Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam - Theo Dòng Thời Gian Phần 1

(Vua Lê Thánh Tôn)

2. Đất Phương Nam Theo Dòng Thời Gian 



Tổng Quan Lịch Sử Mở Cõi Về Vùng Đất Phương Nam: 



 Lịch sử Nam tiến nhằm mở đất về phương Nam của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với kế hoạch khẩn hoang đã có từ thời các vua Đinh, Lê, Lý, Trần... Ngay từ thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), nhà vua đã nhìn thấy cảnh đất hẹp người đông của xứ Đại Việt, nên ngài đã cho thi hành kế sách thành lập những đồn điền nơi vùng biên trấn phương Nam. Chánh sách đồn điền của các vị vua thời nhà Lê đã đem đến những lợi ích thiết thực cho dân tộc Việt Nam, một là giữ được an ninh cho vùng biên thùy, hai là mở rộng bờ cõi một cách ôn hòa. Chính vua Lê Thánh Tôn đã đặt ra chức quan Thu Ngự Kinh Lược Sứ đầu tiên với nhiệm vụ chiêu tập lưu dân, gồm những người tình nguyện và những tội nhân bị lưu đày biệt xứ, cũng như những người bỏ làng để trốn lính và thuế đều được cho vào nhóm lưu dân đi khẩn đất phương Nam. Chính những quan kinh lược thời nhà Lê đã âm thầm đưa lưu dân lấn sang đất Champa, thành lập những đồn điền do quân đội trấn giữ an ninh, đã đặt các vua Chiêm Thành trước việc đã rồi, nhưng vì thời đó quân đội Champa quá yếu nên họ không làm gì được. Tuy nhiên, mãi đến đời các chúa Nguyễn, nhờ sự khôn khéo của các chúa mà công cuộc Nam Tiến đã thành công rực rỡ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Thật vậy, chỉ trong vòng 137 năm kể từ khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho vua Chei Chetta II (Nặc Ong Thu II) vào năm 1620 đến năm 1757, tức là năm mà vùng đất cuối cùng của vùng Thủy Chân Lạp rơi vào tay xứ Đàng Trong để hoàn thành công cuộc Nam Tiến của dân tộc. Như vậy sau nhiều thế kỷ trải qua nhiều triều đại, đến năm 1757, cuộc Nam Tiến coi như kết thúc, vào năm nầy chủ quyền vùng Nam Kỳ hoàn toàn thuộc về xứ Đàng Trong.
Tóm lại, trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha anh chúng ta đã hy sinh quá nhiều xương máu mới để lại cho chúng ta một dãy giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong tiến trình Nam tiến, dân tộc Việt Nam đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu phục Chiêm Thành và Chân Lạp.
Biên giới phương Nam thời kỳ nhà Ngô thu hồi nền độc lập là vùng núi non tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1069, vua Lê Đại Hành đã thu phục các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình và phía Bắc Quảng Trị, đến năm 1306 Đại Việt làm chủ phần đất Quảng Nam và Quảng Ngãi, năm 1402 làm chủ Qui Nhơn, năm 1471 làm chủ Phú Yên, 1611 làm chủ Khánh Hòa, 1653 làm chủ Phan Rang, 1693 làm chủ Phan Thiết, 1698 chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược xứ Nông Nại(1), và cuối cùng năm 1757, xác lập chủ quyền trên toàn cõi Nam Kỳ. Đặc biệt nhất là với chánh sách khôn khéo và mềm dẻo mà chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ, các chúa tiền triều nhà Nguyễn đã thu phục toàn bộ đất Thủy Chân Lạp. Công lớn của các chúa Nguyễn là đã tiến hành một cuộc Nam Tiến mở cõi về phương Nam một cách êm thấm, không hề có đổ máu với cư dân bản địa. 



Nam Kỳ Trải Qua Các Thời Đại:



Vùng đất Phương Nam chỉ thực sự được khai sinh khi dòng họ Nguyễn chính thức ly khai với vua Lê-chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài bắt đầu từ năm 1600 trở về sau nầy khi lần cuối cùng Nguyễn Hoàng dứt khoát không trở ra Bắc để chầu vua Lê nữa. Nguyễn Hoàng và những người kế nghiệp ông đã từng bước biến Thuận Quảng thành một vùng lãnh thổ độc lập về tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, và xã hội để tạo nên một Đàng Trong phân biệt với Đàng Ngoài. Đối với xứ Đàng Ngoài, về danh nghĩa, Nam Triều thuộc về vua Lê chúa Trịnh, nhưng theo quan điểm của Nguyễn Hoàng và con cháu dòng họ Nguyễn thì chúa Trịnh đã cướp công của họ Nguyễn. Vì vậy ý định phục thù vẫn luôn tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của chín chúa triều Nguyễn. Tuy bên trong nắm quyền cai quản xứ Thuận Quảng, nhưng bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra mềm dẻo với vua Lê-chúa Trịnh, để dòng họ Nguyễn có đủ thời giờ gây tạo thanh thế. Đến khi đã có đủ sức mạnh trong tay, đời Nguyễn Phúc Nguyên đã cho sửa thành lũy, đặt quan ải, và công khai cải tổ chính quyền khác hẳn với Nam Triều. Đối với các lân quốc phương Nam, các chúa Nguyễn đã từng bước xâm thực như “tầm ăn dâu”, từng bước xác lập chủ quyền của mình trên những vùng đất mới, từng bước xác lập quyền lực để hình thành xứ Đàng Trong, và kết quả là đưa đến nhiều đổi thay của lịch sử dân tộc(2).
Nói về vùng đất Nam Kỳ, tưởng cũng nên nhắc lại, trước đây là lãnh thổ của vương quốc Phù Nam và sau nầy thuộc Chân Lạp. Lưu dân người Việt có thể đã đến đây từ rất lâu trước khi các chúa Nguyễn chính thức thành lập bộ máy hành chánh tại đây. Vùng đất phía Nam nơi mà tổ tiên chúng ta đã đặt chân đến đầu tiên có lẽ là vùng Mô Xoài-Bà Rịa, tức là vùng Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay. Đây là vùng đất cực nam của đất nước mà triều đình xứ Đàng Trong đã thu phục được từ vương quốc Chân Lạp trong một tiến trình hết sức hòa hoãn.
Cho đến ngày nay, lịch sử và cư dân cổ của vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần Việt Nam hãy còn nhiều bí ẩn tiềm tàng dưới lòng đất, và hãy còn đang chờ đợi các nhà khảo cổ đưa ra ánh sáng. Danh xưng Nam Kỳ do vua Minh Mạng đặt ra vào năm 1834 sau khi ông cho bãi bỏ Gia Định Thành. Dưới thời Pháp thuộc, họ vẫn xử dụng danh xưng Nam Kỳ Thuộc Địa. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm 1945, vì muốn xóa bỏ danh xưng của người Pháp nên Thống Sứ Nhật là Nishimura đã ký sắc lệnh đổi “Nam Kỳ” ra “Nam Bộ”.

Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh lên cầm quyền, họ vẫn dùng danh xưng đã thay đổi từ thời Nhật chiếm đóng để gọi tên các vùng là “bộ” như Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Sau năm 1954, miền Nam theo chánh thể Cộng Hòa, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa gọi miền Trung là Trung Phần, và miền Nam là Nam Phần. Nói về lịch sử của vùng đất nầy thì vương quốc Phù Nam đã bị Chân Lạp triệt tiêu từ thế kỷ thứ 7, nhưng mãi đến cuối thế kỷ thứ 17, triều đình Chân Lạp vẫn chưa thiết lập và chưa hề có ý định thiết lập các cơ quan hành chánh hay đồn binh để bảo vệ đất đai và dân chúng trên vùng đất Thủy Chân Lạp. Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì toàn bộ vùng đất nầy hãy còn chìm trong hoang vu(3) với những cánh rừng ngập mặn, không có thôn ấp, không có làng xã, cũng không có chợ búa. Khi nói đến Nam Kỳ Lục Tỉnh mà không nói đến công nữ Ngọc Vạn là một sự vong ân bội nghĩa không thể chấp nhận được. Trước khi công nữ Ngọc Vạn được gả về cho Miên vương Chey Chetta II thì vùng đất nầy chỉ có những lưu dân mạo hiểm người Việt từ các vùng Thuận Hóa vào đây tìm sinh lộ một cách lẻ tẻ, hoặc giả có một số tù phạm vượt thoát vào đây, và đây chỉ là những người đi tiên phong trong cuộc mạo hiểm của chính họ, chứ chưa có quốc sách nào về vùng đất Thủy Chân Lạp nầy.
Thật tình mà nói, việc công nữ Ngọc Vạn theo chồng về Cao Miên có thể được xem như là một bước ngoặt lớn đối với tiến trình Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, vì kể từ đó về sau nầy, cả vùng đất bao la bạt ngàn nầy tuần tự rơi vào tay của xứ Đàng Trong mà các chúa không phải tốn nhiều xương máu của dân tộc Việt Nam. Sau cuộc hôn nhân ấy thì các chúa Nguyễn luôn sẵn sàng giúp đỡ về mặt quân sự để cho các vua Miên bảo vệ vương quốc của họ khỏi sự xâm lăng của người Thái. Chúng ta thấy rõ cứ mỗi lần các chúa tiến quân lên Miên giúp họ chống lại Xiêm La là mỗi lần các vua Miên nhường lại cho triều đình nhà Nguyễn một vùng đất hoang vu nào đó trên vùng Thủy Chân Lạp để đền ơn đáp nghĩa.
Thật ra cả vùng Thủy Chân Lạp chỉ thuộc về Chân Lạp trên danh nghĩa mà thôi, chứ trong thực tế mãi đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì hầu như không có người Khmer nào cư trú trên vùng đất nầy. Kỳ thật, sau khi thấy những lưu dân người Việt đổ xô đến đây, người Khmer cũng theo chân những lưu dân ấy đến đây tìm đất sống. Tuy nhiên, họ chỉ sinh sống trên những giồng đất cao mà thôi, chứ không chịu khai khẩn những vùng đất trũng thấp như người Việt.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. Khoảng những năm từ năm 1732 đến năm 1735, quân Cao Miên tấn công vào người Việt Nam tại vùng Mô Xoài Bà Rịa nên mùa Đông năm 1735, đời Lê Cảnh Hưng thứ 14, triều đình xứ Đàng Trong sai Cai Đội Thiện Chánh Hầu làm Thống Suất, Ký Lục Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham Mưu điều khiển tướng sĩ 5 dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đồn trú ở xứ Bến Nghé, lập nên dinh trại, gọi tên là Đồn Dinh (nay là chợ Điều Khiển), lo luyện tập binh sĩ tính kế mở mang vùng biên địa.
Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh lo dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới.
Năm 1754, quân Gia Định chia làm hai đạo, Nghi Biểu Hầu đem kỵ binh từ sông Bát Đông tiến phát, quân Nam đi đến đâu quân Chân Lạp thua đến đó. Sau đó quân của Nghi Biểu Hầu hợp cùng với binh của Thiện Chánh Hầu tại vùng Tiền Giang.
Năm 1755, tại vùng Gia Định các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ong Nguyên xin nhượng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp cho xứ Đàng Trong để tạ tội, đồng thời xin cống nạp lễ vật còn thiếu ba năm trước đó. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng và Bạc Liêu).
Năm 1757, Nặc Ong nguyên băng hà, chú của Nặc Nguyên là Nặc Ong Nhuận dâng thêm các phủ Trà Vang và Ba Thắc để được chúa Nguyễn phê chuẩn cho lên ngôi. Ngay sau đó rể của Nặc Nhuận là Nặc Hinh giết cha vợ rồi cướp ngôi, nhưng rồi Nặc Hinh lại bị quan Ốc Nha Uông giết chết. Cùng năm đó, con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn dâng luôn vùng đất còn lại là vùng Tầm Phong Long để cầu cứu với Mạc Thiên Tứ dâng sớ lên chúa Nguyễn sắc phong cho ông làm vua Cao Miên. Sau đó Nặc Tôn lại dâng thêm 5 phủ Sài Mạc, Vũng Thơm, Cần Bột, Chân Sâm, và Linh Quỳnh cho xứ Đàng Trong.
Đến năm 1757, nền hành chánh của xứ Đàng Trong được coi như khá hoàn chỉnh. Riêng vùng Hà Tiên vẫn để cho con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm quan Đô Đốc cai trị. Toàn xứ Đàng Trong chia ra làm 12 dinh, mỗi dinh đều có quan Trấn Thủ cai trị: Chính Dinh (Phú Xuân), Cựu Dinh (Ái Tử), Quảng Bình Dinh, Vũ Xá Dinh, Bố Chính Dinh, Quảng Nam Dinh, Phú Yên Dinh, Bình Khang Dinh, Bình Thuận Dinh, Trấn Biên Dinh, Phiên Trấn Dinh, và Long Hồ Dinh. Tầm Phong Long là vùng đất cuối cùng sáp nhập vào xứ Đàng Trong. Đây là vùng đất mà ngày nay bao gồm các vùng Sa Đéc, Cao Lãnh, An Giang, Châu Đốc và một phần của Rạch Giá. Ngày đó quan Kinh Lược Nguyễn Cư Trinh cho lập đồn dọc theo sông Cửu Long, gần biên giới để bảo vệ an ninh cho cư dân miền Nam. Sau khi tiếp nhận vùng đất Tầm Phong Long, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát bèn lấy thêm vùng đất về phía nam của trấn Hà Tiên để thành lập 5 đạo. Trong đó Tân Châu, Châu Đốc và Đông Khẩu trực thuộc quyền cai quản của quan Lưu Thủ dinh Long Hồ về mặt quân sự và hành chánh. Trong khi Kiên Giang và Cà Mau (Long Xuyên cũ) trực thuộc Trấn Hà Tiên về quân sự, nhưng vẫn trực thuộc dinh Long Hồ về mặt hành chánh. Năm đạo ấy bao gồm: Đông Khẩu Đạo (tức vùng Sa Đéc ngày nay), Tân Châu Đạo (tức vùng cù lao Giêng ngày nay), Châu Đốc Đạo, Kiên Giang Đạo, và Long Xuyên Đạo (tức vùng Cà Mau ngày nay).
Như vậy đến cuối đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, tất cả miền Nam ngày nay đã thực sự thành hình. Vì vị trí chiến lược quan trọng của dinh Long Hồ về các mặt quân sự, kinh tế, và văn hóa nên quan Kinh Lược Nguyễn Cư Trinh đã cho dời lỵ sở của dinh qua xứ Tầm Bào. Năm 1765, lộng thần Trương Phúc Loan hủy bỏ sắc chỉ di chiếu của Võ Vương, nên thay vì lập con thứ 2 lên nối nghiệp chúa thì Trương Phúc Loan cho lập con thứ 16 của Võ Vương mới 12 tuổi lên làm chúa Định Vương. Định Vương bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy vào Gia Định, sau đó cả Định Vương lẫn Hoàng Thân Dương đều bị đại quân Tây Sơn bắt sống và giết chết.

Năm 1776, Nguyễn Ánh bị đại quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết nên phải lê gót trốn tránh khắp miền Nam. Thời nầy Nguyễn Ánh thường dùng đất Ba Giồng, thuộc Mỹ Tho ngày nay, làm căn cứ địa. Ba Giồng là một vùng đất rộng lớn từ Rạch Gầm (Mỹ Tho) tới Giồng Cái Én (Tân An). Nguyễn Ánh đã chiêu dụ chủ tướng quân Đông Sơn là Nguyễn Thành Nhơn nhằm tăng cường lực lượng tiến chiếm Sài Gòn. Trong thời bôn tẩu lẩn trốn nghĩa binh Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã nhiều lần lui tới đất Hà Tiên từ các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ. Tính từ năm 1776 đến năm 1782, Nguyễn Ánh đã hai lần kéo quân về đánh Sài Gòn nhưng đều thất bại.
Năm 1783, một lần nữa Nguyễn Ánh lại bị Nguyễn Huệ và nguyễn Lữ đánh cho một trận tan tác tại Sài Gòn. Sau đó Nguyễn Ánh kéo tàn quân chưa tới 100 người chạy về Ba Giồng lần nữa. Năm 1784, Nguyễn Ánh qua Xiêm cầu cứu với Xiêm Vương rước về hai tên tướng giặc là Chiêu Tăng và Chiêu Sương với trên 2 vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền dày xéo cả vùng Nam Kỳ, nhưng lại bị quân của Nguyễn Huệ đánh tan tại Rạch Gầm Xoài Mút.
Năm 1785, Nguyễn Ánh lại qua cầu viện với Xiêm vương lần nữa nhưng thất bại. Nghĩa là trong vòng 12 năm từ năm 1776 đến năm 1788, quân Tây Sơn làm chủ thành Gia Định, nhưng một mặt lúc nào Nguyễn Ánh cũng kéo quân về quấy phá, mặt khác ở phương Bắc quân Thanh đang đánh phá khắp nơi nên Tây Sơn không có thì giờ chỉnh đốn việc hành chánh ở Gia Định Thành. Mãi đến năm 1788, nhân lúc Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn đang ráo riết đánh giặc Thanh ở phương Bắc, Nguyễn Ánh kéo quân về đánh chiếm thành Gia Định và chia đất Nam Kỳ ra làm 4 dinh và 1 trấn: Trấn Biên Dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn Dinh (Gia Định), Trấn Định Dinh (Định Tường), Trấn Vĩnh Dinh (Vĩnh Long), và Hà Tiên Trấn.
Trước năm 1834, Nam Kỳ gồm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Đến năm 1834, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành và chia vùng đất miền Nam ra làm 6 tỉnh: 1) Biên Hòa (Đồng Nai), lỵ sở được đặt tại thành Biên Hòa. 2) Gia Định (Phiên An), lỵ sở được đặt tại thành Sài Gòn. 3) Định Tường (Mỹ Tho), lỵ sở được đặt tại thành Mỹ Tho. 4) Vĩnh Long (Long Hồ), lỵ sở được đặt tại thành Vĩnh Long. 5) An Giang (Long Xuyên và Châu Đốc), lỵ sở được đặt tại thành Châu Đốc. 6) Hà Tiên, lỵ sở được đặt tại thành Hà Tiên. Lệnh thành lập sổ địa bạ cho toàn quốc đã có từ thời Gia Long, nhưng mãi tới năm 1836 toàn vùng đất phương Nam có ít nơi chia thành mẫu sào, mà chỉ tính theo từng dây đất hay từng thửa đất mà thôi.
Chính vì thế mà vua Minh Mạng xuống chiếu sai quan Kinh lược Đại thần đến từng nơi trong vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh để khám xét, đo đạt từng khoảnh, từng thửa và chia ruộng đất thành đẳng hạng rồi giao cho dân sở tại lập thành địa bạ(4). Năm 1847, dưới Triều Tự Đức, Nam Kỳ được chia làm 3 quận, mỗi quận nhà vua bổ nhiệm một quan Tổng Đốc cai trị. 1) Quận Định Biên gồm tỉnh Gia Định và tỉnh Biên Hòa. 
Mời xem Tiếp Phần 2
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét