Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 1


Địa Danh Bình Dương Có Từ Bao Giờ?
Trong tiến trình Nam Tiến có ba sự kiện lịch sử rất quan trọng trong thế kỷ thứ XVII: thứ nhất là năm 1620 khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho xứ Chùa Tháp, thứ nhì là vào năm 1623 khi chúa Nguyễn cho lập hai đồn thu thuế ở vùng Sài Côn, nay là Sài Gòn, và thứ ba là năm 1698 khi chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập bộ máy hành chánh tại hai vùng Phước Long và Tân Bình. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí(1), thời đó lấy huyện Phước Long dựng nên dinh Biên Trấn với 4 tổng và lấy huyện Tân Bình dựng nên dinh Phiên Trấn. Đến năm Canh Tuất 1790, chúa Nguyễn Ánh bắt đầu đắp thành Bát Quái ở trên gò thôn Tân Khai, tổng Bình Dương, gọi là kinh Gia Định. Trong phần nói về huyện Bình Dương, Đại Nam Nhất Thống Chí viết tiếp là khi đầu đặt làm tổng Bình Dương, đến năm Gia Long thứ 7 mới thăng làm huyện Bình Dương. Thật vậy, năm 1808, huyện Phước Long được nâng lên làm phủ với 4 huyện Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Cùng lúc đó huyện Tân Bình cũng được nâng lên làm phủ với 4 huyện Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc. Như vậy, có thể tên Bình Dương đã xuất hiện trên sổ bộ hành chánh của xứ Đàng Trong từ thời quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dựng dinh Phiên Trấn vào năm 1698, hoặc trễ lắm là khi Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái vào năm 1790. Và qua sự kiện thứ ba chúng ta thấy rõ ràng là xứ Đàng Trong muốn xác lập chủ quyền của mình trên những phần đất có cư dân Việt Nam ở Nam Kỳ. Hồi nầy đất rộng người thưa nên các chúa Nguyễn ra những qui chế rất dễ dàng cho những người đi khẩn đất. Hồi còn hai huyện Phước Long và Tân Bình thì cư dân hai huyện có thể di chuyển đến cư trú và khai phá bất cứ nơi nào họ thích. Vì vậy mà những người bên huyện Tân Bình qua Phước Long có thành lập một tổng mà trong đó toàn là cư dân từ Tân Bình qua, đó là tổng Bình An. Cũng vậy, bên huyện Tân Bình cũng có một tổng gồm toàn người bên Phước Long qua, đó là tổng Phước Lộc. Như vậy, sau năm 1808, trên địa bàn hai phủ Tân Bình và Phước Long đã có hai huyện hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai đều có liên hệ tới vùng Bình Dương-Thủ Dầu Một sau nầy, đó là huyện Bình Dương và Bình An. Cả hai huyện Bình An và Bình Dương đều cùng nằm trên bờ sông Sài Gòn, tên xưa là sông Tân Bình. Đến năm 1832, sau khi Tả Quân Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng cho bãi bỏ Gia Định Thành và chia Nam Bộ ra làm 6 tỉnh. Từ đó miền Nam có tên là Nam Kỳ Lục Tỉnh(9). Năm 1837, huyện Bình An lại được tách ra làm đôi đó là huyện Bình An, nay là vùng Thủ Dầu Một; và huyện Ngãi An, nay là vùng Thủ Đức. Đến năm 1841, huyện Bình Dương được cắt ra làm đôi thành 2 huyện Bình Dương, vùng thuộc bắc Sài Gòn ngày nay; và huyện Bình Long, những vùng Hóc Môn và Củ Chi ngày nay. Sau khi cưỡng chiếm toàn bộ miền Nam, người Pháp chia vùng Biên Hòa và Gia định ra làm nhiều hạt nhỏ để dễ bề cai trị. Lúc đó hai bên bờ sông Sài Gòn là 2 tỉnh Thủ Dầu Một ở về mạn đông bắc (tả ngạn) và Gia Định ở về mạn tây nam (hữu ngạn). Tỉnh Gia Định bao gồm thêm quận Thủ Đức, trước đây là huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa. Tỉnh Thủ Dầu Một bao gồm toàn thể địa phận huyện Bình An với vùng Dầu Tiếng, tức là tổng Dương Hòa Hạ, trước đây thuộc Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Như vậy từ giữa thế kỷ thứ XIX, hai huyện Bình Dương của phủ Tân Bình và Bình An của phủ Phước Long đã có nhiều liên hệ với nhau về mặt phân chia địa giới. Đến năm 1956, chánh phủ VNCH thành lập tỉnh Bình Dương, tỉnh lỵ được đặt tại Phú Cường, tức thị xã Thủ Dầu Một ngày nay. Từ năm 1975 đến năm 1996, chánh quyền mới sáp nhập ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long để thành lập tỉnh Sông Bé. Tuy nhiên, đến năm 1996, họ lại tách đôi tỉnh Sông Bé để thành lập hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tóm lại, địa danh mang tên Bình Dương đã xuất hiện trong sổ bộ hành chánh của xứ Đàng Trong từ 300 năm nay, hoặc trễ lắm cũng từ trên 200 năm nay. Thật vậy, theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức(2), huyện Bình Dương xưa là tổng, nay đổi làm huyện. Như vậy, trễ nhất là từ trước năm 1790, đã có một tổng mang tên Bình Dương, thuộc huyện Tân Bình; và sớm nhất có thể là ngay từ năm 1698 khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thiết lập bộ máy hành chánh ở 2 huyện Phước Long và Tân Bình. Trải qua bao sáp nhập và chia cắt thì ngày nay hẳn hòi trên bản đồ hành chánh Việt Nam đã có một tỉnh mang tên Bình Dương. 

Cấu Trúc Địa Chất Vùng Đất Bình Dương:
Đất Bình Dương xưa nằm trên hữu ngạn sông Sài Gòn, thuộc vùng đất Gia Định; tuy nhiên, phần lớn địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975 và tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1997 đều nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn, trong địa phận tổng Bình An của vùng Biên Trấn ngày trước. Về cấu trúc địa chất, cũng như các vùng khác trong đồng bằng miền Đông, vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương ngày nay nằm ở phía Nam và là cái đuôi của dãy Trường Sơn. Theo các nhà địa chất học, cách nay trên 200 triệu năm, Bình Dương và cả đồng bằng miền Đông đã từng chịu ảnh hưởng của của sự kiến tạo mới của vỏ trái đất để thành hình vùng đất trẻ Đông Nam Á và dãy Trường Sơn trên bán đảo Đông Dương ngày nay. Cũng theo các nhà địa chất học thì cách đây trên 100 triệu năm, vùng đất mà bây giờ là Việt Nam không có bờ biển bao quanh, từ Việt Nam qua Phi Luật Tân, Nam Dương, và Mã Lai Á là một vùng đất liền, nhưng 10 triệu năm sau đó, một phần phía bắc và phía nam của Phi Luật Tân bị chìm xuống biển, khiến cho nước từ biển Thái Bình Dương tràn vào, tạo thành một biển cạn, nước biển tiếp tục lan ra đến Borneo, Nam Dương, Mã Lai Á, và vùng Ấn Độ Dương ngày nay. Kể từ đó, vùng đất mà bây giờ là Việt Nam mới bắt đầu có bờ biển bao quanh, nhưng bờ biển ấy liên tục thay đổi với những hiện tượng biển tiến và biển lùi về sau nầy. Và sau các vận động kiến tạo nầy, quần đảo Phi Luật Tân mới xuất hiện để tạo thành bờ bên kia của Biển Đông như ngày nay. Đồng thời với thời kỳ kiến tạo vỏ trái đất trong vùng Đông Nam Á lại có các hoạt động của núi lửa, phun trào lên các dung nham bazan ở miền Trung bán đảo Đông Dương tràn xuống phía Nam kết hợp với các vật liệu rửa trôi theo tạo nên những thềm phù sa cổ thấp dần từ bắc xuống nam. Đồng thời, các thềm phù sa cũ lại chịu tác động của các hoạt động xâm thực và bào mòn... đã cắt xẻ vùng nầy thành những thung lũng, sông suối, đó là các sông Sài Gòn, sông Bé, sông Đồng Nai, vân vân. Trong khi các vật liệu rửa trôi từ các thềm phù sa cổ lại được những sông suối nầy vận chuyển đến các vùng thung lũng trũng thấp khác để lập nên các vùng trầm tích và những bãi bồi, tạo nên những cánh đồng khá bằng phẳng, những bãi cát sỏi dọc theo sông Đồng Nai trong vùng Tân Uyên, cũng như những lớp đất sét trắng, đỏ và xám mà chúng ta thấy ở các vùng Lái Thiêu ngày nay. Nhìn chung, địa hình tỉnh Bình Dương có dạng thoai thoải từ bắc xuống nam, các vùng phía bắc có độ cao từ 40 đến 60 mét, trong khi các vùng phía nam chỉ cao từ 10 đến 30 mét trên mực nước biển trung bình mà thôi. Cũng như các vùng khác trong khu vực đồng bằng Miền Đông, Bình Dương có địa hình bằng phẳng với những gò và những ngọn đồi dợn sóng có độ cao từ 20 đến 150 mét, cùng với những cánh đồng bằng phẳng hơn có độ cao hơn mực nước biển từ 10 đến 20 mét. Thỉnh thoảng người ta thấy một vài gò đồi nhô lên giữa một khoảng bằng phẳng rộng lớn như núi Châu Thới trong huyện Dĩ An, núi Tha La trong huyện Dầu Tiếng, đây là dấu tích của những hoạt động núi lửa muộn. Nói chung, từ nam lên bắc, từ trên cao độ khoảng 5.000 bộ nhìn xuống (khoảng một cây số rưởi), chúng ta thấy Bình Dương có 3 loại địa hình rõ rệt, đó là vùng thung lũng bãi bồi chạy dọc theo các con sông, kế tiếp là vùng địa hình bằng phẳng, và các vùng phía bắc có địa hình gò đồi thấp nằm trên nền các lớp phù sa cổ.

Bình Dương nằm trên hai vùng chuyển tiếp giữa hai lớp phù sa cổ và mới. Vùng phù sa cũ từ Tây Ninh qua Biên Hòa, rồi xuống Bình Dương, Sài Gòn, và từ Sài Gòn chạy ra Bà Rịa. Đây là vùng đất nghèo chất hữu cơ và khả năng giữ nước rất kém nên không phì nhiêu mầu mỡ như các vùng khác. Tuy nhiên, đây là loại đất rất thích hợp cho các loại hoa màu phụ như đậu phộng, rau cải, cây ăn trái như mãng cầu, chuối, và mít; và các loại cây dùng trong kỹ nghệ như hạt điều, vân vân. Vùng phù sa mới là vùng đất thấp, nằm về phía Nam Sài Gòn, chạy từ Nhà Bè ra biển. Vùng nầy quanh năm chịu ảnh hưởng của thủy triều và gió mùa, nên đất đai sình lầy với nhiều sông rạch. Dù không phì nhiêu như đồng bằng sông Cửu Long, các vùng Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, An Lộc, Lộc Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu, Bà Rịa... vẫn có những khu vườn xanh mát bên cạnh những khu rừng bao la bạt ngàn. Khi thoạt nhìn toàn vùng, chúng ta cứ tưởng toàn thể đồng bằng Bình Dương có cấu trúc địa chất giống như các vùng khác của đồng bằng miền Đông, nhưng kỳ thật nó khác nhau. Khác với các vùng từ biên giới Cao Miên với các vùng Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long và Phước Long là vùng đất đỏ (bazan), chen lẫn với các vùng đồi núi thấp nơi mà thượng nguồn các dòng sông Đồng Nai và La Ngà chảy ngang qua. đa số đất đai của tỉnh Bình Dương nằm trong khoảng giữa sông Sài Gòn và sông Bé, là bậc thềm phù sa cổ, có đất màu xám cũng như các vùng Vùng Tây Ninh từ biên giới xuống Bến Cát và Thủ Dầu Một, qua Chơn Thành, Phước Thành, từ Tân Uyên lên Đồng Xoài, tuy không phì nhiêu như vùng đất đỏ, nhưng lại thích hợp cho việc trồng các loại cây lâu năm. Các vùng nằm trong lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, từ biên giới Việt-Miên, xuống Gò Đầm, Trảng Bàng, Củ Chi, qua Thủ Dầu Một đến phía Nam thành phố Sài Gòn là vùng đồng bằng thung lũng, thấp hơn các vùng khác chung quanh, nhưng vẫn cao hơn mặt đất của đồng bằng sông Cửu Long. Về phía Bắc Đông Bắc của tỉnh Bình Dương, những dãy đồi thấp đất đỏ (bazan) tiếp giáp với các vùng Bình Long và Phước Long là cái đuôi của vùng cao nguyên Trung Phần, vùng của những núi lửa cổ được lấp đầy bởi những dung nham của chính những núi lửa nầy. Vùng đất nầy có tính giữ nước tốt hơn vùng đất xám nên đất đai tương đối mầu mỡ hơn và rất thích hợp cho việc trồng các loại cây cao su, cà phê, hạt điều và hồ tiêu.

--------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

-------------------------------
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét