hứa Kính Tôn: người đời nhà Đường, đỗ tú tài, văn chương giỏi, làm quan đến Tể tướng.
Lời bàn:
Kiêu
ngạo là thói xấu, đến nỗi người ta có câu: "Ai mà kiêu ngạo là kẻ sắp
đi đến bước cuối cùng".Vậy người ta dù có thông minh tài giỏi cao quý
đến đâu cũng không nên kiêu ngạo. Hứa Kính Tôn đây văn chương đã giỏi,
quan chức lại to, giao tiếp nhiều người, nhớ sao cho xiết, mà chằng
quên. Nên ta cũng chưa thể cho cái quên ấy là thực khinh người. Xem ngay
như câu nói của Hứa Kính Tôn, thì ta lại có thể cho là người biết người
và có bụng trọng những người tài giỏi.
Và chăng ở đời, cái thói
khinh người tuy không nên có, nhưng cái cách phân biệt người đáng trọng,
kẻ nên khinh không nên rằng không có. Câu cổ: " Tố nhân bất khả hữu
ngạo thái, nhiên bất khả vô ngạo cốt" (Làm người không nên có cái dáng
khinh ngạo, nhưng cũng không nên không có cái cốt khinh ngạo) cũng ám
hợp với câu của người Pháp:
" Il ne f'aut pá mepsriser, mais il faut savoir dédaignef".
168. Khinh người
Tử Kích là một bậc quyền quý, gặp Điền Tử Phương là một hàn sĩ ở giữa đường, liền xuống xe chào. Tử Phương làm lơ không đáp lại.
Tử Kích giận, hỏi Tử Phương rằng:
Kẻ phú quý hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?
Tử Phương nói:
Kẻ
bần tiện mới có thể khinh người, kẻ phú quý sao dám khinh người. Vua
nếu mà khinh người thì mất nước, quan nếu mà khinh người thì mất chức.
Còn kẻ có học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà lời nói vua quan
không dùng, việc làm vua quan không theo, thì xỏ chân vào giày, đi ngay
lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn có lo sợ gì mà không dám
khinh người?
Tử Kích nghe ra, bèn xin lỗi Tử Phương.
Chư Thư
Giải nghĩa:
-Tử Kích: một nhà quyền thế đời Chiến Quốc.
-Bậc quyền quý: người có uy quyền thế lực thiên ha phải kinh sợ.
-Điền Tử Phương: người nước Ngụy về đời Chiến Quốc có tiếng là bậc hiền nhân.
Lời bàn:
Tử Kích muốn lấy quyền thế, mà khinh người, Tử Phương muốn lấy học thức
mà khinh người. Đến cùng, thì học thức khinh nổi được quyền thế. Mời
hay ở đời nào cũng vậy, phú quý không bao giờ bằng được học thức. Có lẽ
Tử Phương đây muốn chữa cái bệnh cho người quyền thế quá kiêu căng đời
bấy giờ, cho nên nói những câu quá khích như thế. Ta cũng không nên quên
cái tính phục thiện của Tử Kích đáng trọng và đáng yêu. Nay ta cứ bình
tĩnh mà nói: Khinh người tức là "kiêu" mà chữ kiêu là cái nguồn gốc làm
bại hoại cả đức tính. Phú quý chẳng nên kiêu , thì bần tiện dẫu kiêu có
kiêu được, cũng không lấy gì làm phải. Kẻ sử sĩ đời Chiến Quốc phải coi
phong khí nó chuyển đi, cho nên thường hay mắc phải cái thế kiêu như Tử
Kích đây, không thoát khỏi tục, cũng là đáng tiếc. Người có học thức mà
kiêu, là hạng người khinh thế ngạo vật, coi đời như không quan thiết gì
đến mình. Ôi! Đã gọi là học thức mà có tính kiêu, thì vô bổ cho đời, đời
có ngưới ấy cũng như không vậy.
169. Hai cô vợ lẽ người nhà trọ
Dương Chu sang nước Tống, đến ở trọ một nhà kia.
Người
chủ nhà trọ, có hai người thiếp, một người đẹp, một người xấu. Dương
Chu thấy trong nhà ai cũng quý người thiếp xấu mà khinh người thiếp đẹp,
lấy làm lạ bèn hỏi dò thằng trẻ con trong nhà trọ thì nó trả lời rằng:
Người
thiếp đẹp tự lên là đẹp mà mất đẹp, tôi chẳng biết cái đẹp của họ nữa,
người thiếp xấu tự biết là xấu mà quên xấu, tôi chẳng biết cái xấu của
họ nữa.
Dương Chu gọi học trò ra bảo:
Các con nhớ lấy câu ấy.
Người ta giỏi mà bỏ được cái nết "tự cho mình là giỏi: thì đi đến đâu ai
cũng chẳng tôn trọng, chẳng thân yêu.
Trang Tử
Giải nghĩa:
-Dương Chu: người đời Chiến Quốc xướng lên cái thuyết " Vị ngã"
-Tống: nước chư hầu thời Xuân Thu sau phải nước Tề lấy mất, ở vào địa
phận tỉnh Hà Nam bây giờ
-Thiếp: vợ lẽ, cô hầu.
Lời bàn:
Đàn bà đẹp mà tự cậy mình lên đẹp, thì người ngoài chỉ thấy cái bộ khoe
khoang đáng ghét chớ không thấy còn gì là vẻ đẹp dáng yêu nữa. Đàn bà
xấu, tự thẹn mình là xấu, thì chỉ thấy cái nết dịu dàng đáng thương,
không còn thấy cái gì xấu xí đáng ghét nữa. Đấy người đẹp mà bị khinh,
người xấu mà được quý là tại thế.
Ôi! Đẹp chỉ vì tên đẹp mà mất đẹp,
xấu chỉ vì biết xấu mà quên xấu, thế thì những người giỏi mà tính tự lên
là giỏi, thì sinh thời nào, đi đến đâu cũng không mong thiên hạ yêu
kính được. Vì như thế tức là kiêu mà kiêu thì không ai chịu được, sự
khiếm nhã bao giờ vẫn là hơn vì thiên đạo, ích khiêm lưu khiêm, quỷ thân
phúc khiêm, nhân đạo hiếu khiêm. Khiêm hay biết là dường nào! Dương Chu
lấy câu chuyện ấy ra dạy học trò rất là phải lắm.
170. BA ĐIỀU PHẢI NGHĨ
Đức Khổng Tử nói:
- Người quân tử có ba điều phải nghĩ, ta chẳng nên chẳng xét đến:
1) Lúc nhỏ nếu mà chẳng học, thì đến lúc lớn ngu dốt không làm được việc gì.
2) Lúc già yếu mà không đem những điều mình biết để dạy người, thì sau đến lúc chết chẳng ai thương tiếc.
3) Lúc giàu có nếu mà chẳng bố thí, thì đến lúc khốn cùng chẳng ai cứu giúp.
Cho
nên người quân tử lúc nhỏ nghĩ đến lúc lớn thì chăm học, lúc già nghĩ
đến lúc chết thì chăm dạy, lúc có nghĩ đến lúc không thì chăm cứu giúp
người nghèo khổ.
Gia Ngữ
LỜI BÀN
Lúc
nhỏ mà nghĩ đến lúc lớn, lúc già mà nghĩ đến lúc chết, đang giàu mà
nghĩ đến nỗi nghèo khổ, ba điều lo xa. Phàm người ta có chịu trông xa
như thế mà là biết phòng bị những cái ưu hoạn trước khi nó xảy ra vậy.
Đức Khổng Tử còn có nói:
"Người ta không nghĩ xa tất có sự ưu hoạn
gần", cũng là có có nghĩa dự phòng như lời nói trong bài này vậy. (Câu
chữ Hán là: Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu).
171. LO, VUI
Thầy Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử rằng:
- Người quân tử cũng lo sợ ư?
Đức Khổng Tử nói:
-
Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa
làm được thì vui rằng mình có ý định làm, lúc làm được thì lại vui rằng
mình có trí làm được việc. Thế nên người quân tử có cái vui thú suốt
đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.
Kẻ tiểu nhân thì không thế,
lúc chưa làm được việc thì lo sợ rằng không được, lúc đã làm được việc
thì lo sợ lỡ hỏng mất. Thế nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không
có cái vui thú nào cả.
Thuyết Uyển
172. THẤY LỢI NGHĨ ĐẾN HẠI
Liệt Tử nghèo khổ, có khi đói khát không có gì mà ăn uống.
Có người nói với vua Tử Dương nước Trịnh rằng:
- Liệt Tử là một người cao thượng, nay ở nước vua mà phải bần cùng, thì hóa ra nhà vua không biết quí trọng người giỏi ư?
Tử Dương nghe nói, sai sứ giả đưa cho Liệt Tử vài mươi xe thóc.
Liệt Tử ra yết kiến sứ giả, vái hai vái, xin từ không nhận.
Sứ giả đi, Liệt Tử vào nhà trong. Vợ ngóng trông bực tức, tự đập vào ngực mà nói rằng:
-
Thiếp nghe vợ con những bậc đạo đức cao thượng đều được an nhàn vui vẻ,
nay vợ con tiên sinh túng đói, vua đưa cho tiên sinh thóc gạo, tiên
sinh lại từ. Thế chẳng phải là số mệnh xui ra vậy hay sao?
Liệt
Tử cười, bảo vợ rằng: Vua mà biết ta không phải là tự chính vua biết ta,
tại nghe có người nói mới biết ta. Vua nghe người nói mới biết ta mà
cho ta thóc, thì lúc bắt tội ta, tất vua cũng lại nghe người nói mà
thôi. Vì thế mà ta không nhận thóc. Vả chăng chịu bổng lộc của người
hoặc khi người mắc hoạn nạn, không liều giúp người là bất nghĩa. Mà nếu
liều chết giúp kẻ vô đạo thì lại còn gọi là nghĩa thế nào được.
Tử Dương sau quả bị nạn chết.
Liệt Tử
GIẢI NGHĨA
Trịnh: tên một nước nhỏ thời Xuân Thu, thuộc về tỉnh Hà Nam bây giờ
Sứ giả: người thay mặt và nhận lời người trên để đi nói hay làm một việc gì đó với ai
Yết kiến: đi chào người trên
Số mệnh: những sự hay dở, được hỏng của đời thường hình như định sẵn sự trời, không phải sức người làm nổi
Vô đạo: ăn ở không theo lẽ phải
LỜI BÀN
Đương
lúc túng đói, gặp được vua chúa quý trọng, lại cho vài mươi xe thóc,
người ta được thế chắc lấy làm vinh hạnh sung sướng, mà còn lên mặt với
đời là khác. Liệt Tử đây khác hẳn, vái sứ giả hai vái, nói xin từ. Thái
độ khiêm nhã thật đáng trọng! Xin từ mà không lộ vẻ tự ái, tự cao, không
có một lời nghị luận đến thời sự, thậm chí phải vợ con giày vò mà Liệt
Tử vẫn thản nhiên, chỉ ôn tồn nói qua mấy câu "ăn ở phải biết lui biết
tới, biết ân biết nghĩa". Người sao sáng suốt khôn ngoan mà như ngu dại,
thật đáng phục lắm thay! Vì không thế không sống còn được ở đời loạn.
Liệt Tử đây phần biết người hay dở, phần hiểu việc sâu xa. Thật là bực
"minh triết bảo thân" vậy. (Câu chữ Hán là: Đã không ngoan lại sáng suốt
để bảo toàn tấm thân.)
Ở đời sẵn có máu tham, thấy của tối mắt,
đỏ đâu bâu đấy, sống chết mặc bay, đó là bệnh thông thường. Anh em chúng
ta như muốn tránh bệnh ấy, tưởng nên học Liệt Tử biết rõ nghĩa lợi,
hiểu đường lui tới mới là hơn.
173. THỦY CHUNG VỚI VỢ
Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử hỏi:
- Phu nhân đấy phải không?
Án Tử thưa: Vâng, phải đấy.
Vua nói: Ôi! Người trông vừa già vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và đẹp, muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?
Án
Tử đứng dậy thưa rằng: Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và
cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay đàn bà lấy
chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy cốt để nhờ cậy lúc
xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy.
Nay nhà vua tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc
với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi bấy lâu nay.
Nói đoạn Án Tử lạy hai lạy, xin từ không lấy.
Án Tử
GIẢI NGHĨA
Cảnh Công: vua hiền nước Tề thời Xuân Thu
Án Tử: tức là Án Anh, làm tướng đời vua Cảnh Công, ông là người trung thành, tiết kiệm có tiếng thời bấy giờ
Nội tử: tiếng để gọi vợ cả mình. Tiếng cổ dùng để gọi vợ các quan to.
Khanh: tiếng vua gọi một bậc quan to hay một vị đại thần
LỜI BÀN
Vợ
chồng là bạn trăm năm đã phải duyên phải lứa lấy nhau từ lúc còn trẻ,
kính yêu nhau thì đến lúc già ai lại có nỡ phụ nhau. Ngán thay thói đời
giàu hay quên bạn, sang hay quên vợ. Lắm kẻ lúc còn hàn vi vợ nuôi cho
ăn học, một mai được chút tiền của, chức tước đã phụ ngay vợ cũ mà kiếm
vợ mới, hoặc kiếm vào chỗ giàu, hoặc kiếm vào chỗ sang, hoặc kiếm người
trẻ tuổi xinh đẹp hơn. Những kẻ như thế dù viện lẽ gì, tổng chi cũng là
phụ bạc cả. Nào đã mấy người được như Án Tử đây: gặp cảnh giàu sang như
nhà vua, trẻ đẹp như công chúa, lại như muốn lấy uy quyền bức bách mình,
mà mình nhất định cố từ. Ông là người ăn ở thủy chung với vợ tấm cám
thật!
Bạn quần thoa đọc truyện này cũng nên ngẫm nghĩ, chớ nên
tham lam tài danh mà lấy những kẻ đã đem lòng phụ vợ tào khang. Vì rằng
người vợ xưa, nuốt được nghèo khổ, chịu được đắng cay ở với họ đã đã bao
lâu mà họ còn phụ, thì họ lấy ta hoặc vì lợi chăng, hoặc vì thế chăng,
hoặc vì sắc chăng, một khi lợi kém, thế hết, sắc suy, thì cái tình vợ
chồng lúc bấy giờ lại hóa ra ngay cảnh người dưng nước lã.
174. ĐÁNG SỢ GÌ HƠN CẢ
Tại
lầu sách nhà kia, có con hồ tinh không hiện hình ra bao giờ, nhưng vẫn
thường hay trò chuyện. Chuyện nói rất lí thú, ai nghe cũng phải phục.
Một hôm tân khách họp đông, có con hát mời rượu ước với nhau rằng:
"Ai sợ gì thì cứ phải nói, mà nói vô lý thì phải phạt rượu"
Bấy
giờ cử tọa lần lượt nói, nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu,
nào sợ người quan to, nào sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn
quá, sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, sợ
người hay nói nửa chừng...
Sau cùng hỏi đến hồ tinh thì hồ tinh đáp: Ta chỉ sợ hồ tinh.
Ai nấy đều cười bảo rằng: Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu.
Hồ
tinh cười nói: Thiên ha duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới
tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau
tất là quan lại đồng triều; kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ.
Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì huynh loát nhau. Nay lại
còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà, con
ngỗng; người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi không dùng con dê, con
lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà
suy thì tài nào mà hồ chẳng sợ hồ?
Cử tọa đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng.
Duyệt Vi
LỜI BÀN
Loài
yếu sợ loài khỏe, kẻ dại sợ kẻ khôn, như chó sợ hùm, mường mọi sợ người
văn minh hoặc vẫn có. Những cái sợ ấy là cái sợ họa hoằn. Chớ cái sợ kẻ
đồng loại, kẻ đồng nghiệp mới là cái sợ thường luôn có, cái sợ thực
đáng sợ luôn vậy. Người phải sợ người hơn sợ hùm beo, sư tử, kẻ đồng
loại, người đồng nghiệp phải sợ nhau hơn là sợ người ngoài? Tại sao? -
Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới cạnh tranh, đá
chọi lẫn nhau. Mà đã cạnh tranh, tất hay dòm dỏ nhau, tìm cách hại lẫn
nhau để cầu lợi cho mình, thậm chí tàn sát nhau đến chôn sống hàng vạn
quân, giết chết hàng triệu người mà vẫn không chán. Thảm thương thay!
Người hại người!
175. CHỈ BIẾT CÓ MÌNH
Người
ta sở dĩ đến nỗi phạm phải muôn nghìn tội lỗi là chỉ vì cái bệnh "chỉ
biết có mình". Vì cớ mình chỉ biết có mình, mình mới suy tính thiên
phương bách kế, chỉ muốn cho mình giàu, chỉ muốn cho mình sang, chỉ muốn
cho mình sống, chỉ muốn cho mình vui, chỉ muốn cho mình yên, chỉ muốn
cho mình thọ, còn người ta nghèo hèn, nguy khổ, lụn bại, chết chóc, nhất
thiết là chẳng nghĩ gì đến cả. Bởi thế mà sinh ý chẳng liên can, thiên ý
đến tuyệt duyệt, tuy có hình người, kỳ thực không khác gì cầm thú.
Ví
bằng trừ bỏ cái bệnh "chỉ biết có mình" tâm địa rộng rãi, công minh,
giàu sang, nghèo hèn, vui khổ, sống chết đều cùng chung với cả loài
người thì sinh ý quán triệt, ai nấy được hả lòng mà thiên lý giữ được
trọn vẹn. Thế là thân ta cùng với muôn vật là nhất thể vậy.
Tiết Huyên
176. Thở dài
Ông Hải Tiều Tử lúc thư công việc, thường hay thở dài.
Môn nhân hỏi:
Tiên sinh hay thở dài như vậy là cớ làm sao?
Ông nói:
Ta ước gì các nước trên mặt đất thân yêu nhau để cho bao nhiêu binh cách phải xếp bỏ cả một chỗ.
Ta ước gì người quân tử lại tiến dẫn quân tử để cho bao nhiêu quân tiểu nhân phải lui về hết sạch.
Ta ước gì những trai có vợ, gái có chồng ai nấy đều yên phận để cho giáo hóa được rõ ràng.
Ta ước gì nhân dân biết giữ gìn tính mệnh mà chăm làm ăn để cho hàng năm được mùa sung sướng.
Ta ước gì ai ai cũng biết con đường phải mà noi theo để không phụ cái chí Thánh hiền thời cổ.
Ta ước mãi mà chưa được, nên ta mới thở dài.
Hải Tiều Tử
Giải nghĩa:
Hải Tiều Tử: tức Vương Sùng Khánh người đời nhà Minh đỗ Tiến sĩ, là quan đến Lại bộ thượng thư là một nhà trước thuật có tiếng bấy giờ.
Lời bàn: Các nước mà tàn bạo sát phạt lẫn nhau để tranh giành, cướp đất của nhau. Những quân gian ác mà cầm quyền giữ chính để cho những bậc hiền tài phải vùi dập. Nam nữ mà dâm ô mất hết liêm sỉ, làm cho phong hóa suy đồi. Nhân dân mà ngu dốt, lười biếng để đến nỗi phải đói rách. Học thuật mà sai lầm để đến nỗi đi vào con đường không hay. Cuộc hòa bình, sự kén nhân tài, nền phong hóa, việc dân sinh, sự giáo dục của loài người mà đồi bại đến nỗi như thế thì còn gì mà không khiến cho người ta phải chán ngán, phiến bực cho đời nữa! Ôi! Năm câu ước của Hải Tiều Tử đây bao giờ mới thành, để cho ông cùng cả bao nhiêu người có chút quan niệm đến quốc kế dân sinh, giáo hóa phong tục, không đến nỗi phải cất tiếng lên mà thở dài nữa?
Hải Tiều Tử
Giải nghĩa:
Hải Tiều Tử: tức Vương Sùng Khánh người đời nhà Minh đỗ Tiến sĩ, là quan đến Lại bộ thượng thư là một nhà trước thuật có tiếng bấy giờ.
Lời bàn: Các nước mà tàn bạo sát phạt lẫn nhau để tranh giành, cướp đất của nhau. Những quân gian ác mà cầm quyền giữ chính để cho những bậc hiền tài phải vùi dập. Nam nữ mà dâm ô mất hết liêm sỉ, làm cho phong hóa suy đồi. Nhân dân mà ngu dốt, lười biếng để đến nỗi phải đói rách. Học thuật mà sai lầm để đến nỗi đi vào con đường không hay. Cuộc hòa bình, sự kén nhân tài, nền phong hóa, việc dân sinh, sự giáo dục của loài người mà đồi bại đến nỗi như thế thì còn gì mà không khiến cho người ta phải chán ngán, phiến bực cho đời nữa! Ôi! Năm câu ước của Hải Tiều Tử đây bao giờ mới thành, để cho ông cùng cả bao nhiêu người có chút quan niệm đến quốc kế dân sinh, giáo hóa phong tục, không đến nỗi phải cất tiếng lên mà thở dài nữa?
Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét