Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam - Công Nghiệp của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ - P.2





Nhờ tài đức của chúa Tiên Nguyễn Hoàng nên xứ Thuận Quảng được thịnh vượng, dân chúng được ấm no, yên ổn và hạnh phúc; kinh tế phồn thịnh và phát triển; tàu buôn ngoại quốc tới lui tấp nập nên việc buôn bán với nước ngoài rất phát đạt. Dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam gồm 5 phủ, 18 huyện, 3 châu, chạy dài từ Quảng Bình đến Bình Định ngày nay. Trấn Thuận Hóa gồm 2 phủ, 9 huyện, 3 châu: Phủ Tiên Bình gồm 3 huyện(29) và châu Bố Chính, tức châu Tiên Bình, sau đổi lại là Quảng Bình. Phủ Triệu Phong gồm 6 huyện(30) và 2 châu Thuận Bình và Sa Bồn. Trấn Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện: Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện(31), phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện(32), Phủ Hoài Nhân gồm 3 huyện(33).  



Chúa Nguyễn Phước Nguyên Và Các Chúa Nguyễn Sau Nầy  Với Kỷ Nguyên Mới Cho Xứ Đàng Trong: 

Chúa Nguyễn Phước Nguyên(34) sanh năm Quí Hợi 1563, nghĩa là 5 năm sau ngày chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, ông là con trai thứ 6 của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng. Sở dĩ con thứ 6 được lập lên ngôi chúa vì thời đó các con lớn đều mất, còn người thứ 5 tên là Hải thì đang bị lưu giữ làm con tin ở Bắc Hà. Trong số các con trai của Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, người con đầu là Hà, người thứ nhì là Hán, người thứ ba là Thành, thứ tư là Diễn, tất cả đều mất sớm. Năm 1603, ông được chúa Nguyễn Hoàng bổ nhiệm trấn thủ đất Quảng Nam(35). 

Nhận biết được vị trí trọng yếu của Quảng Nam về các mặt kinh tế và chiến lược nên chúa Nguyễn Phước Nguyên đã mở rộng giao thương với nước ngoài qua việc buôn bán ở vùng phố cảng Hội An. Thời đó thuyền bè từ các nước như Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Hòa Lan và Bồ Đào Nha đến buôn bán tấp nập tại Hội An, nhất là Nhật Bản. Sau khi lên ngôi chúa vào năm 1613, chúa Nguyễn Phước Nguyên đã mở rộng thương cảng Hội An(36) thành một thương cảng chính của xứ Đàng trong, nơi mà tất cả những tàu bè ngoại quốc đều phải ghé lại đây trong giao thương với xứ Đàng Trong. Khi nối nghiệp cha lên ngôi chúa, Nguyễn Phước Nguyên đã tròn 50 tuổi, và là người có đầy đủ khả năng cũng như điều kiện để kế nghiệp cha mình. 

Khi chúa Nguyễn Hoàng mất, vua Lê đã cử sứ giả vào thăm viếng và truy tặng Nguyễn Hoàng là Cẩn Nghi Công. Nhà vua cũng hạ chỉ phong cho Nguyễn Phước Nguyên làm Thái Bảo Thụy Quận Công. Khi chúa Nguyễn Phước Nguyên lên ngôi chúa, ông đã cho tu sửa thành lũy, đặt quan ải vỗ về dân chúng, nơi nơi đều vui phục. Thời bấy giờ dân chúng đều gọi chúa Phước Nguyên là chúa Phật. Cũng kể từ thời chúa Nguyễn Phước Nguyên, họ Nguyễn ở đàng trong xưng quốc tính là Nguyễn Phước. Thời Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), dầu ngài dự tính kế hoạch hòa hoãn với các lân quốc phương Nam như Chiêm Thành và Chân Lạp, nhưng đồng thời ngài cũng bắt đầu kế hoạch “Xâm chiếm không đổ máu” trên đất nước Chiêm Thành và Chân Lạp bằng cách cho lưu dân về khai khẩn và định cư tại các vùng xa xôi ở phương Nam như các vùng Kas Krobei và Prey Nokor, bây giờ là Sài Gòn-Chợ Lớn.        

Về phía xứ Đàng Ngoài, có lẽ chúa Trịnh ngoài Bắc đã thấy được sự lớn mạnh của chánh quyền và quân đội xứ Đàng Trong nên năm 1619, Trịnh Tùng đã đem quân vào đánh chúa Nguyễn ở Thuận Quảng. Chúa Nguyễn Phước Nguyên đã đem quân chống trả quyết liệt, và cũng kể từ đó chúa Nguyễn không còn tiếp tục nộp thuế cho triều đình vua Lê nữa. Năm thứ hai niên hiệu Vĩnh Tộ vua Lê Thần Tông, tức năm Canh Thân 1620 sau Tây Lịch, em của Nguyễn Phúc Nguyên là Văn Quận Công và Hữu Quận Công mật gởi tờ khải lên triều đình, đại ý nói “Phúc Nguyên phản bội triều đình, xin cho quan quân đến đánh, hai người ấy xin làm nội ứng. 

Sau khi mọi việc yên ổn, hai người ấy xin chia nhau làm trấn thủ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.” Chúa Trịnh phong cho Đăng Quận Công Nguyễn Khải làm Chinh Nam Đại Tướng Quân và sai đi đón Văn Quận Công và Hữu Quận Công để tiến đánh Thuận Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên biết rõ âm mưu nầy, bèn lùng bắt Văn Quận Công và Hữu Quận Công, rồi giết hết cả đồng đảng. Nguyễn Khải đến biển Nhựt Lệ nghe rõ sự tình bèn kéo quân trở về. Năm 1627, thu nạp Đào Duy Từ và phong cho chức Nha Nội Úy Nội Tán, tước Lộc Kê Hầu. 

Đào Duy Từ cố vấn chúa Nguyễn Phước Nguyên trả sắc phong lại cho vua Lê và không nộp thuế cho họ Trịnh(37). Đào Duy Từ cũng giúp chúa Nguyễn đắp lũy Tường Dục, tức Lũy Thầy ở phía Bắc để phòng ngự sự xâm lăng của quân Trịnh. Ngoài ra, Đào Duy Từ còn giúp chúa Nguyễn trong việc tuyển chọn binh lính và lập sổ thu thuế một cách công bằng cho trăm họ. Nhờ vậy mà tiềm lực kinh tế của xứ Đàng Trong ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1634, Đào Duy Từ bị bệnh nặng mà qua đời. Tuy chỉ giúp cho chúa Nguyễn có 8 năm, nhưng Đào Duy Từ đã giúp cho cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở phương Nam trở nên vững vàng và có qui củ hẳn hoi. Đào Duy Từ quả xứng đáng là một bậc đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn.        



Về phía Chân Lạp, từ giữa thế kỷ thứ 15 họ đã bị người Xiêm đánh phá và liên tục xâm lấn, nên năm 1434, triều đình Chân Lạp đã phải bỏ kinh đô Angkor mà dời về Nam Vang (Phnom Penh). Sau đó lại dời về La Bích (Lovek) vào năm 1528. Đến năm 1593, quân Xiêm lại triệt hạ thành La Bích và can thiệp mạnh mẽ vào nội tình Chân Lạp. Năm 1618, quốc vương Sanyopo (Saryopory) của Chân Lạp vì quá lệ thuộc vào Xiêm La nên đã bị quần thần bắt phải thoái vị, nhường ngôi cho con trai là Prea Chey Chetta II. Và ngay cả vị vua nầy trước khi lên ngôi vua vào năm 1618, cũng đã từng phải sang Xiêm làm con tin một thời gian dài. Sau khi lên ngôi, ông thấy cần phải dựa vào thế lực của chúa Nguyễn để đối đầu với quân Xiêm nên Miên vương Chey Chetta II quyết định dời đô về Oudong và cử người em tên Preah Outey làm Phó Vương. 

Từ thời quốc vương Chey Chetta II, nước Chân Lạp nghiêng hẳn về phía Việt Nam. Chey Chetta II chẳng những xin thần phục Việt Nam mà còn xin cầu hôn với con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên gả hai nàng công nữ là Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê và Ngọc Vạn cho Miên vương là Chey Chetta II, mở đầu cho một kỷ nguyên mới cho lịch sử mở đất về phương Nam của xứ Đàng Trong. Quyết định gả công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương Chey Chetta II cũng là một trong những dự tính “tầm ăn dâu” về lâu về dài cho cuộc Nam Tiến về sau này. Cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn và Miên vương Chey Chetta II là cuộc hôn nhân ngoại giao có lợi cho cả hai bên.       

Về phía chúa Nguyễn, sau khi gả công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương, coi như rảnh tay về phía Nam để có thể dồn mọi nỗ lực đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Trong khi đó về phía Chân Lạp, họ rất cần có thế lực của chúa Nguyễn để đối đầu với thế lực xâm lược và can thiệp trắng trợn của Xiêm La từ hàng thế kỷ nay. Mà thật vậy, sau cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn và Miên vương Chey Chetta II, sự liên minh giữa Chân Lạp và xứ Đàng Trong ngày càng chặt chẽ hơn. Năm 1623, sau khi giúp Chân Lạp đánh thắng được quân Xiêm, một phái đoàn của triều đình Thuận Hóa đã đến Nam Vang, xin vua Chey Chetta II cho lập cơ quan thu thuế, cũng như đặt đồn binh tại đây lấy danh nghĩa giúp đỡ quốc vương Cao Miên giữ gìn trật tự và phòng khi có việc là kéo quân lên Nam Vang tiếp trợ ngay. Sứ bộ cũng xin phép Miên vương cho người Việt tự do vào cư ngụ trong Prey Nokor(38). Dĩ nhiên là tất cả những yêu cầu của sứ bộ Việt Nam đều được Miên vương chấp thuận. 



Đây cũng chính nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều lưu dân người Việt đổ xô vào làm ăn sinh sống ở vùng châu thổ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng đông hơn. Năm 1628, vua Chey Chetta II băng hà, triều đình Chân Lạp rối loạn, các vị hoàng tử con của các bà hoàng hậu người Miên và Lào lần lượt lên làm vua. Ponhea To làm vua từ năm 1629 đến 1630, Ponhea Nu làm vua từ năm 1630 đến 1640. Vào năm 1640, vua Ponhea Nu đột ngột băng hà, quan phụ chính Preah Outey(39) đưa con mình là Ang Non I lên làm vua (1640-1642). Năm 1642, hoàng tử Ponhea Chan (con của một bà hoàng hậu người Lào) liên kết với người Mã Lai, giết chết hoàng thúc Preah Outey và Ang Non I, rồi lên ngôi lấy hiệu là Nặc Ông Chân (1642-1659), và lấy Hồi giáo làm quốc giáo. Nặc Ong Chân đã thẳng tay đàn áp Phật giáo và những người Việt tại đây. Trước tình huống nầy, hoàng hậu Sam Đát, tức công nữ Ngọc Vạn, đưa hai người con trai về ẩn thân ở vùng Mô Xoài Bà Rịa. Như vậy, chỉ sau 5 năm kể từ ngày quốc vương Chey Chetta II cưới công nữ Ngọc Vạn, toàn vùng Bà Rịa, Biên Hòa (Kâmpéap Srekatrey), Chợ Lớn (Prey Nokor) và Bến Nghé tức Sài Gòn sau nầy (Kas Krobey) đã hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của người Việt. 

Chúa Sãi mất năm 1635. Về sau này được triều đình nhà Nguyễn truy tôn là Hy Tông Hiến Văn Hoàng đế. Dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, mặc dầu xứ Đàng Trong và Thủy Chân Lạp vẫn còn bị ngăn cách bởi một lãnh địa nhỏ còn lại của Chiêm Thành (vùng Phan Rang và Phan Thiết), ngài cũng đã tuần tự biến các vùng đất của Thủy Chân Lạp từ Prey Nokor (Chợ Lớn), Kâmpéâp Srékatrey (Biên Hòa), và Kas Krobei (Bến Nghé sau nầy là Sài Gòn) dưới sự cai trị của người Việt Nam.       



Phải thành thật mà nói, chúa Nguyễn Phước Nguyên là vị chúa duy nhất đã hy sinh hạnh phúc gia đình của chính mình vì quyền lợi của đất nước. Ông chẳng những gả hai cô con gái là các nàng công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm Pô Romê và công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương là Chey Chetta II, nhằm mở đầu cho một kỷ nguyên mới cho lịch sử mở đất về phương Nam của xứ Đàng Trong, mà ông còn gả một nàng công nữ nữa, không rõ tên, cho một thương nhân giàu có người Nhật tên Araki Sotaro, thuộc dòng dõi Samurai vào năm 1619, nhờ sự phóng khoáng và đối xử không phân biệt đó mà kể từ sau năm 1619, rất nhiều thương nhân Nhật Bản đã đến làm ăn buôn bán tại vùng phố cảng Hội An. Và cũng chính nhờ chánh sách phóng khoáng đó mà chẳng bao lâu sau khi Nguyễn Hoàng vào cát cứ xứ Đàng Trong, xứ nầy đã trở nên phồn thịnh như sự nhận xét của giáo sĩ Cristophoro Borri trong quyển “Xứ Đàng Trong Năm 1621”(40). 

Bên cạnh đó, chúa Nguyễn Phước Nguyên đã vâng mệnh cha một cách tuyệt đối, chúa đã tìm đủ mọi cách để tách rời xứ Đàng Trong ra khỏi thế lực của xứ Đàng Ngoài. Nếu nhìn thoáng qua, chúng ta có thể kết luận là chúa Nguyễn Phước Nguyên đã hành động vì nghiệp lớn của dòng họ, nhưng nếu công tâm nhận xét thì chúng ta sẽ thấy ngoài cái nghiệp lớn của dòng họ, sự hành động của chúa Nguyễn Phước Nguyên thời đó còn nhiều nguyên nhân xa và gần khác nữa. Nên nhớ thời điểm mà chúa Nguyễn Hoàng tìm cách đi về phương Nam thì triều đình vua Lê đã đến hồi quá suy tàn, và chúa Trịnh coi như lấn lướt hết quyền hành của vua Lê, guồng máy hành chánh thì rập khuôn theo thời của các vị vua đầu đời nhà Hậu Lê, nên xã hội bị kềm hãm không phát triển... Chính vì thế mà sau khi thoát được về phương Nam lần sau cùng vào năm 1600, Nguyễn Hoàng đã quyết định củng cố và phát triển xứ Đàng Trong theo một xu hướng phóng khoáng và cởi mở hơn. Đến đời chúa Nguyễn Phước Nguyên, ông đã quyết định ly khai hẳn với triều đình xứ Đàng Ngoài bằng cách thứ nhất là vào năm 1620, nhân vụ quân chúa Trịnh tấn công miền Nam, chúa đã bỏ hẳn lệ nộp thuế cho triều đình nhà Lê; thứ nhì là bãi bỏ những định chế quân sự mà triều đình nhà lê đã đặt ra như Đô Ty, Thừa Ty, và Hiến Ty, vân vân. Đến năm 1630, chúa nguyễn Phước Nguyên càng dứt khoát hơn khi trả lại sắc chỉ của chúa Trịnh Tráng, cắt đứt hẳn mọi quan hệ với xứ Đàng Ngoài, và tự xưng là ‘An Nam Quốc Vương’ trong quan hệ với các nước khác trong vùng.         

Chúa Nguyễn Phước Nguyên mất năm 1635, người con thứ hai là Nguyễn Phúc Lan lên nối ngôi chúa, lúc nầy ông được 35 tuổi, tục gọi là Chúa Thượng. Sau khi nghe tin Nguyễn Phước Lan được lên nối ngôi, trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Phước Anh nổi lên giàn quân tại cửa Đà Nẳng chống lại chúa Nguyễn, mong cướp ngôi chúa. Chúa Nguyễn Phước Lan đem quân đánh dẹp và bắt được Phước Anh (41). 



Năm 1640, chúa chuẩn bị binh mã đánh ra miền Bắc và chiếm vùng phía Bắc Bố Chính, nhưng sau đó lại trả vùng Bố Chính về cho Bắc Hà. Năm 1642, chúa Nguyễn Phúc Lan cho xây dựng trường luyện tập thủy quân trong địa phận xã Hồng Phúc, đồng thời cho luyện tập cho quân đội xứ Đàng Trong bắn súng đại bác, nhằm chuẩn bị ứng phó với quân Trịnh từ Bắc vào. Năm 1643, chúa Trịnh sai trấn thủ Nghệ An là Tiến Quận Công Trịnh Đào đem bộ binh tiến đánh xứ Đàng Trong, đồng thời cho thủy binh tiến đánh cửa Nhật Lệ, nhưng bị quân của Nguyễn Phúc Tần đánh trả mãnh liệt. Phúc Tần bắt sống được tất cả thủy quân của chúa Trịnh, nghe tin Trịnh Đào bỏ chạy về Bắc. Năm 1648, quân Trịnh cất quân đánh xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn Phước Lan trao binh quyền lại cho con trai là Nguyễn Phước Tần, hợp cùng với võ tướng Nguyễn Hữu Dật cầm quân đánh quân Trịnh. Nhiều trận đánh lớn đã xảy ra và quân Nguyễn đều thắng lớn, 3 tướng Trịnh bị bắt cùng với 3 vạn tàn quân. Tuy nhiên, cùng năm đó chúa Nguyễn Phúc Lan qua đời. Đời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), vì phải chinh chiến với Bắc quân của chúa Trịnh nên suốt thời gian này chúa Nguyễn Phúc Lan không mở mang gì nhiều về phương Nam. Chúa ở ngôi được 13 năm, thọ 48 tuổi. Về sau triều đình nhà Nguyễn truy tôn ông là Thần Tôn Hiến Chiêu Hoàng Đế.        



Đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), tức Chúa Hiền Vương. Chúa Nguyễn Phúc Tần sanh năm 1620. Lúc đầu ông được phong làm Phó Tướng Dũng Lễ Hầu. Năm 1648, ông được phong làm Tiết Chế Chủ Quân, thay thế chúa Nguyễn Phúc Lan phá quân Trịnh ở sông Gianh. Khi chúa Nguyễn Phúc Lan mất ông mới 29 tuổi, triều thần tôn Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa. Ông là người chăm lo việc nước, không chuộng việc yến tiệc vui chơi. Chúa luôn luyện tập binh sĩ và chuẩn bị khí giới đạn dược để về phía Bắc có thể chống chọi với quân Trịnh(42), đồng thời về phía Nam luôn lấn lướt Champa. 

Năm 1653, vua Champa cất quân đánh Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai quan quân phản công và đánh đuổi Champa đến tận sông Phan Rang. Chúa cho đặt dinh Thái Khương, bây giờ thuộc tỉnh Khánh Hòa. 

Năm 1655 nhân khi chúa Trịnh cho quân vượt sông Gianh, chúa bèn sai Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến kéo quân ra đánh Bắc Hà, trấn thủ Nghệ An là Trịnh Đào thua chạy. Quân đội xứ Đàng Trong chiếm được 7 huyện ở Nghệ An, nằm về phía Nam sông Lam Giang(43). 

Nhân dịp các chúa Nguyễn phải chinh chiến với quân Trịnh liên miên nên Nặc Ong Chân tiếp tục truy đuổi người Việt đến tận vùng Bà Rịa và Nam Bình Thuận. 

Năm 1658, các hoàng thân thuộc phe cánh của Nặc Ông Nọn I phải chạy về vùng Mô Xoài cầu cứu với Hoàng Thái Hậu Sam Đát. Trước tình thế nầy, công nữ Ngọc Vạn, tức Hoàng Thái Hậu Sam Đát, buộc lòng phải yêu cầu cháu của mình là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (Nguyễn Phúc Tần là cháu kêu công nữ Ngọc Vạn bằng cô) giúp đỡ. Tháng 10 năm 1658, chúa Hiền Vương sai Nguyễn Phúc Yến(44), trấn thủ Phú Yên, đem 3.000 quân vào đánh Cao Miên. Quân Chân Lạp thua to ngoài khơi Bà Rịa và trận Gò Bích. Theo sử Cao Miên ghi lại: “Một hạm đội quân Cao Miên chặn đánh quân Việt Nam, nhưng bị thua to, Nặc Ong Chân bị bắt nhốt vào cũi sắt đưa ra Quảng Bình và mất tại đó vào năm 1660.”(45) 



Sau biến cố nầy, người dân Chân Lạp trong vùng Mô Xoài-Bà Rịa tự động bỏ đi về miền Tây, tức là các vùng Trà Vinh, Vĩnh Long, và Sóc Trăng ngày nay. Như vậy, kể từ sau năm 1658, toàn vùng Mô Xoài-Bà Rịa không còn người Khmer nào sinh sống lẫn lộn với người Việt nữa.      

Cũng năm 1660, chúa Hiền Vương lập Battom Reachea làm Chánh Vương Chân Lạp, đóng đô ở Udong. Và Ang Non làm Nhị Vương và đóng đô ở Prey Nokor, tức vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay. Từ đó Chân Lạp xin thần phục chúa Nguyễn như cũ. Sử Cao Miên đã chua xót ghi lại sự kiện nầy như sau: “Nhờ người Việt Nam mới được làm vua, quốc vương Battom Reachea ký hòa ước nhận triều cống chúa Nguyễn hàng năm. Cho người Việt làm chủ phần đất vừa khai hoang. Cho người Việt được định cư trong lãnh thổ Chân Lạp và hưởng quyền ngang hàng với người Miên.” Như vậy lần nầy công nữ Ngọc Vạn chính thức xác lập chủ quyền của người Việt Nam trên xứ Thủy Chân Lạp, đồng thời bà cũng giúp vương quốc Chân Lạp không bị rơi vào tay của nước Xiêm La đang bành trướng về phía Đông. 



Năm 1672, Battom Reachea bị con rể giết chết, con trưởng của Battom Reachea là Ang Chey, mà sử Việt Nam gọi là Nặc Ong Đài, được quân Xiêm giúp sức giết chết anh rể để lên ngôi. Từ đó tân vương Nặc Ông Đài dựa thế quân Xiêm, luôn mang quân sang lấn ép vùng Đồng Nai.       



Năm 1674, Nặc Ông Đài đưa quân Xiêm sang đánh Ang Non, phá các lũy Sài Gòn và Bích Đôi. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai Cai Cơ Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Đình Phái đem quân vào đánh chiếm Sài Gòn, rồi sau đó tiến quân lên Nam Vang. Nặc Ong Đài và quân Xiêm thua chạy. Sau đó Ong Đài bị triều đình Chân Lạp giết chết. Em của Nặc Ong Đài là Nặc Ong Thu lên nối ngôi, xin hàng quân chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bèn sai đưa Ong Thu, tên Khmer là Ang Saur, về Long Úc (Oudong) lên ngôi lấy hiệu là Chey Chetta IV. Trong khi đó Nặc Ong Nộn vẫn tiếp tục làm phó vương tại Prei Nokor.         



Năm 1679, tức năm Khang Hy thứ 18, các cựu thần nhà Minh không phục nhà Thanh nên ào ạt chạy qua tỵ nạn bên Xứ Đàng Trong. Trong số nầy có quan Tổng Binh các phủ Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên cùng Phó Tướng Trần An Bình, mang 3.000 binh lính và trên 50 chiến thuyền, được Chúa Hiền cho giữ nguyên quân hàm và chức tước để đến khẩn vùng đất Đồng Nai; và quan Tổng Binh Long Môn Dương Ngạn Địch cùng Phó Tướng Hoàng Tiến, cũng được Chúa Nguyễn cho giữ nguyên quân hàm và chức tước để đến khẩn vùng đất Mỹ Tho. Từ đó các nơi này trở nên phồn thịnh, phố xá mọc lên, buôn bán hưng vượng. Thuyền buôn của nhiều xứ đến giao thương tấp nập. Ngoài ra, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, nhiều kinh đào được khởi đào như kinh Trung Đan và kinh Mai Xá, nên việc dẫn thủy nhập điền rất tốt, thóc lúa được mùa. 

Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã đưa sắc chỉ sang Cao Miên bảo Nặc Thu để đất cho Dương Ngạn Địch khai khẩn. Nặc Ong Thu đã nhanh chóng chấp thuận đề nghị của chúa Hiền vì theo mối liên hệ gia tộc, ông chính là cháu nội của công nữ Ngọc Vạn. Về sau nầy, chính các di thần nhà Minh đã thay mặt chúa Nguyễn trong việc bảo vệ và phát triển vùng đất phương Nam, nhất là Mạc Cửu và con cháu tại vùng trấn Hà Tiên, và Trần Thượng Xuyên cùng con trai là Trần Đại Định trên vùng đất Biên Hòa. 

Cũng chính nhờ các di thần nhà Minh mà uy danh các chúa Nguyễn ngày càng trở nên to lớn đối với vương quốc Chân Lạp. Họ được giữ nguyên quân hàm và chức tước như lúc còn ở bên Trung Hoa, chính vì thế mà họ đã hết lòng phò trợ các chúa Nguyễn trong việc bảo vệ bờ cõi. Bên cạnh đó, họ cũng xông pha nơi trận mạc giúp các chúa bảo vệ và mở rộng lãnh thổ.        



Năm Đinh Mão 1687, chúa lâm bệnh nên gọi người con thứ hai là Hoằng Ân Hầu Nguyễn Phúc Trăn tới dạy bảo: “Ta bình sinh vào sanh ra tử để giữ nhà giữ nước. Mày nối ngôi phải sửa thêm nhân chính cho yên bờ cõi. Các quan văn võ đều do ta cất dùng, phải đem lòng tin yêu, cùng mưu mọi việc, đừng để cho bọn tiểu nhân lẻn vào.” Dạy xong, chúa mất(46), ở ngôi được 39 năm, thọ 68 tuổi.      

Đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691), tức Chúa Nghĩa Vương(47). Ngay sau khi lên nối ngôi cha, chúa Nghĩa vương cho dời kinh đô về Phú Xuân để có khoảng cách với biên thùy phía Bắc với quân Trịnh, phòng khi bị tấn công bất ngờ. Năm 1688, phó tướng của Dương Ngạn Địch là Hoàng Tiến nổi lên giết chủ tướng, tự xưng là “Phấn Dũng Hổ Oai Tướng Quân”, thống lãnh toàn bộ quân sĩ Long Môn, đóng đồn ở vùng Định Tường, di quân sang đóng ở Nan Khê, nay là vùng Kiến Hòa(48). Những việc làm nầy của Hoàng Tiến đã khiến cho Nặc Ông Thu hiểu lầm rằng đây là ý của các chúa Nguyễn nên chẳng những bỏ lệ triều cống, mà còn chuẩn bị quân lính nhằm đánh phá lại triều đình nhà Nguyễn(49). 

Tháng 11 năm 1688, chúa Nguyễn Phúc Trăn phái phó tướng trấn biên dinh Nha Trang là Vạn Long Hầu làm chức Thống binh, Thắng Long hầu và Tân lễ hầu làm chức Tả Hữu vệ tướng quân, chính dinh thủ hợp Văn phái hầu làm chức Tham mưu, và Hoàng Tiến làm tiên phong(50) xua quân đánh chiếm Nam Vang. Tuy nhiên, chúa vẫn được sự thần phục của nhị vương Nặc Nộn ở Prei Nokor. Đến tháng giêng năm 1690, chúa sai lão tướng Vạn Long đem quân đến Rạch Gầm dàn trận. Vạn Long dùng mưu bắt được Hoàng Tiến(51). Vua Cao Miên cả sợ bèn xin được triều cống như xưa(52).

 Sau đó, vào tháng 8 năm 1690, chúa Nguyễn ra lệnh cho quan quân nhà Nguyễn rút về Phú Xuân. Nói chung, đời chúa Nguyễn Phúc Trăn vẫn giữ kế hoạch lưu dân về phương Nam, nhưng không có gì đáng nói. Quan hệ với Chân Lạp vẫn tốt đẹp. Chúa chỉ ở ngôi có 4 năm rồi băng hà vào năm 1691, thọ 43 tuổi(53).      



Đời chúa Nguyễn Phúc Chu(54) (1691-1725). Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn băng hà, người con cả là Nguyễn Phúc Chu lên nối ngôi. Đây là thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn tạm ngừng trên 30 năm, bờ cõi tạm yên ổn, nên chúa Nguyễn Phúc Chu có nhiều cơ  hội mở đất về phương Nam hơn. Năm Giáp Thân (1692), khi vua Chiêm là Bà Tranh kéo sang nước ta cướp bóc, sau đó họp quân đắp lũy ở phủ Diên Ninh. Quan Trấn thủ dinh Bình Khang liệu chống không nổi phải báo về chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn phong cho Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (có sách viết là Nguyễn Hữu Kỉnh) lãnh chức Tổng binh (Thống binh) cùng với Tham Mưu Nguyễn đình Quang cất quân đi đánh dẹp. Tháng giêng năm Quý Dậu (1693), Nguyễn hữu Cảnh đánh bại và bắt được Bà Tranh và tướng Chiêm là Kế Bà Tử. Chúa cho đổi đất Chiêm Thành ra làm trấn Thuận Thành(55). Năm Đinh Sửu 1697, chúa cho lấy đất Phan Rang và Phan Rí trở về phía Tây đặt phủ Bình Thuận, chia làm hai huyện An Phúc và Hòa Đa. Như vậy tính đến năm 1693 quân chúa Nguyễn tiến đến Phan Thiết, và đất Bình Thuận trở thành vùng Biên Trấn của xứ Đàng Trong. 



Mặc dầu chưa đặt được nền móng trên vùng đất Thủy Chân Lạp, ngay từ sau khi chiếm được Phú Yên (1611), chúa Nguyễn Hoàng đã khuyến khích lưu dân Việt Nam đi về phương Nam khẩn hoang lập ấp. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa bắt đầu có kế sách đưa dân vào vùng Mô Xoài(56) và vùng Nông Nại(57) để khai phá đồn điền. Năm Đinh Sửu 1697, chúa cho lấy đất Phan Rang và Phan Rí trở về phía Tây đặt phủ Bình Thuận. Cùng năm đó, chúa Nguyễn lại cho phép các cựu thần của nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn vùng Đông Phố(58) và Đại Phố(59). Đồng thời với các di thần nhà Minh nầy, tại vùng Mang Khảm, nay là Hà Tiên, có một người Phước Kiến tên là Mạc Cửu cũng đến đây xin vua Chân Lạp cho phép khai khẩn hoang địa. 



Năm 1698, Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh tuyên bố chủ quyền đất đai xứ Đàng Trong tại hai huyện An Phúc và Hòa Đa thuộc vùng biên trấn Bình Thuận. Cùng năm đó, chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn hữu Cảnh vào Nam làm Kinh Lược đất Chân Lạp và chia đất Đông Phố(60) ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phú để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên(61) và Trấn Phiên(62), lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng Dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng Dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương... Lúc đó toàn bộ miền Nam có 40 ngàn hộ gia đình. Kể từ đó người Hoa khắp nơi đi lại buôn bán với người Nam rất sầm uất. Như vậy sau đúng 75 năm kể từ ngày chúa Nguyễn Phúc Nguyên gã công chúa Ngọc Vạn cho vua Miên là Chey Chetta II, vùng đất Mô Xoài-Bà Rịa-Nông Nại-Prey Nokor đã chính thức được ghi vài sổ địa bạ của xứ Đàng Trong.       



Trong khi đang chiến tranh với Champa, chúa Nguyễn cũng bắt đầu đưa dân đến khai khẩn sâu trong nội địa vùng đất Thủy Chân Lạp. Năm 1699, quốc vương Chân Lạp là Nặc Ông Thu đem quân chống lại với quân đội của chúa Nguyễn, chúa bèn sai quan Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh đem quân lên tận Nam Vang để can thiệp và dàn xếp sự rối loạn trong triều đình Chân Lạp. Nặc Ông Thu bỏ chạy, con trai của Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm mở cửa thành xin hàng. Về sau, Nặc Ông Thu cũng trở về xin hàng, và xin được triều cống như trước. Sau đó Nguyễn Hữu Cảnh rút quân về nước vào khoảng tháng 4 năm 1700. Trên đường về ông cho quân sĩ theo dòng sông Tiền, trú đóng tại cù lao Cái Sao(63). 

Một số binh sĩ phát bịnh dịch và chính ông cũng nhiễm bịnh và qua đời chỉ hai ngày sau khi ông rút khỏi vùng nầy. Khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh rút quân khỏi cù lao Cái Sao, một số binh sĩ bị bệnh và một số khác tình nguyện ở lại vùng nầy để khai khẩn đất đai lập nghiệp. Và theo đề nghị của quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trước khi ông qua đời, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho thêm lưu dân đến khai thác vùng cù lao Ông Chưởng(64). Như vậy vùng đất nầy đã có lưu dân người Việt đến khai khẩn trước khi quốc vương Chân Lạp hiến cho triều đình xứ Đàng Trong. Về sau dân vùng nầy được gọi là người dân Hai Huyện, trực thuộc phủ Gia Định. Ít lâu sau, Nặc Ông Nộn mất, Chánh vương Nặc Ông Thu tiếp tục phong cho con trai của Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm làm quan trong triều. Sau đó Ông Thu nhường ngôi cho con trai là Nặc Ông Thâm.        



Năm Ất Dậu 1705, Nặc Thu nhường ngôi lại cho con là Nặc Thâm, nhưng giữa Nặc Thâm(65) và Nặc Yêm có sự bất hòa, nên Nặc Yêm chạy về Gia Định cầu cứu Nguyễn Cửu Vân. Chúa sai Nguyễn Cửu Vân mang quân sang đánh Nam Vang, Nặc Thâm thua chạy sang Xiêm, Cửu Vân đưa Nặc Yêm về lên ngôi tại thành La Bích (Lovek). Sau khi kéo quân về đóng ở Vũng Gù, Nguyễn Cửu Vân quân lính hợp cùng lưu dân người Việt khai khẩn vùng đất Vũng Gù Tầm Bôn (Tân An ngày nay) và Lôi Lạp (Gò Công), nhưng chưa chính thức được Miên vương cho phép. Ông cho lập đồn binh và đào kinh cho rạch Vũng Gù ăn thông sang rạch Mỹ Tho, nối liền sông Vàm Cỏ Tây qua sông Tiền. 

Như vậy, trong khoảng 7 năm từ năm 1698 đến 1705, từ khi quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xứ Đàng Trong đã chính thức tuyên bố chủ quyền của mình trên phần đất Nam Kỳ với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy hành chánh cho đến ngày nay. Từ trước, Mạc Cửu(66) đã dâng đất Hà Tiên cho xứ Đàng Trong, nhưng chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, trên thực tế vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên. 



Mạc Cửu là người đầu tiên có công khai phá và phát triển phủ Sài Mạt của Chân Lạp, từ Chưng Rum, Linh Quỳnh, Cần Bột (Kampot), Sài Mạt, đến Hà Tiên chạy xuống Rạch Giá, xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc. Tháng 8 năm Mậu Tý 1708, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng Trương Cầu, Lý Xá mang lễ vật đến kinh đô gặp chúa Nguyễn xin dâng đất Hà Tiên. Chúa phong cho Mạc Cửu làm Tổng Binh trấn Hà Tiên, một chức quan lớn của triều đình xứ Đàng Trong. Đến năm 1714, chúa Nguyễn chính thức sáp nhập vùng đất Mang Khảm vào xứ Đàng Trong, nhưng vẫn phong cho hai cha con Mạc Cửu và Mạc Thiên Tích làm quan Đô Đốc cai trị vùng đất nầy. 

Hồi nầy Hà Tiên trở thành một thương cảng quan trọng nhất của vùng nầy. Năm Giáp Ngọ 1714, Nặc Ông Thâm lại kéo quân Xiêm La về đánh chiếm thành La Bích và truy đuổi Nặc Ông Yêm. Ông Yêm cho người sang Gia Định cầu cứu. Quan Đô Đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên được lệnh chúa Nguyễn phối hợp cùng phó tướng Biên Trấn Nguyễn Cửu Phú đem quân sang đánh. Quân Đại Việt bao vây Ông Thu và Ông Thâm trong thành La Bích. Sau cùng Ông Thu và Ông Thâm phải trốn sang Xiêm La, và Nặc Ông yêm được xứ Đàng Trong đưa lên ngôi vua Chân Lạp. 



Năm 1725, Nguyễn Phúc Chu mất, chúa ở ngôi chúa được 34 năm, thọ 51 tuổi(67).   Đời Nguyễn Phúc Trú (1725-1738)(68). Khi chúa Nguyễn Phúc Chu mất, ông lên nối ngôi lúc 30 tuổi. Dù không có gì đặc sắc, nhưng dưới thời chúa Phúc Trú có hai  biến cố quan trọng: thứ nhất là vào năm 1731, Nặc Tha dâng đất Long Hor (Long Hồ) và Mesa (Mỹ Tho) cho Trần Đại Định, lập nên Dinh Long Hồ. Biến cố thứ nhì    cũng xảy ra vào năm 1736, sau khi Mạc Cửu qua đời, Chúa Phúc Trú phong cho con cả của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ tiếp tục làm Tổng Trấn Hà Tiên. Đây là thời kỳ cực thịnh của vùng Hà Tiên về cả quân sự, kinh tế, lẫn văn học. Về quân sự, Thiên Tứ cho tuyển mộ binh sĩ tinh nhuệ, đắp thành lũy kiên cố; về kinh tế thì mở phố chợ và hải cảng buôn bán với thuyền bè nước ngoài; còn về văn học mở Chiêu Anh Các, mà hiện vẫn còn quyển “Hà Tiên Thập Vịnh.” Như vậy chỉ trong vòng 5 năm dưới thời chúa Phúc Chú mà tướng quân Trần Đại Định đã giúp đưa cả một vùng đất  bao la bạt ngàn về sáp nhập với Việt Nam, và Mạc Thiên Tứ đã giúp chúa Nguyễn một cách đắc lực trong việc phòng thủ về phía cực Nam. Chúa Nguyễn Phúc Trú mất năm 1738, ở ngôi 13 năm, thọ 43 tuổi(69).      



Đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)(70). Đây là lần đầu tiên, một vị chúa ở phương Nam xưng vương, cho đúc ấn Quốc Vương, và bố cáo cho toàn dân được rõ. Tuy nhiên, về mặt hành chánh vẫn còn dùng niên hiệu của Vua Lê. 



Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Thiện Chánh Hầu làm Thống suất và Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Ký Lục, đem quân sang đánh Chân Lạp(71). Sau khi thắng trận, chúa Nguyễn bèn cử Nguyễn Cư Trinh tiếp tục ở lại miền Nam để chiêu mộ lưu dân khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho lập đạo Trường Đồn, gồm vùng Mỹ Tho và Cao Lãnh ngày nay. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên(72). 



Năm 1754, chúa cho xây dựng hàng loạt cung điện tại kinh đô Phú Xuân. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, kinh đô Phú Xuân đã trở thành một nơi văn vật và đô hội lớn của xứ Đàng Trong. Đây cũng chính là nơi mà chúa Nguyễn tiếp đón các quốc vương láng giềng mỗi khi họ đến thăm xứ Đàng Trong. Năm 1755, các ông Trịnh Hoài Đức, Ngô nhơn Tịnh và Lê quang Định cũng lập ra thi xã, thắp sáng ngọn đuốc văn hiến nơi góc trời cực Nam của tổ quốc. 



Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp cho xứ Đàng Trong để chuộc tội(73). 



Năm 1757, sau khi vua Nặc Nguyên bên Miên băng hà, một người chú họ tên Nặc Nhuận, vì muốn lên ngôi vua nên đem dâng hai xứ Preah Trapeang và Bassac(74) dâng lên Chúa Nguyễn để xin cầu phong, nay là các vùng này thuộc tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Sau đó, cùng năm 1757, hoàng tộc Chân Lạp rơi vào cảnh hỗn loạn, con Nặc Nguyên là Nặc Tôn xin Thiên Tích tâu với chúa Nguyễn cho mình lên ngôi. Sau khi Nặc Tôn lên ngôi, ông lại dâng luôn phần đất còn lại duy nhất của Chân Lạp tại miền Nam lên chúa Nguyễn, đó là vùng đất Tầm Phong Long, ngày nay là các vùng Sa Đéc, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc và một phần của Rạch Giá. 

Như vậy, tính đến năm 1757, cả vùng đất Thủy Chân Lạp ngày trước đã hoàn toàn trực thuộc triều đình xứ Đàng Trong. Và chỉ trong vòng 137 năm (1620-1757), người Việt Nam đã nhảy vọt qua khỏi vương quốc Champa để tiến vào khai phá và hoàn tất công cuộc thiết lập bộ máy chánh quyền trên vùng đất Thủy Chân Lạp(75). 

Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây thì nơi đây hãy còn là một khu hoang địa với rừng thiêng nước độc. Năm 1759, Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tích đưa về làm vua xứ Chân Lạp. Chúa Võ Vương sai Thiên Tích đưa Nặc Tôn về Nam Vang. Sau đó Nặc Tôn dâng thêm vùng Tầm Phong Long, ngày nay là các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Sa Đéc, Cao Lãnh, và một phần của Rạch Giá cho xứ Đàng Trong. Các vùng đất nầy đều được chúa Nguyễn cho trực thuộc quyền cai quản của quan Lưu Thủ dinh Long Hồ. Ngày đó quan Kinh Lược Nguyễn Cư Trinh cho lập đồn dọc theo sông Cửu Long, gần biên giới để bảo vệ an ninh cho cư dân miền Nam.       

Vì công tử cả mất lúc còn nhỏ nên chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lập công tử thứ 9 tên là Hiệu làm thế tử, nhưng công tử Hiệu mất năm 1760, mà hoàng thân Dương, tức con của công tử Hiệu hãy còn quá nhỏ, nên chúa có ý muốn cho công tử Luân, tức là cha của vua Gia Long lên nối ngôi chúa. Khi Nguyễn Phúc Khoát mất vào năm 1765, Trương Phúc Loan phế bỏ Nguyễn Phúc Luân, lập Nguyễn Phúc Thuần, con thứ 16 của chúa Nguyễn Phúc Khoát, lên ngôi. 

Hồi này triều đình Thuận Hóa đã quá rối ren, lại thêm áp lực nặng nề của quân Trịnh ở Bắc Hà, quân Tây Sơn ở Qui Nhơn, và quân Xiêm ở Hà Tiên, nên trong suốt thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Thuần chỉ lo chạy trốn để được thoát thân khỏi các cuộc truy kích của quân Trịnh và Tây Sơn mà thôi.  Mặc dầu vào cuối thế kỷ thứ 18 thì thế lực của nhà Nguyễn đã suy tàn do sự lộng quyền của Trương Phúc Loan, nhưng dòng họ Mạc trên đất Hà Tiên vẫn một lòng trung thành với chúa. 

Đến năm 1780, Mạc Thiên Tứ lại chính thức dâng đất Mang Khảm(76). Đến đây coi như cuộc Nam tiến đến chót mũi Cà Mau và Hà Tiên đã hoàn tất. Tuy nhiên, Đại Việt vẫn còn chia làm hai vùng: xứ Đàng Ngoài dưới sự cai trị của vua Lê và chúa Trịnh, xứ Đàng Trong dưới sự cai trị của chúa Nguyễn. 

       

Sau năm 1757, công cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam coi như hoàn tất. Dân tộc Việt Nam phải mất gần 700 năm mới lấy được toàn bộ vùng đất phía Nam, từ vùng duyên hải miền Trung đến tận Mũi Cà Mau(77). Lịch sử Nam tiến nhằm mở đất về phương Nam của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với kế hoạch khẩn hoang đã có từ thời các vua Đinh, Lê, Lý, Trần... Ngay từ thời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), nhà vua đã nhìn thấy cảnh đất hẹp người đông của xứ Đại Việt, nên ngài đã cho thi hành kế sách thành lập những đồn điền nơi vùng biên trấn phương Nam. Chánh sách đồn điền của các vị vua thời nhà Lê đã đem đến những lợi ích thiết thực cho dân tộc Việt Nam, một là giữ được an ninh cho vùng biên thùy, hai là mở rộng bờ cõi một cách ôn hòa. 

Chính vua Lê Thánh Tôn đã đặt ra chức quan Thu Ngự Kinh Lược Sứ đầu tiên với nhiệm vụ chiêu tập lưu dân, gồm những người tình nguyện và những tội nhân bị lưu đày biệt xứ, cũng như những người bỏ làng để trốn lính và thuế đều được cho vào nhóm lưu dân đi khẩn đất phương Nam. Chính những quan kinh lược thời nhà Lê đã âm thầm đưa lưu dân lấn sang đất Chiêm, thành lập những đồn điền do quân đội trấn giữ an ninh, đã đặt các vua Chiêm Thành trước việc đã rồi, nhưng vì thời đó quân đội Chiêm Thành quá yếu nên họ không làm gì được. 

Tuy nhiên, mãi đến đời các chúa Nguyễn thì kế hoạch ấy mới được thực thi một cách rõ nét vì từ trước khi các chúa nhà Nguyễn thiết lập những đơn vị hành chánh trên miền đất Nam Kỳ thì đã có sẵn cư dân người Việt xiêu tán đến đây chung sống với những người Mạ, Stiêng, Môn, Khmer... Không biết họ đến đây từ bao giờ, nhưng có lẽ họ đã đến đây từ lâu lắm. Ban đầu số dân xiêu tán chỉ gồm những người bị tù lưu đày biệt xứ hay những người quá nghèo khổ mà bỏ xứ ra đi, nhưng rồi đến đời các chúa nhà Nguyễn số dân xiêu tán ngày càng tăng vì sinh hoạt trên những vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... ngày càng khó khăn. Trong số những cư dân xiêu tán mới này người ta thấy có cả những người thợ thủ công nghệ có tay nghề khá cao, những quân nhân đem toàn bộ gia đình vào định cư ở những vùng đất mới, và ngay cả những nông dân không chịu nổi dưới ách áp bức của quan lại địa phương vùng Thuận Hóa.        

Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam không phải là một diễn tiến tình cờ, mà là một diễn tiến tất yếu và có kế hoạch hẳn hòi, nhất là từ khi Nguyễn Hoàng vào dung thân trong Thuận Hóa theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai câu sấm nổi tiếng:  “Hoành Sơn nhất đái Vạn đại dung thân.”      
 ( Mời Xem Tiếp Phần 3)
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét