Nhìn
vào lịch sử nhà Đinh và Tiền lê, chúng ta thấy một nhân vật nữ rất nổi
bật, đó là Dương Thái Hậu. Dương Thái Hậu được biết đến nhiều không phải
có công lớn lao với đất nước, mà do Bà là Hoàng Hậu của hai vị Hoàng đế
(*), Mẫu Hậu của ba vị Vua (?).
Theo lịch sử, vua Đinh Tiên Hoàng có người vợ là Dương Thị (**), không hề có tên Dương Vân
Nga. Đó là cái tên xuất phát từ vở Chèo của Trúc Đường và được biên
soạn lại thành hai vở Cải Lương một của Soạn giả Huy Cường, Thanh Nga
thủ vai Thái Hậu Dương Vân Nga. Một của Hoa Phượng, Bạch Tuyết thủ vai
Dương Vân Nga và sau đó còn rất nhiều Nữ nghệ sĩ tên tuổi khác diễn vai này.
Các vở diễn được trình diễn liên tục từ sau năm 75 và
cả Thập niên 80 của thế kỷ 20, trên đất nước Ta và cả hải ngoại. Do
được quảng bá rộng rãi, mọi người đã biết đến một thái hậu Dương Vân Nga
đáng kính phục, vì biết đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên
quyền lợi gia đình và cá nhân. Thái hậu Dương Vân Nga trở thành một nhân
vật huyền thoại thật đẹp trong lòng mọi người!!!
Chúng ta cùng tìm hiểu qua những nhận định trong sử sách, cũng như thực tế có đúng như
nội dung của các vở diễn, hay các soạn giả đã đã cố tình bóp méo lịch sử.
1 - Theo Truyền Thuyết Dân Gian
Theo Nguyễn Danh Phận dẫn trong cuốn sách Nhà Đinh dẹp loạn và dựng nước, tên thật của bà là Dương Ngọc Vân, con gái của Dương Tam Kha, còn sách Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc
lại nêu bà Dương Ngọc Vân là con gái của Dương Nhị Kha (tức anh của
Dương Tam Kha)? Riêng cái tên Dương Vân Nga mang đậm màu sắc văn nghệ
được lấy từ một cái “thuyết” mà độ tin cậy chưa ai dám khẳng định, rằng
bà là con gái của ông Dương Thế Hiển, quê ở Nho Quan, Ninh Bình.
Ninh Bình hiện nay có truyền nhau cuốn truyện
bằng văn vần có tựa là Hoa Lư Tự Sự, mô tả sự việc như sau:
...Dương thị Vân phản bội chồng
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Đặt mưu hiểm lập chước gian
Đầu độc giết chết Tiên Hoàng Cha Con...
Có một chuyện mà chưa mấy ai
biết do chính Tiến sĩ Trang Phượng, nguyên Viện trưởng Viện Mỹ Thuật
Việt Nam kể lại. Số là trong một lần dẫn anh em của Viện đi thực tế tại
Hoa Lư, Ninh Bình vào năm 1981, anh em trong đoàn được sắp xếp nghỉ tại
đền thờ Lê Hoàn. Riêng ông Trang Phượng thì được mời về ngủ tại đền thờ
Đinh Bộ Lĩnh ở gần đó với lời giải thích vì ông là khách quý. Ông từ giữ
đền thờ cho biết tục lệ của làng mỗi khi đến ngày giỗ Đinh Bộ Lĩnh là
họ làm lễ rước tượng bà Dương Thị từ đền thờ Lê Hoàn sang đền thờ Đinh
Bộ Lĩnh rồi cúng xong lại trả “Bà” về.
Tuy nhiên trước khi rước vào
kiệu thì họ phải lật đít tượng lên đánh mười roi! Đây là tục lệ ông bà
từ xa xưa để lại và cứ mỗi năm con cháu đều phải nghiêm chỉnh thực hiện
(theo chúng tôi tìm hiểu thì tục lệ đánh đít tượng mười roi hiện nay đã
được bỏ sau khi có lời khuyên của một vị lãnh đạo nhà nước nhân chuyến
công tác tại Ninh Bình và ghé thăm lễ hội ở Hoa Lư). Một chi tiết thú vị
nữa mà ông Trang Phượng được ông từ nọ kể lại là khi đoàn chiếu phim vở
chèo của ông Trúc Đường (sau được chuyển thể thành cải lương) về chiếu
phục vụ bà con Hoa Lư đã bị người dân nơi đây phẫn nộ khiêng máy móc ném
cả xuống ruộng!
2 - Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca
Đây
là một quyển sử được viết theo thể thơ Lục Bát, Tác giả Lê Ngô Cát và
Phạm Đình Toái. Bản phiên dịch chữ Quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký
xuất hiện vào năm 1870. Trong đó có đoạn viết về việc Dương Thái Hậu
cùng Lê Hoàng phế Nhà Đinh, lập nhà Tiền Lê như sau:
Trong cung đã thấy áo vàng đưa ra,
Trường-yên đổi mặt sơn-hà,
Đại-Hành trí-lược thực là cũng ghê!
Vạc Đinh đã trở sang Lê,
Nàng Dương chăn gối cũng về hậu-cung...
3 - Theo Sử Ký
Theo Sử, Đinh Tiên Hoàng và Con trai là Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích ám sát.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu gần đây, có xu hướng bác bỏ giả thiết cho rằng cha con Đinh Tiên Hoàng là do Đỗ Thích
giết, mà đặt giả thiết thủ phạm chính là Lê Đại Hành, cùng với sự hậu
thuẫn của Dương Vân Nga. Họ lý giải rằng Lê Hoàn muốn toan tính lấy
ngôi, còn Dương Vân Nga trong cuộc tranh đua với các Hoàng Hậu khác, để
giành ngai vàng cho con trai đã cấu kết với Lê Hoàn .
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích ám sát.
Sau khi Đinh Tiên Hoàng và Thái Tử Đinh Liễn bị đầu độc chết, Định
quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Đinh Toàn (Tuệ)
lên ngôi Hoàng đế xưng hiệu Đinh Phế Đế, tôn gọi vua cha là Tiên Hoàng Đế, tôn mẹ đẻ [vua mới] là Dương Thị làm Hoàng thái hậu.
Rước linh cữu Tiên Hoàng Đế về táng ở sơn lăng Trường Yên.
Vua nối ngôi khi mới 6 tuổi. Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công, tự xưng là Phó
Vương. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc, ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Hoàn sẽ làm điều bất lợi
cho vua nhỏ, bèn cùng nhau dấy binh, chia hai đường thủy bộ, muốn tiến về kinh đô giết Hoàn,
nhưng không đánh nổi, bị giết.
Năm
980, lợi dụng An Nam Quận Vương Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn mất, vua mới
còn nhỏ tuổi, triều Đinh rối loạn, vua Tống cho quân sang đánh. Dương
Thái Hậu cùng chúng thần phế bỏ Đinh Phế Đế, tôn Lê Hoàn lên làm vua.
Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thiên Phúc năm đầu [ 980 ],
giáng phong vua làm Vệ Vương. Năm Nhâm Ngọ, Thiên Phúc năm thứ 3 [982] , lập Hoàng
thái hậu nhà Đinh là Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Hậu là vợ của Tiên Hoàng, mẹ đẻ của
Vệ Vương Toàn.
Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói : Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, [16a] con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sau ?
- Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi:
Nhà
vua nối ngôi, mới lên sáu tuổi. Bọn Nguyễn Bặc đều là đại thần phụ
chính; còn Lê Hoàn trong tay giữ cả binh quyền, tự do ra vào nơi cung
cấm. Thái hậu phải lòng Hoàn, rồi cùng nhau tư thông, cho Hoàn quyền tạm
làm công việc thay vua như Chu Công khi trước. Lê Hoàn cậy có Thái hậu cưng yêu, không kiêng sợ chi cả.
Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (982). (Tống, năm Thái Bình hưng quốc thứ 7).
Nhâm Ngọ, năm thứ 3 (982). (Tống, năm Thái Bình hưng quốc thứ 7).
Lập Đinh Thái Hậu là Dương thị làm Đại thắng minh hoàng hậu.
Dương
thị, trước kia lấy Đinh Tiên Hoàng, sinh ra Vệ vương Toàn. Toàn nối
ngôi, hãy còn nhỏ tuổi. Thái hậu tư thông với nhà vua, mưu việc chuyển
dời ngôi nhà Đinh. Đến đây lập Dương thị làm Đại thắng minh hoàng hậu.
Lại lập Phụng Kiền chí lý hoàng hậu, Thuận Thánh minh đạo hoàng hậu,
Trịnh quốc hoàng hậu và Phạm hoàng hậu, cộng năm Hoàng hậu.
- Việt Nam Sử Lược:
Vệ-vương Đinh Toàn mới có 6 tuổi lên làm vua, quyền-chính ở cả Thập-đạo
tướng-quân là Lê Hoàn 黎 桓. Lê Hoàn lại cùng với Dương Thái-hậu 楊 太 后 tư
thông.
Kết Luận
Trong xã hội, thời đại nào cũng thế, nếu một điều sai được phổ biến rộng rãi, gây nên hiện trạng vàng thau lẫn lộn, có thể sẽ khiến sai trở thành đúng và đúng trở thành sai.
Trở lại con người của Dương thái Hậu, qua những dẫn chứng trên, Dương Thái Hậu có đáng được ca tụng như các vở Chèo, Cải lương như thế chăng? Trong phạm vi văn hoá nghệ thuât, các soạn giả đươc tự do hư cấu để có nét mới lạ, làm tăng sự hấp dẫn của tác phẩm. Tuy nhiên không vì thế mà bẻ cong lịch sử, sai sự thật về con người của Dương Thái Hậu, như thế sẽ ảnh hưởng xấu trong việc giáo dục các thế hệ mai sau ở bộ môn Lịch Sử nước nhà.
Hoàng Hậu Nhị Triều
Vân Nga hoàng hậu hai triều
Sử xanh còn đó bao điều thị phi
Muốn ngợi ca chẳng có gìVới Bà đáng phải khinh khi lưu truyền
Thái Hậu sao chẳng chính chuyên
Vì tình quên nghĩa lo riêng phần Bà
Mặc cho thần tử kêu ca
Ngai vàng nhất quyết làm quà họ Lê
Ấu Chúa Đinh thật não nề
Mẹ không lo phận bỏ bê ngôi trời
Đại Thắng Minh Hoàng Hậu ơi (*)
Nay xin góp nhặt ít lời thế gian
Viết tuồng bỏ sách soạn càng
Dẹp qua lịch sử khen ngang công người
Trắng đen tráo trở mà chi
Rõ ràng là rắn sao ghi thành rồng
Hậu thế xin chớ nói cong
Tội trừng công thưởng theo dòng sử xanh.
Quên Đi
(*) Danh phong Hoàng Hậu của Vua Lê Đại Hành ban cho Thái Hậu Dương Vân Nga khi lên ngôi.
(**) Danh sách 5 bà Hoàng Hậu của Đinh Tiên Hoang không hề có tên Dương Thị. Có thể Bà chỉ là một cung tần.
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
(Theo
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư-Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca-Khâm Định Việt Sử Thông
Giám Cương Mục-Việt Nam Sử Lược-honvietquochoc.com.vn-wikiperia.org)
-----------------------------------------------------------------------------------------
(*) Theo chính sử thì Thái hậu Dương Thị là vợ của hai vị vua Đinh Tiên
Hoàng và Lê Hoàn mặc dù nhiều nhà sử học như Lã Duy Lan, Phan Duy Kha,
Đinh Công Vĩ trong cuốn Nhìn lại lịch sử còn chứng minh bà
là vợ của ba vua chứ không phải hai vua. Theo những nhà sử học này, khi
bình loạn mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã giết chết Hậu Ngô vương
Xương Văn và lấy Dương Thị - vợ của Ngô Xương Văn làm vợ vì mục đích
chính trị ( Nhị Hà ).
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét