Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Quần Đảo Côn Sơn Phần 2

Quần Đảo Côn Sơn Theo Dòng Thời Gian:

Từ xa xưa quần đảo Côn Sơn đã là sào huyệt của bọn cướp biển Mã Lai, Java và Champa. Thời mà các thương thuyền đi biển hãy còn là những chiếc tàu buồm chậm chạp thì bọn cướp biển đã dong ruổi từ eo biển Malacca đến tận vùng Côn Sơn để cướp những tàu buôn lớn từ Ấn Độ Dương đi Trung Hoa. Từ các thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVI, người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã từng ghé lại quần đảo nầy, vì khi người Pháp tới đây vào cuối thế kỷ thứ XVII họ đã tìm thấy những đồng tiền có ghi năm 1521. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, hai công ty Pháp và Anh đã để ý tới quần đảo nầy. Năm 1686, chủ thương quán Pháp tại Ayuthia (Thái Lan ngày nay), tên là Véret đã chọn Côn Sơn để lập một thương quán, vì ông cho rằng quần đảo nầy là nơi thuận tiện nhất trong vùng Biển Đông. Véret đã viết lại trong nhật ký: “Tàu Nam Hà muốn buôn bán ở Ấn Độ phải đi ngang qua đảo nầy, cũng như tàu thuyền ở Ấn Độ muốn đi đến Trung Hoa cũng phải đi ngang qua đó, con đường nầy cũng quan yếu như eo biển Malacca bên Mã Lai vậy. Vả lại, phải tính rằng việc thương mãi với Cao Miên và Ai Lao là quan trọng, vì ngoài những hàng hóa như của Xiêm La, hai nước ấy còn có vàng, xạ hương, hồng ngọc, ngà voi, trầm hương, và nhiều món hàng quí hiếm khác.” Năm 1702, một công ty của Anh đã xây dựng trên đảo Côn Sơn (Poulo Condore) một cái đồn làm thương quán(4), giao cho Allen Cacthpole làm quản lý. Tuy nhiên, sau đó ít lâu, Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phước Phan đã mướn một số người Mã Lai ra đó phóng hỏa đốt thương quán nầy. Sau đó một thời gian, người Anh vẫn quan tâm tới đảo Côn Sơn và cũng đã nhiều lần cho người đến đây với ý định tái xây dựng lại thương điếm tại đây nhưng không thành công. Đến năm 1721, người Pháp cũng phái một người tên Renault đến Côn Lôn nghiên cứu việc xây dựng một thương điếm tại đây. Tuy nhiên, Renault đã báo cáo rằng Côn Lôn nghèo nàn, không có tài nguyên, khí hậu xấu, khiến người Âu Châu không làm việc được. Chính vì đó mà người Anh không muốn trở lại đây. Về sau nầy, vào năm 1755, một thương gia người Pháp ở Ấn Độ tên Protais Leroux đã đệ trình lên Thượng Thư bộ Tài Chánh Pháp là Machault một đề án trình bày những lợi ích của việc thiết lập một thương điếm trên đảo Côn Lôn. Trong đề án, Protais Leroux nói rằng: “Nên đến sớm ở Poulo Condore để buôn bán, hoặc dùng đảo nầy làm nơi nghỉ ngơi cho tàu thuyền đi từ Âu Châu sang Trung Hoa và trữ hàng hóa. Dân bản địa chỉ khoảng chừng 1.500 người thuộc xứ Đàng Trong ra đây khai thác đất đai, họ vốn có bản tánh hiền lành, khéo léo và siêng năng. Nếu chúng ta đối đãi tử tế với họ thì họ sẽ giúp chúng ta mở mang thương mãi ở khắp Biển Đông, như thế sẽ có lợi cho công ty Pháp và thiệt hại cho các công ty Anh và Hà Lan. Vả lại, Poulo Condore còn những lợi điểm về chiến lược nữa. Nếu người Pháp thiết lập cơ sở ở đó thì trong trận chiến tranh vừa rồi, công ty đã không mất những tàu ở Trung Hoa và ở Ma Ní (Manila), và có lẽ việc thương mãi của người Hà Lan và người Anh đã suy giảm trong khi đó việc thương mãi của công ty Pháp có lẽ đã thịnh vượng ở Âu Châu và Ấn Độ.” Lúc đó công ty Pháp đã suy vi bên Ấn Độ và bị người Anh giành dật gần hết lợi thế, nên chánh phủ Pháp thời Thủ tướng Choiseul dưới triều vua Louis XV cố tìm đặt một cơ sở bên phía Đông Nam châu Á để bù lại những gì đã mất. Ngay từ năm 1755, Thủ tướng Pháp là Choiseul đã có âm mưu dùng võ lực đánh úp xứ Đàng Trong để chiếm hết những kho tàng của xứ nầy, nhưng sau đó vị Thủ tướng nầy bị bãi chức, nên âm mưu nầy cũng bị bãi bỏ. Tuy nhiên, việc xâm chiếm xứ Đàng Trong luôn được các chánh phủ Pháp để ý đến.
Trên Côn Đảo hãy còn ngôi miếu cổ An Sơn, được xây từ năm 1785 để thờ bà Phi Yến, vợ của Nguyễn Ánh, đã chết lúc Nguyễn Ánh chạy trốn Tây Sơn ra đây. Lúc Nguyễn Ánh tính đưa hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đem sang Pháp làm con tin, bà Phi Yến đã can ngăn Nguyễn Ánh, chẳng những không nghe mà Nguyễn Ánh còn định giết bà vì nghi bà thông đồng với Tây Sơn. Về sau quần thần can ngăn nên bà bị Nguyễn Ánh nhốt vào hang đá. Khi quân Tây Sơn đánh ra Côn Sơn, con bà Phi Yến là hoàng tử Cải nằng nặc đòi cho mẹ theo, Nguyễn Ánh chẳng những không cho Phi Yến đi mà còn ném con mình xuống biển, quả đúng là phong cách của một ông vua Thế Tổ nhà Nguyễn, suốt đời bôn ba đó đây cầu viện, hết Xiêm rồi tới Tây chỉ mong giành giựt lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn, để rồi chỉ hơn nữa thế kỷ sau đó, chính con cháu của ông đã tuần tự trao hết phần đất nầy đến phần đất khác của tổ quốc cho giặc Tây. Thời kỳ Nguyễn Ánh bôn tẩu ra Côn Sơn thì tại đây có một ngôi làng nhỏ với khoảng 30 hộ gia đình. Khắp thị trấn Côn Đảo người ta trồng nhiều cây bàng loại lá lớn rất mát. Họ làm ruộng và đánh cá biển và có thể tự túc thực phẩm. Thỉnh thoảng họ mang cá khô về đất liền để đổi lấy những thứ nhu yếu phẩm khác.
Dưới thời vua Minh Mạng, Côn Đảo trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ(5), phong trào kháng chiến nổi lên khắp nơi, nên vào năm 1862, đô đốc Bonard cho xây dựng tại đây một ngôi nhà tù dùng để nhốt những người chống đối thực dân Pháp(6). Lúc đầu nhà tù do các quân nhân thuộc hải quân Pháp cai quản. Vào năm 1864, một trận dịch tả khủng khiếp đã giết gần hết cư dân trên đảo, kể cả tù phạm và cai tù. Dưới thời Pháp thuộc, Côn Đảo được đặt dưới quyền cai quản của một quan chức hành chánh hay một sĩ quan quân đội với chức vụ Giám Đốc Ngục và Quần Đảo. Số lượng tù nhân trên đảo lúc nào cũng vào khoảng từ 1.500 đến 2.000 người. Khi số tù nhân quá đông thì những tù nhân bị án nhẹ, có thể từ một đến ba năm, được trại tù cho sống chung với dân làng. Họ cũng làm ruộng, chăn nuôi, trồng trọt, hay đi đánh cá như dân làng. Ngoài ra, họ còn chăm sóc các lò vôi(7) cho các cai tù người Pháp. Năm 1936, chánh quyền Pháp dưới sự yểm trợ của hai ông bộ trưởng của Mặt Trận Bình Dân là ông Marius Moulet và Max Roucart, muốn bãi bỏ nhà ngục trên Côn Đảo để xây dựng một sòng bạc có tầm cỡ như Ma Cao hay Hương Cảng, nhưng rồi đệ nhị thế chiến bùng nổ và kế hoạch không thành. Đến năm 1954, sau khi Việt Nam thu hồi độc lập, nhà tù Côn Đảo tuy vẫn còn đó nhưng số tù nhân tại đây hầu như không có. Cho mãi đến năm 1957, chánh quyền Ngô Đình Diệm mới bắt đầu xử dụng nhà tù Côn Đảo để giam những người bất đồng chánh kiến cũng như những người chống đối chế độ. Về sau nầy, chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc ngày càng khốc liệt nên Việt Nam Cộng Hòa đã dùng Côn Đảo làm nơi giam giữ tù binh chiến tranh cũng như chính trị phạm.

Chú Thích: 
 
(1) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, NXB Thuận Hóa 1997, Tập V, quyển XXIX, tr. 154-156.
(2) Theo Lê Bá Thảo trong “Thiên Nhiên Việt Nam”, NXB Giáo Dục, TPHCM, 2006, tr. 248-249.
(3) Năm 1776, khi Lê Quý Đôn viết bộ Phủ Biên Tạp Lục thì ông đang làm quan dưới triều nhà Lê. Khi quân của chúa Trịnh đánh chiếm vùng Thuận Quảng, ông được vua Lê cử vào xứ Đàng Trong để thanh tra sổ sách thuế má. Chính vì thế mà ông không gọi các chúa là chúa Nguyễn mà gọi là họ Nguyễn.
(4) Theo Ch. B. Maybon trong ‘Histoire Moderne du Pays l’Annam’, một số người Célèbes mà Allen Cacthpole đã thu dụng, vì bị giữ lại quá hạn giao ước nên đã nổi dậy phóng hỏa đốt thương quán và giết nhân viên. Tuy nhiên, theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, tháng 8 năm 1702, giặc biển An Liệt, tức người Anh Cát Lợi, đem 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn, trưởng nhóm là Tô Thích Già Thị, tức Cacthpole cùng 4 người khác tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban và ngũ ban, cùng đồ đảng hơn 200 người, xây dựng trại sách, trong chứa của cải như núi, bốn mặt trại sách đều có đặt súng đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phước Phan, con trưởng của Chưởng dinh Trương Phước Cương, bèn báo lên chúa Nguyễn. Chúa sai Phước Phan nên tìm cách trừ bọn ấy. Tháng 10 năm 1703, Trấn thủ Trương Phước Phan mộ 15 người Chà Và, giả bộ về hàng với nhóm An Liệt để thừa lúc chúng sơ hở mà triệt hạ. Bọn An Liệt đã chiếm cứ Côn Lôn hơn một năm mà không thấy xứ Đàng trong xét hỏi gì cả, bèn tự lấy làm đắc chí, không phòng bị. Chính vì thế mà đang đêm nhóm 15 người Chà Và đã phóng hỏa đốt thương quán, đồng thời đâm chết nhất ban và nhị ban, bắt trói ngũ ban, còn tam ban và tứ ban đã kịp thời bỏ trốn bằng đường biển. Trương Phước Phan hay tin bèn cho binh thuyền ra Côn Lôn thâu hết vàng bạc của cải. Tên ngũ ban đã chết dọc đường trên đường giải về Trấn Biên.
(5) Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
(6) Hồi đó nhà tù Côn Đảo dùng để giam những người bị kết án trên một năm nhưng dưới 10 năm. Nếu những tù phạm nào bị kết án trên 10 năm thì thực dân Pháp cho đi đày sang đảo Réunion bên Phi Châu.
(7) Trong vùng quần đảo Côn Sơn có rất nhiều đá san hô, nên các cai tù người Pháp thời đó bắt các tù nhân phải đi lấy nguyên liệu san hô về nung vôi. Theo La Cochinchine vào năm 1863, trung úy Bizot hứa với đô đốc La Grandière là sẽ cho chạy sáu lò vôi, có thể cung cấp vôi cho toàn bộ Nam Kỳ nhờ vào nguồn san hô vô tận tại đây.

---------------------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét